The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci) là một hiện tượng về tiểu thuyết. Cuốn sách được coi như Best seller, nghĩa là sách bán chạy nhất, và được dịch ra trên 40 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có ấn bản Việt ngữ do nhà xuất bản Văn hoá thông tin cho ra mắt vào năm 2005. Bản Việt ngữ được dịch với rất nhiều sai lầm, và được hiệu đính và in lại. Cuốn sách đã bán được 70 triệu ấn bản trên thế giới, và vừa được dựng thành phim với những diễn viên nổi tiếng như Tom Hanks, Audrey Tautou, Jean Reno v.v… do hãng Sony-Columbia sản xuất và ra mắt dịp đại hội Điện ảnh Cannes (Pháp) vào ngày 17 tháng 5 năm nay.
Cuốn Da Vinci Code đã gây ra nhiều tranh luận đến từ những phe ủng hộ và chống đối. Tôi nghĩ không cần lên tiếng là nên hay không nên đọc cuốn sách hay đi coi cuốn phim. Nếu chúng ta càng lên tiếng chống đối có thể sẽ đưa về con đường tiêu cực nhiều hơn, và như thế sẽ làm quảng cáo thêm dùm cho cuốn sách cũng như cuốn phim. Điều quan trọng cần tìm hiểu xem xét và giúp đưa chúng ta đến một sự phán đoán trưởng thành. Chúng ta sẽ cùng nhau cứu xét lại một số vấn đề do cuốn truyện này nêu lên :
1. Tác giả cuốn Da Vinci Code.
Dan Brown là tác giả cuốn Da Vinci Code. Ông sinh ngày 22 tháng 6 năm 1964 tại Exeter, một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang New Hampshire, bên phiá miền đông Hoa Kỳ. Bố làm giáo sư toán và bà mẹ là một nhạc sĩ. Từ hồi còn niên thiếu, ông đã có khiếu học về văn chương, và ra trường năm 1982, nhưng sau đó lại tiếp tục học về lịch sử nghệ thuật tại Séville. Lớn lên, lập gia đình với cô Blythe, một chuyên gia về lịch sử nghệ thuật.
Năm 1993, bắt đầu sự nghiệp soạn nhạc và một thời làm ca sĩ nhạc Pop ở Los Angeles nhưng không thành công. Sau đó ông về lại New Hampshire đi dạy học. Năm 1994, khi đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám của Sydney Sheldon trong kỳ nghỉ hè, Dan Brown cho rằng mình có thể viết hay hơn tác giả. Từ đó ông bắt đầu đi vào văn nghiệp năm 39 tuổi. Mỗi ngày tác giả bắt đầu ngồi vào bàn viết lúc 4 giờ sáng, trong văn phòng ngó ra biển tại New Hampshire. Khi không ngồi viết, hai vợ chồng tác giả thường đi du lịch, tham quan bảo tàng viện, và những lâu đài lịch sử ...
Năm 1990, ông viết cuốn « 187 Men to avoid » và được xuất bản năm 1995 không thành công. Những cuốn sách khác của Dan Brown như cuốn « Digital fortress » (Pháo đài số) xuất bản năm 1998, « Deception point » (Điềm dối trá), « Angels and Demons (Thiên Thần và Ác quỷ) cũng không được nhiều người biết đến. Và ông chỉ thực sự nổi tiếng với cuốn Da Vinci Code.
2. Tóm lược nội dung Da Vinci Code.
Da Vinci Code thuộc loại tiểu thuyết trinh thám, nhưng nội dung lại mang luận đề về tôn giáo : Một vụ án mạng xảy ra trong bảo tàng viện Louvre ở Paris. Nạn nhân chính là viên quản thủ già tên Jacques Saunière bị một tu sĩ thuộc hội Opus Dei giết. Và chương cuối cuốn sách mới cho độc giả biết Jacques Saunière là tu viện trưởng của hội kín Sion (Prieuré de Sion). Bên xác chết Jacques Saunière, cảnh sát tìm thấy một cuốn sổ để phá các mật mã. Trước lúc chết, Saunière đã kịp viết mấy dòng mật mã trên nền nhà, ghi « hãy đi tìm Robert Langdon ». Cảnh sát cho Langdon xem bức tranh chụp tại hiện trường, Saunière trần truồng nắm trong một vòng tròn, tay chân giang thẳng giống mô hình tỉ lệ kích thước con người Vitruvian do Leonardo Da Vinci đã nghiên cứu. Bức hoạ trứ danh Vitruvian này là một hình tròn, trong đó có một hình khỏa thân nam. Hai nhân vật giải mật mã bí mật là Robert Langdon, giáo sư về lịch sử nghệ thuật, và cô Sophie Neveu là cháu viên quản thủ già vừa bị giết. Họ đã khám phá ra cuốn sổ ghi trên đưa tới những mật mã bí mật trong các tác phẩm của họa sĩ tài danh Leonardo Da Vinci. Nhà họa sĩ đã che giấu tài tình những mật mã trong các tranh vẽ như bức « La Joconde » (nàng Mona Lisa), đến bức « La Vierge des Rochers » (Đức Trinh Nữ bên ghềnh đá) và cuối cùng là bức tranh « Tiệc Ly ». Ngoài ra, các mật mã còn được tìm thấy trong những nhà thờ cổ kính như nhà thờ Saint Sulpice (Xuân Bích) ở quận 6 Paris. Trong khi đi điều tra, họ khám phá ra ông Jacques Saunière có dính líu tới một hội kín phát sinh ra từ tu viện Sion. Những hội viên trong hội kín này một thời có những nhân vật nổi tiếng tham gia như Isaac Newton (1691-1727), Sandro Botticelli (1483-1510), Victor Hugo (1844-1885), Leonardo da Vinci (1452-1519).
Theo Robert Langdon và Sophie Neveu, sở dĩ vị quản thủ viện bảo tàng Louvre bị giết vì ông biết rõ và giữ bí mật vụ việc đã xảy ra hai ngàn năm nay. Những bí mật này là nguyên nhân đưa đến những vụ ám sát, và Giáo hội Công giáo qua tổ chức Opus Dei nhúng tay vào cuộc đấu tranh đẫm máu đó để giữ bí mật. Giáo hội Công giáo đã giấu nhẹm một sự thật rất lớn : Đức Giêsu lấy bà Maria Magdala làm vợ và hai người đã có con, và dòng dõi được truyền lại cho đến ngày nay. Trong dòng dõi đó có những thiên tài như nhà nghệ sĩ đa tài Leonardo Da Vinci, có những người xây dựng các đền đài, nhà thờ danh tiếng. Các nhân vật đó đều để lại trong những sáng tạo của mình những mật mã, những chỉ dẫn cho thế hệ sau có thể phát hiện sự thật. Và cô Sophie Neveu chính là hậu duệ của Đức Giêsu và bà Maria Magdala.
Sau khi Đức Giêsu qua đời, Maria Magdala đi qua sinh sống tại miền Nam nước Pháp với con cái mang dòng máu Đức Giêsu. Họ sống ẩn dật trong bí mật, và vào thế kỷ thứ V, hạu duệ Đức Giêsu đi vào cưới với dòng tộc Mérovingiens. Trong thế kỷ XX, còn có một người tên Pierre Plantard de saint Clair xuống từ dòng tộc Chúa Kitô, cũng như cô Sophie Neveu trong Da Vinci Code. Tất cả những chuyện bí mật này được linh mục Saunière tìm thấy trong các thũ bản ở thế kỷ thứ XIX tại làng Rennes le Château, thuộc miền Nam nước Pháp. Bí mật được Hội Kín Sion gìn giữ. Hội Kín Sion được thành lập năm 1099 để bảo vệ bí mật đó. Từ năm 1510-1519, hoạ sĩ Leonardo Da Vinci làm thũ lãnh Hội Kín Sion. Và ngày hôm nay Giáo Hội Công giáo dùng một tu hội kín Opus Dei để lấy lại bí mật đó từ Hội Kín Sion.
