Đến bây giờ tôi vẫn còn hình dung ra đường hoa uốn lượn nằm trước cổng chợ làng. Đường khá thênh thang nhưng vào những ngày cuối năm bị thu hẹp lại bởi những người bán hoa đứng đặc kín hai bên. Ngày đó hiếm có máy chụp hình, lại càng chẳng có điện thoại di động nên không thể lưu lại những khoảnh khắc đậm chất hồn quê mộc mạc. Chỉ cần trèo lên một cành cây cao, đứng nhìn xuống là thấy toàn cảnh. Hoa - người đan xen nhau tạo thành những khung kính vạn hoa thật thích mắt. Hoa kiểng có đủ loại, từ mai vàng, cúc vạn thọ, hướng dương, bách nhật cho đến sống đời, phát tài…
Hầu như ở xóm tôi chẳng có hộ gia đình nào làm nghề trồng hoa, trồng kiểng, cũng chẳng phải mang từ địa phương khác đến. Nhưng Tết cổ truyền đến thì hoa tươi bạt ngàn. Mai nhà ai cũng mọc vài cội. Những cội mai già vươn mình trong nắng Xuân, đong đưa cành lá xanh mướt, đỏng đảnh từng cánh hoa trước bầy bướm tung tăng. Còn vạn thọ, bách nhật thì được trồng quanh những gốc cây ăn trái. Chúng thụ hưởng phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, vì vậy mà nụ nào cũng to tròn, thân cây đầy đặn, tán lá xanh non. Cứ hễ Tết đến, nhà nhà mang hoa sẵn có ra chợ bán. Thậm chí chỉ có vài cành vạn thọ người ta cũng nhổ gốc, rửa sạch, ngâm vào một xô nước rồi bê ra chợ. Có nhiều gia đình còn kết hợp cả việc bán hoa quả, rau củ và những món quà linh tinh khác. Do bản tính thật thà, chất phác nên chẳng ai cạnh tranh, hạ giá hay rao to gây sự chú ý. Khách dạo chợ hoa, thấy thích thì mặc cả. Nếu ưng thì ôm những bông hoa tuyệt đẹp về nhà.
Tôi yêu cái cảm giác cùng ba mẹ dạo chợ cuối năm. Bước trên con đường làng đầy sỏi, có cảm giác như mình đang lạc vào khu vườn cổ tích thần tiên. Người người đi mua sắm nườm nượp. Ai cũng ăn mặc đẹp, duyên dáng, thậm chí còn vương cả mùi nước bồ kết vừa gội tóc. Nhìn các chị, các mẹ và nhiều ông lão trong bộ đồ bà ba vải lãnh tay ôm những nhành mai khoe sắc, thật thích làm sao. Dù chỉ là một đứa trẻ thấp chừng bằng nhành cây hướng dương non, nhưng tôi lại thấy được tất cả dáng vẻ hối hả của mọi người, do ba sợ tôi bị chen lấn nên lúc nào cũng cõng tôi trên vai. Ngồi trên hai vai ba, tôi tưởng mình như một gã khổng lồ có tâm hồn non nớt. Bởi mắt tôi chỉ hướng đến gian hàng đồ chơi và những đóa hoa tươi. Lắm lúc tôi còn nhún nhảy theo những bản nhạc Xuân được phát ra từ chiếc cassette của một nhà nào đó.
Chợ cuối năm thường chỉ họp vào buổi sáng, đến giờ Ngọ thì ra về. Ba mươi Tết, nếu hoa còn thừa, người bán mang về nhà chưng trong bình cho có không khí Xuân. Những ai trồng quá nhiều hoa, đành bỏ lại chợ để về cho nhẹ tay. Nói là “bỏ” nhưng thực ra, người ta găm hoa xuống hai bên đường cho đẹp chứ không vứt bừa bãi. Ngày đầu năm, tôi thích tung tăng đi trên đường làng cùng lũ bạn chỉ vì muốn thưởng thức hoa. Bướm ong dập dìu hai bên tạo ra những nốt nhạc trầm bổng lạ thường. Nhiều đứa tinh nghịch nhổ những cành mai hay cầm nhánh vạn thọ mang về cắm trước sân nhà mình hoặc đem xông đất nhà bạn. Đường hoa tàn theo ba ngày Tết chóng vánh qua đi. Hết Tết, con đường lại trở thành nơi dắt trâu ra đồng cày cấy. Ai cũng như người ngủ mê vừa tỉnh giấc sau những ngày sung túc, yên vui.
Rồi đường hoa teo tóp dần theo thời gian. Người ta không còn tha thiết gì đến hình ảnh tượng trưng, lễ nghĩa. Bê tông hóa về làng, con đường được tráng nhựa bằng phẳng, tinh tươm. Xe hơi bon bon qua lại mỗi ngày. Chợ hoa được dời ra bến sông, nơi có thể vận chuyển hàng hóa đi các địa phương khác, nhưng bây giờ mang tính kinh doanh nhiều hơn. Những bông hoa nằm trong chậu nhựa, chậu tre dù đẹp rực rỡ nhưng lại có chút gì đó chẳng thiết tha, gần gũi. Người làng chẳng nâng niu hoa như ngày trước. Cuối năm ế ẩm, thương lái vô tình vứt hoa đầy trên mặt sông.
Chợ hoa năm ấy giờ chỉ còn là ký ức !
DUY DUY