Thứ Hai, 02 Tháng Bảy, 2012

Tóm lược tiến trình đi tìm khuôn mặt Đức Giêsu lịch sử

Tóm lược tiến trình đi tìm khuôn mặt Đức Giêsu lịch sử.

 Đối với Kitô hữu, nguồn tư liệu chính để biết Đức Giêsu ở nơi bốn cuốn Tin mừng. Câu hỏi nêu lên: có thể tin khách quan vào những điều rút ra về Đức Giêsu từ các Tin mừng? Làm sao đức tin lại dựa vào một số dữ kiện mang tính huyền thoại? Con người ngày nay chỉ muốn dựa vào cái gì thật, những dữ kiện lịch sử chắc chắn. Khi nói về Đức Giêsu lịch sử thường gặp hai thái cực đối nghịch nhau. Một số người cho Tin mừng thêu dệt huyền thoại về ông Giêsu, ngược lại nhóm bảo thủ lấy từng câu Tin mừng theo nghĩa văn tự. Cả hai thái độ đều mang dấu ấn cực đoan.

Có cần thiết duyệt xét nguồn sử liệu về Đức Giêsu lịch sử cho lòng tin không? Đức tin Kitô giáo dạy Đức Giêsu là con người, vậy điều đó cũng thuộc quyền xét xử với phân tích của các khoa nhân văn. Khoa lịch sử cũng thuộc phạm vi đó cho nên không những cần tìm hiểu về thân thế, nhưng còn phải biết môi trường sinh sống và bối cảnh xã hội Do thái thời Đức Giêsu.

Tiến trình đi tìm khuôn mặt Đức Giêsu lịch sử trải dài hai mươi thế kỷ qua. Vấn nạn đầu tiên các học giả gặp phải khi nghiên cứu các nguồn sử liệu về Đức Giêsu là hầu hết các tài liệu đều đến từ Kitô giáo, như Tin mừng và các thánh thư. Kitô hữu tin hoàn toàn vào những nguồn sử liệu trên và không thấy cần có lý do nào để phân tích.

Đợt nghiên cứu thứ nhất về Đức Giêsu lịch sử (cuối thế kỷ thứ XVIII)[1].

Bước vào thế kỷ thứ XVII, khi khoa lịch sử thành một môn khoa học, các văn bản xưa cổ đều được mang ra phân tích theo tiến trình của khoa phê bình lịch sử. Hai thế kỷ kế tiếp là XVIII và XIX, một số nhà nghiên cứu đã phân tích phê bình các văn bản hầu có thể rút ra những gì được coi là đáng tin và những gì không đáng tin. Mục đích của họ có thể kết thành một câu chuyện về Đức Giêsu lịch sử. Một con người có thật đối lại Đức Giêsu của lòng tin được các Giáo hội trình bày. Các nhà nghiên cứu trong thời đại này thuộc trường phái triết lý Ánh sáng, và phần nhiều xuất thân từ các Giáo hội Tin lành theo chủ nghĩa tự do. Hôm nay nhìn lại cho thấy các nhà nghiên cứu đã vô tình hay cố ý rút ra từ Đức Giêsu lòng tin một hình ảnh Đức Giêsu đi vào viễn kiến thế giới của họ, mang những giá trị mà những người đương thời với họ có thể chấp nhận được. Giai đoạn này có khuôn mặt tiêu biểu khởi sự với Hermann Samuel Reimarus (1694-1765)[2]. Trong thời bấy giờ, Reimarus không dám cho in những bài nghiên cứu của ông, vì đã có những tác giả bị lên án, bị bắt bớ hoặc bị tử hình về những quan niệm tôn giáo của họ. Reimarus chỉ cho một số bạn bè đọc bản thảo không đề tên tác giả với khoảng 4000 trang. Cuốn sách ông viết được phát hành năm 1778 sau khi ông qua đời đã gây nên một làn sóng phản kháng. Dầu sao cũng có thể nói với tác phẩm của Reimarus lần đầu tiên xuất hiện một cuốn sách viết về « cuộc đời Đức Giêsu ». Ông phân biệt trong Tin mừng chương trình của Đức Giêsu và hướng nhắm của các môn đệ. Đức Giêsu không chủ ý gây dựng một tôn giáo mới, và Người không làm phép lạ, không thiết lập một vương quốc trần gian giải thoát người Do thái khỏi tay ngoại bang. Đức Giêsu hoàn toàn thất bại với sứ vụ của mình. Các môn đệ thất vọng, vì thế họ tạo ra khuôn mặt khác của Đức Giêsu mà các Tin mừng ghi lại. Các môn đệ đã tạo ra sứ điệp phục sinh và trình bày Đức Giêsu như Đấng mêsia theo ý tưởng ngôn sứ Đanien về cánh chung. Reimarus đã phân biệt lời Đức Giêsu giảng dạy với sứ điệp của các môn đệ. Ông giữ lại Tin mừng nhưng không chấp nhận nội dung Tin mừng.

Việc đi tìm khuôn mặt Đức Giêsu lịch sử coi như việc không thể làm được, vì các Tin mừng như những chứng từ đức tin (Máccô 1,1; Gioan 20,30-31), nên đáng ngờ vực. Tin mừng mang mục đích dẫn người đọc vào lòng tin nơi Đức Kitô vì thế các tác giả thêu dệt huyền thoại về Đức Giêsu. Học giả Martin Kahler (1835-1912), vào năm 1892 đưa ra công thức phân biệt giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Kitô lòng tin. Công thức kéo dài tới thế kỷ thứ XX. Đức Kitô lòng tin được trình bày trong Tin mừng với những tước hiệu thần thánh (Chúa, Con Thiên Chúa...). Đức Giêsu lịch sử hoàn toàn khác: Người thuộc làng Nazareth, đi giảng thuyết trên khắp nẻo đường Galilê, Giuđê[3] và chết trên thập tự. Các tác giả tách mọi chi tiết coi như huyền thoại dựng lên chung quanh nhân vật Giêsu. Điểm cực đoan dẫn đến xác định Đức Giêsu thuộc huyền thoại chứ không phải một nhân vật lịch sử.

