Thứ Hai, 02 Tháng Bảy, 2012

Tìm thấy ngôi mộ Đức Giêsu?

Tìm thấy ngôi mộ Đức Giêsu? [1].

Năm 1980, khi làm công đào lấp đất tại khu xóm Talpiyot phía đông nam thành Giêrusalem, những thợ làm việc đã khám phá ra một phòng có chứa đựng hài cốt. Công việc được dừng lại đợi các chuyên gia về thời Cổ đại và Bảo tàng viện của Ítraen đến để thẩm định. Sứ vụ được trao cho nhà khảo cổ học Joseph Gath và một người học trò của ông tên Shimon Gibson. Hai người đến và khám phá một ngôi mộ thường thấy trong thời Cổ đại và được gọi là « mộ dưới đất » (hypogée).

Trong đó có 10 khúc xương không còn được nguyên vẹn. Những mảnh xương này được đặt vào trong một cái hộp bằng đá. Đây là cách người Do thái vẫn thường làm khi họ bốc mộ và đặt xương vào trong một rương hòm bằng đá ở vào thế kỷ thứ I trước công nguyên. Cách làm này đã bị ngăn cấm từ năm 70 công nguyên khi người La mã cấm người Do thái ở trong thành phố mà họ đã chiếm đóng. Trong rương hòm, các nhà khảo cổ cho rằng có thể chứa đựng tất cả xương của khoảng 35 người. Trên sáu bộ xương đều có ghi những hàng chữ mang tên người quá cố. Trên năm khúc xương có hàng chữ bằng tiếng Aram hoặc tiếng Hípri với những tên như sau:

- « Yehouda bar Yeshoua » = Giuđê con ông Giêsu (tiếng Aram) (IAA 80.501).

- « Matayah » = Mátthêu (tiếng Hípri) (IAA 80.502).

- Bộ xương kế tiếp bị hủy hoại khá nhiều, và phần đầu của hàng chữ rất khó đọc được. Các nhà khảo cồ đề nghị đọc « Yeshoua » = Giêsu với một dấu chấm hỏi và cho rằng ông này là cha của ông Giuđa. Phần thứ hai của dòng chữ là « bar Yehosef » = con ông Giuse (IAA 80.503)

- « Yosah » hay Giosuê (tiếng Hípri) (IAA 80.504)

- « Maryah » = Maria (tiếp Hípri) (IAA 80.505). Nhà khảo cổ Rahmani nhận định bộ xương này giống như bộ xương Yosah (IAA 80.504), và đề nghị Mariah và Yosah là cha mẹ của Yeshoua và là ông bà nội của Yehouda.

Và khúc xương thứ sáu có hàng chữ bằng tiếng Hy lạp:

- « Mariamenou e Mara » = Mariamme còn được gọi là Mara. Mara tên gọi tắt của Martha hay Marthe (IAA 80.500)

Cuộc đào xới này xảy ra ngày 28/3/1980 trước ngày Sabát là một ngày lễ nghĩ ở Ítraen. Vì thế các nhà khảo cổ đặt những bộ xương đó vào nhà kho của Cơ quan quyền hành thời Cổ đại Ítraen (viết tắt là IAA). Các bộ xương được đánh dấu dưới số 80.500 đến 80.509, và sau này các bộ xương được đưa về đặt vào kho khảo cổ Beth Shemesh, ngoại ô thành Giêrusalem, nhưng bộ xương với mã số 80.509 không còn tìm thấy và đã bị thất lạc đâu đó.

Dưới áp lực của giới quyền hành tôn giáo Do thái, các bộ xương phải đưa cho các thầy rabbi và được cải táng lại và được đem chôn cất trong một nghĩa trang. Vì thế ngày nay khó mà nhận diện được các bộ xương này. Và ngày 14/4/1980 cuộc đào xới tại Talpiot chính thức chấm dứt và người ta tiếp tục công trình xây dựng tại đó.

Năm 1996, báo chí Anh lại mang câu chuyện về ngôi mộ Talpiot ra công bố thêm lần nữa. Ngày 31/3 tờ London Sunday Times chạy tựa đề « ngôi mộ không dám nêu tên » (The Tomb that dare not speak its name), kèm theo một phim tài liệu do cơ quan truyền thông BBC phát hành vào dịp lễ Phục sinh mang tên « thân xác gây nên vấn đề » (The body in question). Thế nhưng mọi chuyện cũng sớm chìm lắng vì các nhà khảo cổ và các sử gia đều đưa ra nhiều mối hoài nghi với các bộ xương ở Talpiot.

