I. Nhập Lễ : Từ Muôn Phương Tìm Về Tụ Họp
Đoàn rước tiến vào cung thánh và kéo theo toàn thể cộng đoàn hướng về mầu nhiệm của Đấng Phục Sinh.
1. Rước vào lễ
Sau khi được quy tụ lại thành một cộng đoàn, những người dâng lễ bắt đầu tiến vào trước tôn nhan Chúa để lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Đó là ý nghĩa và mục đích cuộc rước đầu lễ, chứ không phải rước vị chủ tế như người ta lầm tưởng. Cộng đoàn tiến vào nhan Chúa và đoàn rước là đại diện.
Nhân danh Thiên Chúa, chúng ta quy tụ về cử hành Thánh Lễ cùng chung một tiếng nói hầu trở thành Thân thể Đức Kitô. Linh mục tiến vào cung thánh và chúng ta tiếp đón nơi con người vị linh mục cái đầu của Thân thể là Đức Kitô Phục Sinh. Đồng hành với linh mục, bài ca nhập lễ công bố Người mà vị linh mục đại diện đang tiến vào giữa dân Ngài trong hân hoan.
Ca nhập Lễ - Lời chào của Chủ tế - Nghi thức sám hối - Kinh Vinh Danh - Lời nguyện nhập Lễ: Những nghi thức trước Phụng Vụ Lời Chúa mang hai ý nghĩa.
a. Giúp người tín hữu hoàn thành sự hiệp nhất
Những anh chị em tín hữu đến từ bốn phương và có thể bị ngăn cách bởi hàng rào xã hội và văn hóa. Giờ đây Chính Thiên Chúa và với cùng một lòng tin đã mời gọi tất cả để kết hợp thành một Thân thể Đức Kitô. Phụng Vụ Thánh Lễ đón nhận họ với tất cả những gì kết nên họ cho dù là những phẩm chất hay những yếu đuối.
b. Sửa soạn cho người tín hữu được thỏa thuê nơi hai bàn tiệc
Thánh Lễ dựng lên hai bàn tiệc: bàn tiệc Lời Chúa, và bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc đầu giảng dạy và bàn tiệc thứ hai tái tạo. Mỗi bàn tiệc là một món quà của Thiên Chúa về tình thương. Cả hai bàn tiệc nuôi dưỡng cho ta lên đường.
2. Ca nhập lễ
Tiếp đón và chung lời ca tụng: Ca hát làm tăng vẻ long trọng cho buổi lễ và biểu lộ một cộng đoàn hiệp nhất như huấn thị về “âm nhạc trong phụng vụ” ghi: “Sự hiệp nhất tâm hồn được thể hiện cách sâu xa nhờ đồng thanh với nhau”. Ca nhập lễ làm tăng tính cách long trọng cuộc cử hành, đồng thời biểu lộ sự hiệp nhất hữu hình giữa các tín hữu với nhau. Và khi tụ họp nhau lại, tiếp đón lẫn nhau, các tín hữu làm cho nên hữu hình sự hiện diện của Đấng Phục Sinh: “Khi hai hay ba người tụ họp nhân danh Ta, Ta ở giữa họ” (Mt 18,20).
Ca nhập lễ phải mang tính cách cộng đoàn với mọi người cùng hát. Ca đoàn có thể hát những tiểu khúc. Khi cùng nhau ca hát, và trộn lẫn với các giọng khác biệt, người tín hữu làm cho vang lên tiếng nói của Đấng đã nói: “Ta ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Trước khi biểu lộ qua Bánh và Rượu, Đức Kitô biểu lộ qua anh chị em trở nên một. Khi cùng nhau hát, chúng ta đã nhận mình như Thân Thể của Đấng Hằng sống.
Bài ca nhập lễ không phải một thánh thi ngắn, nhưng giúp cho cộng đoàn đi vào Thánh Lễ, kết hiệp những người tham dự vào với nhau, và còn mang yếu tố dẫn nhập và đồng hành cho cộng đoàn.
Bài ca nhập lễ quá ngắn sẽ không giúp người tham dự với toàn thân, tâm hồn và tinh thần vào Thánh Lễ. Khi lựa chọn bài hát nhập lễ phải để ý đến ý lễ ngày hôm đó: có thể mùa quanh năm hay một lễ cho mùa Vọng, mùa Chay hay mùa Phục Sinh… Nhiều khi, có những ca đoàn lựa bài ca nhập lễ theo ý nghĩa của các bài đọc trong ngày. Làm theo ý đó cũng được thôi, nhưng chúng ta biết những bài đọc đó chưa được công bố… Vì vậy các bài ca nhập lễ cơ bản loan báo mầu nhiệm sự chết và sự sống lại mà chúng ta cử hành như Ngày của Thiên Chúa, Ngày thứ nhất trong tuần. Họp lại cùng nhau nhân danh Đức Kitô, cùng vui mừng trong cùng giọng ca, người tín hữu trở nên Thân thể của Đức Kitô. Khi cha chủ tế tiến về cung thánh, cộng đoàn đón nhận nơi con người đó cái đầu của Thân Thể: Đức Kitô sống lại.
3. Cử chỉ đầu tiên
Hôn bàn thờ: Cử chỉ đầu tiên khi vị chủ tế tới cung thánh tỏ lòng cung kính bàn thờ. Ngài cúi mình hoặc bái gối rồi tiến lên hôn kính bàn thờ. Người Do Thái cho bàn thờ ý nghĩa như nơi tế lễ, chỗ thiết tiệc, nơi con cái Thiên Chúa được nuôi dưỡng và giải khát. Bàn thờ không những như “trung tâm tạ ơn”, nơi cử hành “bữa ăn tối của Chúa” (1Cr 11,20). Đó là bàn của phòng tiệc ly, bàn của hai môn đệ trên đường Emmaus, và còn mang dấu chỉ Đức Kitô hiện diện giữa cộng đoàn.
Giáo hội tiên khởi coi bàn thờ như mộ các vị tử đạo, và đặt trên đó di tích các ngài, nhắc nhở chúng ta rằng họ hiến cuộc đời trong sự chờ đợi sống lại. Bàn thờ mang dấu chỉ Đức Kitô và hiến lễ tạ ơn chúng ta sẽ cử hành. Hôn bàn thờ biểu lộ thái độ cung kính, tôn thờ yêu mến đối với Đức Kitô. Vị chủ tế sắp sửa cử hành phụng vụ, nhưng tiên vàn trước mặt toàn thể cộng đoàn, ngài nói lên lòng tôn thờ mến yêu đối với Đức Kitô. Dấu chỉ đôi khi còn được kèm theo việc xông hương cho ta biết tất cả đều hướng về Đức Kitô.
Ngoài việc hôn kính bàn thờ, đôi khi chúng ta còn thấy vị chủ tế xông hương và đi quanh bàn thờ. Cử chỉ này mang cùng ý nghĩa việc hôn bàn thờ, tỏ lộ ra dấu tôn kính dành cho mầu nhiệm của bàn thờ được đặt ở giữa cung thánh của thánh đường. Chính trên bàn thờ mà bánh và rượu sẽ được đặt lên để trở nên mình và máu Đức Kitô. Chính chung quanh bàn thờ mà tất cả những người được mời sẽ đi vào dự tiệc của Thiên Chúa. Hơn nữa, từ bàn thờ và từ bánh Thiên Chúa làm kết nối sự hiệp thông dân Thiên Chúa, vì trên bàn thờ chỉ có một tấm bánh “bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên chúng ta tuy nhiều cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17). Đó cũng là ý nghĩa Giáo hội tiên khởi thường nói tới: “Đức Kitô là bàn thờ” và sau này câu nói đó được đổi thành “bàn thờ chính là Đức Kitô”. Như Thiên Chúa là tảng đá của Ítraen (Tv 94,1), Đức Kitô là tảng đá của dân Ítraen mới, viên đá tảng những người thợ xây bỏ đi trở thành viên đá góc tường (Mt 21,42).
Vì vậy, vị chủ tế xông hương bàn thờ và Thánh giá. Hành vi bị một thời lãng quên, nhưng sau công đồng Vaticanô II, việc xông hương đã có một chỗ đứng chính xác. Việc xông hương bàn thờ không bắt buộc, nhưng được khuyến khích thực hành.
Tại sao phải xông hương?
Hương đến từ chất nhựa cây và khi đốt lên tỏa ra mùi thơm. Ngày nay có rất nhiều loại hương trên thị trường và bên Trung Đông vẫn còn dùng đến hương cho nghi thức tôn giáo hay ngay cả trong đời thường. Biểu tượng chính yếu của hương cho ta thấy qua làn khói như lời kinh nguyện bay về Thiên Chúa; và mùi thơm của hương mang dấu chỉ vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa và tốt lành của Đấng Sáng tạo.
Trước công đồng Vaticanô II, hương được dùng rất nhiều trong Thánh lễ, nhưng sau đó đã bị bãi bỏ vì bị coi như quá trang trọng và xưa cổ lỗi thời. Trong quy tắc phụng vụ, hương được coi không còn bị bắt buộc dùng nữa, thế nhưng biểu tượng của nó vẫn còn hiện đại. Trong các tôn giáo Đông phương hương còn được dùng đến rất nhiều, vì thế hương vẫn còn được nhiều người coi đó như một hành vi thánh thiêng.
Đối với đạo Công giáo, nguồn gốc dùng hương lên tới từ thực hành của truyền thống Do Thái xưa cổ “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 140,2; xem thêm Kh 8,3). Chiều kích tôn kính Thiên Chúa còn được thêm vào mạnh mẽ hơn khi các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai từ chối đốt hương trước các tượng hoàng đế; và vì thế họ có thể bị tử hình. Ngày nay, trong thời đại này con người tái khám phá sự quan trọng của biểu tượng và thân thể trong phụng vụ. Hương đưa lời nguyện tất cả bản thể khi gọi khứu giác của chúng ta. Chính vì thế hương phải loại hương thật thơm chứ không chỉ có riêng khói thôi chưa đủ.
Dùng hương ra sao, lúc nào?
Chúng ta có thể xông hương sách Lời Chúa, vị chủ tế, cộng đoàn, bánh và rượu vì có sự hiện diện của Chúa Kitô; nhưng còn có thể xông hương bàn thờ, và trong các Giáo hội Đông phương còn xông hương các tượng ảnh thánh (icônes). Dùng Hương như cách ưu tiên để nhấn mạnh chiều kích liên hoan của những lễ phụng vụ quan trọng.
4. Dấu Thánh giá
Mỗi khi người tín hữu cử hành một nghi thức phụng vụ họ đều làm dấu Thánh giá. Vì thế khi làm dấu Thánh giá, chúng ta nên ý thức ghi trọn dấu Thánh giá trên thân thể hơn chỉ ghi nơi trán, nơi ngực và nơi hai vai. Dấu Thánh giá gợi lại ngày chúng ta nhận lãnh bí tích rửa tội. Vì vậy, cần ghi dấu Thánh giá một cách chậm rãi và từ tốn đọc: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” cho dấu chỉ mang trọn ý nghĩa mầu nhiệm Phục Sinh. Dấu Thánh giá nhìn nhận Kitô hữu, nói lên lòng họ gắn bó vào Thiên Chúa được Chúa Giêsu Kitô đến biểu lộ Thiên Chúa Ba Ngôi. Dấu Thánh giá nhắc nhở ơn cứu độ thể hiện nơi cây Thập giá, nơi tình yêu Thiên Chúa đạt đến tuyệt đối.
Dấu Thánh giá mang ý nghĩa quan trọng, nên chúng ta bắt đầu và kết thúc Thánh Lễ bằng một dấu ghi đó. Khi nhập lễ, dấu Thánh giá biểu hiệu chúng ta nhìn nhận nhau. Tất cả cùng gia đình và đến đây đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi. Dấu Thánh giá còn được làm ở cuối lễ như lời cầu chúc. Thiên Chúa tụ họp lại, và giờ đây phái ta đi làm nhân chứng những gì ta vừa sống qua. Người đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường. Dấu Thánh giá còn được làm 3 lần trước khi nghe đọc Tin Mừng: trên trán, trên miệng và trên tim hầu cho Lời Chúa soi sáng tinh thần, vang âm trên miệng lưỡi và thâm nhập vào tâm hồn chúng ta.
5. Lời chào của Cha chủ tế
Thiên Chúa mời và tiếp đón chúng ta. Tiếp theo dấu Thánh giá, chủ tế chào cộng đoàn với một trong ba hình thức sau đây:
● Hình thức thứ nhất trích từ câu kết thư thứ hai của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 13,13: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”.
● Hình thức thứ hai phát xuất từ sách bà Rút 2,4: “Chúa ở cùng anh chị em”.
● Hình thức thứ ba mượn lời thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô 1,2: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh chị em được đầy ân sủng và bình an”.
Lời chào biểu lộ sự chúc phúc nhìn nhận Đức Kitô hiện diện giữa cộng đoàn diễn tả mầu nhiệm về Đức Giêsu, Đấng Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi” (Mt 1,23). Khởi đầu cuốn Tin Mừng, Mátthêu đã nhấn mạnh như thế, và kết thúc cuốn Tin Mừng, tác giả lại quả quyết thêm lần nữa về mầu nhiệm này. Đức Giêsu nói: “Và này Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” (28,20). Toàn thể cuộc đời cũng như toàn thể sứ điệp Đức Giêsu rao giảng được tóm lược qua Đấng Emmanuel hiện diện. Cũng vậy, khi nói Người hiện diện lúc đầu lễ và kết lễ, phụng vụ ám chỉ rõ ràng cuộc cử hành Thánh Lễ dựa vào Đấng Emmanuel, và cộng đoàn dâng lễ khi được trở thành Thân mình Đức Kitô sẽ là Emmanuel mới cho thế giới. Ý tưởng cho thấy người cử hành Thánh Lễ không phải chỉ một mình linh mục, nhưng cộng đoàn với linh mục. Mỗi người dâng Thánh Lễ theo thứ bậc của mình, và chính Đức Kitô chủ tế.
Giáo dân đáp lại lời chào của cha chủ tế: “và ở cùng cha”, xin Thiên Chúa ở cùng cha, với tinh thần phục vụ cha được mời gọi để trở nên thừa tác viên cho những mầu nhiệm thánh của cộng đoàn chúng ta. Thánh Lễ không phải nơi hẹn dành riêng cho những người tốt lành, nhưng cuộc hẹn của Thiên Chúa làm tràn đầy ân sủng cho dân Người.
Thật ra, theo bản văn Latinh ở đây lời đáp lại của giáo dân là “Et cum spiritu tuo = và ở cùng thần trí cha”. Dịch như vậy hơi dài dòng nên Giáo hội Việt Nam lựa chọn công thức “và ở cùng cha”, nhưng ý nghĩa của câu trả lời là Chúa ở cùng thần trí cha để Chúa soi sáng hướng dẫn vị chủ tế để vị đó cử hành Thánh Lễ cho được đích đáng.
Sau lời chào, vị chủ tế có thể nói vài lời vắn tắt nhưng không bắt buộc. Lời nói này không phải những lời sửa soạn lấy ý của các bài đọc, vì phần phụng vụ Lời Chúa sẽ đến ở phần sau. Nơi đây cũng không phải bài giảng ngắn, nhưng lời nhập đề cho Thánh Lễ. Chủ tế có thể lấy lại một câu trong bài hát nhập lễ, hoặc một biến cố nào đó đã xảy ra trong tuần. Tất cả đều phải ngắn gọn.
Lời nói đầu phải do người có chức thánh làm, bình thường là vị chủ tế. Nếu như lời nói đầu được trao cho thầy Phó tế hay một giáo dân, vị chủ tế bắt buộc phải thêm vào phần ngắn mời gọi cộng đoàn đi vào sám hối.
6. Nghi thức sám hối
Gồm hai giai đoạn: Lời mời gọi đi vào sám hối; sửa soạn sám hối và kinh nguyện sám hối.
Lời mời gọi đi vào sám hối vì chúng ta sửa soạn cử hành Thánh Lễ, đi vào việc ca tụng và tạ ơn. Chúng ta không thể tiến gần đến Đấng Tối cao mà không Vượt Qua ngưỡng cửa để đi vào. Và việc sửa soạn hay nhất là nhìn nhận mình tội lỗi: không phải nhìn về mình để xét mình nhưng hướng về Thiên Chúa tình thương và chiêm ngưỡng Người như suối nguồn của sự tha thứ.
Trọng tâm nghi thức sám hối không phải thú nhận tội lỗi, nhưng nhận ơn tha thứ và lòng Thiên Chúa từ bi thương xót. Sám hối ca ngợi tình thương và nói lên lời tán tụng tạ ơn Thiên Chúa cứu độ. Nghi thức sám hối không như bản xét mình liệt kê các tội lỗi ta phạm, nhưng làm nổi bật lòng thương xót và sứ mạng Đức Kitô giao hòa.
Có 5 nghi thức được đề nghị để sửa soạn sám hối:
A. Kinh Sám hối
Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng
và cùng anh chị em
tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng,
lời nói, việc làm và những điều thiếu sót
lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.
Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh,
các Thiên Thần, các Thánh và anh chị em,
khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta.
Trước hết, chúng ta nhìn nhận lỗi lầm và thú nhận những tội lỗi đó trước Thiên Chúa và trước anh em. Mỗi người chúng ta mang hình ảnh nghèo khó trước Thiên Chúa, vì thế khi thú nhận mình tội lỗi, chúng ta tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa làm cho chúng ta đứng dậy.
Khi đấm ngực, chúng ta xin cho lời nguyện của toàn thể Giáo hội trên trời và dưới đất xuống trên mình. Kinh sám hối “tôi thú nhận cùng Thiên Chúa…” này của Đức Giáo hoàng Phaolô VI đưa ra, súc tích hơn kinh sám hối trong sách lễ của Thánh Giáo hoàng Piô V.
B. Nghi thức 2
• Lạy Chúa, xin thương xót chúng con
Vì chúng con đã xúc phạm đến Chúa
• Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con
Và ban ơn cứu độ cho chúng con.
Những lời kinh này lấy ra từ những lời khẩn cầu của Thánh vịnh: ý thức mình tội lỗi chống lại Thiên Chúa, chúng ta đặt niềm hy vọng vào tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Giống như kinh tôi thú nhận…, chúng ta nhìn nhận mình tội lỗi, nhưng chiêm ngưỡng Thiên Chúa tốt lành là Đấng tha thứ và tình thương. Kinh sám hối thứ hai làm cho có cuộc đối thoại với vị chủ tế và cộng đoàn cử hành Thánh Lễ.
C. Nghi thức 3
• Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã được sai đến để cứu chữa những tâm hồn thống hối.
Xin thương xót chúng con.
• Lạy Đức Kitô, Chúa đã đến trần gian để kêu gọi những người tội lỗi.
Xin thương xót chúng con.
• Lạy Chúa, Chúa đang ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu cho chúng con.
Xin thương xót chúng con.
Đây là những lời khẩn cầu dâng lên Đức Kitô: mang lòng tin tưởng tuyệt đối cho Chúa Giêsu Kitô, và chúng ta kêu gọi tình thương của Ngài.
Ba lời khẩn cầu này có thể thay thế bằng những lời khẩn cầu tương tự nhưng tất cả đều hướng về Đức Kitô, chứ không phải một kinh nguyện cho Ba Ngôi Thiên Chúa như người ta thường hay lầm lẫn. Giống như nghi thức 1 và 2, Giáo hội không mời gọi chúng ta xưng tội, nhưng ngược lại kêu gọi mình hướng cái nhìn về Đức Kitô. Ngài đến để chữa lành và cứu rỗi nhân loại. Với cái nhìn tin yêu làm vang lên lời chúng ta “xin thương xót chúng con”.
D. Kinh thương xót: Xin Chúa thương xót chúng con “Kyrie, eleison”. (Kyrie/Kyrios: Đức Chúa; eleison/eleein: thương xót)
Kinh mang ý nghĩa ca tụng Thiên Chúa, nói lên lòng Thiên Chúa nhân lành xót thương đối với toàn thể nhân loại. Kinh thương xót là một bài ca để cộng đoàn tung hô Thiên Chúa và khẩn cầu tình thương của Người.
Chúng ta hướng lòng về Đức Kitô vinh quang và tình thương. Chúng ta tung hô Đức Kitô như Thiên Chúa cho thời gian mới bằng cách lấy lại từ “kyrios”. Từ này các Giáo đoàn tiên khởi chỉ định Đấng Sống lại. Cùng một lúc họ khẩn cầu để xin Ngài ban bố tình thương bằng cách lấy tiếng kêu của người phụ nữ xứ Canaan đến xin Đức Giêsu chữa bệnh cho cô con gái của bà: “xin thương xót tôi, Đức Chúa, con Đavít” (Mt 15,21); cũng là lời của người trộm lành bên thập giá Đức Giêsu: “xin Ngài nhớ đến tôi khi Ngài đến khai mạc triều đại của Ngài” (Lc 23,42).
E. Một hình thức khác: rẩy Nước Thánh
Hình thức khác của nghi thức sám hối có thể sử dụng trong các Chúa nhật là rẩy Nước Thánh, nói lên đặc điểm Vượt Qua của ngày Chúa nhật. Ngày tưởng niệm Đức Kitô Phục Sinh khải hoàn, đồng thời nhắc nhở bí tích Rửa tội. Ta đã chết cho tội lỗi nhưng giờ đây được sống lại với Đức Kitô trong đời sống mới, và cho phép chúng ta tiến vào bàn Tiệc Thánh.
Khi rẩy Nước Thánh, vị chủ tế liệu sao để mọi người thấy nhận được Nước Thánh trên thân mình. Trong khi đó, cộng đoàn hát những bài thích hợp đề cập đến Phép Rửa, sự thanh tẩy, ý nghĩa của Nước và công cuộc canh tân đời sống mới.
Sách lễ Rôma đưa ra 5 hình thức khác nhau như những kiểu mẫu chứ không mang tính cách bắt buộc. Chủ tế có thể lựa chọn một trong những hình thức này hoặc có thể tự sáng tác với những quy luật như sau:
• Lời cầu phải quy về Đức Kitô, không quy về Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ hay bất kỳ một vị thánh nào khác.
• Lời cầu phải ngắn gọn.
• Nội dung dựa trên nền tảng Kitô học thích ứng với mùa Lễ, ngày Lễ hay bài Tin Mừng đọc hôm đó.
• Lời cầu không phải bản xét mình liệt kê các tội xin ơn tha thứ nhưng phản ảnh lời cảm tạ chúc tụng Đức Kitô.
Sau khi lựa chọn một trong năm nghi thức sám hối ghi trên, vị chủ tế đọc lời kinh sám hối: “xin Thiên Chúa Toàn năng thương xót tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời”. Trong lời kinh, vị chủ tế nói rõ “chúng ta” chứ không phải chỉ các giáo dân mà thôi. Vì thế lời kinh này hoàn toàn mang ý nghĩa khác với lời vị linh mục đọc khi ban Bí Tích hòa giải. Cho dù chính Thiên Chúa tha thứ những tội lỗi được coi nhẹ của chúng ta. Những tội lỗi nặng vẫn không được tha thứ và chỉ có đi xưng tội những lỗi đó mới thật sự được tha thứ.
Sau nghi thức sám hối, cộng đoàn được mời gọi đi vào tạ ơn trước khi đến kinh Tạ ơn. Ở đây, cộng đoàn cùng hát kinh Vinh Danh, một trong những thánh thi rất đẹp, và hay trong truyền thống Giáo hội. Đây cũng là lần đầu từ khi đi vào cử hành Phụng vụ, chúng ta làm chứng cho ơn gọi tư tế của mình: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pr 2,9).
Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Chúng con ca ngợi Chúa,
chúng con chúc tụng Chúa,
chúng con thờ lạy Chúa,
chúng con tôn vinh Chúa,
chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời,
là Chúa Cha toàn năng.
Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô,
lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa,
là con Đức Chúa Cha.
Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con;
Chúa xóa tội trần gian, xin nhận lời chúng con cầu khẩn.
Chúa ngự bên hữu Đức Chúa Cha,
xin thương xót chúng con.
Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Đấng Thánh,
chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng tối cao,
cùng Đức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Đức Chúa Cha. Amen.
7. Kinh Vinh Danh
Là một lễ tiệc nên ta ca ngợi vinh quang Thiên Chúa. Kinh Vinh Danh được sáng tác bằng tiếng Hy Lạp dựa trên tư tưởng các Thánh vịnh. Người ta không biết tác giả, nhưng kinh Vinh Danh đã thấy xuất hiện trong kinh buổi sáng bên Đông phương vào thế kỷ thứ IV, thuộc trong những bài ca cổ kính nhất của Kitô giáo và cũng còn được gọi “Ca vịnh Thiên Thần”. Khởi đầu chính các Thiên Thần hát mừng ngày Đức Giêsu giáng sinh. Kinh còn được mang tên “Lời đại tán tụng” phân biệt với lời tán tụng: “Vinh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” thường dùng kết thúc khi hát các bài Thánh vịnh.
Giáo hội đoàn tụ trong Chúa Thánh Thần hát kinh Vinh Danh tôn vinh Chúa Cha và cầu khẩn với Chúa Con. Kinh Vinh Danh được hát hay đọc vào phần đầu Thánh Lễ Chúa nhật (trừ mùa Vọng và mùa Chay), trong các lễ Trọng và lễ Kính. Câu khởi đầu Kinh Vinh Danh thường do vị chủ tế xướng, nhưng không bó buộc; vì vậy phó tế, ca trưởng hay bất cứ người nào cũng có thể xướng câu khởi đầu này.
Kinh Vinh danh tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi. Bản kinh cử hành “Thiên Chúa là Đức Chúa, Vua trên trời, Thiên Chúa Cha toàn năng”, sau đó đến “Thiên Chúa, Con duy nhất là Đức Giêsu Kitô, là Chiên Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa Cha”, và cuối cùng “với Chúa Thánh Thần trong vinh quang Thiên Chúa Cha”. Trào ra từ Thiên Chúa Cha, vinh quang chiếu tỏa trên Người Con “phản chiếu rực rỡ vinh quang của Thiên Chúa Cha” (Dt 1,3), nơi người Con mà thánh Phaolô gọi là “Thần Khí vinh quang” (1Pr 4,14).
Kinh Vinh Danh loan báo những hình thức khác nhau kinh nguyện của Thánh Lễ. Như trong lời nguyện chung, chúng ta xin cho những lời cầu được lắng nghe: “xin Chúa nhận lời chúng con”; như trong kinh Tiền Tụng, chúng ta ca ngợi Thiên Chúa: “Chúng con tạ ơn Chúa… chúng con tôn vinh Chúa”; như trong kinh: Thánh! Thánh! Thánh!, chúng ta cử hành sự thánh thiện của Thiên Chúa: “Người duy nhất là Đấng Thánh”; như trong kinh nguyện thánh thể, chúng ta tạ ơn: “Chúng con tạ ơn Chúa”; như trong lời Vinh tụng ca, chúng ta ca tụng vinh quang bởi Thiên Chúa Con cho Thiên Chúa Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh thần; và trong lời hát khi bẻ bánh, chúng ta kêu gọi tình thương của Chiên Thiên Chúa: “xin thương xót chúng con”…
Lời nguyện nhập lễ là một nguyện gẫm. Các nguyện gẫm thường mang bốn yếu tố: lời mời của vị chủ tế, cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện, lời nguyện gẫm do vị chủ tế xướng lên và cộng đoàn thưa lại với từ Amen.
8. Lời Nguyện Nhập lễ
Nghi thức nhập lễ kết thúc bằng lời Tổng Nguyện được cấu tạo như sau: Vị chủ tế mời gọi tất cả cùng cầu nguyện: “chúng ta cùng cầu nguyện”. Kinh nguyện trong Giáo hội là một kinh nguyện đối thoại. Chúng ta bắt đầu kinh Nhật Tụng của buổi kinh sáng với Thánh Vịnh 94: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa”; Khi đọc kinh nguyện Thánh thể, chúng ta được mời: “Hãy nâng tâm hồn lên”. Trong Giáo hội La Mã, lời mời gọi do vị chủ tế xướng lên, nhưng bên Giáo hội Đông phương, chính thầy phó tế xướng lên lời mời gọi cho lời Tổng nguyện.
Sau đó mọi người thinh lặng dâng ý chỉ riêng lên Thiên Chúa. Thinh lặng này không được tùy ý như việc muốn làm thì làm, và không muốn thì không làm. Sự thinh lặng trọng yếu, vì nếu như người tín hữu trong thâm sâu tâm hồn không thể trao cho Thiên Chúa những nghi ngờ hay những hy vọng, những lo lắng hay những hạnh phúc, thì thử hỏi vị chủ tế có thể quy tụ lại được gì trong lời Tổng nguyện. Vì thế nếu chúng ta không tôn trọng giây phút thinh lặng nơi đây, chúng ta đã không tôn trọng lời kinh của người tín hữu. Nhiều khi có những anh chị em nói “tôi không cầu nguyện được trong Thánh Lễ”, và một trong những lý đó cũng tại vì trong những buổi cử hành đó thiếu thời gian cho sự thinh lặng.
Lời kinh thinh lặng và lời Tổng nguyện là một lời kinh thân thiết và một lời kinh công cộng. Cả hai hình thức kinh nguyện đó đều cần thiết cho việc cử hành phụng vụ của người Kitô hữu. Lời kinh cá nhân mang lại cái phong phú cho lời kinh nguyện cộng đoàn, và cùng cầu nguyện để mỗi lời kinh của từng người được lắng nghe.
Và cuối cùng vị chủ tế tổng kết mọi ý chỉ riêng vào trong cùng một lời nguyện duy nhất. Nếu để ý sẽ thấy Lời nguyện Nhập Lễ ít có liên hệ với các bài đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa. Lý do rất đơn giản vì Lời nguyện Nhập Lễ là đỉnh của sự khai mạc cuộc cử hành. Mục đích cuộc khai mạc làm sao cho người tín hữu đến từ khắp nơi kết thành một Thân thể. Thân thể Đức Kitô sẵn sàng để nghe Lời Thiên Chúa.
Câu kết của lời Tổng nguyện mang ba dạng thức:
81. Nếu lời nguyện quy về Chúa Cha: “Chúng con cầu xin nhờ Đức Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa là Thiên Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”.
82. Nếu lời nguyện quy về Chúa Cha, nhưng ở cuối nhắc đến Chúa Thánh Thần: “Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”.
83. Nếu lời nguyện quy về Chúa Giêsu: “Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”.
Khi chủ tế vừa kết mọi người cùng thưa “Amen” cho lời nguyện thành lời nguyện của mình. Nơi một số anh chị em, khi thưa Amen thì cho rằng mọi sự đã kết thúc. Thế nhưng ý nghĩa của từ Amen lại hoàn toàn khác.
Amen từ ngữ Hípri có thể ở dạng tính từ hay trạng từ. Khi Amen ở dạng tính từ có nghĩa chân thật, trung tín; ví dụ ngôn sứ Isaia gọi “Thiên Chúa là Amen (65,16) = Thiên Chúa chân thật và hằng trung tín”. Đấng ta có thể đặt hết niềm tin tưởng. Khi Amen ở dạng trạng từ mang nghĩa “thật như vậy, chớ gì được như vậy”. Thời Cựu Ước, người Do Thái thường kết thúc lời cầu nguyện bằng từ Amen. Đức Kitô cũng sử dụng, không những lúc Người cầu nguyện nhưng ngay cả lúc giảng dạy để nhấn mạnh làm nổi bật chân lý: “Amen thật, Ta bảo thật các ngươi...”. Chúng ta thường gặp ngôn thức này trong Tin Mừng.
Khi thưa Amen tỏ bày muốn được như vậy và còn xác nhận một điều chắc chắn. Đó là trường hợp khi chủ tế cho Rước lễ nói: “Mình Thánh Đức Kitô”, và ta thưa lại Amen có nghĩa “Vâng! tôi xác tín Đức Kitô đến ngự trong tôi dưới hình bánh này”.
Thưa Amen sau lời Tổng Nguyện không chỉ diễn tả ước muốn lời cầu nguyện được chấp nhận, nhưng còn nói lên lời nguyện của chính tôi và tôi muốn tháp nhập hết tâm tình vô trong đó. Hơn nữa, Amen diễn đạt đức tin của toàn thể cộng đoàn vào sự trung tín của Thiên Chúa. Người sẽ nhậm lời những gì cộng đoàn cầu xin với niềm tin tưởng. Khi thưa Amen ta tung hô Thiên Chúa trung tín như lời thánh Phaolô: “Xin Thiên Chúa là Đấng trung tín chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em, không phải là vừa Có lại vừa Không. Quả thế, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng tôi đã rao giảng nơi anh em, (...), nơi Người chỉ là Có mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành “Có” ở nơi Người. Vì thế nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời Amen tôn vinh Thiên Chúa” (2Cr 1,18-20).
Đức Kitô biểu lộ trong cộng đoàn các môn đệ, những người đáp lại lời Ngài mời gọi. Ngài còn biểu lộ qua con người vị chủ tế trong nghi thức phụng vụ nhân danh Ngài. Ngài biểu lộ trong Tin Mừng, và sẽ biểu lộ trong Mình và Máu Thánh được trao ban như lương thực.
II. Phụng Vụ Lời Chúa
Phụng vụ Lời Chúa là phần thứ hai của Thánh Lễ sau phần Nhập Lễ. Chúng ta thấy trong phần đầu mọi người được mời gọi kết thành cộng đoàn và sửa soạn đón nhận Lời Chúa. Phụng vụ Lời Chúa không còn giai đoạn sửa soạn vào nghi lễ tiếp theo nhưng thuộc thành phần quan trọng trong Thánh Lễ. Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Phụng vụ Thánh nói: “Trong việc cử hành Phụng Vụ, Kinh Thánh giữ vai trò tối quan trọng... Trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; Đức Kitô vẫn còn rao giảng Tin Mừng. Phần dân chúng thì đáp lại Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh” (24.33).
Các tín hữu không tạo ra Phụng vụ Lời Chúa, nhưng từ ngàn xưa phần này nằm ngay trung tâm điểm trong các nghi lễ phụng vụ. Theo Luca, tác giả ghi Đức Giêsu lên hội đường vào ngày Sabát như Người vẫn quen làm (4,16). Khi đi truyền giáo, Phaolô cũng thường vào các cuộc hội của người Do Thái trong hội đường để rao giảng (Cv 13,4-5; 13,42-44; 14,1; 17,1.10; 17,16-17). Các tín hữu tiên khởi lấy lại một phần cấu trúc phụng vụ tại hội đường, và họ thêm vào phần Phụng vụ Lời Chúa các văn bản Tân Ước.
Công đồng Vaticanô II mong muốn: “để bàn tiệc Lời chúa được thêm phần phong phú cho các tín hữu, cần phải mở rộng kho tàng Kinh Thánh hơn, để trong một số năm ấn định, dân chúng được nghe hầu hết những phần cốt yếu của Kinh Thánh” (Hiến chế Phụng vụ 51). Theo lời Công đồng, các chuyên gia phụng vụ đã cho phát hành Sách bài đọc ngày 25 tháng 5 năm 1969, và được toàn thể Giáo hội chính thức dùng vào Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng ngày 30 tháng 11 năm 1969. Sách bài đọc gồm các bài đọc soạn sẵn cho các buổi lễ. Người ta phân biệt sách bài đọc Chúa nhật và ngày trong tuần, sách bài đọc cho các nghi lễ Rửa Tội, Hôn Phối, An táng... và sách bài đọc sử dụng cho giờ Kinh Sách.
Các bài đọc chia thành hai chu kỳ: Chúa nhật và ngày thường. Bài đọc Chúa nhật phân phối ra thành ba năm chỉ định bằng các mẫu tự A, B, C, và thường gọi Bài đọc năm A, năm B hoặc năm C. Cách chia lấy lại Phụng vụ trong hội đường. Người Do Thái nghe đọc Cựu Ước (thường là sách về Lề Luật và các Ngôn sứ) và tiếp theo có bài giảng dạy (Cv 13,5). Truyền thống đến từ Palestine chia bài đọc ra thành chu kỳ 3 năm. Ngày thường mùa thường niên chia thành hai gọi là năm Chẵn và năm Lẻ. Cách tính năm Chẵn-Lẻ cũng đơn giản vì theo số đơn vị chẵn lẻ của năm dân sự: ví dụ năm 2000, 2002, 2004... đọc bài theo năm chẵn, còn như 2001, 2003, 2005... đọc theo năm lẻ.
Theo cách chia hiện thời, các Chúa nhật thường niên năm A chúng ta nghe Tin Mừng Mátthêu; năm B Tin Mừng Máccô và năm C Tin Mừng Luca. Tin Mừng Gioan được đọc trong mùa Phục Sinh và một số bài trong mùa Chay. Ba trình thuật: Người đàn bà Samaratinô, Người mù từ khi sinh và Ladarô sống lại được đọc lại mỗi mùa Chay từ trước đến nay, vì ba trình thuật này được dùng sửa soạn cho người dự tòng. Chương 6 Tin Mừng Gioan về Bánh Hằng Sống được đọc vào mùa hè năm B vì Tin Mừng Máccô là Tin Mừng ngắn không đủ cho hết trọn năm.
Bài đọc 1 rút ra từ Cựu Ước chứng giám sự trưởng thành với thời gian lâu dài và khó khăn của con người. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, con người học đón nhận chương trình của Thiên Chúa trên họ và trên vũ trụ. Một phiêu lưu đầy sóng gió mà con tim loài người được biểu lộ: con tim độ lượng cũng như con tim tội lỗi. Trong cuộc phiêu lưu đó, người tín hữu ngày hôm nay có thể đọc được tiến trình của mình đi về với Đức Kitô. Thiên Chúa của người Do Thái là một Thiên Chúa tình thương, chậm giận nhưng đầy mến thương. Lời của Ngài làm cho đất nẩy mầm.
1. Bài đọc 1 trích từ Cựu Ước
Đọc Cựu Ước nhằm mục đích nói đến liên hệ giữa chúng ta với dân Do Thái cùng chia sẻ một lịch sử ơn Cứu độ nhưng thuộc hai giai đoạn khác nhau. Tân Ước và Cựu Ước đều là Lời Chúa và cả hai đều thuộc thành phần lịch sử ơn cứu độ duy nhất. Bài đọc 1 thường được lựa chọn theo tiêu chuẩn có liên hệ nào đó với bài Tin Mừng; ví dụ bài Tin Mừng có trích dẫn một vài câu Cựu Ước, hay ứng nghiệm sấm ngôn đề cập đến cùng chủ đề hoặc chủ đề tương phản với bài Tin Mừng.
Trong mùa Vọng, bài đọc 1 thường trích ra từ sách ngôn sứ Isaia hoặc các sấm ngôn đến từ các ngôn sứ khác. Trong mùa Chay, bài đọc 1 được trích dẫn khác nhau cốt ý tóm tắt giúp các tín hữu biết về lịch sử ơn cứu độ. Trong mùa Phục Sinh, sách Công vụ Tông đồ thay thế bản văn Cựu Ước. Mùa Phục Sinh lại trích từ sách Công vụ các Tông đồ.
Sau bài đọc 1 cũng như sau bài đọc 2, người đọc kết thúc với câu: Đó là Lời Chúa, và Cộng đoàn cùng thưa “Tạ ơn Chúa”. Lời mời gọi tạ ơn này được cộng đoàn cùng xướng lên, và cùng mang cái nhìn hướng về người đọc xướng lên: Bài đọc 1… bài trích sách…; nhưng khi đọc, người đọc phải biết mình đang công bố Lời Chúa.
Trong bài đọc 1 chúng ta thường được nghe thấy những điều kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện cho dân Ngài. Thánh vịnh là sự trả lời vui mừng của dân chúng với tất cả việc kỳ diệu của Đấng Tối Cao. Lời công bố trong bài đọc 1 là lời Giao ước. Thánh vịnh chứng giám những tiến triển, những cái nhảy đột ngột của giao ước mà Thiên Chúa tìm kiếm thiết lập với con cái Ítraen.
2. Thánh vịnh Đáp ca
Trước khi tìm hiểu về ý nghĩa phần đáp ca sau bài đọc 1, thiết tưởng cần nói sơ qua ý nghĩa Thánh vịnh. Nguyên từ “Psalmos” đến từ động từ tiếng Hy Lạp “psallein” diễn đạt hành động chạm vào một sợi dây làm cho rung lên. Thoạt tiên, từ Thánh vịnh nói đến việc sử dụng các nhạc khí bằng dây, rồi đến các điệu nhạc được diễn tấu, và sau cùng bản nhạc được hát với nhạc khí đệm. Trong Cựu Ước, Đavít chơi đàn Cithare điêu luyện (1Sm 16,16-23) và sáng tác thơ (2Sm 1,17-27). Đavít coi như người khai phá loại thơ tôn giáo được hát có nhạc đệm và được gọi “Thánh vịnh”. Truyền thống coi sách Thánh vịnh trong Cựu Ước với 150 bài thơ với tác giả Đavít, mặc dầu chỉ phân nửa Thánh vịnh mang tên ông trong tựa đề. Thật ra, các Thánh vịnh được sáng tác khoảng giữa thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ V trước công nguyên.
Thánh vịnh được coi như một cánh đồng với ý nghĩa đa dạng, và qua Thánh vịnh người tín hữu có thể thấy con đường hy vọng của họ kết nối vào con đường hẹp của Con Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu nói chuyện với các môn đệ, Ngài cho các ông biết những gì đã viết về con Thiên Chúa trong “luật Môsê, trong các ngôn sứ và trong các Thánh vịnh” (Lc 24,44). Thánh vịnh là lời kinh của Đức Kitô:
“Phường kiêu ngạo nổi lên chống đối, bọn hung tàn tìm hại mạng sống con, chúng không kể gì đến Thiên Chúa”. (Tv 53,5). Đây cũng là tiếng kêu của Đức Giêsu khi bị hành hạ trong cuộc Thương Khó, và tiếng kêu của Đức Giêsu liên đới với tất cả những người đang bị tra tấn ngày hôm nay và trong tương lai.
Người ca viên trong Thánh vịnh 53 còn kêu lên: “Ngài thành tín, xin tiêu diệt chúng”. Đức Kitô có thể nào cầu nguyện như người ca viên này không, vì Ngài cũng đã lật đổ trật tự thiết lập và kêu gọi con người đừng lấy ác trả lại cái ác? Chúng ta có thể nói được, nhưng Ngài không phải con người thích bạo động, và nhận lấy những thất vọng của loài người và hét lên kêu cầu cùng Thiên Chúa thành tín.
Ý nghĩa nào cho Đáp ca?
Thiên Chúa nói với dân tuyển chọn qua những việc kỳ diệu do Ngài thực hiện. Dân chúng đáp lại bằng cách cử hành công cuộc vĩ đại đó. Khi Thiên Chúa dẫn đưa dân Do Thái vượt Biển Đỏ, Myriam đáp lại bằng những lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, Đấng xô đẩy chiến mã cùng kỵ binh Pharaô xuống lòng biển cả (Xh 15,1. 21). Khi Thiên Chúa giải thoát bà Anna khỏi nỗi tủi nhục son sẻ và ban cho bà một người con, bà Anna cũng đáp lời ngợi khen Đấng làm cho phụ nữ son sẻ sinh con bảy lần (1Sm 2,5). Khi Thiên Chúa giải thoát ông Tôbia khỏi cảnh đui mù, ông chúc tụng Đấng tỏa sáng trên Giêrusalem và nơi tâm hồn Tôbia (Tb 13,11). Trong Tân Ước, khi Thiên Chúa cho Đức Maria trinh thai, tâm hồn ngài đã nhảy mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ ngài (Lc 1,46-55).
Những ví dụ vừa nêu trên diễn đạt ý nghĩa Đáp ca. Sau khi nghe Lời Chúa tường thuật những kỳ công do Thiên Chúa thực hiện, cộng đoàn đáp và cử hành những kỳ công đó qua lời chúc tụng ngợi khen. Tuy nhiên, lời đáp ứng do chính Chúa Thánh Thần mạc khải như trường hợp ông Dacaria được đầy Thánh Thần và ca ngợi “Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Ítraen, vì Ngài đã thăm viếng và cứu chuộc dân Ngài” (Lc 1,67-68). Trong thư gửi tín hữu Rôma, Phaolô còn viết: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa”.
Với ý nghĩa tạ ơn nên Đáp ca thường trích từ Thánh vịnh hay Thánh thi vì như lời Thánh Thần linh hứng. Đáp ca là Lời Chúa, nên khi đề cập đến Đáp Ca, Quy chế tổng quát số 36 ấn định: “tiếp theo Bài đọc 1 là Đáp ca hay Ca tiến cấp, đây là một thành phần của phụng vụ Lời Chúa... Người hát Thánh vịnh thì hát những câu Thánh vịnh ở giảng đài hay tại một nơi xứng hợp, trong khi dân chúng ngồi nghe, và theo luật họ phải tham dự bằng cách hát những câu đáp ca, trừ khi Thánh vịnh được hát liên tục mà không có câu đáp ca”. Nhập đề sách bài đọc viết: “Đáp ca cũng gọi là Ca tiến cấp, có một ý nghĩa lớn lao về phụng vụ cũng như mục vụ. Đây là một thành phần của Phụng Vụ Lời Chúa. Bởi thế dân chúng phải được tiếp tục giáo huấn bằng cách thấu hiểu Lời chúa phán dạy qua các Thánh vịnh và biến các Thánh vịnh này thành lời Đáp ca sau bài đọc 1: hát đối đáp hoặc hát liên tục. Hát đối đáp là hình thức đáng khuyến khích hơn hết: Người hát Thánh vịnh hát những câu của Thánh vịnh, rồi toàn thể cộng đoàn hát câu Đáp ca. Hát liên tục là không có câu đáp ca xen vào giữa các câu của Thánh vịnh: người hát Thánh vịnh có thể hát tất cả và cộng đoàn lắng nghe, hoặc toàn thể cộng đoàn cùng hát... Hát Thánh vịnh có một tác dụng lớn lao giúp ta thấu hiểu và suy niệm ý nghĩa thiêng liêng của Thánh vịnh” (19, 20, 21).
Từ những huấn thị trên, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận như sau:
Đáp ca thuộc thành phần Phụng Vụ Lời Chúa. Thiên Chúa tiếp tục phán dạy và giáo huấn dân Ngài như các bài đọc nhưng dưới hình thức khác. Vì thế không nên để cộng đoàn hát hay đọc, không nên chia cộng đoàn thành hai bè đọc Đáp ca. Lời Chúa phán dạy qua Đáp ca cũng phải được công bố như các bài đọc khác, nghĩa là do một người hát, hay đọc Thánh vịnh và toàn thể cộng đoàn đáp lại bằng câu Đáp ca. Người đọc hay hát Đáp ca phải đứng ở giảng đài như khi công bố các Bài đọc khác, và nên chỉ định một người khác chứ không lấy cùng một người đọc bài đọc 1 để đọc Đáp ca.