Phân tích của nhóm này đưa đến việc phát hành những cuốn sách viết về cuộc đời của Đức Giêsu gây tai tiếng cho các tín hữu: Năm 1835 bên Đức, David Friedrich Strauss (1808-1874) xuất bản cuốn « Leben Iesu Kritish bearbeitet »[4] (Cuộc đời Đức Giêsu, cứu xét qua phê bình), Tubingen. Cuốn sách của Strauss dày 1480 trang giải thích những yếu tố Tin mừng như những thích ứng với những huyền thoại của Cựu ước. Đức Kitô mà các tín hữu tuyên xưng như Thiên Chúa nhập thế là một Đức Giêsu huyền thoại đến từ những yếu tố vay mượn của Do thái giáo, của người Hy lạp và kinh nghiệm Kitô giáo. Tất cả những gì đến trước trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa đều bị coi như huyền thoại. Thêm nữa, những điều như Đức Giêsu chịu phép rửa, chịu cám dỗ trong sa mạc, biến hình, những phép lạ, trừ quỷ, sống lại đều là những trường hợp mẫu của tiến trình hoang đường. Giá trị những trình thuật Tin mừng thuộc loại thần học đưa đến lòng tin Kitô giáo.

Vào cùng thời điểm này, ông Ernest Renan (1832-1892), cựu chủng sinh Xuân bích bên Pháp nhưng sau đó mất đức tin cũng phát hành cuốn « cuộc đời Đức Giêsu » (Vie de Jésus) năm 1863[5]. Cuốn sách của Renan được coi đúng nghĩa một cuốn tiểu sử đầu tiên về Đức Giêsu. Dựa vào luận đề của Strauss, Renan trình bày Đức Giêsu như một người hiền lành, mơ mộng và dần dần mới ý thức được sinh mệnh đến với mình. Lối hành văn của Renan như viết tiểu thuyết đưa văn bản có sức mạnh hài hòa làm sống dậy xứ Palestine vào thế kỷ thứ I. Renan đưa ra một hình ảnh sống động về Đức Giêsu, thế nhưng bề ngoài tác phẩm dễ đánh lầm người đọc, vì cuốn sách mang ý tưởng tượng tiểu thuyết hóa hơn một nghiên cứu về lịch sử. Trong cuốn sách còn có nhiều ý bài Do thái vì thế đưa ra một hình ảnh rất sai lạc về Do thái giáo.

Hai cuốn sách của Strauss và Renan phủ nhận tất cả những gì thuộc siêu nhiên trong Tin mừng. Trong giai đoạn này, các nhà nghiên cứu đều đến từ các Giáo hội Tin lành. Một điều dễ hiểu, vì phong trào Thệ Phản phát sinh không phải chỉ chống lại những lạm dụng của Giáo hội Công giáo thời Phục hưng, nhưng còn muốn khẳng định sự trở về với Thánh kinh (sola scriptura) và loại bỏ những điều họ cho Giáo hội Công giáo giải thích nhân danh truyền thống. Theo họ Thánh kinh không phải tự nó là Lời Chúa, nhưng một tác phẩm của con người với những phỏng chừng và những điều trái ngược. Tư tưởng cũng bị các nhà thần học Tin lành chỉ trích, và họ cho tiếp cận này không hoàn toàn lôgíc. Các nhà thần học phải đặt lòng tin vào Lời Chúa trong Thánh kinh, và trong đó phải lựa chọn để rút ra điều gì thật sự là Lời Chúa.

Theo đó các nhà nghiên cứu đã đưa đến hai kết quả được nhiều người nhìn nhận: thứ nhất Tin mừng Máccô cổ nhất và ra đời trước các cuốn Tin mừng khác, vì cho đến thời bấy giờ người ta vẫn giữ thứ tự của bốn cuốn Tin mừng theo năm biên soạn của tác giả: Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan. Những tác giả như Karl Lachmann và Heinrich Julius Holtzmann đều cho rằng Máccô có trước và Mátthêu và Luca đều dựa vào nguồn tài liệu Máccô.

Thứ hai có một nguồn văn được mang ký hiệu Q[6]: Theo giả thuyết « bốn nguồn văn » này, Tin mừng Máccô cổ nhất. Mátthêu biên soạn từ Tin mừng Máccô, và từ một sưu tập độc lập gồm những lời được gọi tài liệu « Q », ngoài ra còn những truyền thống khác riêng của Mátthêu gọi tài liệu M ». Đối với Tin mừng Luca cũng vậy: tác giả dựa vào Máccô và « Q », và còn có nguồn tài liệu riêng mang tên « L ».

Ở thế kỷ thứ XIX, có một vài nhà nghiên cứu theo duy lý chủ nghĩa, đến từ trường phái cấp tiến ở Hòa lan đã lên tiếng chỉ trích trường phái tự do của Đức. Nhóm duy lý Hòa Lan còn đi xa hơn trong việc phê bình văn bản. Theo họ, thiếu hẳn những chứng cớ để cho rằng Đức Giêsu có thật. Phân tích các Tin mừng không đưa về một con người lịch sử, nhưng đưa đến một huyền thoại được các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai dựng nên. Vì thế viết cuộc đời Đức Giêsu chỉ là hão huyền, vì thật sự không có Đức Giêsu[7].

