Thứ Tư, 08 Tháng Tư, 2020

Lục Bát Cung Trầm Tưởng

LỤC BÁT

CUNG TRẦM TƯỞNG

Nhà thơ. Tên thật Cung Thúc Cần. Sinh năm 1932 tại Hà Nội. Vào Sài Gòn năm 1949. Du học Pháp và Hoa Kỳ. Cựu Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa. Ðã cộng tác với các tạp chí Thế Hệ, Tân Phong, Sáng Tạo, Hiện Ðại, Thế Kỷ 20, Khởi Hành, Nghệ Thuật, Văn, Thời Tập, The American Dialogue, The Journal Of The Asian American, Renaissance Frogtown Times , Menschen Rechte. Chủ trương nhà xuất bản Con Ðuông, in được một số tác phẩm bằng ronéo, phổ biến hạn chế. Hội viên Văn Bút Hải Ngoại (đã tham dự đại hội Văn Bút Quốc Tế tại Prague,Tiệp Khắc, năm 1993. Hội viện liên kết của Văn Bút Pháp.Hội viên danh dự của

Văn Bút Quốc Tế. Dẫn chương trình Văn Học Nghệ Thuật Thế Giới của đài Phát Thanh Quốc Gia VN từ 1959 -1962. Diễn thuyết, đọc thơ tại đại học các nước Ðức, Pháp, Mỹ.Tốt nghiệp Kỹ sư, Phó Tiến Sĩ Khoa Học, Hậu đại Học  về  Quản  Trị An  Ninh  Quốc Gia. Bị tập trung 'cải tạo' 10 năm. Hiện sống tại Saint Paul, Minnesota, USA.

Tác Phẩm đã xuất bản :

Tình Ca (Cùng Phạm Duy, Nguyễn Cao Uyên), Lục Bát Cung Trầm Tưởng (thơ, Con Ðuông), Thám Hiểm Không Gian (dịch, Dziên Hồng), Bài Ca Níu Quan Tài (thơ), Lời Viết Hai Tay (thơ 1999), Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Ðỉnh Thơ (2003)

Có bài trong các tuyển tập , tác phẩm :

Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại (Trần Tuấn Kiệt, 1962), Văn Học Hiện Ðại (Cao Thế Dung, Quần Chúng, 1969), Thi Ca Tiền Chiến Và Hiện Ðại (Bảo Vân 1978), 20 Năm Văn Học VN Hải Ngoại (Ðại Nam, 1995), Du Tử Lê - Tác Phẩm Tác Giả (1997), Thơ Văn Hải Ngoại Năm 2000 (Văn Mới 2000), Thơ Tình Bốn Phương (Thái Doãn Hiểu, Hoàng Liên, nxb Trẻ1994), Thơ Tình Việt Nam Và Thế Giới (Nguyễn Hùng Trương, Thanh Niên,1998), Ngày Xưa Hoàng Thị (Văn Nghệ, VN 1995)...

(Tác Giả Việt Nam – Lê Bảo Hoàng

 

Giới Thiệu Lục Bát Cung Trầm Tưởng

Làm thơ Lục Bát là đu bay, là di trên giây. Thành công và thất bại chỉ cách nhau khoảnh khắc phân, ly. Nếu Lục Bát là một dàn phóng đã đẩy một số ít nhà thơ lên ngôi thi hào thì Lục Bát cũng là con ngựa bất kham đã quật ngã nhiều thế hệ thi nhân.

Từ ngày tất cả khuôn vàng thước ngọc bị bẻ gãy trong văn nghệ, người thi sĩ có khuynh hướng, khi bắt được ý thơ, là trao đến cho người đọc ở tình trạng nguyên thủy không dồn ép, không sơn mạ. Mỗi bài thơ là một hình thức trình bày. Một ngàn bài thơ là một ngàn thể thơ khác nhau. Thế mà Lục Bát vẫn giữ vững ngôi vị hoàng tử của các thể thơ. Các bài Lục Bát tuyệt diệu vẫn còn trị vì trong vương quốc thi ca Việt Nam không biết đến bao giờ.

Lục Bát của thi ca là vĩ cầm của âm nhạc: vĩ cầm tập trung trên phím đàn nhỏ bé tất cả hòa âm trong vũ trụ. Lục Bát trong hai câu sáu tám có khả năng diễn đạt tất cả giai sắc của bầu trời, uẩn khúc của hồn người...Lục Bát là một nhan sắc tuyệt trần, ai cũng muốn làm tình, hoặc để mãi mãi sợ hãi vì bất lực, hoặc để suốt đời đam mê. Các thi sĩ của hôm nay, sau khi đã mệt mỏi khai phá những vùng đất mới cho thi ca, lại trở về nghỉ ngơi dưới bóng mát của cây Lục Bát, lại thả cho con diều Lục Bát ngày càng bay cao vào những vùng trời lạ.

