Chủ Nhật, 01 Tháng Bảy, 2012

Đức Giêsu chịu cám dỗ trong Tin Mừng

Đức Giêsu chịu cám dỗ trong Tin Mừng

Tin Mừng ghi sứ vụ Đức Giêsu bắt đầu với hoạt động của Gioan tẩy Giả. Ông rao giảng, làm phép rửa bằng nước và ban phép rửa cho Đức Giêsu. Sau đó, Tin Mừng Nhất lãm đều có trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ (Máccô 1,12-13; Mátthêu 4,1-11; Luca 4,1-13), khác biệt với Tin Mừng Gioan. Trong Tin Mừng thứ tư, tác giả không có trình thuật cám dỗ nhưng Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên (Ga 1,35-51). Ngoài ra, trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ do Máccô thuật lại rất ngắn đối với những gì Mátthêu và Luca biên soạn với nhiều chi tiết, với nhiều quy chiếu vào Cựu ước.

Trước sự khác biệt đó, hai câu hỏi được nêu lên. Câu hỏi thứ nhất thuộc mặt văn chương với sự hình thành bản văn ngắn và dài. Hai văn bản có mối tương quan nào với nhau không? Câu hỏi thứ hai thuộc loại lịch sử. Hai văn bản có thể giúp thấy được điểm thời gian nào đó nhất định sự cám dỗ xảy ra trong cuộc đời Đức Giêsu hay không?

1. Sự hình thành các trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ.

Các nhà chú giải đều đồng ý tác giả Mátthêu và Luca đều có cùng một trình thuật căn bản. Dù có chút khác biệt, nhưng Mátthêu và Luca đều nói tới ba điều cám dỗ: đói khát, thách thức Thiên Chúa và quyền lực. Những cám dỗ xảy ra cùng một nơi nào đó tại sa mạc, ở Giêrusalem và trên một nơi cao. Hai tác giả đều quy chiếu Cựu ước gợi lại nơi mỗi sự cám dỗ cũng như điều Đức Giêsu chối từ rơi vào cạm bẩy, và quỷ dữ bỏ Đức Giêsu ở đó mà đi. Các nhà chuyên môn thấy có văn bản nền tảng chung và họ còn biết nó đến từ nguồn văn Q, tức là nguồn văn chung cho Tin Mừng Mátthêu và Luca mà không có trong Tin Mừng Máccô. Nguồn văn Q thường là những lời Đức Giêsu.

Một vài dấu hiệu văn chương còn cho biết có nhiều điểm gần giữa hai bản văn Mátthêu-Luca và bản văn Máccô. Tác giả Máccô và Luca dùng từ «chịu cám dỗ» nói lên hành đọng của Satan (Máccô 1,13 // Luca 4,2), còn Máccô và Mátthêu kết luận trình thuật với việc các Thiên Thần hầu hạ Đức Giêsu (Máccô 1,13b // Mátthêu 4,11b). Vì thế ngoài văn bản căn bản đến từ nguồn văn Q, hai văn bản Mátthêu và Luca cũng dựa vào bàn văn Máccô. Câu hỏi cần nêu lên văn bản đến từ nguồn văn Q là văn bản nào và được hình thành ra sao? Như thế trình thuật Máccô ra sao? Nguồn gốc hai câu văn trong Máccô có thể giải quyết như sau: Trình thuật Máccô tóm tắt lại của Mátthêu và Luca, hoặc ngược lại văn bản nơi Máccô là nguồn văn gốc cho Mátthêu và Luca. Dựa trên thuyết hai nguồn văn, có thể thấy Máccô 1,12-13 là một phần nguồn văn cho trình thuật Mátthêu và Luca và hoàn toàn độc lập.

Bởi vậy, từ khởi đầu của ba bài trình thuật Nhất lãm có hai truyền thống đến từ nguồn văn Q và nguồn văn Máccô. Nhưng hai nguồn văn trên khai sinh ra từ đâu, và cả hai nguồn đó đều có những điểm tương đồng: về Thần Khí, hành động Thần Khí, sa mạc, 40 ngày, chịu Satan cám dỗ. Vì thế theo các nhà chuyên môn hai nguồn văn Q-Máccô đều đến từ một truyền thống xưa cổ.

2. Nền tảng các trình thuật.

Ngày hôm nay ít còn ai đọc trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ theo mặt từng chữ, hay coi trình thuật đó như một dụ ngôn. Vì thế phải tìm đọc trình thuật dưới một nhãn quan khác. Trước khi đi sâu vào vấn đề, cần nêu lên hai nhận xét.

Trước hết cần xác định lại từ cám dỗ (peirasmos). Bình thường từ «cám dỗ» có ý nghĩa lôi kéo làm điều xấu, gợi ý sự xui giục vào cái xấu, và cám dỗ cũng gợi đến cuộc tranh đấu nội tâm giữa thiện và ác. Theo ngôn ngữ Kinh thánh, peirasmos còn có nghĩa «thử thách». Sự thử thách đòi hỏi người bị cám dỗ đưa ra bằng chứng lòng cứng rắn, trung thành của họ. Trong Cựu ước, thử thách dịch ra từ nguyên từ Híp ri «nasah», đánh dấu ý định Thiên Chúa dò xét một ai, hay toàn thể dân tộc để thử thách họ. Sách Đệ Nhị Luật nhắc lại cuộc thử thách trong sa mạc qua lời ông Môsê: «Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Ngài thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Ngài hay không» (8,2). Động từ «nasah» không bao gồm ý định mang người nào đó làm việc xấu xa tội lỗi. Thiên Chúa chỉ muốn thử thách dân tuyển chọn. Đôi khi sự thử thách rất nặng như câu chuyện ông Gióp (7,18-21), nhưng dầu vậy vẫn còn là dấu chỉ ân sủng Thiên Chúa mà người công chính yêu cầu.

