Thứ Ba, 22 Tháng Năm, 2012

Thánh nữ Catherine Labouré

Lời nói đầu

    Phần đông, chúng ta đã từng thấy hoặc đã từng mang vào cổ một loại tượng ảnh Đức Mẹ Maria hình thuẫn. Bề mặt là hình của Mẹ đứng trên quả địa cầu, hai tay thòng xuống và hơi giang ra, áo dài và khăn trùm từ đầu phủ đến bàn chân; bề trái có chữ M với thánh giá, dưới chữ M có hai quả tim và chung quanh có 12 ngôi sao.

     Ấy là ảnh tượng Đức Mẹ hay làm phép lạ, có nơi gọi là Đức Mẹ ban ơn. Muốn biết rõ vì sao có loại tượng ảnh theo kiểu mẫu nầy, Nhịp Cầu xin giới thiệu với các bạn hạnh tích thánh nữ Catherine Labouré, thoạt tiên chỉ là một thôn nữ, học thức kém cỏi, đến 24 tuổi thì vào dòng Nữ Tu Bác Ái do thánh Vincent de Paul sáng lập. Lúc đang còn là một tập viên (novice) thì được Đức Mẹ hiện ra truyền dạy đúc ảnh tượng theo kiểu mẫu vừa nêu trên đây.

     Đạo binh Đức Mẹ, mỗi lần nhóm họp, đều trưng bày pho tượng Đức Mẹ theo mẫu nầy, có hoa nến, hội viên quỳ chung quanh lần hạt Mân côi rồi mạn đàm dưới quyền chủ tọa và chứng kiến của Mẹ nhơn lành.

     Ngày 31.05.1980, Đức Gioan Phaolồ II, trong dịp viếng thăm Paris, đã hành hương viếng nhà nguyện của dòng Nữ Tu Bác Ái ở Rue du Bac. Trước mặt các nữ tu của nhiều miền họp về, ngài đã đọc kinh kính mầng Maria... với lời nguyện Lạy Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông truyền, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ. Ngài còn cảm ơn Mẹ vì nhờ Mẹ mà Thiên Chúa đã ban muôn ơn lành hồn xác cho những ai kêu cầu Mẹ với một niềm tin cậy vững vàng, với một tâm hồn đơn sơ chân thật.

     Ngày 2.5.1806, bà Labouré sinh đứa con thứ tám. Đây là một bé gái có đôi mắt xanh biếc rất đẹp. Qua ngày sau, cô bé được đưa đến thánh đường Fain-les-Moutiers để lãnh bí tích rửa tội. Ông bà Labouré chọn thánh Catherine làm quan thầy cho cô bé vì trước đây đã có những thánh nữ Catherine rất thời danh như :

     - Thánh Catherine d'Alexandrie, tử đạo năm 307.

     - Thánh Catherine de Sienne (1347-1380).

     - Thánh Catherine de Gênes (1447-1510).

 

     Tính ra, ông bà Labouré có 10 người con : trưởng nữ là Marie Louise rồi liên tiếp sinh sáu con trai. Sau Catherine thì có Maria Antoinette tục danh là Tonine và cậu con trai út là Auguste. Auguste yểu tướng nên chết sớm.

     Ông Labouré là nghiệp chủ một nông trại. Bà Labouré đã từng làm cô giáo, songkhi có đôi mặt con rồi thì bỏ nghề cô giáo để cùng chồng lo việc nông trại, chuyên chú nội trợ tề gia và giáo dục con cái. Vì gia đình đông con nên ông Labouré phải cần cù siêng năng để gia đình được cơm no áo ấm.

     Là một người ngoan đạo và có học thức, bà Labouré dạy dỗ con cái biết sống đạo đức, biết kính thờ Thiên Chúa, biết tôn sùng Mẹ Maria. Bà để tâm huấn luyện cho các ái nữ lo trông nom mọi việc gia đình cho trong ngoài đâu đó được sạch sẽ ngăn nắp, để về sau, nếu có lập gia đình, các cô ấy sẽ là những nội tướng gồm đủ công, dung, ngôn, hạnh, gây hạnh phúc cho gia đình. Ngoài ra, nếu còn đôi chút thì giờ thì bà dạy cho các con biết đọc, biết viết, vì thời ấy, ở Fain-les-Moutiers chưa có trường học.

     Tháng ngày trôi qua, vì phải lo việc nông trại, việc nhà cửa, việc dạy dỗ huấn luyện con nên bà Labouré nhuốm bệnh rồi qua đời lúc Catherine mới lên chín tuổi. Catherine vô cùng thương tiếc mẹ hiền nên cảm thấy cảnh trống trải vắng vẻ lạ lùng. Cha thì là một nông dân cần cù lam lũ, suốt ngày lo việc đồng áng, nhọc nhằn vất vả đâu có thì giờ để Catherine hàn huyên tâm sự. Gia đình có mướn một bà vú giúp việc. Bà nầy cũng tận tâm, song có ai sánh được với mẹ ruột mình. Vì bẩm sinh là người trầm tĩnh, ít hay nói, Catherine suy nghĩ mãi bèn trèo lên ghế, kiễng chân, tay ôm lấy pho tượng Mẹ Maria trưng bày trên cao, hôn kính pho tượng, xin Mẹ Maria nhận mình làm con.

     Thấy hai con gái mình đang non dại, sống cảnh mồ côi giống như gà con mất mẹ nên ông Labouré tạm thời gởi Catherine và Tonine cho bà Jeannot, ở Saint Rémy là chị ruột của bà Labouré, vì bà Jeannot có bốn đứa con gái, mong rằng Catherine và Tonine có bạn để đùa giỡn chuyện trò, ắt đỡ buồn phần nào.

     Sau hai năm, Catherine và Tonine trở về nhà phụ trách mọi công việc nhà. Thấy hai chị em Catherine siêng năng cần mẫn, bất quản nhọc nhằn, nhà cửa đâu đó sạch sẽ ngăn nắp thì ông Labouré rất bằng lòng và thuận cho Marie-Louise, bấy giờ cũng khoảng 22 tuổi, vào dòng Nữ Tu Bác Ái do thánh Vincent de Paul sáng lập.

