Thứ Năm, 24 Tháng Năm, 2012

Chúa Giêsu : Lời và Hành động

Theo những văn bản của các tông đồ ghi lại, Thiên Chúa xuống thế làm người truyền sự sống cho nhân loại. Các ông không dám tự cho mình là những nhà ngụy biện bàn luận về Thiên Chúa. Họ giảng dạy như những nhân chứng đức tin giữa lòng mầu nhiệm Thiên Chúa. Các tông đồ cũng như các tác giả Tân Ước cố gắng truyền đạt mầu nhiệm bằng cách trình bày con người thật của Chúa Kitô và mối quan hệ nhân loại với Người.     

Tuy nhiên, mầu nhiệm nhập thể được mặc khải trong Cựu Ước, rồi do Chúa Giêsu tiếp nối cho đến những Kitô hữu tiên khởi không phải một việc quá khứ, nhưng là khởi thủy lịch sử nhân loại và mở màn cho mặc khải duy nhất. Trước hết, mọi mặc khải mang ý nghĩa truyền cái gì đó của một người đến một người khác. Trong Tân Ước, chính Thiên Chúa tỏ mình qua Người Con là Chúa Giêsu Kitô. Ngôi lời nhập thể hóa thành trung tâm điểm của truyền thông vì Người mang mối quan hệ duy nhất với Thiên Chúa Cha :"Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết Người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho" (Mt 11,27 ; Lc 10,22). Chúa Kitô truyền cho ai biết về Chúa Cha là tùy Người, dầu sao cũng không phải theo lối giải thích rườm rà nhưng bằng lời nói và hành động. Ngôi Hai nhập thể mang khái niệm thực tế bao gồm mối quan hệ ở đây và ngay từ bây giờ, tức là sự hiện diện của Thiên Chúa được cụ thể hóa bằng lời Người. Một mặc khải bằng lời. Quan niệm Kinh Thánh về truyền đạt bằng lời vừa sống động vừa đầy ý nghĩa. Lời đây không chỉ là một lời nói đơn thuần nhưng một tác động đích thực, vừa biểu lộ vừa đưa đến đối thoại.      

Thánh Gioan trong Lời Tựa mở đầu cuốn Tin Mừng xác định Chúa Kitô như Lời Chúa : "Lúc khởi đầu, vẫn có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa" (Ga 1,1). Đối với Gioan, Chúa Giêsu thành Nazareth không chỉ là Chúa Kitô song là Ngôi Lời nhập thể. Người mang mối truyền thông tư tưởng và khôn ngoan duy nhất của chính Thiên Chúa. Thánh Gioan nhấn mạnh nơi câu đầu Lời Tựa đến công trình Thiên Chúa sáng tạo bằng lời. Tác giả phục chế sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người ghi lại theo dòng văn Tư tế về chương trình tạo dựng vũ trụ do lời Thiên Chúa phán truyền (St 1,1-31). Ngay đầu sách Khởi nguyên, tác giả đưa hình ảnh Thiên Chúa vừa tạo dựng vừa truyền thông. Những câu như "Chúa phán" và "Chúa gọi" được lặp đi lặp lại sau mỗi tiến trình tạo dựng chẳng khác gì những tiếng vọng cho điệp khúc "Chúa làm" và "Chúa tạo dựng". Diễn tiến giữa lời tạo dựng và lời nhập thể càng rõ ràng hơn trong mối tương quan việc Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Người (Kn 1,26). Được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa được tạo dựng để đối thoại truyền thông. Ai cũng đồng ý truyền thông là điều rất cần cho nhân loại. Tuy nhiên, truyền thông của người Kitô hữu không phải là một chiến lược hay những công thức khuyến dụ kẻ khác tin theo Kitô giáo. Ơn gọi truyền thông phải được xây dựng trên nền tảng bản tính Thiên Chúa ; vì công trình sáng tạo và giao ước giữa Thiên Chúa với nhân loại là biến cố được thực hiện trọn vẹn hoàn hảo trong Chúa Kitô. Cũng vì vậy ý nghĩa thần học về truyền thông được phát nguyên từ hành động Chúa Giêsu mặc khải trong Tân Ước.

I. Dụ ngôn : một hình thức truyền thông

Trong Tin Mừng, dụ ngôn là những đoạn dễ nhớ nhất. Những câu chuyện này kết thành một phần căn bản thiết yếu trong cách Chúa Giêsu giảng dạy. Đó là loại văn bình dị, phản ảnh đời sống thường nhật dân gian thời bấy giờ. Dụ ngôn dẫn đưa người nghe vào khung cảnh đời sống quen thuộc, đơn sơ, dễ hiểu vì những chi tiết rất thực tế (1). Khi nghe dụ ngôn, chúng ta dễ dàng theo dõi và thoạt đầu không cần gắng tìm hiểu ý nghĩa câu chuyện ra sao như một số đoạn khác của Kinh Thánh. Tuy thế, thánh Máccô ghi rằng dân chúng và ngay cả các môn đệ đã có lần xin Chúa Giêsu giải thích một số chuyện dụ ngôn (Mc 4,10).

A/ Định nghĩa dụ ngôn.

Từ "dụ ngôn" dịch ra từ tiếng Híp ri "Mashal" mang ý nghĩa rất uyển chuyển. "Mashal" có thể là một câu ca dao do kinh nghiệm đời sống thường nhật trong dân gian lâu đời tạo ra. Sách Samuel 1 kễ chuyện vua Saolê lấy 3000 tinh binh đi truy bắt Đavít, khi ông được dịp để giết vua, ông không ra tay và chỉ cắt vạt tấm bào của vua. Sau đó, Đavít lấy tấm bào ra làm chứng để tỏ lòng nghĩa  hiệp và cung kính của mình đối với địa vị linh thiêng nhà vua nói : "Dữ từ kẻ dữ xuất ra nên tôi không hại đến Ngài" (1S 24,14). Ngoài ra "Mashal" còn là lối chuyển nghĩa giải thích những sự kiện như lời nhắn nhủ của Đức Khôn Ngoan : "Khôn Ngoan đã xây nhà cho mình, Ngài đã đẽo bảy cây cột. Ngài đã hạ súc vật, hãm rượu. Ngài cũng đã dựng bàn. Ngài đã phái các nữ tì rao truyền trên các đỉnh cao của thành phố: "Ai là kẻ ngây ngô hãy qua đây !". Với kẻ dại khờ, Ngài nói : "Hãy đến ! Hãy ăn bánh của ta, và uống rượu của ta hãm, hãy trúc bỏ ngây ngô và các ngươi sẽ sống, và hãy bước thẳng trong đường của hiểu biết" (Cn 9,1-6) ; "Mashal" cũng có thể là một trình thuật như lời vua Israel Yôas đối đáp vua Yuđa Amasias. Khi ông này tuyên đấu với Yôas, vua Israel sai người đến nói : "Cà cuốc trên rặng Liban sai sứ đến với bá hương trên rặng Liban mà rằng... " (2V 14,9t). Tóm lại, "Mashal" thuộc loại văn thuần túy đông phương được dùng diễn tả hơn là lý luận.

Trong Tin Mừng, các nhà Nhất Lãm dùng từ "parabolè" (2) tiếng Hy lạp dịch từ "Mashal", còn Tin Mừng theo thánh Gioan lại dùng từ "paroimia". Cả hai từ trên mang một nghĩa và nêu rõ lối văn so sánh. Từ "parabolè" (= dụ ngôn) có khi chỉ nằm trong một câu văn như : "Khi Chúa Giêsu bỏ dân chúng vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy (= parabolè)" (Mt 15,15 ; Mc 7,17 ; Lc 4,23 và 5,36). "Parabolè" cũng mang nghĩa "tục ngữ" như : "hẳn là các ông muốn trưng câu tục ngữ (= parabolè) "thầy lang ơi hãy chữa lấy mình..." (Lc 4,23). Theo Luca 14,7, từ này lại có ý như một thể lệ : "Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên mới nói với họ thể lệ này (= Parabolè) : khi anh được mời đi ăn...". Ngoài ra, nó còn có nghĩa như một ẩn ngữ, trong Tin Mừng Máccô Chúa Giêsu nói với dân chúng cái gì làm cho con người ra ô uế ? Các môn đệ không hiểu và hỏi Người về ẩn ngữ (=parabolè) ấy (Mc 14,7). Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái dùng từ này với ý một hình ảnh biểu tượng : "Điều ấy là hình ảnh ám chỉ (= parabolè) thời hiện tại cho thấy những lễ vật và hy lễ tiến dâng Thiên Chúa không có thể làm cho lương tâm người cử hành việc phụng tự trở nên hoàn thiện (Dt 9,9). Và khi nói về đức tin gương mẫu của các tổ phụ, tác giả viết : "Quả thật, ông Abraham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết chỗi dậy. Bởi thế, ông đã được lại người con và sự việc này là một hình bóng (= parabolè)" (Dt 11, 19).

