Thứ Hai, 02 Tháng Bảy, 2012

Lý lịch Đức Giêsu

Lý lịch Đức Giêsu.

1. Gia đình và năm sinh.

Đức Giêsu, tiếng Hípri gọi « J'hoshua = Giavê cứu chữa »; tiếng Aram = Jesua hay Jesu. Tên Hípri « J’hoshua » đến từ tên ngắn gọn của nhân vật Giosuê trong Cựu ước (tiếng Hípri « Yehosua »), người thay ông Môsê đưa dân Ítraen vào đất hứa. Trước thời lưu đày Babylone, thường gọi Giosuê, nhưng sau thời kỳ lưu đày, tên gọi Giêsu thịnh hành hơn trong cộng đồng người Do thái, cho dù tên Giosuê vẫn còn được lưu giữ.

Tên gọi Giêsu rất thịnh hành trong thời bấy giờ ở Palestine cho đến thế kỷ thứ II công nguyên; vì Đức Giêsu Kitô được kitô hữu tôn kính cho nên người Do thái cũng ít dùng tên Yehosua và tên Giêsu trở nên tên gọi thịnh hành hơn. Vì quá thịnh hành cho nên thường phải xác định rõ ràng hơn ông Giêsu đó là ai, và phải thêm vào tên nơi chốn gốc của con người đó chẳng hạn như « Giêsu Nazareth » hay « Giêsu Đấng Kitô (mêsia) ». Sử gia Flavius Josèphe cho biết thời Đức Giêsu trong những văn bản ông ghi lại có hơn mười nhân vật mang tên « Giêsu ». Vì thế tên Đức Giêsu không có gì đặc biệt cả. Sau thế kỷ thứ II, tên gọi Giêsu trở nên hiếm hoi hơn.

Cha tên « Joses = Giuse »[1], một tên đến từ 12 người con của ông Giacóp, cha của Ephraim và Manasê, và qua họ tổ phụ của hai bộ tộc thuộc mười hai chi tộc Ítraen; mẹ tên « Mirjam = Maria »[2], cùng tên với bà chị ông Môsê. Bốn người anh em mang tên Giacôbê, Giosuê, Simon và Giuđa đều đến từ tên các tổ phụ thuộc mười hai chi tộc Ítraen.

Theo Tin mừng Mátthêu, Đức Giêsu sinh tại Bethlehem thời « vua Hêrôđê trị vì » (2,1)[3], Hêrôđê cả bố vua Hêrôđê Áckhêlao (Mátthêu 2,22). Tin mừng Luca cũng mang công thức tương tự duy chỉ có một chút xíu khác biệt, tác giả nói rõ thêm « vua Hêrôđê, cai trị vùng Giuđê ». Luca 3,23 lại ghi « khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi ». Người bắt đầu sứ vụ vào năm 27, vậy năm sinh sẽ vào năm thứ 4 hoặc thứ 6 trước công nguyên. Ngày sinh không thể nào biết rõ hơn.

11. Đức Giêsu sinh năm nào và có phải ngày 25.12?

Khi muốn biết ngày Đức Giêsu sinh ra, tự nhiên ai cũng sẽ tìm đọc trong Tân ước. Khi đọc kỷ lại thất vọng vì không thấy tác giả nào cho biết đích xác ngày giờ Đức Giêsu sinh ra. Bản văn Tân ước xưa nhất như thư thứ nhất Phaolô gửi giáo đoàn Thêxalônica được viết vào khoảng năm 51, không thấy nói gì về ngày sinh nhật Đức Giêsu. Tìm về bốn cuốn Tin mừng được viết từ khoảng năm 65 đến đầu thế kỷ thứ II sau công nguyên, chỉ được biết như sau:

Tin mừng cựu trào nhất theo Máccô được viết khoảng năm 65, sau cuộc bách hại đạo do hoàng đế Nêrô khởi xướng. Tác giả không đá động gì đến thời thơ ấu của Đức Giêsu nhưng bắt đầu cuốn Tin mừng bằng sự việc ông Gioan Tẩy giả rao giảng. Tin mừng Gioan viết khoảng năm 110 cũng không cho biết gì về tuổi ấu thơ của Đức Giêsu. Ngoài hai tác tác giả Máccô và Gioan, hai tác giả Mátthêu và Luca viết vào khoảng năm 80. Khi hoàn thành tác phẩm hai ông đã sử dụng một phần Tin mừng Máccô. Họ theo sát phần lớn về đề tài cũng như bố cục, nhưng Mátthêu và Luca để ra hai chương đầu tiên trong cuốn sách nói về thời thơ ấu Đức Giêsu; và điều đương nhiên ai cũng nghĩ có thể tìm thấy trong đó về ngày Người sinh ra. Khi đọc kỹ lại càng thêm thất vọng vì không thấy hai tác giả trên cho biết ngày giờ nào Ngôi hai Thiên Chúa giáng trần.

Tin mừng Luca đặt ngày Đức Giêsu sinh ra trong niên đại chung của đế quốc La mã. Dù tác giả muốn đưa ra nơi đây hoàn cảnh lịch sử chính xác[4], nhưng cũng có một vài vấn nạn. Về năm Đức Giêsu sinh ra được biết như sau theo Luca:

Dưới triều đại hoàng đế Auguste (từ năm 29 trước công nguyên đến năm 14 sau công nguyên), có một cuộc kiểm tra dân số « toàn thế giới », tức là đế quốc La mã. Cuộc kiểm tra này xảy ra khi ông Quirinius làm đặc sứ toàn quyền xứ Syrie. Lịch sử xác nhận có cuộc kiểm tra dân số vào năm thứ 6 tại Palestine. Theo Luca, mỗi người phải về quê quán khai sổ bộ, tức là nơi gia đình gốc của mình. Vì vậy, ông Giuse phải làm hành trình về Bethlehem thành Đavít là nơi quê cha đất tổ của Người. Luật này làm cho dân chúng phải lũ lượt kéo nhau về quê quán gây nên rất nhiều khó khăn. Thật ra, kiểm tra dân số mang mục đích đánh thuế người dân, và bình thường là đánh thuế ngay nơi người dân cư ngụ thôi. Vì vậy, nhiều nhà chú giải cho Luca đưa ra lý do này với mục đích đặt Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem.

