Thứ Hai, 02 Tháng Bảy, 2012

Lời Đức Giêsu giảng dạy

Lời Đức Giêsu giảng dạy.

 Đức Giêsu thi hành sứ mệnh bằng lời giảng và hành động. Lời nói đi đôi với hành động, có khi lời nói giải thích cho hành động và có khi hành động chứng thực cho lời nói. Một câu hỏi cũng đã được nêu lên: Đức Giêsu thật sự đã nói những gì? Đó cũng là câu hỏi do nhóm nghiên cứu Jesus Seminar đã tìm hiểu và họ cũng đã đưa ra những kết quả nghiên cứu trong cuốn sách mang tựa đề « What did Jesus really say? ». Theo nhóm nghiên cứu này 82% những lời Đức Giêsu nói do Tin mừng mang lại không do Đức Giêsu nói ra. Nhà nghiên cứu Joachim Jérémias người Đức cho chỉ có 18 lời đến thật sự từ Đức Giêsu[1]. Tác giả Otfried Hofius trong những nghiên cứu gần đây gom lại còn có 9 lời thôi[2]. Chín lời đó gồm những lời như sau:

1. Năm 1905 tìm thấy một trang sách bị hư hỏng trong một cuốn sách nhỏ bằng giấy da cừu được viết cả hai mặt. Trang giấy có 45 dòng chữ nhỏ bằng tiếng Hy lạp. Cuốn sách nhỏ được dùng như lá bùa để đeo vào cổ làm xa lánh sự dữ. Trang giấy có trình thuật tranh luận giữa Đức Giêsu và một thủ lãnh tư tế người Pharisêu tên Lêvi. Ông trách móc Đức Giêsu và các môn đệ không biết quy luật liên quan đến vấn đề đi lại trong sân Đền thờ. Lêvi nói với Đức Giêsu: « Ai đã cho phép ông đi nơi hành lang thánh này, và thấy những bình thánh mà không thanh tẩy, và ngay cả các môn đệ của ông cũng không chịu rửa chân? ». Đức Giêsu trả lời ông Lêvi gợi cho thấy cuộc luận chiến chống người Pharisêu đọc trong Tin mừng Mátthêu 23. Đức Giêsu nói: « Đối với tôi [và các môn đệ tôi] mà ông nói không tắm (thanh tẩy), chúng tôi thanh tẩy trong nước hằng sống đến từ trời. Nhưng khốn cho những kẻ… ». Đoạn này rất gần với cuộc tranh luận về quy luật trong sạch nơi Tin mừng Máccô 7, nhưng không dựa vào văn bản nào của Tin mừng. Công thức cho biết đến từ một truyền thống thật, và khẳng định Đức Giêsu có một thái độ triệt để về quy luật trong sạch.

2. Trong một bài giảng bằng tiếng Syriaque, có một đoạn như sau: « Ở trong tình trạng của anh em, anh em sẽ được dẫn đi ». (Liber graduum, I I I,3).

3. Câu 8 của Tin mừng Tôma: « Và Đức Giêsu nói: Con người giống như một người đánh cá khôn ngoan quăng lưới ở biển. Ông kéo lên đầy cá, ở giữa đó, người khôn ngoan đó tìm thấy một cá cá lớn và thật tốt. Ông bỏ đi tất cả những con cá nhỏ xuống biển và ông lựa chọn con cá lớn. Ai có tai nghe thì nghe ».

4. Vào đầu thế kỷ thứ III, giáo phụ Clément thành Alexandrie quy chiếu lời Đức Giêsu: « Hãy xin những điều lớn lao và Thiên Chúa sẽ ban cho anh em những điều nhỏ thêm vào ». (Stromates, I,24,158).

5. Giữa thế kỷ thứ III, Origène quy chiếu lời dưới đây, và lời này cũng được sáu tác giả kytô giáo khác nói tới: « Hãy trở nên những chuyên gia trao đổi ».

6. Trong tập lục Bezae có một truyền thống ngắn thêm vào văn bản Luca 6,4: « cùng ngày, Đức Giêsu thấy một người làm việc trong ngày Sabát, ngài nói với ông: « này anh, nếu anh biết điều anh làm, anh hạnh phúc. Nhưng nếu anh không biết, anh bị nguyền rủa và phạm lỗi Lề luật ».

7. Tin mừng Tôma, câu 82: « Đức Giêsu nói: « ai gần tôi là gần lửa; và ai xa tôi là xa Nước trời ».

8. Thánh Giêrônimô (khoảng năm 400) khẳng định thấy trong Tin mừng gửi người Hípri (văn bản ngày nay đã mất) những lời sau đây: « và chỉ luôn luôn vui vẻ khi anh em thấy người anh em trong bác ái ».

9. Một mảnh chỉ thảo Poxy 1224 thuộc một Tin mừng Ngụy thư mang hai lời tương tự như Mátthêu 5,44 và Luca 9,50. Và lời thứ ba không có liên hệ gì với Tin mừng thư quy có thể là thật: « Ai đứng xa (ngày hôm nay) ngày mai sẽ gần với anh em ».

Dựa vào kết quả trên, tác giả Otfried Hofius cho rằng năm lời đầu tiên có thể gắn liền với Tin mừng thư quy, và bốn lời cuối được coi như lời mới độc lập đến từ Đức Giêsu. Cho dù kết quả mang lại tương đối quá ít, nhưng linh mục Jacques Schlosser cũng đã từng nghiên cứu sâu xa về vấn đề này cho rằng với những lời biết được cũng có thể giúp đưa ra những điểm chính yếu sứ điệp của Đức Giêsu[3]:

- Ý nghĩa của Đức Giêsu về Thiên Chúa, sự gần gũi và sự siêu việt của Người.

- Tình yêu của Người dành cho thế giới như vật sáng tạo.

- Sự nhận định về tình trạng được đánh dấu bởi sự căng thẳng giữa việc hoàn thành có thật của lời hứa (triều đại Thiên Chúa đã hiện hữu), và sự hoàn thành còn chờ đợi (triều đại Thiên Chúa sẽ đến).

- Những điều Người nói hay muốn cho biết về vai trò tác nhân của mình.

- Sự gần gũi của Người với người mà Đức Giêsu gọi bằng Cha.

- Những đòi hỏi triệt để của Đức Giêsu nói về dân Ítraen (sám hối, trung tín với lề luật Thiên Chúa).

- Những quy luật Người đưa ra cho những người được kêu gọi và chấp nhận trở nên môn đệ của Người (khiêm nhường và phục vụ lẫn nhau).

Đức Giêsu rao giảng trong nhiều cơ hội và dưới những hình thức khác nhau. Đặc biệt Tin mừng còn mang những thể loại văn chương chính[4]:

 1. Những lời có tính cách ngôn sứ. Bình thường những ngôn từ đến từ các ngôn sứ Cựu ước diễn đạt ý Thiên Chúa: « Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em » (Luca 12,32).

