Thứ Hai, 27 Tháng Bảy, 2020

Hè, nóng, phượng, ve và những ngày tự nhốt

Hè, nóng, phượng, ve và những ngày tự nhốt - 1

Crape myrtle bên đường ở Arlington, Texas. (Hình: Trần Doãn Nho/Người Việt)

 

KENNEDALE, Texas (NV) – Hè về! Thu về, thấy lá. Xuân về, thấy hoa. Đông về, nghe lạnh. Hè về, nghe nóng.

Ở đây, Dallas, miền Bắc của Texas, nóng, nóng lắm. Nhiệt độ tăng từng ngày. Từ khoảng 80 độ (F) vào đầu Tháng Sáu, leo dần đến 97, 98 có khi 100 vào cuối tháng, đến Tháng Bảy là tháng cao điểm, suốt tháng, lúc nào cũng trên 100, có năm, vươn tới 110.

Nóng từ nắng. Nhưng nóng không phải là nắng. Nắng là hư cấu. Nóng là hiện thực. Có chút gì kỳ thị ở đây. Ta có nắng mai, nắng chiều, nắng Xuân, nắng Thu, nắng mới, và cả nắng Hè, nghe lãng đãng y như thể nắng là người yêu. Nhưng chẳng hề nghe ai nói nóng mai, nóng chiều, nóng sáng. Lại càng không có nóng mới, nóng buồn, nóng nhớ. Người ta ca ngợi nắng, nhưng chẳng ai dại gì ca ngợi nóng. Và cũng chẳng ai gọi là nóng Hè. Lạnh còn có nét lãng mạn. Nói “trời trở rét,” nghe bâng khuâng. Nói “trời trở nóng,” nghe… kỳ kỳ.

Tháng Bảy, cả Dallas bừng bừng. Cái gì cũng nóng. Trời nóng, đất nóng, gió nóng và cả bóng cây… cũng nóng.  Nóng kéo dài từ sáng đến khuya. Ban ngày, ở trong nhà nhìn ra, chẳng thấy gì ngoài cái sáng lóa, chói chang. Nóng tước đoạt mọi cái mềm mại, dịu dàng. Tất cả chỉ còn là một không gian đặc quánh, khô. Nhà cửa, cây cối, hoa cỏ sững lại, dòn, queo quắt, cứng. Nóng tước đoạt cả chuyển động. Mọi vật dường như chỉ còn một cách tự vệ: đứng, nằm, không nhúc nhích. Muốn “gọi nắng trên vai em gầy” để làm chút kỷ niệm nhưng không dám gọi, nhìn tới nhìn lui, lại chả thấy “đường xa áo bay” ở đâu cả. Chỉ có trốn nắng và than nóng!

 

May mắn thay, xuất hiện giữa cái nóng thô kệch và tàn nhẫn đó, là một nét dịu dàng: hoa. Đỏ, hồng, tía, trắng. Dưới nóng, màu lay động. Hoa Hè! Vâng, crape myrtle, hoa Hè Dallas. Chúng nở đầy, rực rỡ. Nói không ngoa, chúng sống bằng nóng, sống dưới nóng, sống nhờ… nóng. Người Việt định cư lâu năm ở đây gọi chúng là phượng Dallas vì chúng xuất hiện vào thời điểm các trường học bắt đầu đóng cửa nghỉ Hè.

Lúc mới đến ở vùng này, cuối Tháng Năm, trong lúc hầu như mọi thứ hoa Xuân biến mất, thì bất ngờ, trên đường lái xe ra xa lộ, tôi nhìn thấy thấp thoáng đâu đó hai bên vệ đường xuất hiện những bông hoa, lòng tự nhủ: ô hay, Xuân đã qua rồi sao hoa còn nở? Tưởng mình nhìn lầm nên bỏ qua. Nhưng rồi, càng ngày càng nhiều: lúc đầu là hoa trắng, rồi dần dà, hoa đỏ, hồng, tía. Suốt Tháng Sáu, chúng đua nhau nở. Tháng Bảy, nở rộ và tiếp tục nở cho đến đến Tháng Chín, xem như nguyên cả mùa Hè. Đấy, crape myrtle, phượng Dallas!

Crape myrtle còn được gọi là crepe myrtle hay nói cho gọn, myrtle, vừa là cây vừa là bụi. Một cây phát triển ra thành nhiều thân, có cây có đến hơn 10 thân, nằm dọc hai bên đường, trong công viên, bệnh viện, công sở, trước nhà cư dân.

Theo tài liệu, những cây myrtle đầu tiên được mang vào trồng ở thành phố Paris, Texas, vào giữa thế kỷ 19. Năm 1916, sau một trận hỏa hoạn lớn làm toàn thành phố gần như bị thiêu rụi, cư dân thành phố được khuyến khích trồng thật nhiều myrtle để xóa tan dấu vết của cơn đại nạn và cũng để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tiểu bang. Không lâu sau đó, các thành phố khác cũng đua nhau trồng, dần dà, biến Texas trở thành một tiểu bang myrtle. Vậy cho nên, năm 1997, Quốc Hội tiểu bang Texas bèn ra nghị quyết vinh danh và gọi nó là “Cây Bụi Texas” (The State Shrub Of Texas).

