Thứ Bảy, 04 Tháng Giêng, 2020

Nhặt chút hương xưa

Nhặt chút hương xưa

 Người Việt “xin chữ” đầu năm. (Hình: Getty Images)

Không ai có thể phủ nhận công lao cực kỳ to lớn của chữ Quốc ngữ (chữ Việt ngày nay) trong việc canh tân đất nước, là một công cụ sắc bén chống lại được sự nô dịch văn hóa 1,000 năm đô hộ của giặc Tàu, và các nô dịch văn hóa của nước khác. Đồng thời, cũng truyền tải những tác phẩm văn chương Việt Nam và thế giới, những nét đẹp trong văn chương truyền khẩu của tổ tiên, trong sáng long lanh cho mãi mãi đời sau.

Những viên ngọc quý của người xưa

Thuở nhỏ, khi còn là học sinh bậc trung học, tôi rất mê những vần thơ đẹp như tranh vẽ trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” và một câu thơ hết sức nên thơ, từng làm tôi say đắm: “Chàng Vương quen mặt ra chào/ Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa“

Văn chương truyền khẩu (ca dao) Việt Nam đã ghi nhận ít nhiều những nét đẹp tuyệt với của quê hương, mà các bậc tiền nhân đã xây dựng nên được cho chúng ta một dãy giang sơn gấm vóc “rừng vàng biển bạc” từ ải Nam Quan đến tận mũi Cà Mau: “Bao phen quạ nói với diều/ Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm.”

Bản thân tôi hết sức thán phục những thi sĩ vô danh, bàng bạc thật nhiều trong ca dao Việt Nam ta, với những dòng văn chương bình dân mà ngập tràn tình cảm: “Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?” “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi.”

Có những vần thơ, lang thang “gạo chợ nước sông,” “đầu đường xó chợ,” mà nghe cũng thấy nao lòng: “Con vượn bồng con/ lên non hái trái/ Cảm thương nàng/ phận gái mô côi/ Là số Một ‘ơi.’” (Số một – Lô tô truyền khẩu)

Hay những câu thơ thật tình tứ hóm hỉnh, nhẹ như lời thì thầm của một nàng thiếu nữ xinh đẹp giữa đêm khuya với người yêu: “Chuột kêu rúc rích trong rương/ Anh đi cho khéo, kẻo đụng giường mẹ hay.”

Hoặc nói hộ cho nỗi lòng chàng trai nghèo rớt mồng tơi, chưa dám vượt qua vòng lễ giáo gia phong: “Thò tay anh ngắt cọng ngò/ Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ.” Chắc cũng có nhiều cô thiếu nữ ngày xưa, thầm lén đổi câu ca dao này từ nam ra nữ: “Thò tay lén ngắt cọng ngò, thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ.” Và cũng có những câu ca dao, mà cả nam lẫn nữ, ước hẹn trong lòng, trước mối tình tuyệt đẹp bị trắc trở, tan vỡ đau thương: “Tóc mai sợi vắn sợi dài/ Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.” ”Sông dài cá lội biệt tăm/ Phải duyên chồng vợ trăm năm cũng chờ.”

Ca dao cũng ghi lại tấm lòng chơn chất của những người phụ nữ miền Nam, chịu thương chịu khó lặn lội theo chồng lập nghiệp: “Đi đâu cho thiếp theo cùng/ Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam/ Ví dầu tình có dở dang/ Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp dzìa. ”(Hic)

Tôi cũng mê mẩn trước nhà thơ Nguyễn Bính của miền Bắc thân yêu với những vần thơ tuyệt đẹp như ca dao: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê,” “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều.”

