Độc Chất Trong Nhà
Thưa đây không phải là “rung cây nhát khỉ”, hù dọa để bán sản phẩm đặc chế, kiếm lợi nhuận làm giầu, mà là sự thực một trăm phần trăm. Trong căn nhà thân yêu mà ta đang ở chứa đủ loại hóa chất có thể đưa tới dị ứng, nhức đầu, mất khẩu vị, mất ngủ, suy yếu hệ miễn dịch, bệnh nhiễm do vi khuẩn, nấm độc...Ấy là chưa kể những rủi ro trầm trọng hơn như ung thư, sinh con khuyết tật.
Đúng vậy, hàng năm, tại Hoa Kỳ có tới hơn 2 triệu trường hợp trúng độc được báo cáo trong số đó trên 90% là do tiếp xúc với hóa chất nguy hại ngay tại nhà ở của dân chúng.
Trong thông điệp gửi quốc dân nhân tuần lễ phòng chống độc chất vào tháng 3 năm 2006, Tổng Thống Hoa Kỳ Goerge W. Bush nhấn mạnh về nguyên nhân tử vong thường thấy nhất từ chất độc trong nhà là hơi carbon monoxide. Đây là một loại hơi không mùi không mầu phát ra từ bếp lò, bếp gas, xe hơi. Mỗi năm có tới 500 người chết vì hơi độc này, nhất là vào mùa đông tháng giá.
Từ hơn một nửa thế kỷ vừa qua, có trên 75,000 hóa chất tổng hợp được ghi danh với cơ quan Môi Trường Hoa Kỳ để phụ vào việc chế tạo đồ gia dụng. Trong số các chất này, chỉ có một số rất ít được phân tích coi xem có gây ra rủi ro cho sức khỏe hay không.
Ý thức được sự trầm trọng của vấn đề, ngày 16 tháng 9 năm 1961, Quốc Hội Hoa Kỳ đã biểu quyết chọn tuần lễ thứ ba của tháng Ba hàng năm là Tuần Lễ Phòng Chống Độc Chất (National Poison Prevention Week). Mục tiêu của tuần lễ là nhắc nhở mọi người lưu tâm tới rủi ro gây ra do hóa chất có hại để cùng nhau giảm thiểu bệnh hoạn, thương tích, tử vong vì trúng độc cũng như giảm chi phí y tế và tạo ra một cộng đồng an toàn.
Theo Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi người Mỹ ở mọi lứa tuổi đều mang một lượng đáng kể của 148 hóa chất, trong đó có vài hóa chất đã bị cấm từ hai thập niên về trước vì có tác dụng nguy hại. Các chất tổng hợp có hại như PVC có trong hầu hết đồ gia dụng như thuốc trừ sâu bọ, chất tẩy rửa, xăng nhớt, chất hòa tan và cả trong dược phẩm.
Nếu đi thanh tra một vòng trong nhà, ta thấy hóa chất có hại hiện diện khắp các phòng.
Ở trong bếp là các dung dịch lau chùi bếp, bàn ghế, chậu rửa chén bát, xà phòng rửa nồi niêu soong chảo, chén bát. Các dung dịch này thường có các hóa chất như sodium hypochloride trong chất làm trắng; chlorine có thể gây khó khăn cho sự hô hấp; phenol hoặc cresol trong dung dịch sát trùng gây tiêu chẩy, chóng mặt, xỉu; amoniac lau kính làm cay mắt, nhức đầu.
Trong buồng tắm, nhiều mỹ phẩm có chứa các hóa chất có hại. Nghiên cứu công bố trên New England Journal of Medicine ngày 1 tháng 2 năm 2007 mới đây cho biết mỹ phẩm gội đầu có tinh dầu thảo mộc lavender gây ra chứng to vú đàn ông (gynecomastia). Mỹ phẩm gội đầu thường có cresol, formaldehyde, glycol; kem mềm da có phenol, glycols; trong keo xịt tóc có butane, nhựa formaldehyde. Mới đây, chất Sudane trong kem đánh răng xuất xứ Trung Hoa cũng được nhắc nhở tới. Các chất này đểu gây rủi ro cho sức khỏe.