Có thể chọn Thánh vịnh đã được phổ nhạc sẵn, nhưng phải phù hợp với chủ đề các bài đọc, đồng thời toàn thể cộng đoàn cũng có thể hát liên tục. Tuy nhiên hình thức này không đáng khuyến khích, vì Đáp ca mang một hình thức khác Chúa dùng để phán dạy và giáo huấn. Thái độ xứng hợp hơn cả dân chúng lắng nghe Lời Chúa do người khác đọc Thánh vịnh rồi cộng đoàn đáp ứng bằng câu đáp ca.
Nếu như bài đọc 1 đưa chúng ta vào tiến trình dài về sự trưởng thành của dân Giao ước. Giao ước đó dần dần được con cái Ítraen khám phá ra chương trình của Thiên Chúa. Bài đọc 2 cho ta đi vào hiệp thông với ý thức của dân Giao ước mới. Họ được kêu mời vào một cuộc sống mới trong một thế giới mà Nước Trời đã hiện diện và đang tới. Bài đọc 2 luôn tìm kiếm đáp trả những câu hỏi và những khó khăn của người tín hữu trong Giáo hội tiên khởi. Những câu hỏi đó vẫn còn tồn tại trong thế giới của chúng ta ngày hôm nay.
3. Bài đọc 2 trích từ Tân Ước
Trong các Chúa nhật và lễ trọng có thêm bài đọc hai. Bài đọc này thường ngắn hơn và trích từ các Thánh thư, sách Công vụ các Tông đồ hoặc sách Khải huyền. Thánh thư từ nguyên Hy Lạp “Epistolè” gợi một sứ điệp do người phu trạm chuyển đi. Thánh thư được gửi cho một người hay một cộng đoàn. Trong Tân Ước có rất nhiều thư: nhiều nhất là thư thánh Phaolô, Giacôbê, Gioan, Phêrô , Giuđa... Thời xưa bài đọc 1 trong Thánh Lễ thường trích các thư này, nên người ta đã dùng cụm từ “bài thánh thư”. Ngày nay không mấy đúng lắm vì bài đọc 1 thường trích từ Cựu Ước.
Bình thường bài đọc 2 không trình bày cùng chủ đề với bài đọc 1 hay bài Tin Mừng. Vì thế cho nên bài đọc 2 thường gặp những chỉ trích đối với những người muốn có sự đơn nhất và tương hợp giữa các bài đọc trong Thánh Lễ ngày Chúa nhật. Trong các Chúa nhật thường niên bài đọc 2 hầu như tiếp nối liên tục với nhau. Tuy nhiên vào những mùa phụng vụ quan trọng, bài đọc 2 thường có liên quan tới mầu nhiệm cử hành: trong mùa Phục Sinh, các Thánh thư thường trích ra từ sách Khải Huyền, các thư Phêrô (ứng dụng Phép Rửa trong Đức Kitô) hoặc thư Gioan; trong mùa Vọng, mùa Giáng Sinh hay mùa Chay, bài đọc 2 được chọn theo ý hoặc bài đọc 1 hoặc bài Tin Mừng; Còn trong mùa thường niên, bài đọc 2 rút ra từ các thư Phaolô và Giacôbê khá liên tục.
Bài đọc 2 cũng giống như bài đọc 1 sửa soạn cho chúng ta đón nhận Tin Mừng: Trong bài 1, những người hướng dẫn là dân Ítraen, còn nơi bài đọc 2 chính các môn đệ là những hướng dẫn viên cho chúng ta. Lời thánh Phaolô giảng dạy sửa soạn cho người tín hữu mở con tim mình ra cho Đức Kitô, “sinh bởi một người đàn bà” (Gl 4,4), nhưng cùng một lúc “Đức Chúa vinh quang” bị đóng đinh bởi “những người thống trị thế gian này” (1Cr 2,8). Lời giảng dạy của Phaolô còn sửa soạn cho người tín hữu nghe lời của Người ban phép rửa cho ta trong Thánh Thần. Đó là bó lúa gặt đầu tiên sẽ đến trong ngày sống lại khi chúng ta hoàn toàn được nhận như những người con Thiên Chúa.
Bình thường, bài đọc 2 khi trích từ thư thánh Phaolô thường các thư gửi cho một cộng đoàn nào đó mà thánh nhân viết thư nhắn nhủ họ. Ví dụ trong Chúa nhật thứ 6 mùa thường niên năm B, Phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta nghe một đoạn thư thứ 1 của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô 10,31–11,1: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do Thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa; cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ. Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô”. Lời này thánh Phaolô đã gửi cách đây 2000 năm cho cộng đoàn Côrintô, nhưng cũng còn nhắn gửi cho cộng đoàn chúng ta ngày hôm nay. Bằng cách nào? Qua Chúa Thánh Thần đã linh hứng cho Phaolô để viết cho người Côrintô và mang lại cho chúng ta như người ta mang đến một tin, vì hôm nay chúng ta kết thành Giáo hội.
Trước khi công bố Tin Mừng mang ý nghĩa biến cố trung tâm trong lịch sử Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Cộng đoàn vui mừng đứng dậy và diễn đạt niềm vui: Alleluia! Tiếng kêu này cũng là một nghi thức: khi hát Alleluia, chúng ta đón nhận Thiên Chúa bằng cách chào đón Ngài và nói lên lòng tin của chúng ta.
4. Alleluia!
Alleluia nguyên ngữ tiếng Hípri “Hallelu Yah” có nghĩa “Chúc tụng Giavê”. Alleluia mời gọi ca tụng thường xuyên xuất hiện trong Cựu Ước nhất là trong các Thánh vịnh (Tv 146–150). Từ Alleluia cũng thấy trong bài ca của các Thiên Thần trong phụng vụ ở trên trời ghi trong sách Khải huyền 19,1.3.4.6. Phụng vụ Kitô giáo sử dụng từ Alleluia từ lâu và trở thành biểu hiện niềm vui, đặc biệt niềm vui Phục Sinh. Trong Phụng Vụ Lời Chúa, cộng đoàn hát Alleluia chúc tụng Chúa Phục Sinh, Đấng sẽ nói với dân Ngài qua bài Tin Mừng. Vì Alleluia biểu lộ ý nghĩa Phục Sinh nên trong mùa Chay, Alleluia được thay thế bằng lời tung hô thích hợp khác.
Alleluia không phải câu Đáp ca nên không cùng ý nghĩa như Thánh vịnh sau bài đọc 1. Alleluia biểu lộ niềm vui và thái độ sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa. Alleluia là lời tung hô nên phải được hát chứ không nên đọc. Ngoài ra, hát Alleluia còn mang công dụng kèm theo cuộc rước sách bài đọc Tin Mừng (Quy chế số 94 và 131). Linh mục chủ tế lấy sách Tin Mừng biểu hiện Lời Chúa từ bàn thờ biểu hiện Thiên Chúa để kiệu ra đến giảng đài rồi công bố đến cộng đoàn.
Tất cả những điều như lời tung hô, những hành vi, kiệu rước là những dấu chỉ tôn kính. Với lời công bố Tin Mừng chúng ta có thể nói như đỉnh điểm của Phụng vụ Lời Chúa. Lời Đức Giêsu bao trọn Cựu Ước và Thánh vịnh: “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (Dt 1,3).
Giờ đây chúng ta đón nhận lời của Người Con Yêu Dấu. Chủ tế thêm một lần nữa xướng lên lời mong ước: Chúa ở cùng anh chị em. Trong phần mở đầu buổi phụng vụ, lời xướng đó mang ý nghĩa sự hiện diện của Đức Kitô trong Cộng đoàn đang tụ họp. Ở đây lời xướng mang ý nghĩa Đức Kitô hiện diện trong Lời được công bố.
5. Công bố Tin Mừng
“Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2). Thiên Chúa qua Đức Kitô đã tỏ mình ra cho nhân loại không những một cách đầy đủ và trọn vẹn, nhưng bằng một hình thức cao cả là Thiên Chúa nói với loài người qua chính Con Yêu quý của Ngài. Vì thế, Phụng vụ dành những hình thức trang trọng và đặc biệt cho việc công bố Tin Mừng: “Trong tất cả các lễ nghi liên quan đến Phụng vụ Lời Chúa, phải hết sức lưu tâm dành cho Tin Mừng sự tôn kính đặc biệt. Ở đâu có sách Tin Mừng và được phó tế và người đọc sách mang theo trong cuộc rước đầu lễ, thì phó tế là người thích hợp hơn cả, và nếu không có phó tế thì chính linh mục chủ tế sẽ lấy sách từ bàn thờ và rước tới giảng đài. Những người giúp lễ cầm nến và bình hương đi trước”. Theo chỉ thị trên, chúng ta có thể kết luận: Sách Tin Mừng và bàn thờ đều tượng trưng chính Thiên Chúa, nên trong cuộc rước đầu lễ người mang sách Tin Mừng sẽ đặt sách trên bàn thờ. Nơi nào không có sách Tin Mừng thì sau bài đọc 2, người đọc sách sẽ đem sách bài đọc đặt trên bàn thờ. Trước khi công bố Tin Mừng, phó tế hoặc linh mục chủ tế sẽ lấy sách từ bàn thờ rồi rước tới giảng đài. Việc này chỉ rõ Lời công bố Tin Mừng phát xuất từ chính Đức Kitô.
Về người công bố Tin Mừng
Những bài đọc khác do giáo dân đọc, nhưng để công bố Tin Mừng phải là người có chức thánh. Nhiệm vụ công bố các bài đọc là phần vụ các thừa tác viên, vì thế phó tế hoặc một linh mục đồng tế khác công bố Tin Mừng thích hợp hơn vị chủ tế. Chỉ khi nào có một mình, chủ tế mới nên thi hành tác vụ này. Lúc đó linh mục đến cúi mình trước bàn thờ, đọc thầm: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy tâm hồn và môi miệng con, để con xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng của Chúa”.
Nếu là thầy Phó tế, trước khi công bố Tin Mừng, thừa tác viên đến xin linh mục chúc lành, và linh mục nói: “Xin Chúa ngự nơi tâm hồn và môi miệng thầy, để thầy đủ tư cách công bố Tin Mừng của Chúa: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Tiếp theo, thầy Phó tế chào cộng đoàn nhưng không giang tay như thường lệ. Sau đó loan báo đoạn Tin Mừng sẽ được công bố, rồi làm dấu Thánh giá trên trán, trên môi và trên ngực, ngụ ý ám chỉ tâm trí, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa, môi miệng sẽ tuyên xưng và tâm hồn sẽ yêu mến Lời Ngài. Sau khi công bố Tin Mừng xong, thầy phó tế hoặc linh mục hôn sách và đọc thầm: “Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con”. Mọi tín hữu đang có mặt cũng làm theo như vậy và có thể đọc thầm lời nguyện: “Xin Lời Chúa mở rộng lòng trí con, cho miệng lưỡi con biết và thực thi Lời Ngài” (40 câu hỏi về Thánh Lễ, Lm Vũ Thái Hòa, 1996 trang 27).
• Việc rước sách Tin Mừng phải được diễn ra trang trọng nói lên vẻ đẹp lễ nghi Phụng vụ và sự tôn kính xứng hợp đối với sách Tin Mừng tượng trưng cho Đức Kitô.
• Sau khi công bố Lời Chúa, cha chủ tế nói: “Đó là Lời Chúa” và cộng đoàn đáp: “Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa”. Đôi lúc trong đoạn này thấy có những ca đoàn hát lại Alleluia! Điều này không đúng lắm vì câu “đó là Lời Chúa” ở đây mang ý nghĩa hãy tung hô Đấng mà Thiên Chúa dùng để nói với chúng ta. Ngài là Ngôi Lời, Đức Giêsu Kitô.
• Bốn cuốn Tin Mừng như đã nói ở trên được chia ra cho ba năm với ký hiệu A, B, C: Tin Mừng Mátthêu được đọc trong năm A. Tin Mừng Máccô năm B. Tin Mừng Luca năm C. Một số đoạn Tin Mừng Gioan được đọc hàng năm nhất là trong mùa Phục Sinh.
Ví dụ Chúa nhật thứ 15 mùa thường niên năm A, chúng ta sẽ đọc Tin Mừng Mátthêu 13,1-9. Khi đọc đoạn văn này và đọc thêm bài đọc 1 trong Chúa nhật đó nói lên rõ cho ta thấy văn bản Cựu Ước Isaia 55,10-11 quý giá. Vì Thiên Chúa không mặc khải bất thình lình. Lời Ngài đã được gieo từ hai ngàn năm trước, từ thời ông Abraham tới thời Đức Giêsu. Mặc khải được dần dần tiến hành nhưng chắc chắn. Nơi Con Ngài trở nên hạt giống rơi xuống đất và mặc khải đạt đến đỉnh. Khi chúng ta muốn đạt đến đỉnh của ngọn núi, chúng ta phải vượt trèo đi lên dốc núi. Bài đọc 1 đưa dẫn chúng ta tới Tin Mừng người gieo giống.
“Hôm ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe”.
Bài dụ ngôn quy chiếu về một kinh nghiệm mà người nông dân biết rõ về việc gieo mạ. Mùa gặt đến cũng làm mất đi một số hạt giống lớn. Những hạt đó bị coi như mất đi hay uổng phí. Vì vậy lời này như sứ điệp Đức Giêsu khuyến khích cho những ai cảm thấy thất vọng cho rằng Lời và sứ vụ của Ngài không thành công.
Làm cách nào để hiện tại hóa dụ ngôn này? Thế giới chúng ta đang sống hôm nay có rất nhiều lời được tung ra, vì vậy Lời Chúa có còn được coi trọng nữa không? Đức Giêsu trả lời cho biết Lời Ngài là Lời Chúa. Bài Tin Mừng này kêu mời Vượt Qua cái dáng vẻ bề ngoài và hãy có lòng tin tưởng. Nếu như chúng ta là đất đón nhận Lời Chúa và giúp cho nó mọc lên, Lời sẽ đạt được kết quả mong muốn giống như buổi sáng Phục Sinh. Bài Tin Mừng cũng đặt chúng ta trước trách nhiệm của mình. Nếu như không có đất đón nhận, hạt giống là lời không thể nẩy mầm.
Mọi người an tọa. Điều kế tiếp không phải một buổi thuyết trình hay một bài học. Bài thuyết trình thường là một bài trình bày dài. Bài học thường do một giáo sư giảng dạy. Cũng có thể nói đây không phải một bài giảng, vì một bài giảng thường lấy một đề tài nào đó mang tính cách tôn giáo. Vì thế nơi đây thường được gọi là một bài diễn giảng (homilia tiếng Hy Lạp có nghĩa một cuộc nói chuyện, một cuộc đàm luận trong xã hội) như một cuộc nói chuyện thân thương, mà trong đó Lời được nghe phải đi sâu vào tâm hồn người tín hữu.
6. Bài diễn giảng
Bài huấn từ do chủ tế, một linh mục khác hoặc một phó tế diễn giảng. Bài diễn giảng tiếp ngay sau bài Tin Mừng mang mục đích hiện tại hóa các bài đọc mỗi ngày cho cộng đoàn, và giúp người tín hữu cử hành Thánh Thể một cách đích thực hơn. Bài diễn giảng thuộc phần thiết yếu của buổi Phụng vụ nên buộc phải diễn giảng trong các lễ Chúa nhật và các lễ buộc. Mục đích bài diễn giảng có thể tóm lược lại qua hai ví dụ điển hình:
a) Vào khoảng năm 400 trước công nguyên, dịp lễ Lều, thầy tư tế Étra giảng cho dân Do Thái hồi hương từ Babylone về Giêrusalem: “Bấy giờ, muôn người như một, tụ họp ở quảng trường trước cửa Nước. Họ xin ông Étra là kinh sư đem sách Luật Môsê ra. Đó là Luật Đức Chúa đã truyền cho Ítraen. Hôm ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy, ông Étra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật. Kinh sư Étra đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn để dùng vào việc này. Bên cạnh ông, phía tay mặt, có các ông: Máttítgia, Sema, Anagia, Urigia, Khinkigia và Maaxêgia; phía tay trái, có các ông: Pơđagia, Misaên, Mankigia, Khasum, Khátbátđana, Dơkhácgia và Mơsulam. Ông Étra mở sách ra trước mặt toàn dân, vì ông đứng cao hơn mọi người. Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy. Bấy giờ ông Étra chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: “Amen! Amen! “Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa. Các thầy Lêvi là Giêsua, Bani, Sêrếpgia, Giamin, Ắccúp, Sápthai, Hôđigia, Maaxêgia, Cơlita, Adácgia, Giôdavát, Khanan, Pơlagia, giải thích Lề Luật cho dân, trong khi dân vẫn đứng tại chỗ. Ông Étra và các thầy Lêvi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc” (Nkm 8,1-8). Étra đọc bản văn nguyên thủy bằng tiếng Hípri hầu hết dân chúng hồi cư từ Babylone trở về không hiểu, vì thế ông phải dịch sang tiếng Aram được thông dụng thời bấy giờ cho dân chúng có thể hiểu được. Đó là một trong những mục đích chính của bài giảng, giải thích ý nghĩa Lời Chúa để họ hiểu sứ điệp Thiên Chúa muốn nói với họ.
b) Một ví dụ điển hình khác nói lên mục đích bài diễn giảng như Đức Giêsu đã làm tại hội đường Nazareth. Sau khi đọc sách ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu khởi đầu bài diễn giảng: “hôm nay đã ứng nghiệm đoạn sách này nơi tai các ngươi” (Lc 4,21). Lời tuyên bố cho thấy bài diễn giảng còn mang mục đích áp dụng Lời Chúa vào hoàn cảnh cụ thể của cộng đoàn.
Vị giảng thuyết mang nhiệm vụ giúp dân hiểu Lời Chúa và đề nghị những áp dụng thực hành cho Lời Chúa thấm nhuần vào đời sống. Nhiệm vụ người tín hữu phải suy niệm thấu đáo và thấm nhuần Lời Chúa đưa ra áp dụng trong đời sống hằng ngày.
Về bản chất, dù bài diễn giảng không thuộc Kinh bộ Kinh Thánh nhưng cũng được coi như Lời Chúa vì bài giảng diễn giải Lời Chúa, cho Lời Chúa một hình thức hầu người tín hữu có thể hiểu được. Như Ngôi Lời mặc lấy xác phàm và ở cùng chúng ta, Lời Chúa mặc lấy hình thức bài giảng đến với cộng đoàn. Chúa Thánh Thần biến đổi bánh hoa mầu ruộng đất thành Bánh Hằng Sống từ trời xuống thế nào, Ngài cũng biến đổi tiếng nói con người ở bài giảng thành Lời Chúa như vậy.
Người tín hữu đến cử hành Thánh Lễ được kêu gọi phải biết lắng nghe Lời Thiên Chúa. Phụng vụ muốn cho Lời được công bố đến gặp gỡ người tín hữu trong cuộc sống hằng ngày, và được gióng lên như Lời của vị Ngôn sứ làng Nazareth. Sau khi đọc xong đoạn sách Ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu cuộn cuốn sách lại và nói với cộng đoàn: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Bài diễn giảng không chủ ý giải thích hết mọi ý tưởng của bài Tin Mừng vừa nghe, nhưng cần nêu lên tại sao Lời đó là một Tin Mừng cho những người đang lắng nghe.
Bình thường các bài diễn giảng của các linh mục thường bị chỉ trích coi như thiếu lửa, không thực tế, dài dòng, cao siêu quá… Chúng ta có thể thấy một khuôn mẫu cho bài diễn giảng trong Tin Mừng Mátthêu 13,18-23 tiếp theo dụ ngôn người đi gieo giống: “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận.
Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục”.
Hạt giống theo Tin Mừng Mátthêu là Lời Đức Giêsu rao truyền thiết lập Nước Trời. Hạt giống đó rơi vào đất tốt tức là gặp được người nghe và hiểu: trong tâm hồn của con người này, Lời mang đến hoa quả. Người thính giả làm cho tăng lên một trăm, sáu chục hay ba chục không quan trọng, nhưng họ phải tận dụng mọi khả năng.
Thánh Augustinô, một nhà giảng thuyết có tiếng nhấn mạnh: Điều cần thiết cho một nhà giảng thuyết là phải biết lắng nghe Lời Chúa và để cho Lời đi vào cõi thâm sâu của mình. Ngài vẫn thường nói với những người nghe là ngài cũng là một thính giả nghe Lời Chúa trước khi trở nên một người giảng dạy, vì thế người diễn giảng phải biết cầu nguyện trước khi giảng.
7. Đáp ứng Lời Chúa
Sau khi Lời Chúa được công bố qua các bài đọc và được diễn giải qua bài giảng, cộng đoàn đáp lại bằng cách tỏ dấu chấp nhận qua việc Tuyên xưng đức tin, và biểu lộ mối quan tâm đến những nhu cầu của toàn thể nhân loại qua Lời Nguyện cho mọi người.
Tuyên xưng đức tin gợi lại phép rửa và sự đón nhận Lời Chúa để đi vào phần bí tích biểu lộ sự tham gia cá nhân vào quy tắc đức tin của Giáo hội. Lời tuyên xưng đức tin phải đọc hay hát trong mỗi thánh lễ Chúa nhật hoặc trong những lễ trọng.
7.1. Lời tuyên xưng Đức Tin: Kinh Credo hay Kinh Tin Kính: “Credo” nguyên ngữ tiếng Latinh có nghĩa “Tôi tin”. Đây là từ đầu tiên của Kinh Tin Kính, một kinh nguyện tổng hợp các biểu thức đức tin, một hình thức cô đọng niềm tin Kitô giáo. Trong sách Lễ Rôma có hai Kinh Credo được đề nghị : “Tín biểu các Tông đồ” và kinh Tin Kính đến từ Công đồng Nicea-Constantinopoli. Cả hai bản tuyên xưng được coi như “biểu tượng” (symbolon). Từ này có nguyên gốc tiếng Hy Lạp, “symbolon” chỉ một căn phòng bằng đất nung mà hai gia đình hay hai kinh thành kết hợp nhau đã đánh vỡ ra để mỗi bên giữ lại một nửa. Cả hai được kết hiệp lại được gọi là “symbolon” (sun = cùng nhau; ballein = bỏ vào). Cả hai mảng được bỏ vào nhau khẳng định sự hiệp nhất của những người chủ. Vì vậy, nguồn gốc “biểu tượng = symbolon” là một nửa của vật gì đó mà người chủ nhìn nhận người bên kia còn giữ một nửa còn lại. Biểu tượng là việc nối lại và kết hợp lại.
Nhưng làm sao Kinh Credo lại có thể được coi như một biểu tượng? Chúng ta có thể thấy ý nghĩa đó qua ba điều:
• Kinh Credo nối lại và kết hiệp điều “tôi tin” của mỗi cá nhân và điều “tôi tin” của tất cả mọi người.
• Kinh Credo nối lại và kết hiệp điều “tôi tin” của cộng đoàn địa phương với điều “tôi tin” của Giáo hội hoàn vũ.
• Kinh Credo nối lại và kết hiệp điều “tôi tin” của Giáo hội cho Thiên Chúa Ba Ngôi.
Giống như biểu tượng cho một nửa còn lại, kinh Credo nối lại và kết hiệp cộng đoàn, Giáo hội và Thiên Chúa. Đó là dấu chỉ nhìn nhận giữa những Kitô hữu với nhau. Một dấu chỉ nhìn nhận không thể nào thay đổi thường xuyên được, nhưng vẫn có đó và hiện diện cho mọi thế hệ. Cho nên cộng đoàn được mời gọi đọc lại vào mỗi Chúa nhật, một trong hai biểu tượng của Giáo hội sơ khai: Tín biểu các tông đồ hay kinh Credo Nicea-Constantinopoli.
a) Tín biểu các Tông đồ
Nguồn gốc kinh này đến từ Giáo Hội sơ khai tại Rôma. Kinh nguyện ngắn gọn và tóm tắt những ý chính. Nhiều tác giả cho kinh này do các Tông đồ biên soạn trước khi chia tay nhau tại Giêrusalem ra đi rao giảng Tin Mừng. Đó là truyền thuyết ẩn chứa huấn dụ như đức tin chúng ta tuyên xưng là đức tin của các Tông đồ. Cấu trúc Tín biểu được hoàn thành vào khoảng thế kỷ II hoặc thế kỷ III tại Rôma và được sử dụng kèm theo phép Rửa Tội. Ban đầu, Tín biểu mang hình thức cổ truyền như mẫu đối thoại giữa người dự tòng và vị chủ tế:
- Con có tin Thiên Chúa là Đấng toàn Năng?
