Biến cố Phục Sinh
“Nếu như Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”. Thánh Phaolô viết lời xác tín này vào năm 55, trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô (15,14). Nếu Đức Kitô không sống lại, chúng ta không là Kitô hữu và cũng chẳng cần làm tông đồ. Và hôm nay một số Kitô hữu còn do dự đặt câu hỏi Đức Giêsu Phục sinh có thật sự quan trọng cho đức tin ? Họ nghĩ Tin Mừng đã đầy đủ dù không có biến cố Phục sinh. Nhìn lại lịch sử khai sinh Giáo hội, chúng ta biết Tin Mừng được khai sinh từ niềm tin Đức Giêsu Phục sinh. Nếu như Đức Giêsu Kitô không sống lại, hành động và lời Ngài đã bị chôn vùi. Giáo hội cũng không được khai sinh. Vì thế, biến cố Chúa Kitô sống lại là biến cố sáng lập niềm tin Kitô giáo.
- Các môn đệ công bố lòng tin hay lời rao giảng tiên khởi.
Những ai quen đọc Tân ước đều biết sách Công vụ các Tông đồ có nhiều diễn từ. Thánh Phêrô nói tất cả 8 diễn từ, thánh Phaolô có 9 diễn từ, và phần còn lại là 7 diễn từ đến từ các nhân vật khác. Khi đọc lại các diễn từ, chúng ta thấy được sứ điệp căn bản của các Kitô hữu tiên khởi khi họ công bố Tin Mừng. Có một số diễn từ dành cho các môn đệ như bài Phaolô nói khi giã từ các kỳ mục cộng đoàn Êphêxô (Công vụ 20,17-35); ngoài ra phần lớn các diễn từ loan báo Tin Mừng đều dành cho người do thái và dân ngoại. Chính trong những diễn từ, chúng ta còn thấy lời rao giảng tiên khởi được các nhà chuyên môn gọi là Kerygma.
-
- Lời rao giảng tiên khởi : Kerygma.
Lời rao giảng tiên khởi có thể tìm thấy trong:
- 5 diễn từ thánh Phêrô nói với người do thái : ngày lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2,14-41); sau khi chữa cho một người bị bại (Công vụ 3,12-26); trước hội đồng Công toạ (Công vụ 4,9-12; 5,29-32); tại nhà viên sĩ quan Cônêliô (Công vụ 10,34-43).
- 1 diễn từ thánh Phaolô nói trong hội đường tại thành Antiôkia ở Pisidie (Công vụ 13,16-41).
Khi đọc lại những bài diễn từ vừa nêu trên, chúng ta rút ra được ba điểm chính :
- biến cố về Đức Giêsu... các cộng đoàn tiên khởi nhắc lại cuộc đời Đức Giêsu : sứ vụ công khai với ông Gioan Tẩy giả rao giảng loan báo Đức Giêsu thành Nadarét. Ngài chịu phép rửa bởi ông Gioan tại sông Giođan, đi giảng dạy và làm các phép lạ. Ngài bị các thũ lãnh Do thái lên án, bị hành hình bởi dân ngoại theo chương trình Thiên Chúa, chết vô tội và được chôn cất. Thiên Chúa cho Ngài sống lại và chúng tôi là những chứng nhân. Ngài được lên trời ở bên hữu Thiên Chúa và được trao ban Thánh Thần.
- ứng nghiệm Lời Thánh Kinh... trước hết qua các tước hiệu được dành cho Đức Giêsu trước biến cố Phục sinh như : người đầy tớ; Đấng Thánh; người Công chính. Sau biến cố Phục sinh, là Đấng cứu độ; Đấng khơi nguồn sự sống. Ngoài ra còn hai tước hiệu dành cho Đức Giêsu được dùng trước và sau biến cố Phục sinh là Đức Chúa và Đấng Kitô. Lời Thánh Kinh loan báo Đức Giêsu hoàn thành những sấm ngôn (Công vụ 3,24). Ngài phải chịu khổ hình và sẽ trở lại vào ngày sau hết. Người Do thái là những người được thừa hưởng đầu tiên, rồi tới dân ngoại (Công vụ 2,39).
- Chất vấn chúng ta... chúng ta được cứu rổi nhờ đức tin chứ không do lề luật; cứu độ chỉ nhờ vào danh Đức Giêsu; vậy phải sám hối, chịu phép rửa để được ơn tha tội và nhận ân huệ Chúa Thánh Thần (Công vụ 2,38).
-
- Hai hình ảnh diễn tả biến cố Phục sinh.
Các Kitô hữu tiên khởi dùng nhiều hình ảnh diễn đạt mầu nhiệm Phục sinh và có thể gom thành hai loại : Đức Giêsu đã sống lại và Ngài vẫn là con người mà họ đã biết trước đây nhưng nay hằng sống, và các bạn bè nhận ra Ngài. Hôm nay Ngài được tôn vinh và đưa về trời; vì thế không những Ngài tìm lại cuộc sống trước đó nhưng còn được đưa vào cuộc sống mới là cuộc sống Thiên Chúa.
- Trở lại cuộc sống. Theo não trạng do thái, kẻ qua đời đi về cõi địa ngục hoặc còn trong giấc ngủ. Sự sống lại là sự tỉnh dậy sau cái chết tìm lại cuộc sống trước đây. Hình ảnh đặt nhân vật vào trong lịch sử có sự tiếp nối, và những ai biết nhân vật đó đều nhận ra.
