Thứ Ba, 08 Tháng Giêng, 2019

Bài thơ Chùa Hương

GD&TĐ - Nguyễn Nhược Pháp chỉ in một tập thơ mang tên Ngày xưa (xuất bản năm 1935) với vỏn vẹn 10 bài, nhưng tên tuổi ông sống mãi trong văn học sử.

Điều đáng nói, trong tập thơ mỏng mảnh ấy chứa đựng lồng lộng hình ảnh hai bóng hồng - một người ông gặp tình cờ chỉ trong một ngày, còn một người ông cố ý gặp gỡ hầu như hàng ngày kéo dài nhiều năm liền…

Sự tích bài thơ bất hủ Chùa Hương

Bóng hồng mà Nguyễn Nhược Pháp chỉ gặp có một lần, không kịp biết tên, nhưng lưu danh mãi mãi trong thơ ông là một cô gái mới lớn trong một lần đi trẩy hội Chùa Hương.

Nhà thơ Nguyễn Vỹ, một người bạn thân của Nguyễn Nhược Pháp kể: “Bài thơ ‘Chùa Hương’ có một lai lịch kỳ thú. Trong một chuyến đi Chùa Hương, tôi đi cùng Nguyễn Nhược Pháp và hai cô bạn nữ sinh. Hai cô mang theo hai máy chụp hình, tôi và Nhược Pháp đi tay không.

Lúc trèo lên đến rừng mơ, chúng tôi gặp một bà cụ cùng một cô con gái vừa bước lên đèo. Đường gồ ghề, lởm chởm, họ vừa đi vừa niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát”. Nhưng tình cờ thấy chúng tôi là hai chàng trai đang nhìn, cô gái bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Đôi má cô đỏ bừng, cúi mặt nhìn xuống.

Nhược Pháp hỏi đùa “sao không niệm Phật nữa đi?” khiến cô gái càng bối rối. Không ngờ hai cô bạn nữ sinh đã lén chụp được tấm hình hai đứa tôi đang hỏi chuyện cô gái. Rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô lẻn đi trước, đi lúc nào chúng tôi không hay, cũng chẳng nói năng gì với chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái.

Một lúc sực nhớ hai cô bạn, tôi và Nhược Pháp vội vàng đi nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến chùa Ngoài, rồi lên đến chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông mất dạng.

Đêm, tôi và Nhược Pháp ngủ trong Chùa Hương, sáng hôm sau ra về mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi cứ xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp không nói gì, chỉ tủm tỉm cười.

Về Hà Nội, hai hôm sau, Nguyễn Nhược Pháp đem đến cho tôi xem bài thơ ‘Cô gái Chùa Hương’ (sau này anh bỏ chữ “cô gái” để chỉ còn tên là ‘Chùa Hương’). Trong bài thơ, Nhược Pháp đã lấy cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với cô gái quê làm đề tài và tưởng tượng thêm ra thành bài thơ đẹp, giọng ngây thơ, y như cô gái hôm ấy.

Trong tuần lễ ấy, anh góp các bài thơ khác của mình thành một quyển, đặt tên Ngày xưa, hỏi tôi “có nên xuất bản không?” “Nên”, tôi đáp. “Nhưng tiền đâu?”, Nhược Pháp cười móm mém hỏi. “Xin ông cụ”. “Tôi mà đưa ông cụ xem cái của nợ này chắc chắn ông sẽ vứt vào sọt rác”. “Đưa bà cụ vậy”. “Ừ, phải đấy”.

Một tháng sau, quyển thơ Ngày xưa ra đời. Sách in xong mà anh vẫn chưa dám đưa cho cụ Nguyễn Văn Vĩnh (thân phụ Nguyễn Nhược Pháp- NV) xem, sợ cụ chê”.

Nhưng không ngờ, tập thơ Ngày xưa mau chóng vang danh, tôn vinh một nhà thơ mới kỳ tài xuất hiện trong làng thơ Việt Nam thời ấy.

Sau đó không lâu, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đưa tên tuổi Nguyễn Nhược Pháp vào cuốn Thi nhân Việt Nam của ông với những lời bình trân trọng: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Phạm Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những sắc màu tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh”.

Nàng thơ của Ngày xưa

Những năm Nguyễn Nhược Pháp đi làm báo cho tờ L"Annam Nouveau (đầu 1930), hằng ngày ông hay đi qua ngôi nhà số 30 phố Hàng Đẫy. Ở đây có một cô gái xinh đẹp, được phong là một trong “Hà thành tứ mỹ” (4 người đẹp Hà Nội).

