Thứ Bảy, 21 Tháng Tám, 2021

Người con gái ngồi đợi một chuyến tầu về

Truyện dài cuối cùng của DUYÊN ANH trước 1975

Lời giới thiệu:

Truyện dài còn dang dở của DUYÊN ANH – có lẽ, lần đầu tiên xuất hiện “đầy đủ” trên cõi thế – nơi tôi, như một tưởng nhớ của một người đã dựng bày thiên đường – thiên đường tuổi nhỏ/ thiên đường mộng tưởng/ thiên đường của những viễn du vào lòng thiện, đi đến những vùng đất hứa nơi “nước mắt” biết “rơi khi tình ra đời”, nơi “đời người chỉ có một lần để cô gái nghe cậu trai nói trong cơn mê xúc động Cám Ơn Em Đã Yêu Anh” / thiên đường của những van lơn nhỏ nhoi “xin cho em một chiếc áo như mây trời”…

Do một cơ duyên chưa biết vì sao có (hoặc có chăng đến từ Luật Của Thỏi Nam Châm Tâm Trí – Law of Attraction? Hay như Arthur Rimbaud nói: “J’ai fait la magique élude/ Du bonheur, qu’aucun n’élude – Ai nghĩ về hạnh phúc/ Sẽ đạt nguồn diễm phúc”) – và những cơ duyên đẹp diệu kỳ này là một làm bằng xác tín trong tôi về một phép màu có thật của cuộc sống – rải rác trong gần 10 năm, những gương mặt thiếu nữ với đôi mắt xoe tròn, ngậm một nhánh cỏ hay một cành hoa… lãng đãng và bâng quơ nhìn vào cuộc sống, trao đi một trìu mến, du người đến một nỗi “Bàng hoàng gặp lại ngày xưa tuyệt vời/ Ru ta sáng thế, ru người yêu nhau” (Ru ta, ru người – Duyên Anh)… từng số báo, ngẫu nhiên xô dạt vào đời tôi, để cuối cùng tròn vẹn những số báo theo thứ tự như những cánh rong trôi dạt về miền tôi… từ một miên viễn xa ngái nào đó… trôi về và neo tặng những cơn mộng đẹp…!

“Mộng này là thần tiên? Mộng này là quyến luyến” (TCS)… Một cơn mộng đẹp, một cơn mộng vô cùng cần kíp, khi “đời sống đã mang đi hết những câu kinh trinh bạch mà không phải lúc nào, giờ nào, thời nào cũng thổ lộ cùng nhau được” (TCS)…

Tuổi Ngọc & Duyên Anh, thời ấy, năm ấy…, với “Thi ca trong sữa lúa/ Tiểu thuyết trên lụa đào”… hơn bốn thập niên sau, vẫn như đang cùng tâm tình, đang cùng gióng giã lên những hồi kinh tình yêu, tình thân, tình quê…

NGƯỜI CON GÁI NGỒI ĐỢI MỘT CHUYẾN TÀU… truyện dài mà tác giả Duyên Anh xác quyết không còn là “những truyện tình mộng tưởng quen thuộc bấy lâu” mà là một dựng bày như một “phản kháng đích thực” hòng “níu giữ ít nhiều mơ mộng của tuổi trẻ trong thời chiến”…

Nhưng rồi… (bất chấp cho những lạc quan của Duyên Anh ước vọng về “khởi hành từ bóng tối” và “hy vọng sẽ bình minh ở hoàng hôn” trong một bức Thư Toà Soạn trước đó một tháng…).

Người con gái ấy đã mù khơi, chuyến tàu đã không bao giờ tới… thiên đường cũng đã lỡ … với số báo áp cuối (số 156)  (tôi đồ là thế, vì trước đến giờ vẫn chưa nghe hoặc thấy số báo 158 (nếu có thật) “sẽ” ra vào ngày 20 Tháng Tư 1975, 10 ngày trước cơn đại hồng thủy)… Nhưng hình ảnh đẹp đau thương và những ấp ủ nguyện ước về những chuyến tàu nối những sân ga hiu quạnh trên đất nước này, về linh cảm“nếu mai này hòa bình”, về ước vọng “một mai qua cơn mê”, về rộn ràng cuộc tao ngộ “ta đón nhau về, khi non nước yên bề sông núi vào hội yêu thương”… và cũng, những măng sét, những đôi mắt, những ngọn cỏ, những cánh lá… trang bìa… đẹp “khó tin” như… huyền thoại… thì còn mãi… như những câu chuyện cổ tích!

Cuối cùng, nhắc đến Duyên Anh, nhắc đến Tuổi Ngọc và số phận của bền bỉ 157 tờ báo neo và níu giữ “những năm tháng mơ mộng đẹp nhất đời người”, không khỏi thoáng rùng mình và xúc động – như một lời tiên liệu – khi hai truyện ngắn cuối cùng trong số báo 157 Tuổi Ngọc có tên lần lượt là “Đâu phải cái gì cũng mong manh” (Nguyễn Thanh Trịnh) và sau đó “Rất dịu dàng ta đã khóc” (Ni)!

“Giọt nước mắt tỏ tình thương ngàn xưa hư vô

Giọt nước mắt tội nghiệp còn thế giới hoang vu

Giọt nước mắt tâm tư

Giọt nước mắt ươm mơ

Rơi xuống em ơi.

Xanh ngọc vàng tơ…”

(Giọt nước mắt cho Việt Nam – Duyên Anh)

“Đừng tuyệt vọng nghe không / Còn trang thơ thắm lại với trời hồng” (Bùi Giáng), và những giọt lệ có nào đâu tan đi, mà… đã ánh lên màu nhiệm Xanh Ngọc Vàng Tơ!

“Đâu phải cái gì cũng mong manh”

NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG HUY

Sài Gòn, Tháng Tám 2021

*****

Người con gái ngồi đợi một chuyến tầu về  - 1

Người con gái ngồi đợi một chuyến tầu về  - 2

Người con gái ngồi đợi một chuyến tầu về  - 3

Người con gái ngồi đợi một chuyến tầu về

DUYÊN ANH

Truyện dài này đã khởi đăng ở Tuổi Ngọc số 146 được ba trang. Rồi tôi bị đau nên số 147 chưa thể tiếp theo được. Hôm nay, cảm thấy đã khỏe, tôi viết lại và cho in từ đầu để bạn đọc khỏi ngỡ ngàng. Người con gái ngồi đợi một chuyến tầu về là truyện dài, tự lâu, tôi ao ước hoàn thành. Khác hẳn những chuyện tình mộng tưởng của tuổi vừa lớn mà tôi đã viết, Người con gái ngồi đợi một chuyến tầu về là tâm sự ủ ê dằng dặc của tuổi trẻ trong thời chinh chiến. Tôi viết truyện này không phải để kết án chiến tranh bằng những gào thét hoặc phán xét bom đạn bằng lời lẽ vô tích sự. Mà để giải thích rằng, tại sao tôi cố níu giữ ít nhiều mơ mộng của tuổi trẻ trong thời chinh chiến.

Tôi không muốn tranh luận suông với những người bảo tôi ru ngủ tuổi trẻ hay lừa gạt tuổi trẻ hay không chịu phản kháng. Người viết văn chỉ phản kháng bằng tác phẩm. Và chỉ có tác phẩm mới biết phản kháng đích thực. Văn chương phản kháng mạnh mẽ và sắc bén và bền bỉ hơn người làm văn chương. Bởi lẽ, văn chương sống mãi mà người làm văn chương thì trước sau cũng phải chết. Nhưng văn chương không ồn ào. Nó có vẻ khiêm tốn hơn người làm ra nó. Đó là văn chương lớn của những nhà văn lớn của chúng ta.

Tôi không xứng đáng được xếp vào hàng những nhà văn lớn của chúng ta. Nói cho đúng, tôi không phải là nhà văn. Tôi chỉ là người viết truyện mưu sinh, cố gắng không viết truyện dâm ô, đồi trụy và phi luân. Và sức mấy ru ngủ nổi tuổi trẻ hay lừa gạt nổi họ. Đừng quá quan trọng về người viết truyện mưu sinh. Đừng quá quan trọng về một tờ báo hơn ba ngàn độc giả. Sự giải thích của tôi không nhằm phía một số người thích quan trọng về tôi vì tờ báo Tuổi Ngọc. Vậy Người con gái ngồi đợi một chuyến tầu về nhằm “giải tỏa” những “thắc mắc” của bạn ngọc rằng tại sao tôi cứ viết truyện tình mộng tưởng hoài hủy. Truyện này sẽ đăng khoảng 40 số báo nếu mỗi số in 16 trang, khi in thành sách sẽ dầy 800 trang chữ nhỏ xíu. Mỗi số báo in 16 trang hoặc ít hơn còn tùy thuộc vào sức khỏe của tôi. Tôi sẽ cố gắng viết thường xuyên để truyện khỏi bị gián đoạn.