Bước sang thế kỷ XX, đợt nghiên cứu thứ nhất đưa ra một lối phê bình khác làm cho cuộc đi tìm Đức Giêsu lịch sử ở giai đoạn đầu chấm dứt. Như đã nói, kết quả cuộc phê bình đầu tiên cho Tin mừng Máccô cựu trào và những gì tác giả viết có thể mang giá trị lịch sử. Nhưng nhìn lại chỉ thấy một bộ sưu tập với những giai đoạn hoàn toàn độc lập nhau, và được truyền khẩu trước khi được gom lại thành văn bản mang ý tưởng thần học. Những đoạn văn trong Tin mừng Máccô không liên kết với nhau, và mỗi đoạn cho cảm tưởng được biên soạn để nâng đỡ một lời hay một sự kiện của Đức Giêsu nhưng hoàn toàn không biết được bối cảnh gốc. Mỗi đoạn văn được trình bày trong một khung chung chung với những điểm về địa lý và lịch sử rất mơ hồ.

Các tác giả Tin mừng như Mátthêu và Luca đã lấy lại những đoạn văn được tác giả Máccô gom lại, cộng thêm với những nguồn văn khác rồi biên soạn lại theo ý riêng của mình. Mátthêu gom những lời Đức Giêsu thành 5 bài diễn từ, còn Luca thì biên soạn theo ý hướng khác. Một vài nhà nghiên cứu Tin lành trong giai đoạn này còn đi xa hơn và đặt lại những kết quả đến từ đợt nghiên cứu thứ nhất. Học giả Albert Schweitzer (1875-1965) đã viết cuốn sách đầu tiên về Đức Giêsu « Le Secret historique de la vie de Jésus = bí mật lịch sử về cuộc đời Đức Giêsu », xuất bản năm 1901, và một cuốn sách khác cảnh cáo như sau vào năm 1906: « Không có điều gì tiêu cực hơn là những kết quả việc nghiên cứu cấp tiến về cuộc đời Đức Giêsu »[8], và trưng ra những kết quả đối nghịch nhau. Tác giả thấy tất cả các sách viết về cuộc đời Đức Giêsu đều khởi đi từ một sai lầm khi dựa vào Tin mừng Mátthêu và cho Tin mừng này được biên soạn trước Máccô. Thật vậy, giả thuyết cho Tin mừng Máccô được coi như cổ nhất chỉ xuất hiện ở thế kỷ thứ XIX, nhưng các tác giả đã không nắm lấy ý tưởng trên. Khi đi tìm Đức Giêsu lịch sử, mỗi tác giả lại đưa ra một cuộc đời Đức Giêsu lịch sử theo cái nhìn riêng. Điểm này tác giả có ý chỉ trích cuốn sách của Renan, vì ông đã để quá nhiều hình ảnh lãng mạn vào khuôn mặt của Đức Giêsu. Các tác giả viết về cuộc đời Đức Giêsu phóng vào đó hình ảnh Đức Giêsu với những giá trị nhân bản tự coi như chắc chắn nhất. Vậy việc phân tích phê bình các Tin mừng không đưa đến khuôn mặt Đức Giêsu lịch sử nhưng chỉ thấy được lòng tin của các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Các Tin mừng gồm những chứng từ đức tin chứ không phải những tài liệu lịch sử, vì thế Schweitzer nghi ngờ chúng ta có thể viết lên được một cuộc đời của Đức Giêsu trung thành với lịch sử. Ngoài ra, Albert Schweitzer nhận xét sự mong chờ thời cánh chung như điều thiết yếu trong sứ điệp của Đức Giêsu nói về nước Thiên Chúa, sám hối và phán xét. Đức Giêsu được ghi dấu bởi sự trông chờ cánh chung của thời đại, vì thế làm biểu lộ trong suốt sứ vụ thời gian phán xét của Thiên Chúa đã đến. Và với Đức Giêsu xuất hiện Con Người. Sự trông chờ này hoàn toàn khác lạ với cách suy nghĩ bình thường của con người, nên Đức Giêsu vẫn còn bị coi như người khách lạ.

Đợt nghiên cứu thứ hai với trường phái phê bình hình thức (từ năm 1950)[9].

Những kết quả đến từ đợt nghiên cứu thứ nhất bị phê bình chỉ trích dữ dội không làm ngưng việc đi tìm Đức Giêsu lịch sử, nhưng cũng làm những cuộc nghiên cứu bị chậm lại khoảng một thời gian. Từ đó lại nẩy sinh ra một lối đi khác để đi tìm Đức Giêsu lịch sử, và phương cách mới thường được gọi đợt nghiên cứu thứ hai.

Dựa vào những hậu quả qua lời Albert Schweitzer chỉ trích, một trường phái mới phát sinh ở bên Đức mang tên « formgeschichliche Schule ». Từ này khó dịch nhưng thường được dịch « trường phái phê bình hình thức » hay « lịch sử văn thể ». Mục đích đi tìm những điều có thể biết được về Đức Giêsu được các cộng đoàn tiên khởi trình bày. Nhóm này nghiên cứu các hình thức do các tác giả Tin mừng biên soạn, và phê bình những đoạn văn rồi coi xem vai trò nào, chỗ đứng nào, ý nghĩa nào các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đặt vào trong đó.

Kết luận đưa đến cho các Tin mừng không phải ký ức, chứng nhân tận mắt thấy, hay các tài liệu lịch sử về một người mang tên Giêsu sống ở Palestine. Đây chỉ là những tài liệu tôn giáo nói lên lòng tin nơi Đức Giêsu trở thành Đức Kitô trong cộng đoàn nơi tài liệu đó được biên soạn. Tin mừng mang mục đích trả lời những điều cần thiết cho cộng đoàn, chứ không chủ yếu cho biết những kỷ niệm về Đức Giêsu. Tin mừng đưa những lời loan báo súc tích, không chi tiết dư thừa, được biên soạn làm tuyên truyền và giáo huấn về phụng tự. Đó là kerygma, lời rao giảng tiên khởi loan báo những gì Đức Giêsu đã làm. Muốn vượt qua « kerygma » để tìm một điều chắc chắn về lịch sử là một việc làm ảo tưởng. Vì thế, theo trường phái này, các Tin mừng và ngay cả nguồn văn Q đều thuộc kerygma.