- Đi vào sự vinh quang. Thiên Chúa ở trên trời, và người qua đời được đưa vào gần Thiên Chúa, được tôn vinh và được đưa về trời. Hình ảnh này lấy từ cảm hứng hình ảnh Con Người ghi trong sách Ngôn sứ Đanien 7. Con Người được đưa vào đám mây, biểu tượng cho những kẻ sót lại trung thành với Thiên Chúa đến cái chết tử vì đạo. Sống lại không chỉ trở lại như cuộc sống trước đây, nhưng còn được tôn vinh.
- Các môn đệ cử hành lòng tin.
Các kitô hữu tiên khởi cần cho mọi người biết lòng tin họ có qua những công thúc ngắn gọn, và đó là lời rao giảng tiên khởi ; nhưng họ cũng cần tụ họp nhau lại để cử hành những điều họ tin. Họ diễn đạt đức tin qua bản tuyên xưng đức tin (chúng ta thường gọi nôm na là Kinh Tin Kính), và họ hát diễn đạt qua các bài Thánh Thi.
-
- Bản Tuyên xưng đức tin : 1Côrintô 15,3b-5.
« Đức Ki-tô đã chết/ vì tội lỗi chúng ta,/ đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng,/ và ngày thứ ba/ đã trỗi dậy,/ đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai ». Đây là bản các Kitô hữu tiên tuyên xưng đức tin cổ nhất khởi được thánh Phaolô ghi lại. Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô khoảng năm 55, Phaolô nhắc lại những điều đã rao giảng năm 51 khi ngài bắt đầu gây dựng nên cộng đoàn. Bản tuyên xưng được thành hình sau biến cố Phục sinh khoảng 20 năm, mang dấu chứng bắt nguồn từ Palestine và được thích nghi cho thế giới Hy lạp. Tác giả có thể thuộc giới lãnh đạo Cộng đoàn Kitô tiên khởi ở thành Antiôkia vào khoảng năm 35-40, những Kitô hữu gốc do thái theo văn hoá Hy lạp và bị đuổi khỏi thành Giêrusalem. Họ đến sinh sống tại một thành phố lớn thuộc đế quốc La mã, và mang theo những truyền thống Giáo hội Giêrusalem.
Tác giả bản tuyên xưng không chỉ loan báo sự kiện, nhưng còn diễn đạt biến cố và ý nghĩa cho đức tin Kitô giáo. Chúng ta sẽ tìm hiểu ba điểm ngắn ghi trong bản tuyên xưng : Đức Kitô chết « đúng như lời Kinh Thánh », và Ngài đã trổi dậy « đúng như lời Kinh Thánh » ; ý nghĩa cụm từ « ngày thứ ba », và cụm từ « Người đã hiện ra ».
- đúng như lời Kinh Thánh được nhắc lại hai lần trong bản tuyên xưng phản ảnh tính cách biện giáo lời các kitô hữu rao giảng tiên khởi giữa môi trường do thái. Họ muốn cho thấy Đấng Thiên sai bị đóng đinh và được sống lại đúng như chương trình Thiên Chúa, và mời gọi ta hiểu biến cố Phục sinh như chìa khoá lịch sử ơn cứu rỗi.
- ngày thứ ba : Cụm từ này bắt nguồn từ trong sách Ngôn sứ Hôsê 6,1-2 : « Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa. Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương. Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người ». Trong đoạn này, dân Ítraen bị lung lay bởi sự rao giảng của ngôn sứ Hôsê ở thế kỷ thứ VIII trước công nguyên, họ tổ chức một nghi thức ăn năn, vì thế hai ngày, ba ngày trong đoạn văn này có nghĩa là một thời gian ít lâu sau.
Vào thời Chúa Giêsu, cụm từ ngày thứ ba mang ý nghĩa thần học như ngày cánh chung của Thiên Chúa ; vì vậy khi nói ngày thứ ba, Ngài đã trỗi dậy, các môn đệ không có ý cho biết một ngày chính xác nào đó biến cố Phục sinh đã xảy ra, nhưng cách nói Đức Giêsu sống lại là ngày Thiên Chúa chiến thắng trên sự chết.
- Người đã hiện ra : Khi đọc 1Côrintô 15,1-9 sẽ thấy cụm từ này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nguyên ngữ Hy lạp có nghĩa « làm cho thấy ». Chính Đức Giêsu khởi xướng biểu lộ cho người nào và lúc nào mà Ngài muốn. Trong Cựu ước động từ “làm cho thấy” thường được dùng nói đến những cuộc thần hiện như trong Sáng thế 12,7 ; 18,1 : « Đức Chúa hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày »; Thẩm phán 13,21... và nhấn mạnh đến khía cạnh sứ vụ được sai đi hơn là khía cạnh được thấy. Thiên Chúa khởi xướng đến gặp gỡ không báo trước. Yếu tố nhìn thấy rất thoáng nhẹ và qua mau nhường chổ cho sự lắng nghe một lời nói. Trong ý nghĩa đó, Đức Kitô đã làm cho ông Kêpha, Nhóm Mười Hai, ông Giacôbê, các tông đồ, và cuối cùng cho Phaolô « thấy ». Đức Kitô hiện ra sau Phục sinh mặc khải, khai mở những bí ẩn lịch sử cứu rổi. Trong trình thuật trên đường Emmau, lời các môn đệ tuyên xưng đức tin còn ghi : « Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn » (Luca 24,34).Từ ngữ nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu khởi xướng, đưa ta nhận ra vinh quang Đấng sống lại, và cũng mở cho hiểu những cuộc hiện ra thuộc kinh nghiệm nội tâm.
