Thứ Ba, 15 Tháng Sáu, 2021

Cuộc đời như câu chuyện phiêu lưu của ‘Nữ hoàng trinh thám’ Agatha Christie

Agatha Mary Clarissa (15/9/1890 – 12/1/1976) là một nhà văn trinh thám người Anh, bà được mệnh danh là “Nữ hoàng trinh thám”. Bà còn viết tiểu thuyết lãng mạn với bút danh Mary Westmacott, nhưng vẫn được nhớ đến hơn cả với bút danh Agatha Christie và 66 tiểu thuyết trinh thám.

Cuộc đời như câu chuyện phiêu lưu của ‘Nữ hoàng trinh thám’ Agatha Christie - 1
“Nữ hoàng trinh thám” Agatha Christie. (Ảnh: Wikipedia)


Cha của bà làm nghề giao dịch chứng khoán, còn mẹ là một người phụ nữ thuộc dòng dõi quý tộc. Năm 16 tuổi, bà được mẹ cho sang Paris (Pháp) học hát và piano nhưng chỉ một năm sau đó Agatha Christie quay trở lại London (Anh) gia nhập thế giới thượng lưu. Đang độ tuổi tràn đầy sức sống, Christie chìm đắm vào tình yêu với Archibald Christie – một phi công thuộc lực lượng Không quân Hoàng gia Anh. Bên nhau chưa được bao lâu thì Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Archibald bị điều động sang Pháp. Đến năm 1914, trong chuyến nghỉ ngắn ngày, Agatha Christie và Archibald đã tổ chức lễ cưới. Nhưng sau đó hai vợ chồng tiếp tục phải xa nhau. Cách duy nhất để bà liên lạc với chồng là qua thư từ. Chính vào lúc đó, Agatha Christie bắt đầu nhen nhúm ý tưởng viết tiểu thuyết.

Vẫn còn là một thiếu nữ mộng mơ, Agatha thường viết những câu chuyện tình cảm lãng mạn. Chính lời thách thức của các cô em họ đã khiến bà thốt lên: “Chẳng có ai cấm phụ nữ viết truyện trinh thám cả, và chị sẽ viết giỏi hơn cả đàn ông cho các em xem”. Vậy là sự nghiệp của nữ tiểu thuyết gia vĩ đại nhất chỉ bắt đầu với một lời thách đố.

 

Sức làm việc phi thường của Agatha làm giới đàn ông cũng phải nể phục. Chỉ trong 6 tuần, bà có thể hoàn thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên thời gian chỉnh sửa còn tốn công hơn cả lượt viết đầu tiên. Một người bạn của Agatha bật mí về bí quyết viết sách của bà là: “Bà hoàn thành cuốn sách cho đến chương cuối cùng, sau đó chọn ra kẻ khó tin nhất trong số những nghi phạm và quay lại phần đầu viết lại một số chi tiết để định hình nhân vật đó”. Đây chính là lý do tại sao tiểu thuyết trinh thám của Agatha nổi tiếng với những cú ngoặt bất ngờ đến “choáng váng” ở những chương cuối cùng.

Tác phẩm đầu tay được Agatha Christie viết năm 1916 khi Archibald Christie đang ở chiến trường, còn bà là một trợ lý dược ở một trạm cứu thương. Chiến tranh kết thúc, chồng bà lành lặn trở về nhưng tình cảm không còn như xưa. Agatha tốn rất nhiều công sức để chăm lo cho chồng. Bù lại, lợi ích lớn của Archibald là cung cấp cho vợ nhiều thông tin về những chuyến công vụ, những trận chiến cam go, những mảnh đời khác biệt làm tư liệu để viết sách.


Sau khi tác phẩm đầu tiên được xuất bản, Agatha tiếp tục cho ra đời hàng loạt truyện trinh thám khác như “Địch thủ bí mật” (1922), “Án mạng trên sân gôn” (1923), “Người đàn ông trong bộ đồ nâu” (1924)… Lúc này văn phong của Agatha đã được củng cố ít nhiều, bà bắt đầu được chú ý trong làng truyện trinh thám.

Tiếp đó, sự xuất hiện của các tiểu thuyết “Vụ ám sát ông Roger Ackroyd”, “Vụ án mạng ở Me’sopotamic”, “Vụ án trên chuyến tàu tốc hành phương Đông” đã trở thành siêu phẩm đưa tên tuổi của bà lên tầm cao mới.

Các nạn nhân của Agatha thường chết bởi bị đầu độc. Cũng bởi trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Agatha Christie đã từng làm trợ lý dược sĩ và phải làm việc với rất nhiều loại chất độc. Chính điều này đã đem đến cho bà vốn kiến thức phong phú về các loại thuốc. Christie từng lý giải rằng thuốc độc thì sẽ bớt bạo lực hơn và sẽ khiến các vụ án trở nên bí hiểm hơn.

Thêm một điều nữa gây ảnh hưởng đến các câu truyện của Agatha là hoàn cảnh nghèo khó. Tuy xuất thân quý tộc, gia đình bà đã từng rơi vào cảnh lao đao khi người cha gặp khó khăn về tài chính. Khi bà 11 tuổi thì cha qua đời, Agatha liên tục bị ám ảnh về tình trạng tài chính của gia đình. Trong cuốn tiểu sử “Agatha Christie: An English Mystery”, tác giả Laura Thompson viết: “Agatha có một nỗi sợ đói nghèo, được thừa hưởng từ ký ức về sự sa sút đột ngột của gia đình. Tiền bạc thường là trung tâm trong các tiểu thuyết của bà. Cả hai thám tử Poirot và bà Marple đều coi tiền bạc là động cơ hàng đầu trong mỗi tội ác.”