2. Những lời theo truyền thống khôn ngoan. Những câu ngắn gọn múc từ túi khôn loài người và giúp người nghe phải suy nghĩ đến một hoàn cảnh: « Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi » (Máccô 6,4).

3. Những lời thuộc Lề luật. Luật Ngũ thư hay luật truyền thống Rabbi: « Ai rẫy vợ mình mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình, và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình » (Máccô 10,11-12).

4. Dụ Ngôn, ám dụ hay mashal. Ba thể loại gần giống nhau nhưng mang sắc thái riêng biệt. Từ « dụ ngôn » dịch ra từ tiếng Hípri « mashal » mang ý nghĩa rất uyển chuyển. « Mashal » có thể một câu ca dao do kinh nghiệm đời sống thường nhật trong dân gian lâu đời tạo ra: « Dữ từ kẻ dữ xuất ra nên tôi không hại đến Người » (1Samuen 24,14). Ngoài ra « mashal » còn lối chuyển nghĩa giải thích những sự kiện như lời nhắn nhủ của Đức Khôn ngoan (Cách ngôn 9,16); « mashal » cũng có thể một trình thuật như lời vua Ítraen Yôas đối đáp vua Giuđê Amasias. Khi ông này tuyên đấu với Yôas, vua Ítraen sai người đến nói: « Cà cuốc trên rặng Liban sai sứ đến với bá hương trên rặng Liban mà rằng... » (2Vua 14,9tt).

Tóm lại, « mashal » loại văn thuần túy đông phương được dùng diễn tả hơn lý luận. Tin mừng nhất lãm dùng từ « parabolè », tiếng Hy lạp dịch từ « mashal », còn Tin mừng Gioan lại dùng từ « paroimia ». Cả hai từ mang một nghĩa và nêu rõ lối văn so sánh. Dụ ngôn cũng có thể ám dụ, một lối văn nói bóng gió, giá đó chém đây; một câu chuyện mang nhiều hình ảnh được xếp đặt kề nhau. Trong Tin mừng cũng có những câu chuyện kết hợp dụ ngôn và ám dụ. Thí dụ dụ ngôn người gieo giống, đoạn mô tả người đi gieo (Máccô 4,39; Mátthêu 13,18-23; Luca 8,58) mang tính chất dụ ngôn, và phần giải thích thuộc thể văn ám dụ (Máccô 4,13-20; Mátthêu 13,18-23; Luca 8,11-15).

Bình thường ám dụ như một trình thuật tưởng tượng hay có hình tượng đầy ẩn dụ. Những nhân vật, và hành động trong trình thuật giữ chổ những nhân vật, rồi những vật và hành động được các thính giả biết tới (Mátthêu 13,24-30).

Tóm lại dụ ngôn như câu chuyện hình tượng hóa lời Đức Giêsu giảng dạy. Đặc tính những câu chuyện được trình bày bằng hình ảnh thường thấy trong đời sống hằng ngày, giúp người nghe thâu nhận các ý thâm sâu. Phương pháp giáo dục dùng lối so sánh, kích thích tò mò người nghe (Máccô 13,28-29)[5].

5. Những ngôn từ ở ngôi thứ nhất (ichworter). Đức Giêsu rao giảng Nước Trời đến và hiện diện. Qua đó cho thấy vai trò của Người trong biến cố Nước Trời. Vì thế, Đức Giêsu như nhân vật chính giải thích sứ mạng của mình như: « Quả vậy, Ta đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình... » (Mátthêu 10,35). Những ngôn từ ở ngôi thứ nhất thường được coi như những lời chính Đức Giêsu đã thật sự nói ra.

Trong Tin mừng thấy được thể văn này như sau:

* Khi Đức Giêsu chú giải Lề luật, như những lời Người nói trong Bài giảng trên núi: « anh em nghe rằng… nhưng, tôi nói với anh em ». Đức Giêsu nói như người có uy quyền ngang hàng với Lề luật (Torah).

* Khi Đức Giêsu nói nhân danh Thiên Chúa với công thức: « amen, tôi nói với anh em… ». Đôi khi trong Tin mừng Gioan còn nhấn mạnh hai lần từ « amen, amen… ». Điều này gợi nhớ những lời các ngôn sứ Cựu ước thường dùng tới để cho biết những lời các ông nói được quyền hành của Thiên Chúa để nói với dân chúng.

* Trong nhiều đoạn Tin mừng Đức Giêsu nói đến sứ điệp Thiên Chúa trao cho Người. Khi Người liên lạc với những người thu thuế và kẻ tội lỗi cũng bị chỉ trích, và Người đã nói như trong Máccô 2,17: « người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi ».

* Trong Tin mừng cũng có những lời Đức Giêsu nói nhưng khó hiểu ngay đối với người nghe như trong Luca 12,49-50: « Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên. Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất ». Câu văn nằm trong một đoạn văn riêng của Luca. Hai hình ảnh về lửa và phép rửa cần phải hiểu ra sao? Trong Cựu ước, lửa thường biểu trưng sự phán xét của Thiên Chúa (Sáng thế 19,24; Isaia 66,15-16; Giôen 1,19-20; Amốt 7,4). Ở đây Đức Giêsu phác họa sứ vụ như loan báo và viễn tưởng cho sự phán xét. Điều đó sẽ thể hiện trên thập giá mà Thiên Chúa làm nổi bật lên với sự cứu độ những tín hữu lên án Satan và những công trình của nó dưới trần thế. Còn phép rửa không có ý nói đến phép rửa tội của người kitô hữu. Ý nghĩa đầu tiên của từ « phép rửa » qui chiếu về sự dìm xuống được coi như nguy hiểm. Theo chiều hướng đó phải hiểu lời Đức Giêsu nói với các môn đệ khi họ dành nhau ưu tiên trong nước trời, Đức Giêsu trả lời: « …các anh không biết các anh xin gì. Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? » (Máccô 10,38). Trong truyền thống Thánh kinh, chén biểu trưng cho sự thử thách và đau khổ. Vì thế trong vườn Gethsemani Đức Giêsu cầu xin tránh được chén thử thách đưa đến cái chết đang chờ đợi Người.

6. Thể loại kiểu mẫu là bản văn ngắn và tự nó mang tính nhất quán. Thể văn giúp cho việc thuyết giáo, như Máccô 2,1-12; 3,16. Thể loại kiểu mẫu có đặc tính như sau:

- Trình bày một trình thuật cân đối.

- Trình thuật đơn giản và ngắn gọn. Chú ý đến lời nhiều hơn những sự kiện.