Duyên Anh

Tháng Mười Một 1974

Chương một

Khi tôi hiểu đường rầy kia nối liền Trung Nam Bắc, con tầu này đã khởi đi từ Sàigòn, qua Huế, ra Hà Nội thì, đường rầy đã bị cỏ mục trùm lấp và con tầu dừng bất động dưới nắng mưa cơ hồ một tội nhân chờ phán xét, cơ hồ một người già tê liệt nằm đợi hoàng hôn của riêng mình. Năm tôi mở mắt chào đời, ba tôi bảo, chuyến tầu xuyên Việt đã không vô nữa, từ lâu, và chuyến tầu ra chỉ tới Đông Hà. Và, năm tôi bẩy tuổi, chuyến tầu định ra Huế phải dừng lại ga tỉnh lỵ Tuy Hòa, quê tôi. Cho đến thuở tôi biết ngồi bên cửa sổ, ngắm con tầu hoen rỉ, ái ngại giùm nó, thương hại nó. Nhà tôi đối diện nhà ga.

Tôi là con gái út trong gia đình năm anh chị em. Ba tôi đã hồi hưu. Ông phục vụ ở ngành hỏa xa. Một nửa đời ông chạy theo đường sắt, kỷ niệm vui buồn gửi trên mái ga xép ba miền. Hình như ba tôi cũng giống con tầu với tâm sự ủ ê không kém. Ngày hỏa xa ngưng hoạt động, ông được chỉ định một chỗ làm việc an nhàn. Nhưng thiếu tiếng thét của còi tầu, tiếng bánh sắt nghiến lên đường rầy, tiếng cười của khách về, tiếng khóc của khách đi. Ba tôi tương tư những thứ tiếng đó. Tưởng chừng vắng nó, tâm hồn mình chìm vào cô quạnh. Ba tôi thường kể cho tôi nghe nhưng chuyến tầu đêm, những chuyến tầu ngày tới lui qua ga xép. Những cái tên ga xép nghe đã thấy u sầu. Với ba tôi, đấy mới chính là những vùng mộng tưởng, nơi ta hoàn toàn bình yên về với những chuyến đi mơ ước. Rốt cuộc, ba tôi đành về hưu và chẳng biết bao giờ những ga xép thắp lên những ngọn đèn chờ đón những chuyến tầu đêm. Và tôi, tôi chưa hề nghe tiếng còi tầu thét ngay tại ga tỉnh lỵ Tuy Hòa.

Tôi lớn khôn bằng những chông chênh của đời sống, bằng những tiếng thở dài của người thân yêu. Chung quanh cái thế giới nhỏ bé của tôi tua tủa hàng chông phiền muộn. Tháng năm tàn, trôi chông chênh không ngớt và những tiếng thở dài ray rứt hơn. Y hệt con nước thất vọng dâng cao mà chẳng rõ sẽ tràn chỗ nào. Ba tôi, chuyến tầu vét đêm ba mươi tết, về già với một tương lai bấp bênh của đàn con. Ông mở quán bán cà phê, nước ngọt và tin rằng nhan sắc của mấy đứa con sẽ làm sinh động cửa hàng và giúp ông vốn liếng đầu tư vào sự vươn lên của con ông!

Có cái gì đau xót và tàn nhẫn trong mưu đồ tội nghiệp của ba tôi. Có cái gì bi phẫn và nghẹn ngào trên chiếc ghế cao, sau quầy thu tiền của các chị tôi. Tất cả tụ tập thành một lớp sương mù đặc. Và tôi hiểu tôi bị lớp sương mù đạc ấy đánh đai, vây kín. Tôi thèm nhìn cảnh tượng bên ngoài vòng đai như người lạc lõng giữa rừng thiêng thèm nhìn chân trời. Chị Vân nói: Con Nhỏ Duyên chiêm bao cả lúc ăn cơm. Chị Hà lại nói: Nhỏ Duyên bà cụ non. Nó giống cậu chim, chưa hề kêu líp nhíp đã đòi hót. Chị Vân nhận xét đúng. Luôn luôn, tôi thả ý nghĩ khỏi đầu óc tôi để nó lang thang. Nhiều bận, ý nghĩ ham chơi quên đường vì hoặc không có hồi chuông gọi nó trở về. Thì tôi như một đứa ngớ ngẩn, một đứa trẻ mất trí từ thuở còn nằm trong bụng mẹ. Chị Vân bảo tôi chiêm bao tối ngày. Chị Hà nhận xét cũng đúng. Tôi là bà cụ non, là cậu chim tuổi đời mớm thóc đã muốn ca hát nhạc buồn.

Nhạc buồn lan tỏa cùng khắp quê hương tôi. Cái tỉnh lỵ, nơi tôi sinh trưởng, sao mà hiu quạnh! Nằm thấp gần mặt bước biển, thị trấn bị án ngữ bởi đèo Cả và đèo Cù Mông. Đi ra leo đèo. Đi vô leo đèo. Đèo cao và ngoằn ngoèo khiến mộng mơ chùn bước đi, khiến kẻ định vượt đèo đi kiếm mộng mơ đã ngại ngần. Bên kia đèo Cả là vùng biển Đại Lãnh nên thơ, bãi cát phẳng phiu nước biển quyến rũ và những rặng phi lao thầm thì tình tự miên man. Bên đây đèo Cả là vùng biển cô đơn, biển nghèo, biển ngái ngủ với những bãi cát lún suốt đời thèm khát in dấu chân đôi tình nhân phương xa. Người ta chỉ đến Đại Lãnh nhờ Đại Lãnh giữ giùm ít nhiều kỷ niệm rồi người ta về thương nhớ Đại Lãnh. Đã không ai tìm tới biển quê tôi và gửi lại hay mang về chút tình mặn nồng chất muối.

Xưa, những chuyến tàu hỏa ghé qua khoảnh khắc và tôi đoán rằng, khách đường xa cũng chỉ ngồi trên tầu ngắm thành phố Tuy Hòa qua khung cửa sổ. Nay, những chuyến xe đò không còn vô bến xe thị xã. Khách đường xa đành tưởng tượng phố xá, cảnh vật bên trong tỉnh lỵ từ một bến tạm ngoài quốc lộ. Người ta có thể thống kê được con số du khách viếng thăm Tuy Hòa một cách dễ dàng nhờ đếm tên hai ba cái khách sạn sập sụi cũ kỹ. Ai thích đến Tuy Hòa ngoạn cảnh? Rất hiếm hoi, dù thi hào Tản Đà đã quảng cáo quê hương tôi bằng vần thơ yêu dấu: Đa tình con mắt Phú Yên. Đôi mắt đa tình của người Phú Yên, của người con gái Phú Yên, hơn một nửa thế kỷ trước, trong thơ Tản Đà, bây giờ, chứa chất nhiều u ẩn như đôi mắt người Sơn Tây, ba mươi năm cũ, trong thơ Trần Quang Dũng. Dâu biển đã lọt vào cả tâm hồn. Dâu biển đổi thay cả mật ong niên thiếu thành mật đắng. Dâu biển đùn u ẩn ngập đôi mắt tôi.

Bằng đôi mắt u ẩn, tôi mới lớn, nhìn thời đại tôi, nhìn quê hương tôi, nhìn chính tôi và nỗi chông chênh thường trực phong tỏa cuộc đời. Tôi nhìn con tầu hoen rỉ nằm bất động ở nhà ga và nhìn nhà ga buồn hiu, vắng vẻ và suy nghĩ về những con tầu, những nhà ga chung cảnh ngộ với con tầu, nhà ga quê tôi, vùng quê lở loét mà nước biển mặn không ngừng xoáy tít làm xót xa và đau thấu xương tủy. Chị Vân hẳn là không thích nhìn con tầu hoen rỉ với mái ngói nhà ga phủ kín rêu xanh. Chị Hà chắc cũng vậy. Còn anh Vũ, anh Tâm? Tôi không biết rõ, anh Vũ đã chấp nhận nghịch cảnh và ra đi dù anh chỉ mơ ước được sống bình thản ở quê nhà. Anh đang lặn lội giữa biên giới sống và chết. Để được tự do.