Màn cửa, vải bọc ghế tại phòng ngủ, phòng khách có chất nhựa formaldehyde để khỏi nhăn nheo. Thảm lót nhà làm bằng sợi hóa chất đã được xịt thuốc trừ nấm, sâu bọ. Bàn ghế làm bằng gỗ ép có xịt thêm hóa chất formaldehyde cho cứng, bền.
Nhà để xe thì “hầm bà làng” đủ các loại hóa chất từ bình xăng cho máy cắt cỏ, xăng dầu máy xe hơi, sơn, nước làm lỏng sơn, khói xe hơi, chất trừ muỗi kiến, phân bón hoa bón cỏ...và thùng rác.
Ngoài ra, gạch men bóng có chất chì, chromium, manganese dioxide trong sơn mầu, gạch mầu, glycol ether trong các sản phẩm về ảnh, sơn mài...đều có thể gây rủi ro cho sức khỏe.
Độc chất xâm nhập cơ thể qua da, qua hô hấp hít thở, qua đường tiêu hóa.
Với trẻ em, hậu quả trúng độc trầm trọng hơn vì nhiều lẽ:
• Trẻ em thở nhanh hơn người lớn và số lượng không khí vào phổi nhiều hơn
• Kích thước bé nhỏ của các em sẽ chịu nhiều hậu quả hơn người lớn với cùng một số lượng hóa chất.
• Hơi độc thường nặng hơn không khí, tập trung nhiều ở phía dưới, mà các em lại thấp nên lãnh đủ
• Các em chưa đủ khả năng loại bỏ độc chất trong cơ thể như người lớn
• So với trọng lượng cơ thể, các em ăn nhiều hơn, uống nhiều hơn, hít thở nhiều hơn, hấp thụ qua da nhiều hơn nên mang vào nhiều độc chất từ thực phẩm, không khí ô nhiễm.
Chẳng hạn như với kim loại chì: một lượng nhỏ chì có thể gây ra khó khăn học hỏi cho em bé mà không có ảnh hưởng gì tới người trưởng thành. Chỉ với 10mg chì trong 10 ml máu của một em bé 2 tuổi là đủ để làm giảm chỉ số thông minh của cả người lớn lẫn trẻ em.
Phụ nữ có thai cũng có rủi ro sinh con khuyết tật khi nhiễm các hóa chất trong nhà. Người già, cơ thể yếu cũng bị nhiều hậu quả không tốt. Giảm thiểu rủi ro do hóa chất
1-Mua sản phẩm
Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm gia dụng không có hóa chất nguy hại mà ta có thể lựa chọn. Thay vì dùng các chất tẩy rửa có thể gây rủi ro như chlorine, nên thay thế với washing soda và borax, vừa rẻ mà cũng vừa có công hiệu
Mua chất lau chùi đa dụng, tức là có thể lau chùi nhiều đồ dùng khác nhau, để giảm thiểu số lượng hóa chất trong nhà.
- Khi mua, cần đọc kỹ thành phần hóa chất và hàng chữ cảnh báo trên nhãn hiệu như:
-Độc chất (TOXIC) là những chất gây độc hại rất cao
-Hiểm nghèo (DANGER) là những chất rất dễ cháy, ăn mòn và độc
-Cẩn thận (CAUTION, WARNING) có độc tính trung bình
-Mua vừa đủ số lượng cần dùng và dùng trong một thời gian ngắn.
-Tránh sản phẩm chứa trong bình có áp suất cao (aerosol) vì bình có thể nổ và bụi hóa chất rất nhỏ, dễ hít vào phổi.
