Chủ Nhật, 01 Tháng Bảy, 2012

Vài mốc về đối thoại liên tôn trong Giáo Hội Công Giáo

Vài mốc về đối thoại liên tôn trong Giáo Hội Công Giáo

Năm nay, Giáo Hội Công Giáo vừa kỷ niệm 40 năm biến cố Công đồng Vaticanô II (1962-1965). Một trong những hoa quả Công đồng Vaticanô II thể hiện thực tế là sự tìm kiếm và phát triển về đối thoại liên tôn. Điều này như một thay đổi có ý nghĩa đáng ghi nhớ trong cuộc sống Giáo Hội như ghi trong bản Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo Nostra Aetate: "Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Đấng là "đường, sự thật và sự sống "(Ga 14,6), nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình. Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng ta của đức tin và đời sống Kitô giáo" (số 2).

Trung thành với các tuyên ngôn của các Nghị phụ Công đồng, việc đối thoại liên tôn đã hiển nhiên thành chủ đề quan yếu trong cuộc sống và diễn từ của Giáo hội từ Công đồng Vatican II và nhất là dưới triều của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhìn theo lăng kính Giáo hội Công Giáo, chúng ta có thể phân chia 3 giai đoạn về đối thoại liên tôn trong lịch sử Giáo hội.

- Một giai đoạn thật dài từ buổi Giáo hội sơ khai cho đến Công đồng Vaticanô II, các tôn giáo thường tranh chấp nhau, coi như không nhìn nhận nhau ngoại trừ vài trường hợp ngoại lệ.

- Bước vào thế kỷ 20, Giáo hội với suy tư thần học thoát ra từ Công đồng Vaticanô II mang một cái nhìn thay đổi về các tôn giáo. Một số văn kiện đã ra đời và trong giai đoạn này có ít nhất hai biểu tượng quan trọng:

* Từ ngữ thay đổi. Từ năm 1984, các văn kiện dùng từ "các tín đồ các tôn giáo khác" thay cho từ "các tín đồ ngoài Kitô giáo".

* Biến cố quan trọng ở thập niên 80 là cuộc gặp gỡ liên tôn vào tháng 10 năm 1986 tại thành Assise (Ý) do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng. Thật thế, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, hầu như tất cả các vị đại diện các tôn giáo trên thế giới tìm về cầu nguyện cho hòa bình.

- Từ sau biến cố Assise, có các cuộc gặp gỡ đối thoại đã thực sự bùng nổ lên khắp nơi, như cuộc tĩnh tâm 5 ngày quy tụ được 150 người tại trại tập trung Auschwitz do một thượng tọa Phật giáo người Mỹ khởi xướng. Cuộc gặp gỡ liên tôn này như điều khẳng định tối thượng sự tôn trọng cái khác biệt nhau trong một nơi từng được dùng để triệt hạ sự khác biệt của nhau.

Chúng ta thấy việc đối thoại liên tôn không phải là một chủ đề thời thượng nhưng vận dụng cốt tử cho tương lai các dân tộc và các cá thể. Bài này không chủ ý làm một tổng hợp về vấn đề đối thoại liên tôn ngày hôm nay trong Giáo hội. Đây là một chủ đề còn đang sôi động, nhưng đánh dấu một khúc quanh lịch sử đưa việc đối thoại tôn giáo như cuộc hội nhập văn hóa. Đó là một hình thức mới trong một bối cảnh văn hóa mới và Thiên Chúa tiếp tục mặc khải.

Vài mốc lược sử về đối thoại liên tôn.

Vấn đề đối thoại liên tôn đọc lại trong Lịch sử Giáo hội đưa ta nhìn nhận Công đồng Vaticanô II như điểm bản lề.

A. Trước Công đồng Vaticanô II.

Khi gợi lại vấn đề đối thoại giữa các tôn giáo trong lịch sử, nhiều hình ảnh không tốt đẹp như sự bất khoan dung, bạo động chiến tranh thường được nêu lên: thập tự quân, tòa thẩm tra... Lòng bất khoan dung, sự bạo động không chỉ dành riêng cho Kitô giáo nhưng cũng đã xảy ra trong mọi tôn giáo khác như thấy qua trong mối tương quan giữa Kitô giáo và Hồi giáo thời Trung cổ. Cả đôi bên đều hẳn nhớ lại những dữ kiện tàn phá, chém giết nhau và đưa tới việc bắt ép người khác gia nhập tôn giáo mình. Người Kitô hữu than khóc vì mất ảnh hưởng trên miền Bắc Phi rơi vào tay người Ả rập, thành Constantinople giờ đây do người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm cứ; ngược lại người Hồi giáo cũng viết lên những vần bi ai để mất thành Cordoue và miền Andalousie...