3. Da Vinci Code : một cuốn tiểu thuyết lịch sử ?
Tiểu thuyết Da Vinci Code gần giống thể loại văn chương tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử là một thể loại văn chương được mến chuộng, vì nối kết giữa sự tưởng tượng và lịch sử. Người đọc được thư giãn và học được nhiều điều quá khứ và lịch sử. Tác giả kể một chuyện giả tưởng được gắn liền vào trong lịch sử.
Một tiểu thuyết lịch sử phải cần thiết trả lời cho những đòi hỏi rõ rệt. Thứ nhất là các nhân vật hay những biến cố không đi ngược lại với nghiên cứu khoa học chứng minh. Cuốn truyện phải bị đặt dưới bóng công trình lịch sử, vì thế tác giả không đưa những nhân vật lên trước. Những đột biến trong truyện không thể đi ngược lại với những sự kiện công trình khoa học. Những gì thuộc về lịch sử thuộc diện nghiên cứu và kiểm chứng. Lịch sử dựa vào những tài liệu và những chứng từ và phải được kiểm chứng. Trong khi đó hư cấu thuộc lãnh vực sáng tác. Nghệ thuật bao gồm sự trộn lẫn giữa hai yếu tố nêu trên và cả hai điều đó không phản chứng.
Tác giả Dan Brown muốn đưa tiểu thuyết Da Vinci Code vào thể loại văn chương này. Cuốn sách trước hết là một tiểu thuyết tức là thuộc về trí tưởng tượng nhưng trong lời ngỏ, tác giả lại ghi : « Tất cả những mô tả về những công trình nghệ thuật, các tác phẩm nghệ thuật, những tài liệu và những nghi thức thánh thiêng đều được xác nhận ». Điều này Dan Brown đã nói không đúng. Nếu như những nơi chốn có thật, nhưng tác giả đã trình bày không được chính xác. Ông đưa ra một viễn tượng làm biến đổi hiện thực. Điều này cho thấy tác giả cho rằng mọi sự đều được xác nhận là không đúng.
Sự giả mạo còn trầm trọng hơn nữa khi Dan Brown viết về những người đứng ra chủ mưu ám hại. Thật vậy, Opus Dei là một thiết chế có thật, và nằm trong danh sách các Tu hội có thật trong Giáo hội Công giáo. Một tu hội được nể trọng chứ không phải một giáo phái. Những phần tử trong tu hội giữ gìn ý tứ đối với điều họ thuộc tu hội vì họ sống trong một xã hội tục hóa. Họ không phải phần tử một hội kín.
Dan Brown còn cho rằng Opus Dei đứng ra chống lại Hội kín Sion được thành lập trong cuộc viễn chinh của thập tự quân lần thứ nhất. Điều này cũng hoàn toàn sai, vì Hội kín Sion không có dấu vết gì để lại trong lịch sử. Không một sử gia nào nói đến Hội kín Sion. Trong thời đại các thập tự quân, bên cạnh thành Giêrusalem có một tu viện nổi tiếng mang tên « Nữ Vương Sion », nhưng không là một hội kín. Vì thế khi Dan Brown cho Hội kín Sion được thành lập năm 1099 sau cuộc viễn chinh thập tự quân lần thứ nhất là hoàn toàn sai. Danh sách những nhân vật nổi tiếng tham gia Hội kín Sion như đã nêu trên đây cũng hoàn toàn bịa đặt. Đúng ra, họ thuộc những nhân vật có tiếng tăm trong văn hoá Âu châu được tác giả gom góp lại.
Hư cấu tiểu thuyết trở thành dối trá khi tác giả đặt đối đầu tu hội Opus Dei và Hội kín Sion. Một tu hội hiện hữu thật sự nhưng được trình bày một cách châm biếm. Còn Hội kín Sion chỉ đến từ sự tưởng tượng. Từ đó tình tiết đặt sự đối chọi giữa hai thực tế không cùng trật tự. Làm cho người khác tin hai thực tế trên cùng một trật tự là một mớ lộn xộn thuộc sự giả mạo. Vì thế Da Vinci Code muốn được coi như một tiểu thuyết lịch sử nhưng không giữ đúng quy tắc bình thường, và từ đó kéo theo sự lẫn lộn. Nơi đây chúng ta thấy rõ sự lừa phỉnh.
Công việc của sử gia gom lấy những nguồn và khi biên soạn tác giả phải tôn trọng những sử liệu. Tác giả một cuốn tiểu thuyết có thể tạo nên những nhân vật nhưng ông phải tôn trọng những biến cố và những thể chế và bối cảnh văn hoá. Điều này đòi hỏi tác giả phải hiểu biết rộng. Trong cuốn Da Vinci Code cho thấy Dan Brown không phải một chuyên gia về lịch sử Giáo hội Công giáo, hay về những truyền thống bí hiểm. Điều này đã được các chuyên gia nhấn mạnh. Nhưng Dan Brown đã lấy nguồn tài liệu từ đâu để biên soạn Da Vinci Code.
4. Những nguồn lịch sử của Da Vinci code.
Hai tác giả Marie France Etchegoin và Frédéric Lenoir trong cuốn « code Da Vinci » : l’enquête, Robert Laffont, 2004 » cho rằng Dan Brown đã đọc một số sách về bí hiểm được bán chạy nhất. Một dấu hiệu cho thấy tác giả lấy lại những tên được trưng bày ra trong các sách bí hiểm để vào cho những nhân vật của Da Vinci Code.
41. Huyền thoại về làng Rennes le Château.
Dan Brown lấy nguồn gốc đầu tiên qua hình ảnh linh mục Béranger Saunière. Chúng ta nên nhớ đây cũng là tên người quản thủ bảo tàng viện Louvre. Một con người bị ám sát và là ông của cô cảnh sát viên Sophie Neveu.
Chuyện về linh mục Béranger Saunière xảy ra thuộc vào cuối thế kỷ thứ 19 bên nước Pháp. Béranger Saunière được bổ nhiệm làm chánh xứ Rennes le Château, và ông khám phá một làng nghèo. Ông đứng lên chống lại nền Cộng hòa và cho rằng họ đã tàn phá Giáo hội. Chúng ta đang ở vào thời điểm khoảng năm 1885, trước khi bộ luật phân chia Đạo và Đời. Vì thế ông bị bọ trưởng về Phụng tự đình chỉ không trả lương trong vòng 3 năm. Việc này đưa ông thành người nổi tiếng, và được coi như nạn nhân cố chấp của những kẻ thù đối với Giáo hội. Bà bá tước Chambord, goá phụ người có thể lên ngai vua nước Pháp, đã giúp tiền linh mục Béranger Saunière sửa chữa nhà thờ. Sau đó, vị linh mục cũng nhận được nhiều tiền lễ, và từ đó ông trở nên giàu có. Sau khi tu bổ nhà thờ, Béranger Saunière còn sửa sang nơi mình ở thật khang trang đối với một làng quê nghèo. Người nói qua nói lại, và đức giám mục tính chuyện chuyển linh mục Béranger Saunière đi nơi khác. Nhưng ông lấy quyền không thể bãi miễn để ở lại Rennes le Château. Cuộc tranh chấp với giám mục kéo dài cho tới khi linh mục Béranger Saunière qua đời. Khi qua đời, ông nhường ngôi nhà lại cho bà bếp chứ không nhường lại cho toà giám mục. Khi bà này qua đời, người bạn đường là Noel Corbu tưởng tượng ra tài sản của linh mục Béranger Saunière đến từ việc ông này tìm thấy một kho tàng dấu dưới nhà thờ.