Nguyễn Nhược Pháp đã nhìn thấy cô và từ đó yêu thầm trộm nhớ. Cô tên là Đỗ Thị Bính. Mỗi ngày cô Bính thường mặc bộ trang phục màu đen, ra vườn tưới cây, sau đó ngồi ghế mây đọc sách hoặc đi dạo quanh vườn.

Bạn bè nhà thơ kể rằng, thỉnh thoảng cô Bính và Nguyễn Nhược Pháp có trao đổi ánh mắt mỗi khi ông đi ngang qua, chậm chân lại một chút trước ngôi nhà sang trọng này.

Với bản tính nhút nhát, ông gần như không thổ lộ điều gì. Có lẽ, trong con mắt của một thi nhân “người trời” như ông, cô Bính tuy gần gũi trong đời nay nhưng cũng xa vời lãng đãng như một Mỵ Châu (vợ Trọng Thủy), Mỵ Nương (con vua Hùng), Mỵ Ê (vợ vua Chiêm), Nguyễn Thị Kim (vợ vua Lê Chiêu Thống)…, những hoàng phi cốt cách của thời xưa.

Nhưng qua một thời gian dài, hai gia đình đều biết chuyện. Dù tên tuổi, uy thế của ông Nguyễn Văn Vĩnh vang lừng người Hà Nội ai ai đều biết, nhưng thời điểm đó gia đình ông bị phá sản trầm trọng, vả lại gia đình cô Bính thuộc dòng danh gia vọng tộc, bản thân cô là một trang quốc sắc nên hầu hết những người biết chuyện đều cho rằng tình yêu của Nguyễn Nhược Pháp dành cho cô khó được đáp trả.

Tự Nguyễn Nhược Pháp cũng biết thế nên ông cũng chỉ im lặng và… làm thơ, cho đến ngày cô Bính lấy chồng là một người phong nhã giàu có.

Bài thơ Chùa Hương - 1

Nét đẹp cung phi Đỗ Thị Bính

 

Năm 1935, tập thơ Ngày xưa xuất hiện lộng lẫy trên văn đàn, đông đảo độc giả mới biết đến cái tên Nguyễn Nhược Pháp.

Từ sự hâm mộ ông, họ tìm hiểu thêm về “chuyện tình” của ông với người đẹp Đỗ Thị Bính. Người ta nhận ra, với 10 bài thơ trong tập, hình ảnh người đẹp Hà thành lúc ấy dường như là hiện thân của những mỹ nữ cung đình đài các ngày xưa.

Thậm chí có người nói nếu không có Đỗ Thị Bính, chưa chắc Nguyễn Nhược Pháp có tập thơ Ngày xưa!

Điều lạ, suốt 3 năm sau khi tập thơ ra mắt, Nguyễn Nhược Pháp không hề có thêm một tác phẩm mới nào khác. Ông sống lặng lẽ, ốm yếu với thể trạng nhỏ nhắn của mình và bất ngờ qua đời khi cơn bệnh thương hàn kéo đến quật ngã ông chỉ sau vài ngày.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc, kẻ thọ ơn nhà thơ thời thanh xuân, khi nghe tin ông mất sớm, đã thuật chuyện: “Nguyễn Nhược Pháp bỗng thình lình qua đời. Đọc bài văn đầu tay, tôi bùi ngùi nhớ đến người bạn vắn số, người ấy đã khuyên tôi nỗ lực.

Và tôi đã nỗ lực, giờ có chút kết quả thì người ấy không còn nữa để mà thấy tôi không phụ lòng anh. Nguyễn Nhược Pháp ơi, sao cứ ngỡ như mới hôm qua đây thôi, tôi còn vui mừng cầm một bức thư Hà Nội mà chưa dám xé ra đọc.

Đó là thời sung sướng nhất của chúng ta và bao người khác. Những ánh tuyết của ngày xưa đã tan hết rồi, nhưng nó biến thành nước và tôi nghe như đâu đây vẳng lên tiếng sơn khê róc rách, reo vui mà cũng hạ giọng trầm buồn. Cái thời thập niên ba mươi (1930) mà văn thơ của ta lên cao chưa từng thấy đó, trong ấy có anh sừng sững”.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh viết một câu ngắn ngậm ngùi mà thật đẹp về ông: “Người mất năm hăm bốn tuổi, lòng trong trắng như hồi còn thơ”.

Phải chăng sinh ra là đã luyến nhớ lại ngày xưa, Nguyễn Nhược Pháp chỉ muốn sớm từ giã trần gian này để trở về chốn ấy?

Đỗ An

 

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art