Thứ Tư, 23 Tháng Chín, 2020

Nói với ngàn thông

Ở ăn với Mẹ mày nhiều
 Có trưa hộc máu, có chiều trào cơm…
Nguyễn Đức Sơn

Nói với ngàn thông - 1
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. (Hình: Phương Bối)


Bút hiệu, một ẩn khuất của định mệnh, vô hình trung đã gắn bó cùng tác giả cho đến hết một đời người. Nói thế chẳng có nghĩa là tôi đã duy tâm, nhưng phải nghiệm theo cách đó mới giải thích được “Sao Trên Rừng” của ngàn thông trên vùng thâm u Phương Bối.

Từ balcony của căn chung cư nhỏ, tôi hay đứng ngó mông ra xa nhìn chút nắng nhạt nhòa trên những lùm cây thấp lè tè chi chít mọc dọc theo bờ sông bên kia, nơi có con đường mòn rất dài, ngoằn ngoèo dẫn qua Làng Báo Chí. Cái tĩnh lặng của chiều tà dù trên đồi cao hay đường quê, biển khơi hay ngay trên dòng sông nho nhỏ trước hiên nhà… với tôi luôn là những giấc mơ êm ái.

Hôm nay, “chiều” của tôi đã không còn thanh tịnh. Mắt tôi chằm chằm nhìn theo một người mặc áo thụng màu lam, ông nắm con chó quăng rất xa xuống nước, chờ cho đến khi nó loi ngoi lúp súp lên được bờ, ông lại quăng nó xuống nước trở lại, và cứ cả chục lần như thế… Không hiểu chú chó nhỏ có thích thú với cách đùa của ông chủ hay không, nhưng từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy thương nó lạ lùng, thương rồi sốt ruột đến nỗi không còn dám nhìn thêm chút nào nữa.

Khi nghe tiếng đập cửa dồn dập, tôi mở rất vội vàng và đứng sững nhìn. Ông sư và con chó ướt nước đứng chờ bên chiếc xe đạp cũ kỹ. Chẳng hiểu gì và sao vậy, tôi chỉ đứng nhìn con chó nhỏ mà cảm thấy như toàn thân mình lạnh cóng.

Nói với ngàn thông - 2

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn và vợ. (Hình: Nguyễn Đức Vân)


Chẳng chờ gì tôi, ông hỏi trước:

-Nghiêu Đề, sáng có nhắn ra chơi, hắn, hắn về chưa cô?

Ngạc nhiên, té ra cái người “thấy mà ghét” hành hạ con chó nhỏ lại đang đứng trước mặt. Rất máy móc, tôi chạy vô gọi anh Nghiêu Đề ra mà “chịu trách nhiệm.”

Thời gian đó Lâm Triết tá túc nhà chúng tôi ở cư xá Thanh Đa. Anh gốc người Bình Định, rất thân với Nguyễn Đức Sơn. Cả ba ông mày mày, tau tau mừng rỡ với một giọng phải nói là “la làng” của ông khách lạ. Việc đầu tiên tôi làm là lấy ngay máy sấy tóc hong khô cho chú chó nhỏ đáng thương và tội nghiệp của ông sư. Nó rúc vào cánh tay tôi trìu mến như một lời cảm ơn ấm áp.

Trước khi sửa soạn cho bữa ăn tối, ngập ngừng tôi hỏi nhỏ Nghiêu Đề về mặn, về chay. Ông át hết giọng mọi người dù tôi cũng đang nói rất khẽ:

-Trước tiên, đừng gọi tui bằng sư bằng thầy, tui đây, Nguyễn Đức Sơn, thằng phải vô chùa nằm vì trốn quân dịch, có vợ với con rất đông, sống trong chùa nhưng toàn ăn mặn với thịt, cá, và nước mắm…

Ông “bắn” ra một tràng chữ nghĩa làm tôi bối rối, chỉ Lâm Triết và Nghiêu Đề hiểu chuyện, cười rất thản nhiên. Riêng tôi đã thấy rất ngại ngùng, nhủ với lòng chắc phải e dè với lối nói năng bạt mạng của người khách mới.

Nguyễn Đức Sơn, cái tên vừa lạ lại vừa quen. Quen vì đâu đó trong những chuyện trò, thiên hạ hay nhắc đến, lạ vì tôi chưa hề bao giờ đọc thơ anh.

Thời trung học, tôi mê mải với những tác phẩm được dịch từ nhiều ngôn ngữ trong tủ sách của ông anh trên căn gác xép. Tôi đã đọc hết không chừa cuốn nào một cách say mê. Thẩm thấu được những chữ nghĩa đẹp ngời của văn chương hay đã bị “tẩu hỏa nhập ma” bởi làm dáng thì tôi không biết, nhưng nhất định cứ phải là Tagore, Kahlil Gibran, hay Hermann Hesse… Tôi mê sách cho đến nỗi khi bị ba mẹ chống đối chuyện nhân duyên của tôi với anh Nghiêu Đề, bị dọa đuổi ra khỏi nhà hay đăng báo “từ con…” Mọi biện pháp đều đã không cách gì thành công, và trước khi ba mẹ tôi nhân nhượng, anh tôi, bằng một giọng trang trọng hỏi: “Giang hãy cho anh biết nguyên do nào đúng nghĩa nhất…” Có hay không một nguyên do đúng nghĩa? Vậy thì chỉ có Trời mới hiểu chứ sao lại là tôi? Nhưng rất nhanh trí, tôi nhớ ra anh mình mê sách, lí nhí tôi trả lời: “Vì nhà Nghiêu Đề có một tủ sách rất bự.” Cái nguyên do vớ vẩn và ngớ ngẩn lại rất lạc đề khiến anh tôi đập bàn hét: “Vậy mày phải đi mà lấy cái ông Khai Trí hay Xuân Thu…” Chữ “mày” lần đầu tiên anh dùng để xưng hô với cô em nhỏ đã làm tôi hiểu đến nơi đến chốn mức độ giận dữ của anh mình.