Từ đó được dựng nên một tiểu thuyết cho làng Rennes le Château trước đây là thành trì bộ tộc Wisigoth. Người ta nghĩ tướng Titus khi tàn phá thành Giêrusalem mang của cải Đền Thờ về Rôma. Sau này, tướng Alaric đánh phá thành Rôma lấy lại của cải đó và đem dấu tại Rennes le Château dưới áp lực bộ tộc người Francs.
Vấn đề ở đây cần nêu ra tại sao linh mục Béranger Saunière lại có nhiều bạn bè trong giới quý tộc. Linh mục Béranger Saunière là người có học và hiểu biết nhiều về văn hóa La tinh. Ngoài giờ mục vụ cho 300 giáo dân, ông có nhiều giờ làm những việc uyên bác, đưa ông đi gặp những người khác trong vùng. Người ta cho Béranger Saunière tìm được vàng, và những thủ bản cho ông biết một bí mật : Đức Giêsu đã cưới Maria Magđala làm vợ. Họ sinh ra một cô con gái chính là tổ tiên ông Clovis, vua dòng tộc Mérovingiens. Sự khám phá ra bí mật này đưa Béranger Saunière lên sự giàu sang.
Tất cả điều vừa kể không dựa vào sử liệu nào, nhưng lời dân làng đồn thổi làm nên chất liệu cho tác giả Gérard de Sède viết cuốn sách « L’or de Rennes ou la vie insolite de Béranger Saunière » (Vàng làng Rennes hay cuộc đời lạ thường của Béranger Saunière) xuất bản năm 1967. Trong sách, tác giả tự tìm thấy gia phả dòng tộc Mérovingiens và lấy gia phả đó đi ngược lên tới Đức Giêsu. Sau này, hậu duệ dòng tộc Mérovingiens là ông Pierre Plantard de Saint Clair. Cuốn sách lại được ba tác giả người Mỹ, Henry Lincoln, Michael Baigent va Richard Leigh, lấy lại ý tưởng và biên soạn ra cuốn « Holy Blood, Holy Grail » xuất bản năm 1982. Dan Brown dựa vào một số dữ liệu từ cuốn sách này.
Đó là nền tảng tình tiết trong Da Vinci Code. Hư cấu không có gì có thể chứng nhận và kiểm chứng được. Tất cả đều được chú giải bông lông. Gérard de Sède kể chuyện hay. Ông thuộc hàng siêu thực, và cuốn sách mang mẫu loại siêu thực và không có giá trị khoa học.
42. Hội kín Sion.
Theo Dan Brown, Hội kín Sion được kiểm chứng trong những thủ bản tìm thấy năm 1975 tại Thư Viện quốc gia Pháp. Khi vào tận nơi, người ta chỉ tìm thấy những văn bản được đánh máy vào khoảng thập niên 60 chứng giám ông Plantard de Saint Clair thuộc dòng tộc Mérovingiens. Trong những văn bản đánh máy có nêu tên những nhân vật ở thế kỷ thứ 17. Thật ra, những thủ bản này do ba ông Pierre Plantard de Saint Clair, Gérard de Sède và Philippe de Cherisey làm ra. Họ còn là ba nhân vật sáng lập ra một hiệp hội mang tên « Hội kín Sion » và nội quy được nộp trình bên Thụy sỹ vào năm 1956.
Hội kín Sion có phải là những người sót lại thuộc dòng Đền Thờ ? Dòng Đền Thờ hay "Những Hiệp Sĩ Nghèo của Chúa Kitô" còn được gọi là "Templiers" vì họ sinh sống gần đền thờ cũ do vua Salomon xây dựng ở Giêrusalem. Dòng do tám hiệp sĩ người Pháp thành lập khoảng năm 1120 bảo vệ khách hành hương đến Giêrusalem và chống lại những người bất trung. Họ sống đời sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Dòng phát triển rất nhanh vì họ giữ một vai trò quan trọng về tài chánh. Sau này họ tranh chấp với chính quyền và bị Đức giáo hoàng Clément V giải tán vào năm 1312. Thật vậy sau những cuộc Thập tự quân viễn chinh và vương quốc La tinh tan rã, dòng Đền Thờ thật sự không còn chức năng. Trước đây, vì nắm tài chánh nên họ có quyền hành, và quốc vương Pháp là người đầu tiên ghanh tị quyền bính với họ. Cuối cùng Đức Giáo Hoàng coi họ như một cản trở cho công cuộc chính trị của Ngài, và dân chúng lại không hiểu sự hiện hữu của các tu sĩ lính này. Quân lộc dòng Templiers được trao lại cho dòng hiệp sĩ thánh Gioan.
Vì thế vấn đề cho rằng có kho tàng dòng Templiers dấu kín, hay có những tu sĩ Templiers còn sống kín ngày nay là những chuyện hoang tưởng.
43. Leonardo da Vinci.
Dan Brown đặt tên cuốn tiểu thuyết đến từ tên nhà danh họa Da Vinci. Tác giả cho Da Vinci như người lái con thuyền Hội Kín Sion. Leonardo Da Vinci sinh năm 1452 và qua đời năm 1519. Ông được coi như một nhà điêu khắc, hoạ sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ, thi sĩ, đam mê khoa học và kỷ thuật. Thật vậy, Leonardo Da Vinci được coi như một thiên tài của mọi thời đại qua các họa phẩm, cũng như các sáng tạo trong mọi nghành. Ông sống trong thời Phục hưng và được coi như một nhà bác học phổ thông. Leonardo Da Vinci khá cá biệt, say đắm thuật giả kim và có cái nhìn chỉ trích đối với Giáo hội Công giáo. Tất cả điều đó làm nên con người ông.
Dan Brown đưa Leonardo Da Vinci vào cuốn tiểu thuyết và trình bày ông như một người lạc giáo, và để lại trong các hoạ phẩm tôn giáo một số biểu tượng mã hóa đến từ tôn giáo Kabbale, từ giáo phái bí mật học thần linh Hermès Trismégiste, và các thần Ai cập. Dưới mắt Dan Brown, Leonardo Da Vinci là môn đồ gương mẫu của bí truyền học. Vì thế trong bức tranh La Joconde (Mona Lisa) được vẻ vào khoảng năm 1503-1305 mang dạng nam dạng nữ. Khi nhìn bức tranh phía bên trái, nụ cười mang nét u sầu, nhưng nếu nhìn từ phía bên phải bức tranh mang nụ cười tươi.
