Thứ Ba, 22 Tháng Sáu, 2021

Mì gõ

Mì gõ

Có lẽ với những người Việt bây giờ ở độ tuổi từ 60 trở lên, không ai là không một lần biết tới món mì gõ.

Trước tiên xe mì gõ khác với một xe mì bình thường. Nếu xe mì (Tàu) bình thường có tủ kiếng với hình vẽ những điển tích văn hóa Trung Hoa lấp loá trên mặt kiếng cùng những chiếc ghế xếp vây quanh xe thì một xe mì gõ “khúm núm” bình dân hơn, chỉ là một chiếc xe ba bánh trên đó là bếp với nồi nước lèo cùng cái ngăn tủ nhỏ để thịt, rau, mì, và một thùng nước rửa tô rất khiêm tốn nghèo nàn đặt bên cạnh.

Thường thì xe mì nhỏ bé ấy chỉ bắt đầu bán từ 5 giờ chiều tới khuya, một cậu bé con chạy khắp xóm, trong tay là hai thanh gỗ gõ lắc cắc như lời “nhắc nhở” những “người quen” trong những hẻm xóm quen thuộc. Ai kêu “mì!” thì cậu lăng xăng ghé vào hỏi mấy tô, rồi chạy gõ gõ cho trọn một vòng xóm trước khi quay về chiếc xe mì mà người cha hay người ông của cậu đang quạt lò đứng chờ múc những vá nước lèo vào tô mì cho khách.

Mì gõ quen thuộc với người Sài Gòn đến nỗi nhiều người cứ tưởng chỉ Sài gòn mới có, thực ra xuất xứ của mì gõ có từ những tỉnh miền Tây nam bộ như Định Tường, Sóc Trăng từ những năm 20 của thế kỷ trước. Mì gõ Sài Gòn cũng hơi khác mì gõ miền Tây. Trong khi tại Sài Gòn một tô mì thường có hẹ, một miếng gan luộc và vài lát thịt xá xíu hay thịt luộc trong khi mì miền Tây thường có hoành thánh, đôi khi có cả thịt băm tương tự như xíu mại. Cái chung giống nhau của mì gõ là nước lèo, chỗ nào cũng ngọt cái ngọt của đường phèn và bột ngọt cộng lại, nhưng người ăn lâu dần nên quen không nhận ra cái lờ lợ của bột ngọt trong từng muỗng nước súp.

Mì gõ là một nét văn hóa ẩm thực của người thành phố không phải vì chính tô mì mà bởi cái tiếng gõ quen thuộc của nó.

Trong khoảng không gian vắng lặng, tiếng gõ của hai thanh gỗ va vào nhau với âm thanh rõ ràng và ngắn gọn dễ khiến cho người ta liên tưởng tới những nỗi buồn hơn là niềm vui, vốn ít ỏi trong lòng người. Có người buồn vì thiếu ăn, thiếu mặc. Có người buồn vì thi rớt, thất tình cũng có người buồn vì đường công danh lận đận…những nỗi buồn thị tứ ấy được tiếng gõ của xe mì hòa tấu hằng đêm chắc chắn sẽ nằm trong ký ức mãi mãi của người nghe nó.

Ăn một tô mì đạm bạc giữa cái yên ắng của Sài Gòn cũng là một thưởng ngoạn lý thú. Nếu ăn quen, người ta biết bên dưới tô mì sẽ là những viên tóp mỡ giòn tan béo ngậy và kết thúc tô mì bằng tiếng xì xụp thả dàn vốn là điều cấm kỵ khi ngồi giữa chốn đông người. Nếu là người ăn lần đầu sẽ phát hiện ra những chi tiết mà một tô mì trong tiệm không có: tô mì gõ nhỏ nhắn, nước lèo trong vắt nhưng luôn nằm bên dưới những cọng mì không khi nào tràn lên miệng tô. Thịt ít mà mì cũng ít cho nên khi ăn hết cả tô thì cảm giác  vẫn còn lưng lửng bụng. Cái cảm giác này làm cho tô mì ngon hơn hẳn, bởi sau khi ăn vừa lưng lửng sẽ khiến người ta thòm thèm hơn là khi no quá.

Nước lèo của mì gõ không ngập sợi mì vì hai nguyên nhân, thứ nhất khi chú nhỏ bưng đến tận nhà cho khách không sợ nước lèo sóng sánh ra ngoài. Thứ hai, số lượng mì bán hàng đêm có giới hạn nếu múc nhiều nước sẽ mất đi số tô định sẵn. Hai yếu tố này làm cho tô mì ít đi và vì ít nó làm cho người ăn vẫn….đói.

Mì gõ vừa rẻ vừa được mang đến tận nhà nên là người bạn thân quen tiện lợi của giới bình dân, khu xóm lao động. Khó mà bán một tô mì gõ cho người giàu vì hai lẽ, người giàu thường ngủ sớm hoặc có thức khuya thì địa điểm ăn đêm cũng không thể là xe mì gõ. Chọn lựa của họ là các quán cháo đêm ở Chợ Cũ, hay những tiệm mì luôn có chữ Ký phía sau để kêu một tô mì như Hải Ký mì gia hay tệ lắm cũng là mì La Cay chính gốc.

Mì gõ thiếu chữ “gia” phía sau nên không “cầu chứng” được cái “sang trọng” của các mì gia, vì thế nó lưu luyến lòng khách hàng của nó qua tiếng gõ.

Nếu vào một hiệu “mì gia” người ta có thể nghe tiếng xí xô xí xào của người dọn bàn cũng như giọng la lớn cho người nấu mì biết khách muốn ăn gì thì với xe mì gõ những âm thanh ấy tuyệt nhiên không có. Tiếng gõ là ám hiệu cho ông chủ đang đứng xa xa rằng khách kêu bao nhiêu tô, có thêm thắt gì vào tô mì hay không và có khi tiếng gõ còn cho biết khách quen hay khách ăn lần đầu!

Ngôn ngữ của tiếng gõ chỉ có ông chủ và chú nhóc gõ thanh gỗ rao hàng biết với nhau, thứ âm thanh truyền tin ấy càng làm cho tiếng gõ sống động và nhiều người ghiền nghe chúng.

Tiếng gõ ấy có lúc lớn lúc nhỏ, lúc nhanh lúc chậm nhịp nhàng hay trúc trắc đều làm cho người quen nghe tiếng của nó vui tai. Nghe lâu thành quen, quen rồi đêm nhớ… cái vòng tròn lửng lơ ấy kéo chiếc xe mì gõ về đêm vào sát tâm hồn con người ta, như một tình thân, một hình ảnh tri âm tri kỷ.

Văn hóa là thói quen lặp đi lặp lại với thời gian. Ở điểm này tiếng gõ của một chú bé chạy mì rõ ràng đã hình thành một loại hình văn hóa thú vị và chắc sẽ còn sống rất lâu giữa Sài Gòn bất kể ở thể chế nào, miễn là thể chế ấy vẫn còn người nghèo đô thị.

MẶC LÂM

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art