- Văn phong xây dựng và cảm hóa.

- Điểm nhấn của trình thuật ở lời của Đức Giêsu.

- Điểm cuối của trình thuật giúp cho việc rao giảng.

7. Thể loại phép lạ. Trước đây, các phép lạ trong Tin mừng đều bị xếp vào loại huyền thoại, nhưng ngày nay các sử gia đã đặt lại vấn đề. Trong thời Cổ đại truyền thống Do thái hay dân ngoại cũng có những trình thuật về phép lạ, và những trình thuật phép lạ kết nên một dữ liệu văn hóa thích nghi theo thế giới thời bấy giờ. Thể loại phép lạ gồm năm điểm: 1) trình bày, đưa ra hoàn cảnh để sửa soạn những điều kế tiếp; 2) một lời xin dưới nhiều hình thức khác nhau; 3) một lời hay một cử chỉ; 4) chữa lành; 5) phản ứng của người được phép lạ hay của đám đông.

Trong Tin mừng, Đức Giêsu cũng hoàn thành những hành động cứu chữa về thể lý và tâm lý như trường hợp các trình thuật trừ quỷ trong Nhất lãm nhưng không thấy Tin mừng Gioan nói tới. Ngoài ra cũng có một số trình thuật phép lạ khác rất bí hiểm, nhưng được soi sáng theo ánh sáng của sự Phục sinh như việc Đức Giêsu đi trên nước, Đức Giêsu làm cho sóng gió lặng im, và làm phép bánh hoá ra nhiều…

8. Thể loại thương khó. Dưới hình thức hiện tại, những trình thuật Tin mừng về sự Thương khó là những văn bản được soạn thảo khoảng từ năm 70-100, vì thế đây không là những chứng từ xưa cổ nhất về vụ án của Đức Giêsu. Thế nhưng Tin mừng khá rõ ràng cho biết vụ án nơi người Do thái và nơi người La mã, sự thương khó và cái chết của Đức Giêsu. Tất cả biến cố trên được kể lại khá tuần tự và khá dài, có thể coi như 1/5 hoặc 1/4 của trình thuật Tin mừng. Vì thế thể loại thương khó mang vai trò quan trọng trên bình diện ý nghĩa của các biến cố dưới ánh nhìn đức tin của những người tin mang lại chứng từ này.

9. Những lời nói cho các môn đệ: những lời với nội dung nhắm giải thích cách cư xử hay thân phận người môn đệ (Mátthêu 8,21-22).

10. Những tập hợp lời nói: những bài biên soạn gom lại những lời thuộc thể loại khác nhau (Mátthêu 5-7; Luca 6,20-49).

11. Tranh luận. Trình thuật đưa ra một nhân vật chính và những kẻ thù địch (Máccô 12,28-34; 7,1-23; 10,2-12). Trong Tân ước, những cuộc tranh luận mượn theo sơ đồ các cuộc tranh luận trong truyền thống Rabbi:

- Câu hỏi của đối phương.

- Câu hỏi của Đức Giêsu và câu trả lời dưới hình thức câu hỏi.

- Câu trả lời của đối phương.

- Gửi trả lại những câu trả lời.

12. Trình thuật lịch sử kể những gì đã xảy ra cho một nhân vật hay một nhóm ( Máccô 6,17-29). Thể loại trình thuật này tự nó đủ cho mình.

13. Tập hợp những trình thuật: những đơn vị văn chương hiện diện độc lập với truyền thống Nhất lãm (Máccô 10,1-45).

Đó là hình thức, nhưng ai nghe lời Người giảng? Tin mừng nhận xét thấy có hai nhóm tiêu biểu: môn đệ, dân chúng và những người chống đối.

Nhóm môn đệ. Như đã nói ở phần trên, từ « môn đệ »[6] trong Tin mừng được áp dụng cho nhiều nhóm khác nhau. Trước hết, trong Tin mừng có trình thuật Đức Giêsu gọi những môn đệ đầu tiên. Máccô và Mátthêu[7] đều giống nhau ở điểm này. Đức Giêsu chịu phép rửa bởi ông Gioan tẩy giả, Người chịu cám dỗ trong sa mạc xong bắt đầu đi rao giảng và kêu gọi những môn đệ đầu tiên gồm: Simon, Anrê và hai người con ông Zébédée (Dêbêđê) là Giacôbê và Gioan. Nhóm môn đệ đầu tiên gốc miền Galilê. Họ đến từ miền ven biển hồ, gần thành Capharnaum, nơi cư ngụ của ông Phêrô (Máccô 1,21.29).

Nhóm Mười hai[8]. Sau đó Đức Giêsu thiết lập Nhóm Mười hai được Tin mừng Nhất Lãm (Máccô 3,16-19; Mátthêu 10,2-4; Luca 6,14-16) và sách Công vụ tông đồ (1,13) ghi lại với danh sách: Phêrô, Giacôbê, Gioan, Anrê, Philípphê, Barthélémy, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Thaddée, Simon người Xêlotê và Giuđa (Máccô 3,13tt)[9]. Trong Tin mừng Mátthêu có hơi khác: tác giả ghi ông Phêrô luôn luôn đứng « thứ nhất », và ông Mátthêu được gọi là người thu thuế, vì thế được đồng hóa với người được Đức Giêsu kêu gọi mang tên Lêvi. Tin mừng Luca còn thêm Đức Giêsu gọi Mười hai môn đệ là tông đồ, những người được sai đi. Trong Công vụ các tông đồ 1,13 ông Thaddée được thay bằng ông Giuđa, con ông Giacôbê.

Với những dị biệt ghi trên cho biết lúc ban đầu Nhóm Mười hai không phải một nhóm được thống nhất một lần mà thôi. Ngoài Nhóm Mười hai, Luca 10,1 còn cho biết Đức Giêsu chỉ định 72 môn đệ khác và gửi họ từng nhóm hai người đến các làng và những nơi Người sẽ đi đến. Có một vài thủ bản ghi 70 môn đệ, rõ ràng qui chiếu theo sách Sáng thế 10 nói đến 70 dân tộc trên trái đất có ý sứ vụ Đức Giêsu trao phó cho họ được trải dài khắp thế giới.

Nhóm Mười hai: họ là ai?[10]

1. Phêrô: gốc người Do thái Palestine mang tên Hy lạp Simon (Hípri: Sim’ôn), làm nghề đánh cá có vợ và gia đình ở một ngôi nhà tại thành Capharnaum, một thành phố Do thái ở phía tây bắc biển hồ Galilê. Vào khoảng năm 28-29, ông được Đức Giêsu kêu trở thành môn đệ. Lời mời gọi được viết lại ba cách khác nhau: Máccô 1,16-20 lúc đó ông Simon đang làm việc bình thường ở biển hồ Galilê và ông được kêu gọi cùng với người anh em Anrê và hai ông Giacôbê và Gioan; Theo Luca 5,1-11, sau cuộc đánh cá huyền diệu ở biển hồ Galilê, ông Simon được gọi cùng hai người bạn đánh cá là ông Giacôbê và ông Gioan; Theo Gioan 1,35-42, ông Anrê và ông Philípphê là đệ tử của ông Gioan Tẩy giả và được gửi đến Đức Giêsu gần dòng sông Giođan, và sau đó ông Anrê dẫn ông Simon đến gặp Đức Giêsu.