Trong kiệt tác « Tiệc Ly » ở nhà thờ Santa Maria delle Grazie ở Milan, Dan Brown cho người ngồi bên cánh tay phải Chúa Kitô không phải là môn đệ Gioan nhưng là bà Maria Magđala. Bức tranh ẩn chứa chìa khóa bí mật cho Đức Giêsu và bà Maria Magđala là một cặp vợ chồng. Khoảng cách không gian giữa Đức Giêsu và Maria Magđala » kết thành chữ V, biểu tượng, theo Dan Brown, chén thánh và nguyên lý phụ nữ. Và thế hai người ngồi trong bức họa kết thành chữ M là chữ đầu trong tên Maria Magđala. Các nhà sữ học hội họa cũng nhận thấy có khoảng cách giữa Đức Giêsu và thánh Gioan, nhưng họ đưa ra một giải thích hoàn toàn khác biệt với Dan Brown. Khoảng cách biểu lộ cái vô cùng phân chia hai bản tính của Chúa Kitô với cái bản tính con người của người môn đệ được thương mến. Leonardo Da Vinci trình bày nơi đây Đức Giêsu là con Thiên Chúa.
Kiệt tác được Leonardo da Vinci hoàn thành giữa năm 1495 và 1498. Đây là một bức tranh quan trọng của Leonardo da Vinci. Sắc mặt các nhân vật được nghiên cứu tỉ mĩ. Tác giả đi khắp thành phố để tìm những khuôn mặt thích hợp, ví dụ như ông phải mất gần hai năm mới tìm ra được khuôn mặt ông Giuđa.
Và câu hỏi đưa ra : nếu như Leonardo Da Vinci coi Maria Magđala có một vai trò quan trọng trong Thiên Chúa giáo, tại sao ông không vẻ bức tranh nào về bà, hay có bà ở trong đó ? Những người chạy theo thuyết Dan Brown có thể trả lời vì bị Giáo hội cấm. Câu trả lời cũng sai luôn, vì Maria Magđala vẫn thường được các họa sĩ vẻ đứng dưới chân Thập giá. Trước thời Phục Hưng, bà được hoạ sĩ Giotto trình bày trong bức tranh Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng ; Simone Martini vẻ bà dưới Thập giá. Thời Phục Hưng, Maria Magđala có mặt trong tác phẩm do tác giả Donatello điêu khắc năm 1455 tại thành Florence.
44. Hội Opus Dei.
Trong Da Vinci Code, Dan Brown đưa ra hình ảnh tu sĩ thuộc Hội Opus Dei thật châm biếm. Theo tác giả đây là một hội kín làm việc theo mệnh lệnh Vatican, và họ có một đường dây ảnh hưởng sâu rộng. Các hội viên sống phải giữ bí mật, và làm những việc xấu xa như việc một tu sĩ được lệnh phải đi giết người.
Nơi đây một lần nữa, Dan Brown lấy một hội có thật, nhưng tác giả lẫn lộn với nhiều sai trái trong đó. Opus Dei có nghĩa « công trình của Thiên Chúa » được linh mục José Maria Escriva de Balaguer khai sinh ra ngày 2 tháng 10 năm 1928. Trong một cuộc linh thao tại Madrid, linh mục Balaguer nhận được mạc khải khuyến khích mọi người trở nên thánh trong công việc hằng ngày và ngay nơi họ làm việc. Opus Dei có sứ điệp cốt lõi kêu gọi mọi người nên thánh ở giữa trần đời, và trong nghề nghiệp. Vì thế trước hết Opus Dei nhắm đến giáo dân. Ngay từ buổi ban đầu Opus Dei nhắm đến thành phần sinh viên nơi các đại học. Vì thế họ mở những nhà đón tiếp nơi gần các cư xá sinh viên, hoặc gần các trung tâm dạy nghề. Sau này trong Hội cũng có thành phần giáo sĩ điều khiển Hội. Đây không phải một dòng tu như ta thường hiểu, nhưng một tu hội đời. Hội viên được chia ra thành nam nữ và có các thứ bậc khác nhau. Hội Opus Dei khai sinh ra từ Tây Ban Nha và sau đó được phát triển ra khắp mọi nơi khác trên thế giới.
Đức Giáo Hoàng Piô XII chuẩn nhận tu Hội vào năm 1950. Và dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tu hội được nâng lên hàng « phủ Giám chức tòng nhân », tức là một giáo phận không qui vào mảnh đất nào nhưng có quyền qui tụ hội viên theo hoạt động và nội qui của mình. Vì vậy vị bề trên tổng quyền tu hội là một giám mục. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn phong thánh cho linh mục de Balaguer. Người ta ước lượng con số hội viên Opus Dei ngày hôm nay vào khoảng 84.000 người ở trên 90 nước trên thế giới. Trong số này chỉ có 2% linh mục. Vị Giám quản Opus Dei ngày hôm nay là giám mục Xavier Echevarria.
Theo Dan Brown, « tiếng đồn cho rằng Opus Dei là một giáo phái và dùng thuật tẩy nảo ». Thật ra, không thể nào coi Opus là một giáo phái vì Hội đã được Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận từ năm 1941. Hội cũng không ngừng nhắc đi nhắc lại : « điều cá biệt của Opus Dei là trung thành với Đức Giáo hoàng và giáo huấn của Giáo Hội ». Nhưng tu Hội cũng gặp một vài khó khăn đến từ một số cựu hội viên lên tiếng chỉ trích cách làm việc của Opus Dei
45. Huyền thoại về bà Maria Magđala.
Da Vinci Code còn lấy nguồn gốc kế tiếp đến từ phong trào nữ quyền bên Bắc Mỹ. Chúng ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm uyên bác của nữ tác giả Elaine Pagels. Bà nghiên cứu và xuất bản những văn bản Ngộ Đạo (Gnostiques). Trong đó phải nói đến ba cuốn Tin Mừng ngụy thư là Tin Mừng Philipphê, Tin Mừng Tôma và Tin Mừng Maria Magđala. Những văn bản này được tìm thấy trong một thư viện Ngộ Đạo ở Nag Hammadi bên Ai Cập vào năm 1945. Thật vậy, vào lúc bấy giờ, có mọt nông dân Ai cập vô tình tìm thấy được những thủ bản cổ trong một cái vò chôn dưới chân vách đá Djebel el-Tarif, cách làng Nag Hamadi vài cây số thuộc miền Thượng-Ai cập. Sau bao ngoắc nghéo, cuối cùng văn bản được đưa ra bán tại chợ đồ cổ ở Le Caire vào năm 1946. Bảo Tàng Viện Le Caire mua được thũ bản từ năm 1949 đến 1952. Toàn bộ thủ bản gồm có tất cả13 văn bản khoảng 1200 trang. Những thủ bản được lưu giữ khá tốt và được biên soạn bằng tiếng Copte là thứ ngôn ngữ Ai cập thuộc thời cổ đại. Các văn bản được viết trên lá giấy cói (papyrus). Khám phá này quan trọng và được biết các văn bản được biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau công nguyên. Các văn bản được liệt kê vào loại Ngụy Thư và Ngộ Đạo.
Các văn bản Ngộ Đạo đã được các chuyên gia nghiên cứu. Các văn bản được soạn thảo vào thế kỷ thứ 3-4 sau công nguyên. Nhóm Ngộ Đạo diễn đạt một viễn tượng bên lề trong thế giới ly khai với Thiên Chúa giáo, vì thế nhóm này không được nhìn nhận như một trào lưu đến từ các Tông đồ. Bởi vậy chúng ta không thể có những hành động được xác nhận, hay những lời xác thực của Đức Giêsu đến từ các văn bản này. Ngược lại chúng ta có một chứng từ của một trào lưu Thiên Chúa giáo bị các Kitô hữu thời bấy giờ chống đối.
