Thứ Hai, 02 Tháng Bảy, 2012

Mầu nhiệm phục sinh trung tâm điểm của người kitô hữu

Mầu nhiệm phục sinh trung tâm điểm của người kitô hữu

Khi nói về Mầu nhiệm Đức Kitô Sống lại, một điều chắc chắn, không một ai trong chúng ta có thể phô bày ra những chứng cớ hiển nhiên. Chúa Giêsu Phục Sinh chỉ thật cho ai tin vào những nhân chứng kể lại. Bắt đầu là những phụ nữ, sau đó đến các môn đệ thân cận nhất của Chúa Giêsu đi ra tận mồ để chỉ thấy ngôi mộ trống. Và rồi chính Chúa Giêsu đã hiện ra với Maria Magdala qua hình ảnh một người làm vườn. Với hai môn đệ trên đường Emmau, Ngài là khách lữ hành. Đối với những người kể trên, sau một thời gian ngần ngại, họ nhận ra Ngài, hay đúng hơn chính Chúa Giêsu hiện ra cho họ qua những dấu đanh. Từ đó, các môn đệ vì lòng tin nhận thức Chúa Giêsu đã thật sự sống lại. Và đó là đức tin.

Mồ trống chỉ chứng minh thân xác Đức Giêsu không còn tại đó. Không ai thấy Ngài đang từ từ chỗi dậy để đi vào cõi sống. Cho nên sự phục sinh của Ngài không thể nào minh chứng như một thí nghiệm khoa học. Với các môn đệ đã nhận lãnh một kinh nghiệm lạ lùng, và chính họ đi loan báo Tin Mừng ấy, bất chấp mọi trở ngại, khắp cùng đế quốc La Mã (từ xứ Gaule đến Palestine, qua Anh Quốc tới Bắc Phi). Chỉ đức tin mới dạy cho họ nhận : Đức Giêsu sống lại thật : Ngài là Đấng Kitô.

Trong khuôn khổ của bài báo này, tác giả không có ý định dẫn giải chi tiết những đoạn Tin Mừng viết về Chúa Giêsu sống lại, nhưng chỉ tìm hiểu sự Phục Sinh của Chúa Giêsu có phải là một phép lạ không ? Trong ánh Sáng Phục Sinh, Đấng Sống lại, Ngài là ai ? Và Tin Mừng trên còn có thể áp dụng thế nào trong cuộc sống hôm nay của chúng ta ?

Phục Sinh Là Một Phép Lạ ?

Một số sách giáo lý trước đây thường trình bày việc Chúa Giêsu sống lại như một phép lạ cả thể và hoàn hảo. Các tác giả đã dựa vào một số phép lạ Chúa Giêsu đã làm trong ba năm đi rao giảng từ Galilêa cho đến lúc lên Giêrusalem chịu tử nạn. Họ nghĩ rằng, sau khi xua đuổi ma quỷ, cứu người bị quỷ ám, chữa bệnh người bất toại, phong cùi, hay hơn nữa, đã đưa Lazarô ra khỏi mồ dù ông này đã được chôn cất bốn ngày. Chúa Giêsu đã tự mình tìm lại sự sống qua cái chết trần truồng trên thập giá. Chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự chết thoáng hiện như một bằng chứng không thể chối cãi về bản tính Thiên Chúa của Người. Nhưng nếu đọc kỹ lại một số sách Tân ủớc, biến cố phục sinh không được trình bày như trên.

Không một ai dám tự nhận là nhân chứng thấy tận mắt Chúa Giêsu sống lại. Các môn đệ truyền rao Chúa Giêsu hằng sống không phải vì vài kỳ công tuyệt diệu, nhưng qua sự hiện diện huyền nhiệm của Đấng Sống Lại. Ngoài ra khi các tông đồ rao giảng, họ coi sự Chúa Giêsu sống lại là một tác động của Thiên Chúa hằng sống. Trong sách "Công Vụ Các Tông Đồ" có vài từ ngữ để âm vọng lại lời loan báo phục sinh tiên khởi của họ : "Đức Giêsu người Nadarét, Đấng đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh vào thập giá và giết đi, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại" (2,22-24). "Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại : về điều này tất cả chúng tôi xin làm chứng" (2,32). "Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng" (3,14-15). "Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi, nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người sống lại" (5,30).