-Khi mua sơn, chọn loại sơn nước thay vì sơn dầu
2-An toàn khi dùng
• Giữ trong bình nguyên thủy với nhãn hiệu
• Mang thiết bị bảo vệ: kính che mắt, quần áo chống thấm, bao tay
• Dùng ở nơi thoáng khí. Nếu dùng trong nhà, mở cửa sổ và chạy quạt để xua đẩy hơi độc ra ngoài. Trong khi làm việc, nên thường xuyên ra ngoài trời hít thở không khí trong lành
• Không dùng quá số lượng chỉ dẫn của nhà sản xuất
•Không pha trộn hai ba chất với nhau trừ khi có hướng dẫn của nhà sản xuất.
•Không ăn uống, hút thuốc lá nơi làm việc có hóa chất. Một chút hóa chất dính trên ngón tay có thể vào miệng.
•Nếu đang mang thai, không nên tiếp cận với hóa chất độc hại để tránh hậu quả xấu cho thai nhi.
•Không nên mang kính sát mắt (contact lenses) khi làm việc với chất hòa tan, vì hóa chất có thể ngấm vào nhựa của kính.
•Dùng bình phun nước tay (pump spray) hơn là bình phun dưới áp suất (aerosols). Aerosol tạo ra bụi nước dễ hít vào phổi cũng như tỏa ra nhiều hóa chất bay hơi trong không khí, gây ô nhiễm.
• Lau rửa sạch sẽ dụng cụ, nơi làm việc sau khi dùng.
3-Cất giữ
• Để chất độc hại trên chỗ cao, có khóa, xa tầm với của trẻ em.
• Cất trong đồ chứa nguyên thủy với nhãn hiệu gốc.
• Không cất giữ chất có hại trong bình thực phẩm.
• Đậy nắp thật kín, tránh bốc hơi, đổ ra ngoài.
• Để riêng rẽ những chất kỵ nhau, chất dễ cháy xa chất làm hao mòn.
• Giữ bình đựng hóa chất nơi khô ráo, tránh sét gỉ.
• Cất chất dễ cháy xa nơi có nhiệt hoặc tia lửa.
• Không để hóa chất cùng chỗ với thực phẩm, nước uống.
4-Vứt bỏ
Dùng không hết thì phải vứt bỏ. Mà vứt bỏ cũng phải hợp lý, hợp pháp để tránh chất độc làm ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, khi ta vứt bỏ một bình thuốc diệt sâu bọ vào thùng rác. Rác này sẽ được mang ra khu phế thải. Chất độc có thể ngấm vào lòng đất và làm ô nhiễm một mạch nước.
Nên tìm hiểu quy luật tại mỗi địa phương về việc vứt bỏ các chất có hại, chứ không nên bỏ hết vào thùng rác.
Vài chất để lau rửa
Trước khi có các hóa chất gây hại, con người đã tận dụng các chất ít độc để lau chùi nhà cửa, đồ đạc, như là:
-Baking soda, giấm, xà phòng gốc thực vật đều rất tốt, có thể dùng thay cho chlorine và phosphate. Baking soda là sodium bicarbonate, có thể dùng để lau bóng mà không sây sát đồ vật, và có thể để khử mùi hôi ở thảm, tủ lạnh.
-Nước trái chanh có chất acid citric, rất tốt để tẩy mùi hôi và để chùi kính, tẩy vết dơ trên quần áo, đồ nhôm và đồ sứ. Nước chanh cũng làm trắng vải khi phơi ra nắng.
-Giấm chứa acid acetic, có thể dùng để loại bỏ chất béo, vết sét gỉ, nấm mốc; đánh bóng đồ kim loại, tẩy mùi hôi, lau gạch đá
-Washing soda là chất sodium carbonate decahydrate được dùng để chùi rửa chất béo dính trên lò nướng thịt cá, bếp lò
-Borax là một khoáng chất hòa tan trong nước. Borax có thể dùng để loại bỏ mùi hôi, diệt nấm mốc, tăng công dụng của xà phòng, tẩy vết sơn, làm chất dụ khị kiến, gián để tiêu diệt.
