Thứ Tư, 12 Tháng Năm, 2021

Kỷ niệm xưa vang vọng về trường cũ

Cuối năm 1972, tôi bị đuổi học vì vụ đánh lộn với một học sinh cùng trường trong sân trường Thánh Thomas. Đánh lộn vì một lý do đơn giản: bực mình một chàng công tử con nhà giàu, coi trời bằng vung. Đó là quí tử của tiệm vàng K.K chợ Ông Tạ, đi học hay mặc áo bốn túi như Tổng trưởng Dân vận Hoàng Đức Nhã, có chiếc khăn mùi xoa màu xanh xếp lẳng lơ trước ngực, hống hách, kiếm chuyện gây gổ vì ghen tương với Nguyễn Văn Lân, bạn cùng lớp của tôi. Ngứa mắt, tôi cho chàng công tử bột một quả đấm giữa mặt, chảy máu mũi. Tôi rời trường Thánh Thomas, trong lòng chỉ còn vài hình ảnh của người bạn nghèo Nguyễn Văn Lân và thầy Đặng Quang Hướng – ngày đó mới ra trường Sư phạm, dạy toán nổi tiếng và có tiếng đàn guitar classic điêu luyện. Tôi đổi về trường Lê Bảo Tịnh học lớp 11 B3 niên khóa 1972-1973.

Trường Lê Bảo Tịnh nằm trong con hẻm khá rộng cạnh trường Tiểu học Trương Minh Giảng. Sân trường có cây bã đậu lá xanh, hoa đực màu đỏ, hoa cái màu tím đẹp mắt, với những trái màu vàng khi chín tách ra có những hột nho nhỏ như đậu xanh bên trong. Có cây phượng vĩ giữa trường, mỗi năm đến hè nở từng chùm hoa đỏ ối, rực rỡ như mặt trời… Từ cổng chính đi vào, phía bên trái có một căng-tin bán ô mai, bánh kẹo, trái cây, nước giải khát, cho học trò. Giờ ra chơi, một rừng nữ sinh áo trắng vây quanh đó, vừa cười giỡn, vừa xuýt xoa với những trái cóc, xoài, me ngâm cam thảo chấm muối ớt. Đặc biệt có món bánh mì gà làm từ thịt gà hộp của quân đội Mỹ được trét chút bơ kèm theo mấy cọng ngò và hành lá xanh ngắt ,rắc chút tiêu đen, bây giờ nhớ lại vẫn thèm nhỏ dãi. Phía bên phải trường là văn phòng hiệu trưởng của cha Phan Du Vịnh và cha Vũ Anh Thuấn, nơi có tấm bảng niêm yết danh sách học sinh ưu tú. Trên đó tháng nào cũng có tên của Hăng-rô lớp 12 B1, thằng bạn thân thuở mới lớn, học trên tôi một lớp.

Ngôi trường ấy còn có ông Lương gác cổng và cô con gái nhỏ xinh xinh. Nhiệm vụ của ông là mở và đóng cánh cửa sắt cho học trò ra vô mỗi ngày. Giờ nhập học, sau mười lăm phút “ban ơn” cho những đứa đến trễ, cái cổng uy nghiêm đó sẽ được đóng chặt. Có lần ngủ quên, tôi đến trễ hơn hai mươi phút, may mắn sao vẫn được ông mở cửa cho vô. Có lẽ nhờ bản mặt “dễ thương” của tôi chăng? Hôm đó tôi chạy như bay vô lớp, quá giờ điểm danh, mọi người đã đọc xong “Lời Tâm Niệm”. Thầy Đạo nhìn tôi với ánh mắt khó chịu làm thằng học trò này “quê một cục” với mấy đứa con gái cùng lớp.

