Thứ Sáu, 19 Tháng Mười Một, 2021

Hành trình tới đạo Thiên Chúa giáo của nhà thơ nổi tiếng Nguyên Sa, từ một chứng từ trong bài viết: Kính Mừng Maria


Hành trình tới đạo Thiên Chúa giáo của nhà thơ nổi tiếng Nguyên Sa, từ một chứng từ trong bài viết: Kính Mừng Maria - 1

Bản thân người viết bài này có thể không mấy khó khăn khi viết về văn học, báo chí, và triết lý của nhà thơ, nhà giáo Nguyên Sa. Nhưng viết về niềm tin tôn giáo - dù là thân thuộc - cũng thấy quả là không dễ.

Vì nó thuộc niềm tin của một con người.

Thú thật, trong nhiều năm trời, kẻ viết bài này không mấy lưu tâm tới vấn đề này; và tự thâm tâm, thấy không là điều thiết yếu trong việc tìm hiểu. Nhưng xem xét cuộc đời Nguyên Sa thì phải chăng, đó lại là điều căn thiết nhất?

Trong bài nhan đề: Kính Mừng Maria, tác giả Nguyên Sa viết nửa như dỡn đùa, nghịch ngợm của thời nhỏ đi học, thập niên 1940, ở Hà Nội. Nó cho ta có cảm tưởng như từ vô thức trở thành ý thức. Từ bên ngoài mà từ lúc nào đó thẩm nhập vào bên trong. Và từ những kinh nghiệm bản thân qua những chuỗi khó khăn của cuộc đời, nó trở thành niềm xác tín không hay. Tôi không lý giải và cũng không biết được điều gì của chính tác giả đi từ điểm A đến điểm B.

Chỉ xin ghi lại một mảnh trong kiếp phù sinh của tác giả. Và cả bà Trịnh Thuý Nga, phu nhân của tác giả, nay cũng trở thành tín đồ nhiệt thành. (Trước 1975, bà Thuý Nga là hiệu trưởng trường Trung học Văn Học ở Sài Gòn).

Phải chăng đó là những kinh nghiệm siêu hình bất chợt trong cuộc hành trình dương thế?

Câu hỏi như thế đã ngầm ý câu trả lời.

Hồi đó, ông học lớp Nhì A, trường Việt với Sư huynh «Đờ Ni» (Denis), ông này có một miếng vải trắng đeo trước ngực, học sinh gọi đùa là cái yếm. Sư huynh dùng thước kẻ để phạt. Ông bắt úp tay xuống đàng hoàng rồi mới khỏ. Không thuộc bài, ba quả. Không thuộc giáo lý, năm quả. Đánh nhau, 10 quả. Ông còn kể lại: Bố ông xin cho ông vào trường Puginier vì «vì mày cứ đánh nhau suốt ngày, phải cho vào trường «phe» (frère) để các ông «phe» các ông ấy trị.»

Ông còn kể, hồi học trường Việt: Khi Đồng Minh bỏ bom, sư huynh dẫn các học sinh ra hầm trú ẩn. Bên đối diện là phe trường Tây. Thường mỗi buổi trưa thứ Sáu, «phe» giữ Nguyên Sa lại, rồi kể «chuyện Thánh» cho Nguyên Sa nghe. Mà nếu có mặt Duyên Anh sẽ kêu lên là «hay tuyệt cú mèo». Như chuyện ông Môi-Xe dẫn đoàn lưu vong về đất hứa. Môi-Xe làm ra mưa, ngăn đôi dòng biển chảy xiết. Chuyện bà thánh Ma đơ len bị ném đá. Chuyện Ba vua. «Phe» nhắm mắt kinh khủng khi nói về Lu-ci-phe. Nhưng ông cười rạng rỡ khi kể các chiến thắng của các thiên thần..