Bốn cuốn Tin mừng đều coi ông Phêrô là phát ngôn viên hay người đứng đầu Nhóm Mười hai, và ông được đổi tên Simon ra thành « Kephas » (Phêrô). Ông có mặt trong bữa Tiệc Ly và lúc Đức Giêsu bị bắt ở vườn Gethsemani. Ông theo chân Đức Giêsu đến nơi các thượng tế và Hội đồng Công tọa hội họp và quyết định đưa Đức Giêsu qua cho quan tổng trấn Philatô. Ông đã chối không là môn đệ của Đức Giêsu và lẩn trốn. Sau khi Đức Giêsu bị đóng đinh, ông Phêrô khẳng định Đức Giêsu Sống lại đã hiện ra cho ông (1Côrintô 15,5; Luca 24,34). Ông Phêrô trở nên nhân vật qui chiếu cho các môn đệ và thủ lãnh Giáo hội ở Giêrusalem trong thời gian đầu (Galát 1,18; 2,7-9; Công vụ 1-12). Ông bị bắt một vài lần, sau đó rời Giêrusalem đi truyền giáo ngoài xứ Palestine như ở Antioche (Galát 2,11-14), Côrintô (1Côrintô 1,12; 3,22). Ông chết tử vì đạo (Gioan 21,18-19), và theo truyền thống như thư 1 Clément (5,4) cho biết ông bị xử tại Rôma trên đồi Vatican.

2. Giacôbê: Máccô cho biết ông Giacôbê và ông Gioan là hai anh em, con của ông Dêbêđê. Trong Tin mừng khi nói đến ông Giacôbê luôn luôn có kèm theo ông Gioan. Ông bị tử đạo dưới thời Hoàng đế Hêrôđê Agrippa khoảng năm 44 công nguyên (Công vụ 12,1-2). Cái chết của ông hoàn thành lời sấm ngôn của Đức Giêsu nói trong Máccô 10,39. Vì thế ông được coi như người đầu tiên trong Nhóm Mười Hai chết vì đức tin, và cuộc tử đạo của ông được Tân ước kể lại, cho dù Tin mừng Gioan 21,18-19 có thể nói một cách gián tiếp cuộc tử đạo của thánh Phêrô. Vì thế ngoài ông Phêrô và ông Giacôbê không có bằng chứng nào chắc chắn cho biết các môn đệ trong Nhóm Mười Hai chết tử vì đạo. Truyền thống Giáo hội sau này gọi ông Giacôbê là Giacôbê « Cả », để phân biệt với các nhân vật khác mang cùng tên Giacôbê trong Tân ước như trường hợp ông « Giacôbê thứ » được nêu lên trong Máccô 15,40. Đến thế kỷ thứ VI và thứ VII, truyền thuyết còn cho ông có đi truyền giáo bên Tây Ban Nha.

3. Gioan: Truyền thống Giáo hội trước đây thường lẫn lộn về nhân vật Gioan con ông Dêbêđê. Các nhà chú giải Tân ước hôm nay phân biệt có năm người khác nhau mà truyền thống lẫn lộn về ông Gioan con của ông Dêbêđê. Năm nhân vật đó như sau: (1) Gioan con ông Dêbêđê, (2) nhân vật được gọi « người môn đệ Đức Giêsu thương mến » trong Tin mừng Gioan, (3) tác giả Tin mừng thứ bốn, (4) tác giả ba lá thư mang tên Gioan và (5) tác giả viết cuốn Khải huyền cũng mang tên Gioan.

Sau biến cố Phục sinh, ông Gioan ở lại Giêrusalem với Nhóm Mười Hai trong thời gian đầu của Giáo hội (Công vụ 1,13). Ông ở bên cạnh ông Phêrô ở Giêrusalem và ở Samarie (Công vụ 3,1.3-4.11; 4,13.19; 8,14-17). Cùng với ông Giacôbê (người anh em của Chúa) và ông Phêrô, ông Gioan được coi như một trong người lãnh đạo (cột trụ) của cộng đoàn ở Giêrusalem, trong giai đoạn có Công đồng ở Giêrusalem vào năm 49 công nguyên (Galát 2,9).

4. Anrê: Bình thường trong Tin mừng ít thấy ông Anrê đi theo ông Phêrô dù hai ông là anh em với nhau. Trong Máccô 1,16-18 // Mátthêu 4,18-20, Đức Giêsu cùng kêu gọi ông Phêrô và ông Anrê để trở thành những thợ « đánh cá người ». Trong Tin mừng Luca về mẻ cá huyền diệu (5,1-11) chỉ thấy Đức Giêsu gọi ông Phêrô, Giacôbê và Gioan nhưng không thấy nói tới ông Anrê; và cũng chỉ thấy trong Máccô nơi trình thuật chữa bệnh cho bà nhạc gia Phêrô mới thấy nói lại ông Anrê cùng với hai ông Giacôbê và Gioan. Ngoài danh sách Mười hai môn đệ, không còn thấy ông Anrê xuất hiện trong sứ vụ công cộng, nhưng sau đó Máccô lại một lần nữa nói tới ông Anrê nơi chương 13 cùng ông Phêrô và hai ông Giacôbê với Gioan. Đó là nơi đầu bài diễn từ thời cánh chung.

Trong sách Công vụ tông đồ vào buổi ban đầu của Giáo hội tiên khởi, ông Phêrô và ông Gioan giữ vai trò quan trọng và sau đó sách còn nói đến việc tử đạo của ông Giacôbê nơi 12,12. Ngược lại ông Anrê hoàn toàn biến mất sau khi tên ông được nhắc lại trong Nhóm Mười Một (Công vụ 1,13).