Từ "paroimia" được dùng năm lần trong Tân Ước. Bốn lần trong Tin Mừng theo thánh Gioan 10,6 ; 16,26.29 và một lần trong thư thứ hai của thánh Phêrô 2,22. Từ này mang ý so sánh lời nói với nội dung câu chuyện. Mục đích không phải đưa ra một minh họa nhưng lời mời gọi người nghe tìm ý nghĩa nơi mỗi chi tiết câu chuyện như dụ ngôn người  Mục tử nhân lành (Ga 10,1-21), dụ ngôn Cây nho thật (Ga 15,1-8) hay hình phạt tương lai cho những kẻ khinh dể chủ quyền Thiên Chúa : "Điều xảy ra cho họ thật đúng vơi câu ngạn ngữ (= paroimia) chó mửa ra, chó liền ăn lại, heo tắm xong, heo nhảy vào bùng" (2P 2,22).

Dụ ngôn cũng có thể là ám dụ, một lối văn nói bóng gió, giá đó chém đây ; một câu chuyện mang nhiều hình ảnh được xếp đặt kề nhau. Trong Tin Mừng cũng có những câu chuyện kết hợp dụ ngôn và ám dụ. Thí dụ dụ ngôn người gieo giống, đoạn mô tả người đi gieo (Mc 4,3-9 ; Mt 13,18-23 ; Lc 8,5-8) mang tính chất dụ ngôn ; phần giải thích là thể văn ám dụ (Mc 4,13-20 ; Mt 13,18-23 ; Lc 8,11-15). Tóm lại những định nghĩa trên, dụ ngôn là câu chuyện hình tượng hóa lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Đặc tính những câu chuyện này được trình bày bằng hình ảnh thường thấy trong đời sống hằng ngày, giúp người nghe thâu nhận các ý thâm sâu. Phương pháp giáo dục này dùng lối so sánh, kích thích tò mò người nghe : "Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà tìm hiểu. Khi nó đâm chồi nẩy lộc, thì anh em biết là gần đến mùa hè. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi". (Mc 13,28-29).

B/ Dụ ngôn : phương cách truyền thông của Chúa Giêsu.

1.  Chúa Giêsu không sáng tạo ra loại văn dụ ngôn.

Trong phần tìm định nghĩa, chúng ta thấy loại văn chương này rất cụ thể giúp người nghe dễ  hiểu và dễ nhớ. Trong Cựu Ước, từ khởi thủy dân Chúa chọn đã biết tâm tính thực tế khi nhìn và giải thích sự kiện. Ví dụ vấn đề Thiên Chúa siêu việt không thể nào trình bày một cách rõ rệt được : "Ngươi sẽ không tạc tượng thần, tạc hình vật gì nơi trời bên trên hay nơi đất bên dưới, hay trong nước bên dưới đất" (Xh 20,4). Đời sống thần linh phải giải thích từ những thực thể mang dấu chỉ, vì vậy những nhân hình thuyết là những biểu tượng chất chứa mầm mống như những dụ ngôn : "Giavê Thiên Chúa đã nắn hình người với bụi lấy từ đất đai..." (Kn 2,7). "Giavê Thiên Chúa đã nắn ra từ đất đai mọi thứ dã thú và mọi giống chim trời..." (Kn 2,19). Các ngôn sứ cũng minh họa lời giảng dạy với những thực tế của đời sống về ý nghĩa lịch sử thánh với hình ảnh người Mục tử, đám cưới và cây nho (3). Sau này, các bậc tôn sư (= Rabbi) Do thái giáo đã khuếch đại thêm lối văn chương này. Họ dùng dụ ngôn thuyết giáo hay giải thích Kinh Thánh như một phương pháp sư phạm. Hiền nhân Elisha'b Abuyah nói “hành động tốt và học hỏi Ngũ Kinh rất nhiều, người ấy được ví như ai ? Người ấy ví được như một người xây nhà bằng đá trước rồi mới đến gạch ; dù nước tuôn đến từ mọi phía thì cũng không lay chuyển nổi. Nhưng có một người mà người ta không tìm thấy những hành động tốt dù có học Ngũ Kinh, người ấy ví được như ai ? Người ấy ví được như một người xây nhà bằng gạch trước rồi mới đến đá. Dù nước chỉ tuôn đến ít thôi cũng phá đổ tòa nhà ngay". (4) Ta có thể so sánh bài trên này với đoạn Tin Mừng ghi lại bởi Mátthêu và Luca : "Ai đến với Thầy, và nghe lời Thầy dạy mà đêm ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người xây nhà mà đã đào sâu và đặt nền móng trên tảng đá, khi nước lụt dâng lên, dòng sông có ấp vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vi nhà đã xây vững chắc. Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay trên mặt đất, không nền móng. Nước sông ập vào, nhà liền sụp đổ và bị phá hủy tan tành". (Lc 6,47-49 và Mt 7,24-27). Đọc đoạn văn trên rõ không một lời dẫn sử hay ẩn dụ theo lối ám dụ nhưng một lối so sánh được mở đầu với một câu văn khuôn sáo "người ấy ví được như ai..." Dụ ngôn Do thái giáo biểu lộ đường hướng văn chương dùng nhiều hình ảnh với mối lo lắng chính để giảng dạy và ý thích hình ảnh cụ thể (5). Dụ ngôn các Rabbi dùng tự nhiên là một chuyện rồi, nhưng kết luận họ luôn luôn đưa ra lý luận đạo đức dựa trên Ngũ Kinh khuyến khích dân chúng trung thành với lời giao ước. Họ dùng dụ ngôn soi sáng và trợ lực việc giải thích Kinh Thánh tự nó đã có uy tín : "Việc ấy tôi có thể so sánh như thế nào ? Việc ấy ví được như một nhà vua nói với sứ giả của mình : Khanh hãy đi chuẩn bị cho trẫm một thiếu nữ đẹp, nhân đức và có thái độ đối xử dể chịu. Vị sứ giả thi hành sứ mạng xong mới biết cô ấy bất trung bất chính. Ông bèn xé bỏ giao kèo khế ước để cứu mạng sống cô ta. Nếu ông giữ khế ước thì cô ấy phải chết trong tay ông vì tội bất trung. Cũng vì lẽ ấy Môsê đã đập vỡ bia luật hơn là trao lại cho dân Do thái bất chính để họ khỏi án chết vì tội bất trung thờ ngẫu tượng." (Rabbi José người xứ Galilêa 90-130) (6).

