Thứ Ba, 07 Tháng Tư, 2020

Chuyện một cậu học trò nghèo dưới nền giáo dục VNCH

Chuyện một cậu học trò nghèo dưới nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa

Có một người học trò nghèo ở miền Tây đã được hưởng ân đức của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, với tình yêu quê hương, tôn sư trọng đạo, tuân thủ công dân giáo dục, kính hồn thiêng sông núi, anh linh tử sĩ…

Nhớ hồi ở lớp Ba (Cours Élémentaire), ông hiệu trưởng Mã Sanh Long dẫn một số học sinh nghèo, giỏi ở quận Cái Răng ra Cần Thơ thi bằng Sơ Học Yếu Lược, ai có điểm cao được học bổng toàn phần là 150$. Thời đó đi xe hành khách từ Cái Răng ra Cần Thơ chỉ tốn 1$, vậy nên 150$ là rất lớn và quí. Người học trò nghèo này nhớ rất rõ cái lần đầu tiên, tháng đầu tiên được ông Phán của Toà Tỉnh Trưởng Cần Thơ phát cho 150$ học bổng cùng với lời khuyến khích. Khi ấy cậu đã cúi đầu cám ơn, rưng rưng nước mắt.

150$ lúc bấy giờ lớn lắm đối với một học sinh sơ học sắp lên Tiểu Học, vì một gói xôi dẻo, ngọt, béo cơm dừa nạo chỉ có 3 cắc thôi. Người học trò nghèo này đi ngang xe hủ tiếu góc đường Delanoue ở Cần Thơ, thấy xe hủ tiếu thịt heo treo trong tủ kiếng, mùi nước lèo thơm phức toả ra, mấy thầy công chức và thương gia húp xì xụp, làm cho cậu thèm chảy nước miếng, nhưng không dám ăn, dù trong túi ghim kim tây kỹ lưỡng có số tiền mua 150 tô hủ tiếu. Vì cậu nhớ lời thầy Mã Sanh Long dặn số tiền này Nhà Nước giúp cho mấy em học lên Tiểu Học để vào Trung Học…

Và đúng như lời quí thầy Long, các học trò đa số là nghèo ấy ráng học thi vào College Cần Thơ, sau đổi lại thành Phan Thanh Giản – một chí sĩ ra làm quan đã uống thuốc độc tự tử cho tròn khí tiết khi quân Pháp chiếm được thành nhưng Ông không giao thành. Cũng như Phan Thanh Giản, các vị tướng Việt Nam Cộng Hòa hấp thụ được tinh hoa của nền giáo dục, trong đó có Tướng Lê Văn Hưng lúc nhỏ học trường Phan Thanh Giản, đã thà chết chớ không bàn giao thành cho quân địch.

Sau này người học trò nghèo ở Cái Răng học và đậu Tú Tài 1 Pháp ở Cần Thơ. Cậu không có tiền lên Sài Gòn học thi Tú Tài 2 nên thi vào Sư Phạm Cấp tốc để có trợ cấp giáo sinh, lấy tiền trả học phí hàm thụ Tú Tài 2, lấy bài học và gởi bài làm từ bên Pháp.

Việt Nam Cộng Hòa đãi ngộ rất tốt đối với nhà giáo. Giáo viên Tiểu Học có Tú Tài 2 cho chuyển ngạch Giáo Sư Đệ Nhứt Cấp sau khi thi khả năng hành nghề Trung Học. Lấy thêm 1 chứng chỉ Cử Nhân, cho thăng 1 trật. Đủ 3 chứng chỉ Cử Nhân coi như có bằng Cử Nhân, cho chuyển ngạch lên Giáo Sư Đệ Nhị Cấp là ngạch cao nhứt của ngành sư phạm Trung Học. Thời đầu của Việt Nam Cộng Hòa, Cử Nhân chỉ có 3 chứng chỉ như lúc còn ở ngoài Hà Nội, sau này mới thêm chứng chỉ thứ tư để nâng kiến thức và giá trị của Cử Nhân Việt Nam Cộng Hoà.

Trừ những ngành khoa học thực nghiệm sinh viên phải học ở trường, các ngành khoa học xã hội nhân văn, như Văn Khoa, Luật Khoa có thể ghi danh, lấy bài ở trường về tự học, nên công nhân, công chức thường tự học và xin làm thí sinh tự do khi đi thi. Các Bộ, Nha, và Quân Đội cho thí sinh gốc công chức, quân nhân, công nhân tự học nghỉ phép, đi thi được ăn lương, đậu thì được chuyển ngạch, thăng trật. Sự sáng suốt, viễn kiến đầu tư của ngành Đại Học Luật, Văn Khoa Việt Nam rất sâu sắc trong việc nâng cao dân trí và dọn đường cho Việt Nam Cộng Hòa tiến lên chế đô dân chủ pháp trị, chánh quyền tam lập. Danh từ luật pháp và hành chánh bằng tiếng Việt hai trường này đã Việt hoá không sót một chữ nào.

Nghĩa vụ quân sự bó buộc, đồng đều đối với công dân. Người có bằng Tú Tài hay Đại Học, công chức cũng phải thi hành quân dịch như công dân, công nhân hay nông dân. Người học trò nghèo kể trên, lúc bấy giờ đã là một giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp, sau khi ra quân trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức về Cần Thơ làm công tác Tâm Lý Chiến và Dân Sự Vụ cho Quân Đoàn 4 và Vùng 4 Chiến Thuật. Sau đó ông về Vĩnh Long, ra ứng cử, đắc cử vào Hạ Nghị Viện Việt Nam Cộng Hòa.

Ơn nghĩa của thầy cô đã dạy học, của nền giáo dục quốc gia đối với người học trò nghèo này như trời cao biển rộng, đất dày. Nên sau 75, ông cùng với hàng triệu quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hoà di tản bằng nhiều cách ra hải ngoại. Những ảnh hưởng của nền giáo dục quốc gia, dựa trên các đức tính nhân bản, khoa học, dân tộc, khai phóng của thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa, đến tuổi ngoài 80 ông vẫn còn khắc cốt ghi xương…

Dựa theo bài viết “Cám ơn nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa” của tác giả Vi Anh

Đăng trên Tongphuochiep.com

(Trang web của nhóm cựu học sinh trường trung học Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long).

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art