Khi đọc Tin mừng Mátthêu về giai đoạn này còn thấy rõ vấn nạn hơn. Mátthêu cho Đức Giêsu sinh ra dưới triều đại vua Hêrôđê và ông này qua đời năm thứ 4 trước công nguyên. Và theo Tin mừng Mátthêu, Hêrôđê ra lệnh tàn sát các em nhỏ dưới hai tuổi để chắc chắn mình sẽ không có người đối thủ. Vì thế các sử gia thường đặt Đức Giêsu sinh ra năm thứ 4 hoặc năm thứ 6 trước công nguyên.

12. Những chứng tích lịch sử nói gì về ngày Đức Giêsu sinh ra?

Suốt ba thế kỷ đầu, các tín hữu tiên khởi không mừng lễ sinh nhật Đức Giêsu vì biến cố thương khó và Phục sinh mới quan trọng. Họ hội họp tưởng nhớ lại biến cố trên vào ngày Chúa nhật hay ngày thứ nhất trong tuần. Thời Giáo hội tiên khởi, lễ kính các tông đồ hay các vị tử đạo đều mừng vào ngày họ tử nạn chứ không phải ngày sinh ra. Dần dà có người lên tiếng Đức Giêsu lớn hơn các thánh vì là Đấng cứu độ trần gian, nên cần đi ngược lên thời gian tìm hiểu con người và hành động của Đức Giêsu. Từ những ý phôi thai đó, biến cố Chúa nhập thế mới được nghĩ đến.

Các tín hữu bên Đông phương suy niệm trước hết mầu nhiệm Chúa tỏ mình cho nhân loại. Qua văn kiện ông Clément thành Alexandrie biết có một người theo phái ngộ đạo[5] tên Basilide sống ở thế kỷ thứ II tại thành Alexandrie cùng các môn đệ đã mừng lễ Chúa chịu phép rửa vào ngày 6/1. Họ mừng mầu nhiệm Đức Kitô tỏ mình nhưng chưa phải ngày sinh nhật Chúa. Tại sao họ lựa ngày 6/1 vì Tin mừng cũng không nói đích xác ngày và giờ Chúa chịu phép rửa. Ngày 6/1, truyền thống Hy lạp mừng thần Dionysos bảo vệ vườn nho và rượu vang; dân Ai cập mừng thần Osiris hộ mạng kẻ qua đời, tin trong ngày này nước sông Nil mang một quyền năng thần diệu đặc biệt. Nhóm Ngộ đạo theo Basilide dựa vào đó để chọn lựa ngày Đức Giêsu chịu phép rửa: Người đã dìm mình xuống dòng sông Giođan thần diệu và tỏ mình cho dân ngoại là Đấng Kitô. Vì vậy điều chắc chắn cho đến giữa thế kỷ thứ IV, Giáo hội mừng lễ Chúa tỏ mình ngày 6/1 gồm luôn ý tưởng ngày sinh nhật Chúa với biến cố Người chịu phép rửa. Lễ bắt đầu ở phương Đông dần dần lan sang tận Rôma. Câu hỏi đặt ra: từ lúc nào Giáo hội thay lễ 6/1 thế vào ngày 25/12.

Tài liệu đầu tiên ghi lễ Chúa Giáng sinh mừng ngày 25/12 được tìm thấy trong sách Thời Ký năm 354, bộ sách lịch sử ghi lại những ngày lễ ở Rôma, những quan chấp chính, thái thú thành phố. Ngoài ra còn có hai danh sách ghi ngày sinh nhật, tang lễ: một liên quan đến các Giám mục thành Rôma, và một cuốn khác về các vị tử đạo với sự chỉ dẩn rõ ràng trong mỗi bảng nơi họ chôn cất. Sách được bắt đầu hình thành năm 336. Nhưng ngày 25/12 mang ý nghĩa gì?

Theo tuần hoàn thời tiết, khoảng 25/12 mặt trời xa trái đất nhất, đêm dài nhất trong năm: « ngày đông chí ». Bắt đầu từ đêm nay mặt trời chuyển hướng đi về phía bắc bán cầu và lấy dần lại sức nóng và thời hạn ban ngày dài hơn. Dịp này dân ngoại mừng sinh nhật thần Mithra (phụng tự đến từ Ba tư): vị thần sinh ra từ đá và mang ánh sáng mới. Trước đó, các hoàng đế La mã đã cho dựng những đền thờ thần mặt trời và hoàng đế Aurelius chọn ngày 25/12 biệt kính thần « mặt trời bách chiến bách thắng » (solis natalis invicti). Giáo hội tại Rôma chống lại những phụng tự trên, và muốn cho kitô hữu có một ngày riêng mừng sinh nhật Đức Kitô vì Người cũng là « Ánh sáng chiếu soi muôn dân » như lời ông già Simêon chúc tụng trong đền thờ. Bởi vậy Giáo hội chọn lấy lễ sinh nhật Chúa thế vào lễ dân ngoại. Thời hoàng đế Honorius (395-423), lễ Giáng sinh được đặt ngang hàng với lễ Phục sinh và lễ Chúa tỏ mình. Năm 440, Giáo hội quyết định giữ ngày 25/12 và năm 506 Công đồng thành Agde ra quyết nghị ngày 25/12 lễ trọng phải giữ. Sau đó đến thời hoàng đế Justinien (527-565), ngày 25/12 trở thành ngày lễ nghỉ. Ngày 25/12 mang ý nghĩa thần học nơi biến cố Đức Kitô tỏ mình cho nhân loại hơn mừng một ngày đích xác.