2/ Nét độc đáo của những dụ ngôn trong Tin Mừng

Tin Mừng Nhất Lãm có hơn 50 chuyện dụ ngôn (7). Con số cho biết Chúa Giêsu dùng khá nhiều dụ ngôn trong sứ vụ rao giảng. Khi dùng dụ ngôn nói về Nước Trời Người nhờ đến truyền thống đã được biết đến. Nội dung lại rất giống những dụ ngôn của các bật tôn sư Do thái. Đề tài cũng tương tự như nhau với hình ảnh nhà vua, vị quan án, người cha biểu hiện Thiên Chúa, cây nho và đàn chiên ám chỉ dân Do thái, việc kiểm tra sổ sách hay mùa gặt báo ngày tận thế và phán xét chung. Dù mang những điểm tương đồng nhưng Chúa Giêsu trổi vượt trong lối xử dụng dụ ngôn đối với những người đi trước. Dụ ngôn của Người vừa rõ ràng, vừa đơn giản. Người dùng dụ ngôn không chỉ để giảng dạy nhưng tự nó là thông điệp. Những dụ ngôn trong Tin Mừng đã phải trải qua ít nhất ba giai đoạn. Khởi đầu với chính vào lời giảng của Chúa Kitô. Chính Người đã suy nghĩ ra những dụ ngôn để dùng. Sang giai đoạn hai, Giáo đoàn tiên khởi đã sống với những lời còn sống động đó. Một giáo hội đang trong thời kỳ truyền giáo nên bắt buộc chú giải lời Chúa cho rõ ràng hơn. Giai đoạn chót là thời kỳ các thánh sử. Họ ghi và giải thích mọi lời và cử chỉ của Chúa Giêsu. Sự kiện này buộc ta phải lưu ý đến bối cảnh khi đọc một đoạn Tin Mừng. Mỗi thánh sử đều lồng dụ ngôn vào Tin Mừng theo ý họ. Một dụ ngôn không bao giờ tự mình mang ý nghĩa vì nó có thể được đặt vào nhiều bối cảnh khác nhau, vì thế dụ ngôn mang nhiều ý nghĩa. Những bối cảnh dị biệt này cho ta có thể giải thích dụ ngôn bằng nhiều cách khác nhau. Công việc biên tập rất rõ với thí dụ dụ ngôn về con chiên lạc (Mt 18,12-14 ; Lc 15,4-7) (8). Mátthêugom lại nơi chương 18 một loạt lời giảng dạy khai triển đề tài tình huynh đệ của những phần tử Nước Trời và lúc ấy Chúa Giêsu còn ở Galilêa. Sau khi giảng dạy xong Người lên đường đi Giêrusalem. Dụ ngôn con chiên lạc như thể kết luận của phần nhất bài giảng nơi chương 18 với sự khai triển đề tài về những người hèn mọn (9). Dụ ngôn con chiên lạc theo Luca nằm ở chương thứ 15. Chương này nằm chung trong một bố cục ghi hành trình Chúa Giêsu lên Giêrusalem (Lc 9,51 -19,28). Bối cảnh giữa Mátthêuvà Luca đã khác nhau. Hơn nữa, Luca tụ tập cùng một lúc nơi chương 15 ba dụ ngôn liên quan về lòng thương xót của Thiên Chúa (10). Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy các môn đệ nhưng cho cả người Pharisêu và các kinh sư (Lc 15,2-3) vì họ phàn nàn thái độ của Người đối với bọn thu thuế và kẻ tội lỗi (Lc 15,1). Đến đây thì bối cảnh giữa hai thánh sử Nhất Lãm hoàn toàn khác biệt. Mátthêu nêu ý Thiên Chúa Cha không để mất một người hèn mọn nào (Mt 18,14). Cao điểm dụ ngôn theo Luca là niềm hân hoan (Lc15,7). Bối cảnh văn chương rất quan trọng vì chúng ta thấy được việc biên tập và ý tác giả trong đó. Dụ ngôn là một hình thức văn chương vì thế nếu không có bối cảnh văn chương nơi Mátthêuvà Luca, dụ ngôn con chiên lạc được liệt kê vào nhóm dụ ngôn nói về lòng thương xót (Lc 15,4-7 ; 8-19 ; Mt 20,1-5) diễn đạt thái độ Thiên Chúa tìm lại được làm ta hiểu cách chắc chắn lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa thực hiện cho kẻ tội lỗi khi Nước Người trị đến. Hành động của Chúa Giêsu là hành động của Thiên Chúa Cha (11). Dụ ngôn cho thấy cách Chúa Giêsu hành động chứ không phải một định nghĩa về Thiên Chúa. Việc các giáo đoàn tiên khởi biến đổi ý dụ ngôn là điều thiết yếu vì từ đây hoàn cảnh không còn như trước biến cố Phục Sinh. Họ la lắng làm cách nào sống trung thành với Tin Mừng lúc này đây. Dụ ngôn Tin Mừng còn mang nhiều đặc tính khác vì được bắt nguồn từ những biết cố cụ thể chứa đựng nhiều hình ảnh. Tính chất các hình ảnh này đều rút ra từ cuộc sống thường nhật tại xứ Palestine (Mc 4,3-8 ; Mt 13,33...). Sự tham chiếu vào hình ảnh đời sống hằng ngày buộc ta phải am tường tập quán xứ Palestine thời ấy để hiểu tường tận ý nghĩa dụ ngôn như lúc Chúa Kitô so sánh "các con là muối đất". Am tường địa lý địa phương mới cảm được mối lo lắng chính xác của Chúa Kitô. Trong dụ ngôn người gieo giống, Máccô ghi "có hạt rơi xuống vệ đường" (Mc 4,4). Tại Palestine, đường đi với ruộng không có ranh giới minh bạch cách xa nhau. Như thế khi vãi giống ra, tất nhiên có hạt dễ rơi xuống vệ đường. Những dụ ngôn dùng hình ảnh sinh hoạt thường ngày này rất đơn giản, dễ hiểu và đặt ra một sự so sánh giảng dạy người nghe. Dụ ngôn không chỉ có một bài học nhưng tổng thể bài dụ ngôn cùng mang thông điệp. Mỗi dụ ngôn đều có một cao điểm và tất cả những hình ảnh đều phải được giải thích theo cao điểm đó. Các chi tiết chỉ nhằm tô điểm và mài giữa sự so sánh bản văn. Cao điểm giúp hiểu lời giảng dạy đạo lý của Chúa Giêsu. Dù sao dụ ngôn cũng không cho ta một bài học hay luân lý phổ quát, nhưng tất cả mọi dụ ngôn đều có một thông điệp rõ rệt liên hệ với sự hiện diện Nước Trời khai mào và thực hiện nơi Chúa Giêsu. Trong chiều hướng đó ta biết được cử tọa mà Chúa Giêsu nhắm lúc ban đầu. Người nói với những người bằng xương bằng thịt và thích nghi theo hoàn cảnh. Mỗi dụ ngôn của Người được loan truyền trong một lúc chính xác trong cuộc đời của Người (12). Khác với dụ ngôn của các Rabbi, Chúa Giêsu nhấn mạnh trong dụ ngôn phương diện thời thế mạt và nêu rõ giá trị lòng thương xót của Thiên Chúa. Điểm này rất quan trọng cần lưu ý để hiểu cách giảng dạy bằng dụ ngôn, với lối so sánh truyền đạt hiệu quả thông điệp của Người. Trở lại với ví dụ dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu hình tượng hóa lời giảng dạy với công việc gieo mạ. Hằng ngày người gieo hạt trước rồi mới cày đất phủ lên hạt giống, và Chúa Kitô so sánh công việc người gieo giống như người đi gieo Lời Chúa. ? so sánh trong dụ ngôn này (Mc 4,3-20) rút ra từ đời sống cụ thể giải thích sâu xa hơn về Thiên Chúa một cách thực tế. Dụ ngôn mang những sự kiện đã được biết và mô tả chính xác hành động quen thuộc làm bài diễn từ hiệu nghiệm hơn. Đôi khi dụ ngôn Tin Mừng đưa ra rõ ràng lời giảng dạy như dụ ngôn chiếc lưới (Mt 13,47-48). Mátthêu kết luận dụ ngôn này như sau : "Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy..." (Mt 13,49), một tiếng mời gọi coi trọng lời Chúa Giêsu giảng dạy. Khi các người nghe cũng được kêu mời tự mình tìm lấy kết luận. Dụ ngôn bảo vật và ngọc quý mô tả mà ông tìm ra (Mt 13,44-46). Sự kiện xem ra rất tầm thường nhưng lòng quyết tâm họa hiếm gây chú ý nơi người nghe. Lòng cố gắng của hai nhân vật gây lên sự chú ý, mô tả trong những dữ kiện phóng đại được xây dựng tương phản hoặc dựa vào một tình trạng chính xác, một yếu tố mà người nghe không ngờ tới (Mt 13,31-32 ; Lc 13,18-18). Trong dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16), sau khi đôi bên thoả thuận tiền lương công nhật cho mỗi công nhân, sự tò mò tăng lên khi tác giả nhấn mạnh thứ tự trả công lúc xế chiều. Cách đặt câu hỏi trực tiếp cũng kéo người nghe chú ý như : "Các ông nghĩ sao về chuyện sau đây : "Một người kia có hai con trai" (Mt 21,28) hoặc "Vậy xin hỏi : khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?" trong dụ ngôn những người tá điền giết người (Mt 21,40). Dụ ngôn con chiên lạc bị mất trong Luca cũng được bắt đầu bằng một câu hỏi : "Người nào trong các ông có trăm con chiên bị mất sao ?" (Lc 15,4). Theo cùng quan điểm trên, dụ ngôn Tin Mừng muốn chất vấn và gợi suy tư người nghe để họ thay đổi thái độ. Do đó dụ ngôn trở thành một phương pháp đối thoại và tôn trọng tự do đối tượng. Một trong những lần đối chất với kẻ chống đối Người, Chúa Giêsu kể một câu chuyện thay vì tranh cãi, lời qua tiếng lại làm đối phương sinh thêm cứng rắn. Với câu chuyện, cuộc tranh luận đặt trên một bình diện khác và giúp người Pharisêu lấy quan điểm. Chúa Giêsu làm cho ông thấy rõ trạng huống sự việc. Dụ ngôn hai con nợ phác họa rõ ràng ý tưởng trên (Lc 7,36-50). Chúa Giêsu được một người Pharisêu mời đến nhà dùng cơm. Khi Người vào bàn ăn, bỗng một người đàn bà tội lỗi hầu hạ mình. Ông ta tự nghĩ : "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào : thứ người tội lỗi !" (Lc 7,39). Trong hoàn cảnh này, người Pharisêu rất khó chấp nhận những lý lẽ đối lập. Tranh luận sẽ chẳng đem lại kết quả gì. Chúa Giêsu cố gắng tìm đối thoại với ông và liền dùng dụ ngôn giải thích. Người kể một câu chuyện bằng cách dần dà đặt câu hỏi cho ông hiểu thái độ người đàn bà kia. Người Pharisêu khám phá cùng một lúc thái độ của Chúa Giêsu. Qua phương pháp đối thoại bằng dụ ngôn, Chúa Kitô trình bày quan điểm người đối tượng, đưa họ hiểu thấu lý do nào một quan điểm khác cũng có giá trị. Qua dụ ngôn Chúa muốn cho kẻ khác biết cách chú ý tới sự thật theo cái nhìn của Người và để thuyết phục họ, dụ ngôn Người kể đều có liên hệ vào kinh nghiệm của họ cũng như của chính bản thân Người. Dụ ngôn mang sức mạnh khắc phục. Điểm này quan trọng giúp hiểu thông điệp dụ ngôn hơn. Nếu như một dụ ngôn có liên hệ với kinh nghiệm của chính ta thì ta càng thấm nhuần thông điệp hơn. Nếu như một dụ ngôn do Chúa Giêsu diễn đạt kinh nghiệm chính Người, ta cũng cần phải trải qua kinh nghiệm đó để hiểu thông điệp của Người. Dụ ngôn là lối dẫn đưa ta nhìn vào thực tế như Chúa Giêsu nhìn thấy và mời gọi dẫn đưa ta đến gặp chính Người.