Tự do hiểu theo nghĩa không bị truy nã, ruồng bắt. Chiến tranh thì chẳng bao giờ vui thú cả. Bản chất của nó vốn tồi tệ. Muốn chấm dứt nó người ta phải nhập cuộc với đắng cay chua chát. Anh Vũ không ôm mộng trở thành chiến sĩ hòa bình hoặc là ao ước những vòng hoa sứ mạng choàng ngang cổ. Anh lý luận đơn sơ: Đời có chiến trường, con trai cần ra đi để con gái ở lại nhớ thương. Chiến tranh đã không chấp nhận sự lẩn trốn, ta nên chấp nhận nó trước. Làm anh hùng giả vờ vẫn hơn làm anh hèn thật sự. Anh Vũ làm anh hùng giả vờ và anh Tâm làm anh hèn thật sự. Anh Tâm phản đối chiến tranh nhưng anh sợ hãi tù tội. Anh ru rú xó nhà, trông đợi hòa bình từng giây phút. Tóc anh rậm bù, râu ria tua tủa. Anh già nua một cách thảm não.

Ban ngày, ngó qua kẽ hở nhỏ, tim anh đập loạn, mặt anh tái mét khi xe tuần cảnh xẹt ngang. Ban đêm, anh vùng dậy, cuống quýt mở nắp hầm bí mật nhảy xuống khi nghe tiếng còi bố ráp. Anh mất hết tự do. Anh giống hệt con cá trong chậu nước có vết rạn. Lúc nào nước cạn đây? Ba tôi đã làm giấy di chuyển anh vô Sàigòn để xóa tên anh khỏi sổ gia đình. Như thế, nhà chức trách đinh ninh anh Tâm đã rời nơi đây. Tự nhiên, anh Tâm bị khu trừ. Anh sắp đau tim. Anh sắp điên khùng. Anh chối bỏ tự do, tình yêu, tuổi trẻ, tự chui rúc vào ngục tù của chính mình tạo ra. Ngày mai hay ngày mốt, bữa cơm gia đình thiếu anh, có thể anh đã chết ngạt dưới hầm. Mà đời chưa thôi binh biến, đời vẫn còn đang chiến trường. Nếu tôi là anh Tâm, tôi sẽ không trốn tránh chiến trường. Tại sao người ta không thể vừa cầm súng nhả đạn vừa nguyền rủa chiến tranh? Thành thử, ở gia đình tôi, ở cái xã hội nhỏ bé vây quanh tôi, tôi chính là người con gái của thi sĩ Nguyễn Bính: Bao nhiêu oan khổ trong trời đất, Trời đã dành riêng để tặng nàng.

Trời đã dành riêng tặng tôi một thời đại này, một quê hương này. Ôi, quê hương tôi, buồn chi buồn lạ! Có mỗi cánh đồng Ô Long biết màu vàng của lúa chín, song cánh đồng lưng dựa vào núi, mặt ngoảnh ra biển đã không mấy hứa hẹn giúp dân no ấm hai mùa. Những buổi chiều lộng gió, tôi thường đạp xe tới cầu Đà Rằng ngắm cảnh. Cầu Đà Rằng là cây cầu dài thứ nhì của nước Việt Nam, đứng sau cây cầu Long Biên. Vậy mà quê tôi lại nghèo nhất nước và ít ai biết đến cầu Đà Rằng nếu người ta không học địa lý. Mùa khô ráo, nhìn lên phía cao nguyên, từ chân cầu chằng chịt giây thép gai, chỉ thấy một vùng mênh mông cỏ úa đất cằn dàn trải trước mắt mình.

Mùa nước lũ, cỏ úa và đất cằn chìm nghỉm dưới nước đỏ ngầu. Nước lũ siết chân cầu và làm nên những tiếng than van thảm não. Phù sa trôi hết ra biển mặn. Phù sa không bồi mầu mỡ cho ruộng đồng. Và ruộng đồng nào đâu thuận lối đón phù sa? Khi những cơn mưa nguồn dứt, nước biển hết, cỏ úa và đất cằn lại hiện ra. Mãi mãi. Đều đều. Hình như không thay đổi, dẫu người ta đã bắc một cây cầu mới. Đôi bận, tôi muốn thử đạp sang xe bên kia cầu, xa thêm nữa, thêm nữa. Nhưng tôi biết chiếc xe của tôi khó lòng leo dốc đèo Cả. Và sự đổi thay của thế giới bên ngoài, với tôi, mỗi ngày mỗi mịt mù. Tôi đành trở về cùng cái thị xã ngái ngủ của tôi, cái thị xã dạo chơi năm mười phút đã hết đường phố, cái thị xã mà phố chính còn thừa đất trống. Đứng ở bậc tháp điêu tàn của dân Hời dựng trên ngọn núi Nhện trông xuống, thấy thị xã giống một miếng chợ xổm. Cái vẻ tạm bợ rải rác đó đây. Chúng ta cố níu tạm bợ làm vĩnh cửu nên cuộc sống nó hắt hiu đến tội nghiệp. Nỗi hắt hiu nhấp nhô trên mặt nước đời, dần dà, trở thành những con sông lớn. Và chúng ta là những chiếc thuyền nan bồng bềnh trôi, biết định hướng nhưng bất hạnh hơn cả những cánh bèo vô định.

Nỗi hắt hiu có mầu trắng. Mầu trắng đó tôi bắt gặp ở bãi biển cát lún nghìn năm chẳng một hò hẹn tình yêu. Mầu trắng đó đọng nơi vành tai những chú bé rám nắng sau những lần đùa bỡn dưới nước biển. Có biển nào nhiều muối như biển Tuy Hòa. Sao tình người không mặn mà nhỉ? Hãy nhìn vành tai những đứa trẻ từ biển lên bờ. Một chút nắng thôi, đã đủ nước biển khô hóa muối và ướp da thịt tươi, y hệt muối để ướp cá, y hệt muối đã đắp lên vết thương của nỗi buồn. Tôi lại mệt mỏi suy nghĩ về vùng biển quê hương tôi, quê hương, mỗi năm, đón đợi làn roi tàn nhẫn cuối cùng của gió Lào. Gió Lào! Nghe nói trong văn chương đã thấy cháy lông mày, khét mùi tóc. Gió Lào thổi qua rừng núi trùng điệp khi tới quê tôi đã hiền đi. Như tên cướp khát máu bước nhẹ vào hoàng hôn của đời hắn. Tuy vậy, sự hiền hòa của gió Lào mang tên gió Nam vẫn đủ sức hung hăng xoay tít cát biển. Và cát theo gió vun vút cơ hồ những mũi tên nhọn hoắt bắn vô những con mắt chậm phản ứng.

Biển dẫn cát lên. Cát ngỡ đã yên thân đời cát. Cát ngỡ đã câm lặng, mỏi mòn, chịu đựng những bước chân hung bạo. Như số phận chúng ta.

Nhưng gió từ đâu đến, lột cát, lột da cát, xoáy tít đời cát và lùa cát tung bay tản mạn, không cho cát mỏi mòn chịu đựng, bắt cát bụi phiêu lưu, khiến cát bụi sống kiếp du mục. Cát bụi, một hạt nhỏ trong nó là anh Vũ, là anh Tâm. Tất cả là chúng ta. Là chúng ta chới với vì mùa gió ác tự thuở con tầu nằm bất động ở ga chính, tự thuở những ga xép hoang vắng, tường mái lỗ chỗ những vết đạn.

Gió nồng và cát mặn ướp hình hài tôi, muốn tôi là con cá khô. Tôi lại thích làm con cá tươi bơi lội nhởn nhơ. Thế tôi mới khổ. Và thế tôi mới già nua, mới mơ mộng vẩn vơ như các chị tôi nhận xét. Không già nua sao được khi ta sống trên một mảnh đất cằn. Tôi mường tượng chiều cao của đèo Cả, đèo Cù Mông. Núi cao chi lắm núi ơi, Che khuất mặt trời chẳng thấy người yêu. Núi cao chi lắm núi ơi, che khuất cả niềm hy vọng ở cõi ngoài của tôi, của chị em tôi. Chúng tôi thường nói về cõi ngoài bên kia đèo Cả và đèo Cù Mông. Chị Vân bảo sẽ có ngày chị bỏ nhà đi tìm hạnh phúc ở bên kia đèo Cả. Chị Hà đùa bỡn, nếu chị Vân qua đèo Cả, chị sẽ tìm hạnh phúc bên kia đèo Cù Mông.

