Thứ Hai, 25 Tháng Năm, 2020

Bà Tô Thùy Yên: Trăm năm đã chẳng nề hà…

Bà Tô Thùy Yên: Trăm năm đã chẳng nề hà… - 1

Nhà thơ Tô Thùy Yên. (Hình: Người Việt)


Như vậy là đã hai tháng trôi qua, kể từ ngày phải cách ly xã hội. Mẹ tôi đã làm hết các việc trong nhà, ngoài ngõ. Lau sàn bằng tay mỗi tuần hai lần (vì lau bằng cây thì không sạch… và nhanh quá). Lau cửa kính, cả trong lẫn ngoài (vì lau một mặt thì mặt kia ai lau, và xong sớm quá). Dọn sách cho ông ngoại, dời tủ này sang tủ khác (vì từ khi ông ngoại thành chim, không bừa bãi tủ sách nữa, nên sách rất ngay ngắn, đâu cần dọn dẹp, thế là chỉ có thể chuyển từ tủ này sang tủ khác mới có việc thôi). Sáng ra vườn để chăm sóc cây, vì dù cách ly xã hội, ta cũng phải: “Cảm ơn hoa đã vì ta nở.”

Vậy mà sáng nay, khi trời chưa kịp sáng, khi tôi đang lục đục pha cà phê, mẹ tôi đã ào ra và hỏi: “Bưu điện có mở cửa không con?” Tôi trả lời: “Dạ chắc có. Nhưng thời buổi này mẹ chạy ra bưu điện làm gì?” Mẹ tôi nói ngay: “Mẹ cần gởi cây cho bác Bích, mẹ sẽ đi sáng nay.” Tôi biết sẽ không có gì thay đổi được quyết định này của mẹ tôi. Mặc dù cả hai tháng nay, ngoài mỗi buổi sáng ra thăm mộ bố vào lúc 6 giờ, mẹ tôi không hề bước chân ra đường làm bất cứ một việc nào khác. Mẹ tôi sợ “Cô Vi” răm rắp, thế nhưng nỗi sợ “Cô Vi” đã không vượt qua tình yêu dành cho bác Bích.
 

Tôi không hề biết nguyên tên họ của bác Bích, vì từ lâu lắm rồi, bác là: Bà Tô Thùy Yên. Tôi lâu lắm mới gặp bác Bích, ôm bác được vài lần, nhưng tôi cảm nhận được hơi ấm rất gần gũi, thân quen, vì đó là hơi ấm của mẹ tôi, của một người đi trọn con đường chông gai, nhọc nhằn bên cạnh một tên tuổi lớn, của thi ca Việt Nam.

Trong văn chương, người phụ nữ luôn được mô tả bằng mắt biếc, bằng môi thơm, bằng suối tóc, bằng dáng mỏng. Tôi luôn lầm tưởng nàng thơ của thi sĩ này lại là nàng tranh của họa sĩ kia. Họ luôn dùng những từ ngữ “diễm lệ” để diễn tả về người phụ nữ. Đôi khi tôi cũng không rõ do họ yêu cùng một người, hay trong trí tưởng tượng, nàng thơ của họ toàn là nàng tiên bị đọa xuống trần, “dáng mỏng mưa vời,” mong manh, dễ vỡ. Những nàng thơ luôn cần sự nâng đỡ, chở che… Và khi tất cả các nàng tiên bay về trời, thì bên cạnh chàng thi sĩ còm cõi, có khi đang bệnh nặng, già yếu… sẽ chỉ còn duy nhất một người phụ nữ, “trăm năm đã chẳng nề hà…”

Một mai nàng ra bãi vô định
Nhìn sông đổi lòng, nhìn núi chuyển chân
Mây bay bay như những vẫy biệt…
Nàng đứng cho tàn như một nén nhang. (Tô Thùy Yên)

Vậy là bác Bích đã đi với thi sĩ Tô Thùy Yên trọn một kiếp người. Tuy vậy, tôi tin rằng, đối với bà, thi sĩ Tô Thùy Yên không hề:

Đi như đi lạc trong trời đất,
thủy tận sơn cùng, xí xóa ta.