Lớp 11 B3 niên khóa năm đó có các thầy Phan Văn Sự, thầy Bàng Bá Lân dạy Việt văn, thầy  Nguyễn Hữu Quyền dạy Anh văn theo giáo trình English for Today, thầy Võ Văn Thơm dạy Pháp văn, thầy Ngô Duy Chính dạy Sử Địa, thầy Trần Đạo dạy Toán. Bao năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in những  kỷ niệm với các thầy:

Đối với tôi, vì bẩm sinh thích văn chương nghệ thuật nên thầy Sự rất ưu ái. Những kỳ thi Đệ nhất và Đệ nhị lục cá nguyệt, bài luận văn của tôi luôn luôn đứng nhất lớp. Có một lần thầy ra đề “miêu tả một đêm ở vùng ngoại ô”. Tôi làm bài diễn tả cảnh khuya đèn vàng hiu hắt, tiếng ru con buồn man mác trong đêm, rồi không hiểu sao tôi nổi máu tiếu lâm, thòng thêm câu “Ngồi buồn gãi háng…lăn tăn” của chí sĩ Trần Văn  Hương. Thầy Sự cười mím chi, bắt tôi đọc bài cho cả lớp nghe. Lũ nam sinh cười muốn bể bụng, còn đám nữ sinh đỏ mặt, nguýt ngoáy cái thằng “cà giựt”. Thầy hồi đó còn trẻ, hâm mộ Marilyn Monroe nên hay kể về phim “River of no return” với cảnh Marilyn Monroe ôm đàn, ngồi bên bờ sông hát bài hát cùng tên, giọng kể đầy cảm xúc.

Đôi lần thầy Bàng Bá Lân với mái tóc đen mướt có giờ dạy thế ở lớp chúng tôi. Cách dạy của thầy cũng khác, thầy say mê nói về thơ mới với Xuân Diệu, Anh Thơ, Huy Cận v.v.. Nhớ lần mấy thằng tôi đến thăm nhà thầy ở gần Bộ Tổng Tham Mưu, được thầy tặng cuốn Thơ Bàng Bá Lân và dẫn giải cách chụp ảnh sao cho có nghệ thuật. Cách ứng xử của thầy làm tôi có cảm tưởng rằng thầy như một kẻ sĩ sinh bất phùng thời ngày xa xưa còn sót lại.

Thầy Nguyễn Hữu Quyền thì dạy Anh văn với giọng nói đúng chuẩn Anh, hay bắt học trò học thuộc lòng từng đoạn Anh ngữ trong cuốn English for Today và khi lên trả bài phải đứng cạnh bàn của thầy đọc cho đúng giọng. Có lần thằng bạn T.A.Dzư lên trả bài mà không thuộc, bị thầy nổi giận mắng: “Tên anh là Dzư mà không dư, lúc nào cũng thiếu thốn chữ nghĩa!”. Thầy tuy khó tính nhưng rất thương học trò.

Thầy Võ Văn Thơm dạy Pháp văn thì kiên nhẫn dạy dỗ theo đúng lương tâm chức nghiệp. Thầy luôn nhắc nhở học trò cách chia động từ sao cho đúng văn phạm, nói sao cho đúng giọng Parisien cho Tây nó phục. Thầy nói tiếng Tây giòn như “lặt rau muống “.

Thầy Ngô Duy Chính dạy Sử Địa có kiến thức sâu rộng về lịch sử Việt Nam lẫn thế giới và vẽ bản đồ các nước dễ như trở bàn tay. Thầy gợi mở lòng yêu nước của cả lớp với những bài giảng hào hứng về các trận Bạch Đằng giang của Ngô Quyền, trận Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bắt sống Ô Mã Nhi, trận đại phá quân Thanh của vua Quang Trung… Thầy dẫn giải sinh động làm cho cả lớp có cảm tưởng mình đang đứng giữa các cuộc chiến sặc mùi thuốc súng, vang tiếng đại bác xen lẫn tiếng voi gầm, ngựa hí…