Từ ban đầu cho đến hôm nay, có tất cả ba ngày như sau: Các Giáo hội mừng sinh nhật Chúa ngày 25/12: Giáo hội Công giáo, các Giáo hội Tin lành, các Giáo hội Chính thống Constantinople, Alexandrie, Antioche, Lỗ ma ni, Chypre, Hy lạp và Phần Lan.

Các Giáo hội mừng Sinh nhật Chúa ngày 6/1: Giáo hội Chính thống Giêrusalem, Nga, Serbie, Bulgarie, Géorgie, Ba Lan và Tiệp Khắc.

Các Giáo hội mừng sinh nhật Chúa ngày 18 hoặc 19/1: Giáo hội Chính thống Ethopie, Copte (Ai cập), Syrie, Ấn độ và Arménie.

13. Nơi sinh.

Tin mừng Mátthêu và Luca đều khẳng định nơi Đức Giêsu sinh ra được coi như ở Bethlehem[6] xứ Giuđê. Hai tác giả khẳng định điều này nơi chương 2 của mỗi cuốn Tin mừng, ngoài ra Bethlehem chỉ còn được nói tới nơi Tin mừng Gioan 7,42: « nào Thánh Kinh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đa vít và từ Bê lem, làng của vua Đavít sao? » Duy có một chút khác biệt, theo Mátthêu (2,11) khi Đức Giêsu ra đời, cha mẹ ở Bethlehem (miền nam); còn theo Luca (1,26.39; 2,4) hai ông bà sinh sống tại Nazareth (miền bắc), phải về Bethlehem[7] làm kiểm tra thực hiện thời ông Quirinius làm tổng trấn xứ Syrie.

Kitô giáo sơ khai cũng không đồng nhất về nơi Đức Giêsu sinh ra. Những điều cổ nhất có thể từ các thư của Phaolô: Đức Giêsu đến theo xác thịt từ dòng tộc Đavít (Rôma 1,3). Người được sinh ra bởi một người phụ nữ (Galát 4,4). Đó là những gì Phaolô cho biết được, và không thấy tác giả nói nơi sinh ra, và gia đình của Đức Giêsu. Sau Phaolô, Tin mừng Máccô được coi như cựu trào nhất cũng không nói gì về thời thơ ấu của Đức Giêsu như Tin mừng Mátthêu và Luca. Máccô bắt đầu cuốn Tin mừng với ông Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Và nếu như ai đó, lần đầu tiên đọc Tân ước với Tin mừng Máccô sẽ cho rằng Đức Giêsu được sinh ra tại Nazareth.

Hôm nay, một số sử gia đặt lại vấn đề nơi Đức Giêsu sinh ra với 3 lý do:

- Dường như Gioan không biết (7,41-42), và tại sao?.

- Tại sao Đức Giêsu lại thường được gọi Giêsu Nazareth (Máccô 1,24; Mátthêu 21,10-11), và Nazareth là một làng nhỏ chẳng có tiếng tăm gì (Gioan 1,46).

- Quirinius thật sự có làm đặc sứ toàn quyền xứ Syrie, nhưng yếu tố lịch sử do Luca đưa ra không đúng lắm. Quirinius không thể nào làm kiểm tra khi Hêrôđê cả còn sống thời Đức Giêsu sinh ra. Theo lịch sử, Quirinius làm đặc sứ toàn quyền xứ Syrie khi Áckhêlao bị người La mã hạ bệ năm thứ 6 sau công nguyên; Quirinius chỉ thực hiện cuộc kiểm tra 10 năm sau khi Hêrôđê cả qua đời năm 750 theo lịch Rôma, năm thứ 4 trước công nguyên.

Với những lý do trên, nên nhiều tác giả nghĩ Đức Giêsu được sinh trưởng tại Nazareth.

Nazareth.

Thật vậy, Đức Giêsu thường được gọi là người « Nazarêen » hay « Giêsu Nazareth ». Trong Tin mừng cũng vậy, đám dân chúng thành Giêrusalem chào đấng « ngôn sứ Giêsu Nazareth miền Galilê » (Mátthêu 21,11). Hai môn đệ trên đường Emmau buồn vì cái chết của Đức « Giêsu Nazareth, một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân ». Trong Tin mừng Gioan, ông Philípphê đến nói với ông Nathanaen rằng ông đã tìm thấy đấng mà các ngôn sứ loan báo đến: « Giêsu, con ông Giuse, làng Nazareth ». Và ông Nathanaen cho biết có cái gì tốt thoát ra từ Nazareth đâu (Gioan 1,45-46). Ngoài ra, còn nhiều văn bản gọi Đức Giêsu người « Nazorêen », dù có khác biệt một chút nơi nguyên âm, nhưng từ ngữ rõ ràng chỉ định Nazareth. Đôi khi cũng có từ « Nazara ». Và thánh Phaolô khi ra trước tòa đặc sứ toàn quyền, bị ông Tertullus kết án như một trong những người « cầm đầu giáo phái Nazorêen ».

Và thời bấy giờ, thường chỉ định nguồn gốc của một người ở nơi được sinh ra. Chính vì Nazareth[8] không giữ một vai trò nào trong lịch sử kitô giáo, nên tên này ở những văn bản xưa cũ có thể trở nên một dấu chỉ xác thực.

Dòng dõi Đavít.