Tôi nói tôi ở lại nhà, ở giữa hai miền hạnh phúc. Nhưng chị Vân chưa đi, chị Hà chưa đi. Mới có một anh Vũ ra đi. Tôi nghĩ các chị tôi cần đi bằng tầu hỏa. Mà tầu hỏa đang nằm trước cửa nhà tôi, không hứa hẹn bao giờ phun khói ngập một miếng trời và thét lên hồi còi báo hiệu. Và vì thế, chúng tôi đành co ro trên một cành cây như con chim dưới trận mưa lớn. Trận mưa lớn tàn nhẫn, thô bạo. Nó cuốn trôi tất cả những gì cần thiết của con người. Của tuổi trẻ. Nó làm bung những khoảng rỉ sét khắp thân tầu. Nó làm mòn vẹt đường rầy. Nó làm đứt nốt những giây điện thoại còn sót lại từ ga này tới ga khác. Nó làm tràn đầy những hồ nước một cách vô tích sự. Vì tự lâu rồi, tầu đâu có cần uống nước. Tầu chết đứng ở ga. Tầu chết nghiêng ở sườn núi. Tầu lật ngược ở đồng hoang. Tầu tan xác dưới thung lũng. Con tầu, biểu tượng của tuổi trẻ tôi, hy vọng của tuổi trẻ tôi nằm kia. Và tôi, tôi ngồi đây, tôi ngồi bẹp dí nơi đây, đợi chờ hoen rỉ dần. Như con tầu đối diện.

Chương hai

Chị Vân thích ngồi bên khung cửa sổ căn gác nhỏ nhìn xuống đường. Những lúc chị ngồi bên khung cửa sổ, trông chị thật buồn. Buồn và đẹp. Đẹp não nùng. Chị Vân thiền bên khung cửa sổ. Tôi đã đùa cợt thế, mà chị không cười. Chị đúng là thiếu nữ trong Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói, Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì. Nhưng chị Vân nghĩ ngợi gì? Bằng tuổi tôi, chị yêu thương một anh chàng học cùng lớp. Bấy giờ, tôi chưa hiểu người con gái lớn lên cần thiết một người con trai như cây cỏ cần thiết mưa nắng. Nên tôi không rõ mối tình đầu của chị Vân thắm thiết chừng nào. Khi chị bận hẹn hò thì tôi mải rong chơi dưới hàng phượng vĩ, rình bắt chú ve sầu và hồn nhiên dẫm lên xác hoa phượng. Tôi chẳng biết xác hoa có linh hồn và linh hồn ấy đang bùi ngùi một chia ly. Bấy giờ, tôi cũng chưa suy nghĩ về con tầu. Bởi tuổi nhỏ trái tim đã ăm ắp những hồi còi hối hả, chẳng cần tiếng vui rộn rã chung quanh. Một ngày kia, chị Vân mất hẳn những cuộc hẹn hò. Chị buồn từ đó. Và từ đó, chị ưa ngồi bên khung cửa sổ những lúc không thích ngồi ở quầy thu tiền dưới quán cà phê.

– Chị Vân, sao chị buồn thế?

Tôi hồn nhiên hỏi chị. Đôi mắt vương sợi khói mơ hồ, chị Vân nhìn xa vắng:

– Vì người yêu của chị đã ra đi.

– Đi đâu?

– Chinh chiến.

– Ồ, bao nhiêu người đã ra đi, tội gì mà chị buồn.

– Em còn bé, biết gì.

– Em biết chứ. Người ta đã ra đi và người ta sẽ trở về.

– Nhưng người mà ta yêu thương sẽ không trở về.

– Về mà.

– Về với nhiều thay đổi. Về trong hoàng hôn của đời ta. Em sẽ hiểu và sẽ buồn khi thấy nơi ta cư ngụ mất dần những người trai trẻ bằng tuổi ta, gần gũi ta. Rồi ta sẽ đón nhận những người xa lạ đến bất chợt đi bất chợt. Cuối cùng, thành phố chỉ còn đàn ông vợ con đầy đàn và những cụ già ốm yếu.

Tôi cười dòn:

– Chị tiên tri?

Chị Vân không cười. Chị chớp mắt, giọng chị như tiếng chim lạc cuối trời thu:

– Sẽ như vậy đó, em ạ!

Chị nói thêm:

– Nếu sót lại những người trai trẻ, chắc chắn, họ đều bị ho lao, loét bao tử hay chui rúc dưới lỗ giống thằng Tâm.

– Chị ghét anh Tâm.

– Thương hại nó, tội nghiệp nó.

– Chị là con trai chị có lẩn trốn không?

– Không.

– Chị ra đi à?

– Ừ, chị ra đi. Ít nhất, mình cũng thấy chân trời. Chẳng tin, em cứ viết thư hỏi anh Vũ.

Anh Vũ rất lười viết thư. Lâu lâu gia đình mới nhận được lá thư không để ngày tháng, nơi chốn của anh. Anh Vũ không kể chuyện chiến trường. Anh bảo chuyện chiến trường để thời bình kể lại và nghe người khác kể, còn anh, anh sẽ nằm trên võng tưởng nhớ chiến trường. Vậy thư của anh Vũ gồm vài câu thăm hỏi cha mẹ và những kỷ niệm về cô này, cô nọ anh đã gặp trên những dặm đường gió cát.

– Chị đâu có ra trận?

– Cuộc đời đã ra bãi trận rồi.

– Mà…

– Em nghĩ rằng chị chỉ thương nhớ một người rồi tưởng tượng chung quanh mình toàn ông già khụ khị và bệnh nhân hom hem. Với em, thị xã của chúng ta còn rất nhiều con trai.

– Với chị, con trai đã đi hết.

Tôi cho là chị Vân quá đáng. Tôi mặc chị thiền bên khung cửa sổ và dành thì giờ rong chơi. Chị Vân bỏ học, dù cha tôi còn đủ khả năng chăm lo chị. Tôi không hỏi lý do nào chị thôi học. Chắc chắn vì người bạn trai cùng lớp chị đã bỏ trường ra đi. Cuộc vui chơi của chị Vân dang dở. Hình như, những cuộc vui chơi của tuổi trẻ đều dang dở từ dạo con tầu ăn vạ ở ga bến.

Ít lâu sau, chị Hà cũng thích ngồi thiền bên khung cửa sổ và cùng mang một tâm sự của chị Vân. Nghe cả những lời không muốn nghe thêm. Là những câu giăng gió của những người khách thô lỗ. Chị nhìn từng giọt cà phê đen đặc nhỏ chậm chạp từ đáy phin nhôm xuống cái ly thủy tinh. Khi đó, chị  Vân thiền bên khung cửa sổ trên gác. Trong trí tưởng của chị, thị xã của chúng tôi chẳng còn một mống con trai nào. Toàn đàn ông đã định cư đời mình bên vợ con. Toàn cụ già đợi chết. Toàn con nít ngớ ngẩn, con nít không biết hồn nhiên, ngây thơ là gì.

Chị nhìn xuống. Hố thẳm ở dưới. Hố thẳm cô đơn và phiền tủi. Chị không nhìn rõ chân trời. Núi án ngữ chân trời. Núi Nhạn hay ngọn Chài? Núi đèo Cả hay núi đèo Cù Mông? Có lẽ một ngọn núi vô hình, ngọn núi không tuổi, không tên, ngọn núi sừng sững trong đời sống chúng ta hiện lên vào một đêm mịt mùng nào đó. Buổi chiều, chị Vân xuống quán và chị Hà lên gác. Buổi tối, bóng đêm trùm khắp, cả hai ngồi bên nhau dưới ánh đèn mờ bệnh hoạn, quờ quạng những đồng tiền tội nghiệp. Những đồng tiền đó nuôi một người cha công chức hồi hưu, một người mẹ đi lễ chùa cầu quốc thái dân an, một người anh bắt phục tùng sống như chết, ba đứa con gái không bằng lòng hoàn cảnh và thỉnh thoảng, gửi thêm cho người anh bận chinh chiến phương xa.