Lời Albert Schweitzer cảnh cáo còn đưa đến một kết luận cực đoan khác với các tác phẩm của Rudolf Bultmann (1884-1976)[10], khuôn mặt tiêu biểu cho trường phái phê bình hình thức. Dĩ nhiên Đức Giêsu có thật, được Gioan làm phép rửa và chết trên thập giá. Ngoài những điều vừa kể, tất cả những sự việc khác liên quan đến Đức Giêsu đều không chắc chắn. Theo Bultmann, các Tin mừng đều hình thành trong khung cảnh lòng tin đến từ Giáo hội sơ khai sau biến cố Phục sinh. Vì thế các Tin mừng mang những lời tuyên xưng đức tin. Hình ảnh Tin mừng đưa ra về Đức Giêsu phần nhiều là huyền thoại đến từ các cộng đoàn Kitô giáo sơ khai. Ông tách rời Đức Giêsu lịch sử và Đức Kitô lòng tin đến nổi coi nhẹ khía cạnh lịch sử. Các cuốn Tin mừng đã trộn lẫn vào nhau những yếu tố lịch sử và những yếu tố huyền thoại, nên không thể nào tìm được cốt lõi sự thật lịch sử. Tin mừng Nhất lãm trình bày Đức Kitô như Con Thiên Chúa qua hình ảnh các thần của người Hy lạp. Tóm lại, theo Bultmann Tin mừng không là một văn bản lịch sử, nhưng tổng hợp những chứng cứ niềm tin của những Kitô hữu đầu tiên. Và Bultmann đã dùng phương pháp khoa học lịch sử để đưa ra thuyết « giải huyền thoại ».

Đợt nghiên cứu thứ ba (từ năm 1970)[11].

Tư tưởng Bultmann coi như thống trị các cuộc nghiên cứu về Đức Giêsu lịch sử cho đến năm 1953. Một bước ngoặt quan trọng đến từ những người học trò của Bultmann vào khoảng giữa thế kỷ thứ XX. Ernst Käsemann, (1906-1998), nhà thần học Tin lành hệ phái Luther và giáo sư Tân ước tại Mainz (1946-1951), Göttingen (1951-1959) và Tübingen (1959-1971) đọc bài diễn văn « vấn đề Đức Kitô lịch sử »[12] năm 1953 phản ứng chống lại lập trường của thầy mình. Dù không thể viết tiểu sử Đức Giêsu, nhưng cũng quá đáng khi nói không thể biết qua lịch sử thân thế và sứ điệp Đức Giêsu. Khi phân định lời rao giảng tiên khởi cũng có thể giúp đi ngược lên tới Đức Giêsu lịch sử. Vì thế cần phải nghiên cứu nghiêm túc nguồn gốc các Tin mừng đã thành hình ra sao và các tác giả viết với mục đích gì? Käsemann truy tìm vấn nạn về mối tương quan giữa lịch sử và sự thật, và ông cho có một sự liên tục lịch sử và thần học giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Kitô trong lời rao giảng tiên khởi. Vì thế, điều cần thiết phải tiếp tục tìm kiếm về sự hiện hữu của Đức Giêsu trần thế. Käsemann còn nhấn mạnh những yếu tố chung giữa lời Đức Giêsu rao giảng và lời rao giảng tiên khởi của Giáo hội.

Sau Käsemann còn có tác giả Ernst Fuchs cho ý hiểu biết về sứ điệp của Đức Giêsu có thể đặt trên sự tương quan giữa những hành vi và những lời của Người. Ví dụ như qua dụ ngôn người con hoang đàng, Đức Giêsu giữ vững ý thói quen ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi. Tiếp nối có tác giả Gunther Bornkam xuất bản một cuốn sách mang tựa đề « Jesus von Nazareth » (Đức Giêsu Nazareth). Tác giả cho biết không ai có thể viết được một cuộc đời của Đức Giêsu; nhưng có thể hiểu được tư tưởng và lời Đức Giêsu giảng dạy, và từ đó đưa ra một hình ảnh về con người Đức Giêsu, cũng như hiểu được những gì Người cố gắng thực hành. Tiếp theo những tư tưởng của các tác giả Fuchs, Bornkam, tác giả Hans Conzelman trong cuốn sách tựa đề « Jesus » đưa ra một yếu tố riêng tư: Kitô học thay thế niên đại học và cho sứ điệp của Đức Giêsu ý nghĩa căn bản. Đức Giêsu trở nên một yếu tố cấu thành cánh chung, Người không tin có ngày đến của một Con Người khác. Người loan truyền những gì xảy ra bây giờ báo hoàn toàn và chung cuộc những gì sẽ đến là Nước trời.

Từ đây đưa đến một hướng mới cho cuộc nghiên cứu về Đức Giêsu lịch sử. Các nhà nghiên cứu bên Đức nhắm hướng vào những lời của Đức Giêsu. Họ cho hố chia cách giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Kitô lòng tin có thể vượt qua, vì cần có sự tiếp nối giữa hai điều đó. Có thể nêu lên ở đây nhà nghiên cứu Joachim Jérémias, ông mang tư tưởng lạc quan hơn. Theo ông, việc nghiên cứu về Đức Giêsu lịch sử rất phức tạp nhưng có thể làm nhờ vào những phương pháp nghiên cứu hiện đại. Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã biết được ngôn ngữ, nôi văn hoá và tôn giáo thời Đức Giêsu; và nhờ vào trường phái hình thức để có thể biết được cách nào văn bản được khai sinh. Joachim Jérémias cho xuất bản cuốn « Les paraboles de Jésus » (Những dụ ngôn của Đức Giêsu) năm 1947, sửa soạn con đường mới cho việc nghiên cứu về Đức Giêsu lịch sử. Ông cho rằng cho một sự tiếp nối nào đó giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Kitô sống lại. Khi đọc dụ ngôn, ta đi vào mối tương quan trực tiếp với Đức Giêsu.