Gần như đã thành một thông lệ, các nhà thơ muốn tự hào đã đạt đến một kích thước nào đó, đều phải thử lửa với Lục Bát: Nguyên Sa nghển cổ nhòm vào Lục Bát, Tô Thùy Yên yêu trộm Lục Bát, Hoàng Anh Tuấn chọc ghẹo Lục Bát, Thanh Tâm Tuyền tán tỉnh Lục Bát, Bùi Giáng làm ảo thuật với Lục Bát. Hình như họ phải trải qua môn thi Lục Bát để được xác định là thi nhân Việt Nam. Họ phải đi vào Lục Bát dù phải lột hết che phủ để tài năng xuất hiện trần truồng.

Từ nhiều năm nay, Cung Trầm Tưởng là nhà thơ thích đánh đu với Lục Bát. Qua tập Tình Ca và các sáng tác khác, nhiều người đã cho rằng Lục Bát và hồn thơ Cung Trầm Tưởng là một cuộc hôn nhân thành tựu. Cung Trầm Tưởng đã đưa Lục Bát vào mỹ viện để lột xác. Cung Trầm Tưởng đã khoác cho Lục Bát những chiếc áo mới nhất của thời trang. Cung Trầm Tưởng đã trao tặng Lục Bát những trang sức diễm kỳ nhất của thời đại.

Nhưng ở trong cuộc đuổi bắt đam mê ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng đã không để tuột mất cái hồn muôn thuở của Lục Bát, cái khí phong bàng bạc đã khiến thi ca Việt Nam lồng được hương sắc rực rỡ vào trong bầu trời bát ngát của thi ca ðông Phương. Ý tôi muốn nói ở Lục Bát Cung Trầm Tưởng phảng phất một giao hòa nào đó giữa cái hồn nhiên trong sáng của ca dao dân tộc, cái hào hoa tuyệt vời của thi bá Nguyễn Du, cái trầm mặc não nề của khúc Cung Oán thuở xưa và một “mang mang thiên cổ sầu”

 

Về ðây

về đây tôi lại gặp tôi

lang thang lối cũ, trước đồi sau nương

ngô đồng lã ngọn thuần lương

trời cao không đỉnh, mến thương không bờ cố tri khóm hạnh bây giờ

vẫn bừng hoa nở đứng chờ lối xưa

vẫn hanh vàng nắng tỏa vừa

hiu hiu tùng rủ bóng chưa hao gầy về đây tôi lại về đây

non lên thắm nhớ, chiều đầy

khoan dung chân vui lối rộn khôn cùng

gần xa trời mở vòng cung

thâu vào chân phương lòng thấy nao nao

với muôn thương mến lên cao hôn trời

 

Khoác Kín

chiều đông tuyết lũng âm u

bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn

nhớ ngày tàu cũng đi luôn

ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon

phương xa nhịp sắt bon bon

tầu như dưới tỉnh núi còn vọng âm

sân ga mái giọt âm thầm

máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào

mình tôi với phố non cao

với cồn tuyết lạnh buốt vào xương da với mây xuyên nhợt ánh tà

với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu

tôi về bước bước đăm chiêu

tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm

 

Nghìn Xưa

hôm nay trời quá đìu hiu

ngày đi sớm để tiêu điều quán không

vang núi dội sông chiêng khua rừng rú vọng buồn lính thú trong hồn mênh mông

hồn se như sóng đầu sông

cuối heo may lạnh mùa đông xám về vội vàng thổi ấm đam mê

đốt lên cho bớt não nề nghìn xưa

 

Chiều

 

ngày lăn bóng quá lưng đèo

cây hoen lá thắm, xóm nghèo quán không còn trơ biếc núi ngồi trông

sương giăng xóm ngủ, mù buông lũng chiều thuyền nằm bến cũng xiêu xiêu

con sông tới giấc mắc triều lên nhanh hồn tôi cái dĩa thâu thanh

tròn nguyên nét nhạc, trung thành ý ca đồ rê mi pha xon la...

ngẫm từng âm điệu nghe ra chiều buồn

 

 

Tĩnh Vật

ngủ trong hồn, ngủ ngoài mưa

cái khuya im vắng bốc vừa đôi tay

ngủ phương lan, ngủ hiên dài

vóc sương lưng gió đã cài hoang liêu ngủ chim sâu, ngủ nắng chiều

hình con én mộng bóc nhiều phiêu du ngủ rêu bồn, ngủ mùa thu

hồn đôi cánh hạc bay từ không trung

 