II. Truyền thông : một hình thức hành động.

Chúng ta ghi nhận trong phần nhập đề thần học Kitô giáo và thần học truyền thông bắt nguồn từ hành động và lời nói của Chúa Kitô. Suốt cuộc đời công khai rao giảng nước Thiên Chúa trên khắp nẻo đường xứ Palestine, Chúa Giêsu gặp rất nhiều hạng người chứ không chỉ có những người say mê lời Người giảng dạy. Thế nhưng truyền thông như hình thức hành động được biểu lộ trong mối Người giao hảo với các nhóm tôn giáo chính trị Do thái thời đó. Các Thánh sử đều thuật lại mỗi khi có sự chạm trán bằng miệng giữa Chúa Giêsu và những phần tử các nhóm tôn giáo chính trị này. Những cuộc "diện đối diện" này rất hữu ích vì nói lên cách Người truyền thông là một hình thức hành động.

1.  Các nhóm tôn giáo chính trị thời Chúa Giêsu.

Bốn nhóm được nói tới nhiều nhất gồm : nhóm tư tế Sađốc, nhóm quốc gia cực đoan Xelotê, nhóm ẩn sĩ Étxênô và nhóm thông luật Pharisêu. Trong bốn nhóm nêu trên, Tin Mừng không nhắc đến các ẩn sĩ Étxênô. Nhóm này được biết đến từ năm 1947 với cuộc khám phá các tài liệu Qumran gần Biển Chết. Tin Mừng lại nhắc đến những nhóm khác như : nhóm bảo hoàng Hêrôđê, người Samari, phong trào Tẩy Giả, nhóm Nazareth và dân bạch đinh. Chúng ta cũng thường mang xu hướng chia những nhóm này ra một mặt theo Tôn giáo và mặt khác theo Chính trị. Thật ra Tôn giáo - Chính trị luôn luôn hòa lẫn trong nhau, họ đều mang chung một căn bản đạo giáo trông chờ đấng Thiên Sai và thông giữ lề luật Môse tùy từng mức độ khác nhau.

A.  Nhóm Nazareth và phong trào Tẩy Giả.

Chúa Giêsu không có những cuộc đối chất với hai nhóm này. Từ ngữ "Nazareth" được dùng tất cả 19 lần trong Tân Ước. Nhóm đối lập vẫn thường gọi Người như thế (Mc 1,24 ; 10,47 ; 14,67...). Trong sách Công vụ Tông đồ, người Do thái coi Phaolô như đầu đảng nhóm Nazareth (Cv 24,5). Nazareth còn là ngôn từ dành cho người Kitô hữu tiên khởi. Phong trào Tẩy Giả không được nêu rõ ràng trong Tin Mừng. Họ là những người tụ quanh Gioan Tẩy Giả (Cv 18,25 ; 19,1-5) hay tụ quanh Chúa Giêsu vì Người cũng ban phép rửa (Gn 3,22 ; 4,1-2). Bên cạnh đó, người ta cũng được biết có những nhóm lẻ tẻ khác cũng làm phép rửa tội.

B.  Nhóm "ẩn sĩ" Étxênô.

Tân Ước không đề cập đến nhóm này. Nhờ tài liệu của Plinô, Philon và sử gia Flavius Josèphe nên chúng ta biết đến họ. Những tài liệu tìm được ở Biển Chết cho biết thêm chút ít những di tích Cộng đoàn Étxênô. Họ sống ly khai với Do thái giáo, ẩn tu trong sa mạc, xa lánh văn minh băng hoại, chuyên cần trong kinh nguyện và suy gẩm Kinh Thánh chờ đợi ngày tận thế. Ảnh hưởng trên dân không rõ ràng lắm và cuộc sống ẩn tu này như sự khước từ thầm lặng trước những khó khăn của xã hội Do thái thời bấy giờ (13). Thánh Gioan Tẩy Giả chắc có liên hệ cũng như biết môi trường đạo giáo của họ. Chúa Giêsu chắc chắn không có liên hệ trực tiếp với những người sống rời xa dân chúng này.

C.  Người Samari.

Nhóm người này bị tách rời khỏi Do thái giáo. Đúng ra họ không tổ chức thành một nhóm riêng biệt có hệ thống như các ẩn sĩ bên bờ Biển Cheết. Thời Chúa Giêsu, người Samari nguyên là dân bị lưu đày bởi người Assyrô sau khi vương quốc miền bắc nhất thủ năm 721. Vào khoảng năm 538-520, người gốc Do thái lưu đày bên Babylone được hồi hương. Hai cộng đoàn bắt đầu mầm mống đối nghịch và không thể nào tránh khỏi ly khai. Vì thế mối giao hảo giữa người Do thái và người Samari thời Chúa Giêsu rất căng thẳng (Lc 9,52-54 ; Ga 4,9 ; 8,48). Tuy nhiên, Chúa Giêsu có thái độ thiện cảm với người Samari nên người đồng hương lấy làm khó chịu. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ một mình Máccô là không nhắc tới người Samari. Mátthêu cũng chỉ nhắc tới một lần khi Chúa Kitô trao sứ mạng cho mười hai tông đồ. Người gửi họ đi với lời dặn dò hơi lạ lùng : "Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với con chiên lạc nhà Israel". Theo câu này, Chúa Giêsu như thể chấp nhận sự ly khai giữa hai cộng đoàn. Theo Luca, thái độ của Người lại khác hẳn. Khi một người thông luật hỏi : "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?" Chúa Giêsu trả lời bằng một dụ ngôn và lấy hình ảnh người Samari như mẫu gương bác ái (Lc 10,30-37). Hơn nữa trong trình thuật mười người phung hủi (Lc 17,11-19) được chữa lành thì chỉ một người quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta là người Samari. Trong sách Công vụ Tông đồ, những người Samari đón nhận thuận lợi Lời Chúa (Cv 8). Trong Tin Mừng thứ bốn, Gioan kể lại một câu chuyện lý thú về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và một người đàn bà Samari (Ga 4). Chúng ta không đi vào chi tiết song chỉ đề cập tới đối thoại là hình thức truyền thông tự cổ chí kim. Theo bài trình thuật, thoạt tiên hình thức hỏi đáp gây ra hiểu lầm (Ga 4,10-14). Chúa Giêsu hứa sẽ ban nước hằng sống, người đàn bà Samari lại hiểu theo nghĩa thông thường là loại nước người ta thường uống nên bà ta đặt thêm câu hỏi (Ga 4,11). Chúa Giêsu chụp lấy cơ hội chất vấn bà với một hình ảnh biểu tượng của Cựu Ước : "Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước chảy vọt, mang lại sự sống đời đời" (Ga 14). Từ giây phút ấy, người phụ nữ Samari liền đứng về địa vị kẻ đi xin (Ga 4,15). Tiến trình đối thoại đã giúp cho người đàn bà ăn năn trở lại. Qua hình ảnh người đàn bà Samari, một bài học trao ban cho Cộng đoàn Kitô hữu (14).