Thưa tin.
- Con có tin Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa?
Thưa tin.
- Con có tin Chúa Thánh thần?
Thưa tin.
Và sau mỗi câu trả lời, người dự tòng được nhúng đầu vào giếng rửa tội. Trong nghi thức Vọng Phục Sinh, khi nhắc lại lời tuyên tín Thánh tẩy, vị chủ tế cũng đặt những câu hỏi như vậy. Đến thế kỷ III, hình thức này thêm những điều về Đức Kitô và nói rõ hơn về Chúa Thánh thần. Sang thế kỷ IV, Tín biểu được đọc một mạch chứ không còn dưới hình thức đối thoại. Cuối cùng hoàng đế Charlemagne áp đặt trong toàn cõi đế quốc một văn bản dựa vào bản Tín biểu đến từ Rôma làm nên bản văn chung cục chính thức.
Tín biểu các Tông đồ
Tôi tin kính Đức Chúa Trời
là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô
Là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi.
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai,
sinh bởi Bà Maria đồng trinh,
chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô,
chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác.
Xuống ngục tổ tông,
ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại,
lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng,
ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.
Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này,
các Thánh thông công.
Tôi tin phép tha tội.
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.
Tôi tin hằng sống vậy. Amen.
b) Kinh Tin Kính thứ 2 là Tín biểu Nicea-Constantinopoli (Symbolum Nicaeano-Constantinopolitanum)
Kinh này thêm vào “Tín biểu các Tông đồ” những khẳng định đến từ Công đồng hội họp tại thành Nicêa vào năm 325, và Công đồng tại thành Constantinople vào năm 381. Hai Công đồng nhóm họp bên Đông phương lên án những lạc giáo, những lầm lạc về đức tin đến từ việc các tông đồ rao giảng. Ví dụ, linh mục Arius trình bày Đức Kitô như một bản thể ở dưới quyền Thiên Chúa Cha. Lên án lạc thuyết Ariô, Công đồng Nicêa khẳng định “Người là Thiên Chúa... đồng bản thể với Chúa Cha”. Và Công đồng Constantinople năm 381 đã thêm: “Con một Thiên Chúa sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha”. Tín biểu Nicea-Constantinopoli được hoàn toàn chấp nhận vào năm 451 tại Công đồng nhóm họp ở thành Chalcèdoine.
Đọc kinh Tinh Kính Nicea-Constantinopoli trong Thánh Lễ chống lại các lầm lạc về Đức Kitô như điều không nhìn nhận Người vừa là người vừa là Thiên Chúa. Kinh được đưa vào phụng vụ bên Đông phương trước rồi sau đó mới lan truyền vào phụng vụ Tây phương qua ngả Tây Ban Nha. Vào năm 1014, khi hoàng đế Henri II tới Rôma làm lễ đăng quang, ông muốn trong Thánh Lễ phải đọc kinh Tin Kính. Người ở Rôma thấy họ đâu cần thiết phải đọc kinh này vì Giáo hội tại đó không đối phó với vấn đề lạc giáo. Vua Henri II làm áp lực với Đức Giáo Hoàng Bênêdictô VIII đưa kinh Tin Kính vào Thánh Lễ tại Rôma, và đến thế kỷ XII, kinh Tin Kính mới được chấp nhận trong Thánh Lễ Chúa nhật và những lễ có nhắc đến kinh Tin Kính.
Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli không dễ hiểu. Những điểm tranh luận làm lời kinh thêm nặng nề. Thế nhưng Giáo hội muốn qua lời tuyên xưng đức tin này, người tín hữu chấp nhận Lời Chúa vừa được công bố. Những từ của lời kinh đồng ý lấy lại định nghĩa đức tin nơi Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần khi thần học Kitô còn ở trong kỳ phôi thai.
Kinh Credo phải được cộng đoàn cùng đọc vì mang hình thức biểu lộ đức tin đáp lại Lời Chúa công bố qua các bài đọc và bài diễn giảng. Qui chế Tổng quát số 43 ghi: “Kinh Tin Kính hay việc tuyên xưng đức tin trong Thánh Lễ có mục đích giúp giáo dân tỏ dấu chấp nhận và đáp ứng Lời Chúa được công bố qua các Bài Đọc, và được diễn giảng qua bài giảng, đồng thời cũng giúp họ nhớ lại những chân lý đức tin trước khi khởi đầu cuộc cử hành Thánh Thể”. Thật ra, kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli mang nhiều từ thần học nguyên ngữ Latinh khó hiểu. Những bản dịch ra tiếng phổ thông cũng không dễ dàng, vì vậy kinh Credo thường được đặt ra nhạc và thành bài hát do ca đoàn hát một mình đến nỗi làm lu mờ kinh Nguyện Thánh Thể tức là lời Kinh mang mục đích tuyên xưng đức tin và mầu nhiệm đức tin, về sự hiện diện của Đức Kitô sống lại. Và cuối cùng Công đồng Vaticanô II trở lại việc đọc bình thường kinh Tin Kính với hai văn bản tùy ta chọn lựa.
Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli
Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng,
Ðấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.
Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa,
sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời.
Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,
Ánh Sáng bởi Ánh Sáng,
Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,
được sinh ra mà không phải được tạo thành,
đồng bản thể với Ðức Chúa Cha:
nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.
Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta,
Người đã từ trời xuống thế.
Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần,
Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria,
và đã làm người.
Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta,
thời quan Phongxiô Philatô;
Người chịu khổ hình và mai táng,
ngày thứ ba Người sống lại như lời Kinh Thánh.
Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha,
và Người sẽ lại đến trong vinh quang
để phán xét kẻ sống và kẻ chết,
Nước Người sẽ không bao giờ cùng.
Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần
là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống,
Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra.
Người được phụng thờ
và tôn vinh cùng với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con:
Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện,
Công giáo và tông truyền.
Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội.
Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.
Amen.
c) Ba lời tuyên xưng đức tin khác
Lời tuyên xưng ngắn gọn: dấu Thánh giá. Qua dấu này, người nhận phép rửa kêu Thiên Chúa là Cha, là Con và là Thánh Thần. Họ ghi dấu Thánh giá trên mình như dấu chỉ tình yêu không giới hạn của Thiên Chúa cho dân Ngài. Dấu chỉ đó là cái chết của Đức Giêsu trên thập giá.
Một biểu tượng khác dài hơn thường được lập lại trong đêm Canh thức Phục Sinh: Lời tuyên xưng đức tin phép rửa. Đây là giây phút quan trọng khi cử hành bí tích rửa tội. Thánh giáo phụ Basile nói: “chúng ta phải tin như chúng ta chịu phép rửa”. Giáo hội đưa ra ba câu hỏi và người chịu phép rửa hoặc người đỡ đầu đáp lại, qua đó phụng vụ khẳng định không ai có thể tự công bố một mình là Kitô hữu. Chỉ Giáo hội mới có thể làm điều đó, và Giáo hội hỏi người dự tòng không phải người đó nghĩ sao về Thiên Chúa, nhưng người ấy có chấp nhận đi vào lòng tin Ba Ngôi Thiên Chúa mà Giáo hội nhận được?
Biểu tượng thứ ba dài hơn nhưng ít khi được nghĩ tới: Kinh nguyện Thánh Thể. Kinh nguyện này là lời tạ ơn của những người đã chịu phép rửa “Qua Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô”, “Thiên Chúa là Cha toàn năng”, “Hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần”. Phần đầu Kinh nguyện Thánh Thể IV kết nên lời tuyên xưng rất đẹp. Vì thế, Thánh Lễ cũng như các kinh nguyện Thánh Thể là một tổng hợp đức tin Kitô giáo. Thánh Irénée thành Lyon nói: “cách suy tư của chúng ta tương ứng với Thánh Lễ, và Thánh Lễ khẳng định cách suy tư của chúng ta”.
Tại sao phải đọc kinh Credo sau bài diễn giảng?
Phụng vụ đặt kinh Credo sau bài diễn giảng như nhắc nhở người tín hữu làm vọng lại Lời Chúa và chấp thuận những mầu nhiệm lớn của đức tin trước khi những mầu nhiệm đó được cử hành trong Phụng vụ Thánh Thể.
Từ thế kỷ V, Giáo hội cho tầm quan trọng với việc truyền thông biểu tượng (traditio symboli), trong đó những ai đang sửa soạn chịu phép rửa sẽ nhận được trong ngày Chúa nhật thứ V mùa Chay những điều Giáo hội tin; và sự trình bày của biểu tượng (redditio symboli) cũng được đưa vào trong đêm Canh thức Phục Sinh, các dự tòng công bố đức tin trước toàn thể cộng đoàn tín hữu. Vì thế kinh Credo đọc trong Thánh Lễ ngày Chúa nhật giống như “redditio symboli” cho những người đã chịu phép rửa nhắc lại phép rửa của mình. Mọi người tuyên xưng đức tin của Giáo hội bằng cách nói lên biểu tượng tức là những gì mà họ có chung và đưa cho họ thuộc cùng một gia đình Giáo hội. Một chút nữa đây, không phải với lòng tin riêng của mình nhưng trong lòng tin của Giáo hội mà người tín hữu sẽ nhận Mình Thánh Đức Kitô,
Lời nguyện chung là yếu tố cuối cùng của Phụng vụ Lời Chúa. Giáo hội đã bỏ quên trong nhiều thế kỷ lời nguyện này, và nó chỉ được tái lập lại từ Công đồng Vaticanô II. Lời nguyện còn được gọi Lời nguyện giáo dân, những người được chịu phép rửa. Lời kinh được trao ban cho những chi thể Đức Kitô. Qua Lời nguyện chung, người tín hữu thi hành chức năng tư tế của mình.
Thật vậy, qua phép rửa người Kitô hữu trở nên chi thể của Đức Kitô, họ được tháp nhập vào Đức Kitô và tham dự vào chức tư tế của Ngài. Hiến chế đến từ Công đồng Vaticanô II Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân) nhắc lại một cách rõ ràng nơi số 10 như sau: “Đức Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm được chọn nơi loài người (Dt 5,1-5), để biến dân tộc mới thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người” (Kh 1,6; 5,9-10). Thực vậy, những người đã lãnh phép Thánh Tẩy, nhờ được tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được cung hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con người Kitô hữu, dâng của lễ thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Ðấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài (1Pr 2,4-10). Vì thế, tất cả các môn đệ của Đức Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (Cv 2,42-47), họ phải dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (Rm 12,1), phải làm chứng về Đức Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát (1Pr 3,15).
Chức tư tế cộng đoàn của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Đức Kitô theo cách thức riêng của mình. Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Đức Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng Thánh Lễ, và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực.
8. Lời Nguyện chung
Lời nguyện chung hay lời nguyện “đại đồng” được coi như một trong những cải tổ thành công nhất do Công đồng Vaticanô II đề xướng. Quy chế Tổng quát sách Lễ Rôma số 45-46 ghi như sau: “Trong lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, chính dân Chúa thực hiện chức vụ tư tế của mình, mà cầu cho hết mọi người... Những ý nguyện thường là cho các nhu cầu của Giáo Hội, cho các người trong chính quyền, và cho toàn thế giới được ơn cứu độ, cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào, cho cộng đoàn địa phương”.
Lời nguyện chung thuộc gia sản đến từ truyền thống Do Thái giáo. Người Do Thái thường tiếp nối các kinh nguyện chúc lành bằng lời cầu “nguyện xin”. Nối tiếp truyền thống, các tín hữu sơ khai cũng kết thúc Phụng Vụ Lời Chúa bằng những lời nguyện tương tự. Trong thư thứ nhất gửi Timôthê, Phaolô viết: “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta. Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (2,1-4).
Qua những cải cách phụng vụ trong quá khứ, Lời nguyện chung dần dần biến mất và vào khoảng thế kỷ VI hoàn toàn không còn thấy trong nghi lễ Rôma. Sau 14 thế kỷ, Lời nguyện Chung mới được Công đồng Vaticanô II phục hồi. Lời nguyện Chung còn mang nhiều tên khác như Lời Nguyện giáo dân vì ngày xưa các dự tòng chỉ được dự Thánh Lễ từ khởi đầu đến hết kinh Tin Kính thôi. Họ ra về trước khi khởi đầu Lời Nguyện Chung dành cho giáo dân nên các dự tòng không được tham dự, cho nên mới được gọi là Lời Nguyện giáo dân. Ngoài ra còn gọi Lời Nguyện Chung hay Lời Nguyện Phổ Quát vì lời cầu xin cho những nhu cầu và nhân danh toàn thể ở khắp nơi. Nhập đề sách Bài Đọc đề cập đến Lời Nguyện Chung như sau: “Sau khi được soi sáng bằng Lời Chúa, toàn thể cộng đoàn tín hữu đáp lại bằng lời cầu xin cho những ý chỉ phổ quát. Theo nguyên tắc thì phải cầu cho những nhu cầu chung của Giáo Hội phổ quát, cho cộng đoàn địa phương, cho ơn cứu độ của thế giới, cho những người bị đàn áp bởi bất cứ quyền lực nào, và cho những nhóm đặc biệt” (#30).
Lời Nguyện Chung phải được phát nguồn từ Lời Chúa vừa được công bố, và mang hình thức cộng đoàn đáp ứng Lời Chúa vừa được lãnh nhận. Lời nguyện nhắm vào những nhu cầu tổng quát của Giáo Hội và cộng đoàn nhân loại. Thánh Lễ trở nên lời nguyện chung của Giáo Hội và cho Giáo Hội. Tuy nhiên cũng có thể thêm vào đó những ý chỉ đặc biệt cho các nhu cầu riêng của địa phương, hoặc các nhóm hay cá nhân.
Những điều cần biết khi soạn Lời Nguyện Chung.
Cấu trúc Lời Nguyện Chung gồm 3 phần:
1. Lời mở đầu do vị chủ tế mời gọi cộng đoàn đi vào các ý nguyện.
2. Các ý nguyện do một thừa tác viên đọc, nhưng không bao giờ bắt đầu các ý nguyện bằng từ: “Lạy Chúa...”, như thế ý nguyện trở nên lời nguyện. Hai điều này khác nhau: Ý nguyện gợi ý cho cộng đoàn cầu nguyện; còn Lời nguyện do vị chủ tế nhân danh cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa.
3. Lời nguyện kết thúc do chủ tế thay mặt cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa, cũng gồm có 3 phần: lời xưng lên Chúa Cha hay Chúa Con; lời nài xin và câu Kết thúc. (Lm Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Giải đáp các vấn nạn về Phụng vụ theo các văn kiện của Giáo Hội, tập 1, Việt Nam 2001, trang 174-175).
Khi soạn Lời Nguyện Chung cần nhớ có ba nguồn cảm hứng:
• Theo ý chính những Bài Đọc cho Thánh Lễ ngày hôm đó.
• Theo dõi thời sự Giáo Hội và thế giới.
• Những gì Cộng đoàn đang sống và mang ý nguyện muốn dâng lên Thiên Chúa.
Những điều nên tránh:
• Ngỏ lời với Chúa Cha mà nguyện xin với Ngôi Con hoặc Ngôi Ba.
• Ý nguyện phải ngắn gọn, đơn sơ, quá 10 vần thì phải ngắt vì người nghe không có bản văn trước mắt. Hai câu đơn hay hơn một câu dài, cầu kỳ và lòng thòng.
• Đừng xin cho những ý tưởng chung chung dù thật hay như hòa bình, công lý... ý nguyện phải thực tế cầu cho người nào đó, đang bị bất công cụ thể...
• Coi chừng giọng văn cảnh cáo, dạy đời và thanh toán nhau một cách trá hình.
• Cố tránh xin “Chúa làm thay con”, ví dụ như “xin Chúa cho người đói ăn no”...
• Tại sao Lời nguyện chung vẫn thường được coi như kinh nguyện cần phải có ý hướng hiện tại?
Lời Chúa vừa được công bố cho dù thuộc khoảng thời gian quá khứ xa xôi nhưng như một lời được loan báo cho ngày hôm nay. Trong Thánh Lễ, Thiên Chúa loan báo triều đại Ngài đến ngay bây giờ. Và một bài diễn giảng chỉ hoàn toàn phi thời gian cũng không trung thành với sứ mạng của nó.
Lời nguyện chung được tạo thành bởi Lời Chúa, và nuôi dưỡng bởi bài diễn giải sẽ trở nên một kinh nguyện cho Triều đại Thiên Chúa lớn lên trong thế giới ngày nay. Khi ông Ezékias, vua xứ Giuđa nhận được một lá thư của vua xứ Assyrie tên Sennakérib loan báo thành Giêrusalem sẽ bị thất thủ. Dân thành Giêrusalem sẽ bị tiêu diệt. Ông Ezékias lấy lá thư lên Đền thờ và mở lá thư ra trước Thiên Chúa và dâng lời nguyện như sau: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa Ítraen, Đấng ngự trên các Kêrubim, chính Ngài, và chỉ mình Ngài mới là Thiên Chúa thống trị mọi vương quốc trần gian. Chính Ngài đã làm nên trời đất. Lạy Đức Chúa, xin lắng tai nghe, lạy Đức Chúa, xin đưa mắt nhìn. Xin nghe rõ những lời Sennakérib là kẻ đã sai người đến thoá mạ Thiên Chúa hằng sống” (2V 19,15-16).
Đó là mầu nhiệm của kinh nguyện phụng vụ: trước hết Lời Chúa mở rộng mắt chúng ta trên thế giới; sau đó chúng ta thưa lên Thiên Chúa để Ngài cũng mở mắt và nhìn thế giới.
III. Phụng Vụ Thánh Thể
Trong Thánh Lễ, mọi sự đều quan trọng, nhưng nơi đây là đỉnh cao. Kinh nguyện Thánh Thể công bố bởi linh mục, đại diện Đức Kitô và là đầu Giáo hội.
Phụng vụ Lời Chúa cần đến nhiều người tham gia cử hành, kinh nguyện Thánh Thể chỉ một mình linh mục đọc thôi. Từ đó có những ý kiến sai đưa ra cho phần Phụng vụ Lời Chúa thuộc chuyện của người giáo dân, và phụng vụ Thánh Thể thuộc quyền của linh mục. Như trong mọi hành vi thuộc về bí tích, kinh nguyện trung tâm của Thánh Lễ được trình bày rõ ràng bằng hai từ “chúng tôi, chúng ta hay chúng con”. Từ này kết hiệp linh mục với các tín hữu, và chỉ định toàn thể Giáo hội như tác nhân của việc tạ ơn.
Thánh Lễ là công trình của toàn thể dân Chúa. Dân này kết hợp thành cộng đoàn để lắng nghe Lời giao ước. Giờ đây, chính họ kết nối giao ước đó với Thiên Chúa bằng cách dâng lên Ngài không phải những con vật hy tế, nhưng chính Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Phần chuẩn bị lễ phẩm trước đây thường được gọi phần Dâng Lễ, vì thời gian này được coi như một hành vi dâng hiến. Thế nhưng sự dâng hiến của Đức Kitô và sự dâng hiến của người tín hữu hoàn thành trong kinh nguyện Thánh Thể. Kinh nguyện Thánh Thể III nói: “Nguyện xin Cha đoái nhìn hiến lễ của Giáo hội và nhận đây chính là hy lễ Con Cha đã dâng tiến để nhân loại được giao hòa với Cha”.
Công đồng Vaticanô II vì không muốn những lầm lẫn có thể xảy ra, nên Nghi thức mới muốn tránh những lầm lẫn trong những thực hành và đưa đến những giải thích không đúng. Ví dụ khi người ta dâng cúng cái gì đó của chính mình thì coi đó như một hy lễ trước hy lễ. Thế nhưng ta cần biết hy lễ của Đức Kitô là duy nhất. Vì thế, sách lễ Rôma đã thay đổi tên gọi của phần này. Từ đây không gọi là phần “dâng lễ” nhưng gọi là “chuẩn bị lễ phẩm”. Và cũng vì lý do trên nên nghi thức nơi đây cũng loại bỏ những hành vi, những công thức dâng của lễ không cần thiết. Việc chính yếu là mang bánh và rượu lên bàn thờ và linh mục đọc lời chúc. Khi bắt đầu phụng vụ Thánh Thể, chúng ta chưa dâng những lễ vật gì. Chúng ta mới lấy bánh và rượu và trình bày trước Thiên Chúa vũ trụ. Chính trong kinh nguyện Thánh Thể mà chúng ta dâng lên như lời kinh nguyện Thánh Thể II: “chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa”.
1. Chuẩn bị lễ phẩm
a. Chuẩn bị bàn thờ: Bàn thờ được trải khăn trắng với nến sáng. Bàn thờ phải được phủ khăn biểu tượng một bàn tiệc Thánh Thể, còn tấm khăn gợi lại tấm khăn liệm của Đấng chịu đóng đinh. Nến không để soi sáng nhưng dấu chỉ Đức Kitô Phục Sinh. Người là “Ánh sáng thế gian”. Bình thường còn có một Thánh giá ở trên bàn thờ. Riêng Sách lễ đặt ở chỗ kín đáo, vì chỉ để giúp cho vị chủ tế đọc những kinh nguyện cộng đoàn.
b. Tiền giỏ: Nhiều người nghĩ rằng xin tiền giỏ lúc này gây rối sự trang nghiêm, và nên tìm một lúc nào khác như ở phần cuối lễ hay trước khi ra khỏi thánh đường. Vậy tại sao phải xin giỏ vào lúc này? Xin giỏ được xem như tặng vật của người tín hữu góp phần vào đời sống vật chất của Giáo hội. Ngoài những vấn đề như điện nước, sửa chữa... tiền giỏ còn giúp cho Giáo hội trong sứ mệnh chia sẻ bác ái đến những người anh em cần thiết. Vì vậy đây là một hành động cụ thể diễn tả tình huynh đệ. Trong Tân Ước, Phaolô cũng đã quyên tiền cho Giáo hội ở Giêrusalem.
Vì thế, tiền giỏ là một thành phần trong phụng vụ dâng lễ. Thế nhưng, cũng nên tránh không nên để giỏ tiền trên bàn thờ, nhưng để một chỗ nào thích hợp hơn. Tiền bạc không phải chất thể của bí tích Thánh Thể, dù là tặng vật ta muốn diễn đạt trọn đời sống kết hợp vào phần dâng bánh và rượu để trở thành Mình và Máu Thánh Chúa.
c. Ca Dâng lễ khi rước lễ phẩm lên bàn thờ: Quan trọng nhất là bánh và rượu cần thiết cho Thánh Lễ. Trong một vài trường hợp có thể đem các lễ vật khác lên bàn thờ như sản phẩm thiên nhiên, ít nhiều mang tính cách biểu tượng. Khi kiệu dâng của lễ, cộng đoàn hát bài dâng lễ. Bánh và rượu cần thiết cho cuộc sống của con người. Bánh là thức ăn chính yếu ở Tây phương, biểu tượng của thực phẩm. Với ý nghĩa này, bánh được dâng lên Thiên Chúa như lễ vật. Trong bữa Tiệc Ly, theo truyền thống Do Thái trong nghi thức Vượt Qua, Đức Giêsu lấy bánh không men. Tin Mừng chỉ ghi: Đức Giêsu cầm lấy bánh, nhưng không nói rõ phẩm chất của bánh là gì. Thuở ban đầu, các cộng đoàn Kitô hữu dùng bánh thông thường, và Giáo Hội trong 9 thế kỷ đầu cũng chỉ lấy bánh dùng cho các buổi tiệc. Đó là bánh hình tròn với hình Thánh giá ở trên. Từ thế kỷ IX, người ta nghĩ đến bánh không men, vì loại bánh này giữ được lâu hơn để mang đến cho các bệnh nhân. Tới thế kỷ XII, bánh được làm trong các khuôn tròn nhỏ do các linh mục mặc áo Alba vừa làm vừa đọc những kinh phụng vụ. Sau đó được trao lại cho các dòng tu thực hiện.
