Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một, 2017

Giải mã bí ẩn về lối thoát hiểm của Đức Giáo Hoàng

Lâu nay, sự tồn tại của Passetto di Borgo, bắt nguồn từ Vatican đến Bảo tàng quốc gia ở Castel Sant’Angelo (Rôma), luôn là một huyền thoại, mà theo người ngoài là lối thoát khẩn cấp của các đời giáo hoàng.

Ðối với nhiều tiểu thuyết gia, hệ thống được gọi là “lối thoát cuối cùng” của các Ðức Giáo Hoàng, hay còn gọi là “hành lang bí mật của Vatican”, luôn là đề tài hấp dẫn, và do đó trở thành tình tiết thường dùng để khơi gợi sự chú ý đặc biệt từ các độc giả. Tuy nhiên, những gì được miêu tả trong các tác phẩm văn chương là sự tưởng tượng quá mức của giới văn sĩ, dù nó cũng dựa trên một số điểm có thật.

Giải mã bí ẩn về lối thoát hiểm của Đức Giáo Hoàng - 1


Bức tường bảo vệ

Trên thực tế, toàn bộ con đường này không hề nằm bên dưới lòng đất, mà là một hành lang nằm  bên trên đoạn tường cổ duy nhất còn sót lại tại Rôma. Ðược gọi là Passetto di Borgo, hay ngắn gọn là Passetto, có chiều dài 800m, nối liền Ðiện Tông tòa ở Vatican, nằm ở phần thấp hơn của đồi Vatican và lăng Hadrian, sau này được gọi là Castel Sant’Angelo trên bờ sông Tiber. Có niên đại từ thế kỷ 13, hành lang được xây bên trong một bức tường do các vua của người Ostrogoth dựng lên sau khi đánh chiếm Rôma vào năm 546. Vào đầu triều đại của mình (847-855), Ðức Giáo Hoàng Lêô IV đã cho xây một bức tường bảo vệ Vương Cung Thánh Ðường Vatican (nơi sau này được thay thế bằng Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô) trước những vụ cướp phá của người Saracen, tức người Hồi giáo Ả Rập vào năm 846. Bức tường, được xây dựng nhờ nguồn nhân lực là tù binh Saracen và di dân từ đảo Corse ở Ðịa Trung Hải, chạy băng ngang đồi và hướng về phía dòng sông. Vào thời đó, những luồng chảy cuồn cuộn của con sông còn tạo thêm “lá chắn” tự nhiên cho công trình quan trọng của Vatican.

Giải mã bí ẩn về lối thoát hiểm của Đức Giáo Hoàng - 2


Ðoạn đầu tiên của bức tường được xây dựng theo lệnh của Ðức Giáo Hoàng Nicôla III (1277-1280), người quyết định kiến tạo lâu đài Vatican thành nơi ở của Ðức Giáo Hoàng (trước đó, các đời giáo hoàng ngụ tại lâu đài Latêranô). Ðến thế kỷ 15, hành lang này được biến thành lối đi đôi: phần dưới được che đậy và bảo vệ bởi các thiết bị phòng thủ, dành riêng cho Ðức Giáo Hoàng; còn lại là lối đi của đội cận vệ. Dù nhiều người thích thêm thắt những chi tiết ly kỳ cho Passetto, trên thực tế, khu hành lang chỉ được sử dụng làm lối thoát hiểm trong vài dịp đặc biệt khẩn cấp. Ví dụ, Ðức Giáo Hoàng Alexander VI vào năm 1494 từng nhanh chóng lui về lánh nạn ở Castel Sant’Angelo, khi đội quân của vua Pháp Charles VIII xâm lấn Rôma.

Giải mã bí ẩn về lối thoát hiểm của Đức Giáo Hoàng - 3


Sự kiện đẫm máu năm 1527

Một sự kiện khác nổi tiếng hơn, đánh dấu khởi đầu huy hoàng cho huyền thoại về đội lính gác Thụy Sĩ. Vào ngày 6.5.1527, một đội quân ô hợp nhưng đông đảo gồm 35.000 lính đánh thuê và binh lính đã tấn công vào thành Rôma. Giáo hoàng lúc đó là Ðức Clement VII (1523-1534) trở thành một mục tiêu quan trọng và bọn ô hợp này thèm muốn kho tàng bí mật của Vatican, cũng như số tiền chuộc khổng lồ có thể đòi nếu bắt được Ðức Thánh Cha. Lúc đó, Ðức Giáo Hoàng Clement VII lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn vì chỉ có một đội quân địa phương quy mô nhỏ và 189 lính cận vệ Thụy Sĩ có mặt tại Rôma bảo vệ Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô.

Giải mã bí ẩn về lối thoát hiểm của Đức Giáo Hoàng - 4


Vào thời điểm hàng phòng ngự bị thất thủ và đội quân hung hãn xông vào thành phố, lính Thụy Sĩ thúc giục Ðức Giáo Hoàng Clement VII hãy ẩn mình vào lối đi hiếm khi nào sử dụng và được giữ bí mật trong nhiều thế kỷ để đến nơi phòng thủ kiên cố hơn là Castel Sant’Angelo, cách cổng vào Vatican khoảng 800m. Khi Ðức Thánh Cha rời đi, bọn lính đánh thuê ập vào thánh đường và gặp phải sự chống cự quyết liệt của đội cận vệ Thụy Sĩ. Trong số 189 thành viên dũng cảm kháng cự kẻ xâm nhập trong ngày đó, chỉ có 42 người sống sót do tháp tùng Ðức Giáo Hoàng, số còn lại chết đến người cuối cùng trên bậc thềm của Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô. Và thành Rôma cũng thất thủ, khiến dân số lúc đó từ 55.000 người chỉ còn lại 10.000 người.

Cảm động trước sự hy sinh này, 500 năm nay, Giáo hội vẫn duy trì việc tuyển dụng người Thụy Sĩ làm cận vệ cho các Ðức Giáo Hoàng. Mỗi năm, đội cận vệ Thụy Sĩ lại tưởng nhớ những người hùng đã hy sinh bằng cách tuyển mộ tân binh vào đúng ngày 6.5. Sau vài trăm năm kể từ đợt lánh nạn cuối cùng của Ðức Giáo Hoàng, Passetto bị rơi vào tình trạng xuống cấp và đóng cửa (dù lính gác Thụy Sĩ vẫn luôn thủ sẵn chìa khóa cho Ðức Giáo Hoàng đề phòng tình huống khẩn cấp). Ðến năm 2000, Passetto được trùng tu và mở cửa trong thời gian ngắn. Giờ đây, người hành hương có thể tham quan nơi này vào mùa hè.

LING LANG

Bài viết khác