Tháng 4 âm lịch, đi trên con đường làng bao quanh bởi những cánh đồng lúa đang vào thời kỳ chắc hạt, hít một hơi dài trong nắng sớm, nghe thật sâu xa cái mùi lúa non hòa cùng mùi đất ướt. Cái mùi nghe thật quen, có lẽ như từ trong tiềm thức tôi đã quen với mùi đồng ruộng ấy rồi thì phải.
1 – Phóng tầm mắt nhìn ra xa, bên những ruộng lúa đang dần ngả sang màu vàng, vẫn còn những khoảnh ruộng với một màu xanh sẫm, vươn cao, vượt lên cánh đồng lúa như để cất tiếng rằng “Tôi ở đây! Tôi ở đây!”. Hình như có cả những cái vẫy tay của những bông cỏ bàng nhấp nhô theo từng cơn gió sớm. Cây cỏ bàng hiện lên trong mắt vào một buổi sáng sớm đầy vẻ tự tin và tha thiết như thế.
Điểm giã bàng ở ngã ba đầu làng Phò Trạch Đệm (Phong Bình – Phong Điền)
Tôi nghe tiếng liềm cắt thật ngọt trên ruộng cỏ bàng. Cái âm thanh rào, soạt, rào, soạt, rồi tiếng bước chân nhem nhép nước, liên tục, trải dài trên khắp cánh đồng… Mấy hôm nay trời được nắng, người dân Phò Trạch rủ nhau đi cắt cỏ bàng về phơi. Nắng to cỡ này thì chỉ cần phơi 2 nắng là bàng đẹp, vừa khô vừa giữ được màu xanh vàng, tươi mới. Té ra những chiếc đệm (chiếu) và chẹ (chiếu của trẻ em) nổi tiếng nằm mát về mùa hè, ấm về mùa đông là xuất phát từ ngôi làng này đây. Nhìn những chiếc bao lồng nhãn xếp gọn gàng 10 chiếc thành một bó, bỗng nhớ tới những mùa lồng nhãn rộn ràng ở nhà mình cách đây nhiều năm, như cảm nhận vị ngọt thơm của trái nhãn lồng đang còn đọng trên môi…
Không còn sân đất – gần như nhà nào ở đây cũng láng xi măng vuông sân nhỏ của mình để phơi bàng hoặc phơi sắn, khoai. Phơi bàng cũng phải siêng năng, có trở đi trở lại mới khô đều. Mỗi bó bàng được phơi xòe theo hình cánh quạt, nhìn xa đều tăm tắp như một tác phẩm nghệ thuật. Bàng khô được bó thành từng bó, cất ở nơi cao nhất, để đan dần quanh năm. Mỗi năm chỉ một mùa cắt cỏ bàng mà thôi.
“Nghề này tuy thu nhập thấp nhưng làng tôi không phụ nghề. Thời chiến tranh, đi tản cư qua làng khác, tui vẫn đưa bàng đi theo để đan. Đan để kiếm tiền đong gạo chứ không thôi lấy gì mà ăn” – tiếng mệ Nguyễn Thị Hồng đều đều trong căn nhà nhỏ. Tôi nhình quanh, nhà mệ có gần hai chục bó bàng lớn đã được chằng đậy kỹ càng. Cây cỏ bàng này thiệt lạ, phơi được nắng thì lên màu rất đẹp mà chỉ cần bị một trộ mưa là màu xỉn ngay, mà bàng xuống màu thì chỉ dùng đan bao lồng nhãn, giá thấp hơn nhiều.
Đệm bàng là nghề phụ của dân làng Phò Trạch, nghề chính ở đây là nghề nông. Người trong làng quả quyết rằng nghề có từ thời thành lập làng cách đây 500-600 năm, tức là có từ thời làng Phò Trạch được thành lập vào khoảng giữa thế kỷ XV, sau cuộc Nam tiến của Vua Lê Thánh Tông. Hơn 500 năm qua, nghề cũng không có gì thay đổi: cắt- phơi- đập- đan (bây giờ có trồng thêm ở những chân ruộng phèn). Đã từng có “cuộc cách mạng giải phóng sức lao động” cho các chị, các mẹ bằng một máy đập bàng, nhưng bàng đập bằng máy thì sợi bàng bị gãy, không đan được. Cuối cùng thì vẫn làm bằng tay. Có lẽ những nghề thủ công truyền thống là nơi khó đưa máy móc thay thế sức lao động của con người.