Sự nghiệp ngày càng tốt đẹp nhưng hôn nhân của bà lại chịu cảnh dở dang. Năm 1926, chồng bà tuyên bố đã yêu người phụ nữ khác nên Agatha quyết định ly hôn. Quá sốc vì sự phản bội của chồng, đồng thời nỗi đau mất mẹ vẫn chưa nguôi ngoai, Agatha đột nhiên mất tích 10 ngày làm cả nước Anh chấn động.

Gia đình bà, cảnh sát và công chúng đổ xô nhau đi tìm Agatha khi bà biến mất không một dấu vết, để lại con gái cho gia nhân trong nhà, nhẫn cưới và xe ô tô. Vụ mất tích của Agatha Christie thậm chí còn thu hút sự quan tâm của một đồng nghiệp nổi tiếng khác, đó chính là Sir Conan Doyle, người đã sáng tạo ra thám tử Sherlock Holmes.

Cuộc đời như câu chuyện phiêu lưu của ‘Nữ hoàng trinh thám’ Agatha Christie - 2
Conan Doyle, tác giả cuốn tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng nhất mọi thời đại Sherlock Holmes. (Ảnh: pbs.org)


Mười một ngày sau, Agatha Christie được tìm thấy ở một khách sạn nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, cho tới khi nhân viên phục vụ nhận ra gương mặt bà trên báo, Christie vẫn khăng khăng rằng mình đến từ Nam Phi. Mọi thứ trở nên kỳ lạ hơn khi chồng bà đến khách sạn để đón bà nhưng Agatha không nhận ra ông, kể cả bức ảnh đứa con nhỏ của bà. Lúc này Agatha Christie mới chỉ 36 tuổi, cho rằng bà đã mất trí nhớ và không thể nhớ được chuyện gì đã xảy ra trước đó.

Sự biến mất bí ẩn của Agatha Christie đã dấy lên nhiều giả thuyết trên truyền thông đại chúng bấy giờ. Từ tai nạn, gài bẫy chồng, trò lừa quảng cáo… cho đến cuộc chạm chán với người ngoài hành tinh, nhưng lý do thực sự đến nay vẫn là điều bí ẩn. Không ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra, còn Agatha thì coi đó là một sự kiện không bao giờ nên được nhắc lại.

Năm 1930, Agatha tìm được tình yêu mới và kết hôn với Max Mallowan trẻ hơn bà 14 tuổi. Trước khi gặp được chồng mới, Agatha chỉ đang du lịch đây đó tìm tư liệu viết truyện. Ở Iraq, bà muốn tìm hiểu về các vụ khai quật tại thành phố cổ Urim nên người ta giới thiệu cho bà một hướng dẫn viên xuất sắc, chính là Max Mallowan. Max vốn là một nhà khảo cổ học, vô tình ông chính là mảnh ghép phù hợp nhất cho một người phụ nữ ưa tìm tòi, mạo hiểm. Hai vợ chồng bà thường đi trên con tàu tốc hành phương Đông, điều đã tạo cảm hứng cho bà viết nên một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông” (1934). Những dấu ấn về vùng đất Trung Đông còn có thể được thấy trong một số tác phẩm tiêu biểu của bà như “Án mạng ở vùng Lưỡng Hà” (1936)”, Án mạng trên sông Nile” (1937), “Hẹn với tử thần” (1938) và “Họ đã tới Baghdad” (1951).

 

Hạnh phúc gia đình của họ bị gián đoạn bởi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Max nhập ngũ và được điều tới phục vụ ở Bắc Phi. Agatha không thể quen với những trận ném bom thường xuyên và ý nghĩ rằng có thể mất chồng bất cứ lúc nào. Để động viên vợ, Max khuyên bà cố gắng sống cuộc sống bình thường. Lời khuyên tưởng chừng như lạnh lùng ấy đã giúp bà sống sót. Hằng ngày, bà thức dậy và làm tất cả những gì bà vẫn làm trong lúc hòa bình: công việc nội trợ và viết sách. May mắn thay, cả hai đều giữ được tính mạng. Max và Agatha chung sống với nhau 45 năm. Năm 1971, sức khỏe của Agatha bị suy sụp. Năm 1976, bà trút hơi thở cuối cùng trong ngôi nhà của mình ở tuổi 85.

Toàn bộ bản quyền tác phẩm của Agatha Christie hiện được cháu trai của bà, Mathew Prichard, lưu giữ. Theo Sách kỷ lục Guinness, Agatha Christie là nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại của thể loại trinh thám, và đứng thứ hai nếu tính cả các thể loại khác (chỉ xếp sau William Shakespeare). Ước tính đã có khoảng 1 tỷ bản in bằng tiếng Anh và khoảng 1 tỷ bản in bằng 103 thứ tiếng khác những tác phẩm của Agatha được tiêu thụ.

Một ví dụ cho sự hấp dẫn của những tác phẩm của Agatha Christie ở nước ngoài là bà cũng là tác giả ăn khách nhất mọi thời đại ở Pháp với 40 triệu bản in bằng tiếng Pháp đã tiêu thụ (tính cho đến năm 2003), trong khi người xếp thứ 2 là nhà văn Pháp Emile Zola chỉ là 22 triệu bản.

 

Minh Minh

 

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art