Thứ Ba, 12 Tháng Năm, 2020

Nhớ chuyện may vá ngày xưa

Nhớ chuyện may vá ngày xưa - 1

12 tuổi tôi đã biết đi xin lãnh hàng về thêu là những chiếc khăn tay vuông vắn được cắt in sẵn mẫu. (Hình minh họa: Thierry Roge/AFP via Getty Images)

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683,  hay email: toasoan@nguoi-viet.com

 

Thuở ấy, như những bé gái thời tiểu học trước năm 1975, ngoài các môn học công dân giáo dục, sử, địa lý, tập làm văn hay toán đố, bọn tôi còn được học thêm một môn phụ nhưng không kém bổ ích để làm hành trang bước vào đời của người con gái, đó là môn nữ công.

 

Ngày ấy mới bảy tám tuổi đầu, nào biết cầm cây kim ra sao thì giờ học nữ công đầu tiên cô giáo dạy mũi may tới. Mũi may tới là mũi may thông thường nhất khi cần may vá hoặc nhíp lại đường chỉ bị sút. Má mua cho tôi một tấc vải trắng, được cắt ra nhiều mảnh nhỏ theo kích thước của cô hướng dẫn.

Vào môn học nữ công, may tới gọi là thêu, các bé gái phải biết rút chỉ miếng vải để thêu cho thẳng hàng bằng chỉ thêu màu đỏ và canh đếm sợi vải cho mỗi mũi kim cách đều nhau. Lúc đó tôi đã biết đếm canh chỉ để thêu đều tăm tắp từng mũi kim. Tuy còn bé xíu nhưng tôi thấy rất thích thú với môn học nữ công ngay từ giờ học đầu tiên. Có lẽ đó là nữ tính chung của con gái ngày đó.

Dần dần cô dạy những mũi khó hơn như mũi dây chuyền, mũi cành cây, mũi hàng rào, mũi đột khít, đột thưa, mũi xương cá chiếc và xương cá đôi. Sau đó, tôi được học cáchvá đắp, vá lót, mạng vuông và mạng tròn. Những mũi thêu ban đầu tưởng như bình thường nhưng lại giúp tôi kiếm được thêm tiền mua sách vở. Tôi ra tiệm may y phục xin công việc may, cô chủ tiệm đưa vải cho làm thử rồi đồng ý mướn tôi làm thêm.

Thời đó, các em trai tôi còn nhỏ, đi học chạy nhảy nghịch ngợm nên áo trắng đồng phục thường bị móc rách mà chưa kịp may áo mới. Má thì bận rộn bán buôn nên hay hỏi tôi, “Con coi vá lại mấy áo bị móc rách cho em, từ từ má mua vải may áo khác cho mấy đứa.”

Thế là môn học vá đắp, vá lót có cơ hội được mang ra sử dụng, móc rách nhỏ thì đắp miếng vải lên vá, móc rách to thì lót miếng vải vô trong rồi may dằn bên ngoài, khiến má tôi vô cùng ngạc nhiên!

Lớn thêm một chút, thấy cô hàng xóm đan áo, tôi cũng ráng để dành tiền mua cặp que đan và búp len sang nhờ cô dạy cho đan chiếc băng đô cài tóc. Rồi học móc bông dâu, móc con sò, móc chữ I, học rút chỉ rua chữ I, rua mạng nhện, tất cả đều toàn học lóm thôi.

12 tuổi tôi đã biết đi xin lãnh hàng về thêu là những chiếc khăn tay vuông vắn được cắt in sẵn mẫu thêu và thêu bằng chỉ bóng sặc sỡ, màu hoa lá do mình tự ý chọn, thêu xong cuốn biên tay rồi móc bông dâu lên theo bìa viền khăn.

Vậy đó mà mê lắm, ngoài giờ học hay xong việc nhà là cặm cụi với cái bàn căng gỗ nhỏ, nhiều lúc tôi ham thêu có khi làm đến khuya bị má rầy mới chịu đi ngủ! Một phần do con nhà nghèo nên cũng ham làm kiếm tiền mua sách vở và dụng cụ học sinh cho mấy chị em, dù gì cũng giúp được cho má đỡ đôi phần.

