Chưa hẳn người Huế nào cũng ăn cay nhưng chắc một điều rằng đa phần người ăn cay đều liên can đến… Huế.
Cứ một lần ra Huế đi thì bạn sẽ biết người Huế có bao nhiêu món ớt. Ớt sừng, ớt mọi, ớt hiểm, ớt chỉ thiên, ớt chìa vôi, ớt kiểng… và cách chế biến các món ớt này cũng không kém phần công phu. Ớt đối với bàn ăn xứ Huế là thứ không thể thiếu trong bất cứ thời tiết nào. Mùa đông trời lạnh cắn một miếng ớt hiểm để mang hơi nóng lan tỏa khắp cơ thể đã đành, mùa hè oi bức người ta cũng ăn ớt, hỏi ra mới biết: không có ớt, miệng mồm buồn chi lạ!
Ừ thì cứ cho là ăn ớt cho đỡ buồn miệng đi, vậy cớ sao không kiếm thứ khác mà ăn lại phải là ớt? Hỏi chi lạ, bởi chỉ có cái nóng, cái cay, cái giòn thơm và nồng nàn của ớt mới làm cho mồm miệng bớt háu ăn thứ khác!
Bên cạnh ớt, còn những gia vị cay nồng khác hỗ trợ cho miếng ớt Huế. Bún bò Huế nổi tiếng một phần cũng từ cái vị cay nồng hấp dẫn khách thập phương. Không một nồi bún bò Huế chính gốc nào lại thiếu cái sóng sánh đỏ lừ từ ớt. Ớt bột, ớt chỉ thiên và ớt sừng cộng lại làm cho nồi bún bò thấm đẫm hương vị nồng nàn của Huế. Bún bò mà thiếu ớt thì họa chăng chỉ có nồi bún bên Lào!
Rồi bánh canh Nam Phổ cũng không thua gì tô bún bò nức tiếng. Tô bánh canh mang ra cho khách với một màu đỏ rực hăm dọa chiếc lưỡi Sài Gòn khi chưa kịp nếm. Rồi tiếp theo là một chén nước mắm cắt đầy ớt là ớt được mang ra, những miếng ớt nho nhỏ đủ màu nằm kề nhau dễ làm cho người kém ăn ớt lạnh mình: với tập hợp những món ớt trong chén nước mắm ấy liệu có nuốt trôi tô bánh canh nức tiếng Nam Phổ hay không?
Rồi nữa, người Huế còn một món ruột lấy ớt làm gốc là cơm hến. Tô cơm hến nào cũng có thể có cái vị khác nhau do cách nấu của từng gia đình nhưng một điểm không bao giờ khác trong bất cứ tô cơm hến nào là ớt! Vài trái ớt xanh giòn tan nằm bên trên, một nhúm ớt xào pha vào nước hến cộng với dầu ớt khi chiên đậu phộng sẽ làm bạn xanh mặt! Ớt cộng hưởng với ớt làm nên tính cách của Huế. Càng cay càng Huế và càng Huế thì lại càng cay.
Lý giải việc người Huế ăn cay dựa theo sử sách cũng có nhiều ghi chép. Khi Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa, người Việt đã học tập người Chăm về việc sử dụng gia vị cay (đặc biệt là ớt) để dung hòa với vùng đất mới và khí hậu mới chưa kịp thích nghi. Hương vị của các loại gia vị cay nồng như gừng, sả, tiêu và nhất là ớt đã nhanh chóng thích hợp với khẩu vị người di dân mới tới và kể từ đó vị cay đồng hành với dân Huế chống lại cái lạnh cắt da cắt thịt và càng lạnh thì người ta càng ăn cay. Đến khi nhận ra tại sao mình lại ăn cay nhiều thế thì cũng là lúc đã thành kẻ nghiện ớt tự bao giờ rồi.
Mà ăn cay đâu có hại gì cho sức khỏe để phải kiêng cử nhỉ? Đâu đó bên nhà nhiều người cho rằng ăn cay hại cho bao tử…điều đó phát sinh từ sự suy đoán mà thôi. Cái bao tử con người là một sự kỳ diệu, nó có khả năng thích nghi nhanh chóng với những loại gia vị, và vị cay sau khi trôi xuống dạ dày sẽ tự biến thành dưỡng chất như bao loại thực phẩm khác. Có thể vì vậy mà bác sĩ Mỹ không ai khuyên đừng ăn cay cả.
Nhưng ăn cay quen rồi thật bất lợi khi tới nhà người lạ. Một bữa ăn thiếu ớt cho người ăn cay không khác gì sự hành hạ nhẹ nhàng nhưng tàn nhẫn đối với họ. Nhìn miếng thịt luộc nằm hớ hênh trên dĩa lại không có miếng ớt nào cắn cho sướng miệng thì thật là thảm hại! Cái lưỡi giật rung con mắt, đòi hỏi tìm kiếm một khoanh ớt đỏ hay chí ít một trái ớt hiểm nho nhỏ cũng đủ đưa cay cho chén cơn bới sẵn.
Quả là không có bất cứ thứ hạnh phúc nào mà không trả giá. Nếu ăn cay là một thứ hạnh phúc thì người Huế có lẽ là cộng đồng hạnh phúc nhất Việt Nam bởi cái hạnh phúc cay nồng ấy không ai địch lại!
MẶC LÂM