-Alcohol isopropyl là chất khử trùng rất tốt.
-Xà phòng thường là chất rửa sạch rất tốt để tắm rửa, gội đầu, giặt quần áo...
-Dầu olive, dầu hạt lanh (safflower) để làm da mềm, ướt.
-Đánh răng bằng muối hoặc baking soda.
-Gội đầu bằng nước bồ kết, tóc vừa mượt vừa thơm.
Với các chất kể trên, ta có thể chế biến thành dung dịch tẩy rửa, chùi bóng, giặt rũ khá an toàn mà lại rẻ tiền với nhiều công dụng khác nhau. Như là:
• Dầu thực vật pha thêm vài giọt nước chanh lau bàn ghế rất bóng
• Pha giấm với nước lã để át mùi hôi trong bếp tốt hơn là các chất có mùi thơm bán trên thị trường.
• Giấm pha với nước lã lau cửa kính rất sạch.
• Lau chùi bàn trong bếp: pha nửa ly giấm, nửa ly amoniac, hai thìa baking soda và hai lít nước là có dung dịch lau chùi rất sạch.
• Vết sắt gỉ trên quần áo: thấm vết dơ với dung dịch gồm 1 thìa nước chanh, ½ thìa muối rồi phơi nắng
• Bát đĩa sứ có vết dơ: trộn baking soda với nước cho nhão, quệt lên đồ sứ để một lúc rồi rửa sạch.
Trừ kiến: rắc chút bột ớt ở chỗ kiến ra vào là đủ tiêu diệt kiến.
-Đinh ốc sét gỉ: dùng nước uống có hơi như coca cola để rửa cho sạch.
• Lau sàn nhà: một ly giấm pha với hai gallon nước là dung dịch rất tốt để lau nhà, vừa thơm vùa duy trì gạch men sáng bóng.
• Lau bóng bàn ghế với dung dịch gồm hai phần dầu thực vật và một phần nước trái chanh.
• Lá cây có sâu bọ: xịt nước xà phòng rồi xả với nước lã.
• Trừ mốc meo trong phòng tắm, bếp: xịt với hỗn hợp 50cc giấm, hai thìa cà phê muối pha trong 100cc nước lã
• Lau bếp lò: hai thìa xà phòng + 2 thìa borax + 100cc nước ấm.
• Bàn chải sơn dính cứng: ngâm trong nước giấm nóng.
• Vết mồ hôi trên áo giặt sạch bằng baking soda.
• Mùi hôi trong tủ lạnh: để một hộp baking soda mở nắp trong tủ lạnh.
• Rửa bồn cầu tiêu: Hòa lẫn Borax và nước trái chanh thành nhão như thuốc đánh răng. Bôi hợp chất lên vòng dơ ở bồn cầu, để như vậy trong hai giờ, rồi cọ cho sạch.
• Bồn tắm, đá hoa: nước ấm pha nửa ly baking soda, nửa ly giấm.
• Lau chùi đồ bằng đồng: trộn nước chanh và baking soda thành hợp chất nhão, bôi lên đồ đồng rồi rửa sạch với nước sau năm phút.
• Vết rượu vang trên khăn bàn: muối pha với chút nước
• Giặt quần áo: xà phòng thường là đủ sạch, vì đa số quần áo mặc một lần rối thay, nên không dơ bẩn lắm. Chất tầy (detergent) có hóa chất dầu, phosphates có thể gây dị ứng.
• Nếu có thể, nên phơi quần áo ngoài tròi, vùa tiết kiệm nhiên liệu vừa không mau hư quần áo. Cứ nhìn những sợi vải trong máy sấy: đó là từ quần áo mà ra, do đó quần áo mau hư khi sấy. Váo mùa đông, rũ cho quần áo hết nhăn rồi phơi. Hơi nóng từ máy sưởi sẽ làm quần áo khô đồng thời trong nhà cũng có hơi nước từ quần áo bay ra.
