Thứ Tư, 04 Tháng Tám, 2021

Thư gửi cho… Mối tình đầu ở phố Nguyễn Du

Thư gửi cho… Mối tình đầu ở phố Nguyễn Du - 1

Minh họa: Nguyễn Hoàng/Unsplash

Khoảng năm 1950, tôi đang học lớp Đệ Ngũ tại trường trung học đệ nhất cấp Nguyễn Trãi (Hà Nội) do thấy Đào Duy Trinh, giáo sư Sử-Địa làm hiệu trưởng. Khi ấy tôi học rất nhàn, có nhiều thời gian rỗi rãi nên tôi bèn ghi tên theo học lớp Đệ Tứ của thầy Bùi Hữu Đột mở tại nhà riêng ở phố Hàng Bè. Thầy chỉ dạy các môn khoa học tự nhiên Toán Lý Hóa, lớp học chỉ có chừng 30 học sinh. Tôi nhớ thầy giảng dạy rất có phương pháp, trình bày trên bảng tóm tắt các kiến thức cơ bản của bài giảng, dùng phấn màu rất hợp lý, cứ đến cuối giờ là mọi kiến thức cần nhớ đều được ghi đầy đủ trên bảng, chỉ cần nhìn là thấy rõ.

Cùng lớp có cô Nguyễn Thị H.; vóc người nhỏ nhắn, nét mặt xinh đẹp, nhưng nếu để ý sẽ thấy trên trán cô có một vết bớt màu xanh mờ, vì thế bao giờ cô cũng để xõa tóc phía trán ấy, nhằm che vết bớt đi. Cô chăm chỉ nhưng theo bài có phần khó khăn. Thấy tôi học dễ dàng nên H. chủ động làm quen, nhằm mượn các vở ghi bài giảng cũng như vở bài tập của tôi. Lúc đó tôi sống với chị Ba ở phố Thuốc Bắc, có lần khi H. đem trả tập vở mượn của tôi, có bìa vở bị vết mỡ dính vào, lau không sạch, cô đỏ mặt xin lỗi. Thói galant con trai nổi lên, tôi vội nói không sao đâu và mời cô vào nhà chơi, song cô không dám, từ biệt ra về. Sau đó, tôi bảo nếu cô đồng ý, tôi sẽ đem vở đến tận nhà cho cô mượn, cô rất vui và mời tôi đến chơi.

Chủ Nhật sau, tôi đến nhà cô, một biệt thự cổ ở con phố mà bây giờ gọi là phố Nguyễn Du. Nhà hai tầng, có sân thượng, tầng dưới có phòng khách, phòng ăn, cô ở tầng hai, có ban công nhìn xuống con đường rợp bóng cây. Thế là tôi thường đến đó vào chiều Chủ Nhật, H. hay đem các bài chưa hiểu ra hỏi, nhờ tôi giảng lại. H cho biết, do là chị lớn, nhà đông anh chị em, nên rồi đây cô sẽ xin thi vào trường y tế, ra làm việc đỡ đần bố mẹ.

Cuối năm học, tôi xin thi “nhảy” (vượt cấp) vì đỗ bằng tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp dễ dàng, tuy nhiên Luật Giáo dục cấm thi nhảy, buộc tôi phải học lại lớp Đệ Tứ một năm nữa. Tiếc công, muốn lên học các lớp Đệ Nhị cấp, tức là các lớp chuyên khoa, chỉ cón có một cách là thi vào trường Albert Sarraut. Thời ấy học sinh Việt Nam, dù có giỏi mấy thì trình độ tiếng Pháp cũng chỉ làng nhàng, không thể nghe giảng bài bằng tiếng Pháp được. Tôi bèn xin tiền gia đình theo học lớp tiếng Pháp cấp tốc ba tháng tại nhà giáo sư Lê Công Đắc.

