Thứ Tư, 28 Tháng Bảy, 2021

Đêm mưa nhớ về thầy tôi


Đêm nay mưa rả rích. Nhớ về thầy tôi những ngày năm xưa, gia đình còn bên nhau, lòng tôi quặn đau, muốn khóc… (Hình minh họa: Tri Le/Pixabay)
 

Đêm nay mưa rả rích. Lúc hai giờ sáng, đang ngủ ngon giấc, tôi hốt hoảng choàng tỉnh vì tiếng điện thoại reo vang. Ai gọi cho mình vào giờ giấc này nếu không phải là những chuyện bất thường.

Mắt nhắm, mắt mở tôi bốc cái điện thoại lên. Có giọng nức nở của đứa con gái cưng ở Washington, DC: “Ba, con đây, con mới tỉnh dậy từ một cơn ác mộng. Trong đó con mơ thấy hai cha con mình trên đường vượt biên giữa Thái Bình Dương, gặp cơn bão lớn lật úp chiếc tàu nhỏ. Con không biết bơi nên bị những ngọn sóng bạc đầu cuốn sâu xuống lòng đại dương. Trong giấc mơ hãi hùng con vùng vẫy, tuyệt vọng mở miệng ‘Ba ơi cứu con’ và chỉ trong khoảnh khắc, con cảm thấy một bóng đen dìu con lên mặt nước. Và bóng đen đó chính là ba đang nhìn con với ánh mắt trấn an vỗ về làm con yên tâm… Con  gọi cho ba ngay lập tức, để cám ơn và được nghe giọng nói trầm ấm của ba an ủi, như những ngày con còn là đứa con gái bé bỏng.”

Sau đó là những sụt sùi như con nít trong điện thoại của cô luật sư nổi tiếng cứng rắn vùng Washington, DC. Tôi nghe con nói mà thẫn thờ, một vùng ký ức cảm động ùa về trong tim. Tôi bỗng dưng nhớ về thầy tôi những ngày tôi còn bé, những năm đầu thầy, má tôi di cư từ miền Bắc vào miền Nam tìm tự do, xây dựng lại đời sống mới cho gia đình…

Thầy tôi mồ côi lúc còn rất nhỏ. Ông nội tôi là lý trưởng làng Thanh Quyết, tỉnh Ninh Bình. Một sáng cưỡi ngựa đi thăm làng, ông bị té ngựa, mất sớm. Bà nội tôi vì thương nhớ chồng, gặp lúc phong trào đấu tố nổi dậy nên lo sợ lâm trọng bệnh qua đời. Hai cái chết đau thương của cha, mẹ ít khi được thầy tôi nhắc tới, có lẽ vì nó quá đau buồn. Ông bà nội tôi mất sớm nên thầy tôi và các bác, các chú của tôi rất thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Anh em tôi sau này cũng học được đức tính đó.

Còn ông ngoại tôi, chỉ làm chủ một vài sào ruộng trong làng, đã bị giam chờ ngày đem ra đấu tố. May nhờ ông ngoại tôi luôn giúp đỡ và dạy học những người cùng đinh mù chữ trong làng nên được một học trò thương, đang đêm lén mở cửa cũi giam cho trốn thoát. Ông ngoại tôi sau đó cùng một bà dì, em má tôi, trốn vào miền Nam.

Rồi gia đình tôi cùng vào miền Nam, nơi định cư đầu tiên là giáo xứ Bình An ở Chợ Lớn của Linh Mục Hoàng Quỳnh. Sau một thời gian ngắn, thầy tôi dẫn cả nhà tái định cư ở Năm Căn, nơi khỉ ho cò gáy, cách Cà Mau khoảng 40 cây số. Năm Căn là vùng có nhiều kinh rạch, địa hình thấp nên thường xuyên bị ngập nước. Rừng tràm U Minh bên cạnh, những chiều nắng cháy, đất tỏa hơi âm u.

