Thứ Bảy, 07 Tháng Bảy, 2018

Bữa cơm gia đình trong ký ức người xa quê

Những bữa cơm cha mẹ nấu và không khí gia đình ngồi ăn quây quần vẫn đọng lại trong ký ức khó quên của bao người con xa nhà…

Cơm nhà luôn khác cơm tiệm

Những bữa cơm đơn sơ mẹ nấu, đôi khi chỉ có món rau luộc chấm nước tương, nhưng với không ít người con, vẫn đậm đà hơn bữa ăn nhiều món ở các quán hàng. Nguyễn Ngọc Sang, 27 tuổi, người Long An, hiện đang công tác tại Đắk Lắk cảm nghiệm: “Ngày nào tôi cũng ăn cơm tiệm. Người ta đổi món hằng ngày nhưng sao mình vẫn luôn nhớ tô canh bí mẹ nấu. Canh bí ở tiệm không có được hương vị đặc biệt ấy. Tôi cứ mong hết năm, Tết đến để có dịp trở về nhà ăn tô canh của mẹ”.

Bữa cơm gia đình trong ký ức người xa quê - 1
Ấm áp bữa cơm gia đình - ảnh minh họa


Ngay cả những người con xa quê hương vạn dặm, cũng luôn đau đáu một món ngon mẹ nấu. Một bạn gái trẻ đang sống tại Thụy Sĩ viết trên trang cá nhân: “Ước mơ ngày nào về lại quê hương, trở về Hội An ăn món cao lầu ngày xưa”. Chị nhớ ngày nào, cứ sáng Chúa nhật, cả nhà quây quần bên chiếc bàn tròn thưởng thức món mì cao lầu của mẹ. Hồi ấy, do nhà nghèo không có tiền đi ăn cao lầu ở tiệm mà mẹ chị đã mày mò học nấu món này để chế biến cho gia đình ăn. Sau này, đi xa, chị cũng từng ghé các nhà hàng có món cao lầu ở nhiều nơi, thế nhưng ăn không thấy ngon như tô mì cao lầu ngày xưa mẹ nấu lúc chị còn là cô bé nhóc. Bây giờ mẹ không còn nữa, chị chỉ ước một ngày nào quay về Hội An, được thưởng thức lại món ăn này dù không ngon bằng mẹ nấu nhưng chí ít cũng phảng phất hương vị quê nhà.

Dấu ấn về bữa cơm nhà với người con xa quê không chỉ có cơm mẹ nấu mà còn có cả món do những người cha “chủ xị”. Có khi chỉ là mấy món ăn dân dã đơn sơ nhưng không dễ kiếm trong cuộc sống tiện nghi nơi thành phố. Chị Nguyễn Thị Trúc, 32 tuổi, vẫn nhắc hoài món dế cơm nhồi đậu phộng chiên mà ba chị từng làm ngày xưa: “Hồi ấy, khi những cơn mưa đầu mùa đến với Chơn Thành, Bình Phước là lúc gia đình tôi nức lòng với món ăn này. Đi làm ở Sài Gòn, nhiều hôm đến quán nhậu hỏi món dế chiên bơ, thấy họ làm điệu nghệ lắm nhưng vẫn chẳng ngon như món của ba tôi ngày trước”.

Là dân Củ Chi, lấy chồng về sống ở một quận nội thành Sài Gòn, chị Phan Thị Hương cứ nhớ mỗi mùa mưa, ba và anh trai hay cầm đèn với cái bao đi dọc những bờ ruộng để bắt bù tọt (giống con ếch nhưng nhỏ hơn). Sáng ra, ba chị làm món thịt bù tọt cuốn lá lốt nướng hoặc chiên, ăn rất ngon. Mùa mưa nào, nhà chị Hương cũng ăn món bù tọt mệt nghỉ và không hề thấy ngán chút nào. Giờ đây, không sống cùng ba mẹ nhưng món “đặc sản” này của ba luôn khiến chị “nuốt nước bọt” mỗi khi nhớ về, nhất là những buổi tối trời mưa.