Hẳn có người thích thú trước ghi nhận trên đã đánh dấu sự vô ý thức của các dân tộc và ngày nay nó vẫn còn là đề tài của thời sự. Nhưng chúng ta không thể chỉ cô đọng lịch sử vào những biến cố trên, vì suốt thời gian dài của lịch sử cũng còn có những dấu chỉ hữu nghị, tôn trọng, và hợp tác giữa các cộng đoàn tôn giáo. Những điểm nhỏ này ít được nhắc nhở tới, vì đây cũng là cách chúng ta làm lịch sử. Báo chí, truyền thanh ngày nay cũng không làm gì khác hơn với những tin tức hàng đầu về chiến tranh, những dữ kiện thảm thương, bạo động và đau khổ. Ngược lại, lịch sử cũng không thể kể hết thời luận về mối tương quan tích cực giữa các tín hữu các tôn giáo, vì những hành vi cảm thông và độ lượng cuộc sống hằng ngày không kết nên nền lịch sử. Thế nhưng trong lịch sử cũng đã có những ví dụ cụ thể về sự gặp gỡ giữa các tôn giáo.

Justin: vị tử đạo.

Ông sinh vào khoảng đầu thế kỷ thứ 2 tại thành Naplouseở Galilê. Ngài qua đời tử đạo tại Rôma giữa khoảng năm 163-165 dưới triều hoàng đế Marc Aurèle. Ông là một nhà thần học giáo dân và là triết gia Kitô giáo đã đưa Kitô giáo đi vào gặp gỡ văn hóa Hy lạp.

Justin có hai tác phẩm Hộ giáo nhằm trình bày và tranh luận lòng tin Kitô giáo trước nhửng phụng tự và thần thoại Hy lạp lan tràn trong đế quốc La mã thời bấy giờ. Tác phẩm khác Justin biên soạn mang tên "Đối thoại với Tryphon", một người Do thái tác giả đã gặp ở thành Ephêxô khi có cuộc nổi dậy lần thứ hai của người Do thái. Justin qua tác phẩm cố gắng giải thích Cựu ước theo ánh sáng Tân ước.

Clément thành Alexandrie.

Ông sinh khoảng năm 150 tại thành Alexandrie trong một gia đình ngoại giáo. Thời sinh viên, ngài du lịch khắp vùng đế quốc và trở lại Kitô giáo tại trường Giáo lý của ông Pantène ở thành Alexandrie. Sau này, Clément cũng mở một trường thần học cho giới trí thức. Khi hoàng đế Septime Sévère bách hại đạo, ngài trốn qua miền Cappadoce. Trong các tác phẩm, Clément cố gắng giải thích mối liên hệ giữa Cựu ước và Triết lý đối với giáo thuyết Kitô giáo. Ngài đưa ra những điểm chính về luân lý Kitô giáo trong cuốn Protreptique (huấn dụ cho người Hy lạp). Tác giả mời gọi hoán cải, nhưng cũng biện hộ cho việc gắn bó vào Chúa Kitô.

Ngoài ra tác giả còn viết tác phẩm "Nhà sư phạm" (Pédagogue) viết cho những người đã chịu phép rửa, trình bày Chúa Kitô là nhà sư phạm đào luyện ta trong cuộc sống luân lý. Cuốn sách thứ ba mang tên "Stomates" (Những tấm thảm) là một sưu tập gom lại nhiều đề tài khác nhau mà tác giả đề cập tới. Clément qua đời tại thành Antioche năm 220.

Giữa thế kỷ thứ 9 và thứ 10, thành Bagdad (Irak) thuộc thủ đô đế quốc Abbasside. Đây là thời hoàng kim với những tổng hợp quan trọng cho tư tưởng Hồi giáo, cũng như canh tân về lề lối xét xử và giáo thuyết. Tại triều đình, có sự hợp tác khoa học cũng như tranh luận thần học giữa người Hồi giáo và Kitô hữu. Họ cùng hợp tác dịch và chú giải triết lý và khoa học Hy lạp. Đó là giai đoạn đầu mà các nhà thần học bắt đầu chỉ định những điểm tương đồng và bất đồng giữa hai niềm tin.