Vậy đó, mê thơ Tagore nên còn rất hời hợt, lạ lẫm với thơ Nguyễn Đức Sơn, và tôi vẫn chưa vội đọc dù hôm đó anh đã đề tặng cuốn “Tịnh Khẩu.”

Sau này, đâu đó trong một tạp chí nào tôi không nhớ, bỗng thấy thích một chút thơ của anh:

“… Mẹ con muôn kiếp nào ngờ
Đời cha mạnh khỏe cũng nhờ rong chơi…”

Lần duy nhất tôi được gặp chị Phượng, đi cùng anh Nguyễn Đức Sơn tay dắt chiếc xe đạp xẹp bánh. Nghiêu Đề và tôi ngồi bên lề đường, chờ vá xe cùng anh chị. Trong ánh mắt chị ẩn chứa những buồn bã cùng sự chịu đựng vô bờ…

Nói với ngàn thông - 3
Phượng và Nguyễn Đức Sơn. (Hình: Phương Bối)


Lóng lánh trong thơ của các thi sĩ là những bà Tú Xương. (Sao nhiều bà Tú Xương vậy?)

Câu hỏi này cũng làm tôi nhớ bài thơ Trần Tuấn Kiệt tặng Nghiêu Đề:

“… Ta ngồi hát nghêu ngao
Ba mươi năm rồi đó
Chỉ thấy một vì sao
Thôi tối rồi, đi ngủ
Trong mộng, ước gặp mày
Gặp nhau nói mấy lời
Ngủ xong rồi vui chơi…”
(Trần Tuấn Kiệt)

Sau 1975, Việt Cộng bày ra cái “Hội Văn Nghệ,” trụ sở này đặt ở ngã tư Hiền Vương và Trương Minh Giảng. Nơi đó, mỗi tuần các vị văn nghệ sĩ thời Việt Nam Cộng Hòa phải tới trình diện. Nhưng với thói lè phè cố hữu, nơi đây chỉ là chỗ để tụ tập, café và tán dóc. Tiền bạc không có, mua một ly café mà xin thêm năm bình trà để có cớ ngồi từ sáng đến trưa…

Khoảng chừng mười hai giờ, Hồ Thành Đức gõ leng keng chiếc muỗng lên cái nắp nhôm của bình trà, rồi rất hài hước anh réo bằng giọng Quảng Nam, kéo lê thê, nặng nề: “Tan hàng, tan hàng, về thôi bay!”

Nguyễn Đức Sơn không thường lui tới Hội Văn Nghệ, nhưng khi đã tới anh đều làm anh em ngạc nhiên với quần áo, giầy và đầu tóc chỉnh tề, một điều không từng có trước 1975. Anh ngồi đó lầm bầm chửi bóng chửi gió, nói ra những sự thật mà ít ai dám đề cập đến. Anh chửi hết từ phường khóm tới lãnh đạo… Thiên hạ nhát gan, không ai dám ngồi chung bàn vì sợ tai bay vạ gió, sợ những kẻ tiểu nhân “thừa bóng đêm quăng lựu đạn.” Anh ngồi đó một mình, không café, không trà đá, chửi thề chán rồi bỏ về.

Cũng có lần ai đó thắc mắc: “Tới đây mà xiêm y lộng lẫy chi vậy cha?” Da anh xạm nắng nên không chút ánh sắc nào còn có thể nhuộm lên nét mặt, nhưng qua câu trả lời đầy giận dữ của anh, tôi thấy ra mặt anh đang đỏ bừng như lửa: “Tau không muốn lộn, tau không muốn lộn.”

Câu nói ngắn, rất ngắn của Nguyễn Đức Sơn đã làm tôi nhìn ra những điều bất mãn, căm hận nhưng với nhiều khí tiết của anh.

Từ năm 1979, NĐS mang hết gia đình lên Bảo Lộc, Phương Bối. Nơi anh sống hoàn toàn biệt lập, bất hợp tác với xã hội dưới mọi hình thức. Sống tự túc cùng khoai sắn, nấm và rau trái do chính mình trồng ra. Một hình thức chống lại chế độ một cách quyết liệt và tuyệt đối của anh. Cho dù cả gia đ̀ình vì thế đã phải sống trong nhiều khốn khó, cực nhọc và lam lũ …

Tôi đang đọc thơ anh. Đọc chỉ để ngậm ngùi, đọc để ước ao nếu có một lần gặp lại, được ngồi với anh trong những bữa cơm cùng Nghiêu Đề, Lâm Triết, nghe anh nói cười bạt mạng và chửi thề vung vãi…

“… Trăm năm bóng lửng qua thềm
Nhớ nhung gì buổi chiều êm, biến rồi…”

(Nguyễn Đức Sơn)

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art