Chủ Nhật, 01 Tháng Bảy, 2012

Chúa nhật : lịch sử và thần học

Chúa nhật : lịch sử và thần học

Công đồng Vatican II trong hiến chế về Phụng vụ Thánh ghi nơi số 106 như sau : "Theo tông truyền bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Phục Sinh vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay ngay Chúa nhật". Ngày Chúa nhật vì thế giữ một chổ thật quan trọng trong truyền thống linh đạo Công Giáo. Chúng ta sẽ cùng nhau đọc lại lịch sử khai sinh ngày Chúa nhật và ý nghĩa thần học được khai triển trong những thế kỷ đầu lịch sử Giáo Hội Công Giáo.

1. Nguồn gốc lịch sử ngày Chúa nhật.

A. Những chứng từ rút ra từ Kinh Thánh.

Ngày Chúa nhật được khai sinh tại thành Giêrusalem sau biến cố lễ Hiện Xuống nơi cộng đoàn do chính các Tông đồ chủ xướng. Họ chỉ trung thành làm theo ý hướng của Chúa Kitô khi Ngài sống lại hiển vinh ngày thứ nhất trong tuần lễ của người Do thái.

Các tác giả Tin Mừng đều đồng ý ở điểm Đức Giêsu sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần : "sau ngày Sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló dạng" (Máccô 16,2.9; Mátthêu 28,1; Luca 24,1; Gioan 20,1). Riêng Tin Mừng Gioan còn xác nhật Chúa Kitô sống lại đã hiện ra với các môn đệ cũng trong ngay thứ nhất trong tuần (Gioan 20,19.26). Tác giả Luca đặt cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô sống lại với hai môn đệ trên đường Emmau ngay ngày Phục Sinh tức là ngày thứ nhất sau ngày Sabát (Luca 24,13). Ngoài ra, Luca cũng ghi nhận biến cố Hiện Xuống cũng xảy ra ở ngày thứ nhất sau ngay Sabát. Các tác giả Tin Mừng vạch rõ cho thấy ba biến cố quan trọng Sống Lại, hiện ra và ân sủng Chúa Thánh Thần đều xảy ra ngay ngày thứ nhất trong tuần.

Thêm vào đó, nếu đọc kỷ những trình thuật Tin Mừng về các cuộc hiện ra, các tác giả  thường nói đến bửa ăn chia xẻ giữa Đấng Sống lại và các môn đệ. Theo Tin Mừng Luca, khi Đức Giêsu đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmau, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ (Luca 24,30). Hai môn đệ đã nhận ra Người qua việc bẻ bánh (Luca 24,35). Việc này đã xảy ra ở ngày thứ nhất trong tuần. Tiếp theo trình thuật hiện ra ở Emmau, Luca còn nói đến việc Đức Giêsu hiện ra  với các Tông đồ và ăn với họ (Luca 3,6-44). Trong Công vụ Tông đồ, Luca cũng nhắc lại giữa hai biến cố Phục Sinh và Hiện Xuống, Đức Giêsu vẫn thường hiện ra với các môn đệ và dùng bữa với các ông (Công vụ 1,34). Riêng tác giả Gioan có nói đến hai lần Đấng Sống Lại hiện ra với các tông đồ tại biển hồ Tibêria và mời họ ăn : "anh em hãy đến mà ăn" (Gioan 21,12). Các nhà chú giải Kinh Thánh nhìn thấy nơi điều ghi trên ý gợi về Thánh Lễ. Hiến Lễ tạ ơn ngày Chúa nhật tiếp nối các bữa ăn giữa Đấng Sống Lại và các môn đệ.