Đức Giêsu thuộc dòng dõi Đavít là một đề tài thần học quan trọng trong Mátthêu. Dù vậy, không thể kết luận nó được tác giả bịa ra, vì đề tài này cũng được Phaolô nhắc tới trong thư gửi Rôma 1,3: « xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít ». Phaolô viết thư gửi Rôma vào khoảng cuối thập niên 50, một Cộng đoàn chưa bao giờ ông Phaolô đến thăm hay giảng dạy. Khi viết điều trên hẳn Phaolô nghĩ rằng tín hữu Rôma biết rõ lời tuyên xưng trên như lời diễn đạt đức tin ông muốn chia sẻ với họ. Một cách Phaolô muốn cho tín hữu Rôma biết ông thuộc một tín hữu chân thật, và mang cùng với họ một lòng tin giống nhau. Thật vậy, lời tuyên xưng khẳng định này không còn thấy Phaolô nói tới trong các thư khác, nhưng còn thấy trong những thư mang tên ông như trong thư 2Timôthê 2,8: « anh em hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã trỗi dậy từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đavít ». Sau này, hai bảng gia phả theo Mátthêu 1,1-17 và Luca 3,23-38, dòng dõi Đavít cũng làm yếu tố chung.

Ngoài ra, tư tưởng Đức Giêsu đến từ dòng dõi Đavít cũng còn thấy trong một số luồng tư tưởng khác thuộc Kitô giáo tiên khởi như trong Tin mừng Máccô 10,47[9]. Khi Bartimée biết Đức Giêsu đi qua gần chổ của mình, ông kêu lên: « Con vua Đavít, xin thương xót tôi ». Khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem, đám đông la lên: « vạn tuế ! chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Thiên Chúa! chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta » (Máccô 11,9-10). Trong đoạn văn song song ở Mátthêu và Luca xác định Con vua Đavít đến, tức là vua-thiên sai. Đức Giêsu cũng chấp nhận tước hiệu này qui chiếu với Thánh vịnh 110,1. Trong thư gửi người Do thái, tác giả không cho Đức Giêsu tước hiệu « con vua Đavít », nhưng Đức Giêsu được gọi « Vua - Tư tế - Mêsia » giống như ông Melchisédech, vua – tư tế ở Giêrusalem. Ngoài ra tác giả còn nói Đức Giêsu không thuộc chi tộc Lêvi nhưng thuộc chi tộc Giuđa (7,14). Điều này cho thấy tác giả biết rõ truyền thống về dòng dõi nhà Đavít. Khi đọc sách Khải huyền 3,7; 5,5; 22,16, luồng tư tưởng khải huyền cũng cho truyền thống ý nghĩa dòng dõi Đavít một chỗ đứng quan trọng.

Tóm lại Kitô giáo tiên khởi mang niềm tin vào dòng dõi Đavít, và thế hệ kitô hữu sơ khai cũng khẳng định điều này sau biến cố Phục sinh. Dòng dõi Đavít cũng được giới quyền hành Do thái coi là quan trọng. Tấm biển treo trên thập giá chỉ định Đức Giêsu như vua dân Do thái, và dưới triều đại hoàng đế Domitien, có những họ hàng của Đức Giêsu bị tố cáo thuộc dòng dõi Đavít. Hoàng đế đưa họ trình diện trước ông thì thấy họ chỉ là những dân quê không có ý định chính trị và tha cho họ trở về (Eusèbe, Histoire Ecclésiastique 3,20). Thật vậy, lúc đó vào thế kỷ thứ II, giáo phụ Hégésippe khi nói đến các con cháu ông Giuđa còn được gọi « người anh em của Đức Giêsu theo xác phàm ». Hégésippe ghi những người bà con Đức Giêsu bị kết án trước hoàng đế Domitien (81-96) như thuộc « dòng dõi Đavít ». Những chứng từ cho biết gia đình Đức Giêsu thật sự xuống từ dòng dõi Đavít thuộc truyền thống.

Bethlehem.

Ai cũng được cho biết Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem. Hai tác giả nhất lãm Mátthêu 2,1-18; Lucac 2,1-21 ghi Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem với những từ ngữ khác biệt nhau. Ngoài hai chứng từ trên, phải chờ đến khoảng giữa thế kỷ thứ II trong tác phẩm của ông Justin như « Apologie » và « Đối thoại với Tryphon » mới thấy nói lại việc Đức Giêsu sinh ra ở Bethlehem.

Justin lấy điều đó như lý lẽ luận chiến chống lại Do thái giáo. Lịch sử về Đức Giêsu đã được các ngôn sứ loan báo như ngôn sứ Isaia 7,14 loan báo sự sinh hạ trinh thai và ngôn sứ Mikha 5,1 báo Đức Kitô phải sinh ra tại Bethlehem. Thật vậy, Mátthêu và Luca cho ý nghĩa thần học nhiều hơn, đáp ứng câu sấm Ngôn sứ Mikha 5,1: « Phần ngươi, hỡi Bêlem Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđê, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen... ». Mátthêu đặt câu sấm Mikha ở trung tâm điểm của đoạn văn[10]. Theo Luca, khi nói đến nơi Đức Giêsu sinh ra, tác giả chỉ nói « thành Đavít », và khi thiên thần báo tin cho mục đồng thì họ nghĩ ngay là Bethlehem. Vì vậy, mới cho Luca qui chiếu vào câu sấm của Mikha. Theo truyền thống, bình thường thành Đavít là Giêrusalem.

Một giả thuyết mới[11].