Bà Tô Thùy Yên: Trăm năm đã chẳng nề hà… - 2
Nhà thơ Tô Thùy Yên và phu nhân. (Hình: FB HietDinh)


Cách đây mấy hôm, khi mẹ tôi gọi điện thoại hỏi thăm, bác nói: “Còn đúng hai tuần nữa là ngày giỗ đầu của anh đó em. Chị đếm từng ngày.” Mẹ tôi kể giọng bác run run, bác khóc. Tuy nhiên, ngay sau đó, hai người đàn bà tỉnh lại ngay. Hình như đã từ lâu, họ tập cho mình một thói quen chặn đứng nước mắt. Họ không cho mình được quyền yếu đuối, vì họ không phải là nàng thơ.  Họ là người nuôi dưỡng thơ, để thơ được tự do, sống mãi. Thế là họ chuyển sang chuyện cây, cỏ, đời sống, chuyện kiếp sau: Có chàng thi sĩ.

Bác Bích chỉ muốn làm một bông sen ở kiếp sau, nhưng bác khẳng định, nếu chẳng may lại làm người thì bác vẫn chọn bác Tô Thùy Yên làm chồng, để lại “được” khổ thêm kiếp nữa.

Phần tôi, tôi không tin là bác chọn thi sĩ Tô Thùy Yên, mà chính thi sĩ đã chọn người phụ nữ ấy để “sáng nay, ta còn đi bên nhau.” Thật vậy, dù bao nhiêu thăng trầm, bao lần bạo bệnh, bao nhiêu năm tù đày, bao nhiêu nàng thơ, bao nhiêu mối tình vớ vẩn, ông vẫn luôn trở về nhà, để “sáng nay, ta còn đi bên nhau” cho đến ngày ông thật sự “dỗ cho ta giấc ngủ bình yên.”

Người phụ nữ kiên cường đó đã đi với ông suốt một chặng đường dài. Ngay từ những ngày đầu khi bà còn là một thiếu nữ ngoài đôi mươi. Bà đã tuân thủ tuyệt đối theo lời của thân phụ:

-Khi con đã lấy chồng thì dù có bất cứ lý do gì đi nữa, không bao giờ con được ly dị.

-Nhưng nếu người ta bỏ con thì sao?

-Người đàn bà mà để chồng bỏ thì bỏ đi cho rồi.

Bác Bích đã không có dịp để thử nghiệm lời của bố, chàng thi sĩ ấy, sau hơn chục năm tù đày, sau mấy năm loanh quanh lẩn quẩn, tưởng bỏ đi, rồi ông vẫn lừng lững “Ta về”

Ta gọi thời gian sau cánh cửa.
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu.
Ta nghe như máu ân tình chảy
Từ kiếp xưa nào tưởng lạc nhau. (Tô Thùy Yên)

Tôi tin rằng bà chưa bao giờ để lạc mất ông. Qua những lần kể chuyện, tôi hiểu được tại sao hai bà mẹ (mẹ tôi và bác Bích) lại thân và yêu nhau đến thế. Họ không yêu thơ, nhưng họ yêu con người của hai chàng thi sĩ, vô cùng.  Qua những câu chuyện, tôi hiểu được rằng, đối với thi sĩ Tô Thùy Yên, bác Bích không chỉ là vợ, mà còn là bạn, là người tình, là con gái và cả là mẹ nữa. Bác yêu sự ngây ngô của thi sĩ Tô Thùy Yên. Dù là một thiên tài văn học, khi ở nhà, ông chỉ là một đứa trẻ. Ông để bác Bích quyết định hết mọi vấn đề. Ông không màng đến tiền bạc. Ông không ngại làm sai. Ông nói với bác Bích: “Em làm sai, thì em làm lại. Em đi lạc, thì mình đi lại.” Qua những lời kể của bác Bích, tôi bỗng thấy yêu ông quá đỗi. Hai ông thi sĩ thật giống nhau.

