Thứ Hai, 02 Tháng Bảy, 2012

Biến cố tại Giêrusalem

Biến cố tại Giêrusalem

 Ngày nay, các sử gia đồng ý Đức Giêsu bị đóng đinh sau trưa ngày lễ Vượt Qua (7.4.30) tại một nơi ngoài vòng đai Giêrusalem, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giuđê, đương thời với vua Hêrôđê Antipas. Trong bảng kê khai bối cảnh khi ông Gioan tẩy giả bắt đầu khai giảng ở đoạn Luca 3,12, tác giả nói đến ba nhân vật giữ vai trò quan trọng trong trình thuật Đức Giêsu chịu thương khó: hai thượng tế Khanna và Caipha và quan tổng trấn xứ Giuđê, Phongxiô Philatô.

Từ năm thứ 6 sau công nguyên, xứ Giuđê trở thành một tỉnh trực thuộc đế quốc. Những tỉnh lớn quan trọng được điều hành bình thường bởi một nghị viên cao cấp do hoàng đế đề cử; còn những tỉnh nhỏ và xa xôi, như trường hợp xứ Giuđê, được điều hành bởi một thuộc cấp thấp hơn thường gọi là « tổng trấn ». Ông Philatô làm tổng trấn Giuđê từ năm 26. Năm 36 ông dẹp người Samari nổi dậy một cách nặng tay nên bị triệu hồi về Rôma và đưa đi lưu đày. Vị tổng trấn điều hành tài chánh, giữ trật tự công cộng và công lý. Ngoài ra tỉnh còn được hoàn toàn độc lập trong những vấn đề thường nhật, nên thực quyền nằm trong tay vị thượng tế.

Giới lãnh đạo tôn giáo nơi đền thờ gồm 3 thành phần khoảng 15.000 người: cao cấp là thượng tế với Hội đồng công tọa, sau đến giới tư tế khoảng 7200 người chia ra thành 24 phân chi. Mỗi phân chi đến phục vụ trong đền thờ 2 năm 1 lần trong vòng 1 tuần lễ. Tất cả tư tế đều có mặt tại đền thờ trong ba cuộc hành hương lớn: Vượt Qua (Pesah); Ngũ Tuần (Shavouot): dâng của lễ đầu mùa gợi nhớ Giao ước tại núi Sinai, và lễ Lều (Soukkôt): lễ bình dân nhất, cử hành vào tháng Tishri (tháng 9) vào dịp mùa gặt, nên rất vui vẻ với nhiều cuộc dâng tiến lễ, ca hát, tay cầm lá kiệu tới Silôê. Mỗi gia đình làm một cái chòi chung quanh thành Giêrusalem gợi lại những ngày rời Ai cập sống trong sa mạc (Lêvi 23,43). Ngoài những ngày đó, họ sống ở nhà và kiếm việc làm phụ gia đình. Một số tư tế học cao và trở thành kinh sư, số còn lại sinh sống bằng nghề tiểu công nghệ, buôn bán và cày cấy. Chức vụ tư tế cũng cha truyền con nối. Thành phần thứ ba là các thầy Lê vi khoảng 9600 người cũng được chia ra thành 24 phân chi. Họ không được vào chổ dành cho tư tế, tham dự phụng vụ lo việc ca hát, giữ cửa và giúp phụng vụ. Vị thượng tế đứng đầu Hội đồng công tọa với 71 thành viên. Thời xưa chức vị thượng tế được cha truyền con nối và làm cho đến mãn đời. Sau thời kỳ lưu đày và vương quốc bị tan rã, thượng tế là thủ lãnh chính trị. Quyền hành tối thượng bị giảm đi rất nhiều khi đất nước dưới quyền hành La mã. Giờ đây chức vị do Rôma bổ nhiệm nên thượng tế thường mang thái độ phục tùng Rôma. Tuy nhiên họ giữ địa vị quan trọng trong xã hội Do thái về tôn giáo, dân sự và pháp lý[1]. Người dân coi thượng tế như vị trung gian giữa Thiên Chúa và họ. Mỗi năm một lần, chỉ một mình vị thượng tế mới được vào nơi Cực Thánh trong đền thờ làm lễ xá tội cho dân (Yom Kippour). Luca có đề cập hai lần tới thượng tế Khanna (Luca 3,2 và Công vụ 4,6), Gioan cũng nói đến trong 18,13.24. Ông giữ chức vị thượng tế từ năm thứ 6 đến năm thứ 15. Sau khi bị truất phế, ông vẫn thuộc thành viên Hội đồng công tọa, vẫn can thiệp vào những công vụ bên cạnh con rể là thượng tế Caipha[2], người có quyền xử án Đức Giêsu. Đó là bối cảnh lịch sử khi Đức Giêsu bị xử án tại Giêrusalem.

121. Đức Giêsu qua đời ngày 7.4.30?

Chính yếu cuộc đời Đức Giêsu đều dựa vào các Tin mừng. Yếu tố chắc nhất về cuộc đời Đức Giêsu chính là cái chết. Tin mừng cho biết hai điều chắc chắn đó như sau:

1. Người chết dưới triều Phongxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giuđê từ năm 26 đến năm 36.

2. Máccô 15,42 và Gioan 19,14-31 đều ghi Đức Giêsu chết vào ngày thứ sáu.

Hai điểm đều được các Tin mừng ghi lại, nhưng cũng có một vài điểm khác biệt cần nêu lên để được rõ chính xác hơn. Dù Máccô và Gioan đều nói về ngày thứ sáu nhưng hai tác giả lại không đồng ý đó là ngày thứ sáu nào?

Theo Máccô 14,12 và Luca 22,8.11.15, ngày thứ sáu đó trùng hợp với lễ Vượt qua của người Do thái, ngày 15 tháng Nisan (tháng 4 lịch hiện tại). Đức Giêsu dùng bữa cơm Vượt qua vào tối hôm thứ năm và Người chết ngay hôm sau đúng ngày lễ Vượt qua. Người Do thái tính ngày bắt đầu từ buổi chiều khi ngôi sao đầu tiên bắt đầu xuất hiện trên bầu trời. Lễ Vượt qua kéo dài trong vòng 7 ngày từ 15 đến mùng 21 tháng Nisan. Ngày 14 Nisan sửa soạn lễ: Trong các gia đình, loại bỏ men cũ và bắt đầu tuần lễ bánh không men. Ngoài ra mỗi gia đình phải giết một con chiên hoặc một dê con đực ở đền thờ. Họ lấy máu vật hiến tế và đánh dấu trên cửa nhà với một nhành cây bài hương đúng theo nghi thức bảo vệ các con trai đầu lòng Do thái trước cuộc Xuất hành (Xuất hành 12,7 và 13). Sau đó thịt chiên được đem đi nướng đầy đủ với xương. Buổi phụng vụ thường tổ chức trên tầng một ngôi nhà được trang hoàng đẹp cho ngày lễ. Theo các tác giả nhất lãm, niên biểu được biết như sau:

Thứ năm 14 Nisan: sửa soạn lễ Vượt qua. Đức Giêsu dùng bữa với các môn đệ.

Thứ sáu 15 Nisan: Đức Giêsu chịu chết ngay ngày đầu lễ Vượt qua.

Theo Gioan, ngày thứ sáu đó rơi vào ngày 14 tháng Nisan, vào buổi chiều trước lễ Vượt qua. Bởi vậy khi người Do thái dẫn Đức Giêsu đến toà quan tổng trấn Phongxiô Philatô, họ không vào dinh thự để khỏi « bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt qua được » (Gioan 18,28). Theo lề luật vào nhà một người ngoại sẽ bị ô uế nên họ tránh, nhất là trong những ngày áp các lễ trọng. Vì vậy, theo Gioan Đức Giêsu chết đúng vào lúc người Do thái giết chiên ở đền thờ.

Niên biểu theo Gioan:

Thứ sáu 14 Nisan: Đức Giêsu chịu chết ngay ngày sửa soạn lễ Vượt qua.

Thứ bảy 15 Nisan: Ngày đầu lễ Vượt qua.

Trước sự khác biệt này tác giả nào chính xác hơn? Các nhà nghiên cứu đưa ra 3 giả thuyết:

1. Đức Giêsu có thể mừng lễ Vượt qua vào thứ ba 4/4 theo một niên lịch không chính thức. Giả thuyết làm cho việc kết án Đức Giêsu được kéo dài hơn là một vụ án vội vã, và được kết thúc trước lễ Vượt qua.