5. Philípphê: Trong Tin mừng Nhất lãm và trong Công vụ tông đồ có nhắc tới ông Philípphê trong danh sách Nhóm Mười Hai. Trong Tin mừng Gioan, ông là một trong các môn đệ hàng đầu thường xuất hiện với ông Anrê. Ông là bạn đồng hành vô danh với Anrê trong đoạn văn ông Gioan Tẩy giả chỉ Đức Giêsu cho hai người môn đệ của mình (Gioan 1,35-40.43-44). Vì thế Philípphê và Anrê trước hết thuộc môn đệ của Gioan Tẩy giả và sau đó mới theo Đức Giêsu. Philípphê quê ở Bethsaide « thành phố của hai ông Anrê và Phêrô » (1,44), nên ông là bạn đồng hành với Anrê cũng không có gì ngạc nhiên. Trong trình thuật hóa bánh ra nhiều theo Tin mừng Gioan, cả hai ông đều giữ vai trò quan trọng (6,6-9). Trong Nhóm Mười Hai hai ông cũng khác biệt với anh em khác vì hai người đều mang tên Hy lạp chứ không phải Hípri hay Aram. Điều này giải thích tại sao những khách hành hương người Hy lạp lên Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua móc nối với ông Philípphê để xin gặp Đức Giêsu, và ông đã kéo theo ông Anrê đi gặp Đức Giêsu (10,20-22). Trong bữa Tiệc Ly, ông Philípphê nói với Đức Giêsu (14,8): « Lạy Chúa, xin chỉ cho chúng con Cha và như thế là đủ rồi ».

Trong Tin mừng Gioan, Philípphê xuất hiện nơi những điểm quan trọng của sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Ông và Anrê xuất hiện nơi chương 1, nơi chương 6 và chương 12 của sứ vụ công khai. Ngoài ra không biết ông Philípphê làm gì và hoạt động ra sao trong Giáo hội tiên khởi. Vào thế kỷ thứ II, ông Papias đã nhầm lẫn giữa ông Philipphê trong Nhóm Mười Hai với nhân vật Philípphê trong sách Công vụ tông đồ (6,5; 8,4-13.26-40; 21,8-9), một trong bảy vị thủ lãnh của những kitô hữu gốc Hy lạp.

6. Barthélémy: tên ông được nêu lên trong bốn bảng nói tới Nhóm Mười Hai nhưng không còn thấy xuất hiện nào trong Tân ước. Tên gốc Aram có thể là « Bar Talmai » (con của Tolmi) hay « con của Tholomée ». Từ thế kỷ thứ IX, truyền thống Giáo hội cho ông Barthélémy là ông Nathanaen được nói tới trong Tin mừng Gioan (1,45-51; 21,2). Sử gia Eusèbe ở thế kỷ thứ IV trong bộ « lịch sử Giáo hội » kể lại một truyền thuyết. Theo đó, ông Barthélémy đi rao giảng ở Ấn độ, và ông đã để lại một bản Tin mừng Mátthêu bằng tiếng Aram được viết lại.

7. Mátthêu: Hai tác giả Máccô và Luca phân biệt rõ ràng giữa ông Lêvi, người thu thuế được Đức Giêsu gọi làm môn đệ (Máccô 2,14 // Luca 5,27) với ông Mátthêu xuất hiện trong danh sách Nhóm Mười Hai. Ngược lại Tin mừng Mátthêu đã đồng hóa hai nhân vật này. Tác giả đã thay tên Lêvi thành Mátthêu trong trình thuật Đức Giêsu gọi người thu thuế (9,9), cũng như thêm sau tên ông Mátthêu trong danh sách Nhóm Mười Hai là « người thu thuế » (10,3). Theo các nhà chú giải việc này đến từ người biên soạn Tin mừng vào khoảng cuối thế kỷ thứ I, nhưng không rõ lý do tại sao ông lại thay đổi như thế.

8. Tôma: Trong Tin mừng Nhất lãm chỉ thấy nói đến Tôma trong danh sách Nhóm Mười Hai, nhưng theo Tin mừng Gioan, Tôma được trình bày khá đầy đủ hơn. Tác giả chỉ nói đến ông vào cuối sứ vụ công khai của Đức Giêsu, và trước trình thuật nói về việc ông Ladarô được sống lại. Đức Giêsu vừa loan báo nguy hiểm mà Người và các môn đệ sẽ gặp khi trở về Giuđê. Ông Tôma đáp lại lời Thầy với cung giọng khá mỉa mai: « Cả chúng ta nữa, chúng ta hãy đi để cùng chết với Thầy » (11,16). Sau đó chỉ tìm thấy lại Tôma trong trình thuật Tiệc Ly. Trong bữa tiệc Đức Giêsu khẳng định các môn đệ biết rõ con đường nào mà Người dấn thân. Ông Tôma phản kháng: « Lạy Chúa, chúng con không biết Chúa đi đâu, làm sao biết được đường » (14,5). Qua câu hỏi của Tôma nêu lên, Đức Giêsu mặc khải: « Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống » (14,6). Sau trình thuật này, chỉ thấy lại ông Tôma trong trình thuật nói lên sự nghi ngờ của ông. Tôma vắng mặt khi lần đầu Đức Giêsu Phục sinh hiện ra cho các môn đệ, và ông muốn được thấy chứng cớ của việc Phục sinh. Khi Đức Giêsu hiện ra lần thứ hai cho các môn đệ và cho Tôma thấy dấu đanh, ông tuyên xưng lòng tin: « Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa con » (20,28). Cuối cùng Tôma còn được nhắc tới lần chót nơi Gioan 21,2.

Các nhà chú giải đọc qua những đoạn văn có nói về Tôma như nêu trên đều cho những đoạn văn được tác giả Gioan biên soạn mang giá trị thần học. Điều có giá trị lịch sử lại nằm nơi tên của ông: « Tôma ». Trong Tin mừng Gioan, có tất cả ba lần (11,16; 20,24; 21,2) tác giả dịch từ Hípri « te’ôm », và từ Aram « Te’ôma » ra tiếng Hy lạp « didymos » có nghĩa « sinh đôi » về Tôma. Vào thế kỷ đầu công nguyên hai từ Hípri và Aram nói trên là những tên chung chứ không phải tên gọi của một người. Ngược lại từ Hy lạp « didymos » được dùng như tên gọi. Vì thế đôi khi thấy có một số bản văn ghi « Didyme Tôma », và Tôma trở nên tên thứ hai hay biệt danh của một người không biết được tên thật. Ngoài ra dù gọi Tôma didymos, nhưng tác giả Gioan cũng không cho biết người anh em sinh đôi của Tôma. Nhân vật Tôma được những nhóm Ngộ Đạo tôn kính đặc biệt, và họ đồng hóa Tôma với ông Giuđa cũng là người anh em sinh đôi với Đức Giêsu. Nhóm Ngộ Đạo đã viết nhiều sách liên quan đến ông Tôma, nhưng những dữ liệu trên không có tính cách lịch sử.