- B. Một Thánh Thi : Phi-líp-phê 2,6-11.
Các Thánh thi thoát ra từ các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi thường được thấy trong Tin Mừng, trong sách Công vụ các Tông đồ, các Thư và sách Khải Huyền. Thánh Phaolô ghi lại một thánh thi được nhiều người biết đến trong thư gửi giáo đoàn Phi-líp-phê. Một thánh thi xưa cổ đến từ truyền thống các cộng đoàn Kitô hữu gốc Do thái : « Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa ».
Thánh Phaolô kêu gọi cộng đoàn Phi-líp-phê thực hành hiệp nhất trong khiêm nhường theo mẫu gương Đức Kitô. Ngài mời gọi mỗi người hãy coi người khác cao trọng hơn mình, đừng tìm tư lợi cá nhân nhưng cho tha nhân. Ta hãy luôn luôn dành cho người khác trước thay vì bám vào những lợi ích cá nhân. Được như thế các phần tử trong cộng đoàn sẽ cùng mang tâm tình như Đức Ki-tô Giê-su. Họ sẽ được hiệp thông vào tiến trình thiêng liêng của Đức Kitô, như điều Ngài đã tự hạ mình xuống đến cây thập tự. Đó là mẫu gương sống do Đức Kitô Phục sinh khai tâm cho nhân loại.
Ngoài ra bài thánh thi còn đối chiếu theo nhịp điệu hạ mình/siêu tôn. Đức Giêsu tự hạ mình để rồi chính Thiên Chúa siêu tôn nhìn nhận Đức Kitô và cho Ngài danh hiệu trên mọi danh hiệu. Đây là chính danh hiệu Thiên Chúa. Nếu như Đức Giêsu Kitô được tuyên xưng như Đức Chúa, cũng vì Ngài đã tự hạ mình mặc lấy khuôn mặt người nô lệ, không màng gì đến địa vị cao sang Thiên Chúa. Thập giá thấp kém nhất trong cuộc tự hạ, nhưng đang vươn lên trong thái độ Đức Giêsu trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá. Đức Giêsu hoàn toàn mang thân phận loài người cho đến bậc thang xã hội thấp nhất. Ngài mang khuôn mặt người Tôi Tớ trong bài ca thứ tư ghi trong sách Ngôn sứ Isaia 53 « đã hiến thân chịu chết », vâng lời Thiên Chúa. Sự siêu tôn Đức Giêsu được gắn liền vào việc Ngài tự hạ mình cho đến thập giá, và cả hai mang mối liên hệ với nhau.
- 3. Các môn đệ trình bày đức tin.
Ở trên, chúng ta thấy các môn đệ rao giảng lòng tin qua Kerygma ; họ cử hành đức tin trong các cộng đoàn qua bản tuyên xưng và những bài thánh thi. Cốt lõi niềm tin được diễn tả qua công thức Thiên Chúa đã làm trỗi dậy, đã tôn vinh, làm Đức Chúa Đức Giêsu đã bị đóng đinh. Các Kitô hữu tiên khởi diễn đạt niềm tin qua các trình thuật thuộc thể loại văn chương kể truyện chứ không ở những công thức ngắn gọn, đáp ứng nhu cầu các cộng đoàn giờ đây đã thành hình. Họ muốn biết nhiều hơn ý nghĩa biến cố đưa đến một kinh nghiệm phụng vụ. Các trình thuật không nói gì khác thêm đối với các công thức tuyên xưng đức tin ngắn gọn, nhưng trình bày một cách khác và giải thích ý nghĩa biến cố dài dòng hơn.
Bốn cuốn Tin Mừng đều có những trình thuật về biến cố Phục sinh, và có thể xếp đặt thành ba nhóm đáp ứng theo nhu cầu cộng đoàn :
- những trình thuật diễn đạt việc cử hành niềm tin tại chính những nơi biến cố xảy ra : trình thuật ngôi mộ mở ra được cả bốn cuốn Tin Mừng ghi lại.
- những trình thuật viết về kinh nghiệm các tông đồ với Đấng Phục sinh và họ như các chứng nhân : trình thuật hiện ra với nhóm Mười Một theo Tin Mừng Nhất Lãm.
- những trình thuật ghi lại kinh nghiệm trong Phụng vụ hay trong lòng cộng đoàn : trình thuật hai môn đệ trên đường Emmau theo Luca, trình thuật về bà Maria Mácđala theo Gioan.
A. Trình thuật cử hành.
Khi đi hành hương Thánh Địa, ai cũng ao ước được cử hành phụng vụ tại chính những nơi xảy ra các biến cố cuộc đời Đức Giêsu ; đến viếng mộ thánh, mọi người gợi lại biến cố chết và sống lại, rồi suy tư và cầu nguyện... Các học giả Thánh kinh, khi dựa vào khoa chú giải văn bản cho rằng các trình thuật về ngôi mộ mở ra cũng được thành hình như điều chúng ta làm khi đi hành hương. Các Kitô hữu tiên khởi đi hành hương đến ngôi mộ Đức Giêsu, một ngôi mộ trống và cử hành lòng tin. Từ đó khai sinh ra trình thuật đầu tiên về ngôi mộ trống và các tác giả Tin Mừng lấy lại diễn đạt thần học đáp ứng theo nhu cầu cộng đoàn.
Ngôi mộ mở (Mc 16,1-8 ;Mt 28,1-8; Lc 24,1-12; Ga 20,1-10) : Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ. Các bà bảo nhau: "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây? " Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: "Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông." Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.