     Catherine biết rằng từ đây mình phải quán xuyến mọi việc nên can đảm nói với Tonine : “Cả hai chị em mình cùng cố gắng thì mọi việc cửa nhà đâu đó cũng tươm tất”. Đúng như lời. Bếp núc, may vá, dọn dẹp quét tước, gà vịt, chuồng bồ câu trên bảy trăm con, việc đưa cơm ra đồng cho công nhân, nhất nhất chạy đều như máy. Nhờ khéo léo sắp đặt, Catherine có đủ thời giờ đến nhà xứ học giáo lý để được rước lễ lần đầu. Rước lễ lần đầu là một biến cố quan trọng trong đời sống của người công giáo. Hôm ấy, người ta thấy Catherine sốt sắng khác thường, đôi mắt đăm chiêu nhìn ngắm nhà tạm. Tonine nói rằng hình như Catherine chẳng biết chung quanh có gì. Từ đó, mỗi tuần, Catherine đi dự thánh lễ nhiều lần, bất quản nắng mưa sương tuyết, mặc dầu nhà thờ giáo xứ cách nhà ở đến ba cây số, mặc dầu công việc nông trại bắt đầu từ sáng sớm. Catherine tự bảo : Thánh lễ 5 giờ 30, lễ xong cũng đủ thì giờ lo việc nhà. Thỉnh thoảng, Catherine dẫn Tonine sang nhà nguyện viếng Mình Thánh Chúa, nơi bàn thờ Đức Mẹ. Catherine quỳ gối cầu nguyện hồi lâu mà không biết mỏi.

     Mỗi ngày chúa nhật, ba cha con ông Labouré áo xống sạch sẽ gọn gàng tươm tất cùng đi dự thánh lễ. Bà con xóm giềng thấy hai cô gái khỏe mạnh, nết na, duyên dáng, đoan trang đều trầm trồ khen ngợi, cảm mến. Nhiều bà đoan chắc rằng Catherine sẽ là một người vợ hiền, nếu cưới được cho con mình ắt gia đình con mình sẽ được hạnh phúc.

     Ý loài người thì vậy, song ý Thiên Chúa lại khác nên mỗi ngày Catherine càng cảm thấy Chúa Giêsu thúc giục mình đến với Ngài. Ngày thứ sáu hôm ấy, đi lễ về, Catherine không ăn điểm tâm và nói với Tonine : Từ nay, mỗi tuần chị ăn chay hai lần. Tonine thấy ý của chị hơi quá đáng thì cố thuyết phục chị bỏ ý định ấy đi thì Catherine đáp : Em để chị yên. Song qua một thời gian, Tonine sợ chị ăn chay mà phải làm lụng vất vả, e sinh bệnh nên mạnh dạn bảo : Nếu chị vẫn tiếp tục ăn chay như thế, em sẽ mách với bố cho mà xem!. Catherine đáp gọn gàng : Thì em cứ mách với bố đi. Tonine lòng dạ xót xa, song vì quá thương chị và e ngại cho sức khoẻ của chị nên mách với bố thật sự. Là người ngoan đạo, ông Labouré đã dâng trưởng nữ của mình là Marie-Louise cho Chúa rồi, song bây giờ thấy Catherine mới có 15 tuổi mà đã kiêng chay như vậy thì hơi quá mức, ông dùng lời cảnh cáo con cách nào đó mà Catherine, trước mặt bố giữ im lặng, không nói một lời, nhưng rồi tiếp tục chay tịnh.

     Phần Tonine thấy chị vẫn hồng hào khoẻ mạnh nên cũng an tâm. Một ngày nọ, Catherine nói với Tonine : Nay mai, em đủ sức đảm đương việc nhà một mình thì chị sẽ đi tu. Tonine hỏi : Chị sẽ vào dòng nào?.

     Catherine không đáp, song đinh ninh rằng Chúa gọi mình song chưa rõ sẽ vào dòng nào. Khi Catherine 19 tuổi thì trong làng có người đến thăm ông Labouré, mục đích là xin cưới Catherine cho con trai của mình. Ông Labouré lòng cởi mở, vui vẻ chuyện vãn tiếp khách, song việc trăm năm là quan trọng nên cũng hỏi riêng con. Catherine thưa : Con không muốn lập gia đình. Và rồi thì ông cũng chẳng nài ép. Tonine muốn biết nguyên do nên thỉnh thoảng dọ hỏi chị. Catherine nói : Chị đã bảo với em là chị sẽ không bao giờ lập gia đình. Chị đã hứa hôn với Chúa Giêsu rồi. Tonine hỏi thêm : Chị không thay đổi ý kiến từ lúc chị mới lên 12 tuổi sao? Catherine khẳng định : Ừ, chị không thay đổi ý kiến ấy.

     Sau đó ít lâu, trong giấc ngủ, Catherine chiêm bao thấy mình đi dự thánh lễ. Vị chủ tế là một linh mục tuổi đã cao, vẻ mặt hiền từ, phúc hậu, trang nghiêm mà Catherine chưa bao giờ gặp. Mỗi lần ngài xây mặt ra chào bổn đạo, thấy Catherine thì ngài chăm chú nhìn một cách trìu mến. (Trước công đồng Vatican II, linh mục dâng thánh lễ thì xây mặt vào bàn thờ, giáo hữu chỉ thấy lưng của ngài. Khi nào đọc câu : Chúa ở cùng anh chị em thì mới xây mặt về phía bổn đạo.) Xong thánh lễ, ngài vào phòng thánh và ngài gọi Catherine theo ngài. Catherine sợ hãi, rời nhà thờ. Trên đường về nhà, Catherine ghé thăm một bệnh nhân thì không ngờ lại gặp vị linh mục ấy, và ngài bảo : Con ơi, thăm viếng và giúp đỡ bệnh nhân là một việc lành rất đẹp lòng Chúa. Hồi nãy con tránh mặt cha nhưng rồi sẽ có ngày con đi tìm cha, vì Chúa đã an bài, con đừng quên nhé”.

     Catherine liền thức giấc, chỗi dậy, thấy lòng khoan khoái và tự hỏi giấc mộng ấy có ý nghĩa gì. Thời gian tiếp tục trôi qua và càng ngày, Catherine càng cảm thấy Chúa Giêsu thúc giục mình. Catherine lên 22 tuổi thì Tonine đã hoàn toàn đảm đương mọi việc gia đình một cách vững vàng nên Catherine quyết định xin bố cho mình đi tu. Ông Labouré giận dỗi từ chối, chỉ muốn Catherine lập gia đình để ở gần mình mà thôi.

     Catherine buồn lắm và từ đó, không khí gia đình trở nên nặng nề khó chịu, tuy vậy, Catherine vẫn cố làm vui, chuyền cần việc nhà để khỏi tiết lộ nỗi khổ tâm của mình. Phần ông Labouré, tự trách là đã làm phiền con gái của mình nên tìm cách giải quyết cảnh khó chịu nầy. Trong thâm tâm, ông nghĩ rằng có lẽ Catherine muốn biết cái mới lạ, cái hay ngoài đời sống nhàm chán ở nông trại nên viết thơ cho Charles Labouré, anh ruột Catherine, chủ tiệm ăn ở Paris, để Catherine đến giúp việc. Charles Labouré sẵn lòng chấp nhận. Catherine cúi đầu vâng phục mặc dầu nỗi lòng rất đắng cay. Trên lộ trình đến Paris, Catherine thầm thĩ nguyện cầu xin Mẹ Maria phù hộ trong nhiệm vụ mới nầy, chắc chắn nhọc nhằn lắm.