Thầy Đắc là tác giả hai cuốn từ điển Pháp-Việt và Việt-Pháp khá nổi tiếng thời bấy giờ. Thầy hay mở lớp cấp tốc ba tháng nhằm giúp học trò sớm có trình độ tiếng Pháp đủ để xin đi làm ở các công sở của người Pháp. Lớp học của thầy thường chỉ bốn năm người, ngồi quanh cái bàn hình ô-van khá lớn, thầy dạy bằng cách vừa giảng bài, vừa chữa bài, vừa truy bài từng học trò. Thầy hỏi câu nào học trò phải trả lời nhanh, gọn, chính xác ngay, hễ trả lời sai là thầy mắng thậm tệ, có người phải phát khóc.

Trước khi ra về, thầy ra bài tập, thường là tìm cách chia mười động từ bất quy tắc, làm một bài dịch xuôi (traduction), một bài dịch ngược (thème) và viết một bài luận, dài không quá 30 dòng, hôm sau đem đến cho thầy chữa. Ngoài ra thầy còn dạy cách đọc văn Pháp. Để làm mẫu, thầy đọc cho nghe một bài viết của bà văn sĩ De Stael, bài viết có đoạn tả cảnh cưỡi ngựa, tôi nhớ thầy đọc sao mà như nghe rõ cả tiếng vó ngựa phi vậy. Ban đầu tôi theo học rất khó khăn nhưng chỉ sau ba buổi tôi đã theo kịp, đáp ứng được mọi yêu cầu của thầy. Bốn khả năng đọc, nghe, nói, viết đều thành thạo từ lớp học này, nhờ đó tôi đã thi đỗ vào trường Albert Sarraut từ năm học 1951-1952.

Trở lại với cô H. Tôi vào học Albert Sarraut rồi vẫn đến nhà thăm cô cả năm liền, tình thân càng ngày càng thắm thiết dẫn đến tình yêu. Lần đầu tiên tôi dám đến gần H., run run cầm tay cô kéo sát vào mình. Hóa ra H. cũng run không kém, tôi mạnh dạn ôm lấy cô, đặt lên môi nụ hôn đầu đời khiến cô lả người đi. Sau đó hai đứa ôm chặt lấy nhau như quên đi tất cả, không cần biết đến thời gian.

Từ hôm ấy trở đi, H. gọi tôi là anh. Rồi lần đầu tiên tôi dự phá cỗ Trung thu ở nhà H. với mẹ và các em trên sân thượng. Mẹ H. chỉ dự dăm phút ban đầu sau đó rút lui, các em H. cũng vậy, cuối cùng chỉ còn có hai đứa vừa cắn hạt dưa vừa trò chuyện. Câu chuyện không đầu không đuôi giữa hai đứa mà nếu có người thứ ba nghe thấy, chắc cảm giác vô cùng ngớ ngẩn. Lúc cao hứng chúng tôi còn cùng hát nho nhỏ “Bóng trăng trắng ngà/ Có cây đa to/ Có thằng Cuội già/ Ôm một mối mơ…”. Ngồi trên sân thượng rất lâu, đến khi nghe tiếng bà mẹ cất lên “trời đã khuya rồi”, hai đứa mới chợt tỉnh, tôi vội chào tạm biệt H. ra về.

Thời thế đổi thay, sau trận Điện Biên Phủ, phần lớn người có của ở Hà Nội đều tìm cách đi Nam. Ngày Hè năm ấy, tôi về quê một tuần, khi trở lên, đến nhà H. đã thấy cửa đóng then cài. Tôi chạy về nhà chị Ba hỏi, chị cho biết mấy hôm trước, H. đến tìm tôi và có viết mấy chữ nhờ chị chuyển cho tôi nhưng chị để ở đâu giờ không tìm ra tờ giấy ấy.

Phải chăng H. đã viết mấy chữ giải thích việc ra đi của nhà em rồi có thể cho tôi địa chỉ em ở Hải Phòng hay ở Sài Gòn – và bà chị tôi đọc được, sợ thằng em có thể vì tình mà bỏ đi theo, nên chị vứt bỏ tờ giấy rồi giả vờ không tìm thấy?

Từ đấy, chúng tôi không còn gặp lại nhau. Mối tình đầu của tôi ra đi, mãi mãi, và mãi mãi.

21 Tháng Bảy 2021

Nguyễn Việt

https://saigonnhonews.com/

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art