Ngoài ra trong Tân ước, chúng ta còn có 3 văn bản nói về tiến trình lựa chọn ngày Chúa nhật như ngày ưu tiên của các Kitô hữu tiên khởi :

1. Trong sách Công vụ Tông đồ, khi trình thuật về cuộc hành trình truyền giáo lần thứ ba của thánh Phaolô tại Troas, Luca ghi như sau : " Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phaolô thảo luận với các anh em, và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm. Có khá nhiều đèn ở lầu trên, nơi chúng tôi họp nhau. Một thiếu niên kia, tên là Êutykhô, ngồi ở cửa sổ, đã thiếp đi và ngủ say trong khi ông Phao-lô vẫn cứ giảng. Vì ngủ say, nên nó ngã từ tầng thứ ba xuống. Vực lên, thì nó đã chết. Ông Phaolô xuống, cúi mình trên nó, ôm lấy và nói: "Đừng xôn xao nữa, vì nó sống mà! " Rồi ông lên, bẻ bánh và ăn. Ông còn nói chuyện khá lâu, mãi đến tảng sáng mới ra đi. Người ta đưa cậu bé đang sống về, và ai nấy được an ủi không ít." (Công vụ 20,7-12). Đây là thời điểm lễ Phục Sinh khoảng năm 58, qua đoạn văn chúng ta biết cộng đoàn tín hữu ở Troas đã tụ họp lại dâng hiến lễ tạ ơn ngày thứ nhất trong tuần ở tầng lầu trên như Đức Giêsu đã làm trong buổi tiệc ly. Cuộc tụ họp gặp mặt hằng tuần này thường tổ chức vào buổi chiều tối như buổi canh thức.

2. Vào khoảng một hoặc hai năm trước đó (năm 57), thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô ở đoạn cầu chúc cuối cùng đã ghi :"Về việc quyên tiền giúp các thánh, tôi đã truyền dạy cho các Hội Thánh ở Galát như thế nào, thì anh em cũng làm như vậy. Ngày thứ nhất trong tuần, mỗi người trong anh em hãy để riêng ra những gì đã may mắn thu góp được, chứ đừng đợi khi tôi đến rồi mới quyên"(16,12). Thánh Phaolô kêu gọi giáo đoàn Côrintô quyên góp giúp đỡ những người nghèo thuộc Giáo đoàn Giêrusalem trong một ngày được quy định rõ rệt trong ngày của Chúa là ngày thứ nhất trong tuần. Ngày Chúa nhật như thế diễn đạt tình huynh đệ Kitô giáo.

3. Tuy vậy nhưng danh từ "Chúa nhật" hay "ngày của Chúa" chỉ xuất hiện lần đầu tiên trong sách Khải Huyền tức là ở vào đầu thế kỷ thứ II : "Tôi là Gioan, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giêsu. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pátmô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giêsu. Tôi đã xuất thần vào ngày của Chúa và nghe đằng sau tôi có một tiếng lớn như thể tiếng kèn nói rằng: "Điều ngươi thấy, hãy ghi vào sách và gửi cho bảy Hội Thánh: Êphêxô, Ximiếcna, Pécgamô, Thyatira, Xácđê, Philađenphia và Laođikia" (1,9-11). Đây là đoạn thị kiến Chúa Kitô sống lại và vinh hiển mở đầu cuộc mạc khải. Đoạn văn mang nhiều nét một buổi phụng vụ. "Ngày của Chúa" nguyên ngữ Hy lạp là "en tè kuriakè hèmera", tĩnh từ kuriakè có thêm một lần khác trong Tân ước ghi nơi thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô 11,20 chỉ định "bữa ăn của Chúa".

b. Những chứng từ đến từ truyền thống Kitô giáo cổ.

Ngoài những chứng từ đến từ Kinh Thánh, nhất là ba bản văn căn bản như vừa ghi trên, chúng ta còn có một số văn bản cổ xưa nói đến cuộc tụ họp cử hành phụng vụ của các Kitô hữu :