Tiếng Việt ngày càng “phong phú”

Trước 1975, với cuộc chiến tranh kéo dài 40 năm trời cực kỳ cay đắng và đau khổ tân cùng cho đất nước mang hình chữ S (xin đừng lẫn lộn với biên giới biển bất hợp pháp “vi phạm Luật Pháp Quốc Tế” đường lưỡi bò chữ U của Trung Quốc). Có biết bao nhân tài non trẻ, những đứa con thân yêu của đất nước đã ngã gục, chết tức tưởi cho quê hương: “Chúng tôi ba thằng/ Cởi áo học trò đi vào quân đội/ Tuổi đời bằng tuổi chiến chinh/ Hai mươi mấy năm, chưa thấy Thanh Bình/ Từ thuở ấu thơ đã ôm quần chạy giặc.” (rất tiếc, đã không nhớ được tên tác giả)

Sau 1975, đất nước được hòa bình thống nhất bên lòng dân ly tán. Và người dân miền Nam tiếp nhận thêm dòng văn học mới, những từ ngữ ngộ nghĩnh, vui vui. Tiếng Việt ta lại có dịp “trăm hoa đua nở,” ngày càng phong phú.

Có nhiều từ được“nhập cư vào Nam” như khẩn trương (nhanh lên), bức xúc (trăn trở, ray rứt) xưởng đẻ Từ Dũ (nay được đổi lại là bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ), chiến sĩ gái (nữ bộ đội), vô tư (không lo ngại), xử lý liên tục (chạy xe phải thắng gấp nhiều lần), hoành tráng (huy hoàng, rực rỡ), cây đa cây đề (tai to mặt bự, cốm kẹo đậu phộng), thế gia vọng tộc (con ông cháu cha), cửa hàng may đo (đo rồi mới may), thú nhún (trò chơi trẻ con hình các con thú hay xe các loại, có gắn lò xo nhún nhẩy)…

Lại có chữ nghe “sướng cả người” như “Hòa giải, hòa hợp dân tộc,” có từ (chữ) dễ bị hiểu lầm như “nữ hộ lý” (nữ y tá) hoặc nghe thấy “rợn người” như “có nợ máu với nhân dân” (cường hào ác bá, các quan lớn nhỏ miền Nam (?!). Cũng có những từ nghe cũng nực cười pha chút “tiếu lâm” như “sâu sát quần chúng” (tác giả xin lỗi, không dám chú thích vì có nhiều nghĩa).

Đến thời đại “quy hoạch đất đai – đền bù giải tỏa” “Hiện đai hóa nông thôn và thành thị,” người dân phải rời khỏi ruộng vườn đất đai quê cha đất tổ với giá “trên trời.” Với việc bùng nổ các quán nhậu ăn chơi, và các quán “bia ôm tươi mát,” thì có các từ mới phát sinh như: “xóa đói giảm nghèo” “giải tỏa tới đâu, đền bù tới đó,” (không dám chú thích) dần trở thành quen thuộc từ Bắc vào Nam, và từ Nam ra Bắc.

Nếu có những câu ca dao, mà bây giờ chắc ít cô nào còn nhớ tới như: “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay” Thì lại có những câu ca dao tưởng đã chôn vùi vĩnh viễn theo bánh xe lịch sử thời độc tài, phong kiến, nhưng chắc giờ đây,” sẽ vẫn còn hiện diện lâu dài “ngậm ngùi” theo vận nước nổi trôi: “Con vua thì được làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa.”

Nền văn học Việt Nam cũng có nhiều biến chuyển theo thời đại, và đâu đó lại có một vài hạt sạn thật long lanh, ray rứt. Thí dụ như câu ca dao quen thuộc: “Cá không ăn muối cá ươn/ Con ‘cưỡng cha mẹ,’ trăm đường con hư.”Ở miền Nam mà nghe câu đó, bỗng giựt thót cả người, tưởng như có sự xáo trộn luân thường đạo lý ở đây.

Có một giai thoại văn chương lý thú sau 1975, đó là trường hợp tựa dịch tác phẩm lừng danh “Gone of the wind,” do nhà văn Mỹ Margaet Mitchell viết năm 1939 sau nội chiến Mỹ (Nước Mỹ sao “khôn” thế, nội chiến chỉ vỏn vẹn có 4 năm từ 1861-1865 và “bên thắng cuộc” với “bên thua” đều tình cảm chan hòa, cùng nhau xây dựng một nước Mỹ hoang tàn tan nát thành hùng mạnh văn minh, không phân biệt đối xử).