Động từ này còn diễn đạt hành động loài người thử thách Thiên Chúa. Trong câu chuyện nước phun ra từ tảng đá ghi trong sách Xuất Hành, đám dân đã gây sự với Môsê:«cho chúng tôi uống nước đi! Ông Môsê nói: tại sao anh em lại gây sự với Thiên Chúa? Tại sao lại thử thách Giavê?... Ông đặt tên cho nơi ấy là Massah và Mêribah nghĩa là thử thách và gây sự vì con cái Ítraen đã gây sự và thử thách Đức Chúa mà rằng: có Giavê ở giữa chúng ta hay không?» (17,2-7). Trong Đệ Nhị Luật khi Môsê kêu gọi lòng trung thành đã nói:«anh em đừng thách thức Giavê, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thách thức tại Massah» (6,16). Ngôn sứ Isaia trong lần can thiệp lần thứ hai đã báo cho vua Achaz cứ xin Thiên Chúa một dấu, nhưng ông này trả lời:«tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Giavê» (7,12) (xem thêm dân số 14,22; Giuđitha 8,12; Khôn Ngoan 1,2; Thánh vịnh 78,18.41.56; 95,9; 106,14…).

Mặc dầu Cựu ước chứa đựng nhiều trình thuật nói về thử thách, nhưng động từ «nasah» cũng không có nghĩa như lời xin xỏ một loại Ac thần, tội lỗi hay tùng phục sự ác dẫn đưa đến sa đọa, vì tất cả thử thách đều do Thiên Chúa hay loài người gây ra. Dù đôi khi loài người thử thách sức mạnh Thiên Chúa, nhưng không phải để từ bỏ Ngài. Nơi đây sự cám dỗ hay đúng hơn «đặt vào thử thách» như một phương tiện từ phía Thiên Chúa thử nghiệm xem mức độ trung thành của loài người. Nhưng điều này thường đưa đến việc kẻ tin khó chấp nhận, và một thái độ kiểu đó chỉ có thể đến từ một sức mạnh chống lại Thiên Chúa và con người. Sức mạnh đó được nhân cách hóa dưới tên Satan.

Trong Tân ước, dù nguồn gốc cám dỗ không được chỉ định rõ rệt nhưng vẫn được biết tới như lời thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Galát sống bác ái và nhiệt thành:«thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những Ngài được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy Ngài ấy, phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ» (6,1) (xem thêm thư 1Timôthê 6,9, và thư gửi Do thái 2,18; 4,15). Đức Giêsu và những người cùng thời tin các thiên thần hiện hữu bị truất cũng như ảnh hưởng ma quỷ trên loài người. Anh hưởng này hoạt động với mọi điều cám dỗ thử quyến rũ tự do con người. Hai lần trong Tân ước ma quỷ được gọi là «kẻ cám dỗ»:«bấy giờ tên cám dỗ (hò peirazôn) đến gần Ngài và nói…» (Mátthêu 4,3); và khi phái ông Timôthê đi gặp cộng đoàn Thêxalônica, thánh Phaolô viết như sau:«chính vì vậy mà không chịu nổi nữa, tôi đã sai Ngài đi hỏi cho biết lòng tin của anh em ra sao, sợ rằng tên cám dỗ đã cám dỗ anh em, và công lao khó nhọc của chúng tôi trở nên vô ích» (1Thêxalônica 3,5).

Vì thế thử thách chống lại đức tin hay lòng trung tín, bị Satan quyến rũ chiến đấu chống Thiên Chúa luôn rình chờ người môn đệ mọi nơi mọi lúc. Chúng ta mang tội lỗi tự bản chất nên dễ dàng ưng thuận chiều theo vì yếu đuối, và để kẻ cám dỗ dễ bề thao túng.

Thiên Chúa không thử thách ai hết và thánh Giacôbê còn khẳng định:«khi bị cám dỗ, đừng ai nói: Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi Ngài có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt» (1,13-14). Khi viết những lời này, tác giả làm vọng lại lời sách Huấn ca:«Con đừng nói: tại Chúa mà tôi phạm tội, vì điều Ngài gớm ghét, thì Ngài không làm. Đừng nói: chính Ngài làm tôi lầm đường lạc lối, vì Ngài không cần kẻ tội lỗi. Mọi điều kinh tởm Giavê đều gớm ghê, và những kẻ kính sợ Ngài cũng không ưa chuộng» (15,11-13). Và chính vì thế Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ cầu nguyện cùng Thiên Chúa để đừng sa chước cám dỗ (Mátthêu 6,13 // Luca 11,4).

Điểm thứ hai cho biết Đức Giêsu chịu cám dỗ theo nghĩa thử thách như các sách Tin Mừng đều ghi. Vài giai đoạn trong cuôc đời Đức Giêsu cũng nói lên điều đó. Sau khi tuyên xưng đức tin, ông Phêrô không thể chấp nhận hình ảnh một Đấng Mêsia chịu đau khổ và chịu chết như điều Đức Giêsu vừa công bố:«Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! " Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: "Satan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài ngườii» (Mátthêu 16,22-23). Ông Phêrô bị gọi là Satan và bị xua đuổi như trong cám dỗ thứ ba ở Tin Mừng Mátthêu:«Satan kia, xéo đi» (4,10). Và giờ tại vườn Cây Dầu, Đức Giêsu coi như giờ của thử thách: «Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ». (Luca 22,40), và Ngài đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha: «Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha» (Luca 22,42). Đối với Đức Giêsu, kinh nghiệm chiến đấu, thử thách suốt dọc sứ vụ là một thực thể không thể gây nghi ngờ được.