Ba tôi đã rất có lý khi hoài tiếc những ngày gia đình sống lặng lẽ ở ga xép. Cuộc đời thường đem tới nhiều đổi thay tàn ác khó lường nổi. Ba tôi thở dài liên miên. Ông buồn bã nhưng không chịu buông trôi. Ông cưỡng số mệnh bằng cách mơ mộng. Như chị Vân muốn vượt đèo Cả bằng tầu hỏa, như chị Hà muốn vượt đèo Cù Mông bằng tầu hỏa, ba tôi muốn về ga xép ngày xưa bằng tầu hỏa.

– Con chưa biết, Duyên ạ!

– Biết gì, thưa ba?

– Đời sống ở ga lẻ. Mọi người quý mến ba, tha thứ lỗi lầm của ba và công nhận ba là sự cần thiết của họ.

– Ba thích chứ?

– Được làm một sự cần thiết cho nhiều người là một điều hãnh diện. Ba không ham ở đây. Ở đây, ba trở thành người vô tích sự. Chúng ta sẽ trở về một ga lẻ.

– Bao giờ, ba?

– Khi còi tầu thét.

Ba tôi thèm nghe tiếng còi tầu thét một lần cuối cùng. Ông cần sống, sống với nỗi u hoài khôn nguôi, để đợi nghe tiếng còi tầu báo hiệu hồi sinh sau giấc ngủ triền miên bằng ác mộng và thù hằn. Tự nhiên ba tôi hái bông hoa cổ tích dắt lên mái tóc bạc phơ. Con tầu (sao chỉ bị ám ảnh bởi con tầu) ví như công chúa ngủ trong rừng. Ngủ bất động. Ngủ không chiêm bao. Ngủ trái tim ngừng đập. Ngủ không được hứa hẹn giờ báo thức. Ai sẽ tìm đến rừng già đốt cháy lời nguyền thâm độc? Phép tích nào tụ ở đôi môi cúi xuống trao một chiếc hôn thần tiên? Để con tầu phun khói, con tầu rú vui, con tầu chuyển bánh nghiền nát mấy mươi năm thống khổ xếp lớp trên đường rầy, con tầu chở người về, con tầu đem người đi.

Đi về bình yên. Có nụ cười. Có nước mắt. Có chân tình. Ta nhìn rõ chân tình ở ga bến mỗi lần đón đưa. Con tầu, như vậy, không phải là con tầu sắt thép. Nó chuyên chở yêu thương. Trái tim nó nóng hổi, rực sáng. Trái tim nó nhận máu, rồi chuyển máu đi cùng khắp. Trái tim ấy đã tắt lửa. Và ba tôi mơ cổ tích. Giá ông biết tầu hỏa ngủ lâu hàng góc thế kỷ, ông đã làm một cuộc giã từ tiếng còi tầu, giã từ cuộc tình giữa người và tầu hỏa. Ba tôi, dẫu quá nửa đời yêu con tầu, vẫn chưa thu nổi một cảm giác bùi ngùi về tiếng còi vĩnh biệt. Ông thật lãng mạn. Ông tưởng không bao giờ con người vĩnh biệt con tầu. Con tầu sống muôn năm.

Con người chỉ sống trăm năm. Ba tôi đợi chờ con tầu thức giấc, vươn vai, chuyển bánh đưa ông đến bất cứ một ga lẻ nào. Rồi từ ga lẻ đó, ba tôi gửi lời vĩnh biệt con tầu. Con tầu thét hồi còi chia ly. Nó mang lời vĩnh biệt thơm nồng tình nghĩa và không vấn chút oán hờn nào của ba tôi đi mọi nơi. Như máu từ tim luân lưu khắp cơ thể. Lời vĩnh biệt của ba tôi sẽ là một thông điệp hoan lạc ngắn nhất: Đời sống đã bình yên, tôi thản nhiên chết. Đời sống đã bình yên, người già thản nhiên chết cho người trẻ hết ngập ngừng bước vào tương lai. Chúng ta yêu nhau không bị dang dở. Chúng ta hẹn hò không cần chọn chỗ, không lo về vội bởi giới nghiêm dọa nạt. Một hồi còi thét của con tầu, giản dị quá, sao ta cứ hoài mong vô vọng?

Anh Tâm chờ đợi tiếng còi tầu còn tha thiết hơn. Con chim gẫy cánh không chuyền nhẩy, bay lượn được đã đau xót lắm rồi. Con chim còn nguyên vẹn cánh mà không bay lượn, chuyền nhẩy nổi, niềm đau xót ray rứt khôn cùng. Một đêm, anh Tâm đánh thức tôi dậy hỏi chuyện bên ngoài “lao tù”.

– Bé này, trường học vẫn đông chứ?

– Vâng.

– Lớp của bé đã đứa nào bỏ học chưa?

– Chưa, anh ạ!

– Cả con trai?

– Dạ.

– À, tại bé còn… bé. Cứ bé nhỏ hoài nhé!

– Để làm chi, anh Tâm?

– Để khỏi tự giam hãm đời mình. Anh thèm ra bãi biển. Bãi biển có gì lạ không, bé?

– Cát lầy.

– Cát lầy tuyệt diệu.

– Hồi trước anh chê bãi biển.

– Bây giờ anh mê nó. À, bé, chị Nga thế nào?

– Sắp về nhà chồng.

– Có hỏi thăm anh lời nào không?

– Hỏi thăm anh hoài.

Anh Tâm im lặng. Anh bảo tôi thắp giùm anh một ngọn nến. Anh móc bóp, lôi ra một tấm ảnh (trong bóp của anh chỉ còn những kỷ niệm, chẳng còn thứ giấy tờ nào liên hệ tới xã hội). Đó là ảnh chị Nga, người yêu anh mê mệt và sắp đi lấy chồng. Anh Tâm mở căng mắt ngắm nghía nhìn bức ảnh. Hình như, đôi mắt anh biến thành cái máy phóng lớn. Và bức ảnh chị Nga hiện ra một vùng trời. Một vùng trời năm xưa mà tưởng chừng đời xưa. Vùng trời ấy hẳn đã rực rỡ những bình minh hò hẹn. Bây giờ là hoàng hôn tạo dựng leo lét ngọn nến gầy.

– Bé…

– Dạ.

– Chị Nga vui hay buồn?

– Buồn.

– Tại sao lại buồn?

– Em không biết.

Anh Tâm tắt nến. Bóng tối nuốt nhanh cái khoảng ánh sáng vừa lóe lên. Hai anh em tôi không nhìn rõ nhau nữa. Tôi rất muốn thấy những giọt nước mắt của anh Tâm để tin rằng anh Tâm còn có thể khóc được. Khi người ta còn nước mắt, người ta còn ước ao hạnh phúc. Nhưng bóng tối không giúp tôi soi sáng niềm u ẩn của anh tôi. Bóng tối mù mịt. Bóng tối bệnh hoạn. Bóng tối ích kỷ. Anh Tâm nói thật nhỏ:

– Bé, em không biết là phải. Tại sao anh bắt em phải biết? Anh vô lý.

– Chị Nga trách anh phản bội, bỏ vào Sài Gòn tìm bạn phồn hoa.

– Bé bào chữa giùm anh thế nào?

– Em nín thinh.

– Tốt.

– Chị ấy định nhờ em gửi thiệp cưới cho anh.

– Bé nhận liền nhé! Bảo đã gửi vô Sài Gòn. Hôm đám cưới, bé mua một bó hoa tặng chị Nga. Chị ấy sẽ hết buồn, sẽ quên anh vĩnh viễn.

– Rồi lỡ sau này…

– Sau này à? Bé ngây thơ quá. Anh lẩn trốn thì còn cái gì ở mai sau. Anh đánh mất tất cả, bé ạ!

Anh Vũ mắng anh đúng lắm. Anh hèn nhát, tầm thường và giả dối. Anh sợ chết, sợ luôn cả tù tội. Anh đang sống như anh đã chết. Có điều anh sống thật với sự hèn nhát và giả dối của anh. Anh không nói anh có lý. Anh cũng chẳng hằn học cuộc đời. Đời chinh chiến, anh không thích chinh chiến, anh thích chui rúc khổ sở. Một kẻ đã lẩn trốn, không được phép phẫn nộ và cam đành thiệt thòi.