Theo truyền thống, Tin Mừng Máccô được biên soạn khoảng năm 70 tại Rôma chỉ một thời gian ngắn sau khi thánh Phêrô và thánh Phaolô chịu tử đạo. Và cũng theo truyền thống, tác giả Máccô lấy lại các bài giáo lý do thánh Phêrô giảng dạy để hoàn thành tác phẩm. Hôm nay các học giả cũng thấy Máccô chịu ảnh ưởng thánh Phaolô khi biên soạn trình thuật về thần học thập giá.
Trình thuật Phục sinh trong Tin Mừng Máccô chỉ kể lại việc các bà đi ra mộ, và cũng chỉ thoáng qua về những lần Đức Giêsu hiện ra tại Galilê nhưng tác giả không kể chuyện. Và Tin Mừng Máccô chấm dứt một cách hụt hững ở 16,8 với điều các bà sợ hãi. Đoạn Mc 16,9-20 được một soạn giả ở thế kỷ thứ II thêm vào sau này. Tác giả thêm vào để giải thích cái ấn tượng kỳ lạ về trình thuật dở dang bỏ lửng kia. Soạn giả lấy lại những dữ kiện đến từ Tin Mừng Luca và Tin Mừng Gioan về chủ đề các môn đệ kém lòng tin qua các chứng nhân đầu tiên như Maria Mácđala và hai môn đệ trên đường Emmau. Cuối cùng chính Đức Giêsu phải hiện ra với nhóm Mười Một, truyền cho họ đi rao giảng Tin Mừng, rồi về trời. Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu đoạn 16,1-8 thôi.
Máccô nối kết đoạn 16,1-8 vào với đoạn các bà đứng xa nhìn Đức Giêsu bị đóng đinh và nơi Ngài được chôn cất (15,40-41.47 ; 16,1). Các bà ra mộ để ướp xác Đức Giêsu với dầu thơm. Tại sao lại đi ướp một xác chết với mình đầy thương tích và đã qua gần ba ngày ? Chính vì vậy, có thể điểm này dụng ý cho biết Đức Giêsu được chôn cất một cách vội vã. Điểm này còn diễn đạt ý tưởng chính ở điều các bà đi ướp xác một người chết mà sự phục sinh được mặc khải. Các bà không bao giờ nghĩ tới điều đó.
Trình thuật đưa chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dù đã sửa soạn mọi sự từ hôm trước, nhưng nay trên đường đi các bà mới nhớ Ai sẽ lăn tảng đá nơi cửa mộ ?. Họ dường như mới khám phá ra tảng đá thật lớn, và phải có một sức mạnh đặc biệt mới xe dịch nổi. May mắn cho họ tảng đá đã được lăn đi. Tất cả chi tiết vừa kể dụng ý chỉ hành động Thiên Chúa sẽ được mặc khải và làm cho con người lúng túng, ngỡ ngàng.
Một ngạc nhiên khác xảy ra cho các bà khi vừa vào trong mộ vì ngôi mộ không trống. Họ thấy một thanh niên mặc áo trắng và các bà hoãng sợ. Đó là một thiên thần. Trình thuật tiếp tục như thường thấy xảy ra trong các trình thuật thần hiện trong Thánh kinh. Người ta không mô tả thiên thần, nhưng thiên thần xuất hiện và đưa sứ điệp không tưởng « Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi », và chỉ sau khi loan báo sứ điệp, thiên thần mới thêm, « Người không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này ». Tuần tự câu văn không đi từ sự kiện ngôi mộ trống để chứng minh sự sống lại ; nhưng sự sống lại được khẳng định xong, rồi người ta mới ý thức ngôi mộ trống. Đây không phải tiến trình biện giáo nhưng hướng thần học mặc khải. Trước ngôi mộ trống và qua các bà, Máccô cho độc giả thấy cái không ngờ của biến cố thần thiêng. Sứ điệp làm nổi bật hoàn cảnh Đức Giêsu Nadarét bị đóng đinh thay đổi thành Đấng Phục sinh. Và thiên thần đưa sứ điệp kế tiếp hướng các bà đến Galilê cho một xuất hành mới, chứng tỏ đây là một kinh nghiệm tông đồ.
Trình thuật chấm dứt một cách ngạc nhiên. Sứ điệp các bà được giao phó phải truyền đạt lại cho các môn đệ, không được chuyển đi « Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi ». Đó cũng là lời cuối cùng theo Tin Mừng Máccô. Các bà thinh lặng là dấu nét đặc trưng các trình thuật mặc khải. Trước việc Thiên Chúa mặc khải, người thị kiến không thể chịu đựng được và họ rụng rời. Các bà thinh lặng trong bối cảnh này mang ý nghĩa họ sợ đến tột độ khi diện kiến biến cố thần thiêng.
B. Trình thuật hiện ra đưa các môn đệ làm chứng nhân.
Các tác giả Mátthêu, Luca và Gioan đều kết thúc Tin Mừng bằng trình thuật Đức Kitô hiện ra. Trong phần này chúng ta sẽ đọc đoạn Đức Giêsu hiện ra cho nhóm Mười một theo Tin Mừng Mátthêu, và trình thuật Đức Giêsu hiện ra với các Tông đồ theo Tin Mừng Luca.
1. Đức Kitô được vinh hiển và bái thờ (Mátthêu 28,16-20) : Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."