2. Đức Giêsu cho ý nghĩa bữa ăn thứ năm 6/4 như tiệc huynh đệ và chưa phải lễ Vượt qua.

3. Đức Giêsu cử hành lễ Vượt qua trước một ngày.

Cả 3 giả thuyết trên đều mang những điểm yếu và không chắc chắn. Các sử gia không thể nào quyết định tác giả nào hoàn toàn đúng. Nhưng có điểm quan trọng để họ cho Gioan có lý. Theo lề luật, không thể nào tử hình một tội nhân trong ngày lễ Vượt qua, vì vậy người La mã không thể nào phạm một lỗi lầm chính trị quan trọng khi cho lệnh hành quyết Đức Giêsu. Ngoài ra, theo sách « Talmud Babylone » viết vào thế kỷ thứ hai cũng nói về cái chết Đức Giêsu theo đúng niên biểu Gioan. Vậy tại sao các tác giả nhất lãm lại viết khác? Khi soạn Tin mừng, họ để Đức Giêsu dùng bữa tiệc cuối cùng như tiệc Vượt qua. Họ không theo niên biểu chính xác vì họ muốn đưa ra ý nghĩa thần học coi bữa tiệc ly như bữa cơm Vượt qua, bữa cơm của sự Giải Phóng.

Vậy, theo Gioan Đức Giêsu chết thứ sáu 14 Nisan. Các sử gia đi tìm trong lịch sử có thứ sáu nào rơi đúng ngày 14 tháng Nisan không; và họ biết được có tất cả 2 thứ sáu hợp với 14 tháng Nisan là thứ sáu 7 tháng 4 năm 30 và thứ sáu 3 tháng 4 năm 33. Và cũng theo Gioan, Đức Giêsu hoạt động công khai ít nhất 2 năm vì Người đã tham dự tất cả 3 lễ Vượt qua. Nếu Người chết năm 33 là quá trể, vì thế có thể nói khá chắc chắn Đức Giêsu chết ngày thứ sáu 7 tháng 4 năm 30, lúc được khoảng 35 tuổi. Nếu lấy theo niên biểu nhất lãm, Đức Giêsu chết ngày 27.4.31.

122. Vấn đề Đức Giêsu chịu thương khó trước lịch sử.

1221. Những nguồn sử liệu ngoài Tin mừng.

Đó là những sử liệu đến từ Flavius Josèphe trong bộ « Do thái thời cổ đại » XVIII, 63-64; chứng từ Tacite khoảng năm 100 nói về cuộc hỏa hoạn khổng lồ xảy ra hơn một tuần lễ ở thành Rôma (Sử biên niên XV,44). Tiếp đến, có chứng từ đến từ « Talmud Babylone ». Trong Tin mừng, vụ án Đức Giêsu được diễn ra thật vội vã, nhưng theo kinh Talmud, việc này được sửa soạn tỉ mỉ với phiên tòa cùng các quan án. Đức Giêsu bị giết chết « trước ngày lễ Vượt Qua » trùng hợp với Tin mừng Gioan. Qua chứng từ Talmud rút ra được những điều như sau: Vụ án Đức Giêsu là việc người Do thái làm, chứng minh tác giả đã không biết những điều ghi trong Tin mừng. Ông chỉ lấy lại tin tức đến từ các kitô hữu. Tác giả ghép tội Đức Giêsu làm ma thuật đúng theo truyền thống các phép lạ, như trong Máccô 3,22 « bị quỷ vương ám... » Ý tưởng Đức Giêsu đưa người Do thái theo con đường lầm lạc, được gợi hứng từ sách Đệ nhị luật 13,2-12.

Đức Giêsu bị ném đá, hành quyết theo truyền thống Do thái. Nhưng cuối cùng Người bị treo trên thập giá. Talmud mang điều tương phản. Tác giả lấy điều lịch sử chấp nhận Đức Giêsu bị đóng đinh, và đặt vào trong một vụ án đến từ người Do thái. Đức Giêsu bị kết án lường gạt, lẽ ra bị người Do thái ném đá, nhưng vì Người bị đóng đinh theo truyền thống La mã, nên ai ai cũng chấp nhận và tác giả không thể chối bác được.

1222. Tân ước và Tin mừng.

Nguồn sử liệu kitô giáo như Ngụy thư « Công vụ Philatô » hay « Tin mừng Phêrô » quy cho người Do thái trách nhiệm vụ án Đức Giêsu. Nếu chỉ đọc Tân ước sẽ biết rất ít về vụ án như ghi trong Công vụ các tông đồ và các thư Phaolô. Theo tác giả Công vụ tông đồ và thư Phaolô, chính người Do thái đóng đinh Đức Giêsu (1Thêxalônica 2,15; Công vụ 2,36; 3,15; 4,10; 5,30; 1Timôthê 6,13-14).

Bốn cuốn Tin mừng, sử liệu duy nhất ghi lại nhiều chi tiết về vụ án và sự thương khó Đức Giêsu từ khi Người bị bắt cho đến khi được chôn cất. Câu hỏi đặt ra Tin mừng có đáng tin không? Đó là vấn đề sử tính Tin mừng. Muốn trả lời câu hỏi này một cách chín chắn cần phải tránh hai thái cực. Nhóm thứ nhất cho Tin mừng là huyền thoại mang mục đích hộ giáo và thần học; nhóm thứ hai coi Tin mừng như thiên phóng sự ghi lại đúng những điều đã xảy ra.

Trình thuật thương khó thuộc một thể văn hoàn toàn khác biệt với phần đầu Tin mừng. Trong đó những đoạn tiếp nối nhau đôi khi rất giả tạo. Soạn giả liên kết các trình thuật vào với nhau cho phù hợp văn chương. Ngược lại, trình thuật thương khó theo rất sát thứ tự lịch sử: Đức Giêsu bị bắt, bị kết án và sau cùng bị đem đi giết.

Ngoài ra, trình thuật thương khó mang nhiều chi tiết không thể nào các tác giả có thể tự mình bịa đặt ra như đoạn Đức Giêsu bị đánh đòn và bị đóng đinh; những nhân vật rất bình thường, không quan trọng như Simôn Kyrênê vác đỡ thập giá cho Đức Giêsu với hai con trai là Alexandre và Rufus (Máccô 15,21); có thêm nhân vật Giuse thành Arimathia đem xác Đức Giêsu đi chôn cất; các chi tiết khác như tên gọi những nơi: « vườn Cây Dầu » (Máccô 14,32); « nền đá » được gọi là « Gabbatha » (Gioan 19,13); « núi Sọ » gọi là « Golgotha » (Gioan 19,17; Máccô 15,22). Sau hết tấm biển « Vua dân Do thái », một tước hiệu tạm bợ, không đến từ các cộng đoàn kitô giáo, nhưng dân thành Giêrusalem đều biết vì nó được treo cho mọi người thấy. Tin mừng về sự thương khó, cho cảm tưởng chỉ một mình Đức Giêsu bị đóng đinh. Thật ra Người bị đóng đinh chung với những người khác.

Những chi tiết vừa kể chắc chắn được lưu hành trong cộng đoàn kitô giáo tiên khởi ở Giêrusalem. Đối với họ vụ án Đức Giêsu thật khó quên, vì thế các sử gia cũng không thể nào bỏ qua được. Nói vậy không có nghĩa đọc trình thuật thương khó như một bản tường trình không xem xét lại. Trình thuật thương khó không là thiên phóng sự vì cả 4 trình thuật không hoàn toàn giống nhau. Các tác giả Tin mừng biên soạn theo mục đích riêng cho nên các ông không làm phóng sự kể lại đúng như sự việc đã xảy ra.

Trước hết một vài Tin mừng mang những chi tiết không thấy ghi trong các cuốn Tin mừng khác. Những chi tiết lại quan trọng như việc Đức Giêsu được đưa tới nhà thượng tế Khanna vào lúc ban đêm. Một vài trình thuật nói về việc xảy ra ở đồi Canvê (Gioan 18, 12.19-24; 19,25-37): Đức Giêsu bị trói; Đối đáp giữa Đức Giêsu và thượng tế rồi Khanna cho giải Người đến thượng tế Caipha; Đức Giêsu với thân mẫu...