Rượu là rượu đỏ của miền Trung Đông. Tới thế kỷ XVI, người ta dùng khăn lau chén lễ (khăn dùng để lau chén và lau tay linh mục vào những lúc tráng chén), và rượu đỏ để lại dấu vết khó giặt nên người ta dùng rượu vang trắng. Những khi không có rượu, người ta có thể lấy nho khô ngâm với nước. Quy chế tổng quát sách lễ Rôma số 284 ghi như sau: “Rượu dùng trong khi cử hành Thánh Lễ phải là rượu nho (Lc 22,18), tự nhiên và nguyên chất, nghĩa là không pha trộn chất gì khác vào”. Giáo Luật 1983 ở điều 924 cũng ghi: “... rượu phải là tự nhiên từ trái nho và không bị hư chua”. Tóm lại, rượu phải được làm từ cốt nho nguyên chất cho nên dùng bất cứ loại rượu nào khác sẽ làm cho việc cử hành bí tích Thánh Thể trở thành bất hợp pháp, ngay cả trong trường hợp một số người muốn theo tập quán dân địa phương đã thay thế rượu nho nguyên chất bằng một loại rượu đặc chế nào đó. (Lm. Bùi Đức Tiến, Cẩm nang giáo luật thực dụng, trang 175).
Trong phần này, chính người tín hữu cầm dâng lên bàn thờ bánh và rượu, vì ngay từ lúc này toàn thể cộng đoàn được đưa vào một mầu nhiệm lớn trao đổi cho nhau:
• Từ Thiên Chúa, con người đã nhận trái đất và canh tác nó.
• Cho Thiên Chúa, con người mang lễ vật, hoa quả của sự sáng tạo và công lao của họ.
• Từ Thiên Chúa, con người sẽ nhận những ân huệ trở nên Mình và Máu Con Chúa.
d. Lời nguyện trên bánh & Lời nguyện trên rượu: Lời nguyện trên bánh và rượu phát nguồn từ lời chúc tụng người Do Thái khi vị gia trưởng cầm bánh và rượu rồi đọc lời chúc tụng trong bữa ăn. Đó là kinh “Kidoush” của người Do Thái. Đức Giêsu hẳn cũng đã đọc những lời nguyện này tại bữa Tiệc Ly. Những lời nguyện chúc tụng sự thánh thiện và lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Hai công thức chúc tụng dưới đây, linh mục có thể đọc thầm nếu như có bài hát, bằng không linh mục đọc lớn tiếng, và trong trường hợp này người tín hữu đáp sau mỗi lời chúc tụng: “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời”. Nâng cao dĩa đựng bánh linh mục đọc: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con”.
Nâng cao chén Thánh linh mục đọc: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con”.
e. Pha nước vào rượu: Khi rót rượu và chút nước vào chén thánh, linh mục đọc thầm: “Cũng như giọt nước này hòa chung với rượu, xin cho chúng con được thông phần bản tính Thiên Chúa của Đấng đã đoái thương chia sẻ thân phận làm người với chúng con”.
Nước trong rượu. Tin Mừng không ghi lại sự kiện Đức Giêsu đổ thêm nước vào rượu hôm bữa tiệc ly, nhưng việc pha trộn nước và rượu là một tục lệ bình thường ở các nước thuộc miền Địa Trung Hải. Người Hy Lạp không bao giờ uống rượu mà không pha thêm chút nước vì thực ra rượu của họ rất mạnh và rất đậm, và uống rượu nguyên chất bị coi như người không có giáo dục. Tục lệ Palestine cũng vậy, ví dụ như loại rượu phát xuất từ đồng bằng ven biển giữa Jaffa và núi Carmel tên Saron rất đậm vị nên khi dùng người ta đã pha một phần ba rượu và hai phần ba nước.
Tục lệ pha trộn trên đã được lưu giữ trong phụng vụ Thánh Thể nhưng mang ý nghĩa biểu tượng thâm sâu. Khi pha chút nước vào chén rượu vị chủ tế đọc thầm: “Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”. Qua sự hòa hợp giữa nước và rượu, chúng ta được mời gọi nhận ra mầu nhiệm kết hợp chúng ta với Đức Kitô. Rượu biểu tượng tình yêu, và máu chỉ định hy lễ của Đức Kitô mà chúng ta chỉ có thể thêm vào một chút nước lạt lẽo. Nước mang hình ảnh loài người, và khi được pha trộn vào rượu là Đức Kitô chúng ta không có hoài bão làm tăng thêm giá trị Ngôi Hai Thiên Chúa hiến sinh. Ta đến với cái nghèo hèn của loài người để bị tan loãng vào sự kết hợp với Thiên Chúa. Nước bị tan hòa trong rượu sẽ không còn là nước nữa nhưng giờ đây được biến hóa trở thành rượu. Giáo phụ Cyprianô thành Carthage (thế kỷ thứ III) nói: “Nếu ai chỉ dâng hiến rượu mà thôi, máu của Đức Kitô ra như là không có chúng ta. Nếu chỉ có nước thì chỉ có dân chúng mà không có Đức Kitô”.
f. Linh mục rửa tay: Biểu lộ lòng ao ước được thanh tẩy trong tâm hồn. Tiếng Latinh “Lavabo = tôi sẽ rửa”, rút ra từ Thánh vịnh 26 bằng tiếng Latinh. Linh mục rửa tay sau phần chuẩn bị lễ phẩm, trước lời nguyện tiến lễ. Trong khi rửa tay, linh mục đọc: “Lạy Chúa xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy”. Theo các sử gia, trước đây, cử chỉ này cần thiết vì vị chủ tế bị bẩn tay khi nhận những hiện vật do các tín hữu mang đến. Sau này, cử chỉ được giữ lại và được lồng vào ý nghĩa thanh tẩy như việc tẩy rửa trong các nghi thức Đông Phương. Tin Mừng Máccô cũng ghi: “Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: Họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận” (7,3). Chính Đức Giêsu cũng làm như thế theo truyền thống tẩy rửa của người Do Thái (Mt 15,2-20; Mc 7,12 và Lc 11,38).
g. Lời nguyện linh mục: Sau khi rửa tay, linh mục mời giáo dân cầu nguyện: “Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha Toàn Năng chấp nhận”. Giáo dân thưa: “Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay Cha, để ca tụng tôn vinh danh Chúa và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người”.
Lúc đầu, lời kêu gọi cầu nguyện do vị chủ tế kêu mời các thừa tác viên đến với Ngài, nhưng sau đó gửi đến cộng đoàn. Sang thế kỷ XII, trong sách lễ của Giáo hoàng Piô V, người ta thêm một câu trả lời ngắn, và công đồng Vaticanô II lấy lại truyền thống đó làm nên lời đối thoại giữa vị chủ tế và cộng đoàn.
Thánh Lễ chúng ta dâng là lễ hiến tế của toàn thể Hội Thánh, vì vậy chúng ta không dâng lễ cá nhân nhưng được mời gọi đi vào hành động của toàn thể Hội Thánh. Công đồng Vaticanô II trong hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân) về Giáo Hội nói: “Khi tham dự Thánh Lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ vật thần linh cùng với Lễ vật ấy họ tự dâng chính mình họ. Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách hỗn độn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Đức Kitô trong Thánh Lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này” (11).
h. Lời nguyện tiến lễ: Trải qua nhiều thế kỷ, chỉ có một lời nguyện duy nhất do linh mục đọc trên bánh và rượu, đó là “Lời nguyện tiến lễ” kết thúc phần Dâng của lễ. Đây là lời nguyện thứ hai sau lời nguyện Nhập lễ. Linh mục giơ hai tay hướng về Thiên Chúa và cầu cùng Thiên Chúa Cha, nhờ Đức Kitô.
Kinh Tạ ơn được kết nên từ những yếu tố căn bản đi từ Lời Tiền Tụng đến Vinh tụng Ca với một mục đích chính: Tạ ơn Cha trên trời trong Thần Khí thánh thiện cho cuộc sống của chúng ta kéo ra từ sự xấu và sống lại trong Con Thiên Chúa.
2. Kinh Tạ ơn
Đây là toàn bộ công thức giữa phần tiến lễ và kinh Lạy Cha, cũng là phần chính của Thánh Lễ: Phần Tạ ơn hoặc hy tế. Theo truyền thống Đông phương, kinh Tạ ơn gọi “anaphore” (Nâng Lên): hành động biểu thị cử chỉ hiến tế. Truyền thống Latinh gọi “Canon” (Lễ quy): những điều ta phải tuân theo. Canh tân Phụng vụ dùng từ ngữ kinh Tạ ơn thích hợp hơn cả. Sách lễ Rôma theo nghi thức mới có 4 kinh nguyện Thánh Thể. Kinh nguyện Thánh thể I được gọi “kinh nguyện Rôma”; Kinh nguyện Thánh Thể II dựa trên kinh “truyền thống tông đồ”; Kinh nguyện Thánh thể III mới được biên soạn lại và kinh nguyện Thánh Thể IV lấy lại cấu trúc kinh tiến hiến trong thánh lễ Đông phương của thánh Basile. Cấu trúc kinh Tạ ơn có nguồn gốc Do Thái giáo, rất gần với kinh Chúc Tụng Đấng Tạo Hóa (Birkat Yotser) kèm theo lời kinh đọc hằng ngày: “nghe đây hỡi Ítraen” (Shema Israel). Lời kinh bắt đầu với lời ngợi khen Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, một lời Sanctus và kết thúc với lời khẩn cầu. Trong sách Didachè ở thế kỷ II cũng có một kinh rất gần với kinh Tạ ơn.
a. Lời tiền tụng: Chủ tế nhắc lại những việc kỳ diệu Thiên Chúa làm: Chúng ta tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng. Tiếng Latinh prae (trước)- fari (nói) có nghĩa là lời nói đầu. Từ có thể mang hai nghĩa: “Điều ta nói trước khi làm” hoặc “Điều ta nói trước người nào đó”. Giáo Hội cổ xưa giữ lấy nghĩa thứ hai. Lời Tiền tụng mở đầu kinh Tạ ơn, là phần mở đầu long trọng việc tạ ơn Thiên Chúa Cha. Dẫn vào Lời Tiền tụng là lời đối thoại cổ xưa, và linh mục giữ ở đây vai trò người trung gian:
• “Chúa ở cùng anh chị em”: Linh mục nhân danh Thiên Chúa nói với cộng đoàn.
• “Hãy nâng tâm hồn lên”, “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”: Linh mục nhân danh cộng đoàn thưa lên cùng Thiên Chúa.
• Và với lời thưa cuối của cộng đoàn “Thật là chính đáng” có ý: Chúng tôi đồng ý để cho ngài nhân danh cộng đoàn đọc kinh Tạ ơn.
Tất cả mọi kinh Tạ ơn đều dựa vào mẫu đối thoại trên. Giờ đây linh mục và cộng đoàn sẽ cùng nhau cử hành - cùng đồng tế - những điều huyền diệu của “Thiên Chúa hằng hữu và đầy quyền năng.”
Tất cả các Lời Tiền tụng đều theo cùng một mẫu cố định, chỉ có phần trung tâm có thay đổi vì tóm tắt lại về mầu nhiệm được cử hành. Vì thế, khi thu thập lại các công thức riêng của khoảng 80 Lời Tiền tụng có trong sách Lễ Rôma, sẽ có được bản tóm tắt phong phú về mầu nhiệm Giao ước mà Giáo hội vẫn luôn cử hành. Cấu trúc Lời Tiền Tụng có: (lấy theo Lời Tiền Tụng Chúa nhật thường niên IV).
Lời chúc tụng, tạ ơn dâng lên Thiên Chúa Cha nhờ Đức Kitô.
“Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con”.
Lý do tạ ơn.
“Vì chính Người, khi sinh ra đã đổi mới con người cũ; khi chịu khổ hình, đã tẩy xóa tội lỗi chúng con; khi từ cõi chết sống lại, đã khai lối vào chốn trường sinh; và khi lên cùng Chúa là Cha, Người đã mở của Nước trời”.
Dẫn vào Kinh Thánh! Thánh! Thánh.
“Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hát bài ca chúc tụng Chúa và không ngừng tung hô rằng: Thánh! Thánh! Thánh!”.
b. Thánh! Thánh! Thánh!: Lời Tiền Tụng dẫn tới kinh Sanctus. Tiếng Latinh sanctus nghĩa là thánh. Thánh! Thánh! Thánh! là ba lần kêu cầu Thiên Chúa chí thánh.
Kinh mang lời toàn thể cộng đoàn ca tụng, làm bung lên lời tạ ơn phát xuất ra không phải do những công việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm, nhưng vào ngay việc chiêm niệm Thiên Chúa. Chúng ta hát mừng Thiên Chúa với mầu nhiệm bao phủ vũ trụ, như Đấng Người gửi đến.
Phụng vụ nơi đây đưa chúng ta vào phụng vụ của một dân tộc đi vào thế giới mới. Phần đầu kinh sanctus lấy lại thị kiến ngôn sứ Isaia, ông nghe các Thiên thần Seraphim tung hô: “Thánh! Thánh! Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa!” (6,3). Tiếp theo: “Hoan hô Chúa trên các tầng trời. Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa. Hoan hô Chúa trên các tầng trời”. Đây là lời tung hô của người Do Thái ở Giêrusalem khi Đức Giêsu tiến vào thành ngày Lễ Lá (Mt 21,9; Mc 11,9; Lc 19,38), cũng là bài ca của bốn con vật trong sách Khải Huyền 4,8-9. Theo đó, bốn con vật không ngừng tung hô ngày và đêm trước Người ngự trên ngai và sống vĩnh cửu: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và đang đến!”. Đó là lời ca từ trời cho thế giới tương lai và nối liền bài ca dưới thế của tất cả những người được kết hiệp bởi Thánh Lễ. “Bàn thờ bằng vàng trước ngai Thiên Chúa” (Kh 8,3) và bàn thờ nơi bánh và rượu trở thành bánh hằng sống và chén cứu độ cùng là một bàn thờ: Chính đó là Đấng Phục Sinh.
Từ “Hosanna” là tiếng tung hô của người Do Thái, được ghép bởi mệnh cách động từ “hoshiah” nghĩa cứu vớt, và “na” = van xin. “Hoshi ahna” sát nghĩa = xin cứu vớt. Từ xuất hiện thành văn trong câu 25 của Thánh vịnh 117, tiêu biểu sự Vượt Qua, mô tả quang cảnh đón rước Đấng Mêsia dịp lễ đăng quang (câu 19-27). Dân Do Thái hát bài ca này để chào mừng lúc Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem (Mt 21,9). Sau này “Hosanna” mất đi ý nghĩa nguyên thủy để còn lại như tiếng hô vui mừng và chiến thắng.
“Hosanna” được phụng vụ nhắc lại hai lần trong Kinh Thánh! Thánh! Thánh! như lời tung hô của các tín hữu vào cuối kinh Tiền Tụng dâng lên Thiên Chúa. Vào phút giây hy lễ Thánh Thể sắp được tái diễn, ý nghĩa căn gốc của “Hosanna” lột tả trọn vẹn nội dung mầu nhiệm Xin cứu vớt. Đây là công trình của Đức Giêsu, và Yehoshua có nghĩa Giavê cứu vớt.
c. Kinh hậu sanctus: Kinh có công dụng làm gạch nối giữa kinh sanctus là kinh epiclesis. Vì thế được khởi đầu từ sau kinh sanctus cho tới lời cầu xin Chúa Thánh Thần.
d. Kinh cầu xin Chúa Thánh Thần (epiclesis): Trong tiếng Hy Lạp “klesis” (lời kêu gọi) và “epi” (ở trên). Lời cầu xin Chúa Thánh Thần đến và bằng hoạt động của Thiên Chúa, thánh hóa lễ vật Hội Thánh dâng lên trong Thánh Lễ hầu trở thành Mình và Máu Chúa, và trên cộng đoàn để họ tham dự vào Thánh Thể một cách hiệu qủa hơn.
Trong kinh Tạ ơn có hai kinh “epiclesis”: Kinh thứ nhất gọi là Truyền Phép và được đặt trước tường thuật lập bí tích Thánh Thể, cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên lễ vật và thánh hóa lễ vật biến thành Mình và Máu Đức Kitô. Kinh epiclesis thứ hai gọi là hiệp lễ được đặt ở sau tường thuật lập bí tích Thánh Thể.
e. Phần tường thuật việc lập bí tích Thánh Thể và hiến thánh: Ở đây kinh Tạ ơn được tạm ngưng và để vào đó một trình thuật nói về việc thiết lập phép Thánh Thể: Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình, Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”.
Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ mà nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy. Máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Khi đặt trình thuật này trong kinh Tạ ơn, phụng vụ cho ý nghĩa trước tiên việc tạ ơn không phải của cộng đoàn nhưng của Đức Kitô. Sau đó mới đến phiên chúng ta vì Đức Kitô là Đầu, vì vậy chính linh mục phải đọc Kinh tạ ơn. Qua bàn tay, qua giọng nói của vị linh mục, chính Đức Kitô là chủ tế nói với các bạn hữu: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Từ “việc này” mà Đức Giêsu làm, và qua đó mời các môn đệ làm để nhớ đến Ngài bao gồm bốn hành vi:
• Đức Giêsu lấy bánh, lấy rượu: chuẩn bị lễ phẩm.
• Đức Giêsu tạ ơn Cha của Ngài: Đó là kinh nguyện Tạ ơn.
• Đức Giêsu bẻ bánh: Việc bẻ bánh.
• Đức Giêsu trao bánh, và trao rượu: Rước Lễ.
Vì thế làm “việc này” để tưởng nhờ Đức Giêsu không nhắm vào lúc rõ ràng nào đó trong trình thuật lập phép Thánh Thể như: Khi bị nộp và tự hiến chịu khổ hình… nhưng nơi cốt lõi của Phụng vụ Thánh Thể. Điều này cũng không phải làm lại những hành vi của quá khứ. Những hành vi phụng vụ Thánh Thể như “việc này” là những hành vi cho ngày hôm nay để được dâng lên cho Thiên Chúa Cha ngày hôm nay Mình và Máu Con của Ngài. Từ đó trở thành cho ngày hôm nay Của Lễ của linh mục và người tín hữu dâng lên cho Thiên Chúa Cha và qua Người Con lời chúc tụng trong một Thần Khí. Trong Kinh nguyện Thánh Thể IV, linh mục đọc: “vì vậy lạy Chúa, giờ đây (hôm nay) cử hành lễ tưởng niệm công trình cứu chuộc…”. Linh mục trung thành làm lại những điều Đức Giêsu nói và làm trong bữa Tiệc ly, linh mục đại diện Đức Kitô là “đầu của Thân Thể, tức là Giáo hội” (Cl 1,18) mà hôm nay cùng trao ban cho chúng ta với Ngài cho Thiên Chúa Cha.
Liên quan đến tường thuật lập bí tích Thánh Thể vấn đề đặt ra ở giây phút truyền phép, nghĩa là khi nào bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Đức Kitô? Theo Đông phương, kinh “Epiclesis” là lời truyền phép biến bánh rượu thành Mình Máu Đức Kitô. Theo Tây phương, tường thuật lập bí tích Thánh Thể mới là lời truyền phép.
Ai là người truyền phép?
Người ta vẫn thường cho linh mục là người truyền phép. Điều đó hoàn toàn không đúng. Kinh “Epiclesis” chứng tỏ vai trò linh mục chỉ đọc lời nguyện của cộng đoàn nài xin Chúa Cha sai Thánh Thần xuống trên lễ vật. Như vậy chính Thiên Chúa Cha nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần thánh hóa lễ vật và biến thành Mình và Máu Đức Kitô chứ không phải linh mục.
Cử chỉ vị linh mục nâng Bánh và Chén Thánh sau khi đọc lời truyền phép, để cho giáo hữu thờ lạy. Có nhiều mê tín dị đoan liên quan đến cử chỉ này, ví dụ người ta tin ai ngước nhìn lên bánh và chén, hôm đó sẽ không phải chết thình lình, nhà cửa và kho lẫm sẽ được bảo vệ khỏi hỏa hoạn. Vì thế khi linh mục nâng Chén và Bánh không cao đủ thì một số người than thở “xin nâng cao hơn”! Ngày nay, việc nâng Chén nhằm mục đích mời gọi giáo dân biểu lộ niềm tin vào sự hiện diện của Đức Kitô trong Thánh Thể và tôn thờ cách thầm lặng. Có thể rung chuông và để tỏ lòng tôn kính sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể, có thể xông hương mỗi khi nâng Bánh và Chén lên.
Tại sao rung chuông trong lúc này?
Trong lúc này, các giáo xứ thường hay giữ thói quen rung chuông. Chuông được rung lên trước khi vị chủ tế đọc trình thuật thiết lập phép Thánh Thể và sau những lời trên bánh và rượu. Theo nghi thức cổ xưa, việc rung chuông để nhắc nhở những anh chị em đang tham dự Thánh lễ chú ý đến giây phút vị chủ tế đọc trình thuật bữa Tiệc Ly, vì lúc bấy giờ các linh mục dâng lễ chỉ đọc thầm Kinh nguyện Thánh Thể. Ngày nay, việc rung chuông mang ý nghĩa đánh dấu lời kinh có giá trị. Dầu sao, việc rung chuông cũng giúp sự cho những anh chị em khuyết tật. Đối với những người khuyết tật tinh thần tiếng chuông dễ cho họ để ý hơn những lời đọc; những người có thị lực kém, tiếng chuông cũng giúp họ dễ dàng tham dự vào Thánh lễ hơn.
Một số nơi, khi vị chủ tế đọc lời truyền phép, nhà thờ đánh một tiếng chuông để cho những người đau ốm hay già cả đang sống chung quanh đó có thể hiệp thông tinh thần vào hành vi phụng vụ của cộng đoàn.
f. Tưởng niệm (anamnesis) là lời nguyện kế tiếp việc truyền phép
Sau khi đọc xong trình thuật lập phép Thánh Thể, linh mục xướng: “Đây là mầu nhiệm đức tin”, và cộng đoàn đáp: “Lạy Chúa chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”. Sau lời tín hữu tung hô, lời kinh được ghép vào lệnh truyền phải lập lại tác động, tức là câu kết của trình thuật thiết lập Thánh Thể: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Vì là tưởng niệm Thánh Thể, tức kỷ vật tri ân của Hội Thánh, cho nên kinh gợi nhớ kỷ niệm mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô như trong công thức cơ bản Tin Mừng của thánh Phaolô “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3-4), hay như trong sách Khải Huyền nói về con Chiên bị giết, hằng sống và chiến thắng.
Cụm từ “mầu nhiệm đức tin” mang ý nghĩa gì?