Tin Mừng Mátthêu được biên soạn khoảng năm 80 tại xứ Syrie. Tác giả viết với mục đích củng cố niềm tin các cộng đoàn Kitô hữu đến từ môi trường Do thái. Họ bị khủng hoảng vì việc rao giảng cho dân tộc Ítraen thất bại. Mátthêu không từ chối di sản Ítraen nhưng đồng hoá « Ítraen thật » vào Giáo hội của Đức Giêsu. Ítraen từ chối không nhận Đấng Mêsia, cho nên « Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi » (21,43). Vì thế tác giả Mátthêu định hướng cộng đoàn truyền giáo cho dân ngoại, không còn vấn đề loan báo Nước Thiên Chúa cho chiên lạc nhà Ítraen (10,5-6).
Đoạn Tin Mừng Mátthêu về sự sống lại nơi chương 28 lấy những dữ kiện đến từ Tin Mừng Máccô như chuyện các bà đi ra mộ (28,1-8), và nối tiếp với các trình thuật hiện ra với các phụ nữ (28,9-10), rồi với các môn đệ đúng như lời Đức Giêsu hẹn tại một ngọn núi ở Galilê (28,16-20).
Đoạn hiện ra với các môn đệ coi như cao điểm Tin Mừng Mátthêu. Các chi tiết mang nhiều điển tích Thánh Kinh, và mang dấu ngôn ngữ giáo hội thời Mátthêu. Tác giả gom lại kết thành một văn bản về Đức Giêsu sống lại. Thể loại văn chương không thuộc loại hiện ra để được nhìn nhận, nhưng biểu lộ việc tôn vinh trách vụ cũng như quyền bính Đức Giêsu.
Ngọn núi : Mười một môn đệ đến miền Galilê và lên một ngọn núi nơi Đức Giêsu hẹn. Ngọn núi không có tên. Trong những núi được nói đến trong Thánh Kinh, có những núi được xác định như núi Ô-liu, núi Xi-nai ; có những núi chưa được xác định như núi Biến hình hoặc núi được nói ở đây (Mt 28,16). Vì thế, núi là nơi mặc khải những điều thiêng thánh.
Thấy Đức Giê-su, các môn đệ bái lạy, nhưng có mấy ông hồ nghi, và cũng có thể dịch "họ là những người đã hoài nghi". Chủ đề hoài nghi thường có trong các văn bản hiện ra. Trong Tin Mừng, Mátthêu thường nói các môn đệ « kém lòng tin ». Chính với những môn đệ mang tâm trạng do dự, Đấng Phục sinh giao trọng trách loan báo Tin Mừng
Quyền bính của Con Người : Sau đoạn mở đầu, đoạn văn nói đến Đấng Phục sinh tự mặc khải và sứ mệnh trao cho các môn đệ. Mt 28,18-20 ghi lại điều Đức Giê-su chỉ thị lần chót với các môn đệ. Tác giả lấy hình ảnh từ sách Ngôn sứ Đanien liên quan đến dân Ítraen và Đấng Mêsia « có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị;muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu,không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong » (Đanien 7,13-14). Đức Ki-tô Phục Sinh cũng nắm toàn quyền trên trời dưới đất. Quyền thiêng liêng ứng nghiệm lời Đức Giêsu « Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho » (Mt 11,27). Ngài lãnh nhận quyền từ Chúa Cha, và giờ đây các môn đệ sẽ thực thi quyền nhân danh Ngài. Sứ mệnh có tính phổ quát theo kế hoạch Chúa Cha. Các môn đệ không những loan báo Tin Mừng cho dân Ítraen (Mt 10,5 ; 15,24), nhưng còn cho mọi dân mọi nước (Mt 8,11 ; 21,41 ; 22,8-10 ; 24,24.30 tt ; 25,32 ; 26,13). Công trình cứu độ phổ quát sẽ lâu dài và gian khổ, nhưng Đấng Phục Sinh sẽ ở cùng và hoạt động với các môn đệ.
Các môn đệ thực thi chính sứ mệnh Đức Giêsu trao : Làm phép Rửa, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,…Theo đoạn văn (Mt 28,19), Đức Giê-su bảo phải làm phép Rửa nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng, theo sách Công vụ Tông đồ, các Tông đồ làm phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu (Công vụ 8,16 ; 10,48 ; 19,5 ; 22,16). Vậy, do đâu có sự khác biệt ? Các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng lúc đầu, các Tông đồ làm phép Rửa nhân danh Đức Giêsu mà thôi. Nhưng, vì Đức Giêsu không đưa ra một công thức chi tiết, và cộng đoàn Mátthêu thay thế công thức Rửa tội một cách chi tiết hơn, họ làm phép Rửa chẳng những nhân danh Chúa Con, còn nhân danh Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Sứ vụ các môn đệ không do họ tự làm nhưng chính sứ vụ Đức Giêsu, vì thế Ngài ở cùng anh em... "ở cùng" là một công thức Cựu ướcquen thuộc, có nghĩa Chúa toàn năng yêu thương, nâng đỡ và bênh vực những kẻ thuộc về Người. Theo sách Xuất hành 3,12, Đức Chúa sai ông Mô-sê đưa dân Ítraen ra khỏi Ai cập. Ông Mô-sê không dám. Đức Chúa phán : "Ta ở với ngươi" Thiên Chúa đã nâng đỡ và bênh vực ông, giúp ông vượt mọi gian khổ trong khi thi hành sứ mệnh. Trong lịch sử cứu độ, còn có nhiều trường hợp như thế (Sáng thế 26,3 ; 28,15 ; 31,3 ; Xuất hành 3,2 ; Giôsuê 1,5.7 ; Đệ Nhị Luật 1,19 ; 6,13.16 ; Is 41,10 ; 43,5 ; Mt 1,23). Ở đây (Mt 28,20), Đức Giê-su luôn luôn ở với các môn đệ và giúp đỡ họ thành đạt sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Người môn đệ đi truyền giáo và làm phép Rửa, có Đức Giê-su ở cùng ngay bây giờ.
