Thứ Tư, 25 Tháng Mười Một, 2020

Một năm chỉ có 3 mùa - Khổng Tử

Một lần, học trò của Khổng Tử tiếp khách. Vị khách hỏi: “Mỗi năm có bao nhiêu mùa?”.

Người học trò nghĩ thầm: “Câu này mà cũng phải hỏi!”, nhưng vẫn trả lời: “Dạ, một năm có 4 mùa là xuân, hạ, thu, đông”.

Vị khách lắc đầu và nói: “Chỉ có ba mùa”.

“Một năm có 4 mùa, sao ông lại không biết điều này chứ?”, người học trò tỏ ra thiếu kiên nhẫn.

“Một năm có 3 mùa, cậu vốn là học trò của Khổng Tử mà cũng không biết điều này sao?”, vị khách vừa nói, vừa cười nhạo.

Hai người tranh luận qua lại đến đỏ mặt tía tai, trong tâm vô cùng khó chịu. Cuối cùng họ quyết định đặt cược.

Nếu là 4 mùa thì vị khách sẽ lạy cậu học trò của Khổng Tử 3 cái. Nếu là 3 mùa thì cậu học trò sẽ phải lạy vị khách 3 cái.

Người học trò đắc ý nghĩ: “Ông ta là một kẻ ngốc, mình sẽ chiến thắng lần này”.

Lúc này Khổng Tử từ trong nhà đi ra, cậu học trò liền tiến đến hỏi: “Thưa thầy, người này nói một năm có 3 mùa, xin thầy phân xử. Vậy một năm có mấy mùa ạ?”.

Khổng Tử liếc nhìn vị khách và nói: “Một năm có 3 mùa”.

Vị khách tỏ ra vô cùng đắc ý nói: “Dập đầu, mau dập đầu đi! Mau lạy ta 3 cái đi”.

Không còn cách nào khác, vì giữ thể diện cho thầy, cậu buộc phải lạy vị khách 3 cái.

Sau khi vị khách rời đi, cậu học trò không thể chờ đợi thêm nữa, ấm ức hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, một năm rõ ràng có 4 mùa, sao thầy lại nói là có 3 mùa ạ?”.

Khổng Tử nói: “Trò không nhìn thấy người lúc nãy toàn thân đều màu xanh sao? Đó là một con châu chấu. Châu chấu sinh vào mùa xuân sống đến mùa thu thì chết. Người này chưa bao giờ nhìn thấy mùa đông. Do vậy, trong nhận thức của anh ta chỉ có 3 mùa”.

“Trò nói 3 mùa thì anh ta rất hài lòng. Nếu trò nói 4 mùa thì sẽ phải tranh luận đến tối, trò muốn như vậy không?”.

Cậu học trò nghe xong liền bừng tỉnh. Trước đây cậu gặp người không nói lý thì rất tức giận, nhưng từ đó về sau, cậu không hành động như vậy nữa. Cậu đã nhận được bài học rằng, ai cũng có lý lẽ của riêng mình, đôi khi tranh luận cũng chẳng đi đến đâu, bởi góc độ nhìn nhận vốn khác nhau. Giận dữ khi ấy, thật là vô lý và vô nghĩa.

Lời bàn: Cũng như cậu học trò trong câu chuyện, có lẽ nhiều khi chúng ta cho rằng chuyện thật hiển nhiên, sao người kia lại không chịu hiểu và cảm thấy thật bực mình. Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ có hai màu đen và trắng, đúng sai cũng không phải điều tuyệt đối. Hãy luôn giữ trái tim và tâm trí rộng mở để chấp nhận những điều khác biệt, bởi chúng ta không nhất định là phải giống nhau. Cãi nhau đến cùng thì ai cũng làm được, nhưng có mấy ai có thể nhẫn được, có thể buông bỏ cái tôi, buông bỏ tự ngã, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà cảm thông cho người ta?

Khổng Tử thấu tỏ sự đời, kiến thức uyên thâm, vừa nhìn đã biết người kia vốn là châu chấu, lại biết châu chấu chỉ sống 3 mùa. Ông cũng có thể nhún mình, cho “người đúng, ta sai”, chuyện cam go chẳng mấy chốc mà được giải quyết ổn thỏa. Bởi vậy, càng là bậc cao nhân, lại càng không nổi nóng, cũng chẳng ham tranh luận đúng sai. Họ đã hiểu ra cái lý rằng mỗi người có thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan khác nhau, không thể gượng ép phải đồng quan điểm. Một khi đã hiểu ra cái lẽ này rồi, bỗng thấy những lý do để bực mình, cáu giận bỗng chốc tan biến, tâm trí thản đãng, chẳng mảy may giận hờn.

Lời kết

Khi để cơn tức giận điều khiển, cuộc sống của bạn sẽ trở nên ngột ngạt, căng thẳng. Bệnh tật cũng từ đó mà ra. Cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ không liên quan đến địa vị hay sự giàu có, mà chính là từ tâm bạn mà thôi. Sống trong biệt thự mà tâm trí bị sự tức giận bao phủ thì không khác gì sống trong địa ngục. Ngược lại, mặc dù phải ở dưới mái nhà tranh nhưng trái tim luôn ấm áp thì nơi đó chính là thiên đường.

Hãy để bản thân làm chủ cảm xúc và trái tim mình. Với những điều tiêu cực tác động đến bạn, mắt có nhìn mà như không thấy, tai có nghe mà như không hay. Giữ cho mình một tâm thái bình thản, bao dung, yêu thương, bạn sẽ dễ dàng thiện giải được những mâu thuẫn với người khác. Kiểm soát được bản thân sẽ giúp bạn ứng phó được tốt với các tình huống bất ngờ phát sinh trong cuộc sống. Ngược lại, sẽ khiến tâm trạng dao động theo sự việc, động mãi không yên. “Hòa khí sinh tài vận”, con người chỉ cần có tính khí an hòa thì mọi việc đều thông suốt.

St

Bài viết khác