Sự can thiệp tuyệt duyệt không giá trị, không chứng cớ cũng như không chứng minh, nhưng mang lại cho các môn đệ của Chúa Giêsu như một dấu chỉ diễn đạt lòng tin của họ. Hành động Thiên Chúa làm sống lại Con của Người chỉ có thể sánh với hành động Sáng tạo thuở sơ khai theo sách Khởi nguyên. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể kêu gọi sự hiện hữu tất cả những gì thuộc về Người và đến từ Người. Công trình tạo hóa rõ ràng trước mắt mọi người và chúng ta có thể dừng lại ngay nơi công trình ấy chứ không cần phải đi tìm lên đến tác giả. Sự sáng tạo diễn tả tình yêu phong phú của Thiên Chúa cho thế gian. Tin vào Thiên Chúa là Đấng tạo thành đòi hỏi nơi chúng ta một quyết định tự do.

Sự sống lại của Chúa Giêsu cần phải hiểu như vậy. Vì ở đây không có một biên bản nào được ghi lại. Các tông đồ không "ghi âm" được việc các ông đã thấy rõ ràng nỗi thương khó và cái chết thê thảm của Thầy mình. Họ chỉ là những chứng nhân, nhưng không phải là những phóng viên báo chí. Bằng chứng của họ là lòng tin vào Chúa Giêsu. Họ bàng hoàng trước sự gặp lại Đấng đã bị đóng đinh, và nay đã sống lại. Trước mặt viên đại đội trưởng người La Mã và đám đông họp tại nhà, Phêrô đã lên tiếng nói :"Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại" (10,40-41).

Bấy nhiêu để có thể nói biến cố phục sinh không phải một kỳ công nhưng là một kinh nghiệm, một mối quan hệ được giải phóng kéo theo sự suy xét, tâm hồn sẵn sàng và lòng độ lượng. Với ý nghĩa trên, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt giữa sự sống lại của Chúa Giêsu và những cuộc hồi sinh kỳ diệu đã giải thoát từ cõi chết, người con trai của bà góa phụ thành Naim hay cô con gái của ông Zairô, cũng như lần ra khỏi mộ đá của Lazarô. Vì Chúa Giêsu xin và làm phép lạ nên ba người này được một thời hạn hoãn. Họ tạm tìm lại cuộc sống đã bị dứt đoạn dưới trần thế này, nhưng họ cũng phải chết một lần vĩnh viễn. Ngược lại Đấng bị đónh đinh đã vượt qua cõi chết nhân loại vì Thiên Chúa Cha mở cho Ngài một tương lai mới. Ngài đi trước nhân loại ở bên kia cõi chết, chứ không đi ngược lại đằng sau. Ngài nhận sức sống và vinh hiển mà Chúa Cha dành cho Ngài như "người sinh đầu tiên" nơi cuộc sáng tạo mới.

Nếu "Phục Sinh" là một phép lạ thì phép lạ này không được hiểu như nghĩa chúng ta thường hiểu. Sự kỳ diệu ở đây là ân huệ được ban không. Và Thiên Chúa làm bởi Thần Khí của Người dành cho tất cả những ai vượt qua sự chết hiệp thông với Ầấng Ngôi Hai. Sự kỳ diệu là việc những môn đệ đầu tiên đau khổ bởi cái chết ghê gớm của Thầy mình, nhưng họ đã nhận biết dấu chỉ Thiên Chúa gửi đến qua những biểu lộ của Ầấng Sống Lại. Cho nên "Phép lạ Phục Sinh" luôn luôn được đổi mới, nhất là mỗi khi chúng ta biết nhận lời Chúa, và thực hành hầu cho cuộc sống và sự chết của chúng ta có ý nghĩa.

Đấng Sống Lại, Ngài là Ai ?

