Thứ Hai, 21 Tháng Năm, 2012

Các vị Tử đạo tại nước Lào


     1. Lm. Giuse Thạo Tiến (người Lào), sinh 5.12.1918 ở Mường Xôi, Hủa Phăn ;
 học tại Hữu Lễ (Thanh Hoá), ĐCV Liễu Giai (Hà Nội), ĐCV Sài Gòn ; Tử vì đạo tại Ta Lang, Hủa Phăn, 2.6.1954 
     2. Lm. Gioan-B. Malo Lộc, M.E.P., sinh 1899 tại Pháp, thừa sai tại Trung Quốc, rồi tại Tha-Khék ; tử vì đạo trên sông Ngàn Sau, Hà Tĩnh, 28.3.1954

     3. Lm. Rơnê Dubroux Đức, M.E.P., Bản Pa-lay, Chăm-pa-xắc, 1914-1959

     4. Giáo lí viên Phaolô Đào Hùng (người Hmông), Kiu-ca-chăm, 1941-1960 

     5. Lm. Mariô Borzaga Gia, O.M.I., Kiu-ca-chăm, Luông Pha-băng, 1932-1960

     6. Lm. Lu-y Leroy Vương, O.M.I., Bản Pha, Xiêng Khoảng, 1923-1961
     7. Lm. Micae Coquelet Liệu, O.M.I., Sốp Xiêng, Xiêng Khoảng, 1931-1961

     8. Giao lí viên Giuse Vũ Thái (người Thái Lan), Xa-vẳn-nạ-khệt, 1933-1961
     9. Lm. Nô-en Tenaud Tấn, M.E.P., Xa-vẳn-nạ-khệt, 1904-1961

     10. Lm. Vinh Sơn L’Hénoret Lĩnh, O.M.I., Bản Ban, Xiêng Khoảng, 1921-1961

     11. Lm. Mạc-xen Denis Định, M.E.P., Khăm Muộn, 1919-1961

    12. Lm. Gioan Wauthier Thiệu, O.M.I., Bản Na, Xiêng Khoảng, 1926-1967

    13. Cậu Tôma Khâm Phương (ng. Lavên), Pắk Song, Chăm-pa-xắc, 1952-1968

     14. Lm. Luxian Galan Lâm, M.E.P., Pắk Song, Chăm-pa-xắc, 1921-1968
     15. Lm. Giuse Boissel Sơn, O.M.I., Hạt Y-ệt, Bô-li-khăm-xay, 1909-1969

     16. Giao lí viên Luca Đức Hy (ng. Khơmú), Đen Đin, Viêng Chăn, 1938-1970

     17. Trưởng họ đạo Mai Xam ‘Bố Nhân Bình’ (ng. Khơmú), Đen Đin, 1934-1970


* M.E.P. = Hội thừa sai Paris (Pháp) ; O.M.I. = dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm 
(Lm. Gia = người Ý, Lm. khác = người Pháp)

Cha Giuse Tiến, cha Gioan Baotixita Malô Lộc và các bạn Tử Đạo ở nước Lào 
     Cha Giuse Thạo Tiến sinh ngày 5 tháng 12 năm 1918 tại Mường Xôi, tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn, Lào). Khi lên 11 tuổi ngài vào trường Thầy giảng cho người dân tộc ở Hữu Lễ, tỉnh Thanh Hoá. Năm 1937 ngài được nhận vào Tiểu chủng viện và học tiếng La tinh và tiếng Pháp ở đó. Ngài sẽ là người duy nhất trong số những người dân tộc được tuyển vào Đại chủng viện. Thời gian nghỉ hè và thực tập đã tỏ rõ ngài có ơn gọi đi tu : dễ dàng gần gũi với những con người đơn sơ, hèn kém, là một thầy giảng nhiệt thành và mẫu mực, khéo tay hay làm mọi việc, ngài được các vị truyền giáo nể phục và được mọi người quý mến.

     Từ năm 1942 đến năm 1946 ngài theo học Đại chủng viện Xuân Bích ở Liễu Giai (Hà Nội), ngay bên cạnh phòng của Đức hồng y tương lai Phạm đình Tụng. Chuyên chú trong cầu nguyện và học hành, ngài tránh né tham gia vào những biến động chính trị. Giáng Sinh năm 1946, Đại chủng viện bị phân tán. Ngài phải đi bộ trở về bên Lào, nhưng rồi chiến tranh cũng lan rộng sang tận bên ấy. Ngài hoàn tất chương trình học ở Đại chủng viện Sài Gòn. Các bạn đồng môn vẫn còn nhớ được những kỷ niệm về ngài mà mỗi lần nhắc đến họ còn bùi ngùi xúc động. Họ thấy ngài là một người dễ mến, có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, và một sự gắn bó mãnh liệt với việc truyền giáo cho quê hương xứ Lào của ngài.

     Ngày 6 tháng 6 năm 1949, thầy Tiến được thụ phong linh mục ở nhà thờ Chính toà Hà Nội. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, ngài đã có thể dấn thân vào công cuộc truyền giáo mà ngài rất tha thiết ở Sầm Nưa, bên Lào. Nhưng từ tháng 11 thì nơi đây lại thành chiến khu của quân du kích. Với sự chấp thuận của các bề trên, ngài tiếp tục ở lại nhiệm sở. Khi hoà bình được tái lập, ngài tổ chức lại và điều khiển các trường học ở Mường Xôi. Tuy vậy, tự đáy sâu lòng mình ngài vẫn luôn là người mục tử. Người ta tuôn đến đông đảo để nghe ngài dậy dỗ. Sống nghèo khó, tin tưởng và phó thác, ngài là bạn của người nghèo và được mọi người yêu mến.