Vào năm 2002, lại có thêm câu chuyện một bộ xương được gọi là hộp xương Giacôbê cũng gây xôn xao dư luận: « Thật là kinh ngạc hết sức, một hộp đựng xương bằng đá vôi vừa mới xuất hiện tại Do thái mà có lẽ nó đã từng tàng trữ xương cốt của thánh Giacôbê, em của Đức Giêsu. Chúng tôi khẳng định điều này nhờ vào hàng chữ đặc biệt được khắc vào bên hông của nó. Hàng chữ rõ nét bằng tiếng Aram: Giacôbê, con của Giuse, (anh) em của Giêsu ». Đó là những hàng chữ đầu tiên trong bài tường thuật được đăng trong nguyệt san « Biblical Archeology Review » số tháng 11&12, 2002, trang 25-33 được viết bởi một nhà khảo cổ và chuyên gia cổ ngữ người Pháp André Lemaire. Bài báo được phổ biến ngày 21 tháng 10, 2002, và các cơ quan truyền thông đại chúng đã đưa những tiêu đề giật gân như: « Chứng tích về Đức Giêsu được ghi trên đá »; « Chứng tích khảo cổ xưa nhất về Đức Giêsu được tìm thấy tại Giêrusalem »; « Hộp đá cổ tàng trữ người em của Đức Giêsu »... 

Ông Lemaire cho biết vào khoảng thập niên 1970, một nhà sưu tập Do thái đã mua tại một tiệm bán đồ cổ ở Giêrusalem một bộ xương có ghi một hàng chữ mà ông không đọc ra. Bộ xương được đặt trong một rương hòm bằng đá. Đó là điều các người Do thái giàu có thường gom góp các xương cốt của các bậc tổ tiên và đặt vào trong một hòm đá. Tại Palestine, các nhà khảo cổ đã tìm thấy khoảng hơn mười hòm đựng xương như thế thuộc thế kỷ thứ nhất công nguyên.

Mười lăm năm sau, ông mới cho André Lemaire thấy bộ xương đó, và nhà nghiên cứu cổ ngữ đã đọc ra hàng chữ Aram ghi « Giacôbê, con của Giuse, (anh) em của Giêsu ». André Lemaire cho biết Giacôbê ở đây chính là ông Giacôbê mà Tin mừng có nói đến, và sử gia Flavius Josèphe ghi ông bị tử hình vào năm 62. Nhiều nhà nghiên cứu cho bộ xương vừa được khám phá là thứ thiệt, nhưng có ít nhất hai nhà nghiên cứu người Mỹ cho hàng chữ ghi trên đó là giả mạo. Người thứ nhất là Rochelle Altman, nhà sử học về các hệ thống chữ viết. Người thứ hai là Kyle Mc Carter, nhà nghiên cứu chữ cổ thuộc đại học John Hopkins University. Theo họ hàng chữ đã được viết bởi hai bàn tay khác nhau: phần đầu « Giacôbê, con ông Giuse » được viết bởi một chuyên gia, và phần hai « (anh) em của Giêsu » được viết bởi một người không thành thạo tiếng Aram nên đã viết sai lỗi chính tả. Sau nhiều tranh luận và được thí nghiệm, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bộ xương thuộc đồ cổ thật, nhưng hàng chữ mới được thêm vào sau này[2]. Câu chuyện bộ xương Giacôbê hầu như ngày nay bị coi như một sự lừa đảo để làm tiền: « các nhà chuyên môn về cổ ngữ thì lại cho rằng đây là một trò gạt gẫm. Họ công nhận hộp xương là thật nhưng hàng chữ viết trên hộp không hoàn toàn nguyên thủy. James Vanderkam, giáo sư Thánh Kinh Do thái tại trường đại học Notre Dame, Indiana, Mỹ, cho rằng có lẽ có người thời đại này đã khắc những hàng chữ lên trên một hộp xương đã có từ thế kỷ thứ nhất. Eric Myers của trường đại học Duke, Mỹ, khi tận mắt nhìn thấy hộp xương đã nghi ngờ về tính xác thực của hàng chữ “anh em của Giêsu” và cho rằng đã có người thêm vào sau này. Dr. Rochelle Altman, cộng tác viên của Ioudaiois-L và là chuyên viên về cổ ngữ, cũng đã lên tiếng và đã chiết tự kỹ lưỡng những hàng chữ trên hộp xương cũng đi đến cùng một kết luận như Myers.