     Tiệm ăn chật chội và thấp, ở sát cạnh bếp núc, suốt ngày chạy bàn từ giờ nọ sang giờ kia, đến khuya, đóng cửa tiệm mới lên phòng ngủ thì người mệt nhoài. Phòng ngủ đã chật hẹp lại còn ở sát với mái hiên nên ngột ngạt khó thở, làm cho Catherine nhớ lại cảnh ruộng đồng, không khí trong lành thoải mái thật là trái với cảnh tiệm ăn hẹp hòi thấp bé, không khí ô nhiễm, mùi bếp núc xông ra cộng với mùi thuốc lá nồng nặc; khách khứa nói phô ồn ào, đùa giỡn, trêu ghẹo thật là phức tạp. Đêm đêm, lên phòng ngủ, Catherine ôm đầu và thốt ra : Tôi chịu không nổi nữa. Nói thì nói, Catherine nhìn lên thánh giá ở đầu giường, cầu nguyện với Chúa Giêsu. Sáng ngày, đúng giờ lại xuống tiệm, mặt mày xanh xao tái nhợt và phục vụ như thường.

     Charles Labouré rất thương em, và rất bằng lòng việc làm của em, song cũng biết rằng công việc chạy bàn ở tiệm ăn thật là không phù hợp với bản tính của em mình. Charles Labouré viết thơ cho anh là Hubert Labouré, là một sĩ quan ở Châlon-sur-Seine, xin cho Catherine được vào học tại trường nữ tư thục của bà Hubert. Trường này dạy các thiếu nữ con nhà trâm anh đài các. Ngoài các giờ văn hóa, trường còn dạy cách nói phô, cách đi đứng, cách chào hỏi, lối xã giao, các điệu bộ tạo thành một thiếu nữ đầy duyên dáng, xứng với quý tộc.

     Qua vài ngày huấn luyện, giáo sư chê Catherine là vụng về, quê mùa, thô kệch, cứng cỏi. Biết vậy, bà Hubert cho em chồng học các giờ về văn hóa mà thôi, nhờ thế, Catherine có nhiều giờ rảnh rang. Khi biết được rằng tại vùng nầy có chi nhánh của dòng Nữ Tu Bác Ái, Catherine đến và xin gặp bà bề trên. Tại phòng khách, nhìn lên tường, Catherine thấy chân dung của một linh mục giống khuôn mặt của vị linh mục mà mình đã thấy trong giấc mộng cách đây mấy năm khi còn ở quê nhà nên cảm xúc vô cùng, liền hỏi bà bề trên :

     - Thưa bà, chân dung của ai vậy?

     - Của Cha Vincent de Paul đấy, cô ạ.

     Catherine im lặng, tự thấy có ơn soi sáng và định rằng Chúa Giêsu muốn gọi mình vào dòng Nữ Tu Bác Ái. Từ đó, ngoài giờ học văn hóa ở trường, Catherine đến viện Bác Ái để cùng Soeur Sejole săn sóc bệnh nhân và người nghèo khó.

     Một hôm, vào tòa cáo giải, Catherine trình với Cha sứ Châtillon giấc mộng năm xưa của mình, sự việc trông thấy chân dung của Cha Vincent de Paul tại phòng khách nhà dòng và lòng mình muốn ước ao đi tu thì được Cha sở khẳng định là Thiên Chúa muốn Catherine vào dòng Nữ Tu Bác Ái.

     Catherine tỏ ý mong ước vào dòng cho Soeur Séjole biết. Soeur Séjole xin với bề trên nhận Catherine vào đệ-tử-viện, tựu trung, còn ý kiến của ông Labouré nữa chứ, nếu ông cụ không chấp nhận thì sao đây!!! Catherine tường thuật mọi sự kiện nầy cho chị dâu là bà Hubert Labouré xin tìm cách giúp đỡ. Là một con dâu phúc hậu, bà Hubert viết thơ cho nhạc phụ; viện đủ mọi lý do thiệt hơn, hơn thiệt như một biện minh trạng với lời lẽ nhã nhặn khiêm tốn đầy ý tứ hiếu nghĩa đạo đức, xin cho em chồng được toại nguyện.

     Cụ Labouré, hơn hai năm vắng mặt con thì cũng quen dần dần, lại thêm Tonine toa rập với chị nên thưa với bố : Thưa bố, bố nên cho phép chị Catherine của con đi tu như lòng chị ấy ước ao đã từ lâu. Phần con, một mình cũng đủ sức chăm nom việc nhà cửa vững vàng rồi, xin bố đừng ngại. Vả chăng, cản trở con cái trong ơn thiên triệu, e không khỏi làm mất lòng Chúa. Cuối cùng, cụ Labouré nói : Ừ, nó muốn làm gì mặc ý nó”

     Được bố chồng chấp nhận, bà Hubert Labouré liền sắm sửa mọi thứ cần thiết gọi  là của hồi môn theo luật của dòng, rồi ngày 22.1.1830, dẫn Catherine đến tu viện Châtillon. Bề trên giao Catherine cho Soeur Séjole chăm nom dìu dắt. Catherine lòng tràn ngập sung sướng. Hằng ngày, từ 4 giờ rưỡi sáng thức dậy, theo Soeur Séjole đi lo cho kẻ nghèo khó và bệnh nhân. Trở về dòng thì cũng bếp núc vá may, quét tước, dọn dẹp. Đâu đó ngăn nắp, ngoài ra còn kiếm đôi chút thì giờ để trau dồi văn hóa. Sau ba tháng làm đệ tử, Catherine được vào nhà tập tại nhà dòng chính (maison mère) ở Rue du Bac, Paris. Tại đây, bề trên giao Catherine cho một nữ tu lớn tuổi hướng dẫn.

     Catherine tuân hành mọi việc, giữ luật dòng nhặt nhiệm. Bề ngoài chẳng có gì đặc biệt hơn các chị em, duy chỉ có sự sốt sắng trong giờ thánh lễ, giờ kinh nguyện suy ngắm, cử chỉ chiêm ngắm nhà tạm thật là cung kính. Nhiều lần Catherine được phước nhìn thấy Chúa Giêsu qua phép Thánh Thể.