Chúng ta đều biết câu chuyện rủi ro đã xảy ra cho Thánh Tôma theo Tin Mừng Gioan. Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài đã hiện ra với các môn đệ, nhưng trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên này Tôma vắng mặt. Được nghe thuật lại, Tôma đã nói với các bạn đồng hành : "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người. Nộu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin" (Gioan 20,25). Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra cho các môn đệ, sau lời chào bình an đến họ, Chúa nói đặc biệt với Tôma : "Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin" (Gioan 20,27). Và Chúa Giêsu tuyên bố thêm : "Phúc thay những người không thấy mà tin" (Gioan 20, 20b). Khi vị tông đồ mang lòng hoài ghi đòi hỏi những bằng chứng cụ thể, Chúa Giêsu đã đưa ra những dấu chỉ về sự sống lại của Người và ân sủng của Thánh Linh. Điều ngạc nhiên hơn nữa là sự nhấn mạnh của Chúa Giêsu trên những dấu đinh và dấu lưỡi đồng để lại trên thân xác của Người.

Ở một đoạn khác, khi thuật lại sự hiện ra của Đấng Sống Lại, tác giả Tin Mừng thứ bốn xác định Chúa Giêsu "Cho các ông xem tay và cạnh sườn" (Gioan 20,20). Tác giả hẳn muốn cho ta biết là chính Chúa Giêsu bị đóng đinh, cùng một con người đó bên kia cõi chết đã sống lại và hiện ra cho các môn đệ.

Nơi đây không có sự phân biệt một bên là Giêsu thành Nazareth bị kết án, tra tấn, hành quyết, và được đặt vào mồ ; rồi bên kia là Đức Kitô vinh hiển khai mào sự sáng tạo mới, và hai việc trên hoàn toàn khác biệt, không một liên hệ nào với nhau. Theo Gioan, Đấng Sống Lại là Đấng bị đóng đinh, nhưng Ngài đã được Thiên Chúa Cha gọi vào hưởng niềm sung mãn vinh hiển của Nước Trời. Giữa chiều thứ sáu Tuần Thánh và sáng Phục Sinh, chắc chắn có sự đứt đoạn do chết chóc gây ra, trong bản thể con người sống nơi trần thế, dẫu sao, sự liên tục luôn luôn được bảo đảm bởi phận số của Người đầy tớ, mà Thiên Chúa đã chấp nhận sự hy sinh của Người, để mặc cho Người chính sự sống của Ngài.

Lịch sử nhân loại cũng như của mỗi một người trong chúng ta đều được dệt bằng chết và sống, đau khổ và vui mừng, bằng thương khó và sống lại. Đấng bị đóng đinh được biến hình bằng ánh sáng sống lại. Người dạy chúng ta hãy nhìn qua những người đồng hành, là những người được Chúa thương mời gọi vào hạnh phúc. Hôm nay, tất cả những ai bị đóng đinh như Người là những người bị bất công bạo động, những người bị bỏ rơi bên lề xã hội "tiến bộ", những người bị áp bức bóc lột. Chính những người này mặc khải cho chúng ta hơn ai hết ý nghĩa Phục Sinh của người Kitô hữu, đôi khi ngay cả họ cũng vô tiình không hay biết.

Thiên Chúa làm bừng sức sống ngay nơi thần chết tưởng chừng chiến thắng. Ngài mở một tương lai cho những ai bị thế giới lên án, những người bị khổ đau giày xéo. Nỗi thương khó và nỗi chết của Chúa Giêsu không bị xóa bỏ bởi sự sống lại của Ngài. Những dấu đanh còn ghi lại biểu chứng tình yêu của Ngài dành cho chúng ta qua thân phận kiếp làm người chúng ta đang mang, với đầy dẫy thử thách và khốn cùng. Cho nên người Kitô hữu chỉ có thể làm chứng về Đấng Sống Lại, một khi họ biết liên đới với Đấng bị đóng đinh, qua tất cả những ai hiện giờ còn mang những dấu đinh diễn tả nỗi thương khó của Ngài.

Lê Phú Hải omi

Bài viết khác