Thứ Sáu, 14 Tháng Tám, 2020

Canh chua cá và tiếng ầu ơ…

Ra ngoài ao bắt lên con tra, xuống vườn rau bẻ vài cây rau ngổ, cắt nhánh bạc hà, hái trái me chua… Một nồi canh mùi thơm bốc lên tràn ra tận ngoài đường lộ. Canh chua cá. Cá gì cũng được hết trơn, từ cá lóc, cá rô, cá tra, cá vồ, cá chẽm, cá hồng, cá ngát, cá bông lau… Nói chung là họ hàng họ cá.

Một buổi trưa hè nắng gắt, bưng chén cơm nóng húp miếng canh chua, bao nỗi nhọc nhằn trên cánh đồng, những giọt mồ hôi ngoài nương rẫy phút chốc bay đi ráo trọi. Tài ghê. Tuyệt vời hết chổ chê hỡi nồi canh chua cá. Con cá lóc, con cá bông lau trên nước ngọt, con cá ngát cá mú nước mặn… Dù mặn dù ngọt cứ nấu canh chua là hết sẩy.

Từ lâu món canh chua được gắn liền với cánh đồng miền Nam lục tỉnh. Nói canh chua là nghĩ đến miền Nam. Ngoài quê hương xứ Bắc có món canh chua nhưng nấu bằng cây cải chua nó ngồ ngộ làm sao ấy. Miệt Trung Du có món canh chua nhưng cũng hổng giống miền Nam giá sống chút nào. Miền mô cũng có món ngon vật lạ hết í mà, nhưng món canh chua là thông dụng hơn hết thẩy. Dân nhậu cũng khoái (Ai là dân nhậu nói thiệt tui nghe. Có khoái canh chua hông vậy?) mấy bà nội trợ cũng ưa, mấy đấng phu quân cũng thích.

Canh chua, đừng đọc lộn canh cua nghe. Một chữ H đó thôi ngàn năm trước vẫn vậy và ngàn sau hổng khác. Có cố tìm cách thay tìm cũng hổng được đâu. Canh chua hai tiếng thiết tha đi vào lòng người. Canh chua có chua mà có ngọt, chất tuy bình dân mà ý nghĩa thâm trầm bác học như tiếng hát ầu ơ của người mẹ ru con:

Ầu…ơ…
Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau má nhờ.
Má ơi đừng đánh con khờ
Để con thả lờ kiếm cá má ăn.

Nghe tiếng hát ru em mà não nùng như đứt từng khúc ruột. Tiếng hát ru em như u uất nghẹn ngào, tiếng ầu ơ lẩn quẩn trong hàng tre bụi chuối không thoát khỏi cái gốc rơm, không qua được miếng vườn con, đi không xa hơm tầm cái mác ném… Ầu…ờ…ví dầu… Tiếng hát ru em đó trở thành câu nói thông thường trên đầu môi người dân quê. Ầu ơ ví dầu trở nên một thành ngữ chỉ cho việc “Câu giờ” không ích lợi mà lại còn mang tính chất không thiệt thà cho người miệt tỉnh. Ầu…..ơ…..Cái âm điệu ngân nga kéo dài, uốn éo, trầm bỗng, xuống lên nghe như chất ngất yêu thương, mang nặng mối tình câm nín:

Ầu…ơ
…Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập gình khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học mẹ đi trường đời… Ầu ơ.

Tiếng hát của chị, tiếng ầu ơ của mẹ… Tiếng con tim của người nữ, và chỉ có nơi người nữ mà thôi. Hồi nào tới giờ, từ cái năm khai thiên lập địa kêu bằng cái hồi năm nẵm chẳng thấy có anh đờn ông nào ầu ơ ví dầu hết ráo. Đờn ông mà ầu ơ ví dầu thì chỉ có nước “sập tiệm”. Đi tán tỉnh đào tơ, đi cua con gái mà ầu ơ ví dầu thì con gái người ta ôm cầm sang xứ lạ liền một khi, bởi dzì anh chậm quá mà, anh còn ở đó ầu ơ dzí dzầu mà. Đi làm công kia chuyện nọ mà còn ầu ơ ví dầu, công chuyện lại phải sang tay người khác. Đấu thầu thì thầu hụt, xin việc, việc hổng còn… Nói cho cùng đi ăn đám giỗ còn ầu ơ dzí dzầu thì… thì… rửa chén thôi bậu ơi.