Trước Công đồng Vaticanô II, cụm từ “mầu nhiệm đức tin” đã thấy xuất hiện trong lời thánh hiến chén thánh “… calix sanguinis mei, novi et aeterni testamenti, - mysterium fidei – (mầu nhiệm đức tin), qui pro vobis …”. Từ này không thấy xuất hiện trong Tin Mừng, nhưng có thấy trong Tân Ước nơi thư thứ nhất gửi Timôthê 3,9: “Họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch”. Từ “mầu nhiệm đức tin” ở đây liên quan đến lời rao giảng, lời giảng dạy chứ không nói về việc cử hành Thánh Lễ. Theo các nhà chuyên môn, từ này như một huấn từ phụng vụ của các phó tế nhắc cho người tín hữu sự hoàn thành của việc thánh hiến; hoặc có thể một lời cảnh cáo nhắm đến những người thuộc phái nhị nguyên (Manikêô) từ chối không muốn rước lễ từ chén thánh…
Sau này, từ “mầu nhiệm đức tin” được rút ra khỏi công thức thánh hiến, vì nó không nằm trong Tin Mừng nên bị coi như không phải lời Chúa. Thế nhưng phụng vụ luôn tôn trọng truyền thống, cho nên cuối cùng từ “mầu nhiệm đức tin” được giữ lại và đặt sau lời thánh hiến. Từ “mầu nhiệm” mang ý nghĩa phong phú theo lời thư thánh Phaolô: “Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Kitô như tôi vừa trình bày vắn tắt trên đây. Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Đức Kitô thế nào. Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa… và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Ep 3,2-6; 9-11) … “vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,30-32).
Thánh Lễ không trình bày như một “mầu nhiệm” đặc biệt, nhưng như một bí tích chứa đựng kế hoạch cứu độ, và vì thế lời đáp trả cho sự tung hô “mầu nhiệm đức tin” đúng là lời tung hô “anamnesis”.
Từ “anamnesis” có ý nghĩa gì?
Đức Giêsu nói cho các bạn của Ngài làm “việc này” để nhớ đến Ngài. Từ Hy Lạp “anamnesis” có nghĩa “kỷ niệm”, “tưởng niệm”, dịch từ Kinh Thánh tiếng Hípri “zikkaron”. Khi Thiên Chúa ra lệnh cho ông Môsê và ông Aharon cử hành lễ Vượt Qua đầu tiên. Ngài kết thúc lời lệnh ban như sau: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm (zikkaron), ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời” (Xh 12,14).
Khi người Do Thái tưởng niệm biến cố ra khỏi Ai Cập, và khi người Kitô hữu tưởng niệm sự Phục Sinh của Đức Kitô, hai bên cùng có một hành vi đức tin: điều gì xảy ra trong quá khứ được đổi mới ngày hôm nay, và sẽ hoàn thánh vào ngày đã được hứa. Tưởng niệm đưa ta ở thời hiện tại, và cái hiện tại đưa ta đến tương lai:
• Vinh quang cho Ngài đã chịu chết: vì thế không thể có “anamnesis” nếu như không nhắc lại biến cố sáng lập.
• Vinh quang cho Ngài là Đấng hằng sống: vì thế không thể có “anamnesis” nếu như không có lời loan báo hiện tại của biến cố.
• Đức Giêsu, xin hãy đến: không thể loan báo “anamnesis” nếu như không có sự chờ đợi sự hoàn thành sung mãn của biến cố.
Ba điều trên diễn đạt cái nghịch lý của “anamnesis”. Đức Kitô hiện diện trong bánh và rượu được Thần Khí thánh hóa, và “anamnesis” giục mời người tín hữu ca: “Chúng con chờ đợi ngày Ngài đến trong vinh quang”. Thật thế, mầu nhiệm đức tin thật lớn lao. Ngày hôm nay nếu như Giáo hội cử hành sự Phục Sinh của Đức Chúa, vì Giáo hội chờ đợi một ngày sẽ cử hành sự Phục Sinh viên mãn. Trong Thánh Lễ, tất cả đều được trao ban cho chúng ta, và tất cả những gì trao ban cho chúng ta còn phải hoàn thành. Đó là đức tin của chúng ta: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1).
Tin Mừng Luca được khởi đầu với việc truyền tin cho ông Dacaria (= tưởng nhớ Thiên Chúa). Vợ ông là bà Êlisabét sinh một con trai, và người này sẽ sửa soạn cho Đức Chúa một dân tộc có thể tiếp đón Ngài. Ngày con trẻ được cắt bì, người ta đặt tên cho con trẻ là Gioan. Ông Dacaria vì nghi ngờ lời Thiên Chúa nên đã bị câm, và giờ đây mới tìm lại được tiếng nói và ông đã hát bài ca tạ ơn đúng theo khuôn mẫu của một “zikkaron” (Lc 1,68-79):
1. Thiên Chúa đã hành động trong quá khứ
Chúa sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước;
Chúa đã thề với tổ phụ Ápraham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù.
2. Thiên Chúa hành động thời hiện tại
Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta
3. Thiên Chúa sẽ hành động trong tương lai
Chúa soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.
Vì thế cho nên mọi phụng vụ Kitô giáo, và nhất là Thánh Lễ cùng khớp với nhau từ nơi ba điểm nêu trên. Quá khứ định hướng về hiện tại và tương lai. Hiện tại đặt nền tảng trên quá khứ và kêu gọi tương lai. Tương lai quy chiếu quá khứ và hiện tại.
“Anamnesis” vừa được toàn thể cộng đoàn ca hát dâng lên cho Con Chúa. Giờ đây, linh mục lấy lại ý nghĩa đó và dâng lên cho Chúa Cha với một lời kinh dâng hiến.
Trong việc dâng hiến chúng ta dâng lên cho Thiên Chúa như lời tạ ơn. Thiên Chúa Cha nhìn nhận qua đó như việc dâng hiến của giao ước mới nơi Đức Giêsu: “Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ, sự sống lại và lên trời vinh hiển của Con Chúa, đồng thời mong đợi Người lại đến, chúng con dâng lên Chúa hy lễ hằng sống và thánh thiện này để tạ ơn Chúa.
Chúng con nài xin Chúa đoái nhìn hiến lễ Hội Thánh dâng lên Chúa và khi Chúa nhận đây chính là Của lễ mà Chúa muốn hiến tế để nguôi lòng Chúa, xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa, và được tràn đầy Thánh Thần của Người, thì trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh Tạ ơn III).
Đây coi như điểm đỉnh lời tạ ơn của kinh nguyện. Của lễ đẹp nhất có thể dâng lên cho Thiên Chúa Cha chính là Của lễ của Con Ngài. Thật vậy Đức Giêsu trao trọn cuộc sống cho chúng ta, cho những bạn bè của Ngài và Ngài làm như vậy cho hạnh phúc của chúng ta: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
g. Dâng tiến (kinh cầu xin cùng Chúa Thánh Thần lần hai): xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên cộng đoàn để liên kết họ với nhau thành một thân thể duy nhất nhờ liên kết với Đức Kitô. Đức Kitô đã dâng trọn vẹn cuộc sống và Ngài kêu gọi những ai yêu thương Ngài cũng hoàn thành như vậy: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy… Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,14.17).
Kinh cầu xin cùng Chúa Thánh Thần lần thứ nhất trên lễ vật, nhưng Kinh “epiclesis” lần thứ hai này là trên cộng đoàn. Chúng ta trình diện không những Mình và Máu của Người “đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9,14), nhưng Chúng ta tự trình diện trước Thiên Chúa Cha và cầu xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta trở nên Của lễ sống động và thánh thiện cho vinh quang của Cha: “Nguyện xin Chúa Thánh thần làm cho chúng con trở nên của lễ muôn đời dâng tiến Chúa, để chúng con được thừa hưởng gia nghiệp cùng với các người Chúa đã chọn, nhất là Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa, các thánh Tông đồ, các thánh tử đạo hiển vinh, cùng với thánh … và toàn thể các thánh, vì chúng con tin tưởng các ngài luôn chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con” (kinh Tạ ơn III).
h. Chuyển cầu: Trong lời kinh chuyển cầu này dễ cho chúng ta cảm tưởng nhắc lại những lời cầu trong Lời Nguyện chung. Thật ra trong Lời Nguyện chung, Giáo hội khẩn cầu cho tất cả mọi người; và trong lời kinh chuyển cầu trong Kinh tạ ơn, Giáo hội cầu cho chính mình. Lời Nguyện chung đưa lòng trí người tín hữu cầu nguyện cho bên ngoài (ad extra); còn lời chuyển cầu ở đây đưa họ về bên trong (ad intra).
Giáo Hội dâng những lời nguyện xin cầu cho Đức Giáo hoàng, các Giám mục, linh mục và tất cả những ai dấn thân phục vụ dân Chúa. Cộng đoàn cũng cầu xin cho những người đã ly trần. Sau cùng cộng đoàn cầu nguyện cho những người hiện diện để họ được liên kết với Đức Maria và toàn thể các Thánh ở trên trời để chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa.
Không thể nào có Thánh Lễ nếu như không có hiệp thông với Giáo hội trần thế. Đức Giám mục Rôma cai quản Giáo hội hoàn vũ, với các Đức Giám mục địa phương, giữa các người đã lãnh nhận phép rửa để dân thuộc Thiên Chúa “rực sáng như dấu chỉ nói lên sự hiệp nhất và hòa thuận trong một thế giới bị xâu xé vì bất hòa” (kinh Tạ ơn - các dịp Hội họp I).
“Lạy Chúa, chúng con nguyện xin của lễ hòa giải này đem lại bình an và ơn cứu độ cho tất cả thế giới. Xin thương ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin và đức mến, cùng với tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng…, và Đức Giám mục… chúng con, cùng toàn thể hàng Giám mục, giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa.
Xin Chúa thương nhận lời cầu của gia đình mà Chúa đã muốn tụ họp trước tôn nhan Chúa đây. Lạy Cha nhân từ, xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi về với Cha” (kinh Tạ ơn III).
Không có Thánh Lễ nếu như không có sự hiệp thông với Giáo hội trên trời. Chúng ta không còn nhìn thấy được những người thân yêu đã qua đời, nhưng họ vẫn còn luôn hiện diện. Vì thế chúng ta cầu nguyện cho họ và với họ để Thiên Chúa của sự sống đón nhận họ trong ánh sáng của Ngài. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo mọi sinh linh, và những gì Ngài đã tạo nên Ngài không hủy bỏ nó. Cầu nguyện cho và với người qua đời là chúng ta nói lại rằng mình đợi “sự sống lại của kẻ chết và cuộc sống trong thế giới tương lai”: “Xin Cha thương đến anh chị em chúng con đã ly trần, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã sống đẹp lòng Cha mà nay đã lìa cõi thế. Xin thương nhận hết thảy vào Nước Cha, nơi chúng con hy vọng sẽ tới để cùng nhau tận hưởng vinh quang Cha muôn đời, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con, nhờ Người, Cha rộng ban mọi ơn lành cho thế gian” (kinh Tạ ơn III).
Cầu cho những người thân yêu đã ra đi, tức là chúng ta kéo mọi sự lên trên cao chứ không kéo về dưới đất: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).
Lời kinh chuyển cầu mang nguồn gốc Kinh Thánh?
Lời kinh chuyển cầu có nguồn gốc trong Kinh Thánh: Abraham cầu cho thành Sodome (St 18,22-32); Môsê xin Thiên Chúa tha thứ cho dân của Ngài (Xh 32,32; 33,13) và cũng chính Môsê đã cho dân chúng biết những lệnh truyền của Thiên Chúa (Xh 34,29-35). Ngôn sứ Giêrêmia đã cầu bầu cùng Thiên Chúa cho những người dân: “Đây là Giêrêmia, ngôn sứ của Thiên Chúa. Ông hằng yêu mến anh em đồng bào mình, cầu nguyện nhiều cho toàn dân và tất cả Thành Thánh” (2Mcb 15,14).
Trong Kinh nguyện Thánh Thể thường thấy nhắc đến các vị Thánh như Kinh Thánh nhắc lại lịch sử thánh. Việc nhắc lại các thánh như điều nâng sự tin tưởng của dân chúng nơi những lời Thiên Chúa hứa, như đọc thấy một loạt danh sách những nhân vật nổi tiếng trong sách Huấn Ca 44–50; những Thánh vịnh “lịch sử” 105 và 106; cũng như chương 11 trong thư gửi Do Thái nhắc chúng ta được “ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta” (12,1).
Sau này, trong Giáo hội sơ khai kinh nguyện thường nhắc đến những người qua đời, và từ đó suy tư về niềm tin về cuộc sống đời sau và mầu nhiệm các thánh thông công. Vì thế các lời kinh chuyển cầu dựa rất nhiều vào những câu khắc trên bia mộ xin bình an. Từ đó trong Kinh nguyện Thánh Thể có lời xin cho những người qua đời “được vào nơi vui vẻ, bình an và ánh sáng (locum refrigerii, lucis et pacis)”. Từ “refrigerium” thuở đầu chỉ định một bữa ăn huynh đệ gần ngôi mộ. Kinh nguyện Thánh Thể cầu bàu cho những “anh chị em nghỉ yên trong Đức Kitô” hay cho “những anh em được an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại” (Kinh nguyện II). Việc đồng hóa cái chết vào giấc ngủ đến từ Đức Giêsu (Mc 5,40; Ga 11,11), và thánh Phaolô (1Cr 11,30; 15,6.18.20; Ep 5; 14 và Tx 4,13.14).
Kinh nguyện Thánh Thể III có một lời nguyện chuyển cầu đặc biệt cho Thánh Lễ cầu hồn. Những lời nguyện đến từ Kinh Thánh:
Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại (Rm 6,5).
Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người (Pl 3,21).
Đón nhận họ vào Nước của Ngài (Lc 23,42-43)
nơi chúng con hy vọng sẽ tới để cùng nhau tận hưởng vinh quang Cha (Tv 16,15, bản Latinh Vulgate).
…khi Ngài lau sạch nước mắt chúng con (Is 25,8; Kh 7,17; 21,4)
chúng ta sẽ nên giống như Người,
vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy (1Ga 3,2).
Kinh Nguyện Thánh Thể được bắt đầu trong niềm hân hoan và kết thúc trong lời ca tụng hướng về Thiên Chúa Cha, qua Người Con và trong Thánh Thần. Đó là Vinh tụng Ca.
i. Vinh tụng ca: Theo tiếng Hy Lạp “Doxa” (vinh quang) “logos” = Lời. “Doxologia” là lời về vinh quang, một công thức cử hành vinh quang Thiên Chúa. Khi đọc hay hát lời vinh tụng, linh mục cũng cầm Bánh và Chén thánh nâng lên trong một cử chỉ hiến dâng. Cử chỉ diễn tả tiến trình vũ trụ hướng về cõi vĩnh cửu của Thiên Chúa. Có thể nói đây là giây phút quan trọng nhất trong Thánh Lễ, các lời nói và cử chỉ đều diễn tả rõ rệt Đức Kitô chịu hiến tế là Đấng được Chúa Cha ban tặng đồng thời được dâng lại cho Chúa Cha, nhờ tác động Chúa Thánh Thần để mưu ích cho toàn thể Hội Thánh.
Giữa lời ca tụng đầu và lời ca tụng cuối với Vinh Tụng Ca, Đức Kitô hiện diện trong bánh và trong rượu trở thành Mình và Máu Thánh. Vì thế, giờ đây linh mục được mời làm một hành vi dâng hiến hướng về Thiên Chúa Cha:
• Trong phần sửa soạn lễ phẩm, linh mục cầm chén và đĩa thánh, nâng lên cao một chút khỏi bàn thờ.
• Trong lúc đọc trình thuật lập phép Thánh thể, linh mục đưa cho cộng đoàn chiêm ngưỡng Bánh Thánh và Rượu Thánh.
• Giờ đây với Vinh Tụng Ca, linh mục cùng nâng thật cao đĩa thánh với Bánh Thánh và chén thánh.
Vinh Tụng Ca chỉ một mình linh mục đọc hay hát, và cộng đoàn đáp lại với tiếng “Amen”. Lời ca của linh mục và lời đáp Amen của cộng đoàn loan báo và diễn đạt lời tạ ơn.
Trong đoạn đầu kinh Tạ ơn, cộng đoàn chấp nhận lời ca tụng khi đáp trả “đúng vậy! thật là chính đáng loan báo những kỳ công của Thiên Chúa. Giờ đây Kinh Tạ ơn kết thúc với tiếng kêu: Amen! đúng thật, cho Thiên Chúa chúng ta mọi vinh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời”. Vinh tụng ca về Ba Ngôi Thiên Chúa như dấu chấm của Vinh tụng ca lớn và trang trọng là toàn bộ của kinh Tạ ơn: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Vinh Tụng ca đến từ thế kỷ thứ V như “một lời vinh quang” hay “tạ ơn”. Theo nghĩa rộng, Kinh Thánh có nhiều lời tạ ơn đến từ Thánh vịnh, những lời chúc, những tung hô, những thánh thi của Môsê, Đavít, Giuđít, Tôbia v.v…Theo nghĩa hẹp, Vinh tụng ca thường được coi như một thánh thi ngắn gọn, một lời tạ ơn cô đọng. Trong Tân Ước có rất nhiều thể loại văn chương này: Rôma 9,4; 11,33-36; 16,25-27; Êphêsô 3,20-21; 1Timôthê 1,17; 6,15-16; Do Thái 13,20-21; 2Phêrô 3,18; Giuđa 24-25 v.v… Vinh tụng ca còn thấy rất nhiều trong sách Khải Huyền nói về cuộc sống trên trời như một phụng vụ tạ ơn trang trọng (1,6; 4,11; 5,9-13; 7,10-12 v.v… Vinh tụng ca trong Thánh lễ cũng cùng một thể loại văn chương như trên và mang nét hài hòa trong cấu trúc.
1. Chính nhờ Người, với Người và trong Người… Từ “Người” chỉ định Đức Kitô. Đức Kitô-trung gian (1Tm 2,4; Dt 8,6; 9,15) Trong Tin Mừng Gioan Ngài đã tự khẳng định: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời…” (3,15) “… Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (14,6). Thánh Phaolô cũng thường dùng giới từ tiếng Hy Lạp “dia = nhờ” để chỉ định Đức Kitô-trung gian “Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ” (Rm 1,5); “Trước hết, nhờ Đức Giêsu Kitô, tôi tạ ơn Thiên Chúa của tôi về tất cả anh em, vì trong khắp hoàn cầu, ai ai cũng đều nói đến lòng tin của anh em” (Rm 1,8).
Từ “với” và “trong” (tiếng Hy Lạp “sun” và “meta”) có nghĩa phong phú trong Kinh Thánh. Khi Thiên sứ nói với ông Gêđêôn “Thiên Chúa ở với anh, Chào chiến sĩ can trường” (Tp 6,12); cũng như trong Lucac 1,28 khi Thiên sứ Gabriel chào Đức Maria. Đức Giêsu dùng từ này trong những hoàn cảnh quan trọng “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,14). Với người trộm lành “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Khi chia tay cùng các môn đệ để về trời “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha cho các môn đệ “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24).
Thánh Phaolô cũng dùng từ “với” cho người đồng hành bí ẩn với Đức Giêsu qua cái chết: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu. Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (1Tx 4,14-17). “Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần” (Pl 1,23). Thánh Phaolô đôi lần đã dùng động từ với từ “với = sun” diễn đạt sự hiệp thông sâu thẳm của chúng ta vào mầu nhiệm Đức Kitô: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi. Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,4-8; x. Cl 2,12-13.20; 3,1.3-4). Điều này có vẻ thụ động, nhưng thánh Phaolô cũng nhấn mạnh chúng ta trở nên những người thợ với Thiên Chúa (1Cr 3,9; 2Cr 6,1). Trong Tin Mừng Máccô 16,20: “Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Vì thế, “Với Người” mang ý nghĩa chúng ta tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô và trở nên người cộng tác vào công trình của Ngài. Với Người chúng ta được thánh hiến hy sinh và với Người chúng ta dâng của lễ tư tế.
“Trong Người”. Thánh Phaolô dùng cụm từ “trong Đức Giêsu Kitô” tất cả 164 lần, nhưng mang ý nghĩa chung chung như “hợp với Kitô giáo” qua câu “an giấc trong Đức Giêsu” (1Tx 4,14), “lên tiếng trước mặt Người, trong Đức Kitô” (2Cr 2,17); “một người trong Đức Kitô” là một Kitô hữu (2Cr 12,2). Đôi khi ngược lại, “trong Đức Giêsu Kitô” có một ý nghĩa giống như từ ngữ “bởi Đức Kitô”. Đó là trường hợp trong thư gửi tín hữu Êphêsô 1,3.6.7.9.11.13 v.v…
Từ “trong Người” cũng tìm thấy trong Tin Mừng Gioan chỉ định một kết hiệp thâm sâu và hỗ tương đi đến sự hiệp nhất: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14,20). “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn… Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,2.4). Cụm từ mang cùng ý nghĩa cũng thấy trong thư thứ nhất Ga 1,5-6; 2,27-28; 3,24; 6,4.12.13.15.16. Ngoài ra, thánh Phaolô cũng có dùng tới “thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,5). “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5,17). Đến sau các từ “nhờ Người, với Người”, từ “trong Người” gợi hoa quả tối hậu của Thánh Lễ là sự hiệp nhất của mọi Kitô hữu trong Đức Kitô.
2. “Quy về Chúa là Cha toàn năng”. Trong Kinh Thánh không có cụm từ nào giống như trên. Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli bắt đầu với lời tuyên xưng đức tin “một Thiên Chúa là Cha toàn năng”; và kinh Tín biểu các Tông đồ tuyên xưng “trong Thiên Chúa, là Cha toàn năng”. Nhưng vai trò của công thức này trong Vinh Tụng Ca là gì ? Nhiều Vinh Tụng Ca thường để chung Ba Ngôi Vị với nhau “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Sách Khải Huyền cũng ca tụng vinh quang “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” (5,13; 12,10). Vinh Tụng Ca trong Thánh Lễ phân biệt chỗ đứng của mỗi ngôi vị trong kế hoạch cứu độ. Người Con được nêu lên trước hết vì Ngài mạc khải Thiên Chúa Cha, dẫn đưa chúng ta về cùng Cha và hòa giải chúng ta với Cha. Nhưng lời vinh tụng ca cuối cùng hướng về Thiên Chúa Cha. Thánh Lễ là một hy lễ dâng cho vinh quang Thiên Chúa Cha, nhờ, với và trong Đức Kitô là vị tư tế.
3. “Trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần”. Kinh Thánh có những công thức gần giống như trên như trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (4,3). “Xin tôn vinh Người trong Hội Thánh và nơi Đức Kitô Giêsu đến muôn thuở muôn đời” (3,21). Lời này đã gợi hứng cho kinh nguyện Thánh Thể của thánh Hippolyte. Đây là một kinh nguyện Thánh Thể cổ xưa nhất và là mẫu cho Kinh nguyện Thánh Thể II ta có ngày hôm nay. Trong Kinh đó, sau phần “epiklesis” lời kinh tiếp như sau … “Xin gửi Chúa Thánh Thần trong của lễ của Hội Thánh… hầu để chúng con ca tụng và tôn vinh nhờ con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, … với Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh, bây giờ và mãi mãi. Amen”. Thế nhưng, ý nghĩa “trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần” trong Vinh Tụng Ca có phần rõ ràng hơn lời kinh Hippolyte, vì Vinh Tụng ca là hành vi Giáo hội hiệp nhất bởi Chúa Thánh Thần.
Ngoài ra “trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần” cũng có thể hiểu như sự hiệp nhất của Ba Ngôi Vị; hoặc vai trò của Chúa Thánh Thần hiệp nhất Cha và Con vì cả hai đều có Tình yêu. Công thức này rất quan trọng, cho nên không những nằm ở cuối Kinh Nguyện Thánh Thể, nhưng còn thấy trong tất cả các kinh nguyện của Giáo hội được khai triển từ thế kỷ thứ IV để chống lạc giáo Ariô.