9. Giacôbê con ông Anphê: Trong danh sách Nhóm Mười Hai, Giacôbê con ông Anphê luôn luôn đứng đầu của nhóm bốn tên cuối cùng. Đó là những gì có thể biết về ông Giacôbê, vì thế đã có nhiều người đồng hóa ông với các nhân vật mang tên Giacôbê trong Tân ước. Tên « Giacôbê » được dịch ra từ « Giacóp », và trong Tân ước đã có nhiều người mang tên này. Giáo hội thường đồng hóa ông với nhân vật « Giacôbê nhỏ » hay « Giacôbê Thứ » (tou mikrou) như thấy ghi nơi Máccô 15,40. Một số tác giả cũng cho rằng có thể Giacôbê con ông Anphê là người anh em với ông Lêvi cũng là con ông Anphê (Máccô 2,14).

10. Thaddée hay Giuđa con ông Giacôbê: nhân vật này cũng ít được biết tới, và chỉ thấy xuất hiện trong danh sách Nhóm Mười Hai theo Luca 6,16; Công vụ 1,13. Chúng ta cũng không biết ông Giacôbê bố của ông Giuđa này là ai. Có tác giả đã đồng hóa nhân vật Giuđa con ông Giacôbê với ông Giuđa đã đặt một câu hỏi với Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly (Gioan 14,22). Theo Luca và Công vụ, vì Giuđa con ông Giacôbê giữ chỗ đứng của ông Thaddée, vì thế truyền thống kitô giáo thường nói đến nhân vật Giuđa Thaddée. Ngoài ra cũng có tác giả đồng hóa ông với ông Tôma, và truyền thống sau này vẫn coi ngài như một vị thánh.

11. Simon người Xêlotê: Simon người Cananêen chỉ thấy xuất hiện trong danh sách Nhóm Mười Hai. Điều biết về ông đến từ « từ chỉ phẩm chất » nói về ông: « ho kananaios » thường được dịch ra « Cananêen » trong Máccô 3,18 // Mátthêu 10,4; và cũng thường được dịch ra thành « Xêlôtê » nơi Luca 6,15 // Công vụ 1,13. tất cả các nhà chú giải đều nhìn nhận ông Simon người Cananêen và ông Simon người Xêlôtê cùng một nhân vật. Từ « Xêlôtê » dịch từ Hy lạp « Zelotes » của từ Aram « qan’ana » có nghĩa « nhiệt thành » hay « ghen tương » và được chuyển ngữ thành « kananaios » có nghĩa « cananêen ».

Trong danh sách Nhóm Mười Hai, khi chỉ định Simon « quan’ana » hẳn tác giả ngụ ý phân biệt với ông Simon mang tên Aram « kepa » (Céphas = Đá = Phêrô). Một số học giả thường coi ông Simon như một thành viên của nhóm Xêlôtê. Một nhóm được biết dùng vũ trang để giải phóng dân Do thái khỏi quyền hành La mã; nhưng theo Flavius Josèphe, nhóm Xêlôtê chỉ được hình thành trong Cuộc chiến lần thứ nhất của dân Do thái, vào khoảng mùa đông 67-68 công nguyên tại Giêrusalem. Vì thế cho Simon thuộc nhóm Xêlôtê không được chính xác cho lắm. Nếu vậy, có ý nghĩa gì khi cho ông thêm hạng từ Xêlôtê hay Cananêen? Thật vậy, người Do thái hay chỉ định tên kiểu này cho một người nhiệt thành tuân giữ lề luật Môsê, khuyến khích đồng hương tôn trọng lề luật. Họ cho rằng làm điều đó sẽ đưa dân Do thái trở nên dân tộc thánh, ngăn họ khỏi thờ ngẫu tượng và sự bất tử được các dân tộc ngoại bang thực hành. Vào đầu thế kỷ công nguyên « Xêlôtê » là những người Do thái sẵn sàng dùng bạo lực áp đặt sự phân cách dân Ítraen với ngoại bang. Theo vết chân các nhân vật nổi tiếng như thầy tư tế Pinhas, ngôn sứ Êli, vua Jêhu, tư tế Mattathias, những người Xêlôtê sẵn sàng trừng phạt và hành quyết những người Do thái bất trung với lề luật Môsê. Khi được Đức Giêsu gọi làm môn đệ thuộc Nhóm Mười Hai, Simon Xêlôtê hẳn cũng phải thay đổi não trạng của mình. Giờ đây vào trong nhóm, ông cũng cận kề với những con người không cùng nhãn quan như ông, những người bị coi như không sống và thực hành lề luật như trường hợp ông Lêvi (Máccô 2,14 và Luca 19,1-10). Ông theo Đức Giêsu và thấy Thầy mình bị người đời coi « cũng ăn, cũng uống như ai… đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi » (Mátthêu 11,19). Simon phải chấp nhận ông Lêvi, chấp nhận lối sống của Đức Giêsu, và các ông khác trong Nhóm Mười Hai cũng phải học tập để chấp nhận và sống với ông.

12. Giuđa Ítcariốt: Giống như các ông Tôma, Simon Cananêen và Simon Phêrô, ông Giuđa cũng có biệt danh là Ítcariốt, nhờ đó không thể lẫn lộn với các nhân vật khác cũng mang tên Giuđa như Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa người anh em Đức Giêsu. Các học giả đều cho biết rất khó biết được ý nghĩa của từ Ítcariốt. Những ý kiến sau đây thường được nêu lên khi nói về Giuđa Ítcariốt:

- Giuđa thuộc nhóm « sicarii », những người Do thái kháng chiến dùng dao găm để giết những thù địch chính trị. Từ đó người ta coi Giuđa như một thành viên nhóm Xêlôtê. Ngoài ra ý kiến này cũng khó được chấp nhận, vì nhóm sicarii chỉ được biết đến vào khoảng thập niên 40 công nguyên. Một con số quá trể vì sự phản bội của Giuđa được coi xảy ra vào khoảng năm 30. Nếu như Giuđa thuộc nhóm sicarii, ông phải đâm giết Đức Giêsu chứ không đem Đức Giêsu trao nộp cho người Do thái.

- Ítcariốt đến từ gốc Sê-mít « sqr » « lệch lạc, không đúng » và cho ý nghĩa ông Giuđa là « người dối trá » hay kẻ « nói dối ». Vấn đề là Tân ước không bao giờ trình bày ông Giuđa như người thường hay dối trá. Trong Tin mừng thường cho Giuđa là người « trao nộp » Đức Giêsu cho giới quyền hành. Ngoài ra, từ Ítcariốt có liên hệ với một từ Sê-mít gợi lại màu đỏ, từ đó có tác giả cho biết nghề nghiệp của Giuđa như người buôn bán trái cây.

