Thứ Hai, 29 Tháng Sáu, 2020

Trịnh Công Sơn và sự ra đời của ca khúc “Hạ trắng”

Trịnh Công Sơn và sự ra đời của ca khúc “Hạ trắng” - 1
 
Gọi nắng, trên vai em gầy đường xa áo baỵ
Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm saỵ
Lối em đi về ... trời không có mâỵ
Ðường đi suốt mùa nắng lên thắp đầỵ​

Đây là ca khúc ít nhiều anh em đã nghe ít nhất một lần, không hẳn là nhạc của người lớn tuổi, chính trong cả phim thiếu nhi Kính Vạn Hoa của những năm rất lâu rồi cũng trích lại với giọng hát của Quý Ròm. Một điều rất đỗi bình thường khi nghe nhạc của ông, nhiều người nói khó hiểu, vì ca từ của ông đôi khi mất vài cuốn sách để viết và phân tích… Dưới đây mình xin trích lại những chính những lời văn của ông để hiểu về một tác phẩm rất đỗi quen thuộc “Hạ trắng”.
Trịnh Công Sơn và sự ra đời của ca khúc “Hạ trắng” - 2
Nguyên văn:

Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một dàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó lại còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và quần áo sờ vào cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42-43 độ C.

Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một số cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài gần nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cầm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức.

Trịnh Công Sơn và sự ra đời của ca khúc “Hạ trắng” - 3
Trong vùng tôi ở đó, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.

Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩn liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chêt rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó, ông nằm trên sập gu một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo cụ bà luôn.

Câu chuyện ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như ‘áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau’ để viết nên bài Hạ Trắng.

(Thế Giới Âm Nhạc, số 5-1997)

Trích dẫn: Trịnh Công Sơn - Tôi là ai là ai… (Sách được NXB Trẻ ấn hành)

 

Bài viết khác