Miền Andalousie và miền Sicile là hai nơi thuận lợi cho sự gặp gỡ. Tại Andalousie có tác giả Ibn Rushd (1126-1198) rất am tường tư tưởng Âu tây và thành Cordoue là nơi sinh trưởng của ông Môsê Maimonide năm 1135. Họ là hai nhà trí thức rất lớn đã đưa hai miền này trở nên nơi đối thoại giữa các nhà tri thức của ba tôn giáo độc thần.

Chúng ta cũng không quên giao thiệp thư từ giữa Đức Giáo Hoàng Grégoire VII và vua Hồi giáo Al Nasir. Ông này đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng xin truyền chức Giám mục cho một linh mục để có thể săn sóc tất các tín hữu Kitô giáo đang sinh sống tại xứ ông. Đức Giáo Hoàng đã viết thư trả lời như sau: "Chính Thiên Chúa, Đấng sáng tạo mọi sự, Thiên Chúa mà không có chúng ta không thể làm được điều gì hay suy gì gì tốt được, đã linh hứng tâm hồn ngài hành động tốt đẹp này vì Người soi sáng mọi người đến trong thế gian này và Người đã soi sáng tư tưởng của ngài trong hoàn cảnh này. Thật vậy, Thiên Chúa toàn năng muốn mọi người được cứu rỗi và không một ai phải hư mất, chỉ thích nơi mỗi một người chúng ta lòng yêu người sau sự mến Chúa, và mới lo âu không làm gì cho tha nhân là điều chúng ta không muốn Người làm cho chúng ta. Lòng bác ái này, Tôi và Ngài, chúng ta cùng có bổn phận với nhau hơn cả bổn phận đối với các dân tộc khác, vì chúng ta cùng nhìn nhận và tuyên xưng – một cách khác nhau – Thiên Chúa duy nhất, mà chúng ta chúc tụng và thờ lạy mỗi ngày như Đấng sáng tạo đời đời và là thầy của thế giới này... Chúng tôi cầu xin cùng Người nhận ngài sau khi trải qau cuộc sống dài dưới trần thế này, trong cung lòng phúc thật của vị rất thánh tổ phụ Abraham".

Trong lịch sử đối thoại liên tôn, cuộc gặp gỡ giữa thánh Phanxicô khó khăn thành Assise với vua Hồi giáo Al Malik al Kâmil vẫn được coi như ngọn hải đăng. Bởi vậy không phải là việc ngẫu nhiên mà có cuộc gặp gỡ liên tôn năm 1986 tại thành Assise. Trong một cuộc viễn chinh của thập tự quân, Phanxicô đến thành Jean dAcre để gặp gỡ người Hồi giáo. Ngài đến đó khi cuộc chiến lên tới cực điểm ngày 29/6/1219. Hai bên đều thiệt mạng rất nhiều, và yếu đuối cùng cực bắt họ phải đình chính. Phanxicô nắm lấy cơ hội và đề nghị vị đặc sứ của Đức Giáo Hoàng cho mình đi gặp vua Kâmil. Vị Đặc sứ từ chối nhưng Phanxicô cứ nài nĩ. Ngài muốn rao giảng Tin Mừng cho những "người con của quỹ" và sẳn sàng chết tử đạo nếu như người Hồi giáo từ chối. Cuối cùng, vị Đặc sứ cho ngài ra đi và cho biết Phanxicô hoàn toàn chịu trách nhiệm lấy một mình. Phanxicô đi qua bên địch và vừa tới liền bị đám quân lính bắt giữ và đánh đập, và cuối cùng họ đưa ngài tới cho vua Kâmil. Lạ thay, vua Kâmil đã tiếp đón Phanxicô một cách lịch sự và săn sóc cho ngài.

Cũng khoảng thế kỷ thứ 14, Raymond Lulle (1235-1316) là một giáo dân thường tự coi như một "Kitô hữu Ả rập". Ông hoạt động khắp miền từ Majorque, Montpellier, Rôma, Paris và những cuộc hành hương đến Rocamadour và Saint Jacques de Compostelle. Ông kêu gọi tìm hiểu học hỏi sâu xa tiếng Híp ri và tiếng Ả rập trong các đại học hầu đưa tới một sự thông cảm tốt đẹp giữa Kitô hữu, người Do thái và người Hồi giáo. Những tác phẩm nổi tiếng gồm có: "Sách của người Ngoại giáo với ba nhà bác học (một người Do thái, một Kitô hữu và 1 người Ả rập); "Sách về 100 danh xưng của Thiên Chúa" gợi hứng từ các nhà thần bí Ả rập. Suốt cuộc đời, tác giả thực hành sống đối thoại đưa tới cảm thông giữa Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo.