Hết hàng khăn tay, tôi nhận hàng làm khuy đơm nút áo sơ-mi hàng hộp bán ở thương xá Tax. Loại hàng cao cấp này phải thật khéo tay, làm không đạt họ không cho nhận nữa, cũng nhờ thời gian làm khuy nút này tôi lại biết thêm cách thêu rô-đê nữa.

Hết hàng khuy nút lại chạy lên Bắc Hải xin nhận áo len đan máy sẵn về ráp lại thành áo, rồi móc cổ áo, móc viền ve áo và túi áo. Cứ hết hàng này thì kiếm mối hàng khác làm, có thời gian tôi nhận thêu bảng tên cho lính nữa chứ, mà các chú lính cũng thích cái bảng tên thêu nên chú này chỉ chú kia, vì vậy nên có mối thêu hoài luôn.

Tuy không được học may đo đàng hoàng nhưng tôi cũng biết mày mò cắt rập giấy rồi áp lên vải cắt, tự cắt may cho mấy mẹ con đồ bộ đơn giản mặc ở nhà, rồi sau này thì may quần xà lỏn cho chồng.

Sau năm 1975, vì sợ bị gọi đi lao động nên tôi ra phường cho họ sai vặt phụ việc bầu cử, xong bầu cử thì về lại sợ bị gọi lao động nữa. Lúc đó phường mở ra lớp dạy thêu miễn phí cho các cô gái từ mười sáu tuổi trở lên, học viên được miễn đi lao động.

Thế là tôi vội ghi tên theo học. Thầy dạy thêu là bác Sự xóm trên, là một nghệ nhân người Bắc, ngoài 70 tuổi, chuyên nghề thêu tranh, thêu tượng Đức Mẹ , tượng Phật, tượng Chúa theo sự đặt hàng của các tiệm tranh thêu lớn ở trung tâm Sài Gòn.

Sau năm 1975, tranh thêu là hàng xa xỉ, bác không còn cơ hội nữa nên phường mời bác ra dạy là bác nhận lời liền. Nếu trước đây tôi chỉ biết thêu kiểu thêu từng cánh hoa nhỏ, giờ có học với thầy, tôi biết cách thêu tỉa nhiều màu chỉ trên một cánh hoa sen hồng hay một chùm hoa phong lan tím thật to. Cách chuyển chỉ những đường cong uốn lượn sao cho đường chỉ luôn mượt mà khiến tôi mê lắm!

Cùng học chung lớp tôi có em Lan, con gái của thầy, có lần kể tôi nghe, “Ba em khen chị có khiếu thêu, dạy mau biết nên ba em thường đến bên khung thêu của chị để dạy thêm cho chị bí quyết.”

Thầy cũng đã mất sau đó vài năm , em Lan lấy một anh sĩ quan đi tù về, rồi cùng theo chồng đi H.O từ đầu thập niên 90.

Sau khi xong khóa học, lớp học thêu thành lập tổ hợp thêu xuất khẩu đi Liên Xô. Được một thời gian thì má bệnh , phải nghỉ thêu đi nuôi má trong bệnh viện, rồi tổ thêu sau đó cũng giải tán.

Dù nghề thêu không tới nơi tới chốn nhưng có nhiều thời gian tôi kiếm được tiền nhờ nhận thêu rô-đê, thêu rồng trên vạt áo sơ-mi theo thời trang lúc, vừa kiếm tiền vừa thỏa lòng với sự yêu thích của mình trong từng đường kim mũi chỉ.

Xa nhà, nhớ nhà, nhớ luôn cái máy may của mình kê ở góc nhà, là nơi cho mình kiếm cơm với nghề may gia công hàng chợ một thời gian dài sau khi nghỉ việc công ty. 

Tuyết Anh

Bài viết khác