Elaine Pagels nghiên cứu những văn bản và chú giải phổ thông đại chúng. Bà tái lập một lịch sử về những nguồn gốc Kitô giáo theo viễn tượng phụ nữ trong một cuốn sách « Adam, Eva và Con Rắn » được bán rất chạy . Từ các bản Ngộ Đạo, Elaine Pagels đưa ra luận đề bà Maria Magđala thừa kế tinh thần Đức Giêsu, và chính ông Phêrô và các ông khác loại Maria Magđala ra, vì là một người đàn bà. Từ đó, Giáo hội Công giáo giữ khuynh hướng này và bắt buộc phải dấu kín mọi chuyện. Phong trào nữ quyền bên Bắc Mỹ dựa vào truyền thuyết đó và cho Giáo hội Công giáo không trung thành với Đức Giêsu vì chính Người đã lựa chọn Maria Magđala đứng đầu cộng đoàn.
Và trong số các Ngụy Thư, cuốn Tin Mừng Philipphê có nói đến Maria Magđala hai lần như người vợ Đức Giêsu : « Có ba người luôn đồng hành theo Chúa. Maria, mẹ của Người, và một bà chị của người này, cùng với Maria Magđala được gọi là vợ của Người », và Dan Brown đã trích dịch đoạn văn sau từ Tin Mừng Philipphê : « Chúa yêu thương Maria hơn tất cả các môn đồ khác, và Người thường hôn môi miệng chị. Các môn đồ thấy Người thương Maria, và họ nói : Tại sao Người lại thương chị ta hơn chúng tôi ? Đức Chúa trả lời « tại sao Ta lại không thương các anh em giống như chị ta được ? ». Và Dan Brown cho đây là bằng chứng Maria Magđala chính là vợ Đức Giêsu.
Văn bản Tin Mừng Philipphê không viết lại cuộc đời Đức Giêsu như các Tin Mừng thuộc Quy Điển Thánh Kinh, nhưng tổng hợp một số câu nói và được cho đến từ Đức Giêsu. Tác giả văn bản không đưa ra những hành vi những việc Đức Giêsu làm nhưng trình bày một giáo huấn bí hiểm qua một số tổng hợp câu nói. Các học giả xếp Tin Mừng Philipphê vào loại Ngộ Đạo, như một chuyên luận khai tâm về hôn lễ thiêng liêng giữa Thiên Chúa và linh hồn loài người bị truất phế. Những cuộc hôn lễ này được thực hành bằng « thần khí, hơi thở » (pneuma), vì thế trong Tin Mừng Philpipphê dùng nhiều hình ảnh như sự « siết chặt » và cái « hôn » để diễn tả sự trao ban hơi thở cho người khai tâm. Bởi vậy, muốn hiểu ý nghĩa câu văn do Tin Mừng Philipphê được trích trên đây, cần biết bối cảnh Ngộ Đạo và sự huyền nhiệm Do thái giáo. « Hôn » trong tiếng Híp ri là nashak = « thở cùng nhau ». Huyền nhiệm Do thái giáo gợi cái truyền thần khí thánh thiêng bằng nụ hôn. Qua sự kết hợp bằng những nụ hôn được truyền đạt bí ẩn đưa vào « phòng tân hôn » tức là nơi cực thánh. Đó là chủ đề cốt lõi của Tin Mừng Philipphê. Đức Giêsu trao ban thần khí cho các môn đệ đưa họ vào phòng tân hôn, và qua cái hôn mang ý nghĩa truyền đạt lại giữa những người cùng am hiểu : « Người hoàn thành trở nên phong phú bởi nụ hôn và qua nụ hôn họ được sinh ra. Vì thế chúng ta hôn nhau và chúng ta cùng cho nhau sự sống từ tình yêu trong chúng ta » (Tin Mừng Philipphê, 59). Nhìn qua bối cảnh biểu tượng và huyền nhiệm, Maria Magđala trong Tin Mừng Philipphê được coi như người môn đệ hoàn hảo hơn là vợ Đức Giêsu. Vì thế bà mới bị các môn đệ khác ghanh tị. Trong các văn bản Ngộ Đạo, sự kết hiệp thể xác bị đánh mất giá trị và cần được hiểu như hình ảnh của sự kết hiệp thiêng liêng.
Trên đây liệt kê một số nguồn gốc chính Dan Brown đã dựa vào để biên soạn Da Vinci Code. Tác giả lấy lại một số dữ kiện nhưng không rà soát lại phương diện khoa học lịch sử. Da Vinci Code thành một cuốn tiểu thuyết tồi tàn về mặt lịch sử, và mang nhiều điểm sai sót về mặt thần học.
5. Những sai sót về mặt thần học.
Da Vinci Code cho biết gia phả cô Sophie Neveu xuống từ gia đình Đức Giêsu với bà Maria Magđala. Ngoài ra theo Dan Brown « Graal » không phải chén đựng máu Đức Giêsu đổ ra trên thập giá như truyền thuyết đến từ văn chương tiểu thuyết thời Trung cổ. « Graal » giờ đây trong tiểu thuyết Da Vinci Code chính là đôi ngực bà Maria Magđala mang trong mình hậu duệ Đức Giêsu. Giáo hội Công giáo từ thời Phêrô làm mọi cách ngăn chặn vén màn bí mật này. Dan Brown tìm cách xác thực luận đề bằng cách chú giải một cách khác biệt về nguồn gốc Giáo hội Công giáo.
Dan Brown viết : « Thánh Kinh như chúng ta biết ngày nay được một người ngoại sưu tập, đó là hoàng đế Constantin ». Qua câu này chứng tỏ tác giả viết hoàn toàn sai lạc. Chúng ta đều biết Thánh Kinh không phải một cuốn sách nhưng một thư viện với một loạt sách ở trong đó. Người Thiên Chúa giáo chia Thánh Kinh ra hai phần : Cựu ước và Tân ước. Cựu ước là Thánh Kinh của người Do thái. Các sách được chọn vào quy Thư vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, và cuối cùng phái Pharisêu chấp nhận chung cục khi họ tái phối trí Do thái giáo sau khi quân đội La mã do tướng Titus cầm đầu tàn phá Đền Thờ Giêrusalem. Thánh Kinh Cựu ước được hoàn thành trong cảnh đó, và hoàng đế Constantin chỉ có mặt vào bốn thế kỷ sau.
Phần Tân ước sinh sau đẻ muộn hơn phần Cựu ước. Trong phần Tân ước mới nói đến Đức Giêsu và các tông đồ. Các cuốn Tin Mừng được hoàn thành vào cuối thế kỷ thứ nhất. Phần lớn các Thánh thư được biên soạn sớm hơn. Các văn bộ được chấp nhận vào Quy Thư sau khi có sự bàn cãi trong các cộng đoàn. Những lý do các sách được chấp nhận vào Quy Thư đến từ ba điều : thứ nhất văn bản đó gắn liền vào thời đại các tông đồ, các giáo huấn được chấp nhận như điều đúng, và điều thứ ba là tác phẩm đó đã được lưu hành trong cộng đoàn được các cộng đoàn khác chấp nhận. Ngay đầu thế kỷ thứ II, Tân ước được chấp nhận gồm bốn cuốn Tin Mừng, sách Công vụ các Tông đồ, các Thánh thư và sách Khải Huyền, và cùng thời điểm một số tác phẩm khác đã không được nhìn nhận vào Quy Thư. Những cuốn sách đó được gọi là Ngụy Thư.