     Giáng Sinh năm 1952 chiến tranh lại bùng phát. Tất cả nhân sự truyền giáo đều được di tản, nhưng cha Thạo Tiến « luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì anh em người Lào ». Sau lễ Phục sinh, ngài bị bắt và cầm tù. Cha Tiến đã trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng cho tất cả mọi người khi phải sống cách ly, phải chống trả với những thủ đoạn tìm cách làm cho ngài bỏ đạo, phản bội lại lời hứa độc thân của linh mục, ngài sống chỉ có một mình với chúa Kitô khổ nạn và vinh quang. Ngày 2 tháng 6 năm 1954 ngài bị áp giải rời trại tù Ta Lang. Người ta trói ngài lại và bắn gục ngài bằng 5 phát đạn.

     Ngày nay, những Kitô hữu Lào nhắc đến tên của cha Tiến với sự kính cẩn và khẩn cầu ngài với niềm tin tưởng : Ngài là hoa trái đầu mùa được một Giáo hội non trẻ tiến dâng lên Chúa. Ngài cũng đã nên một chứng nhân lòng tin tại Việt Nam nơi mà ngài từng yêu mến.

* * *

     Cha Gioan Baotixita Malô sinh tại Pháp ngày 2 tháng 6 năm 1899. Ngài đi tu muộn và được chịu chức linh mục năm 1934, rồi được sai đi truyền giáo ở Quý Châu thuộc Trung Hoa. Ngài trung thành với sứ mạng truyền giáo bất chấp những khó khăn khủng khiếp. Năm 1951 ngài bị bắt, bị cầm tù, bị kết án và trục xuất khỏi Trung Hoa.
     Năm 1952, ngài sang Tha-Khék nước Lào là cánh đồng truyền giáo mới của ngài. Năm 1953, ngài bị quân du kích bắt cùng với Đức Cha Arnaud, một nữ tu và hai linh mục khác. Tất cả được áp giải đi bộ vượt núi non đến một trại tù.
     Cha Malô mắc bệnh và không thể ăn được loại lương thực duy nhất là thứ cơm hẩm mốc nên đã qua đời vì đói, vì bị đối xử tàn tệ và vì kiệt sức, trong chiếc thuyền trên sông Ngàn Sau, và đã dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa vào chiều chúa nhật ngày 28.3.1954. Ngài được mai táng vào lúc 1 giờ sáng ngày hôm sau gần một giáo họ nhỏ của xứ Vĩnh Hội (Hà Tĩnh). Các Kitô hữu của vùng đất xa xôi hẻo lánh vẫn kính cẩn giữ gìn ngôi mộ của ngài cho đến ngày nay. Mọi người đều xem ngài như là một chứng nhân đích thực của lòng tin.

* * *

      Tại nước Lào giữa những năm 1959-1970, mười lăm Kitô hữu khác đã phải trả giá bằng chính mạng sống mình để làm chứng cho sự trung thành không lay chuyển với Đức Kitô, với Tin Mừng và với Hội Thánh. Nhiều vị là linh mục và nhà truyền giáo. Năm vị là giáo dân, trong số đó có hai người là gia trưởng : hai thầy giảng, một giáo dân có tuổi và một học sinh trẻ mới 16 tuổi. Tất cả đã đổ máu đào xuống vùng đất được Chúa thương này. Gương mẫu sống động của họ giúp cho các Kitô hữu nước Lào cũng như cho tất cả những ai nghe biết câu chuyện cảm động của họ biết sống trung thành với lời mời gọi sống chứng nhân cho Đức Kitô hôm nay.


Lời cầu nguyện xin phong chân phước  cho các vị Tử đạo tại nước Lào


Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng,
Chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thương ban cho cha Giuse Tiến, 
cha Gioan Baotixita Ma-lô Lộc và các bạn, 
lòng can đảm nhiệt thành để loan truyền đức tin. 
Họ đã yêu mến những người nghèo khó, yếu đau, bệnh tật,
và những người hèn mọn. 
Dù phải mất mạng sống mình, họ đã vâng phục cách trung thành 
những chỉ thị của đấng kế vị thánh cả Phêrô. 
Như Chúa Giêsu đã hy sinh trên thập giá để khai sinh một dân tộc mới, 
các ngài đã nhận trao dâng mạng sống cho sứ vụ. 
Nhờ đó, dân Chúa lớn lên mạnh dạn trên đất Lào, luôn vui tươi giữa nghịch cảnh. 
Chúng con muốn noi theo gương mẫu của các ngài ; 
và muốn cho những thế hệ trẻ nhận biết được mẫu gương họ đã để lại.
Chứng từ của các ngài hướng đến sự thánh thiện của phúc tử đạo : 
chúng con nài xin Chúa làm cho chứng từ này được sớm chuẩn nhận. 
Nhờ lời chuyển cầu của các ngài xin Chúa ban cho chúng con 
những ơn chúng con khẩn cầu với lòng tín thác vào Chúa : ...
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen. 
(Kính Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh)

 

Bài viết khác