Sau khi lướt qua hai nhận xét trên, hiểu trình thuật cần được hiểu thế nào. Trình thuật không thuộc quyền Đức Giêsu nhưng đến từ các thánh sử, và trong đó không thấy lời nào riêng biệt của Đức Giêsu ngoài câu nói xua đuổi «Satan kia, xéo đi». Toàn bộ cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Satan trong Mátthêu và Luca đều đến từ những câu trích dẫn Cựu ước. Cuọc di chuyển trong Mátthêu từ sa mạc vào thành thánh Giêrusalem và trên núi cao không mang nghĩa thực tế. Điều này cũng đúng với trình thuật Luca chuyển từ thành Giêrusalem đến một ngọn núi cao. Hai thánh Mátthêu và Luca biên soạn trình thuật theo chiều hướng thần học cá biệt của mỗi tác giả. Vì thế trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ được gọi là trình thuật cương lĩnh.

Trong Tin Mừng Luca, trình thuật Đức Giêsu tại hội đường Nazareth (Luca 4,16-30) thường có giá trị chương trình của Đức Giêsu. Sau khi đọc đoạn sách Isaia 61,1-2 và được Đức Giêsu hiện tại hóa (Luca 4,21), Luca ghi rõ sự ngưỡng mộ của toàn thể mọi người trong hội đường. Thế nhưng, sau đó Luca lại nói đến ngay lòng họ ngờ vực : «ông này, không phải là con ông Giuse đó sao» (Luca 4,22b). Khi Đức Giêsu gợi lại hai ngôn sứ Êlia và Êlisa được gửi đi cho người ngoại giáo (Luca 4,25-27), đám đông đó nổi giận và muốn giết Ngài (Luca 4,28-30). Trong một trình thuật có tam bản, Luca đưa ra thảm kịch về sứ vụ của Đức Giêsu: sự hào hứng ban đầu được chuyển nhanh thành ngờ vực đưa đến thảm kịch tại thành Giêrusalem. Trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ cũng theo cùng hình thức văn chương đó để được coi như trình thuật cương lĩnh không phải về sứ vụ nhưng về cuộc chiến nội tâm của Đức Giêsu cho đến phút cuối cùng. Ở đây được gom tụ vào ba cảnh nói lên Đức Giêsu chiến đấu chống lại quyền lực xấu xa, chống lại Satan. Cuộc chiến cuối cùng và quyết định xảy ra tại Giêrusalem.

Tác giả Mátthêu đưa ra một tiến trình khác biệt. Ông muốn cho độc giả Kitô hữu đến từ Do thái giáo hình ảnh Đức Giêsu là một Môsê mới. Điều này thoáng hiện trong lời nói riêng biệt duy nhất của Đức Giêsu trong trình thuật chịu cám dỗ về quyền bính «Satan kia, xéo đi». Cuộc cám dỗ lại xảy ra trên ngọn núi cao (Mátthêu 4,8). Địa hình gợi lại núi Sinai. Viết cho độc giả trên, nên Mátthêu cho thấy Đức Giêsu hoàn thành lời Kinh Thánh. Mỗi biến cố đều có ý nghĩa với câu kết:«tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ…» (Mátthêu 1,22-23; 2,5-6; 2,15.17.23; 4,14-16; 8,17…). Trong trình thuật cám dỗ, Mátthêu cũng dùng cách biên soạn đó khi viết «có lời chép rằng» (Mt 4,4) với câu trích dẫn Sách Đệ Nhị Luật 8,3. Đức Giêsu, một Môsê mới hoàn thành lời Kinh Thánh. Mátthêu đưa ra chương trình ngay từ đầu sứ vụ Đức Giêsu.

Khi mới đọc đoạn Máccô 1,12-13 khó thấy được như trong Mátthêu và Luca một trình thuật cương lĩnh. Tuy nhiên dấu chỉ đơn giản tương ứng nhiều với cách Máccô biên soạn. Trong Máccô 1,1, Đức Giêsu được tuyên xưng là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và được khai triển dấn dần trong trình thuật cho đến khi viên bách quản tuyên xưng: «ông này thật là Con Thiên Chúa» (Máccô 15,39). Vì thế, khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ cũng có loan báo Ngài chiến thắng trên quỷ dữ qua hình ảnh chung sống với mọi loài hoang thú trong sa mạc, và sự trổi vượt trên các Thiên Thần đến hầu hạ Ngài. Tất cả những điều này được khẳng định trong tiến trình trình thuật. Quyền hạn Đức Giêsu trên Satan là một trong những dấu chỉ nước Thiên sai đã đến. Do đó, trình thuật Máccô 1,12-13 loan báo chương trình và sứ vụ Đức Giêsu.

3. Đức Giêsu chịu cám dỗ theo Máccô 1,12-13.