– Chị Vân bảo nếu là anh, chị ra đi.

– Đi đâu?

– Chiến trường.

– Rất tiếc chị Vân chỉ là chị Vân.

– Tại sao anh không ra đi?

– Bé ạ, đời vắng những anh hèn sẽ thiếu những anh hùng.

Anh Tâm lắng chuyện. Giọng anh đùa cợt:

– Bé đã yêu đứa nào chưa?

Tôi mỉm cười. Anh Tâm khó mà nhìn được nụ cười của tôi.

– Chưa.

– Đã mấy đứa theo đuổi em?

– Nhiều.

– Em chọn bao nhiêu tên?

– Yêu một người thôi chứ, anh Tâm.

– Yêu nhiều tên một lúc, bé ạ!

– Như vậy không chung thủy.

– Như vậy không buồn. Rồi bạn trai của em sẽ lần lượt ra đi. Sẽ có đứa lẩn trốn như anh…

Anh Tâm ngừng lại.

– Chị Nga lấy ai, bé?

Tôi đáp:

– Một ông công chức góa vợ.

Anh Tâm quẹt diêm đốt một điếu thuốc. Tối thoáng gặp khuôn mặt đau thương của anh, lúc ấy.

– Ngủ đi, bé!

Tôi ngoan ngoãn nghe lời anh. Nhưng tôi không ngủ được. Mắt tôi nhắm mà như mở. Tôi chỉ nghĩ đến một thành phố, nhiều thành phố của chị Vân. Tôi nghĩ đến những chị Vân sống mỏi mòn, hắt hiu trong những thành phố đó, những thành phố chỉ còn đàn ông vợ con đầy đàn, đàn ông góa vợ và những cụ già ốm yếu và lũ nhi đồng đánh rớt hồn nhiên thuở nằm nôi.

– Anh Tâm!

– Ngủ ngoan, bé.

– Em bắt đầu lo sợ.

– Có thể, sau một giấc ngủ ngoan, nổi lo sợ của em sẽ tan biến.

– Làm thế nào để ngủ ngoan?

– Đừng tính chuyện tương lai. Hãy tận hưởng hiện tại, của em. Ném tặng mỗi tên bạn trai một bông hồng em đang có kẻo ngày mai không còn đứa nào nhận hoa của em. Mà, bé ạ…

– Anh.

– Thôi, ngủ đi, quên hết những gì anh đã nói với bé. Đời sống sẽ đổi thay.

Anh Tâm dập điếu thuốc vừa đốt thêm. Anh lẳng lặng về chỗ riêng của anh, chỗ riêng của đời sống anh. Chúng tôi lại xa cách nhau. Tuy cùng cư ngụ dưới một mái nhà, tôi vẫn không tin rằng anh em tôi gần gũi nhau. Người ta đã sẵn những chia ly đòi đoạn ấy từ bao lâu? Ôi, những chia ly đòi đoạn, mỗi ngày mỗi soi mòn hạnh phúc bình dị nhất của ta. Anh Tâm nói, đời sống sẽ đổi thay. Anh nói thật hay chỉ cốt an ủi tôi. Tôi không muốn đời sống đổi thay nếu sự đổi thay mang đến với tôi một thành phố hoang vắng con trai, một thành phố đìu hiu mộng ước.

Tôi muốn cái trục của đời sống chết đứng. Đừng quay nữa. Đủ rồi. Một bố già thao thức dĩ vãng. Một mẹ già gửi niềm tin ở thần thánh. Một ông anh thản nhiên chốn binh lửa. Một ông anh khắc khoải vùng bình yên! Hai bà chị buồn bã ngồi đếm từng chiếc lá xuân đời tàn úa, rụng rơi và ngỡ đó là những giọt đen đắng, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm từ cái phin cà phê nhỏ xuống cái ly thủy tinh quen thuộc. Tự nhiên, tôi ghét con tầu sừng sững đối diện. Tự nhiên tôi ghét nhà ga cũ kỹ, im lìm. Đó là biểu tượng của nỗi thống khổ thời đại tôi. Đó là nguyên do của chua sót làm mỏng tim. Đó là xuất xứ của chia lìa vô duyên cớ. Tại sao tôi cứ phải suy nghĩ về con tầu, nhà ga, đường rầy? Tại sao tôi không được suy nghĩ về bãi biển phẳng lì với những dấu chân tình nhân xinh đẹp?

Em ngủ đây, anh Tâm ạ!

Chương ba & bốn

Chúng tôi rủ nhau tới Hiếu Xương. Buổi sáng đầu thu trời thật đẹp. Tới cầu Đà Rằng, tôi bắt các bạn cùng lớp dừng xe. Những người bạn trai chiều chuộng tôi, không thắc mắc chi cả. “Ném tặng mỗi tên bạn trai một bông hồng em đang có kẻo ngày mai không còn đứa nào nhận hoa của em.” Anh Tâm khuyên thế. Nên, đáng lẽ, chỉ mời một Sơn, tôi mời luôn cả Minh, Tuấn, Hùng, Võ… tham dự cuộc rong chơi chủ nhật. Mấy đứa bạn gái ngạc nhiên về đề nghị của tôi. Chúng tôi dựng xe cẩn thận rồi đi bộ qua cầu. Đi thật chậm. Gót chân phải chạm sát ngón chân trái và gót chân trái chạm ngón chân phải. Cứ thế, chúng tôi đo chiều dài của cây cầu bằng chân không. Giầy dép tháo ra cầm tay.

– Trò gì vậy, Duyên?

Sơn hỏi tôi. Ngó Sơn, tôi trả lời:

– Đo cầu.

Sơn cười:

– Sách Địa lý đo hộ mình rồi.

Tôi nói:

– Sách không đo bằng chân của anh. Sách đo bằng thước. Kỷ niệm cũng không đo bằng thước.

Sơn đập nhẹ vai tôi:

– Học ở đâu cách nói đó?

Tôi đáp:

– Ở đây. Tốt hơn anh đừng hỏi. Hãy đo xem cầu Đà Rằng dài bao nhiêu bước, sẽ có ngày anh cần tính mỗi bước chân anh dài bao nhiêu thương nhớ.

Sơn khoái chí:

– A, cô… thực hành ca dao! Tính nỗi nhớ bằng nhịp cầu giản dị hơn, Duyên ạ!

Tôi lắc đầu:

– Nhịp cầu thiếu dấu chân. Trong chúng ta, sẽ có người tới đây tìm lại dấu chân hôm nay.

Sơn nhìn tôi, đôi mắt Sơn tha thiết:

– Tôi sẽ tìm lại dấu chân của Duyên.

Tôi đưa tay vuốt tóc:

– Cám ơn anh. Có lẽ, anh sẽ chỉ được hồi tưởng và tôi mới là người tìm lại kỷ niệm. Anh hiểu không?

Sơn ngơ ngác:

– Không.

Tôi xua tay:

– Đừng bắt tôi giải nghĩa. Ngày nào đó anh sẽ hiểu.

Tôi và Sơn cố tình đi chậm. Những người bạn của chúng tôi đã bỏ hai tôi khá xa. Họ hồn nhiên đo chiều dài của cây cầu. Tôi cũng muốn hồn nhiên giống họ. Nhưng tôi biết sự hồn nhiên của tôi đã chết đuối trong sự buồn của chị Vân, của chị Hà, của anh Tâm. Sự hồn nhiên của tôi đã chết đuối trong niềm suy tư vội vã của tôi. Tôi là thần đồng suy tư! Tôi là thần đồng khốn khổ! Hay một thiên thần bạc phước. Lại còn có cả thiên thần bạc phước ở thời đại tôi nữa. Tôi muốn tận hưởng hiện tại. Hiện tại đây: tôi đang rong chơi bên bạn trai, bên một người bạn trai ngây thơ, trong sạch và không hề biết mình đương bị xếp hàng tuyển lựa để tôi khỏi buồn khi bạn trai của tôi lần lượt ra đi. Con tầu còn nằm bẹp dí, sự gian dối còn được khích lệ. Có thuở nào người anh kính mến khuyên người em không nên chung thủy? Với tình yêu. Tôi bị cái ngày mai trong cái hiện tại của chị Vân, chị Hà, anh Tâm ám ảnh nên làm sao tận hưởng hiện tại của tôi.