Có những đoạn các Tin mừng đều nói tới nhưng không hoàn toàn giống nhau. Theo Gioan, các bà « môn đệ » đứng dưới chân thập giá (Gioan 19,25). Theo Máccô họ đứng xa và nhìn lại (Máccô 15,40). Làm cách nào hòa giải hai thời biểu khác nhau giữa nhất lãm và Gioan. Theo nhất lãm, Đức Giêsu dự bữa tiệc ly với các môn đệ (Máccô 14,12) và bị hành quyết đúng vào ngày lễ Vượt Qua. Gioan lại cho Đức Giêsu chết và được chôn cất ngày vọng lễ Vượt Qua (Gioan 18,28; 19,31.42). Các sử gia cho Tin mừng Gioan gần sát với điều thật sự xảy ra hơn; và các dữ kiện đó đến từ các cộng đoàn kitô hữu tiên khởi tại Palestine.

1223. Trả lời cho một nhu cầu.

Trình thuật thương khó trong Tin mừng giữ một chỗ quan trọng, dấu chỉ một lời mời gọi và một nhu cầu. Ở thế kỷ XXI, thập giá mang một biểu hiệu hay một vật dụng đạo đức. Với người thời xưa, thập giá gợi hình ảnh nhục nhã và ghê rợn. Phaolô trong thư 1Côrintô 1,23 cho « là ô nhục không chấp nhận được và dân ngoại cho là điên rồ ».

Người Do thái hoàn toàn bác bỏ kỳ vọng của các môn đệ cho Đấng bị đóng đinh trên đồi Golgotha là Đấng Thiên sai và là Con Thiên Chúa. Đó là điều phạm thượng. Phía dân ngoại, nhất là người Hy lạp lại càng không chấp nhận một đấng đại diện cho thần linh, một vị thần lại mang bản án người nô lệ. Người đó lại cho mình soi sáng thế gian, là điều không tưởng đối với dân Hy lạp, và họ nhạy cảm về triết lý hơn một điều lạ lùng đến từ phương Đông.

Tin mừng viết cho kitô hữu qua hành động truyền giáo. Vì thế, họ không thể nào thuyết phục được kẻ khác vào đạo mình, nếu như chính họ không phù hợp theo chương trình Thiên Chúa. Các trình thuật thương khó là lời giảng huấn nên họ cần phải học hiểu.

1224. Theo chương trình Thiên Chúa phác họa trong Thánh kinh.

Không một thánh sử nào có ý nghĩ loại bỏ sự nhục nhã và kinh rợn, cho dù đôi lúc các ông ngần ngại nhấn mạnh như việc Đức Giêsu bị đánh đòn. Họ chỉ nói phớt qua và không đi vào chi tiết tỉ mỉ. Dưới ánh sáng phục sinh, các tác giả nhấn mạnh nhân vật chịu đựng đau khổ không phải thứ đồ chơi với định mệnh đui mù. Đức Giêsu biết trước thân phận trần thế. Các lời tiên báo về sự thương khó đều cho biết như vậy (Máccô 8,31; 9,31; 10,33). Dầu vậy, Đức Giêsu không bị chịu đựng, nhưng chấp nhận hoàn toàn tùy phục Thiên Chúa. Hơn nữa, khi đọc toàn thể trình thuật thương khó, sẽ thấy mọi cố gắng trình bày các biến cố xảy ra không như một thất bại, nhưng được vâng theo chương trình Thiên Chúa diễn đạt trong Thánh kinh mà kitô hữu lãnh nhận từ Ítraen.

1225. Lý chứng Thánh kinh mang nhiều hình thức:

Lời mời gọi dựa vào một đoạn trích dẫn Cựu ước để giải thích một dữ kiện nào đó. Ví dụ việc mua thửa vườn của người thợ gốm (Mátthêu 27,9-10); bắt thăm chia áo (Gioan 19,24). Đôi khi sự trích dẫn nằm ngay trong một bài trình thuật. Các tác giả vay mượn lời Thánh kinh « Đây là máu giao ước » (Máccô 4,24); hay « Lạy Chúa, Lạy Chúa, sao Người lại bỏ con » (Máccô 15,34). Dữ kiện được trình bày với một chút thay đổi cho phù hợp lời Thánh kinh. Theo Mátthêu 27,34 « Đức Giêsu được uống rượu pha mật đắng »Mật đắng do Mátthêu thêm vào (Máccô 15,22) cho phù hợp lời Thánh vịnh 69,22 như lời sấm về Đấng Thiên sai.

1226. Theo ý hướng từng tác giả Tin mừng.

Các cộng đoàn kitô hữu sơ khai có biết và cho lưu hành những truyền thống về trình thuật thương khó. Khi biên soạn Tin mừng, các tác giả lấy những tài liệu đó và áp dụng vào cho thính giả. Họ nhấn mạnh những điểm họ muốn cho người nghe biết và hiểu. Về vấn đề thương khó, Mátthêu và Luca hoàn toàn dựa trên tài liệu Máccô. Những điều các ông thêm vào cần phải được xử dụng rất cẩn thận về phương diện sử tính.

Những điều Mátthêu thêm vào: « Vợ ông Philatô và một số khác can thiệp khi Đức Giêsu bị đưa ra tòa án La mã » (27,19) – và khi « Philatô rửa tay trước đám đông » (27,24) chứng tỏ ông biết rõ truyền thống Do thái. « Mồ mả bật tung » (27,52-53) mang ý biểu tượng. Những điều Luca thêm vào: « Đức Giêsu bị điệu ra trước Hêrôđê Antipas » (23, 8-12). « Các bà khóc trên đường lên núi Sọ » (23,27-31) với nhiều trích dẫn Cựu ước. Luca mang xu hướng giúp thánh hóa và khích lệ cộng đoàn qua đoạn « người trộm lành » (23,39-43). Lời kinh cuối của Đức Giêsu (23,46): « Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha » và đám dân sám hối (23,48).

1227. Một vài vấn nạn.

Dù các trình thuật thương khó trong Tin mừng mang cùng một cấu trúc với một số nét rõ rệt, nhưng cũng còn một vài vấn nạn xem chừng các sử gia vẫn chưa thấu hiểu rõ ràng: Những lý do chính để các thủ lãnh Do thái quyết định ra lệnh bắt Đức Giêsu và trao cho quyền hành La mã giết rất mơ hồ. Đức Giêsu bị Philatô kết án về tội chính trị vì tự nhận là vua dân Do thái như ghi trên tấm biển treo ở đầu thập giá. Phía Do thái có thật sự mang cùng ý hướng không? Nhưng cũng có thể nêu lý do tại vì Đức Giêsu chủ trương thay lề luật Môsê. Đọc kỹ Tin mừng không thấy có đoạn nào chắc chắn về điều này để bắt Người và kết án chết.

Ngoài ra có hai trình thuật cho thấy khá rõ các thủ lãnh Do thái quyết định đi bắt Đức Giêsu: khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem và được dân chúng tung hô như một ông vua. Các sử gia cho trình thuật có thật nhưng không đồng ý ở điểm « dân chúng tung hô như một ông vua », vì nếu có, chính quyền La mã sẽ can thiệp vì họ không thể để cho dân khôi phục lại nền quân chủ Ítraen. Có chăng cũng chỉ tiếng tung hô một đám dân chúng nhỏ cộng thêm vào đó với các môn đệ.

Biến cố thứ hai đưa đến việc bắt Đức Giêsu là câu chuyện xảy ra tại đền thờ khi Người đuổi các con buôn đang bán súc vật cho việc hiến tế trong đền thờ, và các tay đổi tiền La mã lấy đồng Do thái để dâng đền thờ.

Các sử gia giữ cùng một ý như việc Đức Giêsu vào thành. Quân La mã giữ an ninh trật tự phía ngoài đền thờ, nên không thể cho xảy ra một biến cố thật lớn như thấy trong Tin mừng. Hành động Đức Giêsu rất giới hạn, và gợi lại việc các ngôn sứ chỉ trích việc phụng tự bề ngoài không có bề sâu. Một việc phụng tự làm cho con buôn trở thành quan trọng vì phải có súc vật và đồng tiền dâng cúng. Ngoài ra còn có các lời Đức Giêsu loan báo việc thiêu hủy đền thờ mà người Do thái lập lại trong vụ án (Máccô 14,58).