Thái độ của phần lớn các chuyên viên cổ ngữ và các học giả Thánh Kinh đều là hoài nghi. Hộp xương có nguồn gốc đáng ngờ bởi vì nó được mua từ một con buôn tại chợ trời và lại được giữ kín tại tư gia trong suốt 15 năm trời! Căn cứ theo lời khai của chủ nhân, anh Oded Golan, thì anh mua hộp xương này khi anh chỉ có 16 tuổi - không biết anh lấy tiền ở đâu và thích thú với việc sưu tầm đồ cổ này khi nào? Theo bài báo của Andre Lemaire trên Biblical Archaeology Review thì khi ông đến xem xét hộp xương, hài cốt của người quá cố đã không còn trong hộp. Thế mà, theo lời của chủ nhân hộp xương, khi trả lời phỏng vấn của tuần báo Time, số ra ngày 04 tháng Mười Một, 2002, thì khi anh mua cổ vật này, một số mảnh xương của người quá cố vẫn còn trong hộp và anh đã lấy ra cho vào một chỗ khác, cùng với những xương vụn mà anh thâu lượm được từ các hộp xương khác. Theo cha Jerome Murphy-O’Connor, dòng Đaminh, một nhà khảo cổ Thánh Kinh tại trường Thánh Kinh Giêrusalem, khoảng 60% đồ mua được tại các chợ trời là giả tạo và cho dẫu hộp xương là thật, thì những hàng chữ trên hộp cũng chẳng thêm gì vào những gì chúng ta đã biết qua Tân Ước. Fr. Joseph Fitzmyer, dòng Tên, là giáo sư Thánh Kinh tại trường Đại Học Công Giáo Mỹ ở Washington, DC và là một chuyên viên cổ ngữ Thánh Kinh, làm việc trong những ngày đầu tiên khi các chuyên viên khảo cổ đến đào bới các hang động ở Qumran, Biển Chết, cũng công nhận cách viết chữ anh em trên hộp xương rất lạ lùng nhưng lại phù hợp với một vài cách viết của thế kỷ thứ nhất đã được các chuyên viên khảo cổ đào bới lên. Tuy vậy, cha Fitzmyer vẫn không cho rằng người ta có thể chứng minh được ba tên được khắc trên hộp xương chính là những nhân vật được nói đến trong Thánh Kinh Tân Ước »[3].

Dựa vào hai khám phá trên, đến năm 2007 nhà báo Simcha Jacobovici (người Do thái) và nhà đạo diễn nổi tiếng với phim « Titanic » là James Cameron (người Gia nã đại) lại gây xôn xao dư luận thêm lần nữa. Họ tung ra một cuốn phim mang tên « đã tìm thấy ngôi mộ của Đức Kitô »[4], và một cuốn sách[5] cho rằng đó là mộ Đức Giêsu, và người mang tên Maria trên khúc xương đó là mẹ Đức Giêsu. Mariame là bà Maria Mađalêna, vợ ông Giêsu và con của họ mang tên Giuđê lớn khoảng 12 tuổi. Ông Giosuê là anh em Đức Giêsu. Còn ông Mátthêu cũng là nhân vật nào đó thuộc gia đình. Và với hai bằng chứng trên, Simcha Jacobovici và James Cameron muốn khẳng định Đức Giêsu không độc thân, nhưng lập gia đình với bà Maria Mađalêna. Họ đã có đứa con mang tên Giuđa, và cuối cùng thì Đức Giêsu không sống lại và lên trời như điều Tin mừng đã loan báo. Luận chứng của hai ông với sự hiện diện của bộ xương đi ngược lại với những gì sách Tin mừng đưa ra để khẳng định Đức Giêsu sống lại. Ngôi mộ của Đức Giêsu hoàn toàn trống (Gioan 20), và giống như những gì thánh Phaolô ghi trong thư thứ 1 gửi giáo đoàn Côrintô 15,14: « nếu Đức Giêsu đã không chỗ dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng ».