2. Đấng Phục sinh được nhận ra (Luca 24,36-53). "Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! "Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?, Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? "Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? "Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. "Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống."Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
Luca là một kitô hữu gốc Hy lạp có văn hoá. Tác giả viết sách đề tặng cho ;ột nhwn vật tên Thêôphilô. Luca dùng thể loại văn chương các sử gia thời bấy giờ và biên soạn Tin Mừng thành hai cuốn sách : Tin Mừng phản ảnh sứ vụ Đức Giêsu ; và cuốn Công vụ các Tông đồ nói về nguồn gốc và Giáo hội bành trướng. Tác giả đi truyền giáo lưu động như thánh Phaolô, và gặp gỡ hai nền văn hoá Hy-La. Luca mang ưu tư làm cách nào cho những người Hy lạp hiểu được sứ điệp Đức Kitô Phục sinh là Đấng hằng sống (24,5). Tin Mừng cũng mang tính phổ quát, vì thế Đấng Phục sinh sai các tông đồ « phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem » (Lc 24,47).
Luca chia đoạn Tin Mừng Đức Giêsu hiện ra cho nhóm Mười Một (24,36-53) ra làm hai phần : Các Tông đồ nhận ra Đấng Phục sinh, và Ngài sai họ đi.
Các Tông đồ nhận ra Đấng Phục sinh : Chính Đức Giêsu khởi xướng đứng giữa các ông. Luca dùng một động từ thường thấy trong Cựu ước theo bản dịch Hy lạp nói về Thiên Chúa hiện diện bất ngờ (Sáng thế 18,2). Đức Giêsu chào theo lối người Do thái chào thông thường : « Bình an Shalom ». Bình an thiên sai được loan báo ngày Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem (1,79 ; 2,14) ; sự bình an cũng được công bố qua sứ vụ của Ngài (Luca 10,5 ; Công vụ 10,36), nhưng lúc này các tông đồ chưa cảm nhận được bình an, vì các ông còn đang sợ hãi.
Họ chưa nhận ra Đức Giêsu và Ngài cho họ một dấu chỉ qua đôi tay và đôi chân còn ghi dấu đinh : chính Thầy đây mà. Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây, rồi Ngài cầm lấy một miếng cá nướng và ăn trước mặt các ông. Đức Giêsu cho thấy Ngài vẫn như trước đây, mang thân xác và ăn uống bình thường.
Tiếp theo, Luca khai triển một chủ đề quen thuộc. Chúng ta chỉ có thể nhận ra Đức Giêsu qua lời Thánh Kinh do chính Đấng Phục sinh diễn giải cho ta ; và trình thuật được kết với việc Thăng Thiên. Tác giả không khai triển câu chuyện Thăng Thiên, nhưng viết rõ hơn trong đầu sách Công vụ Tông đồ 1,6-8. Trong đoạn văn chúng ta đang đọc, Luca gắn liền việc Thăng Thiên vào mầu nhiệm Phục sinh. Thật vậy, những điều Thánh Kinh loan báo từ sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh không chỉ là Đức Kitô phải chịu nhục hình và sống lại, nhưng còn phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Phaolô diễn còn diễn giải rỏ hơn « Được Thiên Chúa phù hộ, cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn tiếp tục làm chứng trước mặt kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn; tôi không nói gì khác ngoài những điều các ngôn sứ và ông Mô-sê đã báo trước sẽ xảy ra, đó là: Đấng Ki-tô sẽ chịu đau khổ và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, để loan báo ánh sáng cho dân Do-thái cũng như cho các dân ngoại ». Và sứ vụ tông đồ được ghi rõ ràng « Chính anh em là chứng nhân về những điều này », cho nên sứ vụ là làm chứng về biến cố Phục sinh, chứ không phải chỉ rao giảng vài nguyên tắc luân lý hay triết lý tôn giáo nào đó. Với sứ vụ được trao phó, các tông đồ cũng cần có ơn Chúa Thánh Thần « Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống ».
Tóm lại, trong đoạn hiện ra cho nhóm Mười Một, Đức Giêsu trao ban cho họ trách nhiệm làm chứng về sự sống lại, và biểu lộ chiều kích phổ quát của ơn cứu độ đến từ mầu nhiệm phục sinh.
C. Trình thuật diễn đạt kinh nghiệm Kitô giáo.
Trong điểm này, chúng ta có thể nêu lên hai trình thuật Đức Giêsu hiện ra. Một do Luca viết lại trong trình thuật trên đường Emmau (24,13-35) ; và một do tác giả Tin Mừng Gioan ghi lại trong đoạn Đức Giêsu hiện ra cho Maria Mácđala (20, 11-18). Hai trình thuật khác biệt với các trình thuật chúng ta vừa đọc qua ở phần trên. Chúng ta sẽ thấy trong hai đoạn này tác giả Luca và Gioan không chủ ý trình bày việc Đức Giêsu sống lại, hoặc chủ ý cho các môn đệ là những chứng nhân đầu tiên. Hai tác giả trong một phần nào đó giống nhau đưa ta vào sự hiệp thông niềm vui các môn đệ khi được thấy lại Đức Giêsu ; và trình thuật mời gọi ta ngày hôm nay cũng hãy cùng làm kinh nghiệm đó.