Đức Giêsu hành động và nói đều phù hợp với viễn tượng tương lai: Nước Thiên Chúa trên trần gian có cần đến của lễ toàn thiêu bằng súc vật để đền tội thế gian không? Các thủ lãnh Do thái chắc chắn không hài lòng những việc Đức Giêsu làm, nhưng dân chúng cũng không mấy thiết tha theo Người vì họ rất gắn bó vào đền thờ và những nghi thức. Các môn đệ và những kitô hữu sơ khai gọi Đức Giêsu là Đấng Kitô (Phaolô vào khoảng năm 50), cho biết việc Đức Giêsu làm có thái độ như Đấng Thiên Sai.

Vấn nạn ở chỗ Đức Giêsu bị người Do thái bắt vì tự coi và được coi như Đấng Mêsia, tại sao các môn đệ lại không bị truy lùng bắt giết. Khi biến cố vừa xảy ra tất cả các môn đệ đều bỏ trốn và không một ai bị truy lùng. Tới thời hoàng đế Hêrôđê Agrippa trị vì tại Giêrusalem, cộng đoàn kitô hữu tiên khởi mới bị bách hại (Công vụ 12,1-3).

1228. Hệ thống pháp lý ở xứ Giuđê thời Đức Giêsu[3].

a. Bối cảnh lịch sử.

Đức Giêsu Nazareth bị đóng đinh chết trên thập giá là một sự kiện được chấp nhận. Có thể nói biến cố cuộc đời của Người ở giai đoạn này được chấp nhận như chắc chắn nhất. Bốn cuốn Tin mừng đều nói tới như điều hiển nhiên, nhưng ngoài ra những nguồn tài liệu ngoài Tin mừng như tài liệu « Antiquités juives = Do thái thời cổ đại 18,64 » của sử gia Do thái Flavius Josèphe; tài liệu đến từ ông Tacite trong « Annales = Sử biên niên 15,44.3 »; và trong kinh « Talmud Babylone, Sanhédrin 43a ». Đóng đinh tội nhân đều được chấp nhận trong lịch sử Do thái cũng như La mã vào thế kỷ thứ I, vì thế trường hợp Đức Giêsu bị đóng đinh không có gì ngoại lệ. Khi nghiên cứu những trình thuật Tin mừng về sự Thương Khó, các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu khung cảnh niên đại, bối cảnh văn hóa, tôn giáo và pháp lý.

Các Tin mừng trình bày sự Thương Khó của Đức Giêsu với ít nhiều khác biệt ở điểm hoàn cảnh Đức Giêsu bị hành quyết, nhưng tất cả đều nói tới Người bị kết án trước tòa án Do thái và tòa án La mã. Xứ Palestine ở thế kỷ thứ I có hai loại cơ chế pháp lý dưới quyền người La mã cũng như dưới quyền Hêrôđê. Các thẩm phán Do thái đều có trách nhiệm xử những vụ án tôn giáo theo những quy luật truyền thống đến từ lề luật của ông Môsê. Khi xứ Giuđê dưới quyền pháp lý trực tiếp của người La mã, những quyết định chính trị lại dưới quyền người đại diện cho hoàng đế, bình thường một công chức hành chánh người La mã. Vị này mang tước vị tổng trấn (préfet) từ năm thứ 6 đến năm 41. Năm 41 đến năm 44 người La mã trao quyền hành xử lý cho vua Hêrôđê Agrippa I, và từ năm 44 đến năm 66 quyền hành lại vào tay một quan thái thú (procurateur).

b. Hệ thống pháp lý trong những tỉnh của đế quốc La mã.

Sử gia Flavius Josèphe cho biết nhiều điều liên quan đến nền pháp lý La mã. Ông khẳng định vào năm thứ 6, xứ Giuđê đặt dưới quyền trực tiếp với Rôma, và hoàng đế Auguste đã bổ nhiệm ông Coponius làm quan tổng trấn và đến Giêrusalem với đầy đủ quyền hành dù là kết án tử hình một tội nhân (Guerre Juive, 2,117). Hai mươi năm sau, ông Phongxiô Philatô được bổ nhiệm vào chức vụ này, vì thế ông có quyền xét xử Đức Giêsu. Khi một người vi phạm đến hoàng đế và đế quốc, Philatô hoàn toàn có quyền quyết định xử án nặng nề theo luật lệ La mã. Tội phản loạn bình thường sẽ bị treo trên thập giá, một tội dành cho những người ngoại quốc (những người không là công dân La mã), những tên trộm cướp và những nô lệ. Vì thế khi Đức Giêsu bị đưa ra tòa án La mã, bị lên án mang những hành động cách mạng, Philatô có quyền và phải thi hành bản án đóng đinh Người[4].

c. Hệ thống pháp lý theo Thánh Kinh.

Cách hoạt động hệ thống pháp lý Do thái khó rõ ràng hơn đối với hệ thống pháp lý La mã. Hệ thống pháp lý Do thái dựa trực tiếp trên Thánh Kinh. Thời Thánh Kinh và vào cấp bực thứ nhất, pháp lý do các kỳ lão quyết định, và việc xử án xảy ra ngoài cửa thành. Chính tại đây bản án được quyết định, gồm cả bản án tử hình và mọi việc được xét xử công cộng (Đệ nhị luật 21,18-21; 22,13-21; 1Vua 21,11-13). Đến thời vương quốc Giuđê và trước khi thành Giêrusalem thất thủ vào năm 586 trước công nguyên, nhà vua đã chọn một số « chuyên gia » để xử án (Đệ nhị luật 16,18). Cơ chế mới được áp dụng từ cuộc cải cách do vua Josaphat đề xướng vào năm 850 trước công nguyên. Nhà vua đặt những thẩm phán trong những thành phố chính của vương quốc Giuđa, và có cả một tòa án đặc biệt với những tư tế ở Giêrusalem. Toà án do một Thượng tế đứng đầu, được coi như tòa thượng thẩm giải quyết những vấn đề vượt quyền hạn các thẩm phán ở các nơi (2Sử biên niên 19,4-11). Ưu thế của các tư tế về pháp lý đã được hệ thống hóa trong pháp luật do sách Đệ nhị luật công bố. Ngoài ra văn bản còn nêu lên những trường hợp tế nhị như tấn công, giết người phải được xử án bởi tòa án tối cao của các « tư tế lê vi » tại Giêrusalem (Đệ nhị luật 17,8-12).

Theo Thánh kinh, mọi thủ tục sẽ không được tiến hành một khi những chứng nhân buộc tội đáng tin cậy không chính đáng xác nhận sự phạm tội của người bị kết án. Trong truyền thống, có thấy những chứng nhân bị thử thách chặt chẻ đến từ hai nguồn tài liệu: một đến từ Thánh Kinh và nguồn thứ hai đến từ truyền thống rabbi trong sách Mishna mang tựa đề « Sanhédrin ». Đây là một hiệp ước nói về những toà án Do thái và những luật lệ của thủ tục phải theo[5]. Đối với án tử hình đòi hỏi phải có ít nhất hai hoặc ba chứng nhân, và không một người nào có thể bị tuyên án tử hình với một lời chứng duy nhất (Đệ nhị luật 17,6). Khi người bị kết án ném đá, những chứng nhân buộc tội phải tham dự vào và ném viên đá đầu tiên (Đệ nhị luật 17,7). Trong Thánh có kể trường hợp một người bị kết án tử hình vì phạm luật nghỉ ngày Sabát (Xuất hành 31,15), vì người đó đi lượm củi trong sa mạc ngày Sabát. Ông bị dẫn đưa đến cho ông Môsê và Aharon, và họ đã xử « toàn thể cộng đồng ném đá người đó ở ngoài trại » (Dân số 15,32-36).