Giữa cái nắng chát chúa của miền Bắc Texas, những hoa myrtle đỏ đỏ hồng hồng tía tía đung đưa dưới nóng như thách đố, khiêu khích. Mà cũng như một bù đắp. Chiều tối, lúc nắng vừa tắt, nóng dịu đi, ra ngoài đi dọc theo những con đường quanh vùng, lắng nghe tiếng ve kêu vang vang trên những cành myrtle, bỗng tưởng mình đang đi trên một đoạn đường phượng bay nào đó trong Thành Nội, Huế, nơi tôi đã sống trong, sống cùng, và sống với, gần nửa thế kỷ.

Đã Hè thì phải phượng và ve.

Myrtle, nói hơi lạm dụng chữ nghĩa một chút, phượng Dallas, nhỏ hơn phượng Huế, cành nhánh thon gọn, thường khiêm tốn thu tóm vào khoảng không gian quanh mình, không tham lam vươn ra, lấn chỗ, rủ xuống ven bờ sông. Hoa nhỏ, chen chúc vào nhau thành từng chùm, dày dặn, khiến cho màu sắc trông thật đậm đà, thân mật. Phượng trồng quanh quanh Huế thường chỉ có một, hai  loại. Phượng Dallas có khá nhiều loại, lá khác, cành nhánh khác mà hoa cũng khác, khác cả màu sắc lẫn hình dáng.

Hè, nóng, phượng, ve và những ngày tự nhốt - 2
Crape myrtle ở Kennedale, Texas. (Hình: Trần Doãn Nho/Người Việt)


Ve ở đây, được mệnh danh là dog-day cicada dựa theo tên một chòm sao nào đó thường xuất hiện vào mùa Hè trong bầu trời khuya, cũng từa tựa như ve Huế, nhưng thân nhỏ hơn, đậm màu hơn, tiếng kêu không lảnh lót bằng, nhưng nghe cả giàn hợp xướng của chúng vang lên cũng không kém rộn ràng lúc vào trưa. Những con ve chiều tối trên cành myrtle thì hơi khác. Bên cành này một con, bên cành nọ một con, bên cành xa kia một con khác, rỉ rả ca hát trầm trầm bổng bổng như ru, một loại nhạc nhẹ giúp khách tản bộ quên đi cái nóng ban ngày. Với tôi, tiếng ve gợi dậy cả một vùng ký ức về một nơi đã nghìn trùng xa cách. Người tha phương, nhớ nhà, bỗng như được sống lại một thuở thanh xuân!

Hè lại về. Đầu Tháng Bảy, nhiệt độ đã lên đến 102, 103. Tuần sau 104, 105. Hoa murtle dịu dàng khoe sắc dọc đường, trong công viên, trong các khu thương xá. Nóng đốt cả hơn mười ngày nay. May mà khuya rồi, có trận mưa dông do một đám mây lang thang nào đó thả xuống, nên nghe cái nóng dịu bớt. Tất cả đều hồn nhiên, chẳng biết năm này khác hẳn mọi năm, khác vô cùng. Chúng chẳng hề biết đến một đại nạn đang hành hạ cả thế giới, hành hạ Hoa Kỳ.

Hai tuần lễ nay, tiểu bang Texas chịu đựng cơn bùng nổ dịch bệnh virus Corona, đưa Dallas trở thành một trong những “ổ” dịch. Hàng quán mới được phép mở cửa, chưa nóng máy thì lại được lệnh hạn chế lại. Có tiệm phải đóng cửa. Người chưa kịp thăm người thì đã lại trở về cảnh cách ly.

Thế là đành phải sống tiếp những ngày tự nhốt. Chiều tối, tôi ra khỏi nhà, ngại ngần bước đi trên những con đường cũ quanh quanh để tìm chút không khí tươi mát sau cơn mưa, vừa đi vừa liếc xem chừng thử có gặp người láng giềng nào không. Không phải để chào hỏi. Mà để tránh.

“không có bom rơi
không có đạn lạc
không có hầm chông
không có phục kích
trời cao vẫn cao
nồng nàn mưa nắng
cây xanh vẫn xanh
mây chiều vẫn trắng…

thế mà tôi sợ
(sợ bất cứ ai)
sợ kẻ đi ngang
sợ người đi dọc
sợ kẻ thân quen
sợ người lạ mặt
sợ phố sợ phường
sợ quán sợ chợ
sợ hỏi sợ chào
sợ hôn sợ vuốt

(không những sợ người)
tôi tự sợ tôi
sợ tiếng ho khan
sợ đầu hâm hấp
sợ tay đụng mặt
sợ mũi mất mùi
sợ môi hết vị
sợ thở không đều
sợ chân tay mỏi
đã trốn con người
tôi tự trốn tôi

tôi đem nhốt hết
nhốt nắng trong nhà
nhốt trời trong áo
nhốt mây trong tủ
nhốt gió trong lò
nhốt phố trong chăn
nhốt quán trong phòng
nhốt mặt trong khăn
nhốt tay trong túi
nhốt tiếng trong lòng

đã nhốt đất trời
tôi tự nhốt tôi

***

bao giờ tan cơn dịch
tôi tự phóng thích tôi
bao giờ tan cơn dịch
cởi mặt nạ, đi chơi
tay bắt tay, miễn nhiễm
tôi hết còn sợ người

tôi hết còn sợ tôi”
(Nhốt, thơ Trần Doãn Nho)

Trên những cành cây myrtle, ve vẫn ngân nga như mọi năm.

Dallas đã vào sâu trong một mùa Hè mới, vẫn rực rỡ như bao giờ.

Nhưng trong tôi, Hè dường như không đến.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art