Chủ Nhật, 01 Tháng Bảy, 2012

Quan niệm hạnh phúc theo Kinh Thánh Cựu Ước

Quan niệm hạnh phúc theo Kinh Thánh Cựu Ước

Hạnh phúc là một vấn đề bao la rộng lớn. Nó là nguồn gốc và là triển vọng của mọi người và con người do bản năng luôn luôn đi tìm kiếm hạnh phúc. Chúng ta cũng tự đặt câu hỏi, Kitô giáo đã đặt vấn đề hạnh phúc thế nào trong quan niệm cứu chuộc đề nghị cho nhân loại? Ngay trong bài thơ đầu của tập Thánh Vịnh được coi như Lời tựa của toàn bộ sách, người ca viên chào mừng và ngợi khen những ai lựa chọn, gắn bó với những lề luật của Thiên Chúa. Đó là lời hứa bảo đảm cho hạnh phúc:

Phúc cho người

không nghe lời kẻ dữ khuyên lơn,

không đứng lại nẻo đường của lũ tội nhân,

không ngồi chung chỗ cùng phường nhạo báng

Nhưng thú vui để nơi thánh chỉ Yavê

và ngày đêm ngâm mãi thánh chỉ của Người (Tv 1,1-2)

Trong Tân Ước theo Tin Mừng Matthêô, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ và dân chúng ở bài giảng trên núi như sau: "Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo vì Nước Trời là của họ" (Mt 5,3). Tác giả Sách Khải Huyền còn ghi lại nơi dấu chỉ thứ năm mà ông được thị kiến, có ba thiên thần rao truyền dọn án phạt và một tiếng tự trời nói: "Phúc cho những kẻ mà đã chết trong Chúa" (Kh 14,13); và trong tiệc cưới chiên con ông còn nghe thêm: "Phúc cho những ai được mời dự tiệc cưới chiên con" (Kh 19,9).

Từ Cựu ước đến Tân ước đề tài hạnh phúc có một chổ đứng không kém phần quan trọng. Trong khuôn khổ bài báo, tác giả không nghĩ rằng có thể gom góp lại mọi bản văn Cựu Ước liên quan đến hạnh phúc, nhưng chỉ xin tóm lược những ý chính.

Quan niệm hạnh phúc trong Cựu Ước mang nhiều biến đổi  tùy theo từng thời kỳ một, nhưng chung chung các tác giả đều khẳng định nguồn gốc chân thật của mọi hạnh phúc là Thiên Chúa. Thiên Chúa theo người Do Thái không phải một hình ảnh trừu tuợng nhưng Ngài là một hữu thể huyền bí điều khiển vũ trụ. Ngài đã tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh của Ngài và ban cho họ cuộc sống hạnh phúc. Sự sáng tạo ló ra từ sự hỗn độn và tất cả khởi đầu trong ánh sáng hạnh phúc. Loài người được hạnh phúc qua cuộc sống thân mật với Thiên Chúa. Qua đến trình thuật thứ hai về sự sáng tạo, chúng ta mới biết con người đánh mất hạnh phúc sau khi họ phạm tội. Con người trong khu vườn thuở sáng tạo biểu tượng một cuộc sống hạnh phúc, hài hoà vượt thoát sự chết, tủi hổ, lo sợ. Họ còn được cả tự do xử dụng cây cỏ mọc lên từ đất "mọi thứ cây coi sướng mắt và ăn ngon lành" (Kn 2,9). Nơi đây, tác giả trình thuật tóm lại dưới hình ảnh cây cỏ hạnh phúc làm thoả mản mọi ước nguyện của loài người. Niềm hạnh phúc này lại có thể được bảo đảm muôn đời nhờ "cây sự sống" (Kn 2,9). Thế nhưng có một cây biết tốt xấu mà Thiên Chúa truyền dạy con người không được ăn (Kn 2,17). Họ đã dùng tự do Thiên Chúa ban và muốn biết sự lành sự dử. Con người quay mặt khỏi Thiên Chúa để đạt tới khả năng đánh giá mọi việc theo ý của họ. Hạnh phúc chỉ có nơi sự tùng phục Thiên Chúa.