Nhờ một cuộc khai quật khảo cổ mới đây do nhà khảo cổ Do thái Aviram Oshri nghiên cứu từ nâm 1992 đến 2003, một giả thuyết mới có thể đưa đến chấp nhận việc Đức Giêsu sinh ra tại Bethleem. Giả thuyết có thể hòa giải hai cái nhìn thần học và lịch sử về vấn đề này. Aviram Oshri đã tìm thấy một ngôi làng tên Bethleem ở thế kỷ thứ I và cách Nazareth chỉ có 6km về phía tây. Làng Bethleem này nầm ở Galilê chứ không như Bethleem chúng ta thường biết tới thuộc xứ Giuđê. Bethleem ở Galilê là một ngôi làng đậc trưng Do thái và rất sầm uất thời vua Hêrôđê. Đến thế kỷ thứ VI, Bethleem-Galilê trở nên một trung tâm hành hương của người Thiên Chúa giáo. Giả thuyết có hai lợi điểm : cho tới nay chưa có những điểm cư ngụ nào được khoa khảo cổ tìm ra tại Bethleem-Giuđê; giả thuyết cũng khai sáng rõ ràng hơn câu văn trong Tin mừng Gioan 7,41-43 khi có một số người Do thái không chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia vì Ngài mang nguồn gốc Galilê, chứ không thuộc nguồn gốc Bethleem-Giuđê như Da vít : “Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Kitô." Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít sao? "Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ”. Với kết quả khảo cổ này có thể nói hai tác giả Mátthêu và Luca đã lẫn lộn về hai ngôi làng Bethleem.

14. Vấn đề anh em Đức Giêsu.

Máccô 6, 3 = Mátthêu 13,55-56: anh em Đức Giêsu.

Câu nói về anh chị em Đức Giêsu được nêu ra trong bối cảnh Đức Giêsu về thăm làng Nazareth. Ở cả hai đoạn, Máccô và Mátthêu đều ghi rõ tên những người anh em Đức Giêsu: « Giacôbê, Giôxê, Giuđa và Simon »[12]. Trong cùng bối cảnh còn thấy ghi những chị em Đức Giêsu, nhưng lại không cho biết tên. Ngoài những tên được nêu ra, trong Tin mừng còn thấy xuất hiện từ ngữ « anh em của Chúa » như: Máccô 3,31-35 = Gioan 2,12; Mátthêu 12,46-50; Luca 8,29-30; Gioan 2,12; 7,3.5.10; Công vụ 1,14; Galát 1,18-19; 1Côrintô 9,5. Vậy phải hiểu thế nào từ ngữ « anh em của Chúa »? Các nhà chú giải Thánh kinh đưa ra những ý kiến như sau:

a) Xét theo khía cạnh ngôn ngữ.

Trong tiếng Hípri và Aram, từ « anh em » có thể hiểu anh em ruột hoặc anh em họ. Người Do thái thời Đức Giêsu chỉ dùng một chữ nói đến quan hệ họ hàng, từ anh chị em ruột đến họ hàng xa. Đó là từ « ah », vì thế từ này có thể đề cập đến những người bà con xa gần của Đức Giêsu như cách nói trong Cựu ước. Sáng Thế ở đoạn ông Abraham và ông Lót chia tay nhau, Abraham nói với cháu mình như sau: « sao cho đừng có chuyện tranh chấp giữa bác và cháu, giữa người chăn súc vật của bác và người chăn súc vật của cháu. Vì chúng ta là anh em với nhau ! » (13,8; 14,16; 29,15; Lêvi 10,4; Đệ nhị luật 9,3; 1Samuen 20,29; 2Vua 10,13; 1Sử biên niên 15,5; 2Sử biên niên 36,10...

Đó là ý nghĩa từ « anh em » trong não trạng Do thái. Khi viết Tin mừng bằng tiếng Hy lạp, các tác giả có nhiều từ rõ ràng hơn để chỉ định anh em ruột hay bà con họ hàng xa. Từ adelphos chỉ dùng xác định anh em ruột hoặc anh em cùng cha khác mẹ chứ không bao giờ mang nghĩa anh em họ. Vì khi nói đến bà con họ hàng, tiếng Hy lạp có từ anepsios như đoạn Phaolô chào và chúc trong thư gửi tín hữu Côlôxê 4,10: « Anh Aríttakhô, bạn tù với tôi, gửi lời chào anh em. Anh Máccô, em họ (anepsios) ông Banaba, cũng gửi lời chào anh em... » Coi có vẻ rõ ràng, nhưng khi nói về các phần tử cùng chung cộng đoàn hay người đồng đạo, các tác giả cũng gọi họ anh em (adelphos) như trong Mátthêu 5,22-24: « … ai giận anh em mình (adelphos), thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn chửi anh em mình (adelphos) là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em (adelphos) đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em (adelphos) ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình ». Ngay phần phân tích ngôn ngữ cũng không chắc chắn lắm nên từ adelphos cũng được hiểu với hai nghĩa « anh em ruột » và « anh em họ ».

b) Adephos hiểu như anh em ruột:

Những người mang lý luận Đức Giêsu có anh em khác rút ý ra từ Mátthêu 1,25: « ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai... » . Từ cho đến khi có nghĩa sau đó hai ông bà ăn ở như thường. Luca lại ghi: « Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con... »" (2,7). Vậy khi nói con đầu lòng tức phải hiểu còn có các con thứ nữa, vì nếu có một người con cần gì phải nói con đầu lòng.

c) Adelphos có nghĩa anh em họ:

Trong Tin mừng có những chỉ tiêu cho từ « adelphos » mang một nghĩa rộng rãi hơn. Những người được nói đến như anh em Đức Giêsu thường được nêu lên như những người con của một bà mang cùng tên với Đức Maria. Thật vậy, Giacôbê và Giôsuê là con một bà Maria khác chứ không phải Maria mẹ Đức Giêsu. Ý rõ ràng hơn khi đọc đoạn Tin mừng Đức Giêsu bị đóng đinh thập giá do Máccô ghi lại: « Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mađalêna, bà Maria mẹ các ông Giacôbê và Giosuê, cùng bà Salômê... » (15,40), (Máccô 16,1 và Mátthêu 27,55-56).