1. Luca 24,13-35 : Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau
A. Hai môn đệ và người khách lạ : Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay."
B. Sứ điệp Phục sinh :
B.1. Biến cố do ông Cơ-lê-ô-pát thuật lại : Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy? " Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."
B.2. Đức Giêsu giải thích cho ý nghĩa : Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
C. Nhận ra và Cử hành :
C1 : Hai môn đệ nhận ra Đức Giêsu trong việc bẻ bánh : Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? "
C2 : Họ trở về Giêrusalem với các anh em khác : Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Đây là một trong những trình thuật Tân ước được nhiều người biết đến, và được coi như áng văn đẹp nhất theo Tin Mừng Luca. Tác giả kể lại kinh nghiệm hai môn đệ trên đường Emmau như tiến trình đức tin.
Thất vọng : Đường đi là một biểu tượng tác giả Luca thường dùng. Trên đường đi lên Giêrusalem Đức Giêsu cũng thường hay đối thoại với các môn đệ. Trong đoạn này, hai môn đệ đang trên đường đi Emmau. Họ đã đi ngược lại đường đối với thành Giêrusalem vì thật sự họ hoàn toàn thất vọng. Họ có một chương trình cho riêng mình, cho xã hội với màu sắc chính trị để giải phóng Ítraen. Lý tưởng đưa họ dấn thân theo Đức Giêsu, nhưng hy vọng đó đã kết thúc trên thập giá ; và họ lên đường trở về nhà... Khi hai người còn trao đổi với nhau về Đức Giêsu, Ngài đến nhập bọn đồng hành, nhưng họ chưa nhận ra. Điểm khá ngạc nhiên, vì hai ông biết rất rõ về Đức Giêsu, và họ nói về cuộc sống Ngài thật sành sỏi. Hai ông còn biết chuyện các bà và các môn đệ khám phá ra ngôi mộ trống... thế nhưng họ lại không nhận ra Đức Giêsu vừa đi vào đồng hành. Vì thế, không phải chỉ có sự hiểu biết tri thức về Đức Giêsu để có thể gặp gỡ được Ngài.
Ý nghĩa hy vọng : Đức Giêsu đi vào gặp gỡ ngay trong nỗi buồn và lắng nghe niềm thất vọng của hai ông. Đức Giêsu có thể làm cho họ nhận ra Ngài ngay, nhưng Ngài muốn đưa họ tự khám phá ra. Họ không thấy vì họ chưa hiểu được ý nghĩa thật sự chuyện xảy ra chiều thứ sáu trên Núi sọ. Họ thất vọng vì nó không đúng theo chương trình con người đề ra. Đức Giêsu giúp họ khám phá ý nghĩa niềm hy vọng. Ngài giải thích cho họ Lời Thánh Kinh, đi từ những gì hai môn đệ đang sống và đặt nó vào trong chương trình Thiên Chúa được giải thích theo Thánh Kinh. Niềm hy vọng được giải thích từ Thánh Kinh và tâm hồn hai ông được bừng cháy. Họ nhận ra Ngài trong việc bẽ bánh tức là qua bàn tiệc Thánh Thể. Tiệc Thánh Thể cử hành Đức Giêsu hằng sống và họ hiểu ý nghĩa Phục sinh. Cái nhìn hai ông đã thay đổi nhờ Đức Giêsu giải thích theo ánh sáng Lời Chúa.
Trình thuật về hai môn đệ trên đường Emmau diễn đạt kinh nghiệm các môn đệ về sự Phục sinh và nêu rõ hai giai đoạn quan trọng khi các cộng đoàn tiên khởi cử hành : công bố Lời Chúa và bẽ bánh. Tâm hồn chúng ta cũng cần được bừng cháy qua Lời Chúa được diễn giải, và việc nhận ra Ngài chỉ có qua hành vi tạ ơn bẽ bánh.
2. Gioan 20,11-18 : Đức Giê-su hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la: Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc? " Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! " Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? " Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a! " Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni! " (nghĩa là "Lạy Thầy"). Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em". Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
Trong Tân ước có tất cả 5 cuốn sách mang tên Gioan, và một trong số đó là cuốn Tin Mừng. Truyền thống củ nhận tác giả Tin mừng thứ tư là Gioan tông đồ, con ông Dêbêđê và lem ông Giacôbê. Nhưng từ thế kỷ 19, người ta bác bỏ Gioan tông đồ là tác gỉa Tin mừng, nhưng một ông Gioan xa xưa nào đó mà Papias đã nói tới. Hiện nay, các nhà chú giải chấp nhận Gioan tông đồ là tác giả cuốn Tin mừng Gioan gốc đầu tiên, và biên soạn trong môi trường tiêm nhiểm sâu xa tư tưởng của ông.
Tin mừng Gioan được hình thành ở một nơi có nhiều văn hóa khác biệt. Tác giả quen thuộc với Cựu ước. Ông đã lấy lại những chủ đề trong sách Xuất hành : Chiên vượt qua, rắn đồng, manna; và ông cho Đức Giêsu những tên ngày xưa đã gán cho Thiên Chúa : Chủ chiên, Ánh sáng, và tên " Tôi là ". Tác giả cũng dựa vào nền văn chương khôn ngoan và biết văn chương trường phái Do thái.
