Nữ diễn viên Julie Andrews trong cuốn phim ca nhạc Giai điệu Hạnh phúc
Khi nghe ai đó hát trực tiếp hoặc trên truyền hình, tôi thường nhắm mắt lại để cố nghe bài hát mà không bị phân tâm bởi màn trình diễn của ca sĩ. Một bài hát có thể bị đánh mất trong màn trình diễn. Thật vậy, màn trình diễn có thể áp đảo làm cho bài hát bị thay thế bởi ca sĩ.
Khi ai đó trình diễn sống, dù là trên sân khấu, lớp học, trong cuộc thi, hay trên bục giảng, luôn có sự kết hợp của ba điều. Diễn viên sẽ cố gây ấn tượng với người khác bằng tài năng của mình, sẽ cố truyền đi một thông điệp, dù ý thức hay vô thức, sẽ cố truyền một sự chân thiện mỹ nào đó vì chính sự chân thiện mỹ đó. Nói theo ẩn dụ, người đó đang say đắm với bản thân, với khán giả và với bài hát.
Chính yếu tố thứ ba, say đắm với bài hát, mới tạo nên nghệ thuật cao đẹp, nên hùng biện, bài giảng cao đẹp. Sự cao đẹp tách riêng ra bởi nó qua “bài hát” thay vì qua ca sĩ, thông điệp hơn là người truyền thông điệp, và sự đồng cảm của người trình diễn hơn là cái tôi của người đó. Và như thế, bài hát lôi cuốn khán giả thay vì ca sĩ lôi cuốn. Các ca sĩ giỏi lôi cuốn mọi người đến với âm nhạc thay vì với họ, những giáo viên giỏi lôi cuốn học sinh đến với chân lý hơn là với họ, các nghệ sĩ giỏi lôi cuốn khán giả đến với mỹ thuật hơn là đi tìm tán thưởng, và một giảng sư giỏi lôi cuốn cộng đoàn đến với Thiên Chúa thay vì để tôn vinh bản thân.
Phải thừa nhận, việc này chẳng dễ dàng gì. Chúng ta là con người, khán giả của chúng ta cũng vậy. Không một khán giả nào tôn trọng chúng ta trừ phi chúng ta trình diễn với tài năng, sự sáng tạo và trí tuệ. Luôn có một sức ép vô hình lên ca sĩ, diễn giả, giáo viên và giảng sư, cả từ bên ngoài lẫn bên trong. Từ bên trong là: “Tôi chẳng muốn làm họ thất vọng! Tôi đâu muốn mất mặt! Tôi cần phải xuất chúng! Tôi cần cho họ thấy một điều gì đó đặc biệt!” Và từ bên ngoài, từ khán giả là: “Anh có gì nào? Thể hiện điều đó đi! Cô lo lắng vì tôi chăm chú à? Cô có tạo vui vẻ không? Anh đáng chán à?” Chỉ có người trưởng thành nhất mới thoát được những áp lực này. Do đó, bài hát dễ dàng bị mất đi nơi người ca sĩ, thông điệp bị mất đi nơi người truyền thông điệp, giảng dạy bị mất đi nơi giáo viên, và thông điệp của Thiên Chúa bị mất đi vì tính cách của giảng sư.
Là một giáo viên, giảng sư và nhà văn, tôi công nhận tôi đã phải đấu tranh lâu dài với chuyện này. Khi mới bắt đầu giảng dạy, tôi phải tạo ấn tượng với sinh viên, nếu không thì sẽ không có được sự chú ý hoặc tôn trọng lâu dài. Việc giảng thuyết cũng thế. Giáo đoàn luôn đánh giá chúng ta và mình phải ở tầm cao, nếu không họ chẳng buồn nghe. Hơn nữa, nếu không có tự nhận thức bản thân cực độ, chúng ta sẽ luôn mãi là tù nhân của những bất an trong lòng. Chẳng ai muốn trông kém cỏi, ngốc nghếch, thiếu thông tin, hoặc bị xem là bất tài. Ai cũng muốn mình trông ổn.
Hơn nữa, vẫn còn cái tôi, và đừng bao giờ đánh giá thấp nó. Nó muốn thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ hướng về mình hơn là hướng về chân thiện mỹ. Luôn có cám dỗ làm cho người truyền thông điệp quan tâm đến việc gây ấn tượng với người khác hơn là truyền đi thông điệp một cách thuần túy và chân thực. Cái cám dỗ tinh vi nhưng mạnh mẽ này là ý muốn lôi kéo người khác đến với mình hơn là đến chân thiện mỹ mà họ đang cố truyền đạt.
Tôi phải vật lộn với cám dỗ này trong mọi lớp tôi dạy, mọi bài tôi viết và mọi lần tôi cử hành thánh lễ. Tuy thế, tôi không biện hộ gì cho nó. Nó là sự đấu tranh nội tại của mọi nỗ lực sáng tạo. Chúng ta đang cố lôi cuốn người khác về phía mình, hay chúng ta đang cố lôi cuốn người khác về phía chân thiện mỹ, về với Thiên Chúa?
Khi đi dạy, sự chuẩn bị và sức sống của tôi được thôi thúc do tôi quan tâm thực sự đến sinh viên hay do nhu cầu muốn được nổi bật, gây ấn tượng, tạo danh tiếng là giảng viên giỏi? Khi viết một bài báo hay sách, tôi thật sự nỗ lực đem lại thấu suốt và hiểu biết cho mọi người, hay tôi đang nghĩ đến danh tiếng nhà văn của mình? Khi cử hành thánh lễ và giảng lễ, động cơ thật sự của tôi có phải là dẫn truyền nghi lễ thiêng liêng này mà không để tính cách của riêng tôi xen vào, có phải là dẫn dắt mọi người hiệp thông với nhau và cho tôi nhỏ lại để Đức Kitô lớn lên hay không?
Chẳng có câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi này, vì thật sự là không thể. Động cơ của chúng ta không bao giờ là thuần túy. Hơn nữa, chúng ta đâu được định để làm những con robot không có tính cách. Các tính cách và tài năng độc nhất vô nhị của chúng ta được Thiên Chúa ban cho để sinh ích cho người khác mà. Nhưng chúng ta vẫn cần một dấu hiệu cảnh báo thật rõ ràng. Đó là khi khán giả tập trung vào tính cách của chúng ta hơn là bài hát, thì có lẽ chúng ta đang say đắm bản thân và người hâm mộ của mình hơn là say đắm bài hát.
J.B. Thái Hòa dịch