Đến khoảng thập niên 1970, khai sinh ra đợt nghiên cứu thứ ba và tiến triển rất nhanh chóng bên Hoa kỳ. Những nhà nghiên cứu trong đợt thứ ba đến từ nhiều môi trường khác nhau: Công giáo, Tin lành với nhiều hệ phái khác biệt, Do thái, và người theo bất khả tri thuyết (agnostique). Họ muốn loại bỏ mọi ưu tư thần học, và trong việc nghiên cứu phải để ý đến những điều được biết về Do thái giáo cũng như hoàn cảnh xã hội kinh tế ở Palestine vào thế kỷ đầu. Các học giả cũng đưa ra những nghiên cứu mới liên quan đến Do thái giáo và nền văn chương giao thời giữa Cựu ước và Tân ước. Một nền văn chương phát xuất khoảng 2 hoặc 3 thế kỷ chung quanh thời Đức Giêsu sinh ra, và tìm xem bối cảnh giúp hiểu biết lời Đức Giêsu rao giảng trong một thế giới tôn giáo và văn hóa rõ ràng.

Đợt nghiên cứu lần này có nhiều tác giả, nhưng trong đó chỉ có một người Đức với ông Gerd Theissen[13], và số người còn lại thuộc nhóm người nói tiếng Anh như: Ed P.Sanders, John Dominic Crossan, Marcus Borg[14], Richard Horsley[15] và nhóm Jesus Seminar do Robert Funk sáng lập.

Hai nhà nghiên cứu tiêu biểu của đợt ba là E.P.Sanders và John Dominic Crossan:

* E.P.Sanders thuộc hệ Tin lành tự do nghiên cứu trước hết về Do thái giáo ở thế kỷ thứ I trong cuốn « Paul and Palestinian Judaism », xuất bản vào năm 1977. Tác giả viết về Đức Giêsu trong hai cuốn: « Jesus and Judaism », 1985 SCM Press; và « The Historical Figure of Jesus », Penguin Books Ltd, 1993. Ông cho thấy một Đức Giêsu dìm mình trong Do thái giáo, và mang nguồn gốc một phong trào tách khỏi Do thái giáo. Theo ông, một khi biết được bối cảnh Đức Giêsu ở trong đó sẽ cho biết được nhiều điều về Người.

* John Dominic Crossan, một linh mục công giáo nhưng sau đó xin hồi tục, và trở thành giáo sư tại Đại học Chicago. Ông viết rất nhiều, trong đó có cuốn The Historical Jesus: « The life of a Mediterranean Jewish Peasant », T&T Clark, Edimbourg, 1991. Ông phác họa tầm quan trọng bối cảnh kinh tế và văn hóa mà Đức Giêsu ở trong đó. Công việc nghiên cứu của Crossan kèm theo những khám phá khảo cổ mới đây đã thêm vào những gì Sanders đã nói.

Đợt nghiên cứu thứ ba không theo những phê bình triệt để của hai đợt trước. Các nhà nghiên cứu chấp nhận những kết quả do trường phái phê bình hình thức đưa đến, nhưng họ thấy những kerygma cần thiết cho một liên hệ với cuộc sống và lời rao giảng của một người tên Giêsu. Từ đó đi lên để tìm thấy điều gì đó chắc chắn để biết được những ký ức thật về cuộc đời và sự giảng dạy của Đức Giêsu.

Có ba tiêu chuẩn chính để lựa chọn những yếu tố được coi như chắc chắn:

- Những yếu tố được các truyền thống khác nhau xác nhận. John Dominic Crossan thấy trong các Tin mừng, Ngụy thư, các thư Phaolô, cũng như các tài liệu đến từ các cộng đoàn Kitô hữu ở thế kỷ thứ II như « các thư Ignace thành Antioche (Antiôkia) », sách « Didachè ». Sau đó ông xếp các tài liệu lại theo năm: 30-60, 60-80, 80-120 và 120-150. Yếu tố nào dù xưa cổ nhưng không thấy được các truyền thống khác nói tới cũng bị loại bỏ. Tiêu chuẩn này gặp khó khăn trong việc tìm đặt năm xuất bản của các tài liệu.

- Ernst Käsemann đưa ra một tiêu chuẩn khác để lựa chọn giữa những lời chính gốc của Đức Giêsu và những gì các cộng đoàn Kitô hữu đặt vào môi miệng Người. Khi có một khác biệt giữa nội dung những lời với lòng tin của cộng đoàn Kitô hữu, thì lời đó có nhiều khả năng do chính Đức Giêsu đã nói. Tiêu chuẩn của Käseman cũng không dễ vì rất khó biết lòng tin của các cộng đoàn sơ khai, và những điều biết được đều đến từ những tài liệu thoát ra từ các cộng đoàn đó. Thêm nữa, cũng không có nguồn tài liệu nào khác về những lời của Đức Giêsu, ngoài những tài liệu đến từ các cộng đoàn Kitô hữu.

- Tiêu chuẩn thứ ba được gọi tiêu chuẩn lúng túng. Khi một sự kiện được cho như đến từ Đức Giêsu nhưng coi như lúng túng. Điều này biểu lộ sự xác thực, và được coi như điều chắc chắn về lịch sử. Tiêu chuẩn thứ ba cũng mang nhiều giới hạn khi áp dụng với trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa.

Jesus Seminar[16].

