Nhắc đến kẹo kéo ngày xưa là nhắc về một thời thơ ấu. Tôi vẫn nhớ như in hình dáng ông lão gò lưng trên chiếc xe đạp sườn ngang, phía sau chở theo cái thùng gỗ đựng kẹo kéo, bán dạo trong từng góc xóm. Nhớ mãi tiếng rao khàn khàn lạc giọng giữa buổi trưa hè nắng chang chang miền biển.
Khách hàng của ông là trẻ nhỏ lên ba, lên bảy… Hồi ấy, mua cây kẹo kéo tính bằng xu bằng đồng. Dưới bóng mát một tàn cây ven đường, ông dựng xe, mở cái thùng kẹo, để lộ ra cây kẹo kéo to như bắp chân người lớn, thoa tí dầu phộng, ông bắt đầu kéo ra những cây kẹo bằng ngón tay dài chừng mươi, mươi lăm phân (tùy theo số tiền mua của bọn trẻ), giữa có mấy hạt đậu phộng rang, rồi lắc tay một cái, cây kẹo gãy giòn tan, kẹp miếng giấy báo cắt sẵn vào đuôi kẹo, vậy là xong.
Bọn trẻ chúng tôi hồi ấy mê kẹo kéo lắm, mút cây kẹo nghe nó ngọt thanh, nhai hạt đậu phộng béo ngậy một cách thích thú. Có đứa răng bị sâu ăn vẫn mê kẹo kéo. Ăn xong, tối về răng nhức, khóc cả đêm, sáng hôm sau ngủ dậy cặp má sưng vù. Vậy mà vài bữa bớt đau lại cũng thèm kẹo kéo.
Sau này khi mười lăm, mười sáu tuổi, bọn tôi ngày đi vào rừng đào chai kiếm tiền. Có được vài đồng thế nào cũng hùn hạp rủ nhau mua đường cát trắng, đậu phộng, tập trung lại một nhà nào đó, nổi lửa, lên chảo thắng đường làm kẹo kéo. Tôi còn nhớ cây cột sơn đá nhà tôi mòn nhẵn một đoạn do nhồi kẹo kéo.
Làm kẹo kéo cũng đơn giản thôi, đầu tiên cho đường, bột vani, đổ ít nước vừa xấp mặt đường rồi đun lửa vừa phải, đun đến khi đường keo lại. Để biết đường đã thắng tới chưa, thì dùng chiếc đũa chấm vào chảo đường rồi nhỏ vào chén nước, đợi nguội lấy tay bấm thử thấy đường không tan, cứng lại là được. Xong trải tấm nylon, thoa lên lớp dầu phộng chống dính, rồi đổ đường từ từ lên tấm nylon. Khi đường đã khô và nguội bớt, lấy tay kéo giãn ra rồi gập lại, để tránh mỏi lưng, bọn tôi thường bê nguyên cục đường thắng móc vào cây đinh trên gốc cột, rồi cứ thế kéo nhồi cho đến khi đường thật dẻo, màu đã trắng, mới đem xuống tách ra cho đậu phộng rang vào giữa, sau đó vo tròn lại mà kéo thành từng cây kẹo.
Người bán kẹo bây giờ, hiếm khi thấy họ đạp xe rung chuông leng keng trong từng hóc hẻm và lũ trẻ hình như cũng dần quên cái hình dáng, vị ngọt thanh của cây kẹo kéo ngày nào.
Bán kẹo kéo thời nay tập trung vào giờ cao điểm ở các quán nhậu. Người đi bán kẹo là những nam, nữ thanh niên tuổi đời ngoài đôi mươi. Họ, từng cặp đèo nhau trên chiếc xe honda chở theo nào kẹo kéo, trứng cút, ốc me… nào loa, âm ly, micro. Đến quán, mở máy, người đứng hát, người mang kẹo đi từng bàn nhậu mời bán. Giọng hát của những “ca sĩ” này cũng ngọt cũng dẻo y như kẹo.
Bán kẹo kéo ở quán nhậu chủ yếu bán cho người lớn, ở đây không hề có bóng dáng trẻ em. Khi khách đã có hơi men, đã say giọng hát thì vài chục nghìn đồng bỏ ra mua kẹo, mua trứng cút cũng bình thường thôi.
Cứ như thế hết quán này, họ sang quán khác, hết địa phương này họ sang địa phương khác, nơi nào có nhậu nơi ấy có kẹo kéo. Đời kẹo kéo bây giờ cũng không khác mấy đời người hát rong.
Ngô Văn Tuấn (Bình Thuận)
vietbf.com