Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi trong Thánh Kinh
Chúng ta không tìm thấy từ "Thiên Chúa Ba Ngôi" trong Thánh Kinh, thế nhưng mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi được bắt nguồn từ Thánh Kinh. Lời Chúa cũng không đưa ra một hệ thống giáo thuyết rành mạch về Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng giúp cho suy tư thần học của Giáo hội ngày ngày khám phá ra mầu nhiệm và kết thành tín điều Chúa Ba Ngôi. Ngoài ra đi tìm về nguồn Thánh Kinh chúng ta cũng cần biết bối cảnh đó hoàn tòan khác với những gì các tác giả Kitô giáo sau này mới khám phá ra. Điều này cần thiết để giữ tính cách khách quan khi tìm hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi được mạc khải trong Thánh Kinh.
Thánh Kinh Cựu ước.
Bối cảnh Cựu ước là dân tộc Do thái biết rất nhiều thần với những chức năng riêng biệt. Những vị thần này điều hành vũ trụ và sự tuần hoàn của thiên nhiên. Bên Ai-cập những vị thần như Atum, Ré và Amon được coi như những thần sáng tạo tất cả mọi sự. Trong tôn giáo Lưỡng Hà Địa Enlil là thần Khí quyển, còn thần mặt trăng Sin cai quản những việc phụng tự. Đó là những thần về vũ trụ. Còn trong nước, có những vị thần với những chức năng để giữ gìn đất nước hoặc giúp dân đánh giặc, giữ gìn cho dân khỏi đói nghèo hay bệnh tật hoặc động đất, như thân Seth trấn giữ vương quốc miền nam, và Osiris canh giữ miền Bắc bên Ai-cập.
Chung quanh được bao bọc với những chế mẫu đa thần, dân Do thái dần dà đã khai sinh ra độc thần thuyết : "Nghe đây, hỡi Ítraen ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em" (6,4-5). Duy nhất tình này là điều giả định trước về đức tin tối hậu về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa duy nhất của Ítraen có tất cả các chức năng đối với các vị thần ở các nước láng giềng. Ngài là Đấng sáng tạo điều hành vũ trụ và là Thiên Chúa các Đạo binh của dân tộc Ít-ra-en.
Ngoài những chức năng bình thường đó, tư tưởng Do thái giáo về Thiên Chúa duy nhất còn khai triển nhiều về bản tính của Ngài. Thiên Chúa là Đấng siêu việt và là Đấng Thánh. Ngôn sứ Isaia trong thị kiến đã thấy : "Thánh ! Thánh ! Chí Thánh ! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh ! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa..." (6,3-4; xem thêm 40,9-31 và Thánh vịnh 139). Dù đề cao tính cách siêu việt của Thiên Chúa, nhưng Cựu ước cũng nói tới tính nội tại của Ngài. Thiên chúa mạc khải như người Cha của Ít-ra-en. Điều này càng rõ rệt hơn sau biến cố Lưu đày diễn đạt Thiên Chúa kết hÍp dân lại và bao bọc che chở họ : "Người đã phán : Thật, chúng là dân của Ta, là những đứa con không biết lừa dối ! Và đối với họ, Người đã là một vị cứu tinh..."(Isaia 63,8; Thánh Vịnh 103,13; Giêrêmia 3,4.19; 31,9). Thiên Chúa còn là người cha của vua như sách Samuen cuốn thứ hai ghi : "Đối với nó (vương quyền nhà Đa-vít), Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người" (7,14; xem thêm Thánh vịnh 98,27).
