Thứ Ba, 19 Tháng Sáu, 2012

Tại Sao Cần Một Linh Mục Và Một Phó Tế Để Dâng Thánh Lễ ?

Tại Sao Cần Một Linh Mục Và Một Phó Tế Để Dâng Thánh Lễ

Tại sao cần một linh mục?

Phép rửa như nền cơ bản cho việc tham dự thánh lễ, nhưng ngay từ đầu trong Giáo hội sơ khai đã thấy xuất hiện các giám mục và các linh mục. Vai trò của các thừa tác viên với thánh chức không thể thay thế được. Phụng vụ được quy chiếu là phụng vụ của giám mục trong ngôi tòa của mình tại nhà thờ chính tòa. Ở đây sẽ tìm hiểu vai trò của linh mục trong thánh lễ bình thường tại các giáo xứ hay nơi các nhóm khác nhau. Một thành ngữ bằng tiếng Latinh có thể giúp hiểu được tương quan giữa linh mục và cộng đoàn trong thánh lễ. Thành ngữ nói vị linh mục hành động “in persona Christi capitis” (nơi con người Đức Kitô là đầu). Linh mục đối diện với cộng đoàn tụ họp nhân danh Đức Kitô để chủ trì Giáo hội của Người. Linh mục không phải người trung gian giữa con người với Thiên Chúa, vì Đức Kitô là Đấng trung gian duy nhất. Linh mục là một người nhận lãnh phép rửa như mọi người khác, nhưng ngài được trao ban một sứ vụ đặc biệt qua bí tích Truyền chức thánh. Từ đó có thể phân biệt chức tư tế thừa tác vụ của giám mục và linh mục với chức tư tế phép rửa của mọi tín hữu.

Vai trò của linh mục cũng còn gây nên nhiều tranh luận trong các Giáo hội Kitô giáo. Thế nhưng linh mục chủ tế việc cử hành thánh lễ nhân danh Đức Kitô biểu lộ cộng đoàn không sở hữu hành vi mình hoàn thành, hay cộng đoàn không làm chủ Thánh lễ. Cộng đoàn nhận lãnh thánh lễ như một ân huệ của Đức Kitô hằng sống trong Giáo hội. Thừa tác viên Thánh lễ là người được sai đi đại diện cho việc Thiên Chúa khởi xướng và diễn đạt mối dây của cộng đoàn địa phương với những cộng đoàn khác trong Giáo hội hoàn vũ (Baptême, Eucharistie, Ministère § 29).

Ghế cho linh mục chủ tế

Ý thức vai trò quan trọng thừa tác vụ chủ tọa của linh mục trong cử hành thánh lễ đưa đến việc coi ghế cho linh mục chủ tế như nơi thứ ba (sau bàn thờ và giảng đài) cần thiết trong không gian phụng vụ. Nơi dành cho ghế này là một canh tân trong phụng vụ. Đó là nơi linh mục đứng trong nghi thức đầu lễ, lắng nghe các bài đọc, xướng kinh Credo, tham dự vào Kinh nguyện chung, đọc lời nguyện chung và hoàn thành nghi thức sai đi: “Ghế của linh mục phải nói lên nhiệm vụ của ngài là chủ tọa cộng đoàn và điều hành kinh nguyện” (Quy chế Tổng quát, số 271).

Vai trò của thầy Phó tế

Ngoài giám mục, linh mục, chức vụ phó tế là nhân vật thứ ba được chức thánh. Sau Công đồng Vaticanô II một số địa phận thấy có một số đông những người đã lập gia đình nhưng vẫn được lãnh nhận chức phó tế. Những người này thường được gọi: “những phó tế vĩnh viễn”. Quy tắc phụng vụ cho chức vụ phó tế vai trò rõ ràng, cho dù trong Giáo hội theo nghi thức Đông phương họ có vai trò quan trọng hơn: “Trong số các thừa tác viên, thầy phó tế chiếm địa vị cao nhất; chức bậc này được tôn trọng ngay từ thời đầu của Hội Thánh” (Quy chế Tổng quát, số 61).

Thừa tác vụ phó tế được biểu lộ qua dây “Stola” đeo chéo ngang hoặc chiếc áo lễ phó tế (dalmatique). Phó tế không có quyền chủ tế thánh lễ, nhưng có quyền cử hành bí tích dành cho các bệnh nhân, rửa tội, hôn phối và an táng. Sự hiện diện của phó tế nhắc lại chiều kích phục vụ (diaconia) trong cuộc sống của một cộng đoàn Kitô hữu cũng như của mọi môn đệ Đức Kitô quy chiếu đặc biệt cho việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc ly.

Phục vụ Lời Chúa: Phó tế mang sách Tin Mừng hay sách Bài đọc khi đoàn cử hành đi lên bàn thờ trong phần bắt đầu thánh lễ. Phó tế có vai trò đặc thù loan báo Tin Mừng và có thể giảng. Khi đọc Kinh nguyện chung, phó tế có quyền đọc những lời cầu xin.

Phục vụ Thánh Thể: Phó tế phụ vị chủ tế trong việc sửa soạn của lễ đưa lên bàn thờ. Phó tế có quyền được nâng cao chén rượu trong phần kinh Vinh Tụng Ca. Phó tế mời cộng đoàn trao đổi bình an nhân danh Đức Kitô và cho rước lễ. Cuối cùng, phó tế loan báo lời sai đi cuối thánh lễ: “anh chị em ra về bình an”.

Ý nghĩa phẩm phục phụng vụ hay phẩm phục thánh

Phẩm phục thánh có tầm quan trọng biểu tượng và thực dụng vì nó đánh dấu sự khác biệt của những thừa tác vụ của những người có một vai trò đặc thù trong việc cử hành thánh lễ. Phẩm phục thánh còn có giá trị vẻ đẹp vì phụng vụ phải làm toát ra cái nét đẹp, và còn có chức năng biểu tượng với những màu sắc phụng vụ.

Hầu như tất cả những phẩm phục phụng vụ được sử dụng cho ngày nay đến từ nguồn gốc trong xã hội La mã thời cổ đại, và được đưa vào đó những chiều kích biểu tượng:

 Áo “Alba” (tiếng Latinh có nghĩa trắng) là áo người ta mặc ở nhà, và trở thành biểu tượng tái sinh liên kết với phép rửa.

 Dây “Stola” có nguồn gốc đến từ Tây Ban Nha và xứ Gaule trở thành dấu chỉ có chức thánh.

 Áo “casula” (Chasuble = áo Lễ). Tiếng Latinh “casula” có nghĩa ngôi nhà nhỏ. Đây là một loại áo choàng biểu trưng cho quyền bính. Áo lễ trở thành áo dành cho giám mục hay linh mục mặc khi cử hành thánh lễ. Quy tắc phụng vụ ghi mọi linh mục đồng tế đều mặc “áo lễ”, nhưng bình thường chỉ còn linh mục chủ tế khoác “áo lễ” thôi để nói lên vai trò quan trọng của vị chủ tế.

 Áo lễ phó tế (Dalmatique = có liên hệ với vùng Dalmatie nơi có rất nhiều người nô lệ) là một áo đơn sơ và trước đó dành cho người nô lệ. Áo “dalmatique” được Đức Giáo hoàng và các phó tế mặc từ thế kỷ IV như dấu chỉ phục vụ. Ngày nay ít thấy hơn nhưng áo “dalmatique” mang nghĩa biểu trưng chiều kích phục vụ của mọi phụng vụ.

(Theo Arnaud Join-Lambert, Guide pour comprendre la Messe, Mame, 2002).

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art