     Ngày lễ Đức Chúa Trời ba ngôi, Chúa Giêsu hiện ra, mặc vương y đại trào rất oai nghi, giữa ngực có thánh giá, rồi thì Chúa bị lột hết áo xuống. Bấy giờ, Catherine nghĩ rằng vua sẽ bị truất phế. Lần khác, Catherine thấy quả tim Thánh Vincent de Paul khi thì trắng toát không có máu, khi thì đỏ như lửa than hồng, lúc thì đỏ thâm, làm cho Catherine nghĩ đến những thời gian hòa bình rồi đến tao loạn, thay đổi chính phủ.

     Trong lòng khắc khoải lo âu, Catherine vào tòa giải tội để trình bày ơn đặc biệt nầy cho cha Aladel. Vì nhận thấy bề ngoài Catherine chỉ là một tập viên tầm thường, chẳng có gì đặc sắc để được trông thấy những sự lạ nầy, nên không tin và bảo Catherine đừng để tâm nghĩ đến các chuyện đó nữa. Catherine cúi đầu vâng lời, song mỗi lần từ nhà Saint Lazare về nhà dòng thì lại thấy thánh Vincent de Paul hoặc là quả tim của ngài.

     Trong nhà dòng, chẳng ai biết rõ nội tâm con người của Catherine. Bề ngoài thì cũng cho rằng chị ta nhơn đức, song nói rằng con người quê mùa, kém văn hóa mà thấy được Chúa Giêsu thì chẳng ai tin mà lại còn mỉm cười, mỉa mai, diễu cợt nữa là đàng khác. Cha Aladel đã có lần nghiêm nghị bảo Catherine : Cha yêu cầu con hãy để các chuyện ấy sang một bên, đừng nghĩ đến nữa. Âu đó chỉ là tưởng tượng, không chừng đó là chước cám dỗ của tội kiêu ngạo nữa. Con hãy chăm chỉ lo bổn phận theo luật dòng mà thôi.

     Ở nhà tập (noviciat) ngày qua ngày sống an bình, Catherine đã nhiều lần được thấy Chúa Giêsu và Thánh Vincent de Paul, nay còn ước ao được thấy Mẹ Maria nữa.

     Ngày 18.7.1830, Soeur Marthe thuyết trình về Mẹ Maria cho các tập viên. Catherine cảm thấy xúc động và đem lòng sùng kính Mẹ Maria một cách thiết tha nồng nàn, mong được thấy Mẹ Maria mà, lúc lên chín tuổi phải mồ côi mẹ, Catherine đã xin Ngài làm mẹ thay cho mẹ ruột của mình.

     Tối hôm ấy, linh tính báo rằng mình sẽ được thấy Mẹ Maria, Catherine lên giường ngủ, lòng thầm thĩ cầu nguyện với Đức Bà. Vào lúc 11 giờ 30, mọi người đều an giấc, không một tiếng động ngoài tiếng thở đều đều của các tập viên (novices) thì bỗng nhiên Catherine nghe tiếng gọi liên tiếp : Chị Labouré! Chị Labouré!” Catherine chỗi dậy, vén màn thì thấy một cậu bé mặc áo trắng bảo rằng : Sang nhà nguyện ngay đi, Đức Trinh Nữ đang đợi chị bên ấy. Catherine sợ làm ồn ào và đang do dự thì cậu bé nói : Soeur cứ yên tâm, mọi người đều ngon giấc. Tôi chờ Soeur đây. Catherine mặc áo xống, theo cậu bé rời nhà ngủ, xuống cầu thang, sang nhà nguyện, lòng ngại ngùng sợ rằng có người bắt gặp thì họ sẽ nói sao? Có một điều là, đến cửa nào, cậu bé dùng ngón tay chạm cửa thì cửa mở một cách nhẹ nhàng không một tiếng động.

     Vào nhà nguyện, Catherine quỳ xuống. Cậu bé bảo : Đức Trinh Nữ đến rồi. Catherine nghe tiếng sột soạt của một chiếc áo lụa, rồi thấy một bà tiến đến trước nhà tạm, bái kính, đoạn bà ấy đến ngồi trên chiếc ghế bành mà linh mục chủ tế thường ngồi. Catherine sửng sốt và tự hỏi không biết có phải đích thật là Mẹ Maria hay là một bà thánh nào, thì cậu bé xác định là Đức Trinh Nữ Maria đó.

     Catherine liền tiến đến, quỳ trước mặt Đức Bà, chấp hai tay lên đầu gối của Đức Bà và đôi mắt không rời khỏi khuôn mặt Ngài, còn cậu bé đứng tránh sang một bên. Đức Mẹ phán : Thiên Chúa muốn trao cho con một sứ mệnh mà con sẽ gặp nhiều chống đối, nhiều khó khăn. Con sẽ biết được nhiều biến cố bí ẩn trong hiện tại và tương lai. Con phải trình tất cả mọi việc ấy cho cha linh hồn của con là cha Aladel dầu ngài không tin lời con tường thuật. Thời thế thật nguy hiểm rắc rối. Nước Pháp sẽ gặp nhiều tai ương khốn khó, ngai vàng sẽ bị lật đổ, thế giới đảo lộn, và thiên hạ gặp gian truân.

     Bấy giờ, Đức Mẹ tỏ vẻ buồn phiền và Ngài bảo rằng : Bất cứ ai đến bàn thờ nầy mà cầu nguyện thì sẽ được ban ơn như ý. Mẹ cho biết sẽ có những xáo trộn chính trị. Các nữ tu phải tản mát. Mẹ khuyên phải trung thành giữ luật dòng. Mẹ sẽ che chở, phù hộ cho dòng Lazariste và dòng Nữ Tu Bác Ái. Trong các dòng sẽ có nhiều tu sĩ bị giết, hàng giáo phẩm Paris bị khốn đốn, đức Tổng Giám Mục sẽ bị tử hình.

     Nói đến đây thì Đức Mẹ khóc, Mẹ còn phán : Thánh giá sẽ bị khinh dể, sẽ bị chà đạp, sẽ bị ném xuống đất, cạnh nương long Chúa Giêsu bị moi móc lại. Đường sá phố phường sẽ ngập máu đào. Thế giới sẽ chìm đắm trong tang tóc, đau thương.

     Đức Mẹ không nói được nữa, và mặt Mẹ nhuộm màu đau thương sầu thảm không tả được và Ngài khóc. Sau đó thì theo hướng lúc nãy, Ngài biến đi. Catherine đứng dậy. Cậu bé lại xuất hiện và nói : Ngài đi rồi. Đoạn theo lối cũ hướng dẫn Catherine lên phòng ngủ rồi biến mất, lúc ấy là 2 giờ 30 sáng. Lên giường, Catherine không ngủ lại được nữa, lòng tràn ngập sung sướng và cảm tạ ơn Mẹ nhơn lành.