1. Sách Didachè hay "Giáo huấn của 12 Tông đồ" là một sưu tập nhỏ bao gồm vấn đề luân lý, chỉ dẫn phụng vụ... được viết khoảng năm 100 tại xứ Syrie. Trong tập sách này nơi chương 14 có nói về ngày Chúa nhật : "Trong ngày của Chúa, anh em hãy tập hợp, bẻ bánh và tạ ơn, sau khi đã thú những lỗi lầm hầu cho hy lễ của anh em được trong sạch. Nhưng ai có sự khác biệt với bạn mình thì đừng đến với anh em trước khi làm hòa, để hy lễ của nah em không bị tỳ ố. Thật vậy, lời Chúa nói như sau : "từ đông sang tây, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta, bởi vì Danh Ta cao cả giữa chư dân". Ngày của Chúa tức là ngày Chúa nhật, ngày Phục Sinh. Bản văn Didachè này rất gần với Tin Mừng Gioan ở chương 20 cho thấy truyền thống hy lễ hằng tuần đã được thiết lập vào thời đó. Các từ ngữ cũng rất gần với từ ngữ Tân ước như "bẻ bánh". Ngoài ra vấn đề hòa giải cũng tương ứng với những cụm từ về sự kết hiệp và chia xẻ trong cộng đoàn Kitô tiên khởi mà tác giả Luca thường dùng trong sách Công vụ Tông đồ.

2. Chúng ta cũng có một chứng từ khác đến từ thành Rôma khoảng năm 150. Chứng từ này đến từ cuốn sách của triết gia Kitô giáo tên là Justin. Justin nguyên là người Do thái, ông được hấp thụ nền văn hóa Hy lạp. Vào khoảng năm 132-135 ông trở lại Kitô giáo và đến sinh sống tại Rôma. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ II đã soạn cho hoàng đế Antonin le Pieux (138-161) một bản văn trình bày Kitô giáo và những tập họp hiến lễ tạ ơn của người Kitô hữu. Justin viết về các cuộc tụ họp ngày Chúa nhật như sau : "Ngày gọi là ngày mặt trời, tất cả chúng tôi kẻ ở tỉnh thành, người ở thôn quê đều họp nhau lại một nơi. Người ta đọc hồi ký các tông đồ hay trước tác của các ngôn sứ... Chúng tôi tất cả tụ họp nhau vào ngày mặt trời, vì đó là ngày Chúa nhật, ngày Thiên Chúa đưa vật chất ra khỏi cảnh hỗn mang chi sơ mà tạo dựng nên thế giới, và cũng chính ngày này, Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc chúng ta đã sống lại từ cõi chết" (Apologie, 65-67).

3. Chúng ta còn có thêm một chứng từ khác đến từ giáo hội cổ thời với giáo phụ Eusèbe de Césarée. Ngài sinh khoảng năm 263 và mất năm 339. Thời điểm này được coi như thời hoàng kim của Giáo hội. Eusèbe trở thành Giám mục Césarée thuộc xứ Palestine và nổi tiếng với bộ Lịch sử Giáo Hội gồm 10 cuốn. Sự hiểu biết về lịch sử Giáo Hội ở các thế kỷ thứ II và III sẽ rất sơ sài nếu không có bộ Lịch sử của Eusèbe de Césarée. Trong pho lịch sử này, tác giả có nói đến việc giữ ngày Chúa nhật của những người Ebiônít. Đây là nhóm người Kitô hữu gốc Do thái thuộc phái Duybần chỉ chấp nhận thiên tính của Đức Kitô, nhưng ở đây điều quan trọng là nguồn gốc của nhóm này đến từ các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Eusèbe ghi như sau : " Người Ebiônít là những người chỉ biết quy chiếu vào Tin Mừng được gọi là của những người Do thái [...] gìn giữ [...] ngày Sabát và theo các tục lệ khác của Do thái giáo, nhưng ngày Chúa nhật, họ cử hành những lễ nghi rất gần với chúng ta để tưởng niệm sự Sống lại của Đấng Cứu Thế" (Histoire Ecclésiastique III, XXVII,45).

c. Chứng từ ngoài Kitô giáo với ông Plinô thứ (Pline le jeune, khoảng 61-115)