« Jesus Seminar » được ông Robert Funk[17] thành lập vào năm 1985 mang mục đích linh hoạt một cuộc tranh luận quốc tế về Đức Giêsu lịch sử. Lúc khởi đầu Robert Funk mời khoảng 30 giáo sư đến trong cuộc hội thảo để phân tích những lời và những hành vi được cho đến từ Đức Giêsu qua những nguồn gốc xưa. Những câu hỏi nêu lên: những lời nào Đức Giêsu thật sự nói? Có những sự kiện nào liên quan đến Đức Giêsu kể lại trong Tin mừng thực sự xảy ra? Sau này, Robert Funk và John Doninic Crossan đồng điều hành Jesus Seminar qui tụ một năm hai cuộc họp tại tiểu bang California (Hoa kỳ) với khoảng một trăm nhà nghiên cứu, nhưng phần đông đều đến từ Bắc Mỹ. Mỗi giải đáp cho mỗi câu hỏi đặt ra đều được một nhóm chuyên gia sửa soạn bằng các bản tường trình, và văn bản được đem ra thảo luận công cộng. Cuối cùng những người tham gia bỏ phiếu bằng thẻ màu để biểu quyết. Màu đỏ: chấp nhận lời đó Đức Giêsu đã nói. Màu hồng: có thể Người đã nói. Màu xám: không chắc và màu đen là chắc chắn Đức Giêsu không có nói. Và Jesus Seminar đã khảo sát như vậy bốn cuốn Tin mừng và Ngụy thư Tin mừng Tôma. Các kết quả của các cuộc họp đã được in thành sách, và các tham dự viên cũng xuất bản các tác phẩm cho biết việc làm trong nhóm của họ.

Jesus Seminar có đưa ra những kết quả gì không? Trong cuốn sách do nhóm phát hành sau những cuộc thảo luận và nghiên cứu về các dụ ngôn « The parables of Jesus », họ đã đi đến quyết định như sau: có 5 dụ ngôn mang màu đỏ tức là chấp nhận Đức Giêsu có nói những dụ ngôn đó gồm dụ ngôn men, người Samari tốt lành, người quản lý gian dối, những người thợ giờ thứ mười một, và dụ ngôn hạt cải; ngoài ra 16 dụ ngôn khác được thẻ màu hồng; 6 màu xám và 6 màu đen.

Tháng 11 năm 1989, nhóm phát hành một cuốn sách khác về Đức Giêsu « The Emerging Jesus ». Họ lượng định 1001 trên 1388 lời được cho đến từ Đức Giêsu trong tất cả các nguồn văn cổ từ thuở ban đầu thế kỷ đến năm 313 sau công nguyên. Trong đó chỉ có 291 lời được mang thẻ đỏ hoặc thẻ hồng. 291 lời này có những câu song song, vì thế những lời khác nhau được coi như thật sự được Đức Giêsu nói chỉ còn lại 65 lời. Trong 134 lời tìm thấy trong Tin mừng Máccô, chỉ còn 17 lời mang thẻ đỏ hoặc thẻ hồng. Trong Tin mừng Tôma chỉ có 25/114 lời được thẻ đỏ hoặc thẻ hồng. Từ những nhận xét trên Jesus Seminar đưa ra kết luận như sau:

- Chúng ta không bao giờ tìm được những lời nói chính xác của Đức Giêsu. Đức Giêsu nói tiếng Aram và Tin mừng được viết bằng tiếng Hy lạp.

- Diễn từ của Đức Giêsu mang đặc tính bằng những châm ngôn, dụ ngôn, những cuộc tranh luận… cách phát biểu gay gắt, sống động, nhiều lúc châm biếm…

- Jesus Seminar cho các truyền thống đến từ tài liệu Q, Tin mừng Tôma, và những lời trong những nguồn gốc độc lập có giá trị hơn các nguồn tài liệu khác.

- Nhóm Jesus Seminar nghi ngờ những lời Đức Giêsu tự nói về mình.

- Với cách không triệt để và tùy theo biến cố mà Đức Giêsu diễn đạt sự liên kết chặt chẽ những quan điểm của Người.

Nhóm Jesus Seminar còn xuất bản cuốn sách mang tựa đề: « The Five Gospels; the search for the authentic Words of Jesus » (Năm cuốn Tin mừng: đi tìm những lời thật của Đức Giêsu). Gọi « năm » cuốn Tin mừng vì họ lấy bốn Tin mừng Thư quy + Tin mừng Tôma. Cuốn sách đưa kết quả cuộc thảo luận về 1500 lời của Đức Giêsu và một bản dịch mới về « năm » cuốn Tin mừng.

Cuốn sách khác của nhóm mang tựa đề « The Acts of Jesus: The search for the authentic Deeds of Jesus » (Những hành vi của Đức Giêsu: đi tìm những hành vi đích thực của Đức Giêsu). Nhóm nghiên cứu 387 trình thuật và 176 biến cố: chỉ có 10 biến cố được thẻ đỏ và 19 biến cố được thẻ hồng.

Jesus Seminar có tiếng vang trên khắp thế giới, nhưng cũng gặp phải nhiều chống đối đến từ các nhóm đọc Thánh kinh bảo thủ, từ các nhà nghiên cứu nghiêm túc khác không đồng ý với phương cách làm việc theo nhóm Jesus Seminar. Và những kết quả do nhóm Jesus Seminar đưa ra bị phản ứng dữ dội trong quần chúng, ví dụ như đã kết luận: Đức Giêsu không được sinh ra từ một trinh nữ, cha Người là ông Giuse hay một người nào đó đã hãm hiếp bà Maria. Cho dù Đức Giêsu được coi như một người chữa lành, nhưng Người chỉ chữa những người mang bệnh thuộc tâm thể và Người không làm một phép lạ nào trên thiên nhiên. Người không bao giờ coi mình là Đấng mêsia, nhưng bị giết vì gây rối trật tự công cộng. Thân xác Người bị tan rã, và không sống lại từ cõi chết và cũng không có ngôi mồ trống[18].

Có thể tìm được những điều chắc chắn về Đức Giêsu không?