     Qua hôm sau, tuân theo mệnh lệnh của Mẹ Maria, Catherine vào tòa giải tội, tường thuật mọi chi tiết với cha Aladel về việc Đức Mẹ đã hiện ra với mình. Cha Aladel đón nghe một cách hờ hững lãnh đạm, bán tín bán nghi. Dần dần nhiều biến cố xảy ra. Quân phiến loạn nhũng nhiễu phố phường, ồ ạt kéo nhau đi cướp phá các thánh đường, các nhà dòng, nhưng lạ lùng thay, chúng có đến dòng Lazariste, song không vào, cổng nhà dòng được tôn trọng, nhờ vậy mà cha Aladel biết được lòng ngay thẳng thật thà của Catherine.

     Phần Catherine, hạnh phúc tràn ngập cõi lòng, ngày càng sốt sắng lo nhiệm vụ của mình, tuân giữ luật dòng và linh cảm rằng mình sẽ được trông thấy Mẹ Maria nữa. Ngày tháng trôi qua. Thời gian làm tập sinh chấm dứt. Ngày 5.2.1831, Catherine được mặc áo dòng, làm nữ tu chính thức, sự mong muốn của thời 12 tuổi nay được toại nguyện.

     Bề trên dòng biết rằng soeur Catherine nhơn đức, nết hạnh, kỷ luật, song văn hóa kém nên sai đi phụ bếp tại viện dưỡng lão ở đường Picpus Paris. Viện này có trên 50 ông già, công việc nhà bếp không phải là ít, soeur Catherine đảm đang vuông tròn. Qua một thời gian, bề trên cử Soeur Catherine trực tiếp săn sóc những ông già ấy. Lòng từ bi bác ái như biển cả, soeur Catherine lo cho họ từng ly từng tí, không để cho ai phải thiếu thốn bất cứ một thứ gì; ngoài ra, soeur Catherine còn phụ trách chuồng gà nữa, nên chị em nửa đùa giỡn, nửa mỉa mai gọi soeur Catherine là soeur chuồng gà. Những trách nhiệm nầy, soeur Catherine đảm trách tận tâm tận lực cho đến tuổi già xế bóng.

     Trở lại phần cha Aladel. Ngài rất đỗi ngạc nhiên đến phải khâm phục khi biết rằng soeur Catherine rất kín miệng, không thuật lại cho một ai biết việc mình đã được thấy Đức Mẹ, dù là với bề trên trực tiếp; nên cha Aladel càng tín nhiệm. Ngài đi yết kiến Đức Cha Quélen, Tổng Giám mục Paris, trình bày tất cả mọi sự việc mà soeur Catherine đã xưng ra trong tòa giải tội, rồi xin phép cho mình đúc tượng Đức Mẹ theo kiểu mẫu Mẹ đã phán dạy.

     Đức Tổng giám mục ưng thuận. Cha Aladel yên lòng, mướn thợ đúc khoảng 20.000 cái, phổ biến và khuyến khích nhiều người mang tượng ấy, thời gian nầy là năm 1832. Sự việc nầy lan tràn nhanh chóng. Vua Pháp, Tổng giám mục Paris, cha Aladel, các nữ tu Bác Ái đều nhận lãnh tượng, Đức Giáo hoàng Grégoire XVI nhận tượng để gắn vào thánh giá trong phòng của Ngài. Riêng soeur Catherine khi nhận được, đã hôn kính tượng rồi mới mang vào cổ. Từ đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã gởi thơ về dòng Nữ Tu Bác Ái, rue du Bac Paris xin tạ ơn vì Đức Mẹ Maria đã ban cho nhiều người được ơn nhờ mang ảnh của Mẹ. Trước sự việc này, giáo quyền Paris phải hội họp, nghiên cứu để xác quyết.

     Một hôm, cha Aladel cho soeur Catherine biết rằng Đức Tổng Giám mục Parismuốn được nghe việc Đức Mẹ hiện ra, song soeur Catherine khiêm tốn thưa : Thưa Cha, Đức Mẹ dạy con chỉ trình bày cho một mình Cha mà thôi.

     Soeur Catherine sống kết hiệp mật thiết với Mẹ Maria, nên trong những giờ nguyện gẫm, được Mẹ soi sáng dìu dắt. Cứ theo đà ấy, Mẹ dạy soeur Catherine xin phép cha Aladel lập hội Con Cái Đức Mẹ để hội viên được Mẹ phù hộ và hưởng nhờ nhiều ơn ích. Từ đó, hội phát triển chẳng những tại Pháp mà nhiều nước trên thế giới cũng có hội lành ấy. Riêng dòng Nữ Tu Bác Ái thu nhận nhiều thanh thiếu nữ nhập dòng.

     Năm 1858, tại Lourdes, Mẹ Maria đã hiện ra cho cô Bernadette tại hang đá Massabielle. Trong lần xuất hiện cuối cùng, Mẹ đã tuyên bố tước hiệu : Ta là  Đấng chẳng mắc tội truyền. Sự kiện này càng làm cho soeur Catherine hân hoan phấn khởi, vì như thế, Mẹ xác định điều quan trọng ở lời nguyện mà Mẹ đã phán truyền cho mình đêm 18 rạng ngày 19 tháng 7 năm 1830 tại nhà nguyện của dòng.

     Tháng ngày trôi qua, năm 1860, nhà dòng Reuilly thay đổi bề trên. Bà bề trên mới rất khắt khe đối với soeur Catherine, lắm lần quở trách soeur Catherine một cách bất công và vô lý, rồi cử một nữ tu trẻ tuổi coi sóc viện. Soeur Catherine bàn giao quyền hành rồi tiếp tục mọi việc dưới quyền của nữ tu trẻ tuổi này.

     Năm 1865, cha Aladel qua đời. Soeur Catherine, trong lòng thương tiếc, song nghĩ rằng Mẹ Maria cũng ân thưởng cho ngài là một người tôi trung thành, đã thực hiện được việc đúc ảnh tượng của Mẹ, duy còn bàn thờ và pho tượng lớn là chưa thực hiện được mà thôi. Một ngày kia, bề trên cả cho gọi soeur Catherine về nhà dòng chính. Trong lúc đàm đạo, bề trên cả hỏi : Soeur Catherine, tôi định cử Soeur làm bề trên một nhà dòng. Soeur nghĩ thế nào? Soeur Catherine giựt mình đáp : Mẹ cử con làm bề trên ư? Mẹ cũng dư biết là con không đủ khả năng mà. Bà bề trên : Soeur nghĩ như thế ư?”. Soeur Catherine : Thưa Mẹ, Mẹ cứ hỏi bất cứ ai trong dòng, họ cũng đều nói như thế cả. Con không đủ khả năng. Bề trên cả do dự, nhìn thẳng vào mắt soeur Catherine và thấy rõ sự đơn sơ chân thật của kẻ đối diện với mình nên không nài ép và để soeur Catherine trở về lo săn sóc mấy người già lão và chăm nom chuồng gà.