Từ cho đến khi (heous ou) trong Mátthêu 1,25 không mang nghĩa sau đó hai ông bà ăn ở với nhau và sinh ra mấy người con khác. Từ này thường thấy trong Thánh kinh như Thánh vịnh 110,1: « Hãy ngự bên hữu Ta, cho đến khi Ta đặt quân thù làm bệ chân Người ». Câu thuộc sấm ngôn nói về Đấng mêsia và Đức Kitô đã thực hiện trọn vẹn lời sấm (Mátthêu 22,44; 28,18). Quyền ngự bên hữu Chúa Cha của Người không ngừng khi quân thù bị đánh bại nhưng đặc quyền đó mang tính cách vĩnh cửu. Thêm một ví dụ khác, trong đoạn nói về ông Môsê qua đời, tác giả Đệ nhị luật ghi: « Và người ta đã chôn cất ông trong thung lũng, ở xứ Moab, trước mặt Beth-Péor, nhưng không ai biết được mộ ông cho đến ngày nay ». (34,6). Từ « cho đến ngày nay » theo Thánh kinh không có nghĩa một ngày nào đó chắc chắn tìm thấy mộ Môsê (St 8,7; 28,15; 2Sm 6,23).

Về thuật ngữ « con đầu lòng » trong Luca 2,7, quan niệm Do thái muốn nói đứa con thoát khỏi lòng bà mẹ lần đầu thuộc về Thiên Chúa và phải mua chuộc lại bằng của lễ hiến tế. Khi Luca dùng tính ngữ « con đầu lòng » chỉ định Đức Giêsu, tác giả áp dụng cho Người lề luật ghi trong Xuất hành 13,2 và 13,13: « Hãy hiến thánh cho Ta mọi con đầu lòng: vật gì bất cứ, khai thông dạ mẹ... thì đều thuộc về Ta ». Và Đức Maria cùng thánh Giuse tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa trong đền thờ tại thánh đô Giêrusalem.

Ngoài ra lý luận khác còn cho thấy ý về những người con khác Đức Maria có thể có không vững: Khi gia đình lên đền thờ Giêrusalem lúc Đức Giêsu 12 tuổi, Luca chỉ nói có Giuse, Maria và Giêsu; nếu như còn những người con khác chẳng lẽ hai ông bà lại bỏ chúng ở nhà.

2. Nghề nghiệp: thợ mộc « teknos »?

Ý kiến chung thường cho Đức Giêsu mang nguồn gốc nông dân Palestine, và Người thuộc thành phần giới nông dân. Từ đó phát sinh ra nhiều tư tưởng không đúng về ý nghĩa của từ « nông dân ». Nhà nhân chủng học Eric R.Wolf định nghĩa nông dân chính yếu những người làm việc ngoài đồng áng. Họ trồng trọt và nuôi súc vật ở cánh đồng[13]. Người nông dân lo việc cày bừa và trông nuôi súc vật. Khi đọc Tin mừng không có đoạn nào trình bày Đức Giêsu theo hình ảnh nông dân nói trên. Gia đình Đức Giêsu có thể làm công việc đồng áng trên mảnh đất gia đình để có của ă, một công việc bình thường của các gia đình sống trên triền đồi hay những cánh đồng phì nhiêu tại miền hạ Galilê. Ngoài ra, cũng biết trong khi giảng dạy và nhất là khi dùng các dụ ngôn, Đức Giêsu thường dùng những hình ảnh đến từ nghề nông hay ngư nghiệp, nhưng không bao giờ có những hình ảnh của nghề mộc hay nghề đá.

Tin mừng Mátthêu nói ông Giuse sinh sống bằng nghề thợ mộc (Mátthêu 13,55). Từ Hy lạp « tektôn » có nghĩa bao gồm tất cả những người sống nghề làm gỗ và đá để xây nhà, tức là cũng có thể thợ lò rèn, thợ đẽo đá, thợ mộc hay nhà điêu khắc. Nói chung, ông Giuse là một nhà tiểu công nghệ, và nghề này được đánh giá tương đối cao hơn những người thợ bình thường, nhưng thấp hơn những người sở hữu ruộng đất[14]. Nghề này có thể như việc làm của người thợ mộc giúp dựng nên một phần những ngôi nhà. Tại Nazareth, các ngôi nhà được dựng với những bức tường bằng đá hay bằng gạch đến từ bùn để khô. Người ta chỉ dùng gỗ để làm những cột xà trên mái. Người dân Nazareth không thể nào có đủ điều kiện để làm nhà hoàn toàn bằng gỗ, ngoài những khung cửa, cánh cửa…

Câu hỏi đặt ra, Đức Giêsu có tiếp nghề « teknos » của ôngGiuse không? Tin mừng Máccô dường như xác nhận điều Đức Giêsu làm nghề thợ mộc: « có phải là người thợ mộc, con bà Maria…? » (6,3). Câu văn cũng hơi khác thường, vì bình thường theo truyền thống gọi tên người cha chứ không phải tên người mẹ. Đứa con cũng hay đi theo nghề nghiệp của cha mình, nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ và điều đó như thể Tin mừng muốn đánh dấu cho một nhân vật ngoại lệ. Truyền thống coi Đức Giêsu theo nghề ông Giuse, nhưng cũng có dấu chỉ không hoàn toàn đồng ý với điều đó.

Tóm lại với nghề « teknon » ở Nazareth, có thể xếp Đức Giêsu vào cuối bậc thang của lớp trung lưu. Người không nghèo hơn người dân bình thường làng Nazareth, cũng như đối với một số lớn người dân xứ Galilê. Đức Giêsu không thuộc giới thật sự nghèo khó, cùng đinh hay người nô lệ thời bấy giờ.

3. Đức Giêsu nói những ngôn ngữ nào?

Điều chắc chắn Đức Giêsu nói tiếng Aram và đọc tiếng Hípri, vì có lần Người vào hội đường ở Capharnaum và đọc sách Thánh. Thời Đức Giêsu, sách Thánh được đọc theo nguyên bản bằng tiếng Hípri. Đức Giêsu lớn lên tại làng Nazareth, và làng này rất gần thành phố Sepphoris được coi như thành phố mang văn hóa Hy lạp. Vì thế, chắc Đức Giêsu cũng đã học tiếng Hy lạp được dùng hằng ngày để trao đổi.