Ngoại Ô

về nơi che phủ mái đầu

một vùng trời nặng, lá nhầu nhợt mưa

lối ren cỏ búi lưng lừa

mùa đi bỏ lại gốc dừa cội măng

tháng dư. buốt xẻ đôi đằng

nửa chì mưa đục, nửa băng đá cồn

chiều về lại lẻ lũy đồn

mình trơn đứng tuột, nóc hồn nằm ươn

 

Nghĩa ðịa

ngồi trông lống bống mưa rơi

cây me mục nát nói lời cổ sơ

bãi nhăn nhàu vết lăn xưa

một xe thổ mộ nằm trơ mộ gầy

ngồi trông úp xuống trần mây

cỏ xanh bia mộ đã đầy ngút quên

chiều nhòa về xứ không tên

thời gian hoá đá chồng lên tuổi đời

ngồi trông vút bóng chim dơi

rối ghê lạnh cả đất trời thâm sâu

suơng khắp sô lấp phủ đầu

che hồn ẩm mốc nỗi sầu âm dương

 

Mưa Tháng Tám

anh ôm em ủ mình dây

gió mưa ẩm đục xô đầy trong tim

tóc sương rêu phủ môi chìm

anh nghe mưa gió vỗ mềm vai em

thôi thôi cái ngủ buông rèm

hồn em tháng tám đã thèm xa xôi

mắt then khuya kín cửa rồi

anh đi, gió núi mưa đồi chôn em

 

Kỷ Niệm

trở về kỷ niệm xanh rêu

hồn tôi du mục cắm lều đêm nay

rượu về khói thuốc nồng say

đèn lung linh ánh buồn lay lắt buồn

ngó sông lại tưởng nhớ nguồn

niềm hoang vu đã về luồn kế

đêm thơ khuya khát nẻo êm đềm

căng thao thức ý căng thêm tiếng lời

ơ thờ lạnh thấu muôn nơi

nằm nghiêng ván mỏng, ngóng trời,

trời câm ngóng nghe đời cũng lặng thầm

riêng thời gian vẫn còn thâm buốt hoài

nỗi mình khó chẻ làm hai

đêm không nhắm mắt thấy dài cô đơn

 

Thân Phận

sống là một thứ đi buôn

mang thân bán vốn, còn hồn cho thuê mỗi ngày một giấc ngủ mê

sớm đi ảo mộng, tối về cưu mang bát cơm miếng cháy khê vàng

miệng chua khó nuốt, địa đàng khó lên trăm năm trăm thứ tủi phiền

vấn vương rồi cũng vô duyên một đời

đêm nằm nghĩ biển thèm khơi

nghe mây hồn dạt nước trời mênh mông

 

ðêm Sinh Nhật

mưa đêm rơi lạnh Sài Gòn

mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi ?

mưa hay trời cũng thế thôi

đời nay biển lạnh mai bồi đất hoang

hồn tu kín xứ đa mang

chóng hao thân thể, sớm vàng lượng xuân

niềm tin năm tháng vơi lần

lửa thương yêu cũng nguội dần hương xưa

đêm nay trời khóc trời mưa

gió lùa ẩm đục, trời đưa thu về

trời hay thu khóc ủ ê ?

cổ cao áo kín đi về buồn tôi

 

Tuổi Thượng ðài

xuân này tuổi sắp ba mươi

mình cao vóc hạc, môi cười phong sương

ít hân hoan, lắm chán chường

từ tôi phá đổ thiên đường tuổi thơ

đầu trơn chưa cất điện thờ

suy tư còn lắm chần chờ viển vông

từ lâu quên thắp pháo bông

tuổi ba mươi phiến đá chồng lên vai

nửa văn chương, nửa cuộc đời

một tâm hồn loạn hai người đọ găng

đòn say còn lắn hung hăng

kiểng khua rứt cuộc, thấy nằm trọng thương

 

Nấm Xanh

 

sáng nay trời đẹp nguyên trinh

mùa xuân thơm ngát, ái tình lên ngôi

rộn ràng tỉnh giấc thôi nôi

tội nhân tiền sử nằm phơi trần truồng

núi rừng chào hỏi chim muông

cây xanh lá mới phật phồng gió vui

nụ hồng ngợp nắng lên môi

tôi nghiêng tim rỏ ngọt bùi tiếng ru

đất trời mở cuộc giao du

đời sau địa chấn nở dù nấm xanh

 