Bình thường hai câu văn 1,12-13 không được coi như những câu tiếp nối với đoạn văn trước đó, nhưng vì cả hai đoạn văn đều nói về Thần Khí cho nên trình thuật Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ là lời phi lộ với nhị bản: Đức Giêsu chịu phép rửa (1,9-10) và Đức Giêsu chịu cám dỗ (Máccô 1,12-13). Hai văn bản đều mang sắc thái thần học nêu lên mối tương quan trời và đất.

Trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa gợi hứng từ sách ngôn sứ Isaia 63, và trong Máccô 1,12 cũng nêu Thần Khí và sa mạc cho nên trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ cũng có tương quan với ngôn sứ Isaia 63. Văn bản mang chiều hướng như trình thuật Xuất hành, trong đó Đức Giêsu chịu cám dỗ được đặt song song và đối đầu với dân tộc Ítraen chịu thử thách trong sa mạc. Hai câu văn còn ám chỉ về Đệ Nhị Luật 8,15-16:«Ngài đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Ngài đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống. Trong sa mạc, Ngài đã cho anh (em) ăn manna, thức ăn mà cha ông anh (em) chưa từng biết, để bắt anh (em) phải cùng cực và thử thách anh (em), hầu làm cho anh (em) được hạnh phúc trong tương lai».

Ý nghĩa gì khi tác giả nêu lên loài dã thú sống an hòa với Đức Giêsu. Trong sách Sáng thế, lúc khởi thủy con người cũng sống an hòa với muôn loài dã thú, và chỉ bị tội lỗi bẻ gảy. Các ngôn sứ cũng lấy hình ảnh hòa bình tìm thấy giữa con người và dã thú để gợi lại sự sáng tạo (Isaia 11,6-9; 65,11-25). Vì thế ở đây Đức Giêsu được coi như như một Ađam mới sống với dã thú và cũng bị cám dỗ như Ngài. Cuối cùng Ngài chiến thắng trên Satan và được các Thiên Thần hầu hạ. Chủ đề Đức Giêsu một Ađam mới không có gì mới lạ và cũng không phải chủ đề riêng biệt của Máccô.

Tóm lại tại một nơi thiếu thốn như nơi sa mạc, Đức Giêsu chịu cám dỗ và qua thử thách Ngài trở thành một Ađam mới, hòa giải với muôn loài dã thú như con người tại vườn địa đàng. Đức Giêsu được các Thiên Thần hầu hạ như một người mang trong mình sự hoàn thành hình ảnh Thiên Chúa.

4. Đức Giêsu chịu cám dỗ theo nguồn văn Q.

Trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ dựa trên nguồn văn căn bản Q. Có thể nào tìm được lại nguồn văn này không? Mátthêu hay Luca tác giả nào tôn trọng đúng hơn cả vào nguồn văn Q?

41. Khai sinh từ nguồn văn Q.

Trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ không đến từ Đức Giêsu cho biết cần phải đi tìm nguồn gốc của nó. Khi biên soạn trình thuật, tác giả mang niềm ưu tư biện giáo hay khuyến thiện. Biện giáo để giải thích tại sao Đức Giêsu không trả lời ý niệm Do thái giáo về Đấng Mêsia. Khuyến thiện như mẫu gương cho người Kitô hữu trước cơn thử thách, và đời sống Kitô hữu căn bản nơi sự vâng lời Thiên Chúa. Ngoài hai cách nêu trên, còn có thêm lời giải thích khác dựa vào khung cảnh Do thái thời bấy giờ. Trình thuật được biên soạn theo tiêu chuẩn văn chương Midrach Do thái giáo. Đây là một lối suy tư Kinh thánh và hiện tại hóa một dữ kiện Kinh Thánh vào một tình huống hiện tại. Tình huống hiện tại là những thử thách thực tế Đức Giêsu đang chịu. Những thử thách được đọc lại và hiểu dưới ánh sáng Kinh thánh. Dân tộc Ítraen khi qua sa mạc không chịu nỗi thử thách, nhưng Đức Giêsu nhờ sức mạnh Thần Khí đứng vững như người Con trung thành với Thiên Chúa Cha.

42. Thứ tự tiên khởi về những sự cám dỗ.

Luca trình bày sự cám dỗ trên nóc Đền thờ. Một số nhà chuyên môn thấy có sự tăng dần trong cám dỗ: trên thiên nhiên, trên con người và trên Thiên Chúa. Giai điệu tương ứng vào ba kiểu cách cám dỗ theo 1Gioan 2,16. Một số người khác lại cho rằng thứ tự theo Mátthêu trung thành với văn bản gốc hơn, vì cám dỗ thứ ba về tôn sùng quỷ dữ là cám dỗ nguy hiểm nhất. Nhưng nếu dựa vào những tiêu chuẩn văn chương có thể đi đến kết luận vững chắc hơn. Thứ tự theo Mátthêu không phải điều ngẫu nhiên nhưng là một biên soạn khoa học. Ba cám dỗ đều trích dẫn sách Đệ Nhị Luật không phải tình cờ, nhưng được sắp xếp theo thứ tự giảm dần, và gọi lại thứ tự tăng dần của sách Xuất hành:

Đệ Nhị Luật 8,2-5 gợi lại Xuất hành 16

Đệ Nhị Luật 5,16 gợi lại Xuất hành 17,1-7

Đệ Nhị Luật 6,13 gợi lại Xuất hành 23,20-33.

Vì thế văn bản Mátthêu theo đúng thứ tự gốc nơi nguồn văn Q; còn Luca vì theo nhu cầu riêng biệt đã không ngần ngại bẻ gảy sự cân bằng đó.