Ngoài ra Thánh kinh còn đưa ra 12 loại tội phạm có thể bị án tử hình: giết người (Xuất hành 21,12; Lêvi 24,17; Dân số 35,16-21); bắt một người để bán như người nô lệ (Xuất hành 21,16; Đệ nhị luật 24,7); thờ ngẫu tượng (Xuất hành 22,19; Lêvi 20,1-5; Đệ nhị luật 13,2-19; 17,2-7); phạm thượng (lộng ngôn) (Lêvi 24,15-16); lỗi luật ngày Sabát (Xuất hành 32,14-15; Đệ nhị luật 15,32-36); phù thủy (Xuất hành 22,17; Lêvi 20,27); những lỗi nặng đối với cha mẹ (Xuất hành 21,15.17; Lêvi 20,8; Đệ nhị luật 21,18-21); mại dâm, trường hợp một đứa con gái của tư tế (Lêvi 21,9); ngoại tình (Lêvi 20,10; Đệ nhị luật 22,22); loạn luân (Lêvi 20,11-12.14.17); thực hành đồng tính đàn ông (Lêvi 20,13); Ái thú (Lv 20,15-16). Đối với hai tội phạm liên quan đến tôn giáo là thờ ngẫu tượng và phạm thượng, hình thức kết án lả bị ném đá.

Theo triết gia Do thái Philon thành Alexandrie (20 trước công nguyên - 50 sau công nguyên), trong tác phẩm « De specialibus legibus 4,190-192 », và theo sử gia Flavius Jopsèphe trong tác phẩm « Chống Apion 2,194 » đều cho biết toà án tối cao Do thái ở Giêrusalem vào thế kỷ thứ I gồm có tư tế, thượng tế, có vị ngôn sứ và hội đồng kỳ lão, nhưng thượng tế đứng đầu toà án này.

d. Án tử hình.

Thánh kinh cho biết có hai cách thực hành án tử hình. Cách đầu tiên bị ném đá theo quyết định của tòa án, và cách này được thực hành nhiều nhất. Những thành phần bị kết án ném đá thuộc những người bị coi như ăn nói phạm thượng (Xuất hành 20,7), thờ ngẫu tượng (Đệ nhị luật 17,2-7), phạm luật Sabát (Đệ nhị luật 15,32-36), ngoại tình và bắt cóc (Đệ nhị luật 22,22-24)… Thánh kinh cũng nói đến bị hỏa thiêu, một bản án dành cho những người bị kết án về tội tính dục như việc cùng lấy làm vợ một người đàn bà và mẹ của người đó (Lêvi 20,14), hoặc mại dâm nếu như là con gái của một tư tế (Lêvi 21,9). Sách Mishna (Sanhédrin 7,1) còn nói đến bị chặt đầu, và bị thắt cổ. Cả bốn hình thức thủ tục kết án vừa nêu trên đều còn được áp dụng vào thời Đức Giêsu.

Đối với vấn đề đóng đinh trên thập giá, từ thời tiền lưu đày, thân thể một người bị ném đá sau đó được treo lên thập giá (Đệ nhị luật 21,22). Làm việc này để gây ấn tượng can ngăn người ta đừng phạm luật. Dưới triều đại Átmônê, ông Alexandre Jannée (103-76 trước công nguyên) đã đóng đinh phạt 800 người Pharisêu tại vì họ nổi lên chống lại ông và đi theo ủng hộ vua Hy lạp và Syrie Démétrios III. Câu chuyện này được sử gia Flavius Josèphe kể lại trong cuốn « Guerre Juive 1,96-98 »; « Antiquités juives 13,380-391 ».

Sau này giữa thời Hêrôđê Cả và thành Giêrusalem thất thủ cùng với Massada (4 trước công nguyên -74 sau công nguyên), thập giá trở nên một dấu chỉ thấy được, xác thực, và là dấu ấn kinh hoàng của người La mã tại Palestine. Khi Hêrôđê Cả qua đời, quan thái thú Varus ở Syrie đã bẻ gãy cuộc nổi loạn của người Do thái và đóng đinh hơn 2000 kháng chiến quân Do thái trong vùng Giêrusalem. Những giai đoạn khủng khiếp hơn nữa khi quân La mã vây hãm thành Giêrusalem vào năm 70, mỗi ngày họ đóng đinh khoảng 500 tù nhân Do thái. Các tài liệu ghi không còn đủ chổ để cắm cột ở Giêrusalem cũng như không đủ thập giá để đóng đinh tù nhân. Vì thế đóng đinh tội nhân trên thập giá là một việc làm cần thiết đối với chính quyền La mã, cho dù họ dư biết hình thức này thật độc ác; và đóng đinh một người vào thập giá như một thực hành riêng biệt của người La mã.

1229. Diễn tiến biến cố thương khó.

12291. Bị bắt: Đám đông bắt Đức Giêsu tại vườn Cây Dầu do « các thượng tế, kinh sư và các kỳ mục sai đến » (Máccô 14,43), tức là do Hội đồng công tọa ở Giêrusalem. Tác giả nhấn mạnh nêu trách nhiệm vụ kết án giết chết Đức Giêsu đến từ người Do thái. Hội đồng công tọa thuộc một nhóm, nhưng thật ra chính vị thượng tế hoặc những cựu thượng tế và thân nhân các gia đình quý tộc thuộc dòng tư tế. Trong Hội đồng, nhóm này mới thật sự có quyền hành, và cho lính đi bắt giam dưới quyền trực tiếp của vị cai quản đền thờ, nhân vật số hai sau thượng tế.

Đức Giêsu và nhóm môn đệ lánh đêm ở vườn Cây Dầu , giải thích tại sao nhóm đi bắt cần đến một người biết rõ những thói quen của Đức Giêsu. Vì thế, Đức Giêsu bị bắt theo chỉ điểm của Giuđa vì ông biết nơi Đức Giêsu và các môn đệ ngủ qua đêm.

Tại xứ Giuđê có một trại lính La mã trú đóng gồm tất cả sáu tiểu đoàn với khoảng 2400 binh lính. Những người đi bắt Đức Giêsu có thuộc nhóm binh lính này không? Các nhà chú giải Thánh kinh có nhiều lý do để chắc chắn nói không. Các binh lính La mã không can thiệp để đi bắt một người, nhưng họ sẵn sàng đi dẹp nổi loạn hay người nào đó bị tố cáo là thủ lãnh kháng chiến chống lại quân La mã. Nếu như quân La mã can thiệp, tức khắc tội nhân bị đưa ra trước tòa, hoặc bị tù…chờ quyền hành tổng trấn cứu xét. Ngược lại, ở đây khi vừa bị bắt xong, Đức Giêsu bị đưa ngay đến dinh thự thượng tế[6].

a. Lý do Đức Giêsu bị bắt: thái độ của Người đối với đền thờ.

Những lý do đưa đến việc bắt Đức Giêsu có lẽ nơi thái độ của Người đối với đền thờ. Cả bốn cuốn Tin mừng với một chút khác biệt đều nói đến việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem và cách Người đã đuổi những con buôn tại đền thờ. Đó là lý do chính, chứ thật ra lý do Đức Giêsu khẳng định tính thiên sai không thể nào tự nó dẫn Người đến cái chết được. Trước thái độ của Người đối với đền thờ làm đụng chạm đến những nghi thức của luật Torah, và đó là dấu chỉ cho thấy căn tính của Ítraen đã bị đe dọa.

Biến cố tại đền thờ như Máccô 11,15-17 và các Tin mừng khác kể lại có liên hệ đến những lời Đức Giêsu giảng dạy. Người lính chỉ huy đền thờ và ông này là nhân vật số hai sau vị thượng tế có quyền ra lệnh bắt Đức Giêsu và ông đã làm theo như Tin mừng kể lại. Theo các nhà nghiên cứu, biến cố tại đền thờ không lớn lao như các Tin mừng thuật lại, nhưng các tác giả muốn cho thấy ý nghĩa biểu tượng mà thôi. Nhưng việc Đức Giêsu làm như trên chắc chắn không được các giới chức tại đền thờ chấp nhận, và ngay cả đám dân chúng cũng khó theo Người trong điều đó tại vì họ rất gắn bó với đền thờ và nghi thức phụng vụ tại đó. Bằng chứng là số người lên đền thờ rất đông trong các dịp lễ, trong đó có cả những người đến từ Palestine và từ các cộng đoàn Do thái kiều cư.

b. Bối cảnh lịch sử của các vụ án.