Như bước mở đường cho tiến trình đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, Cựu ước còn đưa ra những trung gian diễn đạt sự hiện diện và hành động của Thiên chúa giữa dân tộc tuyển chọn. Sau thời kỳ Lưu đày (năm 538 trước công nguyên), có một số ít văn bản dùng từ "Sứ thần của Giavê" làm trung gian. Thay vì Thiên Chúa trực tiếp nói và làm thì ta thấy "Sứ thần của Giavê" làm như đồng hành cùng dân được tuyển chọn trong bước đường sa mạc (Xuất hành 14,19), giúp đỡ kẻ bị ức hiếp (Sáng thế 16,7; 1Vua 19,5; 2Vua 1,3), bão vệ những người đạo đức (Thánh vịnh 34,8)... Nhiều lúc chúng ta thấy "Sứ thần của Gia-vê" được đồng nhất với Giavê (Sáng thế 31,11.13; Xuất hành 2,3.4...) Dầu sao cũng chưa phải là mạc khải về Thiên Chúa nhưng cách nói này mang hai ý nghĩa : Thiên Chúa là Đấng siêu việt mà ta không nhìn thấy được đúng như bản chất của Ngài; nhưng ta có thể thấy được thần sứ là hình thể Thiên Chúa dùng để cho ta biết và thấy được. Ngoài ra trong những văn bản nói về tư tưởng của Đức Khôn Ngoan như một cá thể khác biệt của Thiên Chúa (sách Khôn Ngoan chương 7,22-8,1). Chúng ta thấy Đức Khôn Ngoan liên kết với Thần Khí và đôi khi còn được đồng hóa với Thần khí của Thiên Chúa : "ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh" (9,17). Trong Cựu ước, "Lời" Thiên Chúa đôi khi cũng được nhân cách hóa như Thánh vịnh 119,89; 147,15... nói lên sự sống sung mản của Thiên Chúa. Theo cái nhìn về lịch sử mạc khải, những điều Cựu ước ám chỉ là những bước sơ khởi về điều mà sau này ta gọi là mầu nhiệm Ba ngôi.
Tất cả những hình ảnh và tư tưởng trên là những khung chuẩn bị cho sự mạc khải mĐu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi trong chặng đường kế tiếp là Tân ước.
Trong Tân ước.
1. Giavê là cha Đức Giêsu.
Bước qua Tân ước, biến cố cơ bản mạc khải là điều Đức Giêsu tỏ lộ Thiên Chúa là cha. Chúng ta thấy, vấn đề quan hệ cha con của Thiên Chúa cũng đã được Cựu ước nhắc đến. Thiên Chúa là cha của Ítraen hay là cha của vị vua thì đó chỉ là những hình ảnh so sánh. Trong Tân ước, Đức Giêsu nhiều lần nói đến Thiên Chúa như người cha nhân lành. Ngài dùng danh từ cha khoảng 170 lần để gọi Thiên Chúa. Dầu sao, ý tưởng rõ rệt nơi đây cần nêu lên là cho dù Đức Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ kêu gọi Thiên Chúa là cha, nhưng Ngài cũng rất rõ ràng cho thấy mối quan hệ giữa Thiên Chúa và Ngài khác hẳn với mối quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người chúng ta. Khi phân tích những đoạn văn tỏ lộ Đức Giêsu dùng từ "Abba", thấy Ngài dùng từ này rất dè dặt và có sự phân biệt rõ ràng giữa những lời phát biểu liên quan đến cương vị riêng Ngài đối với cha mình và những lời phát biểu liên quan đến cương vị của các môn đệ. Bởi vậy, Đức Giêsu gọi : "cha Ta", "cha các anh", nhưng không bao giờ nói "cha chúng ta" như thể tương quan Thiên Chúa Cha của Ngài giống như tương quan Thiên Chúa là cha đối với các môn đệ :"Ta lên cùng cha Ta, và cũng là cha các ngươi, Thiên Chúa của Ta và cũng là Thiên Chúa của các ngươi"(Gioan 20,17). Trong ngôn từ này, Thiên Chúa được trình bày như cha Chúa Giêsu Kitô và là cha các môn đệ; nhưng hai loại quan hệ cha con nơi đây vẫn đưÍc phân biệt rõ ràng bằng thể thức "cha Ta và cha các ngươi". Một lối phân biệt dụng ý tránh lầm lẫn là "cha chúng ta". Mối liên hệ giữa các môn đệ không thể nào đồng nhất hóa với mối liên hệ giữa Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu. Mối tương quan đặc biệt giữa Thiên Chúa cha và người Con được biểu lộ rõ ràng khi Ca sai Con mình đến trần gian để cứu nhân loại (Gioan 3,16), để cho họ trở nên con cái (Galát 4,4-7). Sỡ dĩ Thiên Chúa Cha ban Con Ngài cho nhân loại cũng chỉ vì Ngài yêu thương nhân loại.
