KENNEDALE, Texas (NV) – Thứ Hai vừa rồi, 21 Tháng Mười Hai, 2020, nhằm Mùng Tám Tháng Mười Một Canh Tý, là ngày Đông Chí.
Hai chữ “Đông Chí” có lẽ không gợi nên cho nhiều người Việt Nam ở xứ người, nhất là các bạn trẻ, một hình ảnh gì đặc biệt và có thể có nhiều bạn chưa từng nghe đến hai chữ này. “Đông Chí,” Winter Solstice, theo Dương Lịch, là thời điểm bắt đầu mùa Đông ở Bắc bán cầu, và cũng là lúc ngày ngắn nhất và đêm dài nhất trong năm.
Về thiên văn, Đông Chí năm nay có một sự hội ngộ vô cùng đặc biệt: sự giao hội (conjunction) có tính cách biểu kiến của hai hành tinh lớn nhất của Thái Dương Hệ trên bầu trời mà mắt thường có thể nhìn thấy được: Thổ Tinh (Saturn) và Mộc Tinh (Jupiter).
Sự giao hội này được lặp lại mỗi chu kỳ khoảng 20 năm một lần, nhưng để có thể nhìn thấy được như lần này, phải mất đến… gần 800 năm. Lần giao hội trước diễn ra vào ngày 21 Tháng Mười Hai, 1226, theo các nhà thiên văn học.
Biến cố thiên văn này còn được gọi là “Sao Giáng Sinh” (Christmas Star) vì nó diễn ra gần sát ngày lễ Giáng Sinh (25 Tháng Mười Hai).
Ông Renu Malhotra, giáo sư thiên văn học tại Đại Học Arizona, gọi đây là: “Một sự kiện rất lãng mạn khi nhìn thấy những hành tinh này đến gần với nhau.” (It’s very romiantic event to see these planets approaching each other).
Đó là “Đông Chí” của thiên văn.
Riêng với tôi, hai chữ “Đông Chí” lại gợi nên ngay một cảm giác khác: lạnh lùng. Chả là vì hồi còn nhỏ, ở quê nhà, khi thấy ngoài trời mưa phùn gió bấc, rét lạnh căm căm, đi vào đi ra co ro run rẩy, là nghe các cụ già trong xóm ngồi bên bếp lửa bàn về “tiết Đông Chí,” một trong 24 tiết của một năm.
Năm nay, ở quê người, chưa tới ngày Đông Chí, một trận tuyết đầu mùa rất lớn đã đổ xuống, phủ trùm hầu hết các tiểu bang vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, có nơi (như ở Philadelphia) tuyết rơi dày đến 44 inch. Quả là băng giá!
Đông Chí: mùa Đông đến!
Một năm có bốn mùa, ta nghe nói “Xuân về,” “Hè về,” hay “Thu về;” chữ “về” gợi lên một cái gì vui vẻ, ấm cúng, đoàn tụ. Chẳng mấy khi nghe nói “Đông về,” có lẽ chữ “Đông” tự nó đã mang ý nghĩa tiêu cực: lạnh!
Trong kho tàng thơ cổ Trung Hoa, Đỗ Phủ (712-770) có bài “Đông Chí” và Bạch Cư Dị (772-846), bài “Đông Chí Túc Dương Mai Quán” (Đông Chí Vào Trọ Quán Dương Mai). Trong bài thơ của mình, Bạch Cư Dị nhắc đến “đêm dài nhất” trong năm:
“Thập nhất nguyệt trung trường chí dạ,
Tam thiên lý ngoại viễn hành nhân
Nhược vi độc túc Dương Mai quán,
Lãnh chẩm đan sàng nhất bệnh thân.”
Tản Đà dịch:
“Dài nhất một đêm trong tháng một,
Ngoài ba nghìn dặm kẻ đi xa.
Dương Mai quán khách mình ai ngủ,
Gối lạnh giường đơn ốm thế mà.”
Và nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909) của Việt Nam ta cũng có bài thơ lấy tựa đề “Đông Chí:”
“Vân tẩu phong phi sương mãn thiên,
Quang âm tòng thử nhập tân niên.
Xuân hồi cựu kính điểu tri vị,
Thụ phá tân nha hoa dục nhiên.
Áp muộn nhật tương thuần tửu chước,
Úy hàn dạ bão hoả lô miên.
Cận lai lãn hướng tây viên thướng,
Cưỡng khởi phù cung khán thủy tiên.”
Dịch nghĩa:
“Mây chạy gió bay sương tỏa đầy trời
Quang cảnh từ đấy bước sang năm mới
Xuân về lối cũ chim đã biết chưa?
Cây nẩy mầm non hoa sẽ đỏ như lửa cháy
Nén buồn ngày đem rượu ngọt ra uống
Sợ lạnh ban đêm ôm lồng ấp mà nằm
Gần đây lười không ra thăm vườn tây
Nay gượng đứng dậy chống gậy ra đó mà xem hoa thủy tiên” (*)
Hình ảnh Đông Chí trong thơ nhuốm màu u ám: mây, gió, sương, lạnh, già, buồn, chống gậy… Đó là đối với một ông quan về hưu. Nhưng đối với người dân dã, nghèo nàn, mùa Đông còn u ám gấp bội lần: cơ hàn. Đói và lạnh. Cái đói đi kèm với cái lạnh. Trong văn chương Việt Nam, có lẽ không có hình ảnh cơ hàn nào thấm thía bằng hình ảnh “Nhà Mẹ Lê” của Thạch Lam.
“Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay nhăn nheo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa lớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.”