Ông tâm sự: Câu chuyện về Kinh Kính Mừng do “phe” kể đã ghi những vết sâu đậm trong tâm hồn tôi. Đó là chuyện một anh chàng bê tha, hư hỏng, cờ bạc trai gái tội lỗi đầy đầu, mà toàn tội trọng, nhưng anh chàng tội lỗi này tối nào đi ngủ cũng đọc ba kinh Kính Mừng. Bạn của chàng này cũng hư hỏng không kém. Kinh Kính mừng không đọc bao giờ. Còn anh thứ nhất, sau những cuộc truy hoan trở về nhà, dù mệt mỏi đến đâu, anh cũng mắt nhắm, mắt mở đọc xong ba kinh Kính Mừng rồi mới đi ngủ. Cả hai bị nạn và ngắc ngoải. Anh tội lỗi không đọc kinh chết ngay ít phút sau đó, không kịp cha đến làm lễ giải tội cuối cùng. Anh đọc kinh Kính Mừng được ơn lành cửa Đức Mẹ đồng trinh nên khi cha đến giải tội lúc anh còn sống. Anh lên thiên đường đương nhiên. Còn anh phải xuống kia hỏa ngục đời đời. Sư huynh Denis ngồi với tôi trưa thứ Sáu, khi các bạn đã về hết, ông cầm lấy tay tôi, ông đọc trước, tôi lập lại: «Kính mừng Maria đầy ơn… phước»; ông đọc: “Đức Chúa Lời ở cùng bà…”, tôi lặp lại: «Đức Chúa Lời ở cùng Bà…»

Sau này, sư huynh Denis “xuất” năm 1945, rồi đi vào Nam trong đoàn quân Nam tiến để tổ chức “chống” Pháp. Khi về hưu, “phe” (frère) lúc đó đã già lắm, tóc rụng gần hết, gần như liệt, về sống ở Hạnh Thông Tây và qua đời tại đây. Trước đó, một anh bạn học cũ lớp Nhì A, trường Puginier Hà Nội vào năm 1960, thường quyên góp tiền bạn bè cũ để giúp đỡ “phe”. Tôi cũng đóng góp vui vẻ.

Ông nhớ lại, chính “phe” Denis dạy Trần Bích Lan (Nguyên Sa) kinh Kính Mừng. Và khi biết tin “phe” qua đời, Nguyên Sa đã tìm một góc tối đọc ba kinh Kính Mừng cầu xin Ơn Trên cho “phe”.

Ông cũng nhớ câu chuyện xẩy ra khi chuyến bay C141 bắt đầu lăn khỏi phi đạo Tân Sơn Nhứt cách đây hơn 8 năm. (Tôi còn nhớ gặp Nguyên Sa một hai tuần trước biến cố 1975. Sau đó, tôi đến trường Văn Học, thấy trường vắng hoe. Người gác trường cho biết, ông Lan và gia đình đã rời VN rồi. NVL)

Tiếng động cơ vang động, những rứt bỏ đứt ruột, tôi cất tiếng “Kính Mừng Maria”. Khi chiếc phi cơ di tản đã ở trên trời cao, vợ tôi cầm tay tôi hỏi: “Hồi nãy, anh đọc cái gì thế?”. Tôi trả lời: “Anh đọc kinh”. “ Kinh gì thế?” “Kinh Kính Mừng.” Vợ tôi trợn tròn mắt kinh ngạc hỏi: “Kinh đó anh học từ bao giờ.” Tôi không trả lời. Tôi chậm rãi đọc: “Kính mừng Maria đầy ơn phước. Đức Chúa Lời ở cùng Bà...”. “ Đức Chúa Lời ở cùng Bà...” Vợ tôi lặp lại, với ngạc nhiên, mỗi lúc lắng xuống. “Kính mừng Maria đầy ơn phước. Đức Chúa Lời ở cùng Bà…”. “ Đức Chúa Lời ở Cùng Bà...”