Vào làng lụa thì thấy phẩm nhuộm, vào làng đệm bàng thì nghe tiếng giã bàng. Tiếng giã bàng bình bịch vang lên gần như vào những thời điểm nhất định: 8-9 giờ sáng và 1-2 giờ chiều. Xóm nào cũng có cối giã bàng đặt ở đầu xóm. Nghề nông xưa nay giỏi lắm là làm đủ ăn, có nghề phụ kiếm thêm chút thu nhập chi tiêu cho việc hiếu, hỉ, bây giờ con cái còn học thêm, rồi sinh nhật, thời trang… mà cây lúa hay chiếc đệm, chẹ cũng chỉ cho từng ấy thu nhập. Nông thôn đang tiến gần thành thị trong lối sống và tôi nghe có tiếng thở dài không dấu được của nhiều bà mẹ bên cối bàng.
Bàng khô được bó thành từng bó, cất ở nơi cao nhất, để đan dần quanh năm
“Giữ gìn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống là góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của làng quê Việt”. Bản sắc là gì, nếu liệt kê bằng những gạch đầu dòng, tôi nghĩ, chắc sẽ không còn là bản sắc. Tôi cũng đã từng viết nhoay nhoáy về những nét bản sắc của a, b, c, d gì đó. Và với cây cỏ bàng hôm nay trong tay, tôi sẽ viết về bản sắc làng nghề đệm bàng Phò Trạch rằng “thật khó để biểu đạt bằng từ ngữ, đó là sự tổng hòa của mùi đất bùn, mùi cỏ tươi, tiếng giã bàng bình bịch, nụ cười hiền của những bà mẹ, đồng cỏ bàng xanh um ôm chân những khoảnh ruộng phèn, những trằm nước và cả cái màu nắng chói chang đang lấp lóa ở sân phơi”.
2 – Xe mô tô thể thao, 12 con giáp, xe đạp, túi xách, mũ, khung ảnh, bình hoa, các nhân vật trong phim hoạt hình… Đệm bàng Phò Trạch đang vươn mình ra tiếp cận thị trường hàng lưu niệm. Giữa những gian hàng nghề thủ công truyền thống, những con thú làm bằng cây cỏ bàng mang một vẻ đẹp lạ, tạo sự tò mò trong mắt du khách, khúc biến tấu của cỏ bàng đang đem đến một nguồn hy vọng mới cho người dân làng nghề Phò Trạch. Nhưng từ trong sâu thẳm, tôi vẫn nhớ làm sao cảm giác mát rượi và khoan khoái khi ngả lưng trên chiếc đệm bàng trong nhà mệ Hồng, nghe mùi thơm của cỏ mới dìu dịu vây quanh.
Bên kia đầu dây, bạn tôi hớn hở “Mua giùm chiếc đệm 1m6 nghe”. “Ok, hàng bàng mới mùa ni hí!”. Sau một lúc chạy vòng mấy nhà hỏi đệm 1m6, tôi gọi lại “Đệm 1m6 phải đặt, mua liền không có. Giá 300 ngàn một chiếc, có đặt hàng không”. Đầu dây bên kia, bạn tôi không kìm được ngạc nhiên “Ui cha, răng mắc rứa”. Bạn tôi đâu biết rằng, cả một ruộng bàng, nếu được mùa mới có ít bàng tốt, đủ chiều cao để đan vài chiếc đệm 1m6, chỉ riêng phần công đan cũng mất 2-3 ngày ròng rã mới xong một chiếc.
Gói mớ cỏ bàng nhỏ về cho con gái như là bài học thêm về thế giới quanh ta, không mong mắt con sẽ sáng lên như thấy bông hoa đẹp hay một món đồ nào đó từ thế giới công nghiệp, chỉ mong con lắng nghe để biết rằng, chiếc đệm nổi tiếng của làng nghề đệm bàng Phò Trạch được làm từ cây cỏ bàng này đây. Ừ mà hay thiệt, lấy đâu ra chiếc đệm để cho con đối chiếu đây.
Mùa cỏ bàng, mới gặp đó mà đã thấy xa xăm….