Nghĩ sao về những luận chứng do Simcha Jacobovici và James Cameron đưa ra?

- Những hàng chữ được viết trên các bộ xương ở Talpiot nom thật vội vã chứ không được khắc vào đá. Khi những hàng chữ này được công bố cũng không có mấy người để ý đến, vì những tên trên đó thường thấy xuất hiện. Thời điểm ở thế kỷ 1 trước công nguyên ¼ người đàn bà mang tên Maria. Tên Giuse thấy được trên 12 bộ xương ở cùng thế kỷ tại thành Giêrusalem. Tên Giêsu thấy có 6 lần bằng tiếng Hípri và 4 lần bằng tiếng Hy lạp. Tất cả có 2 lần ghi « Giêsu, con ông Giuse » . Vì thế, đối với các nhà khảo cổ những tên ghi trên đó không có gì đáng làm ngạc nhiên.

- Những chữ bằng tiếng Aram: « Giacôbê, con của Giuse, (anh) em của Giêsu » không hoàn toàn rõ rệt cho lắm, vì với kiểu viết như trên cũng có thể dịch ra: « Giacôbê, con của Giuse là anh em của Giêsu »; và như thế vấn đề lại càng rắc rối hơn chứ không dễ dàng diễn giải như Simcha Jacobovici và James Cameron. Giacôbê không còn là anh em của Giêsu, nhưng trở thành người cháu. Ông Giuse không còn là cha của Giêsu nhưng lại là anh em.

- Simcha Jacobovici và James Cameron cho biết đã thử nghiệm các bộ xương bằng ADN, và ADN đưa kết quả hai bộ xương của Giêsu và Mariamme không giống nhau, nên có thể xác định họ không cùng một gia đình nhưng là vợ chồng. Thật ra, Jacobivici và Cameron không thử nghiệm ADN trên các bộ xương, nhưng hai ông chỉ lấy được cặn bã trên các bộ xương và mang đi thử nghiệm, và họ chỉ thử ADN trên hai bộ xương mà thôi, và kết luận họ không có ADN của cùng một người mẹ. Như vậy còn người cha thì sao, nhưng cả hai ông đều không lên tiếng nói. Nhiều nhà khảo cổ đều nói tại sao không thử hết tất cả ADN của các bộ xương khác, và qua đó có thể biết được họ chết vào khoảng ở tuổi nào. Chỉ có bộ xương mang tên Giuđa hơi nhỏ cho nên Jacobovici cho rằng ông này là một đứa trẻ khoảng 12 tuổi.

- Talpiot cách Núi sọ là nơi Đức Giêsu bị treo trên thập giá và chôn cất khoảng 3 km. Jacobovichi nêu lý do thân xác Đức Giêsu được các môn đệ đưa về chôn cất trong mộ của gia đình. Tin mừng Mátthêu 28,11-15 nêu rõ chuyện các môn đệ di chuyển thân xác Đức Giêsu đi nơi khác do các thầy tư tế Do thái bịa ra để giải thích cho chính quyền La mã việc thân xác Đức Giêsu biến mất.

Ngoài ra, Tin mừng cho biết gia đình Đức Giêsu thuộc nguồn gốc Nazareth ở Galilê và không có dính líu gì với thành Giêrusalem, vì thế không có lý do gì phải chôn cất những người trong gia đình ở Giêrusalem. Gia đình cũng không thuộc hạng giàu có thì làm sao có tiền để mua một ngôi mộ đắt giá ở Giêrusalem. Theo truyền thống, những ai được chôn cất ngoài quê quán gốc phải ghi nguồn gốc người đó bên cạnh tên của mình. Và trên các bộ xương ở Talpiot không có nơi nào ghi « Giêsu làng Nazareth ». Nhà sử học Michèle Jarton còn nói nếu gia đình Đức Giêsu được chôn cất như người kitô hữu, lại càng không thể ghi tên mình trên đó, vì thời bấy giờ các cộng đoàn tiên khởi đang bị bách hại và người ta không ghi tên mình trên mộ để khỏi bị phát giác.