Trong lớp, tôi thân nhất với Tôn Thất Tú. Tú và gia đình dọn vào Sài Gòn sau biến cố Tết Mậu Thân, nhà trong hẻm Trần Quang Diệu. Mạ Tú có gánh bún bò Huế nổi tiếng. Mỗi lần tôi đến chơi với Tú, bà đều cho một tô bún bò nóng hổi, cay chảy nước mắt nhưng ngon tuyệt cú mèo. Bạn lớp tôi còn có: Trang cao lớn với nốt ruồi trên má, nhà ở đầu đường Trương Minh Ký; Nguyễn Minh Nguyệt có nhà là tiệm thuốc tây Minh Nguyệt đường Trương Minh Giảng; Uông Tiến Thịnh nhà ở cạnh đường rày xe lửa số Sáu, đá bóng số một; Vũ Kim Chi có cặp mắt đẹp, nhà ngay gần trường học; Ngọc Bích tính tình phong cách rất tự nhiên, nhà biệt thự phía sau viện đại học Vạn Hạnh; Tâm với nét đẹp lai hai dòng máu Pháp-Việt, ngày cuối tuần hay mặc áo đầm khoe đôi chân dài, nhà ở hẻm chợ Vườn Xoài; Nguyễn Văn Đắc chững chạc, đẹp trai, mới chuyển về Sài Gòn từ Ban Mê Thuột. Đặc biệt trong lớp có nàng Lan còn được gọi là “Lan đầu dồ” vì cái trán cao bướng bỉnh, rất xinh xắn mi-nhon, nhà ở đường Trương Tấn Bửu. Khi đi học, Lan luôn gài băng-đô trên tóc với tà áo dài trắng lướt nhẹ, nhìn dễ thương tựa bức tranh nữ sinh trên tờ “Tuổi Ngọc” của Duyên Anh, làm nhiều anh chàng trong trường ngơ ngẩn.

Ngoài ra lớp tôi còn có Nguyễn Văn Nhiều với gương mặt buồn buồn, nhà ở xóm Cá, gần đường rày xe lửa số Sáu, hàng xóm của nhà văn Nhật Tiến. Giữa niên khóa, Nhiều đổi về Trường Nguyễn Thượng Hiền, sau đó xếp bút nghiên theo việc đao cung vì lệnh đôn quân. Sau đó, Nhiều đã nằm xuống chiến trường để lại bao ngậm ngùi cho các bạn cùng lớp. Kỷ niệm đáng nhớ của lớp 11B 3 còn là khi tôi làm Trưởng ban Báo chí, tham dự cuộc thi văn nghệ cuối năm 1973 thì lớp tôi đoạt giải nhất toàn trường với bài hợp ca Con đường cái quan và đơn ca Bao giờ biết tương tư qua tiếng hát Minh Nguyệt với Tôn Thất Tú đệm đàn. Chuyện văn nghệ của lớp cũng làm nở hoa vài mối tình học trò ngây thơ giữa Tú và Nguyệt, Tâm và Đắc… Riêng tôi hồi đó lại bị một nữ sinh duyên dáng bên trường Trưng Vương hớp hồn, lấy mất trái tim.

Bây giờ, đã bao năm trôi qua, tôi vẫn nhớ quá tiếng cười, giọng nói của đám bạn bè ngày ấy trong sân trường. Tôi cũng luôn tưởng nhớ quý thầy, quý cha vừa là thầy dạy dỗ kiến thức, vừa là cha mẹ rèn luyện cho chúng tôi nên người hữu dụng ngoài đời. Thời Việt Nam Cộng Hòa có nhiều tình nghĩa thầy trò cảm động rơi nước mắt, trên kính dưới nhường, thầy ra thầy, trò ra trò. Nhắm mắt lại, tôi vẫn như thấy trước mắt mình sân trường Lê Bảo Tịnh, khi tiếng chuông tan học vang lên, lũ nam sinh chạy huỳnh huỵch xuống cầu thang nhộp nhịp, còn các nữ sinh xinh như mộng cười khúc khích, vuốt lại mái tóc, sửa lại tà áo, nhẹ nhàng bước ra cổng trường rồi sau đó tỏa ra mọi nẻo đường như đàn bướm trắng tung bay… Đó là khi phố phường bừng lên trong nắng, đẹp như một câu thơ: Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá, không biết chiều mưa hay nắng đây?

VŨ KIM ĐỨC

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art