Nghìn năm nữa, tôi vẫn là đứa trẻ
Cần bàn tay của mẹ thuở lên năm. (Du Tư Lê)

Bà Tô Thùy Yên: Trăm năm đã chẳng nề hà… - 3
Từ trái, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, ông bà Du Tử Lê, ông bà Tô Thùy Yên. (Hình dutule.com)


Điểm giống nhất của hai ông thi sĩ lớn, là đem hết tất cả chuyện ngoài ngõ, về thuật lại cho vợ. Kể luôn chuyện của kẻ thứ ba mới hay chứ! Hình như đối với ông, những người phụ nữ đó cũng chẳng phải là kẻ thứ ba. Sau khi kể rõ đầu đuôi chuyện tình của mình, ông còn ngây thơ hỏi vợ: “Em thấy như vậy là người ta yêu anh chưa?” Điều hay là bác Bích cũng trả lời: “Như vậy là có tình ý rồi đó.”

Và cứ thế, bác Bích luôn dang tay, để che chở ông. Lúc ông nằm nhà thương cũng là lúc bác Bích bệnh. Vậy mà ngày nào bác cũng vô nhà thương với ông. Dù tôi không bên cạnh bác, nhưng khi bác kể, tôi hình dung được ngay hình ảnh bác tất tả, ngược xuôi, ra vào bệnh viện. Hình ảnh đó không quen thuộc sao được khi đó cũng là hình ảnh của mẹ tôi, trong những ngày bố bệnh. Mẹ tôi đã ở suốt bên bố hai tháng trời trong nhà thương và không biết về nhà là gì. Hai bà mẹ hiểu rất rõ trong những giây phút ấy, hai ông bố  không còn là chàng thi sĩ của bao nhiêu thế hệ, mà hai ông đã trở về nguyên trạng, đứa trẻ của riêng bà.

Trong những giây phút đối mặt với tử thần, bố tôi luôn có mẹ tôi bên cạnh.  Dù không được phép, bà vẫn ngủ lại trong bệnh viện với ông. Tôi nhớ cô y tá thương quá, nên đã cho mẹ tôi thêm hai chiếc ghế để mẹ tôi xếp lại làm giường ngủ qua đêm. Bác Bích, thì cũng đã áp lực với bệnh viện, để có được cho mình cái “code,” vào ra lúc khuya khoắt, khi mà các cửa bệnh viện đã đóng kín bưng.

Bác Bích kể với mẹ tôi. Khi bên giường bệnh bác đã khuyên ông: “Thôi anh đi đi, bạn bè ở trên đó nhiều, anh đi cho vui. Không cần ở lại với em.” Rồi thì, bà thấy hai giọt nước mắt lăn dài trên má ông.

Cõi chiều đứng lại khóc như liễu,
có thật là ta đã đi xa. (Tô Thùy Yên)

Tôi tin rằng, tin một cách mãnh liệt rằng, dù trên giường bệnh, trong nhà thương, giữa lúc phải chọn cho mình cuộc chơi riêng, cả hai ông đều không muốn người phụ nữ, người mà hai ông đã chọn sống cùng suốt một chặng đường dài, phải đau thêm một giây nào nữa.

Phút đó, bên giường bác Yên, chỉ còn anh Đinh Hiệt. Bên giường bố tôi, chỉ còn tôi, phải chứng kiến cảnh ông trút hơi thở cuối cùng!

Tôi tin chắc anh Hiệt sẽ không bao giờ xóa được hình ảnh đó trong trí của mình. Tôi tin rằng, mỗi ngày, hay là ngay cả mỗi phút mỗi giây, anh phải sống với nỗi đau của ngày 21 Tháng Năm năm ấy, cũng như tôi.

Nhưng tôi cũng tin rằng, bác Yên sẽ trở về, sẽ thủy chung với bác Bích.

Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
Cám ơn hoa đã vì ta nở.
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi. (Tô Thùy Yên)

Còn đúng một tuần nữa là giỗ đầu của bác Tô Thùy Yên, và năm tháng nữa là giỗ đầu của bố tôi. Sáng nay, giữa mùa cách ly, trên đường ra thăm mộ bố, tôi bật khóc khi nhìn thấy tiệm bánh mì Tip Top trên đường Brookhurst. Nơi mà bao giờ trước khi rời California, bác Bích cũng ghé ngang mua vài ổ đem về, chỉ vì “anh Tiên thích bánh mì tiệm này lắm.”

Tôi ước ao, trong giây phút này, giữa mùa cách ly, tôi được ôm bác Bích thật chặt. Tôi sẽ nói với bác là: Rồi thì tất cả sẽ nguôi ngoai. (đ.d.)

Orchid Lâm Quỳnh

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art