Ngoài ra, Cựu Ước cũng ghi những người đi cùng Thiên Chúa được mang danh công chính. Họ cũng tiêu biểu cho hình ảnh hạnh phúc. Trong Cựu Ước có hai truyền thống nói về hai người công chính được Chúa đem đi. Thời các tổ phụ trước lụt đại hồng thủy, ông Hênóc sống 365 tuổi đúng theo thời gian một năm tính theo mặt trời, thời viên mãn. Ông không mang số phận chung của loài người vì Hênóc "đã đi với Thiên Chúa, ông không còn nữa vì Thiên Chúa đã cất ông đi mất" (Kn 5,24). Nơi cuốn thứ hai sách Các Vua, sứ ngôn Elya vừa đi vừa nói chuyện với người kế thừa là Elisa "thì này một xe bằng lửa và những con ngựa lửa tách giữa hai người và Elya lên trời trong cơn gió lốc" (2 Vua 2,11). Hai con người ở hai gia đoạn khác nhau nhưng cùng mang một định mệnh khác thường vì tiếp cuộc đời dương thế họ vẫn tiếp tục sống với Thiên Chúa. Họ được Thiên Chúa lấy lên cùng Ngài hưởng hạnh phúc.

Trước thời kỳ lưu đày, dân Do Thái đã nhận một kinh nghiệm linh thiêng vui mừng được ở cùng Thiên Chúa. Quan niệm này hơi khác với truyền thống của Hênóc và Elya. Hạnh phúc bên Chuá không phải chỉ ở trên trời nhưng được thể hiện ngay tại dương thế. Người Ca viên trong Thánh vịnh 63 khao khát Thiên Chúa:

Lạy Thiên Chúa, chính Người là Chúa tôi

về Người, tôi khắc khoải

về Người, hồn tôi khao khát

và xác tôi cũng hao mòn

như đất hạn hán, nẻ khô, khan nước,

cũng như tôi đã từng được chiêm ngắm Người nơi thánh điện

khi nắm đến uy lực và vinh quang Người... (Tv 63)

Dù gặp khó khăn nhưng người ca viên cảm thấy tin tưởng, vui mừng khi nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện. Thiên Chúa là một người hiện thực và loài người tìm thấy hạnh phúc sâu thẳm khi nối kết nơi sự hiện diện của Ngài.

Niềm hy vọng của các sứ ngôn.