Vào năm thứ 6, xứ Giuđê trở thành một tỉnh của đế quốc La mã. Quyền hành được trao cho cho một vị tổng trấn như người La mã vẫn thường làm cho những tỉnh còn gặp nhiều rắc rối về vấn đề an ninh. Vị tổng trấn thường được lựa chọn trong giới quân nhân chứ không phải trong giới quý tộc ở thượng viện. Ông có dưới quyền 6 tiểu đoàn binh sĩ, nhưng với một con số như vậy, 6 tiểu đoàn được coi như những cảnh sát hơn là quân đội. Vị tổng trấn có quyền hạn rộng rãi, và chỉ báo cáo thẳng cho hoàng đế hay vị đặc sứ toàn quyền của vùng ông đang trấn đóng. Vì thế, ông có ra bản án tử hình, còn đối với những vụ án nhẹ thì trao cho quyền hành địa phương giải quyết. Nhân danh hoàng đế, vị tổng trấn bổ nhiệm và bãi nhiệm thượng tế đền thờ Giêrusalem.

Phongxiô Philatô giữ chức vị tổng trấn từ năm 26 đến năm 36. Năm 41, hoàng đế Claude ban cấp vùng Giuđê và Samarie cho Hêrôđê Agrippa I. Khi ông này chết, xứ Giuđê dưới quyền trực tiếp của Rôma.

Từ năm thứ 6 đến năm 41, vai trò thượng tế đều đến từ gia đình ông Khanna. Ông bắt đầu giữ vai thượng tế từ năm thứ 6 đến năm thứ 15, và Caipha từ năm thứ 18 đến năm 37. Vì thế có thể nói dòng họ Khanna, Caipha có mối tương quan tốt đẹp với tổng trấn Philatô.

Hội đồng công tọa đã được nói qua ở phần trên. Thượng tế chủ tọa Hội đồng này bao gồm những gia đình thuộc giới quý tộc tư tế, những cựu quý tộc không thuộc giới tôn giáo, những kinh sư chuyên gia về Luật mà trong đó nhóm Pharisêu có rất nhiều người có ảnh hưởng. Hội đồng công tọa can thiệp vào mọi lãnh vực Torah đã nêu ra. Nhóm Sađuxêô và dòng họ tư tế muốn áp dụng Luật một cách khắc khe.

            12292. Vụ án Do thái trước Hội đồng công tọa (sanhédrin): Đức Giêsu bị quân lính thuộc đền thờ bắt không cần quân đội La mã tham gia như Gioan ghi (18,3.12). Theo Gioan ngoài đám thuộc hạ thủ lãnh La mã còn có viên chỉ huy và toán quân La mã. Những biến cố tiếp theo cho thấy Đức Giêsu bị nằm trong tay quyền hành người Do thái. Sau khi so sánh giữa nhất lãm và Gioan[7], có thể rút ra được kết luận như sau: Trước hết Đức Giêsu bị dẫn đến nhà vị thượng tế[8] đã về hưu là ông Khanna, bố vợ thượng tế năm đó là Caipha[9]. Tại nhà Khanna có mặt một số thành viên Hội đồng công tọa và họ cùng quyết định những điều kế tiếp. Tại nhà Khanna, Đức Giêsu bắt đầu bị hành hạ trong khi chờ đợi trời sáng. Việc hành hạ ở đây được coi là man rợ và cũng được biết tới nhiều trong lịch sử. Tin mừng viết trong đoạn này nhìn theo ánh sáng bài ca của Người Tôi tớ đau khổ theo Isaia 50,6.

12293. Vụ án La mã: Sáng hôm sau, Hội đồng công tọa viết một thư cho ông Philatô và đưa Đức Giêsu qua cho quan tổng trấn giải quyết. Vì vậy, Đức Giêsu bị đưa ra tòa án Philatô, người thực sự có quyền kết án (Gioan 18,31).

Ở đây cần nói sơ qua về cách xử án của chính quyền La mã trong các tỉnh mà họ đang chiếm đóng. Thật ra có ít tài liệu cho biết rõ ràng những vụ xử án nơi những tỉnh dưới quyền hành La mã được xảy ra như thế nào. Vào năm 62, có vụ án ông Giêsu, con ông Ananias. Theo Flavius Josèphe (Guerre juive 6,300-309) có một nông dân xuất hiện ở Giêrusalem vào dịp lễ Lều năm 62. Ông mang tên Giêsu và bắt đầu đưa ra những sấm ngôn xấu về đền thờ, thành Thánh và cư dân trong đó. Ông bị bắt và đưa ra trước tổng trấn Albinus. Quan ra lệnh đánh roi, nhưng ông vẫn tiếp tục tuyên lời sấm xấu xa. Cuối cùng ông Albinus cho anh này điên và thả tự do. Ông Giêsu bị chết khi thành Giêrusalem bị vây hãm vào năm 70.

Những tài liệu như thư của ông Pline thứ (khâm sai đại thần xứ Bithynie và Pont) viết cho hoàng đế Trajan vào đầu thế kỷ thư II cho thấy cách xử án chỉ là những tuyên án có hình thức mà thôi. Ví dụ trong vùng của ông, khi có những kitô hữu bị tố cáo, Pline hỏi người đó có phải là kitô hữu. Nếu như người đó xác nhận là đúng và không thay đổi ý định, thì lúc đó ông mới tuyên án tử hình người bị tố cáo. Lý do kết án đơn giản vì người đó vẫn cố tình không thay đổi tức là chống cự lại quyền hành của đế quốc, và điều đó trở nên một tội phải kết án.

Tóm lại, bình thường trước mặt công chúng quan tổng trấn nghe lời tố cáo. Sau đó ông đặt câu hỏi với tội nhân, và tội nhân có quyền tự biện hộ. Nếu như tội nhân không nói tức là nhận tội và như vậy đã đủ để kết án. Một khi đã bị kết án, tội nhân không có quyền kháng án.

Theo các Tin mừng, Đức Giêsu bị kết án vì tội chính trị. Hội đồng Công tọa đã đưa ra điều đó để tố cáo Đức Giêsu với Philatô. Thật vậy, Philatô không xét xử vào khía cạnh tôn giáo, nên hỏi Đức Giêsu có phải là « vua dân Do thái? ». Có điều khá ngạc nhiên không thấy Philatô phản ứng khi Đức Giêsu nhìn nhận là « vua dân Do thái », một tội phản bội rất quan trọng, vì tội nhân cũng có thể là thuộc nhóm kháng chiến chống lại đế quốc.

Ở đây vai trò đám đông cũng không có sử tính cho lắm. Theo Mátthêu và Máccô đám đông chỉ tham dự vào vụ án. Đoạn nói về Barabas[10] cũng thiếu sử tính vì bất bình thường, và chưa thấy có chứng từ nào nói đến tục lệ vào dịp lễ Vượt Qua một tù nhân được thả. Ngoài ra trong Tin mừng Gioan, Philatô đi qua đi lại nói chuyện với đám đông cũng không có sử tính vì trong cuộc trao đổi có quá nhiều biểu tượng và tranh luận đề tài thần học, nên cấu trúc như thể giả tạo.

12294. Nơi Pháp đình: Vụ án xảy ra trong dinh gọi pháp đình nơi viên tổng trấn cư ngụ mỗi lần lên Giêrusalem, nhất là vào thời điểm các lễ lớn của người Do thái. Các nhà khảo cổ tranh luận xem hôm nay dinh thự đó nằm ở nơi đâu. Một số cho là pháo đài Antonia nằm ở phía tây bắc đền thờ. Một số khác cho là dinh thự Hêrôđê trên một ngọn đồi hướng tây thành Giêrusalem tức là phía nam hiện tại cửa Joffa. Giải pháp thứ hai hiện thời được các sử gia coi như chắc hơn.