     Thời cuộc đổi thay như Mẹ Maria đã báo trước cho soeur Catherine biết. Năm 1870, Pháp chiến tranh với Đức. Nhà dòng Reuilly biến thành bệnh viện dã chiến cho hàng trăm binh sĩ và thường dân bị thương, công việc càng thêm nhiều và nhọc nhằn vất vả. Lương thực thiếu hụt, thiên hạ thiếu ăn. Người ta phải ăn thịt chó, thịt mèo, kể cả chuột cống. Pháp thất bại, tiếp đến là nội chiến, người ta thành lập Công xã nhân dân” (Commune), từng đoàn lũ vũ trang đi cướp phá các tu viện. Paris mất an ninh.

     Một buổi chiều nọ, trong giờ giải trí, soeur Catherine thuật lại cho các chị em giấc mộng như sau : Mẹ Maria đến tìm mà không gặp bề trên, nên Mẹ đến ngồi vào bàn viết của bề trên rồi Mẹ phán với Catherine rằng : Vì soeur Dufès vắng nhà, con bảo với soeur ấy cứ đi bằng yên. Mẹ sẽ chăm nom nhà dòng. Soeur Dufès và soeur Claire đi về Midi và sẽ trở lại đây ngày 31.5.1871.

     Vài hôm sau, một toán loạn quân đến chiếm nhà dòng Reuilly, chúng dồn các nữ tu lên tầng trên, chúng lục soát tìm bắt hai người lính sơn đầm (gendarme) để giết. Soeur Dufès chận chúng nó lại. Một tên vung kiếm định đánh thì soeur Dufès nghiêm nghị bảo : Không được đụng đến tôi. Tên phiến loạn cụt hứng, nhờ vậy hai người lính sơn đầm thoát chết. Chúng lại toan bắt soeur Dufès, song các nữ tu bao quanh soeur Dufès. Toán phiến loạn kéo nhau đi và dọa sẽ trở lại. Nhà dòng sống trong lo âu khắc khoải, song soeur Catherine trấn an mọi người vì soeur nhớ lại lời Mẹ đã phán “Sẽ có ngày người ta bị nhiều gian truân tưởng e mất tất cả. Ngày ấy, Mẹ sẽ ở với chúng con. Chúng con hãy vững tin. Chúng con sẽ thấy Mẹ đến viếng và Chúa sẽ phù hộ chúng con.

     Trong những ngày tao loạn, soeur Catherine làm trung gian giữa quân phiến loạn và các nữ tu, biết dùng lời lẽ nói phô làm cho bọn người này bớt hung hăng và trở nên êm dịu, rồi dần dần, kẻ trước người sau xin ảnh tượng Đức Mẹ để đeo vào người. Đúng như giấc mộng hôm vừa rồi. Soeur Dufès không bị bắt và về Midi với soeur Claire.  Soeur Catherine nói với các chị em : Bây giờ Mẹ Maria là bề trên của chị em mình, và trong thời buổi nhiễu nhương nầy, nhờ ơn Mẹ, soeur Catherine luôn luôn bình tĩnh sáng suốt nên trong nhà, mọi người đều an lòng.

     Bọn phiến loạn vẫn còn hoành hành tác oai, tác quái. Ngày 29.4.1871, tòa án công xã nhân dân triệu thỉnh soeur Catherine ra tòa để đối chất khai thác về hai người lính sơn đầm mà chúng nghi là đã ẩn trốn trong nhà dòng, nhưng không có kết quả. Tối hôm ấy, toán quân đã chiếm nhà dòng, rượu chè be bét, la lối om sòm, định lên lầu là nơi các nữ tu đang họp nhau cầu nguyện quanh Mình Thánh Chúa. Trước nguy cơ nầy, các nữ tu cho nhau rước lễ. Đoạn nghe có tiếng chân của tên đầu đàn bước lên cầu thang rồi đấm cửa. Cửa mở ra, hắn ta sửng sốt nhìn các nữ tu đang đăm chiêu cầu nguyện nên không gây sự, hắn ra khỏi phòng, đóng cửa lại rồi nằm chắn ngang cửa và tuyên bố rằng tên nào muốn làm hại các nữ tu thì hắn sẽ nghiêm trị thẳng tay. Thật lạ lùng thay!!! Chính Mẹ Maria đã bênh vực con cái của Mẹ.

     Đến sáng ngày, chị em nữ tu bàn nhau là nên phân tán ra từng nhóm nhỏ, tìm đến các chi nhánh của dòng mà lánh nạn. Là người cuối cùng rời khỏi nhà, soeur Catherine đến trước pho tượng Mẹ, lấy mũ triều thiên của Mẹ cất giấu trong hành lý, nguyện cầu Mẹ cho mình được trở về dòng vào ngày 31 tháng 5 để kết thúc tháng hoa, đoạn tìm đến Ballainvilliers lánh nạn.

     Khi được tin loạn quân xúc phạm pho tượng Đức Bà Chiến Thắng (Notre-Dame des Victoires) thì soeur Catherine nói : Chúng xúc phạm tượng Đức Bà thì số phận chúng chẳng còn bao tháng ngày nữa. Đúng như vậy, ngày 21.5.1871, quân của chính phủ tiến vào Paris, tảo thanh, bình định thủ đô. Ngày 30.5.1871, soeur Dufès từ Toulouse lên và tìm gặp soeur Catherine để trở về dòng. Đúng ngày 31.5.1871, soeur Catherine đặt mũ triều thiên lên đầu pho tượng Mẹ Maria rồi nói : Lạy Mẹ, trước đây con đã xin Mẹ cho con được đặt lại triều thiên cho Mẹ vào ngày 31.5. Con xin cám ơn Mẹ đã nhậm lời con.

     Từ đây, sinh hoạt của dòng trở lại như cũ song phải nhọc nhằn vất vả hơn và trước nhiều lắm. Riêng soeur Catherine thì tuổi đã khá cao lại thêm trong người đã sẵn có bệnh. Phần quân phiến loạn (communards) đều bị đày sang quần đảo Nouvelle-Calédonie.