Tài liệu cổ nhất ngoài Kitô giáo có nói về cuộc tụ họp của ngươời Kitô hữu được đọc thấy trong một bức thư của viên khâm sai ở Bithynie thuộc Tây Bắc miền Tiểu Á. Tác giả là ông Plinô thứ viết gửi hoàng đế Trajanô khoảng năm 111-113 cho biết cách ông đối xử với các nhóm người mệnh danh là Kitô hữu. Dân số họ tăng nhiều làm cho các đền thờ dân ngoại vắng vẻ nhưng ông không truy nã họ : "Một số người quả quyết rằng họ đã thôi là Kitô hữu... Họ thú nhận thường xuyên tụ họp trong một ngày được quy định trước khi mặt trời mọc, để cùng nhau chúc tụng Đức Kitô như một vị thần và quyết thề không trộm cắp, không cướp bóc, không ngoại tình, không sai lời hứa... Rồi trước khi chia tay họ ăn một thứ bánh rất thông thường và trong sạch... Tôi không nhận thấy gì là mê tín dị đoan cả..." (Pline le jeune, Lettres, X, 96,7). Các sử gia chấp nhận từ "ngày quy định" hẳn là ngày Chúa nhật chứ không thể nào là ngày Sabát của người Do thái, vì người La mã thừa biết Sabát là ngày phụng vụ thánh thiếng của Do thái giáo.

Qua những chứng từ vừa nêu ra trên đây, chúng ta có thể nói rằng nguồn gốc khai sinh ngày Chúa nhật Kitô giáo bắt nguồn từ thành Giêrusalem trong môi trường xứ Palestine. Các Kitô hữu đã tụ họp nhau lại để cử hành Chúa Kitô Phục Sinh và hằng sống.

2. Ý nghĩa thần học về ngày Chúa nhật.

Nói về ý nghĩa thần học ngày Chúa nhật rất bao la rộng rãi, nơi đây chúng ta chỉ cố gắng rút ra vài ý nghĩa chính về ngày Chúa nhật đến từ truyền thống Kitô giáo nhất là đến từ các văn bản của các Giáo phụ. Khi nói về ngày Chúa nhật, các giáo phụ thường cho ngày đó những danh từ đặc biệt mang giá trị thần học và định hướng cho linh đạo Kitô giáo về ngày Chúa nhật. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ba điểm chình của ngày Chúa nhật như ngày Sống Lại, ngày Sáng tạo và là ngày thứ tám.

A. Chúa nhật  : ngày Sống lại.

Tông phụ Ignace là giám mục thứ hai của thành Antioche sau các Tông đồ. Ignace bị chịu tử hình tại Rôma dưới triều hoàng đế Trajan. Ngày nay, người ta còn lưu giữ được 7 lá thư của ngài viết trong khoảng tiền bán thế kỷ IỊ Trong thư gửi người Magnésie IX,1 Ignace d'Antioche gọi Chúa nhật là "ngày của Chúa " tức là ngày Chúa Kitô sống lại và người Kitô hữu được kêu gọi tham dự : "Những kẻ khi xưa sống theo trật tự cũ, nay đã được tiến tới niềm hy vọng mới bằng cách không giữ ngày Sabát nữa, nhưng là sống theo ngày của Chúa, ngày mà đời sống chúng ta được trồi mọc lên nhờ bởi Chúa Kitô và cái chết của Người". Ý nghĩa căn bản ngày Chúa nhật là tưởng nhớ mỗi tuần biến cố Phục Sinh; và bắt đầu từ thế kỷ thứ 3 ngày của Chúa cũng còn được gọi là ngày Chúa Sống Lại (Tertullien, De oratione 23). Ngoài ra, ngày của Chúa còn gợi cho ta ý ngày cánh chung vì được đặt trên nền tảng nơi sự sống lại của Đức Giêsu.

Vì cử hành Đấng Sống lại nên Chúa nhật luôn luôn diễn đạt nổi vui mừng. Trong thư của Banabê viết khoảng năm 135, tác giả là một người Do thái sống bên Aicập và trở lại Kitô giáo ghi rằng "chúng tôi sống trong vui mừng ngày thứ tám này, ngày mà Đức Giêsu sống lại, và sau khi tỏ hiện đã về trời" (15,9). Giáo phụ Tertullien còn nhấn mạnh không chay tịnh và không cầu nguyện quì gối ngày Chúa nhật vì đó là ngày Đức Giêsu phục sinh (23,2). Bước sang thế kỷ thứ 4 và thứ 5, thánh Augustinô còn khai triển dài hơn về sự quan trọng của ngay Chúa nhật như ngày Chúa sống lại. Ngoài những điều cấm ngặt như Tertullien đã nói trước đây, thánh Augustinô cho rằng nổi vui mừng phục sinh cần phải diễn đạt mỗi Chúa nhật qua  bài ca Alleluia (Epistula 55,28).