Trong Tin mừng cho thấy Người nói chuyện với một người bị quỷ ám được gọi « legion » (Máccô 5,9). Từ này đến từ ngôn ngữ quân đội đóng chiếm La mã, và người bị quỷ ám đến từ Thập tỉnh (Máccô 8,28-34). Ngoài ra Đức Giêsu còn nói chuyện với người đàn bà Syro-Phénicie (Máccô 7,24-30), vào nhà một viên bách quản nói chuyện với ông trước khi chữa bệnh cho người đầy tớ (Mátthêu 8,5.13). Trong vụ án La mã trong trình thuật thương khó, Đức Giêsu trả lời câu hỏi của quan tổng trấn Philatô bằng tiếng Hy lạp.

 4. Kết luận.

Có thể rút ra những gì về những năm Đức Giêsu sống ẩn dật trước sứ vụ công khai?

Đức Giêsu sinh ra tại Nazareth vào khoảng cuối triều đại vua Hêrôđê Cả (khoảng năm 7 hoặc 4 trước công nguyên). Mẹ tên Maria, và bố tên Giuse. Các sách Tin mừng đều nói đến bốn người anh em của Đức Giêsu mang tên Giacôbê, Giosuê, Simon và Giuđa, và hai người em gái nhưng không biết mang tên gì. Tất cả các tên anh em của Đức Giêsu nhắc lại truyền thống hào hùng các tổ phụ từ biến cố Xuất hành và chiếm hữu đi vào miền đất hứa. Đức Giêsu đến từ một gia đình Do thái đạo đức theo khuôn mẫu nông dân Galilê. Những người gắn bó vào việc thực hành Lề luật Môsê như giữ việc cắt bì, ngày Sabát và hành hương lên Giêrusalem, nhưng không theo những điều nghiêm ngặt của người Pharisêu.

Đức Giêsu tiếp tục kiếm sống theo nghề « teknon » của ông Giuse và lựa chọn cuộc sống độc thân. Người lớn lên ở Nazareth, nói thông thạo tiếng Aram, và cũng biết tiếng Hípri được học từ hội đường trong làng. Và qua công việc của nghề nghiệp để giao thương với khách hàng, hẳn Đức Giêsu cũng biết chút ít tiếng Hy lạp để trao đổi với họ.

Với nghề « teknon » trong tay, Đức Giêsu không nghèo hơn một số phần lớn dân chúng Galilê. Thật vậy, Đức Giêsu không phải trải qua những cảnh khốn cùng của người nông dân bị mất đất, người ăn xin trong các thành phố, thợ làm ngày và người nô lệ. Đức Giêsu mang cuộc sống ẩn dật ở Nazareth thật bình lặng, vì thế các Tin mừng không nói đến những năm sống ẩn dật.



[1] Trong Tin mừng, thiên hạ cho rằng Đức Giêsu là con ông Giuse (Luca 3,23; 4,22; Gioan 1,45; 6,42). Hai thánh sử Mátthêu và Luca còn cho biết thêm ông Giuse là chồng bà Maria, nhưng không phải là cha ruột của Đức Giêsu, bởi vì bà Maria thụ thai do sự can thiệp của Chúa Thánh Thần (Mátthêu 1,16.18; Luca 1,26-38).

[2] Qua hằng bao thế kỷ tên Maria đã gợi hứng biết bao nhiêu bài viết ca tụng. Nguyên gốc Hípri là Myriam và thời Tân ước tên này chỉ là một tên gọi rất thông thường. Trong Cựu ước, chị của Môsê và Aarôn tên là « Myriam, con gái ông Amran và bà Giôkebét thuộc chi họ Lêvi » (Dân số 26,59; Xuất hành 2,1 8); cũng vì vậy các nhà chú giải cho tên này có nguồn gốc Ai cập Meri có nghĩa là người được sủng ái. Từ nguyên Hípri Myriam có nguồn gốc « Ra'ah » (= thấy) mang nghĩa là người có thiên nhãn. Luca ghi hai lần tên Maria nhưng không cho biết chi tiết về gia đình, nhân đức và tình cảm của Người. Vì có nhiều phụ nữ cùng mang tên Maria, nên trong tân ước thường thấy các tác giả thêm tên chồng hay tên quê quán vào để dễ phân biệt: Maria Magdala (Mađalêna), Maria Bêtania (chị bà Martha), Maria Salomê…

[3] Tin mừng Mátthêu 2,1 và Luca 1,5.26 chỉ nói trống dưới thời vua Hêrôđê. Ngày tháng sinh cũng không rõ. Đối với các thánh sử cũng như các cộng đoàn tín hữu tiên khởi vấn đề ngày tháng năm sinh không quan trọng. Thời đó, 3 đại lễ người kitô hữu mừng kính hằng năm là lễ Vượt Qua, lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống (xem Origène, Contra Celsum VIII,12.13). Niên lịch chúng ta hiện dùng được soạn bởi tu sĩ Điônixiô (Dionisius) theo lệnh Đức Giáo hoàng Gioan I vào năm 525. Ông dựa theo những dữ kiện Tin mừng, và tính Đức Giêsu ra đời vào năm 753 theo niên lịch La mã. Vì thế năm 754 theo lịch La mã khởi đầu niên lịch kitô giáo. Tuy nhiên, ngày nay các sử gia đều cho rằng tác giả đã tính sai đi mấy năm.

[4] Luca đặt Gioan Tẩy giả vào năm thứ 15 của triều đại Tibère, tức là năm 28 công nguyên (Luca 3,1). Ông cho biết người Do thái bị hoàng đế Claude trục xuất khỏi Rôma (Công vụ 18,2). Luca có nói đến quan thái thú miền Giuđê là ông Félix và Festus (Công vụ 24,27); Ông biết tổng đốc Achaie Gallion (Công vụ 18,12) và triều đại Agripa II (Công vụ 26,1tt).