Khi nhớ những món ăn mẹ cha nấu, người ta thấy ngon có lẽ cũng một phần nó đã trở thành ký ức và gắn với những kỷ niệm khó quên dưới mái nhà. Hơn nữa, cùng sống với nhau, cùng một khẩu vị, ba mẹ dễ dàng làm những món ăn vừa miệng con cái. Nói không quá lời, những bữa cơm gia đình được nấu từ người thân yêu trong nhà, ngoài nêm nếm gia vị, còn gói ghém ở đó tình yêu thương. Những món ngoài tiệm hay nhà hàng làm sao “đấu lại” với món ăn có tình yêu thương và đầy ắp kỷ niệm ấy!

Bữa cơm gia đình trong ký ức người xa quê - 2
Mâm cơm nhà với những món giản dị đi vào ký ức khó quên của nhiều người con xa quê - ảnh minh họa


Bữa ăn ngon còn là không khí ấm cúng gia đình

Không thể phủ nhận món ăn ngon ngoài sự hợp khẩu vị còn là không gian thân thuộc, không khí ấm cúng đặc trưng của một gia đình hạnh phúc. Bữa cơm đôi lúc chỉ là đĩa rau càng cua hái vội ngoài vườn, một trái bí vừa cắt trên giàn và nấu với vài con tôm khô hay nấu chay thôi, thế mà ngon lạ thường vì khi nhắc đến, những người trong cuộc lại nhớ cả ánh mắt trìu mến của mẹ cha cùng lời động viên khích lệ, như mẹ chị Phan Thị Hương vẫn hay bảo các con: “Ăn cho no nha con!”.

Bà Hoàng Tâm, 65 tuổi (định cư tại Maryland, Mỹ) kể, gia đình mình ngày xưa ở Bình Long (Bình Phước) khá đông con, những 9 anh chị em. Vì vậy, mẹ của bà thường muối dưa chua, cà pháo ăn dậm thêm, thịt cá chỉ có rất ít. Mỗi lần thấy mẹ cực khổ làm dưa muối cà, bà cảm thấy thật thương mẹ. Và trong những bữa cơm ngày ấy, chị em bà luôn vui vẻ nhường nhau từng miếng thịt nhỏ. Các chị luôn dành ăn dưa muối mắm cà để thịt cá cho các em ăn đi học. Các em lại gắp miếng cá mẩu thịt để vào chén cơm của anh chị. Ba mẹ thấy vậy chia đều từng miếng cá thịt hiếm hoi trên bàn ăn cho các con. Cứ thế, trong nhà, mỗi bữa cơm luôn rộn vang tiếng cười…

Bữa cơm gia đình nhờ tiếng cười trong trẻo, những món ăn bình thường mà ai đó lớn lên, đi xa, còn nhớ mãi hương vị. Những món bù tọt, dế cơm, canh bí, dưa muối, mắm cà… như sợi dây gắn kết tình yêu thương cùng gia đình. Bà Hoàng Tâm quả quyết: “Chẳng ai muối dưa chua cà pháo ngon bằng mẹ tôi với hương vị thật đặc biệt mà nếu có bịt mắt, chỉ nếm qua tôi cũng biết đó là sản phẩm của mẹ mình. Vì nghiền món đặc sản của mẹ, chúng tôi học tay nghề bà và giờ đây, tôi biết con cháu mình luôn thấy thiêu thiếu nếu bữa cơm không có mắm cà, dưa muối thuần túy Việt Nam…”.

Gia đình bà Tâm có lẽ không là cá biệt nếu chúng ta có dịp tiếp xúc với những người lớn lên, không còn sống dưới mái ấm nơi quê nhà nữa, vẫn luôn nhớ mãi một món ăn và bữa cơm gia đình trong bầu khí ấm áp đầy yêu thương.

NGUYỄN NGỌC HÀ

Bài viết khác