D.  Nhóm bảo hoàng Hêrôđê.

Nhóm này gồm đảng viên và thân hữu của Hêrôđê. Họ hưởng nhiều quyền lợi dưới các triều đại nhà họ Hêrôđê. Tin Mừng nhắc đến nhóm này ba lần. Theo Máccô 3,16, phe Hêrôđê họp với nhóm Pharisêu âm mưu giết hại Chúa Giêsu. Trong câu chuyện nộp thuế cho hoàng đế Cêsarê (Mc 12,13 và Mt 22,16). Hai nhóm này bàn họp với nhau hỏi Chúa Giêsu có nên nọp thuế cho hoàng đế hay không ? Đây là một câu hỏi hóc búa cố gài bẫy Người. Nếu Chúa Giêsu trả lời phải nộp thuế có nghĩa là Người công nhận quyền đế quốc La mã thống trị và như thế phạm đến quyền tối thượng của Thiên Chúa. Trong bối cảnh như vậy, nếu từ chối việc nạp thuế thì càng không ổn vì đối phương sẽ kết tội Chúa Giêsu trước quyền hành hiện hữu rằng Người từ chối đóng thuế như các nhóm kháng chiến. Cuộc tranh luận cho thấy tài truyền thông lanh lợi của Chúa Giêsu. Người không trả lời thẳng câu hỏi mĩa mai nhưng đưa họ về sự tự do trước Thiên Chúa. Người dựa theo tình thế được minh xác trên đồng tiền đang lưu hành và lật ngược lại ý nghĩa câu hỏi của đối phương : "Của Cêsarê, trả về Cêsarê ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" (Mc 12,17).

E.  Nhóm tư tế Sađốc.

Nhóm này tự cho mình là hậu duệ ông Sađốc thầy cả thượng phẩm dưới triều đại Salômôn (1Vua 2,35). Phe này thuộc hạng quý phái quý tộc tại Giêrusalem được tuyển chọn trong hàng tư tế. Họ sống xa dân chúng và chỉ ảnh hưởng trong việc phụng tự trong đền thánh Giêrusalem, rất bảo thủ trên phương diện đạo giáo. Trong đền thánh, Thiên Chúa ngự nơi cực thánh và phải tuân giữ lề luật nghiêm ngặt từng chữ một. Các nhà Nhất Lãm đều ghi nhận nhóm Sađốc không tin vào sự sống lại, không tin có thiên thần và sự thưởng phạt đời sau (Mt 22,23 ; Cv 23,8). Trên bình diện chính trị, nhóm này chấp nhận hợp tác với chính quyền La Mã củng cố quyền hành. Trước khi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu chưa có quan hệ trực tiếp với người Sađốc. Người gặp họ một lần ở Giêrusalem trả lời câu chất vấn về vấn đề sự sống lại (Mt 22,23 ; Mc 12,18-27 ; Lc 20,27-40). Hình như họ là nhóm có trách nhiệm đầu tiên về việc bắt Chúa Giêsu (Mc 14,53) và giết Người (Ga 11,49-50).

F.  Nhóm quốc gia cực đoan Xêlotê.

Đây là một đảng chính trị hơn là một giáo phái như nhóm Sađốc. Danh từ Xêlotê nguyên nghĩa lấy từ Hy Lạp có nghiã là "sốt sắng". Quân La mã gọi người Xêlotê là "bọn dao găm" vì họ đều mang dao găm trong mình. Họ là thành phần quốc gia cực đoan, chống quân đội La Mã bằng du kích chiến. Về phương diện tôn giáo, họ không chấp nhận ý tưởng của người Pharisêu chờ đợi đấng Thiên Sai chỉ bằng cách tuân giữ lề luật và sống đạo đức. Nhóm Xêlotê pha trộn dễ dàng chính trị và tôn giáo và diễn tả bằng bạo động hầu khôi phục vương quốc Israel. Họ muốn cải cách xã hội và đã phá tan lạm dụng của chế độ thời bấy giờ. Họ đấu tranh bảo vệ đền thờ chứng tỏ họ muốn giữ những cơ chế Do thái. Người Xêlotê từ chối gọi hoàng đế La mã là "Chúa" vì tước hiệu ấy chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi. Họ thường sống ẩn núp tại vùng rừng núi để hoạt động du kích. Trong số các môn đệ của Chúa Giêsu cũng có một người theo đảng Xêlôtê : "Simon biệt danh là Quá Khích" (Mc 3,18 ; Lc 6,15 ; Cv 1,13). Thế nhưng không có gì làm bằng chứng Simon còn là một đảng viên Xêlotê tích cực trong thời gian theo Chúa Giêsu. Tuy nhiên, có lẽ ông vẫn giữ mối thiện cảm với nhóm mà ông được gọi bằng biệt danh "Quá Khích". Chúa Giêsu cũng không có những tranh luận trực tiếp với người Xêlotê, nhưng những người thân cận có thể giữ liên lạc gần với đảng này. Chúng ta cũng hơi lạ thấy rằng khi Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ đều mang vũ khí (Lc 22,49-50 và Ga 18,10).

G.  Nhóm Pharisêu.

Nhóm Pharisêu mới thật là đối tượng truyền thông của Chúa Giêsu. Người tranh luận nhiều lần, lên án hành động và thần học của họ. Phong trào Pharisêu xuất hiện hồi thế kỷ thứ hai trước công nguyên từ nhóm những người nhân đức (Hassidim) ủng hộ ông Giuda Maccabê chống lại Antiochus Epiphane : "Bấy giờ hội đoàn những người Hassidim, những người kiên cường can đảm, hết thảy đều tận tình với Lề Luật đã sát nhập với họ" (1M 2,42). Người Pharisêu tinh thông lề luật và có nhiệm vụ phổ biến dạy dỗ dân chúng. Họ giữ những lề luật và truyền thống một cách khắc khe (Mt 15,1-20). Họ không tin chính quyền. Với trách nhiệm dạy quần chúng nên phong trào Pharisêu có mối quan hệ gần gủi với dân. Tuy nhiên, họ giữ khoảng cáhc đối với những người không tuân giữ lề luật thánh. Chúa Giêsu rất gần gủi với với người Pharisêu trong cách cầu nguyện, trong lời kêu gọi sám hối và trong niềm tin vào sự sống lại. Người thường trách họ chỉ biết dựa trên lề luật để tiến gần đến Thiên Chúa.

