Thứ Năm, 21 Tháng Giêng, 2021

Chuyện văn, chuyện thơ

KENNEDALE, Texas (NV) – Văn xuôi và thơ, tuy cũng được tạo thành bằng chữ, nhưng hoàn toàn khác nhau. Trong lúc văn xuôi không vần, không nhịp điệu, không được tổ chức vào một cấu trúc riêng nào đó, thì thơ có vần, có nhịp điệu và được tổ chức vào trong một cấu trúc riêng biệt, một cấu trúc tự đủ với chính nó.

Chuyện văn, chuyện thơ - 1
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.” (Hình minh họa: Sam Beasley/Unsplash)


Vị trí của mỗi chữ ở đâu là nằm ở đó. Dịch chuyển bất cứ chữ nào trong câu thơ, hay thay đổi các khoảng cách, cách viết chữ thường, chữ hoa, hay cách xuống hàng, cách ngắt câu sẽ làm thay đổi ý nghĩa của câu thơ mà tác giả muốn gửi gắm vào. Điều này không chỉ đúng với những bài thơ làm theo lối cổ điển, với sự quy định nghiêm ngặt về chữ, vần, câu kể cả vần bằng vần trắc (như trong tiếng Việt), mà ngay cả đối với loại thơ cách tân sau này.

Trong tác phẩm khảo sát về bản chất của văn chương, “Qu’est-ce que la literature,” triết gia mà cũng là nhà văn Jean-Paul Satre (Pháp), đưa ra sự khác biệt giữa văn và thơ.

Trong lúc nhà văn quan tâm tới ý nghĩa của từng chữ hay từng câu và do đó, tìm cách sử dụng ý nghĩa mà mỗi chữ hay mỗi câu chuyên chở thì nhà thơ vừa sử dụng ngôn ngữ nhưng đồng thời lại vừa khước từ nó (“Les poètes sont des hommes qui refusent d’utiliser le langage”).

Văn xuôi bản chất là để sử dụng (utilitaire). Người viết văn là người sử dụng chữ như một dụng cụ của ý nghĩa. Thành thử, văn xuôi là đặc quyền của một công việc phải thực hiện.

Trong lúc đó, nhà thơ không sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện của ý nghĩa. Nhà thơ không cần phải “làm rõ nghĩa” một chữ hay một câu mà mình dùng. Một câu thơ không cần phải đúng văn phạm, thậm chí, phá vỡ các quy luật văn phạm, lược bỏ hết những chữ được xem là thừa. Chính thì thế, người đọc thơ lúc nào cũng cảm thấy ý nghĩa của nó mơ mơ hồ hồ, đôi khi, bí hiểm.

Khi người ta nói hay viết một câu văn, người ta vượt qua bên kia con chữ, tiến gần đến sự vật mà mình diễn tả. Còn khi người ta làm thơ, người ta ở cùng với chữ, chơi đùa với chữ, thích thú với mỗi con chữ. Theo ông, chữ, đối với nhà thơ, “là những sự vật mọc một cách tự nhiên như cỏ như cây” (1).

Thử lấy một thí dụ:

Câu văn: “Tôi không có bạn gái, nên tôi chẳng có ai để đưa hay đón, cũng chẳng có ai để mà viết thư tình cả.”

Câu thơ: “Không có anh, lấy ai đưa em đi học về/ lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học, ai lau mắt cho em ngồi khóc…” (thơ Nguyên Sa)

Ở trong câu văn trên, người ta dùng chữ để diễn tả một sự kiện, một tình cảnh cụ thể: tôi không quen được cô gái nào cả, do đó, tôi không đưa đón ai, cũng chẳng viết thư cho ai. Nhưng ở câu thơ của Nguyên Sa, dù ta thấy nhà thơ dùng đủ loại chữ: em, đi học, đưa đón, viết thư, lớp học… nhưng chúng hoàn toàn bâng quơ, không mang bất cứ một ý nghĩa cụ thể nào xuất phát từ những chữ đó. Ta chẳng cần biết “em” đó là ai, tại sao lại viết thư, tại sao lại mang vào lớp học, sao em lại ngồi khóc vân vân. Dẫu vậy, khi đọc lên câu thơ, ta cảm thấy thích thú vì những câu, những chữ chen nhau, dính bám vào nhau, nghe ngọt ngào, tha thiết.

