Một Chứng nhân đương đầu với cái chết.
Trong ngày Thánh Thần hiện xuống, Phêrô đã cất tiếng trước những người Do Thái và dân thành Giêrusalem Tin Mừng làm thay đổi cuộc đời của ông và nhóm bạn đồng hành : "Thiên Chúa đã đặt làm Chúa, và làm Kitô, Đức Giêsu mà các người đã đóng đinh." (Tông Đồ công vụ 2,36). Phêrô xác tín sự sống lại của Chúa Giêsu ! Ngài thật sự hưởng quyền năng Kitô và quyền "Chúa" ! Với sự sống lại Ngài đã được Chúa Trời trao vương quyền ngự bên hữu như lời thánh vịnh 110,1 : Sấm của Giavê cho Chúa tôi : Hãy ngự bên hữu Ta. Chờ Ta đặt quân thù làm bệ chân Người..."
Chúa Giêsu là Đấng Kitô, giờ đây Ngài chính là Vua Mêsia được loan báo bởi Kinh Thánh cũng như những lời truyền rao và chứng giám của các vị Tông đồ truyền giáo tiên khởi đến những cộng đoàn Do Thái "Chính Ngài (Chúa Giêsu) là Đức Kitô" (Tông đồ công vụ 17,3).
Người được sống lại không ai khác là Giêsu Nagiarét. Vị tiên tri bị đóng đinh trên thập tự giá, nhưng Thiên Chúa đã trao ban cho Ngài sự sống mới qua cái chết phàm nhân. Tin Mừng Phục Sinh không thể nào mang ý nghĩa sự khổ nạn và cái chết của Giêsu Nagiarét bị hủy bỏ ! Chính vì qua Thánh Giá với sức mạnh của Thánh Thần, Chúa Giêsu mới được sống lại trong vinh quang.
Các tín hữu tiên khởi đã ứng nghiệm niềm hân hoan Phục Sinh của Chúa Kitô và với lòng tin họ truyền ban lại Tin Mừng khổ nạn của Chúa Giêsu đến chúng ta trong Phúc âm. Trong bốn cuốn Tin Mừng, tác giả Gioan kể lại sự thương khó của Chúa Giêsu với đôi chút khác với Tin Mừng Nhất Lãm (Matthêu, Maccô, Luca). Gioan nhấn mạnh sự liên kết chặt chẽ của ngày Chúa Nhật Phục Sinh và ngày thứ sáu khổ nạn. Khác với Tin Mừng Nhất Lãm, Gioan cũng nêu ra sự kiện Chúa Giêsu được gọi "Vua Do Thái" trong suốt vụ án.
Trước tòa án Rôma, Philatô hỏi tội nhân : "Ông là vua dân Do Thái ư ? " (Gioan 18,33). Chúng ta biết câu trả lời của Chúa : "Nước tôi không thuộc về thế gian này thì bộ hạ của tôi đã cố chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Ấy vậy nước tôi không thuộc chốn này" (Gioan 18,36). Và lúc Philatô cố tình vặn hỏi, Chúa Giêsu đáp : "Ông nói đó. Tôi là Vua" (Gioan 18,37). Philatô lưỡng lự nhưng sau cùng truyền đem Chúa Giêsu đi đánh đòn. Những quân lính kết một triều thiên gai lên đầu Ngài. Họ khoác cho Ngài áo choàng cẩm điều và sỉ vả : "Kính chào Vua Do Thái".Khi Philatô tìm cách thả Chúa Giêsu thì các thượng tế và bộ hạ la lên : "Nếu ông tha cho tên ấy là ông thất nghĩa với hoàng đế" (Gioan 19,22). Đến trưa Philatô đặt Chúa Giêsu ngồi trên tòa và nói với dân Do Thái : "Này là Vua các ngươi" nhưng đám đông đòi hỏi sự chết của tội nhân (đối với họ) "đóng đinh nó đi". Philatô nói : "Ta lại đóng đinh Vua các ngươi sao ?" nhưng các thượng tế đáp trả : "Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài đức hoàng đế". Sau lời tuyên bố trên, Gioan thánh sử kể rằng Philatô nộp Chúa Giêsu cho họ đóng đinh.