B. Chúa nhật : ngày thứ nhất : ngày sáng tạo mới.

Từ ngữ ngày thứ nhất đến từ điều Chúa nhật tương ứng vao ngày thứ nhất của tuần lễ Do thái. Và theo quan niệm Do thái, ngày này tương ứng ngày thứ nhất trong công trình Thiên Chúa sáng tạo. Theo Sáng Thế 1,35 đó là ngày Thiên Chúa tạo ra ánh sáng : "Thiên Chúa phán : Phải có ánh sáng. Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, bóng tối là đêm. Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ nhất". Ngày này, ánh sáng chiến thắng trên bóng tối là ngày đầu tiên của tuần lễ Kitô giáo và ánh sáng của Chúa Kitô đã chiến thắng bóng trối của sự chết khai mào một cuộc sáng tạo mới. Giáo phụ Justin là tác giả đầu tiên đưa ra sự tương ứng giữa ngày thứ nhất trong công cuộc sáng tạo và ngày Chúa nhật trong cuốn Hộ giáo thứ nhất, LXVII,7. Justin đã dùng từ ngữ của dân ngoại là "ngày mặt trời" để chỉ định ngày Chúa nhật : "Chúng tôi tất cả tụ họp nhau vào ngày mặt trời, vì đó là ngày Chúa nhật, ngày Thiên Chúa đưa vật chất ra khỏi cảnh hỗn mang chi sơ mà tạo dựng nên thế giới, và cũng chính ngày này, Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc chúng ta đã sống lại từ cõi chết".

C. Chúa nhật : ngày thứ tám.

Ngày thứ nhất trong tuần cũng là ngày trở lại sau ngày thứ bảy vì thế củng được coi là ngày thứ tám. Cụm từ "ngày thứ tám " xuất hiện lần đầu tiên trong thư của Banabê vào khoảng năm 135 như đã nói ở trên. Vào cuối thế kuỷ thứ II, từ ngữ thưòng được các giáo phụ dùng tới nhất là Tertullien cho từ ngử này hàm chứa một mầu nhiệm : "ngày thứ nhất được gọi là ngày thứ tám... chứa đựng một mầu nhiệm" (Dialogue avec Tryphon 24,1) như Kinh thánh gợi ý. Trong Cựu ước, Ngôn sứ Edêkien loan báo một tuần lễ để thanh tẩy và thánh hiến bàn thờ của đền thờ mới và ngày thứ tám bắt đầu phụng vụ dâng hy lễ toàn thiêu (43,27). Trong thư thứ nhất của thánh Phêrô chương 3,20-21, tác giả ghi nhận chỉ có tám người được cứu vớt sống sót trong tàu Noê gồm có ông Noê với bà vợ, ba người con trai với ba con dâu. Lâu nay đoạn văn này thường được giải thích rằng ơn cứu độ và thanh tẩy người Kitô hữu nhận được qua việc dìm mình xuống nước Rửa tội.

Kết luận.

Ngày Chúa nhật lấy nền tảng nơi biến cố Phục sinh và thật sự được khai sinh sau biến cố Hiện xuống tại thành Giêrusalem. Các giáo phụ  đã suy tư và đưa ý nghĩa và giá trị ngày Chúa nhật thêm dồi dào phong phú. Điều này nhắc nhở chúng ta phải ý thức hơn về tầm quan trọng ngày Chúa nhật đối với một cuộc sống kitô hữu nghiêm túc. Chúa nhật đưa ta tưởng nhớ cuộc sáng tạo mới, ngày ánh sáng khai sinh, ngày cứu chuộc và là ngày Chúa Kitô phục sinh. Ngày này cho ta cảm thấy trước ngày Thiên Chúa trở lại vào thời cuối cùng với cuộc sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.

Lê Phú Hải omi.

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art