 

     Năm 1872, một buổi sáng kia, có một thiếu nữ tên là Maria Lafon đến viện dưỡng lão Reuilly trong một trường hợp cũng khá ly kỳ. Nguyên cô ta cảm thấy có ơn thiên triệu làm nữ tu, nhưng không biết phải vào dòng nào. Cô ta vào đền thờ Đức Bà Fourvière ở Lyon để cầu nguyện, rồi như có linh tính báo rằng phải lên Paris. Vậy, cô ta đến nhà ga, lấy vé xe lửa đi Paris. Xuống xe, cô ta đi lang thang và không ngờ ngang qua viện dưỡng lão. Bấy giờ là năm giờ sáng. Qua cửa sổ, soeur Catherine nhìn thấy liền mở cửa mời cô ta vào, đãi cho một chầu điểm tâm nóng sốt ngon lành, đoạn nghe cô ta trình bày lý do lên Paris. Soeur Catherine đề nghị với bề trên nhận cô ta làm đệ tử. Bề trên giao cô ta cho soeur Catherine dìu dắt. Qua mọi giai đoạn tập tành, cuối cùng, cô ta được mặc áo dòng tức là soeur Marie Lafon.

     Đầu năm 1874, Tonine tức là Marie Antoinette lâm bệnh nặng, ước ao được gặp mặt chị. Về đến nơi thì Tonine cũng gần hấp hối, soeur Catherine giúp đỡ em dọn mình qua đời một cách lành thánh. Mặt khác, soeur Catherine cũng được vui sướng giới thiệu cậu con trai của Tonine vào dòng các cha Lazaristes và về sau, cậu ấy được cử làm bề trên dòng nầy. Vì tuổi già và sức cùng lực tận, soeur Catherine được bề trên giao cho việc giữ cửa, suốt ngày bình thản đón đưa kẻ đến người đi. Ngày tháng dần dần trôi qua và bước sang năm 1876, soeur Catherine nói : Nay là lần cuối cùng mà tôi thấy được ngày nguyên đán.

     Sự việc làm cho soeur Catherine khắc khoải lo âu từ nhiều năm nay là chưa thực hiện được bàn thờ và pho tượng Mẹ Maria đứng trên quả địa cầu. Vì cảm thấy ngày lâm chung của mình sắp đến, soeur Catherine đã gặp bề trên dòng và thưa : Con không còn sống bao lâu nữa nên con tưởng rằng đã đến lúc phải trình bày mọi việc cho bề trên biết, song ngặt vì Mẹ Maria dạy con chỉ được trình cho cha linh hồn con mà thôi. Vậy, để tối nay đọc kinh, con cầu nguyện xin ý kiến của Mẹ, nếu Ngài bằng lòng, con sẽ nói hết cho bề trên biết, bằng trái lại, con sẽ không nói gì hết.

     Suốt đêm hôm ấy, bề trên trằn trọc, mong ước cho trời sáng để được biết Đức Mẹ có cho phép soeur Catherine nói cho mình những gì Mẹ Maria truyền dạy hay không. Vậy, sáng ngày, soeur Catherine mời bề trên đến phòng khách lúc 10 giờ. Giờ đây, diện đối diện, soeur Catherine tường thuật rành mạch những lần Mẹ Maria hiện ra kể từ lần đầu tiên do cậu bé đánh thức lúc 11 giờ 30 đêm 18.7.1830 dẫn sang nhà nguyện để chầu Mẹ cho đến những lần Mẹ hiện ra truyền đúc tượng, xây bàn thờ, tạc pho tượng Mẹ đứng trên quả địa cầu. Thời cuộc đã xảy ra như lời Mẹ tiên báo, những ơn lành hồn xác Mẹ đã ban nhờ mang tượng ảnh của Mẹ, v.v... nay chỉ còn việc phải xây bàn thờ và tạc pho tượng là chưa thực hiện được như ý Mẹ muốn. Cuộc gặp gỡ chấm dứt lúc đúng ngọ. Soeur Dufès vô cùng kinh ngạc, xúc động cả tâm can, rồi xin phép với hữu quyền xây bàn thờ và tạc pho tượng Mẹ đứng trên quả địa cầu. Khi được nhìn pho tượng, soeur Catherine nói : Đức Mẹ đẹp hơn thế hàng trăm ngàn lần. Vậy là mối lo âu của soeur Catherine được giải quyết. Bây giờ, đến phần giáo quyền lập thành hồ sơ biến cố quan trọng nầy, nên trên giấy trắng mực đen, soeur Catherine phải trình bày, khai báo minh bạch để yên lòng đợi ngày Mẹ nhơn lành đến đón về thiên cung.

     Tháng 11.1876, soeur Catherine về dòng chính (maison mère), rue du Bac để tĩnh tâm. Ngày 30.12.1876, một nữ tu xin soeur Catherine nói về Mẹ Maria thì soeur Catherine khuyên rằng phải lần hạt mân côi sốt sắng và tôn kính Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Soeur Catherine cũng nhắc lại lời Đức Mẹ hứa ban ơn cho những ai đến nhà nguyện của dòng, nơi Mẹ đã hiện ra, mà cầu nguyện.

     Sáng ngày 31.12.1876, soeur Catherine lãnh các bí tích cuối cùng rồi, dầu mệt nhọc, cũng tuyên khấn dòng trước mặt các nữ tu. Đến chiều, nhiều lần bất tỉnh nhưng rồi cũng thông công đọc các kinh tử hậu, đến bảy giờ thì lịm dần dần, cuối cùng hồn lìa khỏi xác một cách êm đềm dịu dàng, thánh thiện. Theo lời thỉnh cầu của các nữ tu Reuilly, ngày 3.1.1877, linh cữu của soeur Catherine được rước về bên ấy, là nơi mà soeur Catherine đã tận tâm phục vụ mấy chục năm nay.

     Giáo quyền lập hồ sơ để xin phong á thánh. Để bổ túc hồ sơ, năm 1932, nghĩa là 56 năm sau khi soeur Catherine qua đời, Đức Hồng y Verdier cho lệnh quật khai quan tài thì lạ thay, xác vẫn nguyên vẹn, bác sĩ y lý lật mí mắt thì xác nhận hai con mắt vẫn xanh tươi như người sống. Thi hài của Soeur Catherine lại được về dòng chính, rue du Bac, Paris, rồi cho vào lồng kính và đặt dưới bàn thờ Đức Mẹ.