Giáo sĩ Matteo Ricci (1552-1660) ở thế kỷ thứ 16 đi gặp gỡ văn hóa và tôn giáo của giới trí thức Trung hoa để đối thoại với họ.

Tại Mexique vào năm 1524 có cuộc gặp gỡ giữa 12 vị Thừa sai dòng Phan sinh vừa mới tới đó với vị trưởng bộ lạc và thầy pháp sư thổ dân châu Mỹ. Các tu sĩ Phan sinh trình bày giáo thuyết Kitô giáo và người thổ dân châu Mỹ diễn đạt sự ngập ngừng, và cuối cùng họ chấp nhận cho các tu sĩ phan sinh hoạt động.

Tại Á châu có thể nói khuôn mặt tiên phong trong vấn đề đối thoại là Đức cha Louis Laneau (1637-1696) thuộc tu hội Thừa sai Ba lê. Ngài là một bốn vị giám quản Tông tòa tại Đông Nam Á. Đến nước Xiêm La (Thái lan), ngài đã đi gặp gỡ người Phật giáo. Đức cha Laneau để lại cho hậu thế 4 cuốn viết bằng tiếng Thái mang tựa đề Đối thoại với các tu sĩ Xiêm hoặc với một người nông dân.

Gần hơn chúng ta nữa, với những khuôn mặt như Jules Monchanin (1911-1957), Henri le Saux (1910-1973) tìm đối thoại với Ấn Độ giáo; Cha Charles de Foucault (1858-1916) trong sa mạc Sahara hiện diện âm thầm giữa môi trường Hồi giáo; Cha Vincent Lebbe (1877-1940) tại Trung Hoa và bà Madeleine Delbrel (1904-1964) đối thoại với thế giới cộng sản vô thần tại vùng ngoại ô thành Paris vào thập niên 1950.

Vài ví dụ nêu trên là những ngoại lệ nổi bật...

B. Công đồng Vaticanô II.

Với Công đồng Vaticanô II, Giáo hội Công giáo làm cuộc canh tân thay đổi qua ba giai đoạn:

Văn bản đầu tiên của Công đồng Vaticanô II có nói về "người ngoài Kitô giáo" được thấy ngay trong Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) công bố ngày 21/11/1964 nơi số 17. Trong đoạn này chúng ta chỉ thấy được ý thôi, nhưng đã bắt đầu cho thấy Giáo hội nhìn con người trong thế giới ngày hôm nay với lòng thiện cảm. Cụm từ diễn tả ý tưởng trên rõ ràng được ghi ngay ở chương đầu Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes) công bố trong khóa ngày 7/12/1965: "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ". Cái nhìn thiện cảm khoan dung có nghĩa Giáo hội cho cuộc sống thế giới là quan trọng. Nó có sự độc lập riêng biệt và sự tục hóa cũng là mối quan tâm đặc biệt. Ngoài Giáo hội, thế giới này vẫn sống với những vui mừng và hy vọng, ưu dầu và lo lắng. Thế giới đó có cuộc sống riêng biệt và ta cần phải chú ý.

Kế tiếp Công đồng mở khóa đi đến đối thoại với các tôn giáo bằng cách khẳng định sự tự do tôn giáo được đặt nền tảng trên nhân phẩm và tự do lương tâm của con người qua Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo (Dignitatis Humanae)công bố ngày 7/12/1965: "Thánh Công đồng vaticanô tuyên bố con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này hệ tại con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách của cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm... Xét theo phẩm giá, mọi người, vì là những nhân vị nghĩa là có trí khôn và ý chí tự do, nên phải chịu trách nhiệm về cá nhân mình. Vì thế, do bản tính tự nhiên thúc đẩy, cũng như do bổn phận luân lý đòi buộc, con người phải tìm kiếm chân lý... Tuy nhiên con người không thể chu toàn bổn phận đó một cách thích hợp nếu không được hưởng dụng sự tự do tâm lý đồng thời được đặc miễn đối với sức cưỡng bách bên ngoài. Vậy quyền tự do tôn giáo đặt nền tảng trên chính bản tính con người chứ không phải trên thái độ chủ quan của con người... Thật ra nhờ lương tâm, con người nhận thức và hiểu biết những mệnh lệnh của lề luật Chúa. Họ phải trung thành tuân theo lương tâm ấy trong mọi hoạt động của mình hầu tiến tới Thiên Chúa là cùng đích. Vì vậy, không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo tiếng lương tâm nhất là trong lãnh vực tôn giáo" (số 2-3).