          2. Chúa Giêsu chống nhóm Pharisêu nêu rõ cơ cấu truyền thông mục đích tiến đến một hành động.

A. Nhóm Pharisêu chống đối Chúa Giêsu bắt nguồn từ việc Người tiếp đón kẻ nghèo khó (15).

Trong Tin Mừng, những lời nặng nề của Chúa Giêsu không nhắm vào quân chiếm đóng La mã hay lớp thủ lãnh Do thái, nhưng lại nhắm ngay nhóm Pharisêu là hạng người nhân đức. Trước hết, họ chống Chúa Kitô vì Người tiếp nhận kẻ nghèo khó và hạng bạch đinh. Theo người Pharisêu, hạng người nói trên vừa dốt nát và không trong sạch. Họ nghèo về kinh tế nên càng thêm lý do bị gạt ra ngoài cộng đoàn. Mặt khác hành động của Chúa Giêsu đối với người tội lỗi, ngoại tình, thông dâm càng làm cho người Pharisêu khó chịu. Mấy hạng người nêu trên nghèo khổ vì họ xem như bị Thiên Chúa và xã hội ruồng bỏ. Thái độ Chúa Giêsu tuyệt hảo đối với tất cả hạng cùng đinh này cũng như đối với người Pharisêu, vì nó nếu rõ cách Người truyền thông đối thoại với mọi hạng người không phân biệt một ai. Chúa Giêsu trà trộn dễ dàng với người Biệt phái. Trong đời sống công khai Người đã đến dùng cơm tại nhà họ, lựa chọn đến với họ như khi Người ở giữa đám bần cố nông. Sứ mệnh ưu tiên Người dành cho người nghèo khó, giải thoát họ khỏi cảnh cô đơn do xã hội tạo ra. Người chữa những người phung hủi (Mt 8,2-4 ; Mc 1,40-44 ; Lc 5,12-14) vì bệnh phung thời ấy xem như án phạt của Thiên Chúa (Đnl 28,27-35), một dấu chỉ tội lỗi phải trục xuất khỏi cộng đoàn (Lc 13-14). Chúa Giêsu chữa bệnh không phải để thâu nhận họ làm môn đệ. Người hoàn toàn làm nhưng không ; đôi khi chính Người đi tìm kẻ tội lỗi, người thu thuế. Chúa Giêsu không tố cáo một ai, với cô gái giang hồ : "tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều" (Lc 7,47) ; với người đàn bà ngoại tình : "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa" (Ga 8,11). Lời giảng dạy và hành vi của Người đối với kẻ nghèo khó trái hẳn tinh thần Biệt phái, cho nên Chúa Giêsu đã gặp sự chống đối kiên quyết của những người mang tiến nhân đức. Người công kích điểm quá độ chỉ biết khắng khít giữ lề luật đúng từng câu từng chữ mà không nghĩ đến lòng nhân từ của Thiên Chúa. Sự chốn đối thấy rõ trên bình diện học thuyết nhưng cũng có nghịch lý trong cách Chúa Giêsu trình bày tư tưởng đối với người Pharisêu. Họ đặt nền tảng trên Kinh Thánh và giải thích một cách đơn giản dựa vào truyền thống biện luận. Phương cách Chúa Giêsu lại khác hẳn, Người am tường và dẫn chứng Cựu Ước rất nhiều. Người không chỉ trích dẫn Ngũ Kinh, các Ngôn sứ hay Thánh Vịnh để bác bỏ nhưng còn nêu rõ tinh thần văn lề luật. Trong bài giảng trên núi theo Mátthêu, Chúa Giêsu giảng dạy như một người có quyền hành thật sự. Sáu lần Người đã nói : "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng... còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết" (Mt 5,21,27,31,33,38,43).

B. Những lời Chúa Giêsu quở trách người Pharisêu làm nổi bật sự lanh lợi truyền thống của Người.

Lời quở trách người Pharisêu có thể phân chia thành hai loại. Chúa Giêsu quở trách họ tham danh vọng, thiếu công bằng và quá khắc nghiệt trong vài điều luật như không được chữa bệnh trong ngày Sabbat ; các môn đệ ngắt bông lúa ăn trong ngày hưu lễ (Mt 12,1-8 ; Mc 2,23-28 ; Lc 6,1-5) ; về số tiền dâng cúng (Mt 23, 23-24 ; Lc 11,37) và phải rửa tay trước khi vào bàn ăn (Mt 15,1-20 ; Mc 7,1-23). Trong những cuộc tranh luận này có trường hợp điển hình nêu lên sự Chúa Giêsu đối đáp lanh lợi. Theo truyền thống Nhất Lãm, Chúa Giêsu chỉ chữa bệnh một lần trong ngày Sabbat khi Người chữa người bị bại tay (Mt 12,9-14 ; Mc 3,1-6 ; Lc 6,6-11) (16). Người Pharisêu quả quyết luật cấm chữa bệnh ngày Sabbat vì đó là hành vi có tính cách y lý (17). Tuy vậy truyền thống Do thái cho phép cứu một mạng sống trong ngày Sabbat : "gặp trường hợp một mạng người lâm nguy, luật phải nghĩ ngày Sabbat được chước miễn" (18). Theo Mátthêu, nhóm Pharisêu lý luật bằng câu hỏi : "có được phép chữa bệnh ngà Sabbat không ?" (Mt 12,10). Chúa Giêsu nhắc đến một biến cố trong cuộc sống hằng ngày để trả lời : "người nào có con chiên độc nhất té xuống giếng trong ngày Sabbat liệu có kéo nó lên không ?" và Người lý luận : "Mà người thì quý hơn chiên biết mấy ! Vì thế, ngày Sabbat được phép làm điều lành" (Mt 12,12). Trình luật trên có khác nhau đôi chút giữa Mátthêu và Máccô. Những người Pharisêu và những kinh sư rình Chúa Giêsu để tố cáo Người chữa bệnh ngày Sabbat. Chúa nói với người bị bại tay ra giữa rồi mới đặt câu hỏi : "ngày Sabbat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu người hay giết người ?" (Mc 3,4). Chúa lý luận trên bình diện luân lý và nêu lập trường vô lý của nhóm đối lập. Họ đều làm thinh không tìm được lời giải đáp. Trường hợp thứ nhì liên quan đến việc đối chất giữa Chúa Giêsu và người Pharisêu và truyền thống. Các môn đệ bị công kích trực tiếp vì họ không rửa tay trước khi vào bàn ăn (Mt 15,1-20 ; Mc 7,1-13). Nhóm Pharisêu tố cáo các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm truyền thống tiền nhân. Theo Mátthêu, Chúa Giêsu lật ngược lại câu hỏi : "còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa" (Mt 15,3). Chúa Giêsu bỏ qua câu hỏi về việc rửa tay, Người đặt cuộc tranh luận trên bình diện chung với cách lý luận từ một điều thực tế. Người Pharisêu quả thật đã vi phạm điều răn tôn kính cha mẹ (Xh 20,12 ; T1 5,16). Họ đã dùng phần tiền dành để nuôi dưỡng cha mẹ túng thiếu và già yếu mà đem dâng cúng vào đền thờ. Và Chúa Giêsu trả lời bằng câu trích dẫn ngôn sứ Isaia 29,13 : "Bởi chưng dân này lại với Ta chỉ bằng lỗ miệng và ngoài môi, chúng tôn vinh Ta, còn lòng chúng, chúng tách xa Ta". Lý luận dựa vào câu sấm này thật tuyệt diệu. Chúa Giêsu đặt lề luật con người tưong đương với truyền thống tiền nhân. Người trách người Pharisêu đã đặt truyền thống của họ ngang cùng địa vị với luật Môsê được trao ban bởi Thiên Chúa cho loài người, trong khi truyền thống chỉ là cách loài người giải thích luật. Và nếu đó chỉ là giải thích của con người thì tại sao cho nó một giá trị tuyệt đối như thể là Lời Chúa ? Trình thuật này theo Máccô có hơi khác (Mc 7,1-23), Chúa Giêsu không lật ngược câu hỏi nhưng Người diễn tả tư tưởng của mình bằng một lời khẳng định với câu trích dẫn ngôn sứ Isaia 29,13 ; rồi Người lý luận về của lễ dâng cúng phụng thờ Thiên Chúa. Theo Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu cũng khiển trách người Pharisêu và các nhà thông luật về việc rửa tay. Bối cảnh khác hẳn với Mátthêu 11,37. Chúa Giêsu được người Pharisêu mời đến nhà dùng cơm và ông này lấy làm lạ vì Người không rửa tay. Chúa Giêsu khiển trách một cách rất quyết liệt và nặng lời. Người mắng thẳng mặt chủ nhà và những người đồng nhóm. Trong trình thuật, Người lặp lại năm lần câu chúc dữ : "khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu" (Lc 11,42-43-44-47-52). Chúng ta có thể ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu không nhân nhượng chút nào. Thật vậy, nhóm Pharisêu không hẳn là kẻ thù của Người. Thánh sử Mátthêu có lẽ là người "Chống nhóm Biệt phái" hăng hái nhất là hình ảnh người Pharisêu trong Tin Mừng thứ nhất là đối thủ tiêu biểu nhất của Chúa Giêsu, Mátthêu ghi lại tất cả mười trình thuật tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisêu (Mt 9,11-14 ; 12, 2.4.24 ; 15,12 ; 19,3 ; 22,15.34.41). Duy chỉ một mình Mátthêu ghị sự chung đụng bạo động nhất giữa Do thái giáo và lời rao giảng cùng việc Chúa Giêsu làm. Vì vậy hình ảnh người Pharisêu theo Mátthêu không phù hợp cho lắm theo hoàn cảnh lịch sử thời Chúa Giêsu ; rất có thể có sự căng thẳng giữa hội đường và các tín hữu tiên khởi vì thế hình ảnh người Pharisêu cũng bị ảnh hưởng lây (20). Trái với Mátthêu, Máccô và Gioan, Luca là người duy nhất ghi nhận mối thiện cảm của người Pharisêu dành cho Chúa Giêsu. Họ mời Người dùng cơm ba lần. Hai lần Người được mời rõ ràng (Lc 7,36 ; 11,37), còn lần thứ ba Người tự động đến nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu dùng bửa (Lc 14,1). Họ cũng báo cho Chúa Giêsu biết vua Hêrôđê đang muốn giết Người (Lc 13,31). Sự hù dọa mang mục đích đẩy Chúa lánh xa vùng Galilê. Trong sách Công vụ tông đồ, ông Gamaliel là một người Pharisêu có uy tín được dân chúng mộ mến, đã ra mặt bênh vực các tông đồ (Cv 5,34). Thánh Phaolô cũng tự hào thuộc dòng dõi Pharisêu (Cv 23,6 ; 26,5). Cuối cùng cả bốn cuốn Tin Mừng đều không thấy ghi nhóm Pharisêu trong bài Chúa Giêsu chịu thương khó.