– Anh Sơn!

– Người khác gọi chắc tôi không nghe rõ. Duyên gọi tôi nghe rất rõ, dù gió thổi át tiếng gọi.

– Giọng anh ướt át tiểu thuyết rồi đó.

– Tôi vừa mê tiểu thuyết và thi ca.

– Anh thích nói thật hay nói dối?

– Ai nói?

– Tôi.

– Duyên chưa nói dối.

– Nếu tôi bảo tôi không có cảm tình với anh, anh giận tôi không?

– Duyên nói thật hay nói dối?

– Nói thật.

– Không, tôi không giận.

– Còn nói dối?

– Nói dối như thế nào?

– Tôi bảo quý mến anh song lòng tôi rửng rưng.

– Bao giờ Duyên nói dối?

– Sẽ nói.

– Bây giờ tôi sẽ trả lời. Có thể tôi không trả lời bằng giận dỗi đâu. Khi người ta yêu ai, người ta sẽ nói dối, nhưng nói dối một cách đáng yêu.

– Tôi đã nói yêu ai đâu!

– Thí dụ thôi.

Tôi muốn nói thí dụ yêu, tôi sẽ yêu Sơn. Sao tôi ngập ngừng? Quả thật, Sơn là người bạn trai dễ mến. Sơn đã vào bán kết, sẽ vào chung kết và chiếm giải vô địch lãnh cúp-tim-tôi.

– Duyên!

– Gió thổi át tiếng anh rồi đó.

– Duyên nói dối.

– Vậy à?

– Tôi thấy Duyên lạ lùng quá.

– Không giống nhân vật nữ ở những tiểu thuyết tình mộng mà anh đã đọc chứ gì?

– Duyên buồn hơn tiểu thuyết.

– Tôi thèm vui.

– Thì vui đi!

– Tôi đang vui bên anh. Tôi tự hỏi niềm vui này kéo dài bao lâu. Và tôi bí. Anh có tự hỏi như tôi?

– Tôi ít suy nghĩ, suy nghĩ vô tích sự.

– Anh sung sướng.

– Phải. Mãi mãi đo cầu bằng chân với cô thì khó mà buồn.

Sơn và tôi là hai kẻ sang bên kia cầu chậm nhất. Mấy đứa bạn gái trêu ghẹo tôi những lời bóng gió. Sơn rực sáng đôi mắt khiến các bạn trai của anh (cũng là của tôi) cảm thấy lẻ loi. Chúng tôi kể cho nhau nghe cây cầu dài bao nhiêu bàn chân mình. Mỗi người một con số chênh lệch nhau chút ít. Chúng tôi trở lại chỗ dựng xe và đạp tới Hiếu Xương. Những người bạn của tôi muốn nghỉ trưa dưới gốc cây si cổ thụ. Tôi đã nghe nói về cây si này nhưng chưa có dịp xem tận mắt. Ngay mảnh đất tôi sinh trưởng, nhiều nơi tôi khao khát đến mà không thể đến được. Thế là mình sinh ra để bị tù đày ở nơi chôn rau cắt rốn của mình. Ý nghĩa đó làm tôi thương xót anh Tâm vô cùng. Anh Tâm mê say môn địa lý. Những năm trung học của anh, anh đều nhất môn học này và lãnh giải thưởng đặc biệt của các giáo sư địa lý.

Anh Tâm thường thức khuya nghiên cứu sông ngòi, hồ ao, rừng biển, núi đồi miền Bắc. Anh nói anh yêu tên những dòng sông Đà, sông Thao, sông Lô, sông Bạch Đằng, sông Hồng, sông Trà Lý… Những bãi biển Đồng Châu, Đồ Sơn, Sầm Sơn gợi cho anh biết bao mơ ước. Anh thích kể tôi nghe về hồ Ba Bể ở tỉnh Bắc Cạn, một cái hồ kỳ diệu mà anh bảo chẳng thua gì Ngũ Hồ, nơi Phạm Lãi giã từ Việt Vương Câu Tiễn, giã từ cái danh lợi hư ảo, thả thuyền tiêu dao ngày tháng. Anh thích kể tôi nghe về rặng núi Chapa, mùa đông cũng tuyết phủ trắng xóa ngọn cao.

Anh còn kể về dẫy Ba Vì, về thành nhà Hồ… Giọng anh say sưa như thể anh đang đứng dưới chân Ba Vì, cảm khoái hát vang: Ba Vì mờ cao, Làn sương chiều xa buông, Gió về hương núi thơm, Đưa hồn người đi… Tôi không hiểu ai dạy anh bài hát ấy. Mộng ước của anh Tâm là khi non nước thanh bình, quê hương thôi thù hận nhau, anh sẽ đáp tầu hỏa ra Bắc (Ôi chao, mộng ước của anh Tâm lại cũng luẩn quẩn ở một chuyến tầu!). Anh khởi sự thăm non sông gấm vóc từ ải Nam Quan. Với cái máy ảnh, cái máy quay phim, cái máy ghi âm, anh thu nhận hình ảnh, cảnh vật, nhân gian, tiếng nói của từng nơi chốn. Anh dành năm sáu năm phiêu du. Chặng chót của anh là Cà Mau.

Rồi anh về nhà, đóng cửa soạn bộ sách địa lý Việt Nam vĩ đại. Bộ địa lý Việt Nam của anh sẽ dày vài nghìn trang. Anh viết hết đời anh. Anh tình nguyện hiến dâng đời anh cho tình yêu quê hương. Anh Tâm quả quyết, thế hệ sau này đọc bộ địa lý Việt Nam của anh sẽ yêu non sông Việt Nam thắm thiết, sẽ hãnh diện vì được sinh trưởng trên mảnh đất gấm vóc rạng ngời, sẽ hiểu không một nơi nào đẹp hơn quê hương mình và sẽ chiến đấu tới giọt máu cuối cùng để bảo vệ quê hương Việt Nam. Nhưng anh Tâm đành chôn vùi mộng ước làm đẹp quê hương. Ngay cả giấc mơ dễ dàng thực hiện là bơi thuyền lách qua các hang động vịnh Hạ Long hay dạo chơi chùa Hương cũng trở thành diệu vợi. Và anh đang chui rúc. Anh đang lẩn trốn. Anh sống như anh chết. Anh cố giữ tấm thân hèn mọn của anh cho bộ địa lý Việt Nam. Có lẽ, tôi không được phép phán xét anh Tâm nữa. Có lẽ, trong chúng ta, không ai được phép phán xét ai, ở thời đại này.

Chẳng biết đến bao giờ anh Tâm mới đạp tung cửa, chạy thẳng tới nhà ga đón chuyến tầu ra Bắc. Để viết về bộ địa lý Việt Nam. Tôi sợ cái bao giờ quá muộn màng. Hoặc là anh Tâm đã chết vì khắc khoải hoặc là anh Tâm đã mắt mờ chân mỏi, không thể chống gậy leo đỉnh núi cao ngắm giang sơn hùng vĩ, vượt sóng ra khơi nhìn vào bờ bãi thơ mộng nước non mình mà ký thác tình yêu. Có bao nhiêu người cùng tâm sự với anh Tâm? Bao nhiêu tình ý đã cháy đen dưới cơn nắng tàn bạo dai dẳng của thời đại chúng ta? Và bao nhiêu người mơ ước đạp tung cửa chạy thẳng tới nhà ga đón chuyến tàu vô Nam? Chúng ta không được tự do đi thăm hết quê hương của chúng ta. Đó là một sự đau xót khôn cùng. Tình yêu của chúng ta, tình yêu giữa chúng ta bị phong tỏa bởi những biện pháp chập chùng, những biên giới mù lòa, ngu xuẩn.

– Suy nghĩ gì thế, Duyên?

– Mông lung.

– Sắp rẽ bên trái đấy nhé! Tôi báo động trước, kẻo Duyên mãi suy nghĩ mông lung, có thể, Duyên đạp xe thẳng vô Nha Trang.

Chúng tôi rẽ vào con đường đất nhỏ bụi tung. Sơn lái xe sát tôi. Anh hỏi:

– Đừng thèm suy nghĩ, được không?

Tôi đáp gọn:

– Không.

Sơn cười:

– Suy nghĩ mau già lắm. Rốt cuộc, sự suy nghĩ cũng chẳng giúp ta thay đổi điều gì.