5. Đức Giêsu chịu cám dỗ theo Mátthêu 4,1-11.

Mátthêu cũng như Máccô đăt trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ tiếp theo trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa. Luca có sự khác biệt vì đặt giữa hai trình thuật lại đặt vào đó bảng gia phả của Đức Giêsu đi từ dưới lên tới tạn Ađam «Con Thiên Chúa» (Luca 3,23-38). Trong phần trên có nêu Máccô 1,9-13 như lời phi lộ về sứ vụ Đức Giêsu. Ở đây Mátthêu 3,13 – 4,11 cũng trình bày hai cảnh như một tổng thể và diễn đạt như sự vận chuyển cho sứ vụ Gioan Tẩy Giả (Mátthêu 3,1-12) và sứ vụ Đức Giêsu (Mátthêu 4,12 tt). Thần Khí nêu trong Mátthêu 4,1 cho ngày Đức Giêsu chịu phép rửa, cũng chính Thần Khí đó đẩy Đức Giêsu vào hoang địa. Lời quỷ dữ thưa với Đức Giêsu «nếu ông là Con Thiên Chúa» (Mátthêu 4,3.6) lấy lại lời từ trời phán xuống ngày Đức Giêsu chịu phép rửa. Hai điều cho thấy có sự liên tục giữa hai trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa và Đức Giêsu chịu cám dỗ.

Cấu trúc văn chương Mátthêu 4,1-11.

Câu 1: Nhập đề: «Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ». Thần Khí ngày Đức Giêsu chịu phép rửa đưa Đức Giêsu vào hoang địa «để chịu quỷ cám dỗ». Câu nhập đề mang những từ ngữ rất gần với bản văn Đệ Nhị Luật theo Kinh Thánh LXX. Theo Đệ Nhị Luật 8,2, chính Thiên Chúa đưa dân tuyển chọn vào hoang địa để thử thách họ: «Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Ngài thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em)» . Thiên Chúa không chủ ý thử thách người Con, vì sự cám dỗ chỉ có thể đến từ quỷ dữ. Nhưng sự thử thách nằm trong chương trình Thiên Chúa.

Câu 2-4: cám dỗ đầu tiên: «Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Ngài thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Ngài và nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! ". Nhưng Ngài đáp: "Đã có lời chép rằng: người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra». Chỉ sau 40 đêm ngày ăn chay, Đức Giêsu thấy đói và chính lúc đó xuất hiện kẻ cám dỗ. 40 ngày đêm ăn chay không chủ ý nói về 40 ngày ngôn sứ Êlia đi về núi Khorép, hay 40 năm dân tuyển chọn chịu thử thách trong hoang địa. Ở đây qui chiếu về 40 ngày đêm ông Môsê ăn chay theo Đệ Nhị Luật 9,9.18. Hai hình ảnh song đối gợi ý Mátthêu cho Đức Giêsu là một Môsê mới.

Tiếng nói mời gọi Đức Giêsu lấy những hòn đá hóa bánh là bản năng và xác thịt con người muốn bóp nghẹt cuộc sống Thiên Chúa. Đức Giêsu không trả lời, nhưng trích dẫn lời Chúa trong Kinh Torah như thức ăn. Chỉ một mình Thiên Chúa mới làm cho con người được no nê. Ở đoạn này, Mátthêu quy chiếu hoàn toàn câu văn đến từ Đệ Nhị Luật 8,3. Cơn cám dỗ đầu tiên cũng còn quy chiếu vào Xuất hành 16,2-3:«Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Ítraen kêu trách ông Môsê và ông Aharon. Con cái Ítraen nói với các ông: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!». Dân tuyển chọn kêu trách Môsê và Aharon tức là kêu trách Thiên Chúa. Họ không tin tưởng vào Thiên Chúa, trong khi đó ở đây Đức Giêsu như người Con vâng lời, tin tưởng và sống theo ý chí Thiên Chúa Cha như lương thực của mình.

Câu 5-7: Cám dỗ thứ hai: «Sau đó, quỷ đem Ngài đến thành thánh, và đặt Ngài trên nóc đền thờ, rồi nói với Ngài: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá." Đức Giêsu đáp: "Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi».

Điều cám dỗ thứ hai xảy ra tại Đền thờ thành Thánh Giêrusalem. Kinh thành thiên sai, nơi đặc biệt có Thiên Chúa hiện diện, được Thiên Chúa bảo vệ, và nơi có mắt và tim của Thiên Chúa (1Vua 9,3). Thành thánh Giêrusalem với Đền thờ rất quan trọng trong niềm tin Do tháo giáo. Kẻ cám dỗ dựa vào đó để cám dỗ Đức Giêsu và thách thức Đức Giêsu.

Kẻ cám dỗ vẻ lên đây khung cảnh vĩ đại: nóc Đền thờ Giêrusalem thống trị thành Thánh, và những bức tường thành vươn cao nhìn xuống thung lủng Cédron. Và lần này, kẻ cám dỗ cũng dùng lời Kinh Thánh «Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi!..Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá… ». Câu văn trích dẫn Thánh vịnh 91. Trong suốt 16 câu ve, Thánh vịnh 91 đưa ra những hiểm nguy cho người tín hữu. Thật vậy: «bởi chưng Ngài truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá» (Thánh vịnh 91,11-12). Kẻ cám dỗ muốn Đức Giêsu đóng vai trò một Đấng Mêsia toàn thắng đến giữa dân với quyền bính. Nhưng ở đây Đức Giêsu không đóng vai trò giả tạo, vì sứ vụ của Ngài là một thực tại. Ngài thực sự là Con Thiên Chúa chứ không đóng vai trò giả tạo. Đức Giêsu trả lời bằng cách trích dẫn một phần câu Đệ Nhị Luật 6,16: «Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi». Câu văn nói về toàn thể dân Ítraen và quy chiếu về sự dân chúng nỗi dậy chống Thiên Chúa nơi sách Xuất hành 17,1-7. Dân hoang mang không còn biết Thiên Chúa có còn ở với họ hay không? Thiên Chúa đã bỏ họ? Thiên Chúa vẫn thinh lặng như cơn thử thách lớn và nặng nề đối với dân tuyển chọn.