Rất có thể mang cùng một ý tưởng có sự khác biệt giữa mối tương quan Thiên Chúa và Đức Giêsu đối với mối tương quan Thiên Chúa và loài người, nên trong Tin Mừng thứ bốn, thánh Gioan có hai từ phân biệt rõ rệt. Tác giả dùng từ "huios = con= fils" dành cho Chúa Kitô và "teknon = con = enfant" dành cho các môn đệ. Hơn nữa, Tin Mừng theo thánh Gioan đặt mốc quan trọng trong tiến trình hình thành tín điều về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngay những hàng chữ đầu trong Lời tựa, tác giả trình bày Đức Kitô như Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy xác phàm (Gioan 1,1-18). Con Thiên Chúa đã đến giữa thế gian mạc khải về Thiên Chúa và ban cho chúng ta sự sống của Chúa.
2. Tương quan giữa Thần Khí, Thiên Chúa và Đức Giêsu.
Tân ước không những nêu rõ mối tương quan mật thiết giữa Đức Kitô và Thiên Chúa Cha, trong Tin Mừng Nhất lãm, mối tương quan giữa Thần Khí và Thiên Chúa cũng đưÍc trình bày theo khuôn mẫu Cựu ước. Đức Giêsu được Thần Khí linh hoạt suốt cuộc đời hoạt động (Mc 1,12; Lc 4,14). Ngài hành động dưới sự tác ứng của Thần Khí khi rao giảng Tin mừng cũng như lúc xua đuổi tà thần. Rồi khi từ giã cõi đời này, Ngài lại bảo đãm với các môn đệ Thần Khí sẽ đến theo lời Thiên Chúa Cha hứa (Lc 24,40; Công vụ 1,4.8). Và chúng ta thấy Thần Khí đã hoạt động trong Giáo hội được ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ 2,1-4.33.38; 5,32; 13,4.9...). Thánh Phaolô là chứng nhân trực tiếp điều đó trong Giáo đoàn tiên khởi. Thần Khí là nguyên ủy những ân huệ đa dạng trong lòng cộng đoàn. Ngài giúp người tín hữu đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa (1Côrintô 1,17-2,16) và cho ta tuyên xưng đức Giêsu là Chúa (1Côrintô 12,3). Theo Tin Mừng Gioan, Thần Khí linh hoạt kẻ tin một cuộc sống bất diệt (3,5.8.15; 6,63; 7,38-39), và giúp họ làm chứng trước sự chống đối của trần gian (15,26-27). Tác giả cũng xác định mối tương quan giữa Thiên Chúa Cha, Đức Kitô và Thần Khí. Thiên Chúa Cha là người gửi Thần khí (14,26) tức chính Ngài là Đấng ban Thần Khí (14,16; 15,26).
3. Những công thức Ba Ngôi.
Chúng ta thấy đó đây trong Tân ước những đoạn văn nêu cùng một lúc Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Những đoạn chính được thấy ở trong bộ thư của Thánh Phaolô như trong thư thứ 1 gửi giáo đoàn Côrintô 12,4-6; thư thứ 2 gửi giáo đoàn Côrintô 13,13 (xem thêm 2Côrintô 1,21-22; Galát 4,6; Êphêxô 2,18.22; cũng như 1 Phêrô : "Tôi là Phêrô, Tông đồ của Đức Giêsu Kitô, kính gửi những người đuÍc Thiên Chúa kén chọn... những người được Thiên Chúa Cha biết trước và kén chọn, những người đuợc Thần khí thánh hóa để vâng phục Đức Giêsu Kitô và được máu Người tưới rảy..."(1,1-2).