- Simcha Jacobovici và James Cameron giải thích tên « Mariamenou e Mara » là bà Maria Mađalêna dựa vào Ngụy thư « Công vụ ông Philipphê ». Đây là một Ngụy thư được viết vào thế kỷ thứ IV. Hai tác giả trên đã không biết thể loại văn chương của Ngụy thư. « Công vụ ông Philipphê » là một câu chuyện triết lý được hoàn thành trong môi trường nhóm Ngộ Đạo (Gnostique), chứ đây không phải là một cuốn tiểu sử lịch sử. Nhà chú giải Thánh kinh François Bovon viết trên Society of Biblical Literature như sau: « Việc tái dựng lại một đám cưới giữa Đức Giêsu và bà Maria Mađalêna, và sự ra đời của một đứa con theo tôi là thuộc thể loại khoa học giả tưởng ».

Về văn phạm tên « Mariamenou » cũng đặt thành vấn đề, vì tên này thuộc giống đực; và từ « Mara » kế tiếp cũng mang hình thức giống đực trong ngôn ngữ Aram. Nếu theo giống cái phải viết « Martha », và đôi khi viết « Mara » theo giống đực. Vì thế trên khúc xương đó, tên này chỉ định rõ ràng một người đàn ông và một người đàn bà. Thêm nữa, theo hai học giả Stephen Pfann (Đại học Holy Land ở Giêrusalem) và Emile Puech (Trường Thánh kinh Giêrusalem), cách đọc « Maramenou e Mara » không đúng, và phải đọc « Mariamè kai Mara ». « Mariamé » là tiếng Hy lạp lấy lại từ Hípri « Mariam » và « Mara ». Vì thế, trong bộ xương đó có hai người tên Martia và Mara (một người đàn ông và một người đàn bà).

 Tóm lại có thể nói như Shimon Gibson, nhà khảo cổ khai quật ngôi mộ ở Talpiot: « Tôi tin chắc đây không phải là ngôi mộ của Đức Giêsu hay là hầm mộ gom lại các phần tử gia đình của ông »[6].

Đối với Giáo hội, từ xưa nay luôn nhìn nhận ngôi mộ của Đức Giêsu tại thành Giêrusalem cổ. Ký ức kitô giáo luôn cho Đức Giêsu bị đóng đinh và được chôn cất nơi ngày hôm nay mang tên « saint Sépulcre » (Mộ Thánh). Truyền thống xưa nhất nói về chốn này lên tới giáo phụ Eusèbe thành Césarée vào khoảng năm 350 công nguyên. Ông cho biết hoàng đế Hadrien cho xây cất làm chôn vùi một đền thờ kính thần Jupiter. Vào năm 135, hoàng đế Hadrien đưa thành phố trải dài ra về phía bắc và đặt tên « Aelia Capitolina ». Đền thờ kính thần Jupiter Capitolin được ông dựng tại Golgotha, tiếng Hípri đồng nghĩa với từ La tinh « Capitole ». Một trăm tám mươi năm sau, hoàng đế Constantin cho san bằng đền thờ đó và xây dựng một lăng mộ cho Đức Giêsu. Lăng mộ mang tên « anastasis », có nghĩa « sống lại », và ngày nay nơi đó được gọi là « Mộ Thánh ».

[1] Estelle Villeneuve, Jean Vervier et Jean Radermakers, La découverte du tombeau de Jésus, collection « Que penser de…? » numéro 69, Editions Fidélité 2007.

[2] Nhà sưu tập người Do thái mua bộ xương này bị nhà cầm quyền buộc tội lừa đảo, vì ông có giữ một vật được coi như đến từ đền thờ Giêrusalem và cũng có hàng chữ mà người ta biết được là được ghi thêm vào.

[3] Xem Lm Jos. Trần Trung Liêm, O.P. Hộp xương Giacôbê: vật chứng đầu tiên về Chúa Giêsu?

[4] cuốn phim được chiếu ngày 29/5 lúc 23giờ20 trên kênh truyền hình TF1 của Pháp.

[5] Le tombeau de Jésus, Michel Lafon, 2007.

[6] Shimon Gibson, archéologue: « Il ne s’agit pas de la tombe de Jésus », in Le Monde des religions, Juillet – Août 2007, trang 11.

Lê Phú Hải omi

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art