Câu 8-10: cám dỗ thứ ba: «Quỷ lại đem Ngài lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi." Đức Giêsu liền nói: "Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi».

Cám dỗ thứ ba xảy ra trên một ngọn núi cao gợi lại viễn kiến ông Môsê. Thiên Chúa cho ông thấy đất Canaan nơi dân tuyển chọn sẽ đi vào như ghi trong Đệ Nhị Luật 34,1-4:«Từ đồng bằng Moáp, ông Môsê lên núi Nơvô, tới Pítga, đối diện với Giêrikhô, và Đức Chúa cho ông xem thấy tất cả miền đất: miền Galaát cho đến Đan, tất cả Náptali, miền đất Épraim và Mơnase, tất cả miền đất Giuđa cho đến Biển Tây, miền Neghép, vùng sông Giođan, thung lũng Giêrikhô là thành Chà Là, cho đến Xôa. Đức Chúa phán với ông: "Đây là miền đất Ta đã thề hứa với Ápraham, Ixaác và Giacóp, khi nói: "Ta sẽ ban đất ấy cho dòng dõi ngươi. Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không được qua đó». Những điều Thiên Chúa hứa cho Môsê và hậu duệ nơi Đệ Nhị Luật 34,1-4bây giờ trở thành cạm bẫy cám dỗ nơi Mátthêu 4,8-9. Đó là quyền hành nắm lấy không phải trên một nước nhưng là trên «tất cả các nước thế gian». Theo truyền thống Kinh Thánh, «tất cả các nước thế gian» thuộc thành phần dân ngoại, ngẫu tượng, biểu tượng Satan như Tin Mừng Gioan 12,31 ghi là «thủ lãnh thế gian». Đức Giêsu từ chối thêm một lần nữa với câu trích dẫn Đệ Nhị Luật 6,4: «Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi». Câu này cũng tìm thấy trong lời kinh nguyện Do thái giáo Shema Ítraen: «nghe đây hỡi Ítraen, Thiên Chúa, Đức Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất…». Đức Giêsu trung thành với sứ mệnh. Ngài không bỏ Nước trời để đổi lấy nước thế gian. Công trình của Ngài phải đi qua đau khổ và cái chết chứ không đi qua vinh dự và vinh quang. Tại thành Cêsarê Philipphê, ông Phêrô không hiểu định mệnh đau khổ và cái chết của Đấng Mêsia, Đức Giêsu nói lại câu Ngài nói với Satan ở Mátthêu 4,10: «Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài ngườii ». Con Thiên Chúa thật sự là con người.

Câu 11: Kết luận:«Thế rồi quỷ bỏ Ngài mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Ngài». Quỷ dữ bỏ đi đột ngột như lúc nó xuất hiện. Các Thiên Thần đến hầu hạ Ngài lấy lại những gì ghi trong Tin Mừng Máccô1,13, nói lên Thiên Chúa can thiệp chứng nhận thái độ nghĩa tử của Đức Giêsu.

6. Đức Giêsu chịu cám dỗ theo Luca 4,1-13.

Dựa vào nguồn văn Q, Mátthêu và Luca biên soạn trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ hầu như gần giống nhau. Khi so sánh lại hai văn bản thấy rõ có những khác biệt giữa hai tác giả, và những khác biệt đó trong Tin Mừng Luca cho biết ý hướng tác giả khi biên soạn đoạn văn.

61. Những dị biệt không quan trọng.

Những dị biệt này không ảnh hưởng đến ý nghĩa trình thuật, và hầu như trong mỗi câu văn Luca đều có điểm dị biệt với văn bản Mátthêu.

Câu 1: Đức Giêsu «từ sông Giođan trở về». Xác định địa lý ở đây chỉ nhắm nối kết trình thuật chịu cám dỗ vào trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa (Luca 3,21-22). Trong Tin Mừng Luca, như đã nói ở phần trên, tác giả để bảng gia phả Đức Giêsu giữa hai trình thuật chịu phép rửa và chịu cám dỗ.

Câu 2: Đức Giêsu ăn chay được biết qua câu «Ngài không ăn gì cả» suốt «40 ngày». Câu văn Luca ở đây đi sát với những gì Máccô ghi nơi 1,13, vì thế không còn gợi ý Đức Giêsu như ông Môsê theo văn bản Mátthêu 4,2.

Câu 3: Mátthêu 4,3 viết «những hòn đá», Luca chỉ dùng ở số ít «hòn đá».

Câu 4: Luca trích dẫn sách Đệ Nhị Luật 8,3 nhưng không lấy phần cuối câu văn nói về Lời Chúa như lương thực.