Từ đó Giáo hội không những mang cái nhìn khoan dung trên con người mà con trên tôn giáo của họ. Đó lá ý nghĩa Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra Aetate)được công bố ngày 28/10/1965 : "Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người."

Giáo Hội cổ võ tinh thần hiệp nhất và tình bác ái giữa loài người, tiếp tục công trình của Chúa Kitô đến để cứu rỗi chứ không phải để kết án. Bản Tuyên Ngôn Nostra Aetate đã nhấn mạnh: mọi tôn giáo đều có một phần sự thật đang chờ lớn lên ngay sự Mạc Khải; và Giáo Hội có sứ mệnh đưa đến sự trọn vẹn ánh sáng Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Ánh sáng Chân Lý này được Công Đồng nêu rõ như sau:

- Với Đạo thờ thần linh (Animisme) : ít ra họ nhìn nhận quyền lực tàng ẩn trong vòng chuyển biến của sự vật và trong những biến cố của đời người với những thần minh và đôi khi đi đến sự nhìn nhận một vị Thần Linh Tối Cao hay một Người Cha.

- Với Ấn Giáo : Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người và sức nặng của tội lỗi với sự đi qua vô số cuộc hóa kiếp thanh luyện bằng những lối sống khắc khổ, bằng tịnh niệm thâm sâu, bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Đế với lòng mến yêu tin cậy.

- Với Phật Giáo : những người đã đạt đến thiên cảm nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này trước sự khát vọng sống toàn diện của họ. Họ tìm kiếm con đường tự do và trong sạch dẫn về Niết Bàn tức là đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn ở đời này và chờ sự giác ngộ hoàn toàn.

- Với các Tôn Giáo khác trên hoàn cầu đều cố công làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và luật sống cũng như những nghi lễ phụng tự.

- Với Hồi Giáo : Giáo Hội tôn trọng các tín đồ Hồi Giáo, vì họ cùng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, đã từng đối thoại với con người (số 3).

- Với Do Thái giáo : Thánh Công Đồng nhắc lại mối dây liên kết linh thiêng giữa dân của Tân ước và giòng tộc Abraham... vì người Do Thái và Kitô hữu cùng có chung một di sản tinh thần thật vĩ đại, nên Thánh Công Đồng muốn cổ võ, khuyến khích sự hiểu biết và kính trọng nhau, nhất là bằng việc học hỏi Thánh Kinh, thần học và đối thoại trong tình anh em (số 4).

Chúng ta phải mang những phán đoán giá trị nào với những tôn giáo nói trên. Thật vậy, từ thế kỷ thứ XVII, Giáo Hội luôn khuyên nhủ các vị thừa sai phải tôn trọng những nền văn hoá địa phương nhưng các tôn giáo lúc ấy vẫn được coi như một yếu tố của văn hoá. Với bản Tuyên Ngôn Nostra Aetate, Giáo Hội Công Giáo đã thực sự có một cái nhìn mới về các tôn giáo khác và coi đó như những con đường dẫn về Thiên Chúa.

C. Từ Công đồng Vaticanô II.

Từ Công đồng Vaticanô II, một số văn kiện Giáo hội đặt cọc tiêu thay đổi thái độ đối với các tôn giáo, với việc thực hành cuộc đối thoại liên tôn và thần học về các tôn giáo.

1. Ecclesiam Suam (Hội Thánh của mình).

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lên ngôi khi Công đồng đang dang dỡ, và ngài quyết định cho tiếp tục Vaticanô II. Trước khi Công đồng bế mạc, Đức Phaolô VI ra Tông huấn đầu tiên như chương trình của mình với những yếu tố quan trọng đặt nền tảng cho mục vụ và thần học của mình. Ngày 6 tháng 8 năm 1964. Đức Phaolô VI ra tông huấn về đối thoại. Chúng ta chỉ ghi nhận trong bài này cái nhìn của ngài về các truyền thống tôn giáo của nhân loại: "Giáo hội có một sứ điệp cho mọi thành phần nhân loại" (số 99). "Chúng tôi thấy rất rõ tình trạng thực tế và để có một ý tưởng sơ lược về những tư thế khác nhau, chúng tôi tin tưởng có thể phân chia nó như nhiều đường tròn đồng tâm chung quanh tụ điểm mà bàn tay Thiên Chúa đặt cho chúng ta" (số 100). Chúng ta còn trong viễn tượng quy Giáo hội làm trung tâm nhưng được dần dà mở ra qui về Chúa Kitô. Trong Tông huấn, Đức Phaolô VI biểu lộ mối ưu tư cho môt cuộc đối thoại thật sự giữa Giáo hội và thế giới nhưng ngài cũng thấy hạn chế của cuộc đối thoại. Từ ngữ "đối thoại" trong Ecclesiam Suam mang nghĩa rộng, đi từ cuộc đối thoại với xã hội trần thế tới cuộc đối thoại ngay trong lòng Giáo hội.