1Côrintô 12,4-6 :"có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người". Cộng đoàn Côrintô sống trong bối cảnh hỗn loạn bừa bãi, thánh Phaolô khuyên dạy họ về những ân sủng. Đặc sủng, phục vụ hay hoạt động đều đến từ chung một nguồn đó là Thần Khí, là Chúa (Kitô) và là Thiên Chúa. Thần Khí ở đây rõ ràng là Thần Khí Thiên Chúa mà cũng là Thần Khí của Đức Kitô
2Cô-rin-tô 13,13 :"cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen". Câu văn này đến từ phụng tự thời Giáo hội tiên khởi, và ngày hôm nay chúng ta cũng lấy lại làm lời chào đầu Thánh lễ. Ân sủng đến từ Thiên Chúa như trong thư gửi giáo đoàn Rôma 1,7 :"Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an". Tình thương gắn bó vào Thần Khí theo thư Rôma 5,5 : "Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta", và gắn bó vào với Đức Kitô theo thư thứ 2 Côrintô 5,14 :"tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng : nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết".
Hai trích dẫn trên đây không phải là những dẫn giải chỉ định công thức Ba Ngôi, nhưng tác giải Phaolô đã dùng đến hình ảnh ba từ Cha, Con và Thánh Thần trong kỷ thuật hùng biện cổ điển của thời bấy giờ. Điều quan trọng là chúng ta biết chính Thiên Chúa tác dụng mọi việc trong Đức Giêsu-Kitô qua Thánh Thần.
Được khai triển sau các thư của Phaolô, trong Tin Mừng có công thức rửa tội theo thánh Mátthêu 28,19 :"vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần...". Đây là công thức Ba Ngôi duy nhất trong Tin Mừng nói về phép rửa tội. Danh xưng Ba Ngôi trong câu văn này phát xuất từ phụng tự thánh tẩy đang thịnh hành trong Giáo đoàn thời đó, Mátthêu qua danh xưng này đưa độc giả về lại với tất cả những gì họ đã học biết về Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần suốt cuốn Tin mừng của ông.
Kết luận.
Ngay trong tân ước, chúng ta thấy không có một đoạn nào nói rõ về duy nhất tính về bản tình của Ba Ngôi. Trong Tân ước chỉ có một đoạn duy nhất nói rõ về vấn đề trên là trong thư thứ nhất của thánh Gio-an khi tác giả trình bày về nguồn mạch đức tin, nơi chương 5,7-8 : "có ba chứng nhân : Thần Khí, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều". Ba chứng nhân trên trời là Cha, Con và Thần Khí, và cả ba đồng nhất trí; và có cả ba chứng nhân dưới đất tức Thần Khí, nước và máu và cả ba đều nhất trí. Nhưng đoạn này được coi như thêm vào bản chính văn sau này, vì người ta không thấy trong các thủ bản Hi-lạp cổ cũng như các bản dịch cổ. Đó là những gì các cộng đoàn giáo hữu tiên khởi ở thế kỷ thứ nhất đã suy tư về vấn đề Ba Ngôi. Những chứng từ rải rác trong Cựu ước và Tân ước như đã duyệt qua trên đây cho thấy Thiên Chúa tỏ hiện nơi Đức Giêsu Kitô như một người gần gủi với loài người qua mọi biến cố. Sự hiện diện này vẫn còn thể hiện hôm nay trong Thánh Thần. Tất cả những ý tưởng này sẽ giúp cho những suy tư thần học sau này đi sâu hơn để hoàn thành hợp đề về tín điều Ba Ngôi Thiên Chúa.
Lê Phú Hải omi