Thứ Tư, 12 Tháng Năm, 2021

Màu tím Huế

Màu tím Huế - 1
(Hình minh họa)
 

Hình như Việt Nam không có một tỉnh thành nào lại có riêng một màu sắc để mà vinh danh, mơ mộng, tán dương, nhớ nhung và nhất là làm… thơ, như màu tím của xứ Huế.

Nó nổi tiếng đến độ khi ai đó nói tới màu tím thì người khác lại liên tưởng ngay đến xứ Huế với không biết cơ man nào là lý do. Trước tiên và trên hết vẫn là chiếc áo dài màu tím vừa quyến rũ vừa duyên dáng, khép nép trong cái màu nguyên trinh đầy chất thơ. Người biết Huế sẽ ngay lập tức liên tưởng tới màu tím áo dài đầu tiên của nữ sinh trường Đồng Khánh, nơi mà vào năm 1917 đã khai giảng với hàng trăm tà áo dài màu tím của xứ Huế, để đến giờ này vẫn còn khiến nhiều chàng trai ở độ tuổi… 70 vẫn ngẩn ngơ thương nhớ.

Mà cái màu tím lúc ấy nào giống với màu tím bây giờ. Vào cái thuở màu sắc còn phải vật lộn với chất liệu, lấy đâu ra màu tím thanh nhã, đủ sắc từ xanh tím tới hồng tím rồi đỏ tím? Với chất vải thô và sợi to như… dây thừng thì làm sao nhuộm được màu tím nguyên trinh của xứ Huế cơ chứ!

Nhưng các chàng trai thất thập vẫn không màng tới. Trong tâm trí của họ thì nữ sinh Đồng Khánh luôn khoác trên mình chiếc áo dài màu tím chuẩn nhất, còn chuẩn thế nào thì các chàng phớt tay bất cần tranh cãi! Khi yêu người ta thường có thái độ chân thành như vậy!

Và người ta lại tiếp tục … pha màu tím cho xứ Huế. Màu không được pha trên palette như các họa sĩ cũng không pha trên computer như các nhà graphic design mà được pha trên từng dòng thơ rất tím.

Với Nguyễn Bính, ông pha màu tím đầy phiền muộn và nhớ nhung:

“Thôi thế là em cách biệt rồi! / Đường đi mỗi bước lại xa xôi / Tim tím rừng chiều, tim tím núi / Tim tím chiều hôm, tim tím mai”

Lê Đình Vân thì tha thiết đến nỗi màu tím thành nét điển hình cho trinh nguyên và hò hẹn:

“Màu tím trinh nguyên anh vẫn chờ / Dù nay ta chẳng trọn ước mơ / Trăng tròn hò hẹn em áo tím / Để em không đến lòng ngẩn ngơ”

Với Thu Hà thì màu tím loang cả khúc sông quê, một cách pha màu choáng ngợp!

“Chớm hạ rồi tím cả khúc sông quê / Lục bình nở ven đê đầy xao xuyến / Cũng nơi đây từng dệt nên câu chuyện / Dẫu xa rồi vẫn lưu luyến lòng ai.”

Màu tím dù xuất hiện trong hoàn cảnh nào cũng được cho là xuất xứ từ Huế mà ra. Cách người ta miêu tả màu tím dù thâm sâu hay cạn cợt cũng dẫn tới kết luận này bởi nó có tính hình tượng và màu sắc của tím được hình dung bằng những định nghĩa hết sức mơ hồ và đầy chủ quan của kẻ tình si.

Huế tím vì lạnh và buồn. Một so sánh rất … lạnh và buồn! Tại sao lạnh và buồn lại dính dáng tới màu tím? Xin thưa, cái lạnh của Huế âm ỉ, rờn rợn không quá sắt se nhưng đủ để những cô gái Huế co ro rất tội trong chiếc áo dài màu tím mặc đi học hay thậm chí mặc nó khi gánh một gánh hàng rong. Buồn vì trời mưa lất phất, đường vắng, phố hiu hắt. Trong lúc co ro như vậy, một màu tím chợt vụt ngang, gây ấn tượng thật mạnh với cảm giác cô đơn, làm cho màu đìu hiu tím tái gắn chặt vào tâm trí.

Màu tím được nhiều nhà thơ xác định là màu của chung thủy sắt son và vì vậy khi nói tới màu tím người ta nghĩ ngay tới sự chung thủy sắt son của người con gái Huế. Một so sánh thú vị và rất chủ quan, nhưng làm sao không khỏi chủ quan khi một chàng trai mới lớn định hình người tình trăm năm trong lòng mình một cô gái tóc thề e ấp che nghiêng chiếc nón bài thơ dưới một tà áo dài tím màu Thiên Mụ?

Màu tím của Huế còn xuất hiện trên những phù điêu, công trình điêu khắc của lăng tẩm, thậm chí trên hình tượng của tứ linh. Màu tím thay đổi từng thời kỳ nhưng nhìn chung màu tím không thể thiếu trong cung đình Huế. Điều này có lẽ làm vững chắc thêm tại sao Huế lại đầy sắc tím trong đời sống đến thế.

Màu tím cung đình không đâu có như ở Thái Lan, khi hoàng gia chọn màu tím để khoác lên ngai vàng cùng với màu vàng đế hậu. Nhưng lạ, người Thái không yêu màu tím như người Huế, có lẽ màu tím Huế gắn liền với thơ hơn là lịch sử. Lịch sử có thể bị bóp méo, vo tròn hay lệch lạc bởi thể chế nhưng thơ thì không. Màu tím trong thơ giúp cho Huế tiếp tục đẹp, tiếp tục buồn, tiếp tục lạnh và tiếp tục yêu.


MẶC LÂM

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art