Thứ Tư, 10 Tháng Ba, 2021

Chuyện Bà Ba Bụi

Chuyện Bà Ba Bụi - 1
Người con này trông giống hệt ông Nguyễn, (Tranh: Mai Thứ)

 

Một thiếu nữ Quảng Ngãi kết hôn với một viên chức Tây quyền uy nhất tỉnh vào thời Pháp thuộc là một chuyện hy hữu. Nhưng không bao lâu sau đó, do dòng đời đưa đẩy, cô ta lại trải qua một cuộc tình lãng mạn với một thanh niên Việt Nam trí thức Tây học, cũng là nhà hoạt động cách mạng chống Pháp nổi danh thời na đầu thế kỷ XX. Rồi, đến năm tiếp theo, cả cuộc hôn nhân và cuộc tình cùng sớm chấm dứt. Rốt cuộc, chỉ còn lại một người đàn bà thất tình và thất trí, và một người con không được thừa nhận. Đây là một câu chuyện thật về cuộc đời của một hoa khôi ở thành phố Quảng Ngãi, bắt đầu từ khoảng một trăm năm trước…                                                           

Từ thời cuộc chiến tranh Việt Pháp vừa chấm dứt, cũng là lúc tôi bắt đầu ôm tập vở đi học, tôi đã biết người đàn bà ấy. Tên bà là Ba Bụi, thường ngày hai lần đi về qua ngõ nhà tôi ở đường Trần Cao Vân. Buổi sáng từ căn nhà của người cháu bà con ở trong con hẽm là nơi bà nghỉ đêm, bà đi bộ chừng nửa cây số ra chỗ khu nhà rộng rãi khang trang ngoài phố của người em gái. Đến khoảng bốn năm giờ chiều, bà Ba Bụi đi quảng đường ngược lại, từ ngoài phố về nhà trong xóm. Không rõ bà sinh hoạt ra sao khi ở nhà người cháu vào ban đêm nhưng vào ban ngày ở nhà người em, tôi thường thấy bà với cây chổi tàu cau trên tay từ tốn gom quét lá cây lúc nào cũng rụng đầy trên khoảng sân rất rộng. Dưới chiếc nón lá, khuôn mặt trái xoan của bà dù đã có những nếp nhăn của người ngoài năm mươi tuổi trông vẫn còn đậm nét nhan sắc một thời. Bà thường mặc bộ bà ba vải ú, có phần bạc màu nhưng sạch sẽ và không bao giờ thấy dấu sờn rách. Lúc nào tay bà cũng cầm theo chiếc giỏ nhựa, có lẽ để đựng các vật dụng cần thiết. Trên con đường đất lót đá dăm bà luôn giữ lề đường bên phải, chân mang guốc mộc nhưng bước đi nhẹ nhàng không gây tiếng động. Dáng đi lầm lũi, bà dường như không để mắt đến ai. Những người sống trong khu phố tất nhiên vẫn thường gặp bà, và tôi có cảm tưởng ai cũng tôn trọng sự thầm lặng của bà. Ngay cả đến bọn trẻ cùng trạc tuổi tôi, nghịch ngợm và rắn mắt, cũng ít khi quấy rầy bà như thói quen vẫn chạy theo chọc ghẹo những người mất trí lang thang ngoài phố sau thời chiến tranh.

Đôi khi bà cũng đối đáp vài câu với người đi đường, đúng ra chỉ với vài đứa học trò vừa lên lớp trung học mới tập tò học tiếng Pháp, qua vài câu chào hỏi như: Bonjour, madame, comment allez vous? Bà có vẻ ngạc nhiên, thoáng ngước mắt nhìn rồi trả lời ngay: Très bien, merci… Ngắn gọn nhưng nhã nhặn theo phong cách của người lịch sự và có học, như ba tôi có lần bảo tôi như vậy. Tôi cũng thử lắng nghe mỗi lần thấy bà đi qua, bà luôn miệng nói tiếng Pháp nhưng chỉ lẩm nhẩm, như đang chuyện trò với ai đó vô hình cùng bước bên cạnh…

Theo lời ông ngoại tôi kể lại: Bà Ba Bụi (có người em là bà Bốn Bờ, vợ ông Tư Sơn là chủ hãng xe đò đầu tiên ở Quảng Ngãi vào thời Pháp thuộc và về sau là chủ khách sạn Bình Lai) là con của một gia đình tư sản họ Lê ở thị xã. Bà từ nhỏ đã theo học ở trường tiểu học đầu tiên lập ở Quảng Ngãi có tên là École Officielle de Quang Ngai trong thành cổ, cùng thời với nữ sinh Phạm Thị Tỵ (sau là vợ của nhà giáo Trần Trọng Hải hiệu trưởng trường tiểu học Mai Xưa) và nữ sinh Hồ Thị Cừu (sau kết hôn với ông Thừa Hiến.) Bà là học trò của các nhà giáo như Trần Châu, Võ Đình Dương, Thái Đức Nhuận… Xuất thân từ một gia đình giàu có phong lưu, lại nổi bậc trong số nữ sinh hiếm hoi chừng vài chục người của cả trường, bà Ba Bụi dễ dàng hội nhâp vào các sinh hoạt của xã hội mới. Đáng kể là bà được coi như hoa khôi của thành phố và biết nói tiếng Pháp khá thạo nên được nhiều người biết tiếng, ngay cả các viên quan Tây hàng đầu như công sứ, giám binh, giám đốc bệnh viện… có cơ quan và dinh thự rất gần trường bà theo học hàng ngày. Qua nhiều lần được mời tham dự tiệc tùng và tiếp tân vào những dịp Noel, Tết Tây, quốc khánh Pháp… Bà Ba Bụi được viên công sứ tỉnh say mê và cầu hôn, và rồi một đám cưới linh đình chưa từng có, cũng là cuộc hôn nhân Việt-Pháp đầu tiên ở Quảng Ngãi được tổ chức. Tham dự lễ cưới và rước dâu có đông đủ các quan chức trong tỉnh, có xe Peugeot 401 kết hoa, có lính tùy tùng cỡi ngựa, có ban nhạc Tây, có nhảy đầm… Cô dâu đội vương miện, mặc áo cưới bảy tầng bằng voan trắng có đuôi dài lượt thượt, ngón tay đeo nhẫn gắn kim cương, cổ tay đeo vòng vàng semain bảy chiếc… Đám cưới được thực hiện vào năm 1922 (thời quan tuần vũ Quảng Ngãi là Đặng Ngọc Oanh, đời vua Khải Định nhà Nguyễn…)