Những đoạn Tin Mừng vừa sơ lược qua có ngụ ý gì cho chúng ta ? Một giải thích hoàn toàn chính trị không hẳn đúng vì Philatô và các vị quyền thế Do Thái tin chắc Chúa Giêsu không thể nào lật đổ quyền hành chính trị ở Giuđêa, Ngài cũng không thể nào gây áp lực với hoàng đế Tibêria.
Đối với Philatô, ông trả lại cho dân Do Thái sự tự quyết chuyện nội bộ khi chính trị và tôn giáo đều luôn luôn lẫn lộn. Đối với các thượng tế, họ cũng khôn ngoan đặt vấn đề về lòng trung thực của một viên chức lo chức tước và quyền lợi của mình trên hết. Ở đây, đôi bên đều mang một ý gian manh. Philatô đã thắng Do Thái qua đường lối chính trị quỷ quyệt khi ông giữ nguyên hàng chữ trên tấm biển treo ở Thập tự giá của Chúa Giêsu. Vị tổng trấn La Mã cho viết tấm biển để rằng : "Giêsu Nagiarét, Vua Do Thái" (Gioan 19,19). Các thượng tế muốn thay đổi nhưng Philatô từ khước : "Điều ta đã viết là đã viết" (Gioan 19,22). Qua tấm biển, Philatô mỉa mai dân Do Thái nhưng với Gioan, người viết lại chương Tin Mừng, những hàng chữ trên tấm biển mang tính cách tiên tri. Với sự khổ giá Chúa Giêsu trở thành Vua Tiên Tri và sự việc phải được loan truyền cho mọi dân tộc. Bởi thế, tấm biển được để bằng thứ tiếng Híp ri, La Tinh, và Hy Lạp.
Phần Chúa Giêsu, Ngài không bác khước hình ảnh vương quyền vì trong ý của dân Do Thái thời ấy, "Vua Do Thái" không những nắm vương quyền thế gian để xây dựng lại một nước Do Thái độc lập với dòng dõi Đavít, nhưng "Vua Do Thái" cũng tiên báo ngày đến của vị Ngôn sứ từ Thiên Chúa để hoàn thành niềm giao ước với tổ tiên. Chúa Giêsu biết mình đến từ Thiên Chúa dù Ngài mang một ý niệm về sứ mệnh khác biệt với người Do Thái.
Những chương Tin Mừng của Gioan về sự thương khó đã làm tan đi tất cả những lầm lẫn liên kết trong tựa đề "Vua Do Thái". Khi Simon Phêrô muốn cầm gương để tự vệ, Chúa Giêsu bảo : "Hãy bỏ gươm vào bao, chén Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao ? " (Gioan 17,11). Một ông vua từ chối sự bảo vệ đễ lãnh nhận sự đau khổ chờ đón mình với ý thức. Những lời chế nhạo Chúa bị mang ý nghĩa rằng Ngài chối từ lòng nịnh hót của đám đông dành cho những kẻ nắm quyền hành và những tiên tri giả. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Philatô làm tan đi những lẫn lộn về Ngài :"Chính vì lẽ này mà tôi đã sinh ra. Và chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian. Ấy là để làm chứng cho sự thật, Phàm ai thuộc về sự thật thì nghe được tiếng tôi" (Gioan 19,37). Chúa Giêsu xuống làm chứng cho sự thật đó là Tin Mừng. Một Tin Mừng không hão huyền nhưng là một luật sống, một đường đi, một ánh sáng và một hy vọng.
Đó cũng là chứng từ của tất cả những Kitô hữu loan truyền ngày hôm nay trong mầu nhiệm Phục Sinh. Chúa sống lại không giành một ngôi báu. Ngài sống lại không phải như một tiên tri ban phép lạ bao trùm mọi ham muốn của ta. Chúa sống lại bởi Thánh Thần để làm chứng cho Sự Thật ở tất cả những chỗ nào người ta còn nghe tiếng Ngài.
Lê Phú Hải omi.