C. Truyền thông của Chúa Giêsu chất vấn người nghe tiến đến một hành động hầu tán đồng thông điệp của Ngài.

Nhóm Pharisêu không phải là kẻ thù công khai của Chúa Giêsu, trái lại họ là đối tượng mà Chúa tranh luận để thuyết phục. Người giải quyết hầu hết các cuộc tranh luận bằng cách kể những chuyện dụ ngôn. Những câu chuyện bình dân đầy hình tượng hóa chứa đựng thông điệp thần học và liên lụy trực tiếp những người chống đối Người. Bài diễn từ hình tượng hóa của Chúa Giêsu mời gọi người Pharisêu theo Người. Cấu âm của các dụ ngôn của Chúa Giêsu mang ba yếu tố. Trước hết Chúa khích bát ý hệ của giáo thuyết, xong Người đề luận chứng ra và cuối cùng Người dùng ngôn ngữ bóng bảy để thính giả chấp nhận. Nhờ vậy cuộc đối thoại không bị tắc trách, dù rằng đôi khi chưa khắc phục được đối tượng. Tổng hợp cả ba yếu tố trên thì dụ ngôn của Chúa Giêsu là những chuyện làm lật ngược tình thế, chất vất đối phương chuyển hướng. Chương 15 Tin Mừng Luca làm nổi bật ý nghĩa dụ ngôn được kễ ra để tiến tối việc Chúa Giêsu hành động cụ thể. Luca chương 15 nằm trong trình thuật Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tài liệu chương này hầu như thuộc riêng Luca. Tác giả gom lại đây ba dụ ngôn song chỉ có dụ ngôn con chiên bị mất cũng được Mátthêu ghi lại (Lc 15,3-7 ; Mt 18, 12-14). Nhập đề Luca đưa ra một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với người Pharisêu và các kinh sư. Họ đang xầm xì chống việc Người đến cùng hạng người thu thuế, tội lỗi. Hơn nữa Người đã dùng bửa với họ. Qua hai dụ ngôn đầu (Lc 15,3-7và 8-10) Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp lời xầm xì phiền trách đó. Tất cả mọi việc như sửa soạn cho sự thâm hiểu sâu xa hơn với dụ ngôn thứ ba (Lc 15,11-32). Tấn kịch này cố ý để lơ lững làm cho thính giả cần phải chú ý toàn bộ câu chuyện rồi tìm ra một giải đáp. Bối cảnh chứng minh một cuộc tranh luận. Theo Luca trong hoàn cảnh đối chất, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn bắt đầu bằng một câu hỏi : "Người nào trong các ông..." (Lc 15,4). Sau khi gọi hỏi từng cá nhân và trực tiếp những kẻ chống đối Người, Chúa Giêsu lấy hình ảnh người mục tử tốt lành. Đây là một đề tài thông dụng trong truyền thống Do thái mô tả người lãnh đạo nhân dân : "Chính Ta sẽ chăn nuôi chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng được an nhàn, sấm của Yavê Thiên Chúa..." (Ez 34,25). Hình ảnh người mục tử với đàn chiên là hình ảnh thuần túy trong lịch sử dân Do thái, diễn tả lòng Thiên Chúa ân cần đối với dân Người (21). Trong dụ ngôn con chiên bị mất, Chúa Giêsu muốn nói lên thái độ của Thiên Chúa đối với dân Người, cùng lúc bày tỏ cách Chúa Giêsu xử sự và hành động đối với người tội lỗi. Người giải thích bằng dụ ngôn. Những kẻ đối lập có thể nhận ra chính họ trong sự khước từ tìm những gì đã lạc mất. Nếu Chúa Giêsu đến với hạng thu thuế và tội lỗi. Người Pharisêu cũng được mời gọi mang thái độ như người mục tử trong dụ ngôn. Họ phải mời bạn bè đến ăn mừng hân hoan khi tìm lại được những phần tử đã mất. Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất cũng tiến hành như vậy. Bài dụ ngôn bắt đầu bằng một câu hỏi (Lc 15,8). Người mục tử và người đàn bà cùng mang một mối lo âu tìm kiếm của đã mất ; sau khi kiếm lại được họ cùng một nỗi vui mừng. Cao điểm dụ ngôn nơi câu kết : "Cũng thế, tôi nói cho các ông hay : giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối " (Lc 15,10). Điểm chính dụ nhấn mạnh vào sự con người cố gắng biết ăn năn trở lại. Với dụ ngôn con chiên bị mất, thông điệp có hơi khác, tác giả nhấn mạnh việc Thiên Chúa khởi xướng và hành động. Dầu sao cả hai dụ ngôn cùng mang chung đề tài về nỗi vui mừng, mặc khải lòng săn sóc ân cần của Thiên Chúa tìm kiếm người tội lỗi. Cách dùng dụ ngôn như trên bắt buộc người nghe phản ứng, loại bỏ hệ thống giá trị của chính họ và thâu nhận ý Chúa Giêsu. Dụ ngôn người cha nhân hậu và hai đứa con trai (Lc 15, 11-32) là chóp đỉnh chương 15 này. Một câu truyện cấu tạo tài tình thu hút người nghe dễ dàng. Chúa Giêsu trả lời trực tiếp câu hỏi (Lc 15,2) và Luca lấy lại những dữ kiện then chốt ghi trong hai dụ ngôn trước (Lc 15, 4-10). Phối cảnh dụ ngôn thứ ba khác hẳn và những nhân vật được kịch hóa gặp nhau. Một cái nhìn chung trình bày các hành động hòa hợp làm thính giả tự thấu hiểu. Trước hết, phối cảnh người con thứ được khai triển. Hắn ta đòi phần gia tài để rời gia đình dù giữa nó và ông bố không có tranh chấp hay gây gỗ nhau. Hành động của y bình thường và thật đúng để được tự do. Một khhi nơi xứ lạ đời sống bê tha đưa hắn đến thân phận nô lệ  làm nghề chăn heo (Lc 15,15). Đối với người Do thái nghề này bị khinh bỉ vì heo là con vật ô uế : "heo, vì tuy nó có móng xẻ hai, nhưng không nhai lại : nó sẽ là nhơ đối với ngươi. Thịt chúng các ngươi sẽ không ăn, thây chúng các ngươi sẽ không đụng đến" (Đnl 14,8). Lúc bấy giờ hắn mới nhớ lại nhà thân phụ. Tất cả những kỷ niệm giúp hắn đủ sức lên đường trở về (Lc 15,18-19). Từ đây phối cảnh bắt đầu thay đổi (Lc 15,20-24). Hành động người cha biểu lộ tình thương vô vị lợi dành cho con mình. Đối với ông đứa con còn trở về là một phép lạ : "vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã thất lạc mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu mở tiệc ăn mừng" (Lc 15,24). Luca lập lại ba đề tài "bị mất - tìm lại được - hân hoan" nơi dụ ngôn trước (Lc 15,6-9) đánh dấu màn thứ nhất của bài văn chấm dứt. Lần nữa phối cảnh lại thay đổi. Hành động xảy ra nãy giờ trong nhà được chuyển ra bên ngoài. Người anh cả ngoài đồng về nhưng anh từ chối không tham gia dự tiệc liên hoan dù người cha lên tiến mời. Anh công khai tố cáo cha mình. Anh không nhìn nhận người con thứ làm em và càng không muốn nối lại tình nghĩa anh em. Trong lời phản đối, người con cả không những tỏ sự thấu hiểu cho cha vè cho em biết, cùng lúc y tự hiểu mình. Anh nhận mình như một người đầy tớ vâng lời luật lệ của bố, vì thế chính anh tự cảm thấy bị bỏ rơi. Người cha lại năn nĩ anh làm hòa. Dụ ngôn như thể không có đoạn kết nhưng được mở rộng. Luca không viết thêm phản ứng của người con cả. Tác giả mở đoạn kết mời gọi thính giả tham dự vào bản kịch và tự tìm lấy quyết định. Bối cảnh câu chuyện có thể soi sáng chút ít về ý Chúa Giêsu khi Người kể dụ ngôn này. Người muốn trình bày lòng nhân từ Thiên Chúa đối với mọi người. Chúa Giêsu kêu gọi thêm lần nữa những kẻ chống đối Người cần kiểm thảo lại cách họ chu toàn lề luật một cách quá khắc khe. Đó là lời kêu gọi, lời mời chấp nhận hành động của Người đối với kẻ tội lỗi. Cách Chúa Giêsu truyền thông mặc khải thái độ và đồng thời tỏ cho ta biết Người là ai. Người là con Thiên Chúa đến báo và tiến hành sự hòa giải mọi kẻ tội lỗi cùng mời họ tham dự vào bàn tiệc Thiên Sai.