Khi tôi ngó xuống, đảo Guam đã hiện ra phía dưới. (Gia đình Nguyên Sa ghé qua đảo Guam, sau đó chọn lựa đến Pháp. Ông ở lại Pháp 3 năm, sau đó quyết định dọn về ở California cho đến cuối đời. NVL)

Câu chuyện Nguyên Sa chỉ là những cảm nghiệm riêng mà người Thiên Chúa giáo có thể dễ dàng chia xẻ. Sau đây, xin ghi lại ít dòng về cảm nghiệm tôn giáo của Nguyên Sa, trích trong cuốn sách của tác giả Nguyễn Đức Tuyên: Hành Trình Đức tin. Những trường hợp vô đạo Chúa. 2014.

Trong một bài thơ có tên Mật Khẩu mà nội dung có vẻ như nhân cách hóa Thượng Đế thường đến với ông bất chợt.

“ Ngày nào Thượng Đế cũng tới

Giờ khắc bất định

Nhưng ngày nào ông cũng tới ít nhất một lần

Ngày nào ông cũng mở banh lồng ngực tôi ra

Thản nhiên bước vào trong

Tôi không biết ông đi vào tim

Hay ông đi vào phổi…

Nhận xét: Cảm thức về Thượng Đế như thế một con người quyền uy chợt đến, chợt đi… Đó là cảm nghiệm của riêng từng người. Mỗi người chia xẻ một cảm nghiệm con đường dẫn đưa tới Chúa. Tuy nhiên, từ lúc làm bài thơ này đến lúc Nguyên Sa quyết định chịu phép Thánh Tẩy, thời gian kéo dài trong bao lâu?

Chỉ biết rằng, theo lời kể lại của Linh mục Phạm Ngọc Hùng, cha xứ tại thánh đường Polycarp, Orange, California: vào một buổi tối khuya, có anh thanh niên đến gõ cửa xin linh mục đi làm phép Thánh Tẩy cho một bệnh nhân muốn tin nhận đạo Chúa. Sau đó, vị linh mục được biết thanh niên ấy là con trai của Nguyên Sa, anh ta là một bác sĩ.

Khi đến nơi, nhìn thấy họ hàng, bạn bè quây quần chung quanh. Linh mục đã nói với Nguyên Sa:

“Thưa bác, bác còn đang yếu, xin bác cứ ngồi trên ghế để con cử hành nghi thức Thánh Tẩy cho bác.”

Nhà thơ trả lời: “Để tỏ sự kính trọng đối với một bí tích, xin cha cứ để con quỳ xuống, không sao.”

Trong lễ nghi an táng nhà thơ Nguyên Sa, có Linh mục Thomas Đỗ Thanh Hà và Linh mục Vincent Phạm Ngọc Hùng cùng các quý cha, quý nam nữ tu sĩ, các Ban chấp hành cộng đoàn, các đoàn thể, các ca đoàn, các quý quan khách, quý vị văn nghệ sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Phải nói, cuộc đời thi sĩ Nguyên Sa là một đời sống trọn vẹn. Trọn vẹn với gia đình, với vợ con, với bạn bè trong suốt cuộc đời làm đẹp cho đời và tranh đấu dấn thân cho xã hội, cho đất nước. Chẳng những Nguyên Sa nổi tiếng lãng mạn trong Thơ, ông còn lãng mạn trong tình yêu đối vối phu nhân ông là bà Trịnh Thuý Nga. Ông bà đã sống trọn tình trọn nghĩa với nhau trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Khi nhà thơ qua đời, bà Thuý Nga vẫn hằng ngày ra thăm viếng mộ phần ông và bên mộ phần ông, bà dâng lời nguyện cầu thiết tha xin Thiên Chúa đón nhận ông vào vòng tay yêu thương của Ngài.

Bài này như một tưởng nhớ của một thế hệ đàn em đối với ông, một thế hệ đàn anh mà sau này trở thành mẫu mực cho cả một đời và cho cả một thời.

(Nguyễn Văn Lục. Nguyên Sa của một đời và của một thời)

 

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art