Quan tổng trấn ở thường trực nơi dinh thự cũ của Hêrôđê cả tại Césarée. Dinh thự ở Giêrusalem mang điểm thuận lợi nằm trên cao, rất lý tưởng để canh giữ, dò xét mọi việc xảy ra trong thành phố và tại đền thờ. Hai ông Philon và Josèphe viết những dữ kiện thấy gần giống như vậy. Trong Gioan 19,13 nơi quan tổng trấn ngồi xử án tiếng Aram gọi là « Gabbatha » (nền đá), chỉ định một cái gì cao. Những chi tiết này đưa dinh thự Hêrôđê sát với thực tế hơn thành lũy Antonia.

a. Quyết định vụ án: Vụ án trước quan tổng trấn Philatô[11] kết thúc bằng việc kết án tử hình, và cũng không rõ tâm trạng Philatô vào lúc đó: Một đàng, dường như có cảm tình với Đức Giêsu nên ông do dự[12]. Với bản án, Philatô trao Đức Giêsu cho binh sĩ lý hình, và chỉ có họ mới có quyền thi hành theo lệnh của quan tổng trấn[13]. Họ thuộc một nhóm riêng biệt gồm những thành phần đến từ các tỉnh nhưng không phải là người Do thái, và có nhiệm vụ đánh đập tội nhân trước khi đưa đi đóng đinh. Đánh đòn bằng roi là việc man rợ vì tội nhân bị đánh trước công chúng. Đức Giêsu bị đánh đòn ngay tại nơi bị xử án. Rồi từ đó lính mới mang đến nơi bị đóng đinh.

Đức Giêsu rất có thể được xử án chung cùng một lúc với một số người khác. Tin mừng ghi còn có hai người khác bị đóng đinh với Người (Máccô 15,27). Nhưng điều gì đưa Philatô đi đến quyết định giết Đức Giêsu? Philatô làm theo ý các thủ lãnh tư tế vì thấy có lợi ích chính trị và giữ được trật tự công cộng. Các thủ lãnh tư tế thấy Philatô thiện chí, và đôi bên thường đồng ý với nhau.

Ngoài ra, còn trình thuật kể Đức Giêsu bị đưa qua gặp Hêrôđê Antipas, tiểu vương vùng Galilê nhưng lại có mặt tại Giêrusalem vào lúc đó. Trình thuật có thể đến từ một ký ức xa xưa được lưu hành trong cộng đoàn tiên khởi. Các sử gia cho Luca thêm vào trong phần thương khó với mục đích biện giáo: Đức Giêsu bị kết án vô tội (23,14-15).

12295. Đóng đinh: Đức Giêsu bị Philatô kết án đóng đinh. Người Hy lạp hay Do thái cũng đóng đinh tội phạm, nhưng việc này thường coi như truyền thống La mã. Đóng đinh tội nhân là một nhục hình rùng rợn và đưa tội nhân hấp hối nhiều giờ trước khi chết. Chính quyền La mã dành việc đóng đinh cho những người bị xem là kẻ thù của đế quốc, những người chống lại chính quyền. Vì thế vào năm thứ 4 trước công quyên, đặc sứ toàn quyền xứ Syrie là ông varus đã đóng đinh 2000 kháng chiến quân Do thái ở Giuđê (Flavius josèphe, Guerre Juive 2,75).

Thập giá bao gồm hai phần: Phần thẳng đứng gọi là « Stipes » chỉ cao khoảng chừng 2m được chôn sẵn dưới đất, và phần ngang được gọi là « patibulum », nên khi nhập lại hai phần có thể trở thành một thập giá hoặc thành một chữ T. Tội nhân được đặt vào thanh « patibulum » bằng những sợi dây, hoặc bị đóng đinh vào cổ tay, và chân cũng làm như thế vào thanh cây thẳng đứng. Nhiều lúc thân thể tội nhân được đỡ bằng một vật đỡ mông, và như thế cái chết lại càng đến chậm hơn. Sử gia Flavius Josèphe trong cuốn « tự thuật » (Autobiographie,75,420tt) kể lại, khi ông được tướng La mã Titus (sau đó lên hoàng đế) gửi đi thị sát tình hình trong cuộc chiến chống Do thái, ông đã thấy rất nhiều tù nhân Do thái bị đóng đinh trên thập giá. Ông nhận ra ba người thân quen, và xin tướng Titus cho phép tháo đinh và đưa họ xuống để chăm sóc. Hai người chết lúc được săn sóc, và một người còn lại sống sót. Chứng từ cho biết bị đóng đinh là một điều khủng khiếp.

12296. Núi Sọ (Golgotha): Theo Tin mừng, Đức Giêsu và hai người khác bị đóng đinh ở một nơi mang tên Golgotha, một ngọn đồi có hình dáng cái sọ. Truyền thống cho Golgotha gần dinh thự của Hêrôđê, nơi mà sau này hoàng đế Constantin cho xây thánh đường « saint Sépulcre » (mộ Đức Giêsu). Tin mừng Gioan nói ở gần đó có một thửa vườn. Từ dinh thự Philatô đi thẳng lên tới Golgotha chỉ khoảng chừng 400 thước. Đường đi không xa, nhưng tội nhân bị đánh đập không còn nhiều sức để vác thanh « patibulum ». Có một chi tiết đến từ ký ức cộng đoàn sơ khai ở Giêrusalem: Đức Giêsu yếu quá để mang thanh gỗ ngang, nên lính bắt một ông tên Simon quê ở Kyrênê. Khi Máccô cho biết ông còn có hai người con tên Alexandre và Rufus (15,21), tác giả cố ý cho độc giả biết hai nhân vật này được các kitô hữu tại Rôma biết tới, vì Tin mừng Máccô được biên soạn tại Rôma.

a. Phút cuối cùng: Tại nơi xử tử, họ cho Đức Giêsu uống rượu pha với mộc dược theo truyền thống Do thái. Một văn bản Talmud nói: « với những ai bị tử hình, người ta cho một chút mộc dược trong một chén rượu để họ mất ý thức ». Đức Giêsu bị đóng đinh hoàn toàn trần truồng vào thanh « patibulum » trước rồi mới được đưa lên gắn vào thanh gỗ đứng. Một tấm biển ghi lý do bị kết án. Ông Suétone cho biết hoàng đế Caligula chặt tay một người nô lệ phạm tội ăn cắp. Tội nhân phải chạy chung quanh các bàn tiệc của một buổi lễ, và trước đó có tấm biển ghi lý do bị kết án (Cuộc đời 12 vị César, Caligula,32). Suétone cũng cho biết, hoàng đế Domitien khi đó đang chủ tọa trò chơi xiếc, ra lệnh bắt một người cha gia đình đang xem xiếc, vì ông này cho hoàng đế không công bằng. Ông bị ném vào đấu trường cho bầy chó ăn thịt với tấm biển: « tội phạm thượng » (Cuộc đời 12 vị César, Domitien,10). Vào thế kỷ thứ II, một kitô hữu ở thành Lyon tên Attale được đưa ra trình diện trước đám đông tại hí trường trước khi chịu tử đạo, và ông mang tấm biển ghi: « đây là Attale, người kitô hữu ».

Một tấm biển được gắn trên đầu thập giá, nhưng cũng có thể treo trên cổ tội nhân. Đối với Đức Giêsu, tấm biển ghi « vua dân Do thái ». Gioan cho tấm biển được ghi bằng ba thứ tiếng mang ý nghĩa thần học nhiều hơn là sự thật. Tấm biển mang ý nghĩa vương triều Đức Giêsu cho toàn thế giới (18,37), vì ai đi qua đó cũng có thể đọc và hiểu. Nhưng cũng có học giả cho điều này đúng, vì tiếng Hípri cho người địa phương, tiếng La tinh và tiếng Hy lạp là hai ngôn ngữ chính thức được dùng trong đế quốc. Dầu sao, điều đó cho biết một lần nữa, Philatô kết án Đức Giêsu vào tội chính trị, như kẻ chống lại quyền hành chính trị La mã. Hai tội nhân bị đóng đinh với Đức Giêsu cũng được gọi là những kẻ kháng chiến chống quân La mã (Máccô 15,27).

Sau đó lính cho Đức Giêsu uống dấm gọi là « posca », thứ nước trộn với dấm và trứng, thường được các quân lính và nông dân dùng. Cho tội nhân uống dấm đỡ khát nhưng còn làm cho cái chết chậm lại. Đức Giêsu chết nhanh hơn hai tội nhân kia vì Người không bị đập xương chân. Bình thường các quân lính đập bể hai ống xương chân để tội nhân chết ngay.

12297. Chôn cất: Đức Giêsu chết khoảng 3giờ chiều. Lúc 6giờ chiều bắt đầu ngày Sabát, và trong ngày đó không thể nào tháo đinh cho tội nhân khỏi thập giá được. Theo lề luật Do thái không được để thi thể tội nhân trên thập giá qua đêm, và việc chôn cất phải làm trước khi đêm xuống (Đệ nhị luật 21,22-23), nhưng theo luật La mã, một khi kẻ bị đóng đinh chết cứ để trên thập giá[14].