     Năm 1933, Đức Piô XII phong soeur Catherine lên bậc Á Thánh. Năm 1947, Đức Piô phong Á Thánh Catherine lên Hiển Thánh.  Về ơn lạ Mẹ Maria đã ban, nhờ ảnh của Mẹ thì nhiều. Nhịp Cầu chỉ nêu lên một số ít để dẫn chứng, ước mong nhiều bạn đọc, sẵn có lòng sùng kính Đức Mẹ, mang ảnh tượng Mẹ vào người, hầu được Mẹ phù hộ, chở che cho cả hai phần hồn xác.

     Ngay sau khi mới qua đời, Thiên Chúa đã ban cho soeur Catherine Labouré được làm phép lạ. Trường hợp như sau : Tại Reuilly, một đứa bé trai 10 tuổi, bị bại cả hai chân. Người ta dẫn nó đến viếng và cầu nguyện nơi mồ soeur Catherine, cho hai chân nó chạm vào mồ thì chân được lành ngay tại đó.

     Năm 1842, ông Alphonse Ratisbonne là một người Do Thái rất vị vọng, thường hay mạt sát đạo công giáo. Một hôm, ông ta du lịch Rôma, đến thăm người bạn ngoan đạo là ông De Buissières. De Buissières tặng bạn tượng Đức Mẹ hay làm phép lạ. Bất đắc dĩ, không từ chối được, Ratisbonne cũng mang tượng vào cổ rồi cả hai cùng đi thăm Rôma. Khi ngang qua thánh đường giáo xứ, cả hai cùng vào. De Buissières có chút việc phải vào phòng thánh (sacristie), yêu cầu bạn chờ mình. Ratisbonne bách bộ đi xem thánh đường, bất chợt, thấy một bà rất đẹp giống với bà trong ảnh. Ratisbonne như bị nam châm thu hút, chạy đến trước mặt bà ấy. Bà ấy cúi người và bảo Ratisbonne quỳ xuống. Ratisbonne vâng lời, quỳ mặt sát đất rồi ngẩng đầu nhìn, hai mắt ngang với hai tay của bà và đinh ninh là mình được ơn tha thứ. Ratisbonne khóc nức nở như một đứa bé. De Buissières thấy bạn đang quỳ, mặt mày rạng rỡ. Ratisbonne nói với bạn : Bà ấy không phán bảo gì hết song tôi hiểu lắm rồi. Xin anh đưa tôi đi gặp linh mục ngay.

     Ratisbonne được chịu phép rửa tội, đi tu và được làm linh mục, và suốt đời kêu gọi đồng hương mình ăn năn trở lại đạo công giáo. Trước khi chết, linh mục Ratisbonne có lời trối trăn, trên mộ của mình xin khắc câu : Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ nhớ đến đứa con mà Mẹ đã chinh phục một cách vẻ vang vì lòng yêu thương.

     Việc ông Ratisbonne ăn năn trở lại đã vang dội và càng tăng ảnh hưởng của Mẹ Maria hay làm phép lạ.

     Ở ngoại ô Paris có một thiếu nữ tên là Violette, con của một gia đình chẳng hề biết đạo hạnh là gì. Violette lâm bệnh, nên mời soeur Louise đến tiêm thuốc. Lợi dụng cơ hội, soeur Louise nói về Chúa Giêsu, song Violette chẳng muốn nghe. Soeur Louise tặng Violette một ảnh tượng Đức Mẹ và khuyên cô thỉnh thoảng hôn ảnh tượng. Violette nói : Vâng, làm như vậy thì được. Qua ngày sau, soeur Louise đến thì Violette nói : Soeur ơi, em đợi soeur từ sáng sớm. Em xin được rửa tội gấp. Em không hiểu gì. Cái ảnh nầy đây. Mẹ Thiên Chúa đã nói với em về phép rửa tội. Sau vài ngày dạy những điều thiết yếu về giáo lý, Violette chịu phép rửa tội và qua đời một cách êm ái dịu dàng.

     Tại Congo Belge, trong một làng nọ, có một giáo sĩ thấy nhiều trẻ em bị rắn độc cắn. Chân chúng sưng vù, lên cơn sốt, nhức nhối không chịu được. Giáo sĩ chẳng có thuốc men để cứu chữa, bèn mang vào cổ chúng mỗi đứa một ảnh tượng Đức Mẹ hay làm phép lạ. Lạ lùng thay!!! Cơn sốt hạ liền, chân hết sưng, hết nhức, chúng nó được lành hẳn và trong làng cũng không còn thấy loại rắn độc xuất hiện nữa.

Năm 1915, buổi sáng kia, kho của nhà hàng Du Bon Marché bốc cháy. Nhà hàng nầy sát với nhà dòng chính Nữ Tu Bác Ái, rue du Bac. Lửa cháy hỗn độn, không thể dẹp được, người ta phải di tản các nhà kế cận và mọi người đều ái ngại cho nhà dòng. Phần các nữ tu, với lòng cậy trông vững vàng vào sự phù hộ của Mẹ Maria, họp nhau cầu nguyện. Lạ lùng thay!!! Theo lẽ thường, ngọn lửa đáng lẽ ra thì bắt cháy sang tháp chuông bằng gỗ, song đến đó thì tự nhiên ngọn lửa dừng hẳn lại. Đoạn, toàn thể nhà hàng sụp đổ, gây tiếng động như sấm sét, nhà nguyện của dòng là nơi Mẹ đã hiện ra không hề hấn gì.

     Nhà hàng Du Bon Marché được tái thiết và nơi vách tường cạnh nhà dòng, người ta đã tạc bia đá ghi lại ơn lạ Mẹ Maria đã ban.

     Năm 1942, tháng chín, giữa Đệ nhị Thế Chiến, hai thiếu niên của viện mồ côi Notre-Dame de Boisguillaume, ngoại ô Rouen đi về thị xã nhận phẩm vật tiếp tế. Chúng gặp ngay cuộc dội bom trên thành phố, tiếng bom nổ rít lên kinh khủng, nhà cửa sụp đổ tan tành ngổn ngang. Hai trẻ chạy vào một hành lang gần đó để trú ẩn.

     Xong trận dội bom, mình chúng đầy cát bụi, nhìn chung quanh thì thấy cả ngôi nhà sụp đổ duy chỉ có phần trần nhà nơi chúng trú ẩn và chiếc xe chở thực phẩm vẫn nguyên vẹn. Chúng hôn kính ảnh tượng Mẹ Maria rồi đẩy xe về. Toàn viện reo mừng cảm xúc tột độ và đội ơn Mẹ Maria đã phù hộ hai trẻ mồ côi, giữa bom đạn, không bị một chút thương tích gì.

Thân tặng chị Catherine Lâm Phương Mai và đoàn Thanh Thiếu Nữ Cộng đoàn Đức Mẹ Lavang, Strasbourg.
Hồ Đắc Hóa

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art