Các sứ ngôn diển đạt niềm hy vọng trong những thực tại trông chờ. Họ hướng cái nhìn và lòng mong ước của dân Do Thái theo chiều hướng trên. Lời Thiên Chúa hứa về hạnh phúc không mang điểm khác biệt quan trọng nào đối với niềm hy vọng của các sứ ngôn. Khi nhìn về thời gian hiện tại, họ thấy dân được chọn đã liên tiếp bất trung với lời giao ước và chạy theo hy vọng giả dối. Dân Do Thái quên rằng hạnh phúc là ân huệ của Thiên Chúa. Ngay thời nước Do Thái còn thịnh, sứ ngôn Hôsê đã kêu gọi cải hoá: "Nó không biết là chính Ta đã ban cho nó: lúa miến, rượu mới, dầu tươi. Cho nó đầy đống bạc vàng, mà chúng đã tác thành Baal" (Hôsê 2,10). Người dân bị lôi cuốn theo cái hảo huyền. Các sứ ngôn không ngừng tố cáo cái hy vọng giả tạo và tiên báo Thiên Chúa sẽ trừng phạt nặng nề. Thật vậy, dân Do Thái đã nhận lảnh kinh nghiệm đau khổ nhất của loài người: bất công đầy dẩy làm tăng phần đau khổ cho những kẻ nghèo khó, chiến tranh tàn phá, ngoại bang cai trị và dân bị lưu đày. Trong cảnh lưu đày họ mới nhớ lại hạnh phúc bị đánh mất. Giờ không còn những vườn nho, vườn dầu, đền Thánh, thành Thánh Giêrusalem....Cuộc sống lưu đày cũng cho họ một cơ hội nhận thêm một kinh nghiệm khác. Ngày nay sống giữa một dân ngọai đầy sức mạnh và quyền hành. Kẻ ly hương hoàn toàn thất vọng. Tương lai như thể khép kín và họ phải than rằng: "Thế là mất rồi chổ tựa, và hy vọng tôi nơi Đức Yavê" (Ai ca 3,18). Họ nghi ngờ về Thiên Chúa của cha ông. Các sứ ngôn luôn tin niềm hy vọng không bao giờ mất, họ nhắc nhở, nâng đở và duy trì niềm hy vọng bằng cách trình bày viễn tượng tương lai mới vớinhững điều chúc phúc của Thiên Chúa: "Chúng sẽ đến reo vui trên đỉnh đồi Sion....và chúng sẽ không phải ủ ê tiêu điều.....Ta sẽ đổi tang tóc chúng thành hoan lạc......và dân Ta, Ta sẽ cho no ấm phúc lành của Ta" (Yr 31,12-14). Vui mừng hạnh phúc tiến xa hơn vật chất trần gian. Các sứ ngôn tin rằng Thiên Chúa sẽ canh tân mọi tâm hồn và dân Do Thái sẽ tìm lại được sự mật thiết với Thiên Chúa (Yêrêmya 31,33 vàEzekien 36,25). Mọi chư dân sẽ tìm lại nền hoà bình vĩnh cửu (Esaia 2,3), thời đại của phụng tự hoàn hảo và sứ ngôn Ezekien ghi rằng đất hứa được mang tên mới: "Yavê ở đây" (Ezekien 48,35). Lời sấm kết thúc của Ezekien diển tả đầy đủ quan niệm hạnh phúc nơi nỗi vui mừng được ở cùng Thiên Chúa.

Theo văn chương khôn ngoan

Các hiền triết cũng nói nhiều về hạnh phúc. Sách Cách Ngôn và sách Giảng Viên không ngừng lập lại dưới mọi hình thức đâu là hạnh phúc thật sự của con người: "Phúc thay người đã tìm thấy khôn ngoan, và thu tập được hiểu biết....Đường của nó là đường dịu ngọt, và mọi lối của nó, lối hạnh phúc. Đó là cây sự sống cho kẻ nắm được nó, và người cầm giữ nó trở thành có phúc" (Cách Ngôn 3, 13-18 và xem  Giảng Viên 14,20-15,10). Các hiền triết lấy lại ý của sách Thứ Luật. Những lời hứa cho dân Do Thái có giá trị cho mỗi người. Khôn ngoan là những ai theo đường của Thiên Chúa và đi trong lề luật của Ngài (Thứ Luật 4,6 và Giang Viên 24,23). Khôn ngoan là cây sự sống. Thánh vịnh đầu tiên cũng ca ngợi như thế: Phúc cho người không nghe lời kẻ dữ khuyên lơn....nhưng thú vui để nơi thánh chỉ Yavê và ngày đêm ngâm mãi thánh chỉ của Người (Tv 1,1-3; 37; 112,1-9).Hạnh phúc được mông đợi như một phần thưởng dù được hứa cho mọi người. Nhất là sau thời kỳ lưu đày, dù được trở về quê hương nhưng người dân tìm lại một xứ sở hỗn độn và khó khăn, kinh nghiệm cũng dạy cho họ thấy rằng người công chính không phải lúc nào cũng được thưởng công. Những người tuân giữ lề luật cũng bị đau khổ dày xéo.