Hôm nay các học giả khiêm tốn hơn dù có trong tay những tiêu chuẩn hầu có thể coi những lời nói hay hành vi Đức Giêsu đã nói và đã làm. Phương pháp nghiên cứu lịch sử giúp thấy phần nào việc biên soạn Tin mừng, và ý nghĩa thần học. Từ đó có thể xác định chắc chắn hơn biến cố nào thuộc lịch sử. Việc tìm kiếm khuôn mặt Đức Giêsu lịch sử vẫn tiếp tục không ngừng. Các thế hệ học giả tiếp nối nhau và muốn đi xa hơn với những gì thâu hoạch được cho đến ngày nay. Nhưng việc tìm kiếm này sẽ đi về hướng nào, có thể nào đi đến những điều chắc chắn về Đức Giêsu mà trong đó gồm những sự kiện và lời của Đức Giêsu đã thật sự rao giảng?



[1] Đợt nghiên cứu thứ nhất về Đức Giêsu lịch sử được coi như kéo dài từ ông Reimarus đến thời ông Schweitzer. Các học giả thuộc khuynh hướng này muốn đưa ra hình ảnh một Đức Giêsu không dính dáng gì đến tín lý. Cuối cùng họ thất bại do phương pháp văn loại sử học nêu ra (formgeschichte). Phương pháp lịch sử văn thể cho thấy cái mù mịt của truyền thống Tin mừng, vì thế rất khó để biên soạn một tiểu sử.

[2] Giáo sư ngôn ngữ đông phương ở đại học Hambourg. Khi qua đời, Reimarus để lại khoảng 4000 trang thủ bản và được ông G.E. Lessing xuất bản thành 7 cuốn sách từ năm 1774-1778, trong đó có cuốn sách « Vom dem Zwege Jesu und seiner Jüngen » (từ mục đích của Đức Giêsu và các môn đệ), Braunschweig, 1778.

[3] Giuđê (Judaea) tên Hy lạp và La mã nói về xứ Giuđa hay Giuđê. Sau cuộc chinh phục của người La mã năm 63 trước công nguyên, tên này nói về xứ Palestine bao gồm xứ Galilê và xứ Samarie, hoặc theo nghĩa hẹp chỉ là xứ Palestine. Xứ Giuđê của vua Hêrôđê Cả bao gồm Palestine và một số khu vực phía đông sông Giođan. Dưới thời Archelaus, Giuđê có nghĩa là xứ Samarie.

[4] Cuốn sách được sửa và tái bản năm 1864 với tựa đề, « Nouvelle vie de Jésus », Paris, Hetzel et Lacroix.

[5] Sách được tái bản trong một năm 10 lần và được dịch ra hơn 12 ngôn ngữ: « Vie de Jésus », Paris, Gallimard, 1974, Folio numéro 618.

[6] Q đến từ tiếng Đức Quelle = nguồn hoặc là tập di ngôn (logia tiếng Hy lạp, có nghĩa là câu nói, lời nói). Theo thuyết hai nguồn văn, Tin mừng Máccô là sách cựu trào nhất. Mátthêu và Luca đều sử dụng Máccô khi soạn Tin mừng; nhưng hai ông có những đoạn giống nhau mà Máccô không có. Vì thế nhiều nhà nghiên cứu mới có giả thuyết, có một văn kiện gồm những lời và diễn từ của Đức Giêsu bằng tiếng Hy lạp = Q; và Mátthêu lẫn Luca đều lấy thêm tài liệu ra từ đó. Tóm lại nguồn Q là một tập logia và các nhà nghiên cứu cho có khoảng 230 lời do Đức Giêsu nói ra mà chúng ta thấy có trong Tin mừng Mátthêu và Luca nhưng không có trong Máccô.

[7] Phong trào này vẫn còn có được những nhà nghiên cứu ngày hôm nay theo, như các tác giả George Wells, Robert Price và Earl Doherty. Cả ba tác giả đều là người Hoa Kỳ. Nổi tiếng nhất có ông G.A.Wells, giáo sư tiếng Đức tại Đại học University of London, đã viết một loạt sách lý luận Phaolô và giới lãnh đạo Kitô giáo tiên khởi tin rằng Đức Kitô đã sống vào thế kỷ thứ 3 hay thứ 2 trước công nguyên. Một số sách của G.A.Wells: The Historical Evidence for Jesus, Prometheus, 1982; Did Jesus Exist?, Buffalo, Prometheus Books, 1975; The Jesus of the Early Christians, Pemberton, 1971; The Jesus Legend, Chicago, Open Court, 1996. Và trong một khảo luận ở cuốn Historicity of Jesus in Encyclopedia of Unbelief, Prometheus, 1985, G.A. Wells chứng minh các tác giả Thánh kinh tin Đức Giêsu có thật, nhưng lại không đồng ý với nhau về ngày, giờ và các địa điểm trong cuộc đời của Đức Giêsu, để có thể xác tín Người đã từng sống vào đầu thế kỷ thứ I. Phaolô không hề miêu tả một phép lạ nào của Đức Giêsu chữa bệnh, hay ghi lại một lời rao giảng nào của Đức Giêsu. Phaolô lại cho cái chết của Đức Giêsu là do ma quỷ hơn là do người La mã hay người Do thái. Robert Price, tác giả các cuốn Deconstructing Jesus, Prometheus Books, 2000; The Incredible Shrinking Son of Man: How Reliable is the Gospel Tradition,? Prometheus Books, 2003; The Pre-Nicene New Testament: Fifty-four Formative Texts, Signature Books, 2006; Jesus is Dead American Atheist Press ,2007; Beyond Born AGioanin: Towards Evangelical Maturity, Wildside Press, 2008. Earl Doherty, tác giả cuốn The Jesus Puzzle. Did Christianity begin with a Mythical Christ?, Canadian Humanist Publications, Ottawa, 1999 cho các Kitô hữu tiên khởi tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng dưới mắt họ Người thuộc về thần linh, chứ không phải người phàm.

[8] Albert Schweitzer, Geschichte der Leben-Jesu-Forschung, Tubingen, 1906. Bản dịch tiếng Anh phát hành năm 1910 và tái bản nhiều lần: The quest of the historical Jesus, Macmillan, New York 1968.