Câu 5: Cám dỗ thứ hai theo Luca là cám dỗ thứ ba trong Mátthêu xảy ra ở trên cao nhưng không rõ ràng như Mátthêu cho biết là ở trên ngọn núi cao. Vì thế đọc Luca không có ý câu chuyện xảy ra trên núi Sinai như Mátthêu.

Câu 8: không có lời Đức Giêsu xua đuổi: «Satan kia, xéo đi» như trong Mátthêu 4,10.

Câu 10, trong lời trích dẫn Thánh vịnh 91,11b, Luca thêm vào cụm từ «gìn giữ bạn».

62. Những điều Luca thêm vào trong bản văn.

Ở đây, Luca thêm vào trong bản văn những điều riêng biệt và duy nhất nêu rõ ràng điều cám dỗ thứ ba xảy ra tại thành thánh Giêrusalem.

Câu 1: «Đức Giêsu được đầy Thánh Thần…». Câu khởi đầu cũng như điều Luca cho biết Ngài về từ sông Giođan chỉ được Luca nhấn mạnh mang chủ ý nói kết trình thuật với trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa nơi Luca 3,22-38. Trong câu 4,1, Luca nhắc tới «Thánh Thần» 2 lần. Và sau trình thuật cám dỗ, Luca còn nhấn mạnh Đức Giêsu khai mào sứ vụ bằng cách trở về Galilê với «đầy quyền năng Thánh Thần… và Ngài giảng dạy trong hội đường của họ » (Luca 4,14-15). Chính tại hội đường làng Nazareth, Đức Giêsu đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia:«Thánh thần Chúa ngự trên tôi… Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh tai quý vị vừa nghe» (Luca 4,18-21). Trong trình thuật thời thơ ấu, công thức «tràn đầy Thánh Thần» cũng được Luca nói tới cho Gioan Baotixita (Luca 1,15), cho ông Dacaria (Luca 1,67) và bà Elisabeth (Luca 1,42). Vì vậy, câu Luca 4,1 có ý nghĩa với Đức Giêsu một thời gian mới đã đến. Đó là thời gian Thánh thần, thời gian chiến thắng quỷ dữ. Nhưng giờ đây, Đức Giêsu tràn đầy Thánh Thần đi vào xung đột với sức mạnh quỷ dữ. Ngài là Con Thiên Chúa bị cám dỗ, nhưng kết cuộc đã chiến thắng:«sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ, quỷ dữ lìa bỏ Ngài, chờ đợi thời cơ» (Luca 4,13).

Câu 2: «Ngài được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa suốt 40 ngày»: Đức Giêsu lại đi ngược lại con đường với ông Gioan Tẩy Giả. Ngài đi từ dòng sông Giođan vào hoang địa. Gioan Tẩy Giả nghe tiếng Thiên Chúa trong sa mạc, nhưng tại hoang địa Đức Giêsu chỉ bị quỷ dữ cám dỗ. Vì vậy hoang địa có thể là nơi con người có được kinh nghiệm về Thiên Chúa hay của quyền năng tăm tối.

40 ngày hay 40 năm có giá trị biểu tượng và giữ một vai trò lớn cho miền cận Đông. Thời gian đó giúp cho dân Do thái quyết định cuộc sống những đầy tớ hay dân Thiên Chúa. Ông Môsê ở trên núi Sinai 40 ngày khi thành lập giao ước (Xuất hành 24,18; 34,28). Trong truyền thống Do thái, 40 ngày là thời gian cần để có thể nhận mạc khải. Và 40 năm trong sa mạc như thời gian dân tộc bị thử thách (Đệ Nhị Luật 8,2). Vì thế 40 ngày Đức Giêsu trong hoang địa là một thời gian thử thách theo truyền thống, nhưng còn là thời gian nhận thức hiện sinh trao ban bởi Thánh Thần và bởi sự chứng giám của Kinh Thánh.

Câu 3-4:«Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho hòn đá này hóa bánh… người ta không sống chỉ vì cơm bánh». Theo truyền thống Kitô giáo, Con Thiên Chúa mang hình ảnh thiên sai. Đức Giêsu chiến thắng Satan mạc khải cùng lúc Đấng Mêsia đang đuợc chờ mong. Cám dỗ đầu tiên nối kết chủ đề phép lạ và lương thực. Đức Giêsu trả lời với câu trích dẫn sách Đệ Nhị Luật 8. Theo đó, Thiên Chúa giáo huấn dân tuyển chọn trong sa mạc và đặt họ vào thử thách. Ngược lại với dân Ítraen tại Sinai, Đức Giêsu chiến thắng thử thách. Ngài từ chối một phép lạ như của ăn manna. Đức Giêsu biểu tượng dân tộc mới và Ngài là Con Thiên Chúa.

Câu 5-8: «… chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thiên hạ… Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý… ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi».

Câu «tất cả các nước thiên hạ» loan báo chủ đề quyền bính. Luca còn thêm vào đó «vinh hoa của các nước này» và quyền cai trị các nước đó. Cả hai điều đều được hứa cho người Con. Quỷ dữ khẳng định Thiên Chúa trao quyền hành chính trị cho nó trên tất cả các nước, và nó có thể trao quyền đó cho người nào nó muốn. Điều này có nghĩa các thủ lãnh không nắm quyền hành Thiên Chúa hay con người nhưng là của Satan. Họ cúi mình trước quỷ dữ chứ không phải trước Thiên Chúa. Họ thừa hành quyền bính theo quyền lợi riêng tư chứ không phải để phục vụ. Cám dỗ chối bỏ Thiên Chúa nổi dậy trong bình diện quyền bính tạm bợ cũng như sau này nơi tiền bạc. Đức Giêsu chống trả lại điều đó nơi những người chỉ biết tìm lợi riêng cho chính mình. Ngài trả lời như Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa. Đối với Luca, chỉ sau khi Phục sinh và thời cánh chung, Đức Giêsu sẽ nhận sức mạnh và vinh quang trên toàn thể các nước.