Các Ngụy Thư được xuất hiện theo dòng phát triển Giáo hội trong một số các cộng đoàn. Một số Ngụy Thư có ảnh hưởng sâu rộng như trường hợp Tin Mừng Giacôbê. Trong đó, chúng ta đọc được những truyền thuyết về việc Đức Giêsu được sinh ra, nguồn gốc các câu chuyện về Noel. Những Ngụy Thư khác thường được biết đến như những tác phẩm bên lề vì được viết cho các nhóm nhỏ. Ngụy Thư thường lấy tên một nhân vật nổi tiếng bảo trợ cho tác phẩm, vì thế chúng ta thấy xuất hiện tên các Tông đồ. Ngụy Thư thường đến từ các nhóm ly khai muôn hình vạn trạng và thường gom lại dưới tên Ngộ Đạo. Một trong những Ngụy Thư quan trọng là Tin Mừng Tôma được biên soạn vào khoảng giữa thế kỷ thứ III. Nhìn vào niên đại, các Ngụy Thư không cho biết những điều lịch sử về Đức Giêsu. Các Ngụy Thư chỉ cho biết giáo lý những nhóm ly khai, bên lề Giáo hội.
Theo Dan Brown, hoàng đế Constantin đã bỏ tiền ra để cho người ta biên soạn Tân ước loại bỏ ra tính loài người của Đức Giêsu. Như đã nói trên, Tân ước có trước hoàng đế Constantin. Vào năm 306, hoàng đế La mã Constance Chlore băng hà. Con trai Constantin được 26 tuổi tự xưng hoàng đế, và thống trị trên miền Gaule và Bretagne. Constantin bắt liên minh với Licinius, và Constantin làm hoàng đế trong đế quốc La mã nằm ở phiá Tây sau khi thắng trận quân Maxence tại cầu Milvius ở Rôma vào năm 312. Vào năm 313, Constantin và Lucinius ra chiếu chỉ Milan đưa Thiên Chúa giáo được dễ thở hơn. Theo truyền thuyết, Constantin trở lại Thiên Chúa giáo sau khi thắng trận năm 312, nhưng thật ra ông chỉ rửa tội trên giường trước khi chết năm 337. Cuộc sống Constantin không phải là vị vua hiền lành dể bảo, vì ông cũng loại bỏ tất cả những ai chống đối ông, ngay cả những người trong hoàng tộc như bà vợ Fausta và đứa con trai cả Crispus Constantin coi về phiá Tây và đã có một chính trị bảo trợ Thiên Chúa giáo, còn ở bên phiá Đông Lucinius dần dà ra tay bách hại Kitô giáo. Vào năm 324, Constantin đánh bại Licinius và thống nhất đế quốc La mã. Năm 330, Constantin lấy thành Byzance làm thủ đô và đặt tên là Constantinople.
Da Vinci Code cho Constantin đưa Kitô giáo lên hàng quốc giáo trong đế quốc. Điều này hoàn toàn sai. Cho dù Constantin bảo trợ Kitô giáo bành trướng, nhưng chỉ dưới triều hoàng đế Théodose (379-395), tức là 40 năm sau khi Constantin qua đời, lúc bấy giờ Kitô giáo mới trở thành quốc giáo.
Ngoài ra, tác giả Da Vinci Code còn viết : « hoàng đế Constantin cần cấu trúc lại cộng đoàn tín hữu. Với lý do đó, ông triệu tập công đồng Nicée Giêsu chỉ được coi như một ngôn sứ chết ». Thật ra, công đồng Nicée có thật và được hoàng đế Constantin triệu tập vào năm 325. Hoàng đế cần sự hiệp nhất trong đế quốc đang bị khủng hoảng với một luận đề do linh mục Arius (256-336) thành Alexandria gây ra. Cuộc khủng hoảng vấn đề thiên tính của Đức Giêsu gây nên sự chia rẽ trầm trọng trong toàn cõi đế quốc. Linh mục Arius cho Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể vào Đức Giêsu chỉ là một thụ tạo thiêng liêng của Thiên Chúa, một người cao trọng hơn chúng ta, nhưng đối với Thiên Chúa chỉ là một thụ tạo.
Nicée là Công đồng đầu tiên còn được gọi Công đồng chung (oecumenicum) quy tụ 318 giám mục đến từ khắp miền đế quốc ngày 20 tháng 5 năm 325, nhưng phải nói số đông giám mục đến từ Đông phương. Tây phương chỉ có vài giám mục, Cécilien thành Carthage, Nicaise giám mục thành Die xứ Gaule, giám mục Ossius có mặt coi như chuyên viên về vấn đề tôn giáo của hoàng đế, và hai linh mục đại diện cho giám mục thành Rôma (Giáo hoàng Sylvestre thứ nhất). Constantin khai mạc Công đồng, và thấy rõ có hai phe rõ rệt. Phe bênh vực cho Arius do giám mục Eusène thành Nicomédie cầm đầu chỉ là thiểu số nhỏ, và họ đã gây chấn động cho số đông chối từ thiên tính của Chúa Kitô. Phe chống Arius do giám mục Alexandre chủ trương với sự giúp đỡ đắc lực của Athanase, trợ tá và sau này lên kế vị ông năm 328, và giám mục Ossius.
Giám mục Eusèbe thành Césarée đề nghị bản Kinh Tin Kính đến từ giáo hội của ông, nhưng hoàng đế Constantin theo lời cố vấn Ossius, đòi cho thêm vào từ ngữ homoousios khẳng định Chúa Con đồng bản tính với Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Con bằng nhau hoàn toàn. Vì là lời hoàng đế đề nghị nên mọi giám mục đồng ý chỉ trừ hai giám mục theo phe Arius chống đối, và bị phát lưu.
Kinh tín kính hay Tín biểu do Công đồng Nicée đưa ra như sau : "Chúng tôi tin một Thiên Chúa duy nhất, là Cha toàn năng, Đấng sáng tạo mọi vật hữu hình và vô hình. Chúng tôi tin Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sinh ra như là người Con duy nhất, có nghĩa là từ bản chất của Cha. Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng. Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Cha, qua Ngài mà tất cả được tạo thành, những gì ở trên trời và những gì ở dưới đất. Đấng vì chúng tôi và vì ơn cứu độ của chúng tôi, đã xuống thế, mặc lấy xác phàm trở thành con người. Ngài đã chịu khổ hình và ngày thứ ba đã sống lại, lên trời và sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Chúng tôi tin Chúa Thánh Thần. Giáo hội tông truyền và công giáo, loại ra ngoài Giáo hội những ai tuyên bố rằng: đã có một thời gian nào đó Con Thiên Chúa không hiện hữu và Ngài đã không có trước khi được sinh ra, và Ngài được dựng nên từ hư không hay là do một bản chất hoặc bản thể nào khác, hay là cho rằng Con Thiên Chúa biến chuyển hay có thể biến chuyển".
Với tín biểu này, hoàng đế nghĩ rằng vấn đề Ariô coi như xong, thế nhưng cuộc tranh luận còn kéo dài suốt thế kỷ thứ IV. Thật ra, không phải công đồng Nicée đưa ra ý tưởng Đức Giêsu mang thiên tính, nhưng điều này đã được các sách Tin Mừng tuyên xưng, nhất là Tin Mừng Gioan, các Thư Phaolô và các tác phẩm của các Giáo phụ ở thế kỷ thứ II nhấn mạnh hơn cả. Các văn bản đó cũng còn nói đến tính loài người của Đức Giêsu.