Với trí nhớ non nớt của một thằng bé mới lên năm, giờ tôi chỉ loáng thoáng nhớ lại căn nhà tranh vách đất, với bốn bề sông nước, mọc đầy hoa súng màu tím nhạt. Nhớ những ban mai lung linh nắng sớm, thầy tôi chèo cái xuồng trên con kinh Rạch Đốc um tùm ô rô, xen kẽ những cành xoài, cành đước vươn ra giữa lòng rạch. Hai cha con đi ăn hủ tiếu, uống cà phê và mua vài món đồ cần thiết như dầu hôi, đèn cầy ở mấy quán tạp hóa người Hoa ven bờ. Đây cũng là nơi ông dạy tôi uống cà phê bằng cách đổ cà phê vào cái dĩa cho bớt nóng trước khi húp của người miền Nam.

Sau một thời gian khó khăn ở vùng nước mặn đầy muỗi mòng và đỉa, thầy tôi lại dắt díu cả nhà về Củ Chi. Đây cũng là nơi ông hành nghề y tá, cái nghề ông đã học ở chợ Đại-Cống Thần, lúc Hà Nội di tản để nuôi gia đình. Tôi được biết ngày đó thầy tôi chữa bệnh cho dân nghèo mát tay, chích thuốc rất êm không đau, được lòng mến mộ của dân chúng địa phương, vì đối với những gia đình nghèo, ông chữa bệnh miễn phí cho họ.

Tôi còn nhớ những đêm mưa được ông cho xách cái túi cứu thương đi theo trên những con đường sống trâu lồi lõm, đường trơn trượt, tôi cứ bị hụt chân ngã. Lần nào tôi cũng nghe giọng nói “Con có sao không?” và cánh tay vững chắc của thầy vực tôi dậy. Chúng tôi đến những căn nhà xiêu mái dột. Dưới ánh đèn dầu leo lét, thầy tôi chữa bệnh cho vài người bị rắn cắn, sốt rét, tay chân bị lở loét lâu lành.

Có nhiều buổi sáng nghe tiếng gà, tiếng vịt lục cục trước nhà, tôi hiếu kỳ chạy ra và ngạc nhiên khi thấy mấy lồng gà, vịt cùng dưa hấu, dưa tây và khoai lang trên nền đất thềm nhà. Thầy tôi bảo: “Với những người chân quê mộc mạc, đây là cách họ bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với mình. Tấm lòng của họ đối với thầy còn quý giá gấp ngàn vạn lần hiện kim.”

Củ Chi cũng là nơi tôi có nhiều kỷ niệm với căn cứ Đồng Dù, nơi huấn luyện nhảy dù của các Thiên Thần Mũ Đỏ. Tôi và mấy thằng bạn cùng xóm ra ngắm cuộc thực tập với những cánh dù nở trắng bầu trời hoặc ngắm những buổi chiều sáng rực ánh tà dương trên những luống củ nâu đẹp như một bức tranh.

Thời gian thanh bình ở Củ Chi trôi nhanh. Đêm về, những người mặc quần áo đen, mặt nạ, vai đeo mã tấu đập cửa, bắt bớ, thủ tiêu người làm việc cho chính quyền ngày càng nhiều. Tôi đã chứng kiến những xác người phình chương trôi sông, bị phe bên kia cho đi “mò tôm” với bản án “phản động” gài trên ngực. Với quá khứ trí thức tiểu tư sản, dân di cư giỏi tiếng Pháp của thầy, cuộc sống nông thôn bắt đầu ngột ngạt. Có người bỏ nhỏ với ông: “Có cơ hội, thầy Hai nên đem gia đình về thành sinh sống.” Thầy tôi chẳng còn con đường nào khác, một lần nữa lại đem gia đình lưu lạc về khu Kiến Thiết gần Sài Gòn, cách Củ Chi khoảng 30 cây số.

Căn nhà mới khá khang trang nằm bên cạnh con kinh Nhiêu Lộc, hai bên bờ lau lách um tùm với những tổ chim én đầy trứng. Khu này hồi đó hãy còn hoang vu, nhưng ông rất vui vì đây là lần đầu tiên được làm chủ một căn nhà. Tối đến mấy anh em quây quần bên ngọn đèn dầu hôi để ông kèm học. Đời nghèo nhưng ấm cúng. Đây cũng là nơi mỗi sáng mới mở mắt thức dậy, tôi đã ngửi thấy mùi “cà phê bí tất” thơm phức của thầy. Ông dạy tôi cách pha cà phê từ cái bọc vải nhỏ có cái quai bằng thép để cầm. Một tay cầm cái bọc vải nhỏ trong có cà phê, một tay cầm ấm nước sôi đổ từ từ vào. Những giọt cà phê đen sánh bốc khói thơm lừng nhỏ xuống cái tách nhỏ. Ngồi uống cà phê với nhau, ông hay trầm ngâm: “Con nhớ trân quý những gì mình đang có, hãy thương yêu những người chung quanh mình.” Tôi đoán đó là những giây phút ông đang thả hồn về ông bà nội tôi và miền Bắc xa xăm.