[5] Các nhà nghiên cứu cũng gặp phải nhiều vấn đề trong việc định nghĩa Ngộ đạo. Từ Ngộ đạo gom lại một số cộng đoàn vào đầu thế kỷ công nguyên tuyên xưng những giáo thuyết khác nhau. Nhưng họ có một số điểm tương đồng coi Đức Giêsu hay một đấng cứu độ nào đó đến mặc khải sự thật về hiểu biết (tiếng Hy lạp « gnosis ») về thế giới, về con người và mối tương quan lẫn nhau với Thiên Chúa. Chỉ những ai đi vào học hỏi mới được sự hiểu biết đó và được cứu rỗi.

Các nhà nghiên cứu cũng đang tranh luận tìm nguồn gốc phái Ngộ đạo. Phần nhiều các học giả cho Ngộ đạo ra đời từ cuộc gặp gỡ giữa tư tưởng Hy lạp và các tôn giáo đông phương. Và cụ thể hơn đối với kitô giáo, Ngộ đạo đến từ sự gặp gỡ giữa Do thái giáo và các cộng đoàn kitô hữu gốc Do thái. Có thể nói Ngộ đạo kitô giáo thoát ra từ Do thái giáo.

Vào năm 1945, tại miền thượng Ai cập, đã khám phá ra 46 cuốn sách bằng tiếng Copte và cuốn cổ nhất đến từ thế kỷ thứ IV, và nhờ đó giới nghiên cứu biết được rõ ràng hơn về nhóm Ngộ đạo. Đó là những tài liệu đầu tay vì hầu như chắc chắn các tài liệu đều đến từ thư viện của một cộng đoàn ngộ đạo.

[6] Bethlehem, hay Bêlem (Ả rập بيت لحم, Hípri: בית לחם, Hy lạp: Βηθλεέμ) có nghĩa là « nhà bánh », là một thành phố nằm ở tây ngạn sông Giođan, cách Giêrusalem 10km về phía nam. Thành phố Bethlehem nằm ở độ cao 765m trên mặt biển, tức là cao hơn Giêrusalem 30m. Thành phố Bethlehem thuộc miền Giuđê, đầu tiên được gọi là Ephrath (Sáng thế 35,16,19; 48,7; Rút 4,11). Nó cũng còn được gọi là Bethlehem Ephrata (Mikha 5,2), Bethlehemjudah (1Samuen 17,12), và « thành vua Đavít » (Luca 2,4).

[7] Đường đi từ Nazareth về Bethlehem dài 150km.

[8] Sau thời đại Đức Giêsu, làng Nazareth cũng trải qua nhiều biến cố. Trong cuộc chiến chống quân La mã năm 67, Nazareth bị tàn phá. Kế tiếp, làng Nazareth lại bị người Ba tư đô hộ và vào năm 1263 hoàn toàn bị người Sarrazins phá hủy. Dòng tu Phanxicô đến Nazareth vào năm 1620 đưa cho Nazareth vực dậy, và trở nên một trong những trung tâm hành hương quan trọng của Thiên Chúa giáo.

Ngày nay, Nazareth hoàn toàn đổi mới chứ không còn như một trấn làng thời Đức Giêsu. Các cuộc khai quật giúp tìm thấy lại dấu vết cũ cũng như những trung tâm được xây cất vào các thời kỳ khác nhau tại nơi được coi như nhà của Đức Maria nhận được truyền tin của thiên sứ Gabriel. Tại đó, từ năm 1960-1969, được xây cất vương cung thánh đường Truyền tin thật đồ sộ và hoành tráng về phương diện nghệ thuật.

[9] Xem thêm Máccô 12,35-37; Mátthêu 9,27; 12,23; 15,22; 20,30; 21,9,15; 22,42-45 và Luca 3,31; 18,38-39; 20,41-44; Công vụ 2,25-31; 13,22-23.

[10] Tác giả cũng làm như thế với đoạn văn trốn sang Ai cập qui chiếu ngôn sứ Hôsê 11,1; và tàn sát các trẻ thơ vô tội với ngôn sứ Giêrêmia 31,15.

[11] Le Monde de la Bible, spécial numéro 200, Débat L’archéologie contredit-elle la Bible ?, Mars-Avril-Mai 2012, page 52.

[12] Cả 4 người đều mang tên các tổ phụ theo Cựu ước, dấu chỉ thuộc gia đình đạo đức. Giacôbê còn được Phaolô trong thư gửi Galát 1,19 gọi là người anh em của Chúa, vấn đề không chấp nhận dân ngoại vào kitô giáo (Công vụ 15,13tt; Galát 2,9.12). Ông Giacôbê cầm đầu Giáo hội và giữ một vai trò quan trọng trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem. Thánh Phaolô gặp ông tại Giêrusalem về hội tại Giêrusalem, và chịu tử đạo năm 62 theo lệnh của Thượng tế Khanna II, với lý do ông chống lại sự chuyên giữ Lề luật nghiêm ngặt. Sử gia Flavius Josèphe cho biết cuộc kết án ông Giacôbê dấy lên sự chống đối mạnh mẽ của người Pharisêu, và họ đề kháng lên vua Agrippa truất phế ông Khanna (Antiquités Juives, 20,200).

[13] Eric R.Wolf, Peasants, Foundations of Modern Anthropology Series, Englewood Cliffs NJ, Prentice Hall, 1966, trang 2.

[14] Trong Tin mừng không còn thấy nói đến thánh Giuse sau đoạn Đức Giêsu lên đền thờ Giêrusalem và ngồi tranh luận với những nhà học thức Do thái (Luca 2,46). Vì thế, có thể cho rằng thánh Giuse qua đời rất sớm.

Lê Phú Hải omi

Bài viết khác