Đức Phaolô VI nói đến đối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô giáo nơi cuối phần thứ ba. Ngài kêu gọi tôn trọng và cảm phục đối với các tôn giáo khác như sự hợp tác với nhau cho lý tưởng chung về tự do tôn giáo, tình huynh đệ và bác ái. Ngoài ra, Đức Phaolô VI đích thân can thiệp để ban tuyên ngôn Nostra Aetate được soạn thảo và công bố; và chính bản văn này đã mở ra viễn ảnh rộng rãi về thần học và mục vụ về việc đối thoại giữa Công giáo với các tôn giáo khác.

2. Đối thoại và truyền giáo.

Vào năm 1984, Văn phòng đặc trách người ngoài Kitô giáo dưới quyền chủ tọa của Hồng Y Arinze đã công bố một tài liệu về "Thái độ của Giáo Hội Công Giáo đối với những tín đồ các tôn giáo khác; suy tư và hướng định liên quan đến đối thoại và truyền giáo". Trong văn bản này có hai điểm cần nhấn mạnh:

- từ ngữ "người ngoài kitô giáo" được thay thế bằng từ "tín đồ các tôn giáo khác"; và năm 1988 trong cuộc cải cách Giáo triều Rôma việc này thể hiện qua sự thay thế "Văn phòng Tòa Thánh đặc trách người ngoài Kitô giáo" bằng "Hội đồng Giáo hoàng đối thoại liên tôn".

- Lần đầu tiên, trong một văn bản Giáo hội, việc đối thoại liên tôn được ghi rõ ràng trong việc truyền giáo. Văn kiện định nghĩa sứ mệnh của Giáo hội như một thực tại hợp nhất nhưng phức tạp xoay quanh 5 yếu tố chính. Những ý nghĩa rất mới trong diễn từ của Giáo Hội Công Giáo:

- hiện diện đơn sơ và làm chứng hiệu quả cho đời sống Kitô giáo

- dấn thân phục vụ con người qua hành động làm thăng tiến xã hội, chống lại nghèo đói và những cấu trúc đưa đến tình trạng khổ đau.

- đời sống phụng vụ, kinh nguyện và chiêm niệm làm chứng cho một mối tương quan giải phóng với Thiên Chúa thật và hằng sống.

- đối thoại hầu đưa Kitô hữu gặp gỡ các tín đồ tôn giáo khác để cùng nhau tìm kiếm sự thật.

- rao truyền và giáo lý. Văn kiện còn nhấn mạnh mỗi Giáo hội địa phương có trách nhiệm về mọi công cuộc truyền giáo và đưa ra hình ảnh cuộc đời Đức Giêsu bao gồm mọi yếu tố truyền giáo.

3. Redemptoris Missio & Đối thoại và Rao Truyền.

Đây là văn kiện do Hội đồng Giáo Hoàng đối thoại liên tôn và Bộ Truyền bá Tin Mừng biên soạn và công bố ngày 19 tháng 6 năm 1991. Chúng ta cần biết văn bản được công bố sau Tông huấn Redemptoris Missio (Sứ mệnh của Đấng Cứu Thế) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngày 7/12/1990. Hai văn bản cần phải được đọc để bổ sung cho nhau.