4. “Mọi danh dự và vinh quang”. Hai từ này thường thấy xuất hiện trong các vinh tụng ca Kinh Thánh. Trong sách Đanien (7,14) được dành cho “Con người” “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong”. Trong thư Phaolô “danh dự và vinh quang được dành cho Thiên Chúa Cha: “Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô. Amen” (Rm 16,27); và trong thư thứ nhất gửi Timôthê 1,17 “Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men”.
Tóm lại, Vinh Tụng Ca trong Thánh lễ được gợi hứng từ các vinh tụng ca trong Tân Ước, vì thế lời kinh hài hòa, đầy đủ và phong phú. Dù lời kinh ngắn ngủi nhưng như kinh Tin Kính nhắc nhở trật tự mầu nhiệm Ba Ngôi được mạc khải, và bằng cách nào hy lễ của chúng ta quy chiếu về Ba nhân vị.
IV. Nghi Thức Hiệp Lễ
Hiệp lễ coi như kết quả của cuộc cử hành và là chóp đỉnh tham dự của người giáo dân. Phần hiệp lễ được sữa soạn với những nghi thức và kết thành một loạt với những đơn vị được sắp xếp.
Trong Phụng vụ Thánh Thể, Giáo hội tưởng niệm bữa Tiệc ly của Đức Giêsu bằng cách làm lại bốn hành vi:
• Lấy bánh và rượu: sửa soạn lễ phẩm.
• Tạ ơn Thiên Chúa: trong kinh Tạ ơn.
• Bẻ bánh
• Trao ban bánh và rượu: rước lễ.
Trong Nghi thức Hiệp Lễ chúng ta sẽ làm lại hai hành vi cuối.
Cử hành giao ước mới trong máu của Đức Kitô sẽ chưa được hoàn toàn nếu như sự hiến dâng của Đức Kitô không được tiếp nối bằng việc rước lễ. Chính tại điểm này hiến lễ được trao ban cho chúng ta như của ăn.
Trong mỗi Thánh Lễ, linh mục rước Mình và Máu Đức Kitô. Nhưng lệnh của Đức Kitô: “cầm lấy mà ăn… cầm lấy mà uống” (Mt 26,26-27) được gửi cho mọi tín hữu. Mỗi người xét mình và tiến lên bàn thánh để rước Mình và Máu Đức Kitô để trở nên ngày một hơn Thân Thể thiêng liêng của Ngài.
Trong cơ cấu Thánh Lễ hiện tại, cơ cấu nội tại của nghi thức kinh Lạy Cha được phân chia dưới hình thức đối thoại gồm bốn phần: 1. Lời kêu mời của chủ tế cho một kinh nguyện đại đồng. 2. Tất cả cộng đoàn đọc hoặc hát kinh Lạy Cha. 3. Vị chủ tế khai triển thêm ý nguyện cuối cùng xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. 4. Dẫn đến ý tưởng hạnh phúc ngày Cánh chung được hoan hô bằng câu tán tụng ca do toàn dân đáp.
1. Kinh Lạy Cha
Sau Vinh Tụng Ca, linh mục đặt chén thánh và đĩa thánh xuống và mời gọi: “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng” (bản dịch Việt ngữ). Trước đây, sách Lễ Rôma có một lời mời gọi nhập đề cho kinh Lạy Cha rất gần với bản trong phụng vụ Byzantine (Đông phương) “xin cho chúng con xứng đáng, ôi lạy Chúa, can đảm với sự tin chắc và không chuốc lấy sự trừng phạt, kêu Ngài là Cha, là Chúa trời và nguyện rằng : Lạy Cha…”. Lời kinh xác định chúng ta dám gọi Thiên Chúa là Cha. Quan niệm thường thấy trong Tân Ước mang tên “parrhèsia”. Từ Hy Lạp có nghĩa nói thẳng, tự do nói và thường được dịch: táo bạo, cởi mở, tin tưởng… Trong Tin Mừng Gioan, từ “parrhèsia” chỉ định việc tỏ ra “vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu ông làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết” (7,4). “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở” (16,25). Nó cũng có nghĩa táo bạo trong việc rao giảng (Cv 4,29; Ep 6,19). “Parrhèsia” cũng được áp dụng cho việc đi tới Thiên Chúa bằng kinh nguyện: “Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa” (Ep 3,12). “Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,16). “Lý do khiến chúng ta được mạnh dạn trước mặt Thiên Chúa, đó là: Người nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người” (1Ga 5,14).
Sau Công đồng Vaticanô II còn có thêm một công thức khác làm câu nhập đề cho kinh Lạy Cha: “Hiệp nhất trong một Thần Khí, chúng ta có thể nguyện với lòng tin tưởng lời kinh nhận lãnh từ Đấng cứu độ”. Phần đầu câu nhập đề kết nối với Vinh Tụng Ca “trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần” và khẳng định nơi đây lòng tin tưởng của chúng ta được đặt trên sự kiện kinh nguyện của ta mang chiều kích cộng đoàn “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19). Giáo phụ Cyprianô nhận định trong bài diễn giải về kinh Lạy Cha như sau: “Kinh nguyện của chúng ta công cộng và cộng đoàn, và khi chúng ta cầu nguyện, không phải cho một người, nhưng cho toàn dân, tại vì chúng ta là toàn thể dân chúng chỉ là một”.
Chúng ta thấy rõ kinh Lạy Cha có một vị trí ưu tiên trong phụng vụ. Trong Thánh Lễ, chúng ta hát kinh Lạy Cha sau khi kết thúc kinh Tạ Ơn. Sau khi đã giao hòa với Chúa Cha nhờ lễ phẩm mới là Mình và Máu Đức Kitô, cộng đoàn ngỏ lời với Chúa Cha trong cùng một tâm tình như Đức Giêsu (Ga 20,17), và theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (Rm 8,15). Kinh Lạy Cha được đưa vào Thánh Lễ để chuẩn bị rước lễ đã có trong truyền thống Rôma khoảng từ thế kỷ thứ 4. Sở dĩ kinh này được dùng để chuẩn bị rước lễ vì những lý do sau đây:
Trước hết kinh có lời cầu xin Chúa ban cho lương thực hằng ngày. Lương thực không những ám chỉ các nhu cầu vật chất, còn ám chỉ lương thực Thần linh là Thánh Thể, dấu chỉ tượng trưng cho tiệc Cánh chung trong nước Thiên Chúa.
Kinh Lạy Cha cũng xin ơn tha tội để tâm hồn được trong sạch hầu xứng đáng tham dự vào tiệc Thánh. Kinh Lạy Cha còn mời gọi tín hữu tha thứ lỗi lầm cho nhau và giao hòa với nhau, điều kiện và hiệu quả của việc tham dự vào bí tích Thánh Thể: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”.
Với kinh Lạy Cha, chúng ta thưa lên Thiên Chúa “Lạy Cha Chúng con”. Từ “chúng con” thường được hiểu như linh mục với các tín hữu. Ở đây từ này còn ý nghĩa thâm sâu hơn, vì “chúng con” là cộng đoàn tín hữu đang cầu nguyện với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu. Trong suốt kinh Tạ Ơn, cộng đoàn làm cùng Của Lễ với Người Con, vì thế với kinh Lạy Cha, họ cùng cầu nguyện với Người Con.
Phụng vụ lấy kinh Lạy Cha theo văn bản Mátthêu 6,9-13: Có tất cả ba lời cầu cho Thiên Chúa, và bốn lời cầu cho trần thế. Người tín hữu sửa soạn lên rước Mình và Máu Thánh Chúa cố gắng đi vào lời kinh Lạy Cha, và để cho Thần Khí nói trong lòng họ những lời làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha:
Lạy Cha chúng con ở trên trời
Chúng con nguyện danh Cha cả sáng,
Nước Cha trị đến,
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
và tha nợ chúng con
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con;
xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
Kinh Lạy Cha kết thúc nhưng không đọc Amen, tại vì lời kinh kết thúc với “sa chước cám dỗ” và “sự dữ”. Sách Didachè (Giáo thuyết của Mười hai Tông đồ) được soạn vào khoảng cuối thế kỷ thứ I cũng kết thúc kinh Lạy Cha với một Vinh Tụng Ca mà chúng ta còn thấy trong một vài thủ bản cổ theo Tin Mừng Mátthêu. Giáo hội Tin Lành và Giáo hội Đông phương vẫn đọc kinh Lạy Cha với phần Vinh tụng ca.
Chúng ta thấy cái phong phú của phụng vụ. Khi bắt đầu lời kinh Tạ ơn, kinh Sanctus mời gọi tung hô Đấng được gọi ba lần thánh. Đó là “Đức Chúa, Thiên Chúa vũ trụ” (Is 6,3), Đấng toàn năng. Khi bắt đầu nghi thức hiệp lễ, kinh Lạy Cha mời gọi ta làm con với Người Con trong cùng một con tim gần gũi với nhau.
Kinh Lạy Cha mang nguồn phong phú vô tận:
Lạy Cha chúng con. Thánh Lễ mời gọi chúng ta cử hành Thiên Chúa Cha, nhất là trong kinh Tạ ơn.
Ở trên trời. Kinh Vinh Danh “vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”. Kinh Sanctus ca vang “Hosanna (hoan hô) Chúa trên các tầng trời”.
Chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Ngài là “Thánh! Thánh! Thánh!” như lời kinh Sanctus của Thiên Chúa vũ trụ. Kinh Tạ ơn II nói: “Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện”.
Nước Cha trị đến. “Chúc tụng Đấng (tức là Đấng Mêsia) ngự đến nhân danh Đức Chúa” để thiết lập triều đại công chính và hòa bình của Ngài.
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. “Được Thiên Chúa Cha gửi đến để cứu chữa và cứu chuộc loài người”. Đức Giêsu làm theo ý Thiên Chúa Cha, chấp nhận chết trên thập giá để giải thoát chúng ta.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Trong Thánh Lễ có nhiều lời cầu xin cho tất cả những ai đang đói khát và không có gì cho tương lai.
Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Đó là ý chí muốn trở thành dấu chỉ tha thứ và tình thương của chúng ta. Chúng ta thể hiện bằng cách trao ban sự bình an cho nhau.
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Đấng tha thứ những tội lỗi của chúng ta trong phần sám hối, cũng là Đấng giữ gìn chúng ta khỏi những mánh lới của sự Ác. “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31).
Thế nhưng có hai lời xin trong kinh Lạy Cha cần được nhấn mạnh, vì hai lời xin đó mở đưa chúng ta vào nghi thức hiệp lễ.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày: Đức Giêsu dạy chúng ta xin bánh nuôi dưỡng thân xác hằng ngày. Người tín hữu sắp lên rước lễ thấy trong lời xin này như bánh nuôi dưỡng ta mãi mãi: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
Và tha nợ chúng con… Trước khi rước bánh sự sống, chúng ta cần kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa. Tình âu yếm của Thiên Chúa tốt lành đã được chúng ta kêu xin trong phần sửa soạn sám hối, trong lúc khai mào cử hành Giao ước. Một lần nữa chúng ta lại xin nơi đây khi chúng ta sắp rước Mình và Máu của Đấng trao ban làm hy lễ: “lễ vật thanh khiết, lễ vật thánh thiện, lễ vật tinh tuyền, bánh thánh ban sự sống vĩnh cửu và chén cứu độ muôn đời” (kinh Tạ ơn I).
Tư thế nào khi đọc Kinh Lạy Cha?
Sách lễ Rôma cho biết vị chủ tế dang tay khi đọc kinh Lạy Cha, nhưng không nói gì đến các vị đồng tế hay cộng đoàn. Trong Phụng vụ đặc trưng ở miền trung châu Phi còn được gọi “nghi thức xứ Zaire”, mọi người dâng lễ đều giơ tay lên trời khi đọc các lời nguyện hay khi đọc kinh Lạy Cha. Hành vi này rất cổ xưa. Trong truyền thống kinh nguyện của các Kitô hữu tại Rôma, người ta giơ tay khi đọc lời cầu nguyện như hình được thấy in trong hang toại đạo Priscille. Trong đó có hình ảnh một người đàn bà đang giơ tay cầu nguyện. Đây là một tư thế rất đẹp, dấu chỉ cầu nguyện và hướng về Chúa.
2. Kinh khẩn xin (embolismus)
Tiếng Hy Lạp “embolismus” có gốc “em-ballein” = đặt vào trong, xen vào giữa. Từ chỉ tháng nhuận, thêm vào năm âm lịch theo những khoảng thời gian tương đối đều đặn, bù sự chênh lệch giữa dương lịch với âm lịch.
Trong phụng vụ, lời nguyện phụ xen giữa hai lời nguyện khác. Trong thực tế, từ ngữ chỉ lời nguyện sau kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ nhằm triển khai ý nguyện cuối: “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ...” để cầu xin ơn bình an cho những ngày đang sống và để biểu lộ niềm hy vọng hồng phúc về ngày Chúa đến trong vinh quang. Cuối lời nguyện phụ, cộng đoàn tung hô: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời”. Lời tung hô ban đầu được đặt tiếp liền với Kinh Lạy Cha để tránh lời kết thúc đề cập đến sự dữ.
Các lời nguyện sau đây cũng được gọi “lời nguyện phụ”: Lời nguyện cầu cho người qua đời được xen vào kinh Tạ ơn II và III: “Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là … mà (hôm nay) Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa, thì cũng được sống lại như Người”. Cũng vậy các lời nguyện khai triển kinh Communicantes và hanc Igitur mà trong một vài dịp nào đó, được thêm vào trong Lễ Quy Rôma (kinh Tạ ơn I) như trong Lễ Giáng sinh và suốt tuần bát nhật: “Hiệp thông cùng Hội Thánh, chúng con mừng ngày (đêm) cực thánh là ngày Đức Maria đã sinh Đấng Cứu Thế cho trần gian mà vẫn trinh khiết vẹn tuyền, và chúng con kính nhớ…”.
Vì thế sau kinh Lạy Cha, linh mục đọc tiếp kinh “embolismus” với lời xin bình an cho ngày hôm nay, cũng như được bảo đảm trước những thử thách sẽ đến sau này: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con”.
Lời cầu xin bình an loan báo trước nghi thức chúc bình an. Lời xin được bảo đảm an toàn khỏi mọi biến loạn hướng về thời cánh chung. Người tín hữu khi rước Mình và Máu Đức Kitô, đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, vì “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2,12-13). Chúng ta không cầu nguyện cho hạnh phúc dưới trần gian, nhưng cầu nguyện để không bị bỡ ngỡ với những thử thách đến trước thời cánh chung: “Khi người ta nói: Bình an biết bao, yên ổn biết bao!, thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được” (1Tx 5,3).
Ngày đó là ngày vui và ngày giải phóng, những người con yêu dấu của Thiên Chúa Cha sẽ được dẫn đến triều đại của Ngài, đi vào quyền năng và vinh quang Ngài như lời Vinh Tụng Ca tung hô đi theo sau kinh Khẩn Cầu: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời.”
Sau lời kinh của Đức Giêsu, chúng ta lại dâng một kinh nguyện cho Thiên Chúa do linh mục đọc nhân danh cộng đoàn. Và sau khi nhắc lại lời Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Giáo hội xin Thiên Chúa đừng nhìn đến những thiếu sót của chúng ta nhưng xin nhìn đến đức tin của chúng ta. Giáo hội xin ân sủng của sự hiệp nhất vì nơi nào có bình an, nơi đó có sự hiệp nhất.
“Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông đồ rằng: Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa. Xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời”.
Khi Đức Giêsu sinh ra, các thiên thần đã ca hát sự bình an: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Khi Đức Giêsu sống lại, Ngài đã đến ban sự bình an cho các môn đệ đang đóng kín cửa nhà của họ: “bình an cho các con” (Ga 20,19). Bình an là ân sủng tối ưu của Đấng Mêsia Thiên Chúa: “Ngài làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).
“Xin đừng chấp tội chúng con”: đừng nhìn đến trong con những gì làm cản trở sự bình an, nhưng hãy nhìn đến đức tin của Giáo hội muốn yêu thương: “chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18). Như thế trước nhan Thiên Chúa, Giáo hội mới được tâm hồn bình an: “Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự” (1Ga 3,19-20).
3. Chúc bình an
Vì thế nghi thức chúc bình an gồm có lời nguyện xin ơn bình an, lời nguyện công khai duy nhất dâng lên Đức Kitô trong Thánh Lễ, tiếp đó linh mục và các tín hữu chúc bình an cho nhau, cuối cùng kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, kết thúc bằng lời cầu “xin ban bình an cho chúng con”.
Một khi đã được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau, nhờ tái diễn hy lễ của Đức Kitô, và một khi đã cùng nhau hát kinh Lạy Cha và theo chiều hướng ý nguyện thứ năm: “Và tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”, các tín hữu có thể trao cho nhau bình an trước khi đóng ấn mối quan hệ giữa họ với nhau qua việc hiệp lễ. Bình an là hoa trái tuyệt hảo của mầu nhiệm Vượt Qua (Ga 14,27; 20,19.20.26).
Để chuẩn bị hành động đầy ý nghĩa bác ái giao hảo này, nhân danh cộng đoàn, chủ tế lớn tiếng đọc “Oratio ad pacem”: Cầu xin bình an và hiệp nhất cho Hội Thánh, cho tất cả gia đình nhân loại. Sau lời Amen của toàn thể, chủ tế chúc bình an cho họ và cộng đoàn đáp chúc lại. Vì công thức này thật ra chưa phải là một lời thỉnh mời trao đổi, nên liền sau đó phó tế hoặc vị chủ tế còn thêm: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”.
Theo truyền thống, cử chỉ hoặc dấu hiệu bình an là cái hôn chúc bình an. Tự nó, cái hôn đã rất có ý nghĩa, nhưng vì không phải ở đâu cũng quen cử chỉ ấy, nên có thể sử dụng nhiều cách chúc bình an khác. Trong vấn đề này, thái độ tinh tế và kính trọng những tập quán của người khác chính là dấu hiệu chúc bình an tốt nhất.
Bình an chúng ta trao cho nhau không phải bình an của chúng ta, nhưng của Thiên Chúa: “Thầy ban bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Chúng ta trao bình an của Đức Kitô, tức là chúng ta nói với nhau chỉ có Thần Khí của Đấng Sống Lại mới có thể xé bỏ hàng rào ngăn cách chúng ta. Vì thế, không có chi là bất lịch sự khi mình chúc bình an đến người bên cạnh cho dù mình không biết người đó.
Bình an mang dấu chỉ của sự hiệp nhất và bác ái, vì thế khi chúc bình an có thể không cần nói điều gì, nhưng nên nói lời chúc “bình an của Đức Kitô”. Chúng ta thấy nhiều khi ở đây có những nơi đã làm tăng vẻ long trọng và niềm vui với một bài hát kéo dài nói về lời chúc bình an, nhưng thật sự không cần thiết. Vì sau nghi thức này chúng ta lại được mời gọi ca lên bài hát “Chiên Thiên Chúa”. Đây là bài hát đồng hành với việc bẻ bánh, và cũng là một bài ca hòa bình.
Trong Giáo hội tiên khởi, lời chúc bình an dường như một hành vi riêng của người Kitô hữu “Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện. Mọi người thuộc dân thánh ở đây gửi lời chào anh em” (2Cr 13,12). Và phụng vụ lấy lại lời chúc này đưa vào buổi phụng vụ. Lời hôn chúc mang ý nghĩa hai tâm hồn hiệp ý và hiệp lòng, giống như lời Đức Giêsu: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Một cái hôn hòa giải, trở nên thánh thiện như lời thánh Phaolô trong thư 1Côrintô 16,20: “Anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện”, và thánh Phêrô trong thư 1Phêrô 5,14: “Anh em hãy hôn chào nhau trong tình yêu thương. Chúc tất cả anh em, những người đang sống trong Đức Kitô, được bình an”.
4. Cử chỉ bẻ bánh
Trong lúc cử hành Thánh Lễ, sau lời chúc bình an, đang khi đọc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, chủ tế bẻ bánh Thánh Thể. Bẻ bánh là một cử chỉ chuẩn bị hiệp lễ, cần thực thi với lòng sùng kính đặc biệt, vì lặp lại cử chỉ của Chúa. Tính cách biểu tượng của cử chỉ này được nhấn mạnh qua ba lần kêu cầu Chiên Thiên Chúa, Đấng đã nộp mình vì chúng ta, Đấng chúng ta hưởng dùng như là Chiên Vượt Qua mới.
Bẻ bánh còn là một trong những danh xưng cổ nhất để chỉ về Thánh Thể: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Lc 24,35; Cv 2,42; 20,7). Việc bẻ bánh mang ý nghĩa gì? Bẻ bánh còn được coi như sự chia sẻ, một hành vi bác ái huynh đệ và cho người nghèo “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58,7). “Bé thơ măng sữa, vì quá khát, nên lưỡi dính với hàm; còn đám trẻ nhỏ đòi ăn bánh, nhưng nào có ai cho” (Ai Ca 4,4). Và chúng ta chia sẻ bánh với những người có tang chế để an ủi họ (Gr 16,7)
Theo nghi thức bữa ăn của người Do Thái, sau khi đọc lời chúc tụng, vị chủ tọa bẻ bánh chia cho các thực khách. Đức Giêsu đã thi hành những cử chỉ này trong hai lần Ngài làm cho bánh hóa nhiều (Mt 14,9; 15,36; Ga 6,11), và lúc Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể (Lc 22,19). Từ đó nghi thức bẻ bánh trở thành biểu tượng để chỉ Đức Kitô Người tôi trung dâng hiến mạng sống mình để chúng ta được sống dồi dào: Người tự trao nộp để được bẻ ra (qua đau khổ) và phân phát cho mọi người. Như vậy bẻ bánh trở thành động tác cốt lõi của phụng vụ Kitô giáo (Cv 2,46; 20,7.11; 27,35). Bẻ bánh biểu tượng hiệp nhất như thánh Phaolô ghi trong thư 1Côrintô “Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào thân thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh và tất cả chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (10,16-17). Bẻ bánh trong Thánh Lễ đồng tế càng cần thiết và ý nghĩa hơn: một tấm bánh Thánh Thể duy nhất, phân phát cho các vị đồng tế và ít là vài tín hữu, sẽ diễn tả biểu tượng hiệp nhất rõ ràng hơn.
5. Hòa lẫn Mình và Máu Thánh
Trong phần nghi thức Hiệp lễ, sau lời chúc bình an Cha chủ tế sẽ bẻ bánh trên đĩa thánh và lấy một miếng nhỏ bỏ vào chén rượu và đọc thầm: “Xin cho việc hòa Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con mà chúng con sắp lãnh nhận đem lại cho chúng con sự sống muôn đời”. Quy chế sách lễ Rôma không giải thích tập tục này nên nhiều người cảm thấy không cần thiết hoặc không hiểu rõ ý nghĩa cho lắm nhưng lại đồng ý giữ vì muốn trung thành theo truyền thống xưa cũ. Theo các nhà chuyên môn về phụng vụ, tập tục này được hiểu nhiều cách:
• Người ta nghĩ rằng lúc ban đầu, trong Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành một mẩu bánh Thánh được giữ lại và mang cho các linh mục ở Rôma. Những vị này vì lo việc mục vụ nên không thể tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha chủ tế. Cử chỉ trên biểu lộ tính cách hiệp nhất của Linh mục đoàn ở Rôma với vị chủ chăn của Giáo Hội.
• Những mẩu bánh Thánh được lưu trữ dành cho những người hấp hối. Khi những mẩu bánh trở nên khô cứng và người ta phải thay đổi, và để dùng dễ dàng hơn nên người ta làm cho mềm ra bằng cách thấm vào Rượu Thánh.