Dan Brown hoàn toàn sai lầm về ý tưởng thần học. Ông biết rõ điều này nên tác giả đã sử dụng đến đề tài âm mưu để có thể viết một cách hoàn toàn giả tưởng. Thật vậy, nếu không phải trưng bày những tài liệu và nguồn gốc. Dan Brown đã giả mạo các nguồn tài liệu Kitô giáo đưa đến luận đề tác phẩm : Giáo hội Công giáo đã bách hại một tôn giáo làm tăng giá trị tính dục, và nhìn nhận giá trị phụ nữ.
6. Maria Magđala.
Trong suốt cuốn truyện, tác giả để câu chuyện lơ lửng với sự giải mã những sứ điệp được mã hoá. Tình tiết câu chuyện nằm nơi khám phá ra bí mật về vai trò người phụ nữ trong tôn giáo. Hai hội Opus Dei và Hội kín Sion đi vào tranh chấp điều Giáo hội Công giáo dấu kín, đó là mối tương quan tình cảm và tình dục giữa Đức Giêsu và bà Maria Magđala. Sỡ dĩ Giáo hội che khuất điều này vì Giáo hội Công giáo khinh miệt phụ nữ và trấn áp phụng tự người nữ.
Bốn cuốn Tin Mừng đều nhìn nhận có nhân vật Maria Magđala và bà có một vai trò quan trọng trong nhóm môn đệ đồng hành với Đức Giêsu, nhưng trong đó không có điều gì nói lên câu chuyện tình yêu giữa Đức Giêsu và bà Maria Magđala.Tin Mừng có nói đến nhiều phụ nữ mang tên Maria :
a. Bà Maria làng Bêtania, em bà Mátta và ông Ladarô. Bà này được nói đến tất cả ba lần. Trong Luca 10,38-42 Đức Giêsu đến trong gia đình của bà : bà Mátta chạy lo cơm nước còn Maria ngồi nghe lời Đức Giêsu nói. Bà Mátta phản kháng yêu cầu Đức Giêsu nói cô Maria xuống giúp, nhưng Đức cho biết Maria đã chọn phần đúng vì bà đã lắng nghe Lời Chúa. Maria đi vào điểm cốt yếu. Truyền thống Công giáo coi đây như biểu tượng cuộc sống chiêm niệm, một cuộc sống nhắm vào sự cầu nguyện.
Trong văn bản thứ hai có sự hiện diện của Maria nơi Gioan 11,1-14 nói về cái chết của ông Ladarô. Và văn bản thứ ba là lúc Đức Giêsu đến ăn cơm tại nhà Bêtania 6 ngày trước lễ Vượt qua. Bà Mátta vẫn lo bận rộn cơm nước, bà Maria lau chân Đức Giêsu bằng thứ dầu quý và lấy tóc lau chân của Người. Chúng ta thấy cùng hành động này nơi người đàn bà tội lỗi trong Tin Mừng Luca, Mátthêu 26,6-13 và Máccô 14,3-9.
b. Bà Maria Magđala hay Maria Mađalêna. Magđala là một làng nằm trên bờ hồ Tibêriade. Maria Madalêna cũng được biết đến ba lần trong Tin Mừng. Trong Tin Mừng Luca 8,1-3, Bà thuộc nhóm các bà theo chân Đức Giêsu và giúp Nhóm môn đệ trong vấn đề tài chánh. Các bà này đều được Đức Giêsu chữa lành bệnh, như bà Maria Magđala được Đức Giêsu đuổi bảy quỷ, nhưng không có nghĩa bà là người tội lỗi. Chúng ta còn thấy Maria Magđala, cùng với Maria Mẹ Đức Giêsu và một bà Maria khác là vợ ông Clopas đứng dưới chân thập giá theo Gioan 19,25 và Mátthêu 27,35-36. Và cuối cùng chúng ta gặp Maria Magđala cùng nhóm các bà nơi mộ Đức Giêsu ngày sáng Phục sinh. Các bà mang theo dầu nhưng họ chỉ thấy ngôi mộ trống ( Mátthêu 28,1 ; Máccô 16,1-2 và Luca 24,1).
c. Ngoài ra còn một người đàn bà không tên nhưng Luca gọi là người đàn bà « tội lỗi » (7,36-50). Người đàn bà « tội lỗi » có nghĩa là có tội công khai, một cô gái giang hồ. Đức Giêsu được một người Pharisêu tên Simon mời dự tiệc. Trong bữa tiệc người đàn bà này đi vào đến khóc dưới chân Đức Giêsu. Bà lau chân và sức dầu thơm và hôn chân Đức Giêsu. Bà này bị coi là người đàn bà « tội lỗi », nên đã gây một cú sốc nơi người Pharisêu Simon, vì Đức Giêsu đã để bà làm như thế. Đức Giêsu dùng một dụ ngôn cho Simon hiểu. Tình yêu người đàn bà này diễn đạt là một tình yêu ăn năn, một tình yêu thiêng liêng nhưng chắc chắn là một tình yêu diễn tả bằng xác thịt : hôn chân, xức dầu lên chân và dùng tóc để lau.
Bà Maria Magđala có một chỗ đứng khác biệt vì bà là người được Đức Giêsu hiện ra sau khi sống lại. Văn bản này chúng ta đều biết vì thường được nghe trong mùa Phục sinh. Ở đây Maria Mađalêna mang hình ảnh nhân loại được cứu rỗi, vì thế có thể Maria Magđala chính là người đàn bà được cứu khỏi bảy quỷ. Số bảy biểu hiện sự tổng thể chứ không phải là tội lỗi của một cô gái điếm. Chính với ý này truyền thống đã trộn lẫn ba nhân vật Maria vào thành một nhân vật duy nhất, để nói lên sức mạnh cứu rỗi thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô.
Truyền thống Thiên Chúa giáo lẫn lộn ba nhân vật này vì trong các văn bản có một số điểm trùng nhau : tình yêu của ba bà này dành cho Đức Giêsu. Một tình yêu trong sáng, thiêng liêng nhưng được diễn đạt ra cụ thể. Hai người trong đó cùng mang tên Maria. Maria làng Bêtania và người đàn bà tội lỗi lại làm cùng một hành động : xức dầu chân Đức Giêsu và lau bằng tóc. Ngoài ra, theo Luca Đức Giêsu chữa Maria Magđala khỏi bảy quỷ được coi như tội lỗi của cô gái điếm cho dù hai trường hợp trên đều khác nhau.
Đối với Dan Brown tình yêu giữa Đức Giêsu và bà Maria Magđala là điều hiển nhiên. Tác giả không bao giờ tìm kiếm đọc những đoạn Tin Mừng về bà Maria như ta vừa đọc qua ở trên. Trước Dan Brown, tác giả Nikos Kazantzakis trong cuốn « cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Kitô » cũng đã nói lên tình yêu giữa Đức Giêsu và Maria Magđala. Cuốn truyện cũng đã được dựng thành phim do nhà đạo diễn Martin Scorcese hình thành. Ở đây Dan Brown còn thêm vào điều họ còn có hậu duệ nối dòng, và đưa ra hình ảnh Maria Magđala mang khuôn mặt bí hiểm.
Lúc ban đầu, các Giáo phụ như Tertullien, Clément thành Alexandria, Hilaire và Giêrônimô phân biệt rõ ràng ba người đàn bà Maria trong Tin Mừng. Sau đó thánh Augustinô bắt đầu do dự và chính Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả (qua đời năm 604) đã trộn lẫn cả ba bà Maria vào một nhân vật. Những nét đặc trưng của Maria Bêtania và của người đàn bà tội lỗi được thêm vào cho bà Maria Magđala. Chính người đàn bà tội lỗi đuợc Đức Giêsu chữa bảy quỷ, và bà xức dầu thơm lên chân Đức Giêsu hai lần. Bà theo chân Chúa và là người chứng đầu tiên về sự sống lại. Từ đó, truyền thống Kitô giáo lấy lại điểm trộn lẫn này trong mục đích nêu gương tốt cho tín hữu.