Tác phẩm này được một nhà văn miền Nam trước 1975 dịch ra tiếng Việt là “Cuốn theo chiều gió,” thì được sửa lại là “Theo chiều gió cuốn,” rồi “Theo chiều gió bay,” hình như cũng có “Bay theo chiều gió”… nhưng cuối cùng thì phải nhận ra là cái ông nhà văn miền Nam đã dịch quá chuẩn.

Những tác phẩm văn học nước ngoài đã được dịch trước 1975, như: Chuông nguyện hồn ai (For whom the bell tolls), Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye), Hội chợ Phù Hoa (MakePeace), Tâm hồn Cao thượng (Les grand coeurs), và của Việt Nam “Ngọn cỏ gió đùa” (của cụ Hồ Biểu Chánh) thiết tưởng, khó ai có thể sửa thành tựa khác cho hay hơn. Cái gì trong văn học có giá trị đích thực, thì sẽ tồn tại mãi với thời gian và dân tộc.

Nghi vấn về bài thơ Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan

Cuối bài viết này, tôi xin chia sẻ với các bạn một “nghi vấn văn học” mà tôi trăn trở bấy lâu nay.

Có lẽ do trải qua bao cuộc chiến tranh, con người và tài liệu đều thất lạc, nên văn học Việt Nam đành trở thành “Tam sao, thất bổn”. Đặc biệt, là bài thơ “Qua đèo Ngang “của bà Huyện Thanh Quan, lại có những “câu thơ mới” như sau: “Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà/ Cỏ cây chen lá đá chen hoa/ Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà.”

Bây giờ đi qua đèo Ngang, chắc chúng ta cũng còn thấy chưa có chợ. Lẽ đương nhiên, thời bà huyện Thanh Quan thân gái dặm trường, khi đi qua nơi đèo Ngang lúc đó, nơi khỉ ho cò gáy mấy trăm năm xưa, có lẽ bà đã dùng chữ rợ (từ chỉ dân tộc thiểu số (dân tộc ít người) thời đó, là hợp lý hơn, phải không các bạn?

Cuối cùng, ở các câu cuối của bài thơ cũng thật đáng ngậm ngùi nuối tiếc, phá vỡ cái thâm thúy thần thái của bài thơ: “Dừng chân đứng lại trời non nước/ Một mảnh tình riêng, ta với ta.”

Như chúng ta đã biết, bà Huyện Thanh Quan được các nhà nghiên cứu văn học xếp vào loại “nhà thơ hoài cổ.” Theo tâm lý thông thường của kẻ phải đi xa quê hương, khi đi qua đèo Ngang, sẽ phải xa vắng, giã biệt nơi quê hương mình thân thiết và có nhiều gắn bó, mà trong lòng thì cũng chưa biết rõ được ngày về. Lẽ đương nhiên, bà phải ngoảnh lại nhìn quê hương lần cuối. Do vậy, chỉ có dừng chân ngoảnh lại để thấy cả “một trời non nước,” và ngậm ngùi nhận ra là chỉ có “một mảnh tình riêng ta với ta,” thì mới trả lại được cái ý nghĩ sâu thẩm tâm hồn của tác giả, và cái sâu sắc thâm thúy của bài thơ.

Bà Huyện Thanh Quan đã viết bài thơ này bằng chữ Hán, hay chữ Nôm. Và ai là người dịch ra chữ Quôc ngữ bài thơ? Để giữ gìn vẻ đẹp trong văn học Việt của các bậc tiền nhân, tôi cảm thấy mình thật có lỗi vì tài hèn sức kém “Bóng chiều đã ngả/ Dặm về còn xa” (Truyện Kiều – Cụ Nguyễn Du). Nên xin viết lên những tâm tình này để các bạn gần xa giúp đỡ cho đỡ nhớ quê nhà (nay đã nghìn trùng xa cách).

Hy vọng là “Mua vui cũng được một vài trống canh”!

Châu Nguyễn

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art