Tóm lại, trong văn, người ta sử dụng chữ có mục đích và ý nghĩa của nó quy cho sự kiện bên ngoài; còn trong thơ, người ta sử dụng chữ như là chữ, chúng tự đủ, không cần ta phải đối chiếu với cái gì ở bên ngoài cả. Cái hay của nó nằm ngay trong mỗi câu, mỗi chữ. Đó là lý do tại sao có nhiều bài thơ đọc lên nghe có vẻ mơ hồ, bí hiểm, vì chúng chẳng ám chỉ một cái gì mà ta có thể tìm thấy ở bên ngoài, nhưng ta vẫn cảm thấy thú vị.

Chuyện văn, chuyện thơ - 2
Em tìm âu yếm trong đôi mắt. (Hình minh họa: Cuong Doan/Unsplash)


Về mặt lý thuyết, có lẽ không có gì để phản bác cách lý giải của Jean-Paul Sartre, nhưng trong thực tế, ta không thể thưởng thức thơ chỉ hoàn toàn bằng những con chữ. Không hiểu ý tứ của một bài thơ thì khó mà thưởng thức được cái hay của chúng. Thành thử, để “cảm” một bài thơ, dù ít dù nhiều, ta cũng phải “hiểu” nó, dù là hiểu sai; và để hiểu, ta phải tự “dịch” nó (thành văn xuôi chẳng hạn), cách này hay cách khác. Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất là khi ta đọc một bài thơ tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Trung Hoa chẳng hạn. Thử lấy hai câu thơ trong bài “Hoàng Hạc Lâu” của của Thôi Hiệu.

Đọc bản Hán văn, ta chẳng hiểu gì cả:

日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁

Chuyển qua âm Hán Việt, vẫn không hiểu:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”

Muốn hiểu, phải có ai dịch nghĩa:

“Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến người sinh buồn!”

Nghe Tản Đà dịch thành thơ mới thấy cái hay:

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.”

Ai bảo đọc thơ thì chỉ cần “cảm” mà không cần “hiểu?”

Nghệ thuật làm thơ là nghệ thuật “nén” chữ, “nén” ý. Nhà thơ nén nhiều câu vào trong một câu, nhiều chữ vào trong một chữ, nhiều ý vào trong một ý. Do đó, về cả hình thức lẫn nội dung, một bài thơ bao giờ cũng có những khoảng trống.

Nhà thơ Ngu Yên, trong tác phẩm biên soạn rất công phu, “Ý Thức Sáng Tác Thơ,” (2) đã phân tích đặc điểm này của thơ. Theo ông, “Thơ cần khoảng trống,” quan trọng nhất là những “khoảng trống trừu tượng”: Đó là “những khoảng trống vô hình chen giữa những ý tưởng trong nội dung bài thơ.” “Khoảng trống trừu tượng là một đặc tố làm cho thơ bí ẩn, cao kỳ, cùng một lúc, tạo nên mơ hồ, khó hiểu, nhưng là yếu tố giúp bài thơ phát triển.” Các khoảng trống trong thơ là một thách đố lớn đối với người đọc. Để thưởng thức một bài thơ, độc giả phải tự “điền” vào những khoảng trống  bằng cách “dịch” chúng ra một cách nào đó,hoặc để hiểu cho đúng ý tác giả hoặc để hiểu một ý nào khác do bài thơ gợi nên.