- Ítcariốt cũng có thể muốn nói tới nguồn gốc của ông. Nếu như Giuđa thuộc làng Kerioth ở xứ Giuđê, theo tiếng Hípri, ông « người làng Kerioth », và như vậy ông là người môn đệ duy nhất đến từ miền Giuđê thay vì như các ông khác thuộc miền Galilê. Thế nhưng ngày nay không tác giả nào có thể chắc chắn xác định có một làng mang tên Kerioth. Các học giả đưa ra những giả thuyết đồng hóa làng Kerioth với những làng thật sự hiện hữu như làng Askar gần Sichem, Jéricho hay Kartak trong phần đất Zabulon. Giả thuyết dựa vào những Targum sau này còn cho Ítcariốt ý nghĩa « người của kinh thành » Giêrusalem. Nhưng hiện nay, một số tác giả coi từ Ítcariốt như nguồn gốc, nơi sinh của ông Giuđa. Trong Tin mừng Gioan, có tất cả ba lần (6,71; 13,2.26) Giuđa được gọi « Giuđa, con ông Simon Ítcariốt ». Vì thế ông mang tên cha mình và tên này nói lên nguồn gốc của họ.

Tại sao Mười Hai môn đệ?. Con số mười hai hẳn qui chiếu với 12 chi tộc Ítraen. Chương trình Thiên Chúa Cứu độ dành cho tất cả nhân loại, và trước hết dân được tuyển chọn với 12 chi tộc. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ trong Nước Trời các ông sẽ ngồi trên tòa để phán xét 12 chi tộc Ítraen (Mátthêu 19,28; Luca 22,30). Trong sách Khải huyền 21,14 về thị kiến thành Giêrusalem thiên quốc, các thành lũy đặt trên 12 nền tảng mang 12 tên môn đệ của con chiên. Tóm lại, Nhóm Mười Hai không được thành lập như một Ítraen mới, nhưng họ loan báo dân tộc Thiên Chúa muốn đón tiếp vào Nước trời. Nhóm Mười Hai được kết hiệp vào phán xét cuối cùng và họ như những nền tảng được xây dựng trên đó kinh thành Thiên Chúa trong vinh quang.

Môn đệ hay tông đồ. Lúc ban đầu nhóm Mười Hai được gọi là môn đệ, và sau đó trở thành tông đồ (Luca 6,13; Mátthêu 10,2). Tông đồ, người được sai đi, vì thế khi gọi nhóm Mười Hai như tông đồ muốn nhấn mạnh đến ơn gọi thừa sai của họ[11].

Dân chúng và những thành phần chống đối. Dân chúng (ochloi)[12] gồm những người chạy theo nghe lời Đức Giêsu giảng dạy. Thành phần này thay đổi bất thường. Lúc theo Đức Giêsu như việc hoan hô Người vào thành Giêrusalem, rồi sau đó trong những vụ án cũng thấy nói đến đám dân chúng chống Đức Giêsu. Trong khi đi rao giảng, Đức Giêsu đã được thành phần dân chúng theo để nghe, để xin Người chữa bệnh và làm phép lạ. Dân chúng đã theo Người cho đến những ngày cuối cùng. Sự thành công của Đức Giêsu đã đưa đến việc Người bị bắt và bị đóng đinh bởi những người nắm quyền hành đang lo lắng. Đôi lúc cũng thấy Đức Giêsu có những lời khá gắt gao với đám dân chúng, như việc chống lại « thế hệ này » (Máccô 8,12.38; 9,9; Mátthêu 11,16; 12,38-42), hoặc chống lại những thành phố Galilê không chịu sám hối (Mátthêu 11,20-24). Cách thức đám dân chúng theo Đức Giêsu cũng giống như tương quan của những người Do thái đối với phong trào Pharisêu ở thời đại thời bấy giờ, một giáo phái canh tân và đạo đức được sự tôn trọng của người Do thái bình thường. Họ lắng nghe và có cảm tình nhưng không phải vì đó họ trở thành người Pharisêu hay đi theo phái Pharisêu.

Thành phần chống đối Đức Giêsu mạnh mẽ nhất là các thượng tế tại Giêrusalem, và các kinh sư. Khi Đức Giêsu rao giảng ở Galilê, các kinh sư từ thành Giêrusalem đến để chất vấn Người (Máccô 3,22). Từ « Kinh sư » có nhiều ý nghĩa rất rộng rãi, chỉ định nhiều nhân vật về giáo dục và chính trị thuộc mọi tầng giai cấp trong xã hội. Vì thế rất khó định nghĩa thế nào là một kinh sư trong xứ Palestine ở thế kỷ thứ I. Thời bấy giờ chỉ có một số người mới có khả năng viết và đọc một văn bản dài, vì thế phải cần được học và thực hành một thời gian dài mới có thể trở thành kinh sư. Trong một xã hội nông nghiệp, người kinh sư không cần thiết, nhưng họ có một vai trò quan yếu trong một xã hội đang trên đà phát triển các thành phố, trao đổi thương mại, tổ chức quân đội, những cơ sở giáo dục và tôn giáo, quan liêu của bộ máy hành chánh và nhất là việc thu thuế. Các kinh sư là những người biên chép những dữ kiện của thuế má, kiểm soát quân đội, văn khố của chính quyền, những văn bản tôn giáo cho đền thờ và những tác phẩm văn chương của người có học vấn.

Thành phần kinh sư có mặt nơi mọi tầng giai cấp xã hội. Trong làng mạc có giới kinh sư ít học, và việc họ làm thường soạn thảo những khế ước về hôn nhân, hoặc giúp soạn thảo văn thư cho những người mù chữ. Trong một xã hội phát triển, các kinh sư thuộc giới trung lưu làm việc trong các cơ sở hành chánh và tôn giáo. Theo Tin mừng Máccô và được hai tác giả Mátthêu và Luca dựa theo một phần lớn, người « kinh sư » thuộc hạng người kết hiệp với giới có quyền hành tại Giêrusalen, vì thế họ thuộc thành phần chống đối Đức Giêsu. Máccô cho biết các kinh sư là những bậc thầy thông luật Môsê, những viên chức hành chánh có vai trò quan trọng trong xã hội Do thái thời bấy giờ.

Đức Giêsu hẳn đã gặp nhiều thành phần kinh sư khi đi rao giảng tại Galilê và tại Giuđê. Tại Galilê Đức Giêsu gặp thành phần kinh sư ít học trong các làng mạc và đã có những tranh luận với họ. Đức Giêsu có thể đã học những căn bản tiếng Hípri và Thánh Kinh với giới kinh sư tại làng Nazareth. Tại Giêrusalem, Người gặp thành phần kinh sư có học và có địa vị quan trọng trong xã hội. Dầu sao về phương diện lịch sử, các kinh sư không được ngồi chung với các thượng tế hay những nhà quý tộc, vì thế họ không phải nhóm có quyền hành trong Hội đồng Công Tọa để xét xử Đức Giêsu.