• Có lối cắt nghĩa khác dựa vào biểu tượng: Bánh và Rượu biểu trưng Mình và Máu Đức Kitô. Trên bàn thờ Bánh và Rượu được để riêng ra nhưng khi cả hai được trộn chung vào Chén mang ý nghĩa “Sự Phục Sinh đã nối kết mãi mãi cho cuộc sống vĩnh cửu tâm hồn và thể xác Đức Kitô”. (Lucien Deiss, La Messe, Paris 1989).
6. Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa
Đây là lời tung hô Đức Kitô, hát ba lần liên tiếp vào lúc bẻ bánh trong Thánh Lễ. Thực ra, đây chỉ lập lời cầu khẩn trong kinh Vinh Danh. Công thức này lấy lại những lời ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu khi Người đến chịu phép rửa tại sông Giođan: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Ngoài ra lời kinh còn nói lên hy lễ của Người Tôi Tớ đau khổ như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo (53,4.6.7).
Kinh này mang ý nghĩa gì?
Khi người Do Thái cử hành Lễ Vượt Qua trước khi Đền Thờ Giêrusalem bị phá hủy, họ dùng bữa ăn ở nhà. Trong bữa ăn đó, họ ăn thịt chiên vừa mới bị giết hôm chiều ở Đền Thờ. Máu dâng lên Thiên Chúa, đùi chiên bên phải dành cho tư tế và phần còn lại của gia chủ.
Khi đến ngày “bánh không men, ngày phải sát tế chiên Vượt Qua”, và “Đức Giêsu ngồi vào bàn tiệc cùng với các tông đồ” (Lc 22,7.14), Đức Giêsu không lựa chọn chiên Vượt Qua của người Do Thái để chỉ đến sự hiện diện của Ngài, nhưng lại lựa chọn bánh không men và chén rượu.
Từ đó, Chiên Vượt Qua trở nên Đấng đã đổ máu mình một lần trên thập giá vào ngày thứ sáu Tuần thánh. Ngài hiện diện dưới hình thức bánh và rượu mỗi khi chúng ta cử hành tưởng niệm Ngài. Vì thế khi chúng ta hát “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” không có nghĩa một con chiên đẫm máu bị giết, nhưng bánh Con Chiên không vết xóa tội lỗi thế gian.
Hy lễ Đức Giêsu trên Thập giá là duy nhất, nhưng Đấng Sống Lại không ngừng trao ban cho Thiên Chúa Cha và cũng trao cho chúng ta thân thể và máu Ngài. Ngài chính là Con Chiên Giao ước mới được sát tế và được chia sẻ cho tất cả người anh em trong sự chờ đợi yến tiệc vĩnh cửu: “Người vào đó, không phải để dâng chính mình làm của lễ nhiều lần, như vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài khác mà vào cung thánh. Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình. Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người” (Dt 9,25-28).
Trong nhạc Grêgôriô, cũng như trong truyền thống Thánh Lễ ngày xưa, kinh này là một đoản khúc đầy cảm kích và diễn tả lòng khiêm tốn chứa chan tình yêu mến. Các nhà sáng tác nhạc luôn quan tâm đến khía cạnh đó. Kinh được đưa vào Thánh Lễ theo nghi thức Rôma hồi đầu thế kỷ thứ VII.
Có khi người ta trưng bày hình tượng Chiên Thiên Chúa trên bàn thờ hay nơi nào khác ở nhà thờ vào thứ bảy trong tuần lễ áo trắng, thứ bảy trong tuần bát nhật Phục Sinh. Bát nhật đến từ tiếng Latinh “Octavus” có nghĩa là thứ tám. Các đại lễ của dân Ítraen thường được cử hành suốt một tuần và ngày thứ tám kết thúc những ngày lễ ấy một cách trọng thể. Trong sách Lê vi có ghi những chỉ dẫn như sau: “Ngày 15 tháng 7 là lễ Lều kính Đức Chúa, trong vòng bảy ngày. Ngày đầu tiên phải họp nhau để thờ phượng Ta. Các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào. Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ tám, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, và phải tiến dâng một lễ hỏa tế lên Đức Chúa: đó là một buổi họp long trọng, các ngươi không được làm công việc nặng nhọc nào” (23,34-36; 2Sb 7,9). Đó là những tượng nổi bằng sáp đắp hình con chiên đang nằm, một chân tựa vào cây Thánh giá dựng đứng. Tục lệ này của phụng vụ Rôma gắn liền với nến Phục Sinh: các tín hữu có thói quen thu lượm những mẩu sáp vào ngày thứ bảy Tuần thánh để dùng chống lại ma quỉ. Về sau, cứ bảy năm một lần, Đức Giáo Hoàng làm phép trọng thể những tượng Chiên Thiên Chúa. Thói quen mang hình thức tôn kính Đức Kitô chịu chết và Phục Sinh.
7. Hiệp Lễ
Sau khi bẻ bánh xong, nghi thức hiệp lễ được bắt đầu với một chuẩn bị nho nhỏ: một kinh riêng dành cho linh mục. Một lời nguyện riêng nên đọc thầm: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, con sắp rước Mình và Máu Thánh Chúa, xin đừng để con vì thế mà bị xét xử và luận phạt, nhưng nhờ lòng Chúa nhân từ, xin che chở và cứu chữa hồn xác con”. Cộng đoàn cũng chuẩn bị rước lễ nhưng không phải bằng cách lắng nghe những lời chủ tế đọc, nhưng cầu nguyện thầm lặng riêng.
Sau công việc riêng lẻ, chủ tế khai mở nghi thức bằng cách nâng cao Mình Thánh và đọc câu tung hô thỉnh mời: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29; Kh 19,9). Rồi vị chủ tế cùng với giáo dân bày tỏ lòng kính sợ khiêm cung, tức là chỉ dám tiến tới bàn tiệc Thánh với tâm tình của viên đại đội trưởng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (Mt 8,8).
Kinh Chiên Thiên Chúa mang ý nghĩa gì?
“Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Lời mời gọi được gửi đến cho những người đang hiện diện cũng như những người vắng mặt… những người giữ lễ ngày Chúa nhật, cũng như những anh chị em đang cách xa Giáo hội. Trong một bữa ăn tại nhà một người Pharisêu ở ngày Sabát, một khách dự tiệc đã nói với Đức Giêsu: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” (Lc 14,15). Và Đức Giêsu kể câu chuyện dụ ngôn “khách được mời xin kiếu”. Ông chủ liền cho gia nhân ra mọi nẻo góc đường trong thành phố “đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây” (Lc 14,21). Không một ai bị loại bỏ vào bàn tiệc Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều được kêu mời dù dưới con mắt của chúng ta người đó xấu hay tốt.
“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Bàn tiệc hôm nay biểu hiện trước bữa tiệc của Con Chiên, Đấng đã sửa soạn cho chúng ta một bữa tiệc trên trời khi đến ngày cánh chung: “Đức Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng đã lên ngôi hiển trị. Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên…Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!” (Kh 19,6-7.9). Bữa tiệc trên trời không loại trừ một ai, cho dù người đó là Kitô hữu hay không. Khách được mời thuộc mọi người ở mọi thời đại, một bữa tiệc vĩnh cửu, hiệp thông với Đức Kitô được bắt đầu dưới trần thế nhưng sẽ được sung mãn ở Nước trời.
“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”. Đáp lời mời của vị chủ tế, người tín hữu cho thấy mình không xứng đáng trước hồng ân quà tặng lớn lao đó, và như lời viên đại đội trưởng: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8). Một lời khiêm tốn và tin tưởng trước Đấng “Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (Lc 6,19). Một lời nói dựa vào Đấng được Thiên Chúa Cha gửi đến: “Sai đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân” (Is 61,1).
Phụng vụ ngày nay khuyến khích giáo dân rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh Lễ họ tham dự. Một thói quen lâu đời trong Giáo Hội. Tới thế kỷ XVIII, vì muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện thực sự của Chúa trong phép Thánh Thể bao lâu hình bánh và rượu còn giữ nguyên bản chất, nên mới bắt đầu có thói quen dùng Mình Thánh đã được truyền phép sẵn trong các Thánh Lễ trước để cho rước lễ. Thói quen làm mất tính cách duy nhất của Thánh Lễ, làm lu mờ mối tương quan mật thiết giữa việc truyền phép và rước lễ.
Vì thế huấn thị về việc tôn thờ Thánh Thể ban hành năm 1968 quy định: “Để biểu thị cách rõ rệt hơn ý nghĩa hiệp lễ là tham dự vào lễ hy sinh được cử hành, phải liệu sao cho các tín hữu rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh Lễ đó” (#31).
Vì thế dùng Mình Thánh đã được truyền phép trong các Thánh Lễ trước không đi ngược lại truyền thống phụng vụ tốt đẹp, nhưng trái với ý muốn của Giáo Hội. Tuy nhiên nói thế không có nghĩa không được dùng Mình Thánh đã được truyền phép ở các lễ trước để rước lễ. Dầu sao những hình bánh đó cũng có sự hiện diện thực sự của Chúa. Truyền thống phụng vụ và mong muốn của Giáo Hội chỉ nhằm mục đích làm nổi bật ý nghĩa tượng trưng và tính cách duy nhất của một hành vi phụng vụ thôi.
Ngoài ra rước lễ dưới hai hình thức đáng khuyến khích, như thói quen lâu đời trong Giáo Hội. Tới thế kỷ XIII, vì những lạm dụng gây bất kính đối với Chúa vì sợ lây bệnh truyền nhiễm, nên thói quen rước lễ dưới một hình thức mới bắt đầu phát triển. Ngày nay Giáo Hội qua qui chế tổng quát # 240 vẫn khuyến khích các tín hữu rước lễ dưới hai hình thức: “Xét về phương diện dấu chỉ thì rước lễ dưới hai hình thức trọn hảo hơn. Vì rước lễ theo hình thức này sẽ làm sáng tỏ hơn dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể. Đàng khác hình thức này cũng biểu thị rõ rệt hơn ý định của Giao ước mới và vĩnh cửu được thiết lập trong Máu Đức Kitô, đây cũng là hình thức biểu thị rõ rệt hơn Bữa Tiệc Thánh Thể và Bữa Tiệc Cánh Chung ở trong Nước Thiên Chúa”.
Rước lễ dưới hai hình thức biểu lộ đầy đủ hơn ý nghĩa dấu chỉ Bí Tích. Vì trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã truyền không những “Hãy cầm lấy mà ăn”, nhưng còn “Hãy cầm lấy mà uống” nữa. Chén mang dấu chỉ Giao ước mới (Lc 22,20), bảo chứng và khát vọng về bữa Tiệc Thiên Quốc (Mc 26,29), và dấu chỉ sự hiệp nhất với sự đau khổ của Đức Kitô (Mc 10,38-39). Bởi vậy khi rước Máu Thánh, không phải chỉ chịu lấy chút rượu, nhưng biểu lộ niềm khát vọng về bữa Tiệc đời đời, quyết tâm dấn thân cho giao ước mới và hiệp thông với sự đau khổ của Đức Kitô.
Thời gian sau khi Rước Lễ
Phụng vụ là một kinh nguyện chính thức của Giáo hội, và việc cử hành Thánh Lễ như phụng vụ tốt đẹp nhất. Thế nhưng phụng vụ của cả một dân tộc không hề loại bỏ lời nguyện cá nhân của các tín hữu mà còn kêu gọi họ phải làm nữa. Vì thế, trước khi đọc một lời nguyện cầu công cộng, người tín hữu luôn luôn được gọi mời có những phút giây mang lời nguyện trong sâu thẳm trong hồn mình. Sau khi rước lễ, người tín hữu được kêu gọi đón nhận trong tâm hồn Tình yêu đi đến trên Thập giá.
Giây phút thinh lặng và chiêm ngưỡng có thể được kéo dài đến một bài hát nói lên ý nghĩa Ngôi Lời đã trở thành xác phàm. Qua đó “nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2,18).
V. Nghi Thức Kết Lễ: Từ Cộng Đoàn : Được Phân Tán Ra Đi
Kết thúc các cuộc họp hẳn nhiên phải có lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại. Điều này cũng gợi lên tính cách hiệp nhất trong tinh thần những người cùng tham dự chung một biến cố, rồi họ phải tản mác dấn thân vào sinh hoạt khác. Cuộc họp Thánh Lễ cũng giữ thói quen trên. Lời chào kết thúc Thánh Lễ được phát triển dần dà theo dòng thời gian và kết thành một nghi thức phụng vụ. Nghi thức kết lễ gồm năm phần với tầm quan trọng khác nhau, nhưng tất cả đều có ý nghĩa: Lời nguyện Hiệp Lễ; Thông tin về những tin tức liên quan đến cộng đoàn; Phép lành; Giải tán; Bài ca tạ lễ.
1. Lời nguyện hiệp lễ
Khi bài ca hiệp lễ vừa chấm dứt, bàn thờ cũng được thu dọn gọn gàng. Tất cả những vật dụng trưng trong bữa tiệc cần phải được thu xếp. Những dấu chỉ còn lại như Mình Thánh Chúa và Chén Thánh cũng cần được cất đi với lòng cung kính. Mình Thánh Chúa thường được đưa vào Nhà Tạm, còn Chén Thánh cần được lau sạch. Cử chỉ cuối cùng này không phải một cử chỉ phụng vụ, nên cũng có thể lau Chén Thánh sau Thánh Lễ.
Lời nguyện hiệp lễ cũng rất xưa cổ. Lời nguyện luôn luôn cầu xin cùng Thiên Chúa Cha. Trong phần Nhập Lễ lời Tổng nguyện gom thành phần dân Chúa lại, thì lời nguyện Hiệp Lễ nối kết lại mọi tác động và lời nói kết thành cuộc cử hành. Lời nguyện Hiệp Lễ mang hai phần và như lời cầu nguyện xin: Nhắc nhở ta về ân huệ nhiệm mầu ta vừa lãnh nhận, và lời cầu xin cho ân huệ đó biến đổi cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng như xin đừng kết án. Chúng ta xin cho mình đừng phản bội ân huệ vừa lãnh nhận. Phụng vụ Đông phương ở điểm này thường nhắc lại chuyện người gian phi sám hối trên Thập giá: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23,43). Lời nguyện Hiệp Lễ sửa soạn bữa tiệc chấm dứt và loan báo sự ra đi. Chủ tế cầu xin cho những hiệu quả mầu nhiệm vừa lãnh nhận được thể hiện trong đời sống Kitô hữu, và cộng đoàn tán thành bằng lời Amen hoan hỷ. Bữa tiệc của Chúa đến đây kết thúc.
2. Thông tin về những tin tức liên quanđến cộng đoàn
Khi đã xong mới tới phần thông tin. Đây cũng là một nghi thức, nên khuyên mọi người ngồi xuống để nghe được một cách chăm chú hơn. Người ta đặt vấn đề nên thông tin đến cộng đoàn ngay lúc này hay làm sau lời nguyện hiệp lễ. Quy chế tổng quát chỉ thị: “Đọc Lời Nguyện Hiệp Lễ xong, nếu có gì cần loan báo thì loan báo cách vắn tắt” (# 123). Tại sao phần này cũng được coi như một nghi thức? Thông tin được biết đến như một nghi thức cổ xưa, nhắc nhở cộng đoàn không chỉ đến lo việc phụng vụ nhưng còn tình hiệp thông huynh đệ. Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Luca các tông đồ cũng đã làm: “Các tông đồ trở về thuật lại cho Đức Giêsu những việc các ông đã làm” (9,10).
3. Phép lành
Chúa hiện diện trên đường đời của chúng ta. Nghi thức giải tán là phần kết của một buổi cử hành phụng vụ Thánh Lễ, gồm lời chào của linh mục và phép lành như công thức chào biệt gởi đến cộng đoàn.
Phép lành như yếu tố quan trọng nhất của nghi thức kết lễ. Trước khi sai các môn đệ đi để làm nhân chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh, Chúa Giêsu đã “giơ tay chúc lành cho các ông, và đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời” (Lc 24,50-51). Trước khi các tín hữu trở về với thế giới của mình để loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô cho mọi người, linh mục cũng giơ tay lên, ghi dấu Thánh giá và cầu xin phép lành của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Các tín hữu đã quy tụ lại trong thánh đường là cung thánh bằng gạch đá. Giờ đây họ phải tản mác vào cung thánh vũ trụ. Họ đã liên kết với nhau thành một cộng đoàn huynh đệ. Giờ đây họ ra đi để đem đến cho những người anh chị em sống tản mác giữa trần gian ánh sáng của Thánh giá họ đã được ghi dấu. Họ quy tụ lại thành một cộng đoàn chúc tụng, giờ đây họ ra đi làm cho lời ca tụng ấy vang dội khắp cùng bờ cõi trái đất.
Phép lành cuối lễ cũng biểu lộ mối tương quan giữa linh mục và cộng đoàn. Linh mục được thụ phong không phải để thống trị trên cộng đoàn, nhưng đem lại phép lành Thiên Chúa cho họ bằng cách ghi dấu Thánh giá của Đức Kitô. Thực ra không phải linh mục ban phép lành, nhưng ngài chỉ xin Thiên Chúa chúc lành cho họ thôi “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em”.
Dấu Thánh giá làm ở cuối lễ như lời cầu chúc. Thiên Chúa tụ họp chúng ta lại thì giờ đây Ngài phái ta đi nhân Danh Người làm nhân chứng những gì chúng ta vừa sống qua. Người đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường. Ngoài công thức đơn giản “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha...”, chủ tế có thể sử dụng một trong hai hình thức long trọng là Phép lành trọng thể hoặc Lời nguyện trên dân. Khi sử dụng một trong hai hình thức này thì phó tế hoặc linh mục mời gọi: “Anh chị em hãy sẵn sàng đón nhận phép lành của Chúa”. Sau đó chủ tế giơ tay trên dân rồi đọc lời nguyện ban phép lành hoặc lời nguyện trên dân. Cử chỉ giơ tay trên dân là dấu chỉ truyền thống cầu xin quyền năng và sức mạnh Chúa Thánh Thần ngự xuống trên dân.
3.1. Phép lành trọng thể: Sách lễ Rôma đưa ra những mẫu ban phép lành trọng thể cho mùa Vọng, Giáng Sinh, ngày Đầu Năm, Hiển Linh, Tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa, vọng Phục Sinh, Chúa Nhật Phục Sinh, mùa Phục Sinh, Chúa Lên Trời, Hiện Xuống, có năm hình thức cho mùa thường niên, Lễ Đức Mẹ, Lễ thánh Phêrô và Phaolô, Lễ các Tông đồ, Lễ các Thánh, Lễ cung Hiến Thánh Đường, Lễ cầu hồn, Lễ hôn phối.
Các công thức ban phép lành đều gồm ba phần và mỗi phần đều kết thúc bằng lời tung hô Amen của dân chúng. Ví dụ một mẫu trong lễ Hôn Phối:
Xin Thiên Chúa là Cha hằng hữu gìn giữ... luôn hòa thuận yêu thương nhau. Xin Đức Kitô ban cho ... được bình an và cho gia đình hằng yên vui đầm ấm.
Amen.
Chúc ... được hồng phúc có con nối dõi tông đường và được bạn hữu mến thương giúp đỡ và sống hòa hợp với mọi người.
Amen.
Chúc... trở thành nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa giữa thế gian: Luôn rộng lòng tiếp đón người khổ đau nghèo đói, để ngày sau chính họ sẽ đền ơn và mời đón vào nhà Cha trên Trời.
Amen.
Và xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
Amen.
3.2. Lời nguyện trên dân: Trước đây những lời nguyện này được sử dụng thường xuyên trong phụng vụ, nhưng sau đó được giới hạn vào những ngày mùa Chay. Lời nguyện được phục hồi trong phụng vụ mới và sách Lễ Rôma đưa ra 26 công thức khác nhau. Lời nguyện cũng có thể đọc cuối giờ cử hành phụng vụ lời Chúa, cuối giờ kinh hoặc cuối buổi cử hành bí tích. Trước khi đọc, phó tế hoặc linh mục mời gọi: “Anh chị em hãy sẵn sàng đón nhận phúc lành của Chúa”. Và sau khi đọc lời nguyện, linh mục thêm “Và xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, là Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em”.
4. Giải tán cộng đoàn
Cộng Đoàn được sai đi. Trong các lễ nghi Đông phương, những công thức giải tán được sử dụng khá khác nhau: Tại Antioche (Antiôkhia) và Ai Cập: “Hãy đi bình an”; tại Byzantin: “Chúng ta hãy ra đi bình an”; tại Đông Syrie: “Chúng ta hãy ra đi trong bình an của Đức Kitô”, và dân chúng đáp lại: “Nhân danh Chúa”.
Phụng vụ Rôma có vẻ thực tế hơn, và sử dụng công thức pháp luật: “Ite, missa est”. Theo nguyên ngữ, “missa” đến từ động từ “mittere” có nghĩa giải tán. Từ thế kỷ thứ IV, “missa” được ám chỉ hành vi phụng vụ vừa được cử hành, tức Thánh Lễ. Như vậy, “Ite missa est” có nghĩa hãy ra về, cuộc họp đã kết thúc.
Vị chủ tế hôn kính bàn thờ lần cuối, rồi cùng đoàn giúp lễ ra về. Phụng vụ Antioche (Antiôkhia) đề nghị một công thức giải tán hết sức cảm động:
Hãy an nghỉ, hỡi bàn thờ thánh thiện của Chúa. Không biết rồi đây ta sẽ còn được trở lại với ngươi nữa hay không. Nguyện xin Chúa cho ta được nhìn thấy ngươi nơi cộng đoàn các trưởng tử ở trên trời. Tất cả niềm tin tưởng của ta là ở nơi giao ước này.
Hãy an nghỉ, hỡi bàn thờ thánh thiện và xá tội. Xin cho Mình Thánh và Máu Thánh xá tội mà ta lãnh nhận được từ nơi ngươi trở nên ơn tha thứ cho những lỗi phạm của ta, xá giải mọi tội lỗi của ta, bảo đảm cho ta trước tòa án đáng khiếp sợ của Chúa và của Thiên Chúa đến muôn đời.
Hãy an nghỉ, hỡi bàn thờ thánh thiện, bàn thờ ban sự sống, hãy cầu cùng Đức Kitô cho ta để ta luôn tưởng nhớ đến ngươi bây giờ và cho tới muôn đời (Archdale A.King, Liturgie d’Antioche, Mame,1967, trang 138).
Ý nghĩa việc giải tán được coi như lệnh truyền nhắc nhở chúng ta đoạn cuối Tin Mừng theo Mátthêu: “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...” (28,19). Cộng đoàn giờ được sai đi trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Đấng Phục Sinh hiện diện trên mọi nẻo đường thế giới. Huấn dụ “Eucharisticum Mysterium” số 38 ghi: “Sự kết hiệp thiêng liêng với Đức Kitô là cùng đích của mầu nhiệm này. Nhưng không phải chỉ tìm thể hiện sự kết hợp đó duy ở phần đỉnh chóp của cử hành Thánh Thể: mà còn phải mãi kéo dài mãi ra trong đời sống Kitô hữu, thậm chí những tín hữu của Đức Kitô phải không khi nào thấy mỏi mệt chiêm ngưỡng trong đức tin hồng ân đã lãnh nhận, hầu nhờ đó, cùng với sự hướng dẫn của Thánh linh, họ sống ngày ngày cuộc sống của mình trong tâm tình tạ ơn tràn trề, và làm trổ sinh cho dồi dào những hoa cùng trái của cây bác ái nữa vậy”.
Lm Thêôphilô