[9] Đợt nghiên cứu thứ hai bắt đầu với thời kỳ hậu Bultmann. Các học giả thuộc thời kỳ này muốn tìm lại hình ảnh Đức Giêsu gột bỏ với lời rao giảng tiên khởi (kerygme).

[10] Nhà thần học Tin lành hệ phái Luther được coi như nhà chú giải Tân ước được biết đến nhiều nhất trong thế kỷ XX. Ông sinh ngày 20/8/1884 tại Wiefelstede, và học thần học tại Tübingen, Berlin và Marbourg. Sau này ông làm giáo sư Tân ước tại Marbourg, Breslau, và qua đời ngày 30/7/1976. Tác phẩm đầu tiên xuất bản năm 1921, và được dịch ra nhiều thứ tiếng như « L’histoire de la tradition synoptique », Paris, Seuil, 1973; « Jésus. Mythologie et démythologisation », Paris, Seuil, 1968; « Theologie des neuen Testaments », Tubingen, Mohr, 1977…

[11] Đợt nghiên cứu thứ ba mang điểm nhấn tìm về nguồn gốc Do thái của Đức Giêsu. Các nhà nghiên cứu đều đi hướng tìm hiểu biết nhiều hơn về Do thái giáo cổ. Bình thường từ trước đến thời điểm này, các học giả đưa ra hình ảnh một Do thái giáo nghiêm ngặt, chỉ biết lề luật, và Đức Giêsu mang hình ảnh đối chọi lại như một người tự do với một tôn giáo đặt trọng tâm vào tâm hồn. Giờ đây các tác giả nghiên cứu kỹ càng hơn những văn bản Do thái giáo vào thế kỷ thứ I, các tài liệu Biển Chết…

[12] Ernst Käsemann, Le problème de Jésus historique, in Essais exégétiques, traduction Denise Appia, Neuchâtel, Delachaux & Niestlé, 1972, trang 145-173.

[13] Tác giả Gerd Theissen tiên phong đưa tiếp cận lịch sử-xã hội vào việc nghiên cứu về Đức Giêsu cũng như sự truyền đạt truyền thống về Đức Giêsu. Ông viết một số sách nghiên cứu về chiều hướng đó, và có 2 cuốn được biết đến nhiều: 1. Gerd Theissen & Annette Merz, Der historische Jesus. Ein Lehrbuch, Gottingen, Vandenhoeck und Ruprecht, 1996: Cuốn sách đặt Đức Giêsu và lịch sử địa phương, xã hội, chính trị Do thái giáo vào thế kỷ thứ I.

2. Gerd Theissen, l’Ombre du Galiléen, Paris, Cerf, 1988;. Cuốn « L’Ombre du Galiléen », tạm dịch « Bóng người xứ Galilê » đưa ra một dung mạo về Đức Giêsu và những người đương thời thời bấy giờ, bằng cách đưa vào trong bối cảnh lịch sử, và những vấn đề thuộc phương pháp học đặt ra khi nghiên cứu về Đức Giêsu lịch sử. Gerd Theissen viết cuốn sách này theo thể văn tiểu thuyết, nhưng dẫn nhập rất tốt vào vấn đề Đức Giêsu lịch sử.

[14] Marcus J.Borg, Jesus in Contemporary Scholarship, Valley Forge, Trinity Press International 1994.

[15] Richard A.Horsley, Jesus and the Spiral of violence, San Francisco, Harper San Francisco, 1987.

[16] Phần này theo David Gowler, Petite histoire de la recherche du Jésus de l’Histoire, collection Lire La Bible numéro 160, Cerf, Paris, 2009.

[17] Robert Funk dạy học tại « Vanderbilt’s Divinity School », vì muốn được tự do trong vấn đề tri thức, ông rời chủng viện trên và đi dạy học tại một đại học không thuộc công giáo ở Montana. Cuối cùng ông cũng thất vọng, và khi vừa được về hưu, ông về mở một nhà xuất bản mang tên « Polebridge Press » với bà vợ. Ông mang thao thức vì trình độ hiểu biết quá thấp kém ở Hoa kỳ, từ đó ông sáng lập trường « Westar Institute » để chống lại sự ngu muội về tôn giáo của tầng lớp dân chúng. Từ Westar Institute đã khởi xướng « Jesus Seminar » hầu chống lại sự ngu muội của người dân về tôn giáo, và với lý do có những tiếp cận mới trong giới học giả về truyền thống của Đức Giêsu được lưu giữ trong các Tin mừng.

[18] Những chống đối nhóm Jesus Seminar mạnh mẽ nhất đến từ: 1. Luke Timothy Johnson, The real Jesus, bản dịch tiếng Pháp, Jésus sans parti pris, Cerf, Paris, 2000: Johnson đi vào một cuộc luận chiến với lời văn lên án mạnh mẽ, và theo tác giả, Jesus Seminar làm việc không chính xác khoa hoc. Trong nhóm không có nhà nghiên cứu nào đến từ các Đại học danh tiếng, và không tác giả nào đến từ các châu lục khác.

2. Ben Witherington III, The Jesus quest, Downers Grove, IL, Intervarsity Press, 1977 lấy lại những lời chỉ trích nhóm của Johnson, và cho rằng nhóm đã đặt một niềm tin tưởng quá đáng vào tiêu chuẩn không liên tục.

3. N.T.Wright, Five Gospels but No Gospls: Jesus and the Seminar, in Aunthenticating the Activities of Jesus, éd. Bruce Chilton and Craig A.Evans, Leyde, Brille, 1999.

4. Cuốn sách chỉ trích Jesus Seminar tương đối quân bình hơn cả : Mark Allan Powell, Jesus as a Figure in History, Louisville, Westminster/John Knox, 1998.

Lê Phú Hải omi

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art