Thứ Hai, 06 Tháng Giêng, 2020

Lợi và hại của thuốc aspirin

Lợi và hại của thuốc aspirin - 1
Thuốc aspirin được khuyên dùng cho những bệnh nhân đã từng bị bệnh, hay có nguy cơ bị bệnh tim mạch. (Hình: Getty Images)


LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số điện thoại liên lạc (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

 

Từ thập niên 1970, các nghiên cứu cho thấy, uống thuốc aspirin với liều lượng thấp có thể ngăn ngừa đột quỵ tim mạch. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới nhất gần đây lại cho lời khuyên, người cao tuổi, trên 70 thì tuyệt đối không nên uống thuốc aspirin, do phản ứng phụ chảy máu đường ruột và xuất huyết não. Riêng những người trong độ tuổi 40 đến trên 60 thì tùy theo lời khuyên của bác sĩ.

Như thế, cho độ tuổi “nửa chừng xuân,” có nên tiếp tục uống thuốc aspirin hay không?

Thuốc aspirin được khuyên dùng cho những bệnh nhân đã từng bị bệnh, hay có nguy cơ bị bệnh tim mạch. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua hàng triệu triệu người trên thế giới, tuy không có nguy cơ bị bệnh, vẫn tự nguyện uống thuốc đều đặn mỗi ngày với niềm tin phòng ngừa bệnh tim mạch.

Dược chất, salicylic acid, thành phần chính của thuốc aspirin, từ nước cất của vỏ cây liễu, được dùng hàng nghìn năm, để trị đau nhức và nóng sốt. Thuốc được bán dưới thương hiệu Aspirin từ năm 1899 trở đi, và trở thành rất thông dụng để chữa trị nóng sốt, nhức mỏi, đau thấp khớp, và giảm nguy cơ bị đột quỵ tim. Trong thành phần bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh tim mạch, lợi điểm của thuốc aspirin ngăn ngừa tai biến tim mạch cao gấp 6 lần nguy cơ bị xuất huyết. Có nghĩa là, uống thuốc aspirin vẫn có lợi so với cái hại.

Ngay cả trong trường hợp bị tai biến não đã xảy ra, có khi, tùy theo trường hợp, nhất là khi bị nghẽn mạch máu não, aspirin vẫn được dùng để giảm nguy cơ tế bào não bị hư hại, và đề phòng tai biến não bị xảy ra thêm một lần nữa. Vì so ra nó vẫn rẻ tiền, dễ mua, so với các loại thuốc chống đột quỵ não đắc tiền khác.

Một lợi điểm khác của thuốc aspirin là khả năng giảm nguy cơ bị ung thư các loại. Nhiều nghiên cứu khác nhau đều xác nhận hay không thể phủ nhận sự thật, uống thuốc aspirin giảm 20% nguy cơ tử vong vì ung thư.

Lợi và hại của thuốc aspirin - 2
Một lợi điểm khác của thuốc aspirin là khả năng giảm nguy cơ bị ung thư các loại. (Hình minh họa: Getty Images)


Aspirin chống lại ung thư như thế nào?

Dựa theo công trình nghiên cứu đã được tặng giải thưởng Nobel, thuốc aspirin khống chế chất xúc tác COX (cyclooxygenase), cũng là chất gây ra đau đớn nóng sốt, và bị tế bào ung thư khuếch đại tầm ảnh hưởng. Do vậy, bệnh nhân ung thư thường xuyên bị đau đớn.

COX giúp cơ thể biến chế chất béo omega-6, một phần do cơ thể sản xuất, đa phần đến từ thức ăn như thịt, trứng, thành chất làm máu đông thromboxane, và chất làm đau, gây sốt prostaglandins. Aspirin khống chế COX, như thế làm giảm đau, giảm sốt, và chống máu đông trong động mạch.

Do chất prostaglandins còn làm giãn nở mạch máu, các tế bào ung thư lợi dụng tính cách này để mở rộng mạch máu, nuôi dưỡng ung thư cho mau lớn, và lan tràn theo đường máu để chạy khắp nơi trên cơ thể. Ngược lại, aspirin ngăn ngừa ung thư bằng cách chống lại các phương cách lan tràn của ung thư qua đường huyết quản. Thật vậy, khả năng giảm tử vong vì ung thư có thể có hiệu quả chỉ trong vòng vài ba năm sau khi dùng cho dù tế bào ung thư phát nguồn từ trên 10 năm trước đó. Aspirin giảm đi 50% nguy cơ di căn của ung thư, ví dụ như ung thư ruột già và còn nhiều loại ung thư khác nữa. Cho dù chỉ 10% đi nữa cũng đủ làm nghiêng cán cân sanh tử.

Thế thì lợi và hại của thuốc aspirin được so sánh như thế nào đây?

Dựa theo kiến thức mới đây, cho những người “bình thường,” uống thuốc aspirin để giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch, so với nguy cơ bị xuất huyết, thì hai bên ngang ngữa. Vì thế có khi không nên uống thuốc. Nhưng nếu xét về lợi ích giảm nguy cơ tử vong vì ung thư, thì lợi thế của aspirin sẽ trên cả nguy cơ bị xuất huyết. Cộng chung lại, so với nguy cơ bị xuất huyết đường ruột thì thuốc aspirin vẫn có lợi, kéo dài tuổi thọ bằng cách giảm đi nguy cơ bị đột quỵ tim, bị tai biến não vì nghẽn mạch máu mão, hay bị ung thư.

Ở đây cần nhắc lại, nguy cơ bị chảy máu đường ruột hay xuất huyết não tăng dần theo tuổi tác. Có nghĩa là trên 70 tuổi thì nguy cơ bị chảy máu, nặng hơn là lợi ích kéo dài tuổi thọ. Nói riêng về diện tuổi “nửa chừng xuân,” ngoài 50, thì các bác sĩ vẫn chưa khẳng định được nên khuyên bệnh nhân như thế nào: uống hay không uống thuốc aspirin.

Có thể có một phương pháp nào khác để giảm bớt cái hại của thuốc aspirin mà vẫn hưởng được lợi hay chăng?

Từ nguyên thuỷ, chất salicylic acid, không chỉ có trong vỏ cây liễu, mà còn hiện diện trong nhiều loại rau trái, thực vật khác. Ví dụ như cái loại sim đen blackberries, hành trắng, táo apple vỏ xanh, đậu xanh, và nhiều thứ khác đều có chứa “thuốc aspirin” trong đó. Đó là tại sao, không ít người ăn chay trường, trong máu có hàm lượng salicylic acid khá cao cho dù không uống thuốc aspirin. Đồng thời vì “thuốc aspirin” có trong rau trái, do đi kèm theo chất xơ, lại không làm lở loét bao tử. Nói như thế, không có nghĩa là lâu lâu, uống một ly sinh tố là đủ, mà phải thường xuyên ăn nhiều, đủ loại rau trái hằng ngày!

Tóm lại, những ai đã từng bị tai biến mạch máu, hay bị đột quỵ tim thì phải theo lời khuyên của bác sĩ về thuốc aspirin. Riêng những người “bình thường,” khỏe mạnh, và còn trẻ, thì không nhất thiết phải uống thuốc aspirin mỗi ngày, mà hãy nên cân nhắc. Thay vì uống thuốc aspirin mỗi ngày, nên ăn nhiều rau trái. Dĩ nhiên, khi bị nóng sốt, hay nhức mỏi chút đỉnh, một vài viên thuốc aspirin trong thời gian ngắn vẫn có lợi hơn là có hại. 

(Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh)

Bài viết khác