Hơn ba mươi năm về sau, sau năm 1954, tôi từng tận mắt thấy nhân vật chính vẫn ở Quảng Ngãi nhưng không thể hỏi được gì – đúng ra cũng chưa đủ trí khôn – để có những thắc mắc như tại sao khi kết hôn bà chỉ mới 14 tuổi (bà sinh năm 1908) theo luật Việt Nam thời ấy có thể chấp nhận nhưng theo luật của Pháp thì sao? Tôi cũng không thể nhớ rõ tên của ông chồng Tây công sứ dù đã từng được nghe nhắc đến, vì những vị lão thành biết chuyện thời ấy đều đã qua đời từ lâu. 

Cuối năm 1922, chỉ vài tháng sau đám cưới, viên công sứ chồng bà Ba Bụi được lệnh chính quyền thuộc địa về nước nhận nhiệm vụ khác. Tất nhiên bà cũng được theo về Pháp, nhưng ông ta phải đi trước một mình bằng máy bay, còn bà sẽ đi sau bằng tàu thủy. Nhưng rồi đã có một biến cố hoàn toàn bất ngờ xẩy ra, ngoài cả dự kiến của những người trong cuộc. Trên chuyến tàu sang Pháp, bà Ba Bụi đã gặp và quen một chàng trai Việt Nam 23 tuổi là Nguyễn (sinh năm 1900, mất trong nhà tù Pháp năm 1943). Ông trước đó đã du học ở Pháp và đã tốt nghiệp cử nhân luật khoa năm 20 tuổi, và nhà trí thức có tài hùng biện này đang trên đường trở lại thủ đô Paris để tham dự cuộc diễn thuyết chống chế độ thực dân. Tiếng sét ái tình đã nổ ra giữa đôi trai tài gái sắc qua thời gian ba tháng dài trên biển cả trời nước mênh mông. Rồi hai người đành phải đường ai nấy đi tại bến cảng Marseille vào một ngày Tháng Hai, 1923, khi bà Ba Bụi được chồng ra đón. Nhưng, lúc ấy bà đã mang trong người hòn máu của người yêu họ Nguyễn. Thế là, ngay khi chưa kịp nhập quốc tịch Pháp, bà phải thực hiện thủ tục ly dị vì rõ ràng đã mang thai trong thời gian bà và ông chồng Tây đang ở xa nhau. Bà Ba Bụi bị trả về Việt Nam, và đến cuối năm ấy bà sinh người con trai tuổi Quý Hợi. Không rõ sau ngày chia tay, bà và ông Nguyễn còn có dịp nào gặp lại, nhưng người con ban đầu có tên Nguyễn An sau đổi thành Tạ An, như là con nuôi nhà họ Tạ là một tộc họ lớn ở thành phố Quảng Ngãi. Người con này trông giống hêt ông Nguyễn, theo mô tả của nhà báo Thinh Quang Trần Dũ Khiêm vốn cùng tuổi là bạn học thời trẻ ở thị xã và về sau vẫn thường gặp nhau ở Sài Gòn, khi ông An làm việc cho Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (sau Hiệp Định Genève 1954, chiến tranh Việt-Pháp chấm dứt.)

Từ khi trưởng thành, tôi đã đi học và làm việc ở xa Quảng Ngãi. Những dịp về thăm quê nhà, tôi lại thấy bà Ba Bụi đi qua ngõ nhà tôi, trừ những ngày có mưa to gió lớn. Trong khu phố tôi ở, nhiều thế hệ con nít đã thành người lớn, nhưng vào thời nào cũng không hề thấy bọn trẻ chạy theo quấy rầy bà. Bà vẫn ngày hai buổi đi về, lặng lẽ bên lề cuộc đời, cách ăn mặc vẫn thế nhưng mỗi năm thêm còm cõi già yếu, vẫn luôn lẩm bẩm trong miệng nhưng không thành tiếng… Kể từ mùa mưa bão năm 1972, người trong xóm không còn trông thấy hình dáng quen thuộc của bà nữa, như họ đã từng trông thấy suốt nhiều chục năm dài…

Phạm Đông Văn

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art