Các thượng tế bao gồm vị thượng tế đang trị vì, những cựu thượng tế và đám gia đình của họ. Nhóm này nắm quyền hành tại Giêrusalem. Như đã nói, vị thượng tế chủ tọa Hội đồng công tọa, và dưới quyền của họ có rất nhiều thành phần thuộc hạng tư tế. Họ nắm giữ mọi quyền hành tại đền thờ và binh lính dưới quyền họ điều động. Vị thượng tế cai quản của cải đền thờ mà mọi người Do thái phải đóng như thuế hàng năm. Nhóm này thật sự chống đối Đức Giêsu, vì Đức Giêsu rao giảng đặt lại vấn đề việc giải thích lề luật và việc thi hành phụng tự tại đền thờ. Lời Đức Giêsu rao giảng đã đụng chạm đến nhóm thượng tế thuộc phái Sađuxêô.

Câu hỏi đặt ra tại sao nhóm thượng tế không loại trừ Đức Giêsu vì họ có đủ quyền hành để làm điều đó, lại phải nhờ vào sự can thiệp của quan tổng trấn để kết án Đức Giêsu. Sự chống đối của họ cuối cùng cũng đưa Đức Giêsu đến cái chết trên thập giá. Họ đã toa rập với quan tổng trấn Philatô kết án Đức Giêsu mang mục đích chống đối chính trị.

Sau này, nhiều tài liệu Kitô giáo lên án người Do thái đã giết Đức Giêsu trong đó phải kể nhóm thượng tế, kinh sư và nhóm Pharisêu.



[1] Joachim Jérémias, Les paroles inconnues de Jésus, Paris, Cerf, collection Lectio Divina numéro 62, 1970.

[2] O. Hofius, Unbekannte Jesusworte, dans P.Stuhlmacher (éd.), Das Evangelium und die Evangelien, Tubingen, Mohr, 1983, trang 355-382.

[3] Jacques Schlosser, Qu’est ce que Jésus a vraiment dit? in Le Jésus de l’Histoire, Lumen Vitae 1997, trang 62.

[4] Trong Tân ước có bốn thể văn chính: « Tin mừng »; « Công vụ »; « Thư » và « Khải huyền »

[5] Dụ ngôn không phải thể văn riêng biệt của Tin mừng, vì thể loại văn này cũng tìm thấy trong nhiều tôn giáo khác. Môi trường Do thái dùng rất nhiều dụ ngôn, và thấy rõ hơn khi đọc Cựu ước. Trường phái rabbi cũng dùng dụ ngôn nhưng họ hướng dụ ngôn để làm cho dân hiểu Lề Luật nhất là những đoạn văn khó và tối nghĩa. Dụ ngôn Tin mừng đi theo một hướng hoàn toàn khác, vì diễn đạt được thời Đức Giêsu với hình ảnh cuộc sống ở Giuđê và Galilê. Dụ ngôn Tin mừng cho thấy hình ảnh Đức Giêsu, một con người gần gũi với thực tại, bám rễ sâu vào môi trường văn hóa, và tôn giáo Do thái.

[6] Từ « môn đệ » (mathetes, số nhiều mathetai) xuất hiện rất nhiều lần trong bốn cuốn Tin mừng: 72 lần trong Mátthêu; 46 lần trong Máccô; 37 lần trong Luca và 78 lần trong Gioan. Trong sách Công vụ tông đồ có 28 lần, nhưng không có lần nào qui chiếu vào các môn đệ khi Đức Giêsu thi hành sứ vụ. Ngoài ra từ này không xuất hiện trong các sách Tân ước còn lại. Trong Tin mừng, ngoài một vài trường hợp từ này được dùng chỉ định các môn đệ của nhóm Pharisêu, của ông Gioan Tẩy Giả, của ông Môsê; còn lại hầu hết được dùng áp dụng cho môn đệ Đức Giêsu. Chính vì thế ngày hôm nay không có một ai đặt lại vấn đề Đức Giêsu có môn đệ hay không, vì là điều hiển nhiên.

[7] Tin mừng Luca có sự khác biệt với Máccô và Mátthêu. Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa, Luca đưa ra bảng gia phả của Người. Tiếp đến Đức Giêsu chịu cám dỗ và rao giảng tại vùng Nazareth. Kế đến có trình thuật mẻ cá lạ lùng và ông Simon, Giacôbê và Gioan nhận được lời gọi trở nên đánh cá người. Tin mừng Gioan còn nhiều khác biệt hơn. Trước hết hai môn đệ của ông Gioan lựa chọn theo Đức Giêsu. Một trong hai người là ông Anrê giới thiệu ông Simon cho Đức Giêsu, và Người đổi tên ông Simon Kephas thành Phêrô. Tiếp theo Đức Giêsu gọi ông Philípphê và ông Nathanaen. Trước sự khác biệt giữa các tác giả cho biết Giáo hội sơ khai giữ nhiều văn bản khác nhau về việc Đức Giêsu gọi mời các môn đệ; nhưng trong đó mọi người đều đồng ý ông Phêrô được gọi đầu tiên và giữ vai trò quan trọng.

[8] Tin mừng Máccô và Gioan chỉ gọi là « Nhóm Mười Hai » (Máccô 6,7; Gioan 6,67) và không bao giờ gọi « Mười hai môn đệ » hay « Mười hai tông đồ »; và chỉ có Tin mừng Mátthêu đôi khi thấy dùng từ « Mười hai môn đệ » (10,1; 11,1).

[9] Ông Phêrô đứng đầu nhóm thứ nhất gồm 4 người với Gioan và Giacôbê con ông Dêbêđê, và ông Anrê. Ông Philípphê đứng đầu nhóm thứ hai với các ông Barthélémy, Mátthêu và Thomas; và ông Giacôbê con ông Anphê đứng đầu nhóm thứ ba với ông Thađée, ông Simon người Canaan (nhóm Xêlôtê) và ông Giuđa Ítcariốt luôn luôn đứng cuối sổ.

[10] đoạn này dựa theo John P.Meier, Un certain juif Jésus, les données de l’Histoire, tome III, Lectio Divina, Cerf, 2005.

[11] Thánh Phaolô phân biệt các tông đồ của Chúa, những « cột trụ » trên đó Giáo hội được xây dựng (Galát 2,9) với các môn đệ. Nhóm này đông hơn và trong đó bao gồm luôn cả ông Phaolô là những người được Đấng sống lại hiện ra và sai đi (1Côrintô 9,1-2).

[12] Trong Tin mừng có nhiều từ được dùng để nói đến « dân chúng »: « ochlos » (số nhiều ochloi); « plethos » (vô số diễn đạt số lượng lớn; « polloi » (rất nhiều người); « pantes » (tất cả).

Lê Phú Hải omi

Bài viết khác