Kết luận.

Vài nhận xét liên quan đến cách Chúa Giêsu dùng dụ ngôn. Cách Chúa Giêsu truyền thông xưa kia vẫn còn gọi hỏi ta ngày hôm nay ; đó là khuôn mẫu cho mọi tín hữu dùng diễn từ Kitô giáo như một lời giảng dạy thâm sâu. Hơn thế nữa lối truyền thông tiến hành đến hành động cụ thể của Người đòi hỏi ta hoán cải và áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại của mình. Dụ ngôn Chúa Giêsu kể ra giúp thính giả đồng nhất hóa dễ dàng vì nó nối họ vào những hoàn cảnh thực tế. Thông điệp Chúa Giêsu dưới hình thức dụ ngôn lại giúp người nghe dễ nhớ và đó là sức mạnh của những câu chuyện kể. Thính giả dễ nhớ những yếu tố câu chuyện vì nó mang hình ảnh nối liền với kinh nghiệm sống. Dụ ngôn mang màu sắc thực tế giúp thính giả suy nghĩ và nhận thức thực chất tinh thần của thông điệp. Dụ ngôn đưa người nghe đọc lại chính bản thân họ hầu cải thiện cách xử sự và thái độ đối với người khác. Dụ ngôn có thể là phương cách truyền thông, tranh luận và nghiên cứu. Di bản cùng một sơ đồ bày ra muôn khía cạnh cùng một thực tại. Dụ ngôn hạt giống tự nó mọc lên theo Máccô (4,26-29), đối lại thì có cỏ lùng xen vào theo Mátthêu (13.24-30). Người gieo giống chống lại kẻ thù còn hạt giống tốt chống lại cỏ lùng. Với Máccô Lời Chúa tự sinh hoa kết quả sau mùa gieo mạ và đó là quyền năng Thiên Chúa với khía cạnh tích cực. Phần Mátthêu cảnh giác vì sai lầm có thể trà trộn vào sự thật nhưng Nước Trời không thuộc quyền xét đoán của ta. Truyền thông để cho người khác hiểu luôn luôn là một việc khó khăn với cách nói trực xạ ; muốn đạt kết quả cần phải vượt qua cái khác biệt giữa con người. Nói trực xạ nhiều khi chính là mối gây bất hòa. Phương pháp Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cho thấy Người đã tái tạo ngôn ngữ trên cùng bình diện với hành vi nói. Ngôn ngữ biểu tượng với những hình ảnh như cách nói gián tiếp làm thức tỉnh người nghe và nó biểu lộ đưa hai bên đến vấn đề thật của truyền thông. Dụ ngôn của Chúa Giêsu là một ngôn ngữ vừa mặc khải vừa che ẩn Người.

 
Ghi chú :

(1)  Joachim Jérémias, Les paraboles de Jésus, Livre de Vie số 85-86, Xavier Mappus 1962, trang 18.

(2)  Parabole in Supplément Dictionnaire de la Bible, Augustin George, cột 1156.

(3)  Daniel Sesboué, Parabole in Vocabulaire Théologie Biblique, cột 891.

(4)  Dominique de la Maisonneuve, Paraboles Rabbiniques, supplément CE 50, Cerf 1984, trang 4.

(5)  Augustin George, op.cit. cột 1155.

(6)  D. Buzy, Introduction aux paraboles évangélique, Paris 1912, trang 139-140.

(7)  Máccô có 12 dụ ngôn, Mátthêu 33 và Luca 39. 10 dụ ngôn chung truyền thống Nhất Lãm, 13 chung cho Mátthêu và Luca, 1 chung cho Máccô là Luca, 1 riêng của Máccô 4,21-29, Mátthêu có riêng 10 dụ ngôn và Luca có riêng 15 dụ ngôn.

(8)  Benoit-Boismard, Synopse des quatre évangiles, cuốn 2, Cerf 1972, trang 294-295.

(9)  Mátthêu 18,1-5 : "Ai là người lớn nhất trong Nước Trời" ; Mátthêu 18,6-9 : "đừng làm cớ cho người ta sa ngã" ; Mátthêu 18,10-14 : "phẩm cách người hèn mọn và dụ ngôn chiên lạc" ; Mátthêu 18,15-18 : "sửa lỗi anh em và phán đoán của công đoàn" ; Mátthêu 18,19-20 : "hiệu quả lời cầu nguyện" ; Mátthêu 18,21-35 : "tha thứ vơ hạn và dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót".

(10)  Luca 15,1-3 : nhập đề ; Luca 15,4-7 : dụ ngôn con chiên bị mất ; Luca 15,8-10 : dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất ; Luca 15,11-31 : dụ ngôn người cha nhân hậu.

(11)  Jacques Dupont, pourquoi des paraboles ? Lire la Bible số 46, Cerf 1976, trang 34.

(12)  Joachim Jérémias, op.cit. trang 17.

(13)  Emile Morin, L'Evénement Jésus, dossiers libres, cerf 1978, trang 118.

(14)  Annie Jaubert, lecture de l'Evvangile selon Saint Jean, CE 17, cerf 1976, trang 13.

(15)  Edmund Arens in Journal of the world Association for Christian Communnication, số 4/1981.

(16)  Luca thêm riêng hai trình thuật : Luca 13,10-16 : chữa người phụ nữ còng lưng ; Luca 14,1-6 : chữa người mắc bệnh phù thũng. Gioan có hai trình thuật : Gioan 5,1-15 : chữa một người đau ốm ở hồ nước Bethesda ; Gioan 9,1-47 : chữa một người mù từ thuở mới sinh.

(17)  Luca ghi thêm có các kinh sư.

(18)  Philippe Bossuyt et Jean Radermakers, Jésus, Parole de la grâce selon Saint Luc, Bruxelles 1981, trang 191.

(19)  Benoit - Boismard, op.cit. trang 230.

(20)  Pierre Marie Beaude, Jésus oublié, cerf 1977, trang 33.

(21)  xem Khởi Nguyên 48,15 và 49, 24 ; tiên tri Isaia 40,11 và Thánh Vịnh 23 ; 80,2 và 95,7.

Lm Thêôphilô

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art