Tôi nói:

– Sẽ có ngày anh phải suy nghĩ.

Sơn lắc đầu:

– Nhất định, tôi chê suy nghĩ.

– Để xem.

– Xem rồi. Có mỗi một suy nghĩ tôi đã suy nghĩ xong xuôi. Tôi thanh toán nó cái vèo. Tôi không bận bịu tương lai, tôi cầm bằng tương lai của tôi đã bị đốt cháy. Vậy tôi cần suy nghĩ làm chi đây?

– Anh Sơn.

– Thưa cô, tôi lắng tai nghe cô…

– Tôi sắp có thêm vấn đề để suy nghĩ.

– Vấn đề nào?

– Vấn đề anh!

Sơn cho xe chạy sát tôi hơn. Anh không đạp cả vòng mà chỉ đạp nửa vòng. Giọng Sơn khác lạ đôi chút:

– Vấn đề ấy sẽ làm tôi xao xuyến?

Tôi nhìn thẳng phía trước, trả lời Sơn rất lạnh lùng:

– Sẽ làm tôi tan nát.

– Tại sao?

– Vì anh sẽ đi và tôi vẫn ở lại. Tôi vừa thấy rằng anh không hồn nhiên như tôi đã tưởng. Và tôi nghĩ rằng chúng ta không nên dừng lại.

– Tại sao?

– Vì, anh đã thừa hiểu, ở hoàn cảnh chúng ta, ở tuổi trẻ không hứa hẹn của chúng ta, thân nhau lắm sẽ buồn khổ nhiều. Tôi sợ chia lìa. Tôi sợ sầu đau.

Sơn nín lặng. Tôi muốn khóc. Tôi chưa kịp khóc thì Sơn đã vội reo:

– Đến nơi rồi.

Đến nơi rồi! Ba tiếng ngắn ngủi không gây nổi niềm vui nhỏ. Hình như Sơn định làm nát một mẩu tâm sự tôi vừa bày tỏ với anh. Chúng tôi xuống xe, dắt vào khu vườn trồng. Cây si nổi tiếng tôi đã gặp. Nó không cao là bao nhưng thật vĩ đại. Cơ chừng nó đã mọc từ ngót trăm năm. Rễ phụ chằng chịt. Những cái rễ lớn bằng những cây me già trên mười tuổi. Cây si buồn bã như bãi biển cát lầy. Nó tượng trưng cho sự ủ ê muôn thuở của mảnh đất còm cõi này. Thương nó biết mấy! Chúng tôi dựng xe một chỗ và mang thức ăn thức uống bầy dưới gốc si, sửa soạn bữa ăn ngoài trời. Rồi từng đôi người, chúng tôi chọn chỗ ngồi nói chuyện vẩn vơ chờ mặt trời đứng bóng. Sơn và tôi kiếm nơi khuất vắng, ngồi bên nhau. Anh đốt thuốc lá, ngửa mặt phà khói.

Mùi khói hăng hắc, khó chịu. Đó là mùi thuốc lá đen, thuốc lá của ông già, của dân nghiện thuốc lá tuổi tác mà tuổi trẻ hôm nay thích hút cho chóng già chóng chết! Những người trẻ tuổi bây giờ nuôi dưỡng cái thú chui rúc trong những quán cà phê đèn mờ nghĩa địa, ngồi suốt buổi hút thuốc lá đen và uống cà phê đắng. Ở quán nhà tôi, những người đứng tuổi chỉ đến uống nước ngọt, uống chanh đường và uống vội vàng. Họ ít hút thuốc. Những người trẻ, trái lại, ngồi quên thì giờ, đốt hàng bao thuốc và uống liên tiếp mấy tách cà phê đen đắng. Dường như, họ đã hết cả cảm hứng lẫn cảm xúc. Họ chai lỳ nghe những bản nhạc tình mòn teo một điệu.

– Anh Sơn.

– Chi đó, người ưa suy nghĩ?

– Anh hút thuốc lá đen từ bao giờ?

– Từ hôm hay tin những tên bạn hơn tôi vài tuổi chết mất xác ở những nơi đèo heo hút gió.

Sơn gạt tàn thuốc:

– Quên chuyện đó đi. Nếu Duyên còn bắt tôi suy nghĩ, chắc là tôi sẽ phải uống rượu mạnh.

Anh chỉ cây si:

– Tôi muốn làm cây si kia nhưng cây si biết tơ tưởng nghìn điều mơ mộng.

Tôi hỏi:

– Sao anh không thích làm cây thông?

Sơn đáp:

– Tôi cũng sợ cô liêu, như Duyên ấy, tôi sợ ngàn năm reo hoài điệu buồn bã. Ta có chuyện gì khác để nói với nhau không?

– Chuyện gì?

– Chuyện gì vui vui một chút.

– Tôi chẳng có chuyện gì vui. Anh có chuyện gì vui?

Sơn lắc đầu. Khuôn mặt anh đờ đẫn. Cái vẻ học trò tinh quái biến đâu mất. Mới đây nó còn. Mới đây nó rực rỡ trên cầu Đà Rằng. Bây giờ nó nắng tắt hắt hiu. Bây giờ nó mưa gió rét buồn như ở một bến xe riêng đầu tỉnh lâu lâu vài chuyến cam nhông đợi chờ mang những người tuổi trẻ của thị xã ra đi. Chưa chắc đó đã phải là những lên đường vĩnh viễn, những giã từ muôn thuở. Nhưng nó đã là những vẫy tay vĩnh biệt tuổi trẻ, vĩnh biệt mãi mãi. Y hệt những chiếc lá mùa xuân gặp cơn bão trái mùa rơi rụng xuống giòng suối chảy siết, bị cuốn trôi đi rồi bị vùi dập sự tươi non dưới buồn đen. Khuôn mặt của Sơn đang hiện lên cái hình ảnh quái đản ấy. Anh dập điếu thuốc, thở dài:

– Ước chi tôi có một chuyện vui kể cho Duyên nghe nhỉ?

Anh lấy tay nhổ một cụm cỏ gần chân:

– Thế nào là chuyện vui, Duyên?

Tôi ngó Sơn. Anh vò nát những ngọn cỏ già. Rồi không cần tôi trả lời, anh nói:

– Chúng ta thật bất hạnh. Chúng ta chẳng có kỷ niệm gì về tuổi trẻ của chúng ta. Chúng ta đành bám víu lấy kỷ niệm êm đềm của cha ông chúng ta, của một thời con người được tình tự với thiên nhiên. Để ru mình và để ao ước. Chúng ta sinh ra và lớn lên trong sợ hãi. Luôn luôn chúng ta hốt hoảng. Mười ba tuổi đã được dặn dò coi chừng năm mười tám! Mười bảy tuổi đã nhìn rõ tương lai mình được quyết định ra sao. Và giận tuổi trẻ mình, thù nó, mong mỏi nó là tuổi ba mươi chín. Chúng ta thiếu chuyện vui vì thế, phải không Duyên?

Tôi chớp mắt. Sơn bỗng nhìn tôi. Bốn con mắt cực mạnh tia u ẩn không đủ làm cháy nổi buồn quanh mình. Tôi cúi đầu, nói nhỏ:

– Anh Sơn, xin lỗi anh.

Sơn mỉm cười gượng gạo:

– Cô có lỗi gì đâu.

Tôi xích gần Sơn, nắm lấy tay anh. Sơn buông rơi cụm cỏ.

– Anh Sơn…

Sơn khoác tay lên vai tôi:

– Duyên định hỏi tôi ước ao gì, phải không? Tôi nói ngay đây. Tôi ước ao mỗi một điều. Là mai này, ở nơi nào đó, nhớ Duyên, tôi nhớ rõ một kỷ niệm đủ để tôi hy vọng còn ngày về gặp lại Duyên.

Tôi luồn những ngón tay tôi giữa những ngón tay của Sơn siết chặt.

– Anh muốn hôn em không?

Tôi thấy những giọt nước mắt ấm áp má tôi. Những giọt nước mắt của Sơn. Của tôi nữa. Những giọt nước mắt chảy vòng xuống môi. Ngọt bùi và cay đắng.

******

Nguyễn Trường Trung Huy chép lại từ bộ sưu tập cá nhân

Sài Gòn, Tháng Tám 2021

https://saigonnhonews.com/

 

 

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art