Canh chua cá và tiếng ầu ơ… - 1
(Ảnh qua phunublog.vn)

 

Con người ta nghĩ, con người ta xài cái chữ ầu ơ ví dầu nó như vậy đó. Tội lắm cho tiếng ầu ơ kẽo kẹt trưa hè. Trong buổi trưa hè con cuốc gọi, tiếng võng đưa và từ trong hàng cau khuất sau mái lá tiếng ầu ơ ví dầu của chị của mẹ sẽ làm cho yên lòng con trẻ, cho xóm cho làng cảnh ấm êm thanh bình. Hãy nhắm mắt lại, hãy cho lòng mình lắng đọng và “U-Tơn” trở về quá khứ… Tiếng ầu ơ làm cho ông lão hăng say yêu đời, miếng trà, ly rượu thêm đậm đà tình nghĩa. Câu chào nhau không còn trên miệng trên lưỡi trên đầu môi. Cho cái nhìn không còn nghi ngờ xa vắng, cho cái bắt tay đúng nghĩa “Tay bắt mặt mừng” thiệt chớ hổng phải tay bắt người bạn mới qua mà lòng thì buồn “xa dzắng”; cho việc giúp đỡ nhau không còn là một chuyện bó buột đành phải gắng gượng làm. Tiếng ầu ơ ví dầu cất lên giữa tiếng động cơ nhà máy, tiếng xe hơi ầm ỉ trên xa lộ, trong ăn phòng máy lạnh, nơi sân trường, chỗ làm việc sẽ làm cho con trẻ nhớ anh nhớ chị nhớ bà con; không cần đẩy, hổng cần hô hào biểu ngữ bích chương đàn trẻ vưỡn cứ phom phom tìm chuyện Hùng Vương, Tấm Cám, Phù Đổng, Bà Trưng, Bà Triệu, Hưng Đạo, chuyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Chí Phèo, Hồm Bướm Mơ Tiên… để đọc, con nít không đọc được sẽ làm reo cho ông cho bà kể chuyện đời xưa cổ tích. Người Phụ nữ không còn cố bỏ phong tục ông bà để học đòi vương lên cho bằng cái ông chồng “Phong kiến” còn theo cái chế độ “Phu xướng phụ tùy”, “Chồng chúa vợ tôi”. Tiếng mỡ sôi trong bếp, miếng cánh gà chiên không còn sợ “Cô-lét-tê-rôn”.

Người nữ tự khắc bình đẳng không cần có cái hội “Đòi quyền sống” hay mấy cái luật cà khịa của mấy ông mũi lõ mắt xanh. Người nữ trong ngôi nhà trở về đúng vị trí là nội tướng cầm cân nẩy mực cho chồng cho con… Và từ đó tô canh cá nấu chua sẽ thơm mùi ngò om, bạc hà, tiếng mở lon bia kêu cái tách sẽ hấp dẫn hơn tiếng ỏng ẹo của mấy “ả” bán bia ôm trong quán đèn mờ. Người phụ nữ, đờn bà trở lại tấm lòng bao dung như biển cả, như giòng suối ngọt ngào chớ không là “bà chằng lửa”, “chằng tinh gấu ngựa” khó ưa. Các chị các bà không còn lo “Con đ. ngựa nó cướp chồng bà”. Mâm cơm gia đình dầu đạm bạc muối dưa cũng vẫn ngon hơn nem công chả phụng.

Ầu… ơ…
Con cá nọ nó đã có đôi, có cặp
Anh, em câu hoài hổng gặp được đâu.

Đừng có mà ham phá vỡ gia cang người khác. Tiếng ầu ơ nó có công hiệu như vậy đó mấy chị, mấy bà ơi. Cứ ầu ơ một tiếng như đánh trúng huyệt tê mê con người dẫu có ngăn sông cách núi cứ mò về như trâu về chuồng.

 

Một câu hát ầu ơ… Hàng cây trước nhà sẽ mang hình bóng của quê hương, và đi đâu ta cũng mang nỗi nhớ trong lòng. Hàng cây Palm của Mỹ, cây táo, cây hồng cây chanh hay cây lime đều trở thành của ta hết ráo. Ầu ơ một tiếng con cháu sẽ nhớ ngày giỗ cha giỗ mẹ, giỗ ông bà. Không cần tổ chức sinh nhựt linh đình con cháu bạn bè vẫn kéo nhau về chung vui chúc tụng.

Ngàn năm năm sau người Việt vẫn còn nói tiếng Việt… và câu hát ầu ơ sẽ là nhịp cầu cho con trẻ không mất gốc, cho tiếng lòng rung cảm với ông cha, cho nhịp đập trái tim đưa hai giòng máu đỏ đen về tim, dù cho hai giòng văn hoá có nhiều cách biệt.

Ầu…ơ
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua… a… à… à… ơi…

Lê Việt Điểu
Đăng lại từ bài viết cùng tên trên nguyệt san văn hóa dân tộc Hồn Quê số 11 tháng 11 năm 2001.
Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu tại: honque.com

Bài viết khác