Câu truyện về ông Yob lộ rõ ý những kẻ dữ cũng nhận đầy của cải trần gian (Yb 21); nó áp bức những kẻ nghèo khổ (Yb 24,1-12) và Thiên Chúa vẫn lặng thinh. Yob than vản số phận mình với bạn bè và ngay cả với Thiên Chúa. Ông tranh luận ngay với Thiên Chúa dù vẫn khẳng định tiếp tục trung thành và tin tưởng chỉ một mình Ngài mới có thể cho cuộc sống có ý nghĩa. Trong suốt cuộc tranh luận, sự khôn ngoan của loài người biểu tượng qua các lời nói của Yob và bạn bè bị đặt lại vấn đề. Khôn ngoan của Thiên Chúa cũng không tránh khỏi. Yob nghi ngờ ngay sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong hai phương diện về sự sáng tạo và sự thưởng phạt. Đối với ông ý nghĩa thưởng phạt lên án bất công ông đang phải gánh chịu: sự đau khổ của người vô tội. Rồi khi Yob nhìn thấy sự hội nhập của mình vào thế giới được sáng tạo, ông muốn nhấn mạnh Thiên Chúa đã tuỳ theo ý của Ngài làm đảo lộn vũ trụ. Tác giả sách Yob đặt lại vấn đề biết kính sợ Chúa mới là khôn ngoan. Ba người bạn của Yob cũng cố gắng lên tiếng bênh vực sự khôn ngoan của Thiên Chúa nhưng họ đã nói sai về Ngài (Yob 42,7-8). ít ra có một điểm hai bên đều đồng ý khi họ nghĩ hạnh phúc chờ đợi ở Thiên Chúa thể hiện dưới trần thế này. Yob đã luyến tiếc chuổi ngày xưa mà ông cho là  hạnh phúc (Yob 29).

Đối với tác giả sách Giảng Viên, những gì Yob gọi hạnh phúc chỉ là thất vọng. Ông còn bi quan tiến xa hơn: "Trong những ngày phù vân của tôi, tôi đã thấy mọi sự: có người đức nghĩa, dù có đức nhĩa, cũng vong mạng; có đứa ác nhân, tuy có việc dữ, lại được trường tồn" (Giảng Viên 7,15).

Nguồn văn chương Khôn ngoan vừa chứa đựng cái lạc quan theo sách Thứ Luật nhưng cũng mang cái bi quan của Yob và nhất là tác giả Giảng Viên. Quan niệm của Cựu Ước về hạnh phúc còn được đào sâu hơn với sự chung đụng giữa một lòng tin mù quáng và ý nghĩa bén nhọn của thực tế.

Thế nhưng, có một hình thức khác về vui mừng mà Yob và Giảng Viên không nhắc đến đó là hạnh phúc của người gắn liền cuộc sống với Thiên Chúa. Người ca viên trong Thánh vịnh 51 nhận ra nổi mừng là ân sủng mà chỉ một nình Thánh Thần Chúa mới mang đến được (Tv 51,9-10); có những bài ca khác lại diển tả về kinh nghiệm vui mừng linh thiêng: khi cùng nhau họ tiến về thành thánh nơi có sự hiện diện của Thiên chúa (Tv 122,1); khi họ tìm đến đền thánh được đối diện với Thiên Chúa (Tv 84,5-6.11-12) và niềm vui sâu kín khi suy niệm và sống Lời Chúa (Tv 119).

Tóm lại, trong Cựu Ước chúng ta không tìm thấy một hệ thống lý thuyết đầy đủ về hạnh phúc con người. Dầu sao Cựu Ước cũng ghi ít nhất ba trạng thái tích cực của niềm hạnh phúc: Con người mang dấu hạnh phúc trong thân xác lẫn tâm hồn. Hạnh phúc không chỉ nơi của cải trần thế nhưng còn chất chứa trong cuộc sống với Thiên Chúa. Cuộc sống này có thể thực hiện ngay hôm nay cho những ai sống trong đức tin.

Lê Phú Hải omi

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art