Trường hợp Đức Giêsu, một số nhà quý tộc Do thái xin phép Philatô hạ xác xuống trước khi ngày Sabát bắt đầu. Philatô đồng ý. Người chôn cất Đức Giêsu có tên Giuse thành Arimathia, còn được biết dưới tên Ramathaim, nằm phía tây bắc Giêrusalem khoảng 30 cây số, quê hương ngôn sứ Samuen (1Samuen 1,1). Giuse thuộc thành phần quý tộc Do thái (Máccô 15,43; Luca 23,50), thành viên Hội đồng. Có phải là Hội đồng công tọa?, nhưng ông cũng đang chờ đợi Nước Thiên Chúa. Lòng đạo đức thúc giục ông tuân giữ lề luật (Đệ nhị luật 21,22-23) chôn cất tội nhân trước khi mặt trời lặn. Luật Mishna ghi rõ những điều phải làm khi chôn cất và cũng có ghi trong Cựu ước (1Vua 13,22; Giêrêmia 22,18-19; 26,23).

Người bị đóng đinh không được chôn cất trong phần mộ gia đình. Đó là trường hợp Đức Giêsu. Theo Máccô, Đức Giêsu không được rửa xác và không được xức dầu. Xác được quấn vào trong một khăn liệm và đặt vào trong một ngôi mộ nào đó. Ngôi mộ được đục vào đá vôi gần Golgotha, và có tảng đá tròn chận trước cửa không cho súc vật chạy vào. Mộ Đức Giêsu không có gì đặc biệt, vì hầu như tất cả các ngôi mộ tại Gierusalem đều giống nhau như vậy. Lễ Vượt qua là một ngày nghỉ thánh, nên chỉ đi đứng tối thiểu theo luật đã ghi, vì thế xác Đức Giêsu được đặt rất gần nơi bị đóng đinh.



[1] Người dân coi thượng tế như vị trung gian giữa Thiên Chúa và họ. Mỗi năm một lần, chỉ một mình vị thượng tế mới được vào nơi Cực Thánh trong đền thờ làm lễ xá tội cho dân (Yom Kippour). Lễ này hằng năm mừng vào ngày 10 tháng Tishri (tháng chín hoặc tháng mười), và kéo dài 25 giờ đồng hồ (Lv 23,27-32).

[2] Quirinius đặt Caipha làm thượng tế. Sau khi Khanna bị truất phế con ông là Eleazar lên kế vị được 2 năm, sau đó Caipha nắm quyền từ năm 18 đến năm 36.

[3] Phần này dựa theo cuốn sách của tác giả Geza Vermes, The Passion: The true story of an event that changed human history, 2005. Sách được dịch ra tiếng Pháp, Geza Vermes, Les énigmes de la Passion, Bayard, Paris, 2007.

[4] Hoàn toàn khác với trường hợp thánh Phaolô. Bản án phức tạp hơn, vì thánh nhân cho biết mình thuộc công dân La mã.

[5] Bộ Mishna cho biết có ba loại tòa án: « toà án địa phương » xử lý những vấn đề pháp lý dân sự bao gồm 3 vị thẩm phán hoặc ba vị trung gian; thuộc vùng có « tòa án trung gian » gồm có 23 vị thẩm phán lo về hình sự bao gồm vìệc án tử hình; « toà án Tối cao hay Sanhédrin » gồm có 77 thẩm phán và đặt tại thành Giêrusalem. Họ họp tại một phòng đặc biệt ở Đền thờ mnang tên Lishkat ha-gazit (Đá mài). Không những là một tòa án nhưng còn được gọi Hội đồng Công tọa của dân Do thái. Họ xử những vụ án lớn, nghiêm trọng, có thể tuyên chiến hay di dời biên giới hay Đền thờ, và có trọn quyền diễn giải luật Môsê.

[6] Theo Tin mừng Máccô, nhóm binh lính theo lệnh của Hội đồng Công tọa. Vị thượng tế có binh lính canh giữ đền thờ, và chính nhóm này đã được lệnh đi bắt Đức Giêsu.

[7] Theo nhất lãm, Đức Giêsu bị bắt và đưa đến trước Hội đồng công tọa. Theo Gioan có hai thời khác biệt. Đức Giêsu bị đưa đến nhà ông Khanna trước, sau đó Caipha triệu tập Hội đồng để xét xử Đức Giêsu. Nơi đây, Tin mừng Gioan đúng với lịch sử hơn, vì việc triệu tập Hội đồng vào lúc ban đêm nhất là trong ngày lễ Vượt Qua là một việc rất khó thực hiện. Đức Giêsu bị đưa về dinh thự riêng của Khanna, để trong lúc đó Caipha có thời gian đi kêu triệu tập Hội đồng.

[8] Từ « thượng tế » thường được dùng để chỉ định vị thượng tế đương nhiệm, những cựu thượng tế cũng như những người được trao trọng trách đặc biệt nào đó (ví dụ người chỉ huy đền thờ, vị quản lý …), và những thành phần tư tế thuộc hàng quý tộc. Các thượng tế nắm quyền ở đền thờ và họ lấy rất nhiều quyền lợi đến từ đó. Nhóm thượng tế rất thân thiện với Hêrôđê cũng như với quyền hành La mã.

[9] Gia tộc Khanna nắm quyền hành thượng tế trong suốt khoảng nửa đầu thế kỷ thứ I. Caipha (Caiaphas hay Joseph Caiphe) được quan tổng trấn Giuđê Valerius Gratus bổ nhiệm làm thượng tế, và ông nắm quyền thượng tế trong vòng 19 năm, từ năm 18 đến năm 37 công nguyên; bình thường các chức thượng tế chỉ có 4 năm. Ông Philatô khi lên chức tổng trấn năm 26 đã tiếp tục cho Caipha làm thượng tế cho đến năm ông bị truất phế vào năm 36. Đây là dấu chỉ cho thấy Caipha và Philatô rất thân thiện.

[10] Barabas bị tố cáo giết một người trong một cuộc nổi dậy. Vì thế có thể coi ông bị xử án phạm tội chống lại quyền hành La mã. Tin mừng Gioan 18,40 đã sai lầm khi cho Barabas là một tên cướp.

[11] Philatô xử án rất nhanh chóng, vì tội nhân không được luật lệ bảo vệ như trường hợp những công dân La mã. Đó là điều xảy ra cho trường hợp ông Phaolô. Ông là công dân La mã nên chỉ có tòa án thuộc quyền của triều đình mới có quyền tuyên án.

[12] Nhiều sử gia cho điểm này do một tác giả kitô giáo viết lên với mục đích lên án người Do thái muốn giết Đức Giêsu, vì ngay cả người La mã cũng mang cảm tình đối với Đức Giêsu. Trong lịch sử Philatô rất cứng rắn. Ông Philon còn đi xa hơn cho Philatô rất bạo động, thích tra tấn và có nhiều vụ hành quyết không được xử án trước. Chung chung Philatô ít nhân nhượng trước người Do thái.

[13] Ở đây, Tin mừng Luca và Gioan cho biết Philatô trao Đức Giêsu cho người Do thái không có sử tính, nhưng chỉ là một luận chứng luận chiến thôi.

[14] Bình thường thi thể tội nhân không được tôn trọng. Eusèbe ghi trong « Lịch sử Giáo hội, 5,1.62 », vào năm 117, sau khi tử hình nhiều kitô hữu, các thi thể các vị tử đạo được phơi bày… để ngoài trời trong vòng 6 ngày. Sau đó được mang đi đốt và tro bị đổ xuống dòng sông Rhône.

Trong cùng thời điểm đó, ông Polycarpe cũng bị tử đạo bằng cách bị đốt cháy. Các kitô hữu trong thành đã gom xương của ông trong đám tro của giàn thiêu.

Lê Phú Hải omi

 

Bài viết khác

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

14/10/2024

Những người phải mang kiếng, dù là kiếng đeo hay kiếng áp tròng đều cần phải cẩn thận hơn trong việc bảo vệ sức khỏe “cửa sổ tâm hồn” của mình.

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art