Câu 9-12:«Quỷ dữ đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt trên nóc Đền thờ… ngươi chớ thách thức Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi». Cám dỗ thứ ba xảy ra nơi Đền Thờ Giêrusalem. Quỷ dữ đưa Đức Giêsu vào nơi công cộng, và sự cám dỗ như thử thách ngay nơi mối liên hệ giữa Cha và Con. Đức Giêsu trả lời quỷ dữ bằng câu văn Đệ Nhị Luật 6,16 «ngươi chớ thách thức Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi». Trong hoang địa, dân tuyển chọn thách thức Thiên Chúa và đòi hỏi nước uống. Qua ba lần bị cám dỗ, Đức Giêsu không bao giờ đòi hỏi điều gì cho riêng mình, vì thế Ngài không thử thách Thiên Chúa. Quỷ dữ trích dẫn lời Kinh Thánh nhưng không hiểu ý nghĩa lời đó. Và câu văn Đệ Nhị Luật 6,16 nơi đây biểu lộ hai điều: không đọc Thánh vịnh 91,11-12 theo nghĩa từng chữ nhưng phải theo nghĩa ẩn dụ, và cần biết điều Thiên Chúa cứu giúp không phải máy móc. Cho dù người tín hữu liều mình mạo hiểm cũng chưa chắc được kinh nghiệm Thiên Chúa. Ơn cứu độ phải đi qua đau khổ và cái chết. Quan niệm thần học này bắt nguồn từ trong Kinh thánh và đặt ở đây như câu trả lời cho thập giá. Đức Giêsu hoàn toàn tin tưởng Thiên Chúa Cha và tự chấp nhận cái chết, chứ Ngài không bất lực trước cái chết. Đó là câu trả lời của Đấng Mêsia và của người Kitô hữu.

Câu 13: «Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ, quỷ dữ lìa bỏ Ngài, chờ đợi thời cơ». Cho dù quỷ dữ cầm quyền hành lớn lao (Luca 4,6), nhưng nó không thể nào ép buộc được quyết định con người. Ông Ađam và dân tuyển chọn đã bị thử thách quật ngã. Ông Gióp đứng vững qua mọi thử thách, và giờ đây Đức Giêsu đã chiến thắng quỷ dữ, nhưng quỷ dữ còn «chờ đợi thời cơ» khác.Thời cơ đó đến khi Luca 22,3 ghi«Satan đã nhập vào Giuđa» ngay đoạn đầu trình thuật Thương Khó. Đó là giờ hấp hối (Luca 22,40), là lúc Đức Giêsu bị bắt:«đây là giở các ông hành động, là lúc thần tối tăm hoành hành (Luca 22,53).

Đức Giêsu hoàn toàn ý thức cuộc chiến thử thách kết cục. Trước đó, Ngài cũng đã cảnh cáoông Phêrô:«Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng anh em như nguời ta sàng gạo. Nhưng thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin» (Luca 22,31-32). Trước khi Đức Giêsu bị bắt, Tin Mừng Nhất lãm đều nói Ngài cầu nguyện tại vườn Cây Dầu (Luca 22,40-46). Văn bản trình thuật này ở Luca rất gần vời trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ. Luca cho đây là lời cầu nguyện «hấp hối». Từ này mang nguồn gốc «chiến đấu». Ở đây Đức Giêsu phải chiến đấu giữa ý chí riêng mình và ý chí Thiên Chúa Cha. Cuộc chiến gay go vì «mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất». Luca cũng cho biết«có thiên sứ tự trời xuống tăng sức cho Ngài». Chính với sức lực đó, Đức Giêsu mới có thể thốt lên«Lạy Cha, nếu cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý cha». Thương Khó là thử thách cuối cùng của Đức Giêsu chống lại quyền lực xấu xa. Một thách thức về lòng trung thành của người Con.

Kết luận.

Trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ đều được Tin Mừng Nhất lãm ghi lại. Trong Tin Mừng Gioan cũng có nói đến quỷ dữ (Ga 8,44) và vai trò nó hoành hành trên Giuđa (Ga 13,2-27), và cuối cùng quỷ dữ cũng thất bại (Ga 12,31). Gioan trải dài thử thách đó trên khắp cuốn Tin Mừng. Các nhà Nhất lãm lựa chọn đưa chủ đề này vào một trình thuật như lời ngỏ trước sứ vụ của Đức Giêsu. Tin Mừng Máccô chỉ nói tới với vỏn vẹn hai câu 1,12-13. Dù ngắn ngủi nhưng nói lên được sứ điệp căn bản giống như Mátthêu và Luca. Trình thuật nơi hai tác giả Mátthêu và Luca có nhiều điểm tương đồng, nhưng mỗi người đều hướng tới viễn ảnh thần học riêng. Mátthêu nhìn lại về quá khứ Ítraen và cho thấy biến cố Xuất hành một lần nữa xảy ra và được hoàn thành nơi Đức Giêsu. Luca lại hướng về tương lai với biến cố Phục sinh hoàn thành ơn cứu độ.

Lê Phú Hải omi.

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art