Vấn đề đặt ra vẫn không thay đổi. Quy chế chính xác nào cho việc đối thoại liên tôn trong công cuộc truyền đạt Tin Mừng đến những người không Kitô giáo? Thế nào là Truyền bá Tin Mừng?:"Vì những biến chuyển của thời đại và sự lan tràn những quan niệm thần học mới, có người tự hỏi Sứ vụ truyền giáo cho người ngoài Kitô giáo có còn hợp thời không? Sứ vụ truyền giáo có thể thay thế bằng đối thoại liên tôn không? Sự thăng tiến con người phải chăng đã là mục tiêu đầy đủ? Tôn trọng lương tâm và tự do phải chăng đã loại trừ mọi đề nghị hoán cải? Người ta không thể được cứu độ trong bất cứ tôn giáo nào sao? Vậy tại sao phải truyền giáo?" (Redemptoris Missio, 4). Và Tông Huấn trả lời câu hỏi nêu ra bằng cách khai triển những nền tảng cho sứ vụ truyền giáo. Văn bản Đối thoại và Rao Truyền lại nhắm tới giái trị tích cực của các tôn giáo và những tương quan đối với Giáo Hội Công giáo, rồi đi đến vai trò của Giáo hội đối với các tôn giáo khác:"Một nhận định đứng đắn về các truyền thống tôn giáo khác thường giả thiết có một sự tiếp xúc chặt chẽ với truyền thống ấy. Bên cạnh các nỗ lực hiểu biết có tính cách lý thuyết, công việc đó hàm ngụ một kinh nghiệm thực tế của đối thoại liên tôn với các tín đồ của chính các truyền thống này. Tuy thế, một sự thẩm định đứng đắn về mặt thần học các truyền thống đó, ít nhất bằng những đường nét tổng quát, cũng phải được xem như một tiền đề cần thiết cho công cuộc đối thoại liên tôn. Các truyền thống tôn giáo phải được tìm hiểu với lòng kính trọng sâu xa, vì những giá trị siêu nhiên và tự nhiên chứa đựng trong đó. Chúng đòi hỏi chúng ta phải mến trọng vì, qua các thế kỷ, các truyền thống này đã ghi nhận những nỗ lực nhằm tìm ra những giải đáp "chơ những thắc mắc bí ẩn của thân phận con người, và là lối biểu lộ của kinh nghiệm tôn giáo cũng như của những khát vọng sâu xa nhất của từng triệu tín đồ của họ. Chúng tiếp tục thực hiện công việc đó và ngày nay vẫn tiếp tục như thế" (số 14)... "Khi làm chứng về giá trị Tin Mừng, Giáo hội nêu lên câu hỏi cho các tôn giáo. Đồng thời, vì mang dấu tích bởi những giới hạn của thân phận con người, Giáo hội có thể tự vấn lại mình như thế. Trong nổ lực cổ súy giá trị này, với tinh thần hăng say và tôn kính với mầu nhiệm của Thiên Chúa, các phần tử của Giáo hội vá các tín đồ các tôn giáo khác gặp gỡ nhau và nhận ra nhau như những bạn đồng hành trên con đường chung mà nhân loại được gọi để bước tới. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong buổi kết thúc ngày cầu nguyện, ăn chay và hành hương cho hòa bình tại Assise đã nói:"Chứng ta hãy xem đây là một tiền cảnh của điều mà Thiên Chúa muốn thấy được thực hiện trong lịch sử của nhân loại: một bước đi trong tình huynh đệ, trong đó chúng ta cùng dẫn dắt nhau tiến về một mục tiêu siêu việt mà Ngài chuẩn bị cho chúng ta" (số 79).

Thực ra, trong tiến trình biến đổi tư tưởng Giáo hội, chúng ta thấy sự làm sáng tỏ ra về đối thoại cũng như rao truyền Tin Mừng. Và hôm nay người ta cũng thấy rõ hơn tiền đặt thần học về đối thoại liên tôn.

4. Từ văn kiện Nostra Aetate khai sinh ra...

Nostra Aetate Là một văn kiện ngắn nhưng từ đó đã nẩy mầm sinh ra nhiều hoa trái suy tư về đối thoại liên tôn sau này. Các tác giả đã dựa vào đoạn các Nghị phụ nói về Do thái giáo coi như một giai đoạn mới trong lịch sử Giáo hội. Lần đầu tiên, tương quan với một tôn giáo khác được suy tư xem xét một cách chính thức trong một Công đồng. Một não trạng mới xuất hiện thúc đẩy cho các suy tư khác tiếp theo.