Trước hết, xin thử “dịch” một đoạn thơ của Nguyên Sa trong bài “Em Gầy Như Liễu Trong Thơ Cổ.”

“Anh nhớ sông có nguyệt lạ lùng
Có trời lau lách chỗ hư không
Em tìm âu yếm trong đôi mắt
Thấy cả vô cùng dưới đáy sông.”

Đoạn thơ này tương đối dễ “điền” vào khoảng trống vì ý nghĩa khá rõ ràng, đọc lên là hiểu ngay: Anh nhớ chúng mình đã từng ngồi nơi bến sông, nơi có hình ảnh của mặt trăng phản chiếu dưới mặt nước và nơi có rất nhiều lau lách mọc ở những khoảng trống ven sông. Ngồi bên anh, em nhìn anh, trong khi muốn nhìn thấy sự âu yếm từ đôi mắt anh, thì lại tìm thấy đôi mắt anh như đáy sông, sâu vô cùng.

Chuyện văn, chuyện thơ - 3
Anh nhớ sông có nguyệt lạ lùng. (Hình minh họa: Tony Detroit/Unsplash)


Nhưng một bài thơ khác, “Phục Sinh” của Thanh Tâm Tuyền, thì không đơn giản như vậy. Xin đọc một trích đoạn:

“tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu.”

So với thơ Nguyên Sa ở trên thì thật khác nhau một trời một vực. Đọc lên, thật không cách gì hiểu ngay ý của tác giả. Để hiểu, tôi tìm cách “điền” vào những chỗ trống của hai đoạn thơ trên như sau (những chữ in nghiêng là của bài thơ):

Có lần,“tôi buồn khóc” y như có lần tôi buồn nôn. Ở “ngoài phố” bây giờ, “nắng” sáng lên như màu “thủy tinh.” Nhớ em quá, không biết làm gì, “tôi” bèn “gọi tên tôi,” cho nguôi nỗi “nhớ.” Những ngôi “sao” ban “chiều” chiếu “vào giáo đường,” ánh sáng lấp lánh trên tháp “chuông vỡ” vụn ra. Bỗng nhiên, “tôi” muốn vào “giáo đường,” kiếm một “chỗ” nào đó để “quỳ” chân, rồi “thầm kín” cầu nguyện. Ở đó, tôi cảm thấy “linh hồn” tôi như một “đứa” trẻ “nhỏ,” thường rất “sợ” những con “chó dữ,” những “con chó” đang “đói” chẳng có “màu” sắc nào rõ rệt. (…)

Khi tạm nắm được ý nghĩa nhờ điền vào chỗ trống, nhìn trở lại mới thấy cái tài tình của cách sử dụng ngôn ngữ thơ. Nó hàm ẩn, đa nghĩa, súc tích, cô đọng. Nhờ biết “cắt” đi những chỗ và những chữ không cần thiết, ngôn ngữ bài thơ bây giờ đâm ra đắt giá. Nó tự đủ, không cần nhờ vả những nhóm từ đi kèm, không cần thì, mà, và, là, bởi vì, vân vân. 

(Trần Doãn Nho)

—–

Chú thích:

(1)  Pour l’homme qui parle, les mots sont des conventions utiles, des outils; pour le poète, ce sont des choses naturelles qui croissent naturellement sur la terre comme l’herbe et les arbres.

(2) “Ý Thức Sáng Tác Thơ,” Ngu Yên biên soạn, “Insperative Esquisse Press” xuất bản, phát hành Tháng Chín, 2019. Xem các trang từ 163 đến 173. Có thể xem bài điểm sách tác phẩm này ở Người Việt: www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/y-thuc-sang-tac-tho-tac-pham-moi-cua-ngu-yen/

Robin Guilloux, Jean-Paul Sartre, Qu’est-ce que la litérature?. Xem: http://lechatsurmonepaule.over-blog.fr/2014/12/jean-paul-sartre-qu-est-ce-que-la-litterature.html

Bài viết khác