Chung chung, người ta nghĩ rằng Tin mừng Gioan được viết ở Ephèse nơi Gioan đã lưu lại nhiều ngày. Việc khám phá ra bản thảo giấy cói Rylands viết năm 130 chứa đựng Gioan 18,31-33 và 37-38, và việc phối hợp Tin mừng Gioan và các Tin mừng Nhất lãm phỏng chừng bản Tin Mừng Gioan như bản cuối hiện nay được soạn khoảng năm 100.
Trình thuật Đức Giêsu hiện ra với bà Maria Mácđala có cùng một sứ điệp như văn bản hai môn đệ trên đường Emmau. Bà Maria mộ mến Đức Giêsu, vì thế bà rơi vào tình trạng thất vọng và buồn bã khi Ngài bị đóng đinh. Trời còn xẩm tối, Maria ra ngoài mộ khóc lóc, không thấy được ngay cả xác Đức Giêsu vì chính bà cũng nghĩ rằng xác đó đã bị lấy đi rồi. Như hai môn đệ trên đường Emmau, Đức Giêsu đặt câu hỏi cho bà nói lên lý do tại sao khóc "Này bà, sao bà khóc ? " Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! " , và Đức Giêsu đặt thêm câu hỏi quan trọng thường thấy trong Tin Mừng “Bà tìm ai ?“ ; đây là câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho những môn đệ đầu tiên Các anh tìm gì thế ? (Ga 1,38).
Chính Đức Giêsu khởi xướng đến gặp gỡ nhưng Maria lại nhận ra người làm vườn, vì bà còn mãi miết sống về quá khứ. Đức Giêsu đưa Maria vượt qua cái nhìn quá con người, bằng cách gọi ngay chính tên bà : Maria. Trong Tin Mừng Gioan chúng ta thường thấy như thế, vì Đức Giêsu biểu lộ như Đấng Mặc Khải, người mục tử biết rõ đoàn chiên mình (1,48; 2,24-25; 4,18-19). Người Mục tử tốt lành biết chiên mình và kêu tên từng con một (10,3), và cùng nhận ra tiếng nhau Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi (10,14). Bởi vậy khi vừa nghe Đức Giêsu kêu đúng tên mình bằng tiếng Aramê : Mariam, bà quay lại và đáp lại cũng bằng tiếng Aramê : Rabbouni, "Lạy Thầy". Đây là tước hiệu lòng tuyên xưng đức tin : “Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa”. Đức Giêsu biết Maria và bà nhận ra Ngài.
Sau khi nhận ra Đức Giêsu, Maria nhận được sứ vụ. Ngài hiện ra cho Maria không phải để bà giữ lại cho mình nhưng để đi loan truyền : "Thôi, đừng giữ Thầy lại, ...Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ. Đức Giêsu tự mặc khải cho Maria nhưng rồi Ngài phải đi. Chúng ta không giữ Đấng Phục sinh lại cho riêng mình. Và khi đi loan báo cho anh em Maria thật sự nhận ra Đức Giêsu là Đức Chúa. Maria về loan báo Đức Giêsu hẹn với các môn đệ. Cuộc hẹn không ở Galilê nhưng “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”. Tin Mừng Gioan không có trình thuật Thăng Thiên như Tin Mừng Luca. Tác giả cho sự Phục sinh ý nghĩa vinh hiển. Phục sinh khai mào một giao ước mới dưới dấu chỉ tình phụ tử Thiên Chúa. Thiên Chúa đã mặc khải nơi Con Ngài là Đức Giêsu và trao mở hồng ân đến cho mọi môn đệ.
Kết Luận.
Khi đọc lại Tin Mừng về biến cố Phục sinh, hẵn đôi lúc chúng ta hơi thất vọng không tìm thấy được câu trả lời rất bình thường con người chúng ta ngày hôm nay đặt ra : Thế nào là một thân xác Phục sinh ? Sự Phục sinh của Đức Giêsu được thực hiện rõ ràng ra sao ? Thân xác của Đức Giêsu ra sao sau khi sống lại ?... Những câu hỏi trên không có nghĩa vô ích, và cũng cần được suy tư trong ánh sáng niềm tin. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy các tác giả đã dùng hai hình ảnh diễn đạt mầu nhiệm phục sinh : Sống lại và vinh hiển. Đức Giêsu có một thân xác nhưng từ sự phục sinh con nguời đó đã đi vào sự vinh hiển, một cách nào đó khác hẳn với thân xác con nguời chúng ta. Thánh Phaolô gọi là thân xác thiêng liêng.
Vì thế tác giả Tin Mừng đã trả lời một cách thiết yếu hơn những câu hỏi do óc tò mò con người gợi ra. Họ là những chứng nhân về lòng tin tông đồ nơi Đức Kitô sống lại, và họ gợi lại sự khai sinh lòng tin với kinh nghiệm các tông đồ. Họ muốn nói Đấng Phục sinh luôn hiện diện trong cuộc sống thường nhật chúng ta. Như các tông đồ, như Maria Mácđala, người Kitô hữu cũng có kinh nghiệm về sự Đấng sống lại hiện diện, bằng cách gặp gỡ Ngài trong các bí tích Rửa tội và Thánh Thể. Chúng ta nhận ra Ngài trong người anh em đang đồng hành... Các văn bản Tin Mừng về sự Phục sinh sẽ không có tác dụng gì nếu như chính chúng ta không mang cảm nghiệm về Đức Giêsu hiện diện ngày hôm nay. Qua kinh nghiệm các nhân chứng tiên khởi làm nên nền tảng đức tin, và điều này cũng cho kinh nghiệm ý nghĩa vì chúng ta mang cùng một lòng tin.
Lê Phú Hải omi