• Giới hạn dùng chất tẩy (bleach). Nếu cần làm trắng quần áo, dùng chất không có chlorine.
• Mua quần áo không cần giặt khô. Dry clean dùng hóa chất perchlorethylene có thể gây ra ung thư.
• Nên tránh gói thực phẩm bằng tờ nhựa mỏng làm bằng PVC vì thực phẩm có thể hút hóa chất PVC. Nên gói bằng giấy thường hoặc để thực phẩm trong đồ đựng bằng sứ.
• Nếu có thể, dùng thực phẩm trồng bón bằng chất hữu cơ để giảm thiểu hóa chất vô cơ có hại.
• Rửa sạch rau trái để loại bỏ hóa chất từ phân bón hoặc hóa chất diệt sâu bo.
• Đừng nấu thực phẩm đựng trong đồ chứa bằng nhựa trong lò vi ba, để tránh hóa chất lẫn với thực phẩm.
• Theo các nhà chuyên môn, không nên dùng xà bông có chất tiêu diệt vi khuẩn để tránh sự nhờn thuốc của vi khuẩn. Chỉ cần rửa tay với nước và xà bông thường là đủ rồi.
• Không nên dùng ống đo nhiệt độ cơ thể có chất thủy ngân, để tránh vỡ ống, gây ngộ độc.
• Không dùng thuốc nhỏ mắt, nước rửa kính mắt sát tròng, thuốc xịt mũi có chất “thimerosol”, là một loại thủy ngân.
• Tạo thói quen bỏ giày dép ngoài cửa trước khi vào nhà. Giày dép mang nhiều hóa chất như thuốc trừ sâu bọ. Để một miếng thảm trước cửa để chùi chân. Theo kết quả nghiên cứu của CDC, có tới 34 loại hóa chất có hại dính trong giày dép rồi mang vào thảm trong nhà.
• Hút bụi thảm và sàn nhà thường xuyên để loại các hóa chất nằm sâu dưới thảm.
* Cấp cứu:
Sau đây là vài phương thức có thể áp dụng khi chẳng may trúng hóa chất có hại
1-Chất độc lên da : Cởi bỏ quần áo dính hóa chất, xả nước lạnh trên da khoảng 10 phút. Sau đó nhẹ nhàng rửa sạch với xà phòng và nước.
2-Chất độc bắn vào mắt : Xả nước ấm vào mắt nhiều lần. Yêu cầu nạn nhân chớp mắt liên hồi trong khi xả nước để rửa sạch hóa chất dính trong mắt. Đừng dụi mắt cũng như lấy ngón tay banh mi mắt ra.
3-Hít thở hóa chất ; Lập tức dời nạn nhân ra nơi thoáng khí, mở rộng cửa sổ và cửa ra vào. Nếu nạn nhân không thở, áp dụng hô hấp nhân tạo.
4-Nuốt phải chất độc : Ngoại trừ khi nạn nhân bất tỉnh, lên cơn kinh phong hoặc không nuốt được, cho họ uống ngay một ly sữa hoặc nước rồi kêu cấp cứu hỏi coi có cần làm cho nạn nhân ói mửa hay không. Trong nhà nên luôn luôn có một lọ 30 cc thuốc gây ói mửa Syrup ipecac và chỉ cho nạn nhân dùng sau khi hỏi ý kiến bác sĩ hoặc trung tâm chống độc chất.
* Kết luận:
Thực là nghịch lý khi nói rằng có hóa chất độc trong căn nhà ấm cúng mà mọi người đang trú ngụ tới 60% thời gian của mỗi ngày. Nhưng xin thưa đó là điều có thật. Người viết đã nêu ra một số bằng chứng.
Rất mong các nhà chuyên môn khoa học đồng hương góp ý thêm để bà con người Việt mình tránh được những rủi ro gọi là “không đâu” này.
Bs Nguyễn Ý Đức
Texas- Hoa Kỳ