Mười một đứa con! Hồi đi học, khi cô giáo bắt tập đọc bài này, trong trí óc của thằng bé năm, bảy tuổi đầu cứ đeo đẳng một câu thắc mắc thầm lặng: mẹ Lê này sao “dại” quá vậy, đẻ gì mà đến mười một đứa con cho khổ!
“Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa nhỏ nhất: con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó. Thằng con lớn thì từ sáng đã cùng thằng Ba ra cánh đồng kiếm con cua, con ốc, hay sau mùa gặt, đi mót những bông lúa còn sót lại trong khe ruộng. Thật là sung sướng, nếu chúng mang về được một lượm, trong những ngày may mắn. Vội vàng bác Lê đẩy con ra, vơ lấy bó lúa, đem để xuống dưới chân vò nát, vét hột thóc giã lấy gạo. Rồi làm một bữa cơm nóng lúc buổi tối giá rét, mẹ con ngồi chung quanh nồi cơm bốc hơi, trong khi bên ngoài gió lạnh rít qua mái tranh.
Mùa rét năm ấy đến, giá lạnh và mưa gió lầy lội. Đàn con bác Lê ôm chặt lấy nhau rét run trong căn nhà ẩm ướt và tối tăm vì đèn đuốc không có nữa. Mấy gia đình ở phố chợ đều đói rét và khổ sở. Nhưng mỗi nhà đều lặng lẽ, âm thầm và chịu khổ một mình, không than thở với láng giềng hàng xóm lời gì, ai nấy đều biết cũng nghèo khốn như nhau.”
Đau lòng, bác Lê liều đi xin gạo nhà ông Bá, bị ông xua chó ra cắn. Bác gắng lết về được đến nhà với vết thương nhiễm độc.
“Hai hôm sau, bác Lê lại lên cơn mê sảng rồi chết. Người trong phố chợ gom góp nhau mua cho bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh đồng, chôn vùi dưới bãi tha ma nhỏ ở đầu làng. Khi trở về, qua căn nhà lạnh lẽo âm u, họ thấy mấy đứa con nhỏ con bác Lê ngồi ở vỉa hè. Con Tý đang dỗ cho thằng Hy nín khóc, nói dối rằng mẹ nó đi chợ một lát rồi sẽ về. Nhưng họ biết rằng bác Lê không trở về nữa và họ thấy một cái cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can họ, những người ở lại, những người còn sống mà cái nghèo khổ cứ theo đuổi mãi không biết bao giờ hết.”
“Nhà Mẹ Lê” mà Thạch Lam dựng nên đã trở thành một ẩn dụ sống động về cái nghèo cái đói của Việt Nam thời thực dân, phong kiến.
Về sau, mùa Đông trong văn chương nghệ thuật chuyển sang một khung cảnh khác: có lạnh, có buồn nhưng không có đói. Đây là cảnh một đêm mùa Đông trong nhạc phẩm “Đêm Đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương:
“Thời gian như ngừng trong tê tái
Cây trút lá cuốn theo chiều mây
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều
Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu”
Hóa ra, Đông buồn vì đông tha hương:
“(…) Đêm đông, ta mơ giấc mơ, gia đình, yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà”
Mùa Đông vẫn là mùa của tiêu cực, nhưng càng lúc càng trở thành một tiêu cực… lãng mạn, như nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ thơ Bùi Thanh Tuấn qua bài “Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa:”
“Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa
Cái rét đầu đông, khăn em bay hiu hiu gió lạnh
Hoa sữa thôi rơi, ta bên nhau một chiều tan lớp
Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về”
Cũng thế, trong Trịnh Công Sơn qua nhạc phẩm “Gọi Tên Bốn Mùa:”
“Em đứng lên mùa đông nhạt nhòa
Từng đêm mưa từng đêm mưa
Từng đêm mưa mưa lạnh
Từng ngón sương mù”
Buồn và đẹp!
Nguyên Sa, trong bài thơ dài, “Nhìn Em, Nhìn Thành Phố, Nhìn Quê Hương,” có nhắc đến mùa Đông:
“bây giờ là mùa đông
mùa đông ở trên vai
mùa đông trên thành phố
lá chết ở trên cành
cành chết ở trên cây
cây chết ở trên đường
thành phố
phải thành phố đó
thành phố chiến xa và đại bác
thành phố trống vắng
quê hương trống vắng
con giun xéo đã quằn
anh đi ở đó
mặt trời vẫn mọc ở phương đông
anh vẫn đi ở đó”
Mùa Đông Nguyên Sa biến dạng hẳn. Không lạnh, không đói, không mưa. Mùa Đông, tuy có “lá chết,” “cành chết,” “cây chết,” nhưng trông có vẻ bằng hữu thân tình, tham dự vào cuộc chơi trần gian như một phần không thể tách rời của đời sống chung quanh.
Đi xa hơn, Trần Mộng Tú biến mùa Đông thành một mùa thấm đẫm tình yêu trong “Trăng Xanh:”
“Lạnh quá mùa đông trăng vỡ tan
Những mảnh trăng xanh vướng mắt chàng
Rơi xuống môi hôn đêm nguyệt lạnh
Hai người tan giữa vũng trăng loang”
Trần Mộng Tú, so ra, vẫn chưa bằng Trần Thiện Thanh trong “Mùa Đông Của Anh:”
“Trời lập đông chưa em, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi
Để mặc anh lang thang, ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới.
Đêm chia ly em về, đường khuya em bật khóc…
Anh xa em thật rồi, làm sao quên mùi tóc
Em hỡi em, có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian”
Từ mùa Đông trong “Nhà Mẹ Lê” đến mùa Đông của Trần Thiện Thanh, quả là cách nhau một trời một vực! (Trần Doãn Nho)