7. Đức Giêsu và phụ nữ.
Mối tương quan giữa Đức Giêsu và những người thân cận chứng giám một sự tự do mạnh mẽ. Người đã thay đổi lối nhìn của lề luật đương thời trong cách tiếp cận với phụ nữ. Đức Giêsu trò chuyện với người đàn bà Samaritanô bên bờ giếng đã gây cú « sốc » cho chính các môn đệ. Người để cho một người đàn bà khóc dưới chân gây cú sốc cho người chủ tiệc Pharisêu. Trong nhóm đồng hành với Người có cả đàn ông và phụ nữ. Sự tự do khác biệt với thái độ bình thường nơi dân tộc Ítraen khi người phụ nữ luôn có vai trò phụ, bị gò bó vào trong công việc ở nhà. Vì thế khó chấp nhận luận đề của Da Vinci Code cho Đức Giêsu lập gia đình với bà Maria Magđala. Đức Giêsu đặt sự hiện diện của bà trong nhóm và qua đó nêu lên phụng tự thần thiêng cho người phụ nữ.
Trong thế giới tôn giáo vẫn còn vấn đề thánh thiêng hoá tính dục. Người ta tìm thấy dấu vết nơi các phụng tự về khả năng sinh sản nơi miền Canaan. Phụng tự này đặt trên cái nhìn thần thiêng với hai nguyên lý : một vị thần nam và một vị thần nữ. Khi hai người kết hợp làm nảy sinh ra vũ trụ trù phú. Phụng tự ở đây cử hành sự kết hiệp giữa hai vị thần linh nam và nữ, được tổ chức nơi các đền thờ. Đàn ông đồng hoá vào nguyên lý nam và đàn bà nguyên lý nữ giao hợp và được chúc phúc. Trong phụng tự này, vị vua có một chỗ đứng quan trọng, vì ông ta sẽ giao hợp với vị « thầy cả nữ » biểu tượng cho thần thiêng, cũng như vị hoàng hậu có thể giao hợp với vị « thầy cả » nam.
Phụng tự này đã bị các tôn giáo độc thần loại bỏ coi như sự ô danh đồi bại. Đức Giêsu triệt để đòi hỏi một tình yêu dựa trên sự tôn trọng đặt nền tảng vào Thiên Chúa toàn năng và trên con người được sáng tạo như hình ảnh Thiên Chúa. Đây là vấn đề Da Vinci Code nêu lên : ý nghĩa nào cho mối tương quan giữa người nam và người nữ ? Có thể nào ta chuyển đổi vào trật tự thần thánh ?
Kết luận.
Da Vinci Code là một cuốn truyện trinh thám hay, nhưng cuốn sách còn là một cuộc lừa phỉnh khi được viết theo kiểu ô hợp. Da Vinci Code không tôn trọng những đòi hỏi thể loại văn chương tiểu thuyết lịch sử. Nó được trộn lẫn giữa sự thật và cái sai bằng cách dùng những điều mạc khải giả tạo, và đưa cuốn sách trở nên một dụng cụ luận chiến. Tác giả đi theo những chủ đề thời thượng và tìm cách phá hủy hình ảnh Giáo hội Công Giáo bằng những châm biếm.
Điều này đòi hỏi chúng ta phải chính xác trong dữ kiện, và không khẳng định điều gì nếu như chưa kiểm chứng. Cuộc đời Đức Giêsu được biết rõ ràng với những chứng nhân. Những dữ kiện đó không nói lên hết được mọi sự. Những gì được thêm vào phải cẩn thận và phải tìm cách liên kết xem với những điều ta chắc chắn đã biết. Vấn đề này cũng còn đúng khi đứng trước những huyền thoại đến từ thời Trung cổ bên Âu châu như huyền thoại về Graal, hay huyền thoại về sự có mặt của bà Maria ở dưới miền Nam nước Pháp... Đây là những huyền thoại chứ không phải dữ liệu lịch sử, cho dù hôm nay nhiều người vẫn còn đến đó hành hương kính viếng. Đừng rơi vào cách Dan Brown làm khi ông xác định tấm khăn liệm thành Turin do ông Leonardo Da Vinci sáng tạo. Tác giả đã không nghiên cứu tường tận, vì các nhà sử học đều biết tấm khăn liệm thành Turin được hoàn thành vào thế kỷ thứ 14. Nhiều Kitô hữu còn lầm tưởng tấm khăn đó làm bằng chứng cho sự sống lại. Điều này hoàn toàn sai và đi vào dấu vết sai lầm của Da Vinci Code.
Cuốn Da Vinci Code thành công vì tác giả đi vào đúng thị hiếu độc giả lên án thái độ Giáo hội Công Giáo kỳ thị phụ nữ. Thật sự vậy nơi đây cần nêu lên sự căng thẳng của hai nền văn hoá khác biệt. Một bên là Giêrusalem và Rôma theo công thức thánh Phaolô ghi người vợ phải phục tùng chồng. Ngược lại bên kia là văn hoá Ănglô-Saxon cho người phụ nữ ngang hàng với người nam. Đôi bên còn căng thẳng nặng hơn khi nói về quyền người phụ nữ phải được phong chức như người nam. Chúng ta cần phải đi đến đối thoại và đào sâu thêm vì trong những thế kỷ đầu của Giáo hội, có một số phụ nữ đã có chức vụ thánh. Bằng không sự căng thẳng này là đề tài để những tác phẩm như Da Vinci Code ra đời chế nhạo.
Sự thánh thiêng và chiều kích biểu tượng đã bỏ các Giáo hội. Nhà Tâm lý học Carl Gustav Jung đã giải thích rõ ràng điều đó và hôm nay, việc này trỗi dậy trong sâu thẳm lòng con người. Con người cần lý trí nhưng cũng còn cần ước mơ, cần thi ca cũng như cần toán học. Chúng ta thấy con người đương đại đang chạy theo ma thuật với sự thành công của các tác phẩm điện ảnh như « Seigneur des anneaux » (Chúa tể các chiếc nhẫn), « Harry Potter » và cuối cùng là Da Vinci Code. Nguy hiểm là chúng ta bị lôi kéo vào sự nhầm lẫn và mang tính phi lý đưa đến sự hoang tưởng. Các hình thức ma thuật tôn giáo cần phải được nhìn với một tinh thần phê phán và phân định.
Da Vinci mang luận đề chống phá Giáo Hội Công Giáo như lượt qua trong những trang trên. Chúng ta đều biết Giáo Hội do Đức Giêsu dựng nên, và là sự hiện diện biến cố cứu độ do Chúa Kitô hoàn thành. Và ngày hôm nay Giáo hội thành một cơ chế trong thời gian và không gian. Giáo hội mang sứ mệnh gìn giữ trung thành biến cố cứu rỗi, loan báo sứ điệp, nói với chúng ta ý nghĩa cuộc đời và giúp thành công cuộc đời đó. Giáo hội đưa đến cho chúng ta những bí tích như ân huệ Thiên Chúa, và cho ta những phương tiện hoàn thành ơn gọi con người trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.
Lm Thêôphilô