Tôi còn nhớ kỷ niệm ngày đầu được thầy tôi dạy cách đi xe đạp. Thay vì cầm tay dắt cái xe cho tôi tập đạp, ông chỉ hướng dẫn tôi cách ngồi lên yên, cách cầm “ghi-đông,” bóp thắng và để cho tôi tập đạp xe một mình. Tôi té lên té xuống, đau điếng, nhưng dù bị đau, tôi càng hăng máu. Thầy tôi vỗ về: “Thầy  rất hãnh diện về con, con bị đau như thế mà vẫn không bỏ cuộc. Thầy muốn tập cho con cái tính tự lập, sau này ra đời con không bị lệ thuộc vào ai.”

Mỗi ngày đi làm về, bao giờ thầy tôi cũng đem về những ổ bánh mì patê nóng hổi ở tiệm Hương Lan bên cạnh bưu điện Sài Gòn hoặc vài cái bánh tiramisu và vài trái táo ở Givral. Trái táo, bánh ngọt được cắt ra, mỗi người một miếng nhỏ xíu nhưng sao ngon lạ ngon lùng. Mỗi buổi tối sau khi cơm nước, thầy tôi ngồi thoải mái xem báo. Đôi khi ông rủ tôi cùng đi bách bộ cho “dễ tiêu cơm.” Hai cha con vừa đi, vừa nghe tiếng còi xe lửa từ cổng số Sáu vọng về, vừa kể cho tôi những kinh nghiệm về cuộc đời của ông…

Trong những ngày cuối cùng của miền Nam, má tôi tuy đau cắt ruột vẫn đẩy tôi ra khỏi cửa, nói “Con cứ ra đi” và không quên dúi vào tay tôi cái áo da màu nâu nhạt của thầy tôi. Tôi lúc đó xúc động đưa tay ôm cái áo và nói “Lạy má… con đi.” Đây cũng là cái áo tôi đã mặc trong suốt cuộc hành trình tị nạn tới nước Mỹ, từ lúc nhảy xuống con tàu nhỏ ở bến Bạch Đằng qua các trại tị nạn. Những đêm lạnh giá  cô đơn, nhớ nhà trong chiếc lều vải nhà binh, tôi thường bặm môi nín khóc, khoác thêm cái áo da. Nó cho tôi cảm giác ấm áp yên lòng, làm như có thầy tôi bên cạnh đang che chở cho thằng con tới bờ bến bình yên…

Thầy ơi, đêm nay con viết những dòng này để tưởng niệm về thầy. Viết hoài, viết mãi mà vẫn thấy chưa đủ về công ơn dưỡng dục của thầy. Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm thuở thiếu thời cứ lần lượt hiện ra. Con bị cảm lên cơn sốt, thầy là người lo lắng ngồi bên thức trắng đêm, thỉnh thoảng lại đặt tay lên trán con. Cũng bàn tay này đã dắt con những ngày chập chững tập đi, những ngày đầu tiên đến trường, những buổi tối cầm tay dạy con vỡ lòng tiếng đánh vần ê, a. Tình phụ tử của thầy sưởi ấm trái tim con như ánh sáng mặt trời làm tan băng tuyết mùa Đông những ngày đầu xa xứ. Bao nhiêu tình thương, vất vả cả một đời người, thầy chỉ cầu mong cho các con nên người hữu dụng, sống tự lập.

Đêm nay nghe con gái tôi sụt sùi, nhớ lại câu “Nuôi con mới biết lòng cha mẹ” mà thấm thía. Nhớ về thầy tôi những ngày năm xưa, gia đình còn bên nhau, lòng tôi quặn đau, muốn khóc…

Vũ Kim Đức

saigonnhonews.com

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art