Biển

sớm nay giàu thịnh là tôi

thiên nhiên riêng bãi cát ngồi làm thơ

ý vui lòng để then hờ

nghe xa xa vỗ sóng bờ pha lê

sóng dâng còn ngán môi kề

đêm hôm bãi nhớ, sớm về viễn khơi

sớm đi khơi rộng ý đời

thêm mênh mông nước cho trời để chân

trời hiền khép một vòng thân

trông cao xa ấy mà gần tâm tư

 

Kiếp Sau

bù em một tháng trời gần

đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi

bù em góp núi chung đồi

thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ

bù em xuôi ngát vần thơ

vẫn nguyên trắc trở lúc giờ xa nhau

bù em một tháng trời mau

và ngôi sao cuối khuất sau địa cầu

thôi em xanh mắt bồ câu

ngực thon mình nhỏ xin hầu kiếp sau

 

Công Chúa

hoa xuân nồng, trái xuân ngon

mùa xuân công chúa hương còn ở đây

em đi chiều biếc chân mây

sao hôm năm cánh rơi đầy mắt nâu

da thơm, xác thịt chưa sầu

em mang xiêm áo nàng hầu của vua

hân hoan trời đất nô đùa

đường ân ái cũng thêu thùa lá đưa

anh ngồi nghĩ nắng rồi mưa

vẽ thêm tâm tưởng cho vừa ý em

 

Bãi Ru

học em được tính lo xa

tình yêu tươm tất, bình hoa bày bàn

lỡ mai mây có rã tan

còn đây thân thể rung đàn em nghe

bằng không gió núi mưa khe

đêm đêm gãy cánh bông xòe ru em

 

Viễn Du

 

chiều về ngồi đỉnh non cao

lao xao từ lá rạt rào đến tim

biếc xanh mầu xứ của chim

trời trăm phương lộng đi tìm viễn du

 đi cho mộng thoát lao tù

rũ bung thân xác cho bù đớn đau

chiều về cười lả lơi lau

hồn lâng lâng nhẹ ý phau bạt ngàn

bụi vàng vùi lấp dương gian

dưới xa nghe đổ lầu tàn hoàng hôn

 

 

Mục lục: 1.về đây/ 2.khoác kín/ 3.nghìn xưa/ 4.chiều/ 5.tĩnh vật/ 6.ngoại ô/ 7.nghĩa địa/

8. mưa tháng tám/ 9.kỷ niệm/ 10.thân phận/ 11.đêm sinh nhật/ 12.tuổi thượng đài/ 13.nấm xanh/ 14.biển/ 15.kiếp sau/ 16. công chúa/ 17.bài ru/ 18.viễn du

 

Giới thiệu Tác Giả

Tên thật: Cung Thúc Cần ngày sinh: 28-02-1932

nơi sinh: Hà Nội

tác phẩm đã xuất bản: Tình Ca (1958)

tác phẩm dự trù xuất bản: Thơ Cung Trầm Tưởng

sở thích: mầu rượu chát, mặc áo quần bà ba, đi guốc mộc, hút thuốc bastos, uống bia, không thích ăn rùa rắn, la cà quán cà phê. Ưa chuộng bơi lội, yêu mùa thu và bãi biển, mến vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt là mình dây nước da bánh mật.

địa chỉ: số 4 đường Tản Viên, cư xá sĩ quan Không quân, Tân Sơn Nhất, Sài Gòn - hộp thư B3

 

Ngỏ

Trong hoàn cảnh khó khăn chung, cơ sở CON ðUÔNG đang cố gắng vượt mọi trở ngại để chuyển đến tay những người yêu văn nghệ các sáng tác đắc ý nhất của các văn nghệ sĩ tên tuổi cùng giới thiệu những tài năng mới không phân biệt bộ môn, phe nhóm, tuổi tác. CON ðUÔNG đã có những khuyết điểm xin quí vị và các bạn lượng thứ.

Mọi ý kiến xây dựng và chỉ trích đều được nhóm chủ trương vui vẻ đón nhận. Thư về: Con ðuông , 11 Pasteur Cần Thơ

Con ðuông

xin chân thành càm tạ:

Anh Trần Nhựt Chấn, anh Phan Lương Năng, anh Viên Linh, anh Chu Tấn đã giúp đỡ trong những bước đầu

ghi chú; đánh máy theo bản chụp lại, từ một trong một trong một trăm tập Lục Bát Cung Trầm Tưởng, sở hữu của nhà thơ Thành Tôn gởi tặng, nhận ngày 19 tháng 7 năm 2007.

Trích trang http://luanhoan.net/

Bài viết khác