Và chính từ Á châu đã dấy lên nhiều suy tư về đối thoại liên tôn. Vào năm 1969, tại Bangalore có cuộc tọa đàm với chủ đề : “All India Seminar on Church in India today”. Vào năm 1974, tại Thượng Hội đồng Giám mục tại Rôma, Hội đồng giám mục Ấn độ nhấn mạnh về chủ đề đối thoại liên tôn. Năm 1977, Uy ban đối thoại liên tôn thuộc Hội đồng Giám mục Ấn độ cho ra đời văn kiện "Những định hướng về đối thoại liên tôn". Từ đó Ủy ban cố vấn về vấn đề thần học của Liên Hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đã không ngừng làm việc suy tư về vấn đề đối thoại liên tôn. Năm 1987, FABC đã công bố một văn kiên mang tên "Luận đề về công cuộc đối thoại liên tôn, suy tư thần học mục vụ trong bối cảnh châu Á". Từ những suy tư trên, cho nên trong Tông huấn hậu thượng Hội đồng Giám mục Á châu mang tên "Giáo Hội tại Á châu" do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 7/11/1999 tại New Delhi (Ấn Độ) cũng không quên nhắc tới việc đối thoại liên tôn ở số 31: "... Tiếp xúc, đối thoại và hợp tác với những người theo tôn giáo khác là một trách nhiệm mà Công đồng Vaticanô II trối lại cho toàn thể Giáo hội như một bổn phận và một thách đố. Những nguyên tác để tìm kiếm một liên hệ tích cựvc với các tôn giáo truyền thống khác, đã được trình bày trong Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng ban hành ngày 28/10/1965. Đó là bản đại hiến chương về sự đối thoại liên tôn dành cho thời đại chúng ta. Đứng từ quan điểm Kitô giáo, sự đối thoại liên tôn còn hơn phương sách nuôi dưỡng sự hiểu biết và làm giàu cho nhau : sự đối thoại đó là thành phần của sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo hội, một phát biểu của sứ vụ đến với dân ngoại (ad gentes)... Cuộc gặp gỡ đáng ghi nhớ tại thành Assise, quê hương của thánh Phanxicô, ngày 27/10/1986, giữa Giáo hội Công Giáo và đại biểu các tôn giáo khác trên thế giới, chứng tỏ rằng các người nam và nữ có tôn giáo, tuy không chối bỏ các truyền thống riêng của mình, vẫn còn có thể dấn thân vào việc cầu nguyện và kiến tạo hòa bình thịnh vượng cho nhân loại. Giáo hội phải tiếp tục cố gắng gìn giữ và nuôi dưỡng, ở mọi cấp bậc, tinh thần của sự gặp gỡ và hợp tác giữa các tôn giáo... ".

Kết luận.

Bài này chỉ nhìn việc đối thoại liên tôn trong tiến trình lịch sử Giáo hội Công Giáo. Hẳn nhiên cũng không thể ghi lại được hết những dữ kiện hay những tư tưởng của Giáo hội qua chủ đề này. Các văn kiện chính thức cho đến các bản văn của các Giáo hội địa phương về vấn đề đối thoại liên tôn rất phong phú cần được khai thác sâu xa hơn nữa về phương diện suy tư thần học. Dầu sao chúng ta đã thấy công cuộc đối thoại liên tôn không phải là một phụ trương của thần học nhưng nó nằm ngay trong tiến trình năng động của việc hội nhập văn hóa. Vấn đề tiền đặt trong đối thoại liên tôn chính là sự mạc khải của Thiên Chúa cho con người thời đại hôm nay. Khi đi vào đối thoại tôn giáo một cách nghiêm túc, chúng ta không tránh khỏi câu hỏi về sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong các tôn giáo ngoài truyền thống Kitô giáo. Đó là câu hỏi về một nền thần học về các tôn giáo ngoài Kitô giáo, một cái nhìn đức tin Kitô giáo trên các tôn giáo khác ? Từ đó chúng ta phải đi đến suy tư về hệ thống các kiểu thần học các tôn giáo trên thế giới.

Trên phần nhập đề có ghi chủ đề đối thoại liên tôn còn đang sôi động, dù vậy cũng cho thấy được con đường vạch ra từ các văn kiện của Giáo hội và nhất là qua tư tưởng và hành động của Đức Gioan Phaolô II. Đối thoại liên tôn giúp ta tái khám phá ra Thiên Chúa Ba Ngôi. Đối thoại liên tôn giúp đưa ta hiểu biết hơn về mầu nhiệm nhập thể. Chắc chắn đưa tới những hậu quả như chấp nhận cái chết tự mình mà mầu nhiệm phục sinh kết nên. Chúng ta thấy rõ hơn qua tiến trình của tông đồ Phaolô. Ngài trình bày hành trình người Kitô hữu như sự vượt qua từ nô lệ đến cương vị người Con : Thư gửi Rôma 8,15-16 :" Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Abba! Cha ơi! " Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người". Và thư gửi Galát 4,6 tt : "Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi! " Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa". Ơn gọi của mọi Kitô hữu phải chăng nằm trong tiến trình từ nô lệ Thiên Chúa